Sunday, December 23, 2018

Bài học. Chủ Nhật ngày 23 tháng 12, 2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 22/12/2018 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP HAI CHI phần A
 
Trong những con số của pháp số thì pháp hai chi hàm chứa nhiều tranh luận. Con số hai mang tính đối đãi, đối lập, đối xứng.  Thế giới của đối đãi – hay nhị nguyên - thường được hiểu là những gì thuộc hiệp thế hoặc ở phương diện khác thuộc thi thiết đối ngược với đệ nhất nghĩa đế. 
Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt qua Ngài Long Thọ (Nagarjuna) và Thánh Thiên (Aryadeva) nhấn mạnh quan điểm trung quán ( Madhyamaka) – hay bất nhị (Advaya) như cái nhìn vượt ngoài phạm trù thi thiết. Đôi khi người ta xem đó là giáo lý tuyệt đối (mặc dù tuyệt đối cũng đối đãi với tương đối …)

Kinh điển Phật giáo Nguyên Thuỷ thường không đồng tình với giáo lý bất nhị của bà la môn giáo (như phiền não tức bồ đề) nhưng cũng không phủ pháp nằm ngoài đối đãi. Có thể nói kinh điển Pàli ghi lại sự phủ định đối với tứ cú (có, không, vừa có vừa không, không có cũng không không) nhưng phương thức ứng dụng thực tiễn luôn được nhấn mạnh. (dụ ngôn người bị trúng tên được xem là đặc trưng). Khái niệm về tứ cú bách phi do vậy có thể là một cực đoan.
Phần nói về pháp hai chi ở đây phần lớn chứa đựng pháp đối xứng hơn là đối đãi hay đối lập. 

2.1. Danh (nāma) và sắc (rūpa)
 Danh – cái gì có tên gọi mà không có hình tướng - chỉ cho tâm thức. Sắc ở đây không phải chỉ là những gì mắt thấy mà tất cả hiện tượng vật chất.
2.2. Vô minh (avijjā) và hữu ái (bhavataṇhā)
Vô minh là chỉ cho cái nhìn thiếu vắng tuệ giác tức không thấy rõ thực chất  khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ, con đường đưa tới diệt khổ. Hữu ái ở đây chỉ cho sự ái chấp đối với hiện hữu, tiêu biểu là ngã chấp. 
2.3 Hữu kiến (bhavadiṭṭhi) và vô hữu kiến (vibhavadiṭṭhi) sở chấp về hai phạm trù có và không như thực tại tuyệt đối.

CHÁNH KINH
Hai pháp
9. Này các Hiền giả, có hai pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là hai pháp?
i) Danh và sắc.
ii) Vô minh và hữu ái.
iii) Hữu kiến và vô hữu kiến.
iv) Vô tàm và vô quý.
v) Tàm và quý.
vi) Ác ngôn và ác hữu.
vii) Thiện ngôn và thiện hữu.
viii) Nhập tội thiện xảo và xuất tội thiện xảo.
ix) Ðẳng chí thiện xảo và xuất khởi đẳng chí thiện xảo.
x) Giới thiện xảo và tác ý thiện xảo.
xi) Xứ thiện xảo và duyên khởi thiện xảo.
xii) Thiện xảo về xứ và thiện xảo về phi xứ.
xii) Chơn trực và tàm quý.
xiv) Kham nhẫn và nhu hòa.
xv) Lời nói nhu thuần và tiếp đón thân tình.
xvi) Vô hại và từ ái.
xvii) Thất niệm và bất chánh tri.
xvii) Chánh niệm và tỉnh giác.
xix) Các căn không được chế ngự và ăn uống không tiết độ.
xx) Các căn được chế ngự và ăn uống có tiết độ.
xxi) Tư duy lực và tu tập lực.
xxii) Niệm lực và định lực.
xxiii) Chỉ và quán.
xxiv) Chỉ tướng và tinh cần tướng.
xxv) Tinh cần và không dao động.
xxvi) Giới thành tựu và kiến thành tựu.
xxvii) Giới suy khuyết và kiến suy khuyết.
xxxiii) Giới thanh tịnh và kiến thanh tịnh.
xxix) Kiến thanh tịnh và tinh cần theo tri kiến ấy.
xxx) Dao động đối với các pháp bị dao động và chánh tinh cần của người bị dao động ấy.
xxxi) Không tri túc với các thiện pháp và không thối thất trong tinh cần.
xxxii) Minh tri và giải thoát.
xxxiii) Tận tri và vô sanh trí.
Này các Hiền giả, hai pháp này được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Sự phân biệt danh sắc trong thiền quán tứ niệm xứ quan trọng thế nào? - TT Pháp Tân


Thảo luận 2. Phải chăng đối với người đời thì sự hiểu biết về vật chất là quan trọng (thí dụ những nghiên cứu về vật lý, y học..) nhưng đối với người tu Phật thì sự hiểu biết về danh pháp (tâm thức) quan trọng hơn? - TT Pháp Tân


Thảo luận 3. Ý nghĩa của những câu "tứ đại giai không" hay "ngũ uẩn giai không" có nằm trong "vô hữu kiến" ?


 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Chữ danh trong danh sắc (nàmarùpa) bao gồm điều nào sau đây: 
A. Tâm thức / 
B. Thọ, tưởng, hành, thức/
 C. Thành phần phi vật chất của chúng sanh / 
D. Cả ba câu trên

TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 1. D

Trắc nghiệm 2. Chữ sắc trong danh sắc (nàmarùpa) không phải là ý nghĩa của điều nào sau đây?
 A. Dung sắc / 
B. Sắc bén / 
C. Cả hai câu A và B đều đúng nghĩa / 
D. Cả hai câu A và B đều không đúng nghĩa

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 2: D

Trắc nghiệm 3. Câu nào sau đây được xem là đúng khi nói về vô minh? 
A. Vô minh nói chính xác về chi pháp là thuộc tánh si hay tâm sở si / 
B. Vô minh là sự không ý thức về sự khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ, con đường đưa đến diệt khổ /
 C. Vô minh và ái là hai đầu mối phiền não theo giáo lý duyên khởi / 
D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 3: D

Trắc nghiệm 4. Khi chúng ta dự phóng về tương lai “mình sẽ thế nầy hay không như thế kia” thì điều nào sau đây là vấn đề?
 A. Nghèo nàn vì trí tưởng tựng (như một đứa trẻ nghĩ khi lớn lên mình sẽ thành một bác sĩ thú y) / 
B. Đóng khung (tôi sẽ chỉ như vậy không muốn khác hơn) /
 C. Không nhận thức đặc tính vô ngã (ý muốn không quyết định tất cả)/ 
D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 4: D

TT Giác Đẳng giảng thêm về câu trắc nghiệm 4

No comments:

Post a Comment