Saturday, November 23, 2019

Bài học. Thứ Bảy ngày 23 tháng 11, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 23/11/2019 
11. Tiểu kinh Sư tử hống (Cùlasìhanàda sutta)

214. Nên hiểu thế nào về “chín điều không thể khác hơn”?

Đây là những câu hỏi khi được nêu ra NẾU TRẢ LỜI MỘT CÁCH CHÂN CHÁNH thì những người có trí chỉ có một câu trả lời chứ không có câu thứ hai.

Câu hỏi 1. Cứu cánh là một hay có nhiều? Câu trả lời là chỉ có một. Đã là cứu cánh hay mục đích rốt ráo tối hậu thì không thể có hai hoặc nhiều hơn.

Câu hỏi 2. Cứu cánh ấy cho người có tham hay cho người không tham? Câu trả lời là cho người không tham. Một bậc giải thoát hoàn toàn không thể bị cột trói bởi tham luyến.

Câu hỏi 3. Cứu cánh ấy cho người có sân hay cho người không sân? Câu trả lời là cho người không sân. Một bậc giải thoát hoàn toàn không thể bị cột trói bởi nhiệt não khó chịu.

Câu hỏi 4. Cứu cánh ấy cho người có si hay cho người không si? Câu trả lời là cho người không si. Một bậc giải thoát hoàn toàn không thể bị cột trói bởi mê mờ si ám.

Câu hỏi 5. Cứu cánh ấy cho người có ái, hay cho người không ái? Câu trả lời là cho người không ái. Một bậc giải thoát hoàn toàn không thể bị cột trói bởi khao khát truy cầu.

Câu hỏi 6. Cứu cánh ấy cho người có chấp thủ, hay cho người không chấp thủ? Câu trả lời là cho người không chấp thủ. Một bậc giải thoát hoàn toàn không thể bị cột trói bởi cố chấp.

Câu hỏi 7. Cứu cánh ấy cho người có trí hay cho người không có trí? Câu trả lời là cho người có trí. Một bậc giải thoát hoàn toàn không thể bị cột trói bởi thiếu trí.

Câu hỏi 8. Cứu cánh ấy cho người thuận ứng, nghịch ứng hay cho người không thuận ứng, không nghịch ứng? Câu trả lời là cho người không thuận ứng, không nghịch ứng. Một bậc giải thoát hoàn toàn không thể bị cột trói và giằng co giữa cái thích và cái không thích.

Câu hỏi 9. Cứu cánh ấy cho người ưa hý luận, thích hý luận hay cho người không ưa hý luận, không thích hý luận? Câu trả lời là cho người không hý luận. Một bậc giải thoát hoàn toàn không thể bị cột trói bởi tâm thái phóng đại lan man. Chữ papañca ở đây dịch là hý luận có thể bị hiểu lầm là thích luận đàm vô bổ. Thật ra từ nầy chỉ cho sự khuyếch tán miên man của nội tâm đối lập với niệm và định.

215. Nên hiểu thế nào về “hai sở chấp cần vượt thoát”?

Hai sở chấp là chấp có và chấp không. 

Chấp có là sự bám víu vào quan niệm hằng hữu hay thường kiến về thế giới nầy: phải có cái gì đó tồn tại bất biến với thời gian.

Chấp không là sự phủ nhận tất cả hay đọan kiến: tất cả đều là không.

Phật pháp dạy cuộc sống là sự hiện hữu của dòng sinh diệt tiếp nối theo định lý duyên khởi. Cả hai quan niệm chấp hữu và chấp vô đều là cực đoan phiến diện mang tính đối đãi. Hơn thế nữa như chánh kinh nói về hệ quả trước mắt của hai sở chấp là:  “những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chấp trước hữu kiến, thân thiết hữu kiến, cố chấp hữu kiến; những vị ấy bị chướng ngại đối với phi hữu kiến. Chư Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chấp trước phi hữu kiến, thân thiết phi hữu kiến, cố chấp phi hữu kiến; những vị ấy bị chướng ngại bởi hữu kiến”. 

216. Nên hiểu thế nào về “bốn thủ cần tháo gỡ”?

Đó là bốn câu chấp khiến chúng sanh bị kẹt trong sanh tử, không giải thoát được.

Dục thủ là sự chấp chặt vào dục lạc như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm..

Kiến thủ là sự chấp chặr vào quan niệm, định kiến, cái nhìn cố hữu.

Giới cấm thủ là sự chấp chặt vào những hành trì mang tánh tín ngưỡng dân gian vốn vô ích lại làm hỏng niềm tin nhân quả, tin ở sự hợp lý trong nếp sống nội tâm.

Ngã luận thủ là sự chấp chặt vào ý nghĩa về của ta,về ta, và tự ngã của ta.

217. Ba trọng điểm được đề cập là: chín điều không thể khác hơn, hai sở chấp cần vượt thoát, bốn thủ cần tháo gỡ liên quan gì tới bốn bậc sa môn?

Những thánh quả không phải là địa vị ban phong mà là sự giác ngộ chân tương và giải thoát trói buộc. Ba phạm trù được Đức Phật dạy trong bài kinh nầy khẳng định tu tập là một hành trình bao gồm cả tâm giải thoát và tuệ giải thoát với phương thức mà không một ngoại giáo nào có được. Và tuyên bố đó là khẳng định của chánh pháp vô uý. Là tiếng rống của Sư vương giữa muôn thú.



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Người tu thường có quan niệm mạnh sẽ về niềm tin của mình nhưng làm thế nào để không rơi vào chấp thủ? - TT Pháp Đăng 

Thảo luận 2. Tại sao giáo lý duyên khởi nằm ngoài hữu kiến và phi hữu kiến? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Người tu tập có cần hướng đến cứu cánh tối hậu hay chỉ sống hiền thiện là đủ? - TT Tuệ Quyền 

Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận




 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment