Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 5/12/2018
29. Kinh Thanh tịnh (Pàsàdika sutta)
ĐIỂM MẤU CHỐT: NGÃ KIẾN VÀ THẾ GIỚI
ĐẠI Ý
Thế giới quan qua lời dạy của Đức Phật có thể nói nằm trong hai chữ: thực tiễn. Có thể hiểu một cách ngắn gọn là : đối với người bệnh thì việc chữa bệnh là thực tiễn. Phải nhận rõ mấu chốt của những gì Phật dạy là:” liên hệ đến lợi ích, liên hệ đến Pháp, liên hệ đến căn bản phạm hạnh, vì nhất định hướng đến yểm ly, vô tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết bàn”.
Đức Phật cũng dạy rõ vấn đề sâu xa của chúng sanh là ngã kiến. Một người bị trúng tên không cho y sĩ nhỗ mũi tên ra nếu không biết người bắn là ai, tại sao bắn mình… thì sẽ chết vì không hiểu tính cấp thiết của việc trị liệu.
Ngã kiến biểu hiện qua nhiều dạng thức:
Tôi bắt đầu hiện hữu ra sao ở quá khứ (quá khứ tối sơ) hay ai tạo ra tôi? trước đó là gì?
Cái tôi thật sự là gì? (hình sắc, trạng thái ra sao)
Tôi có tồn tại xuyên qua thời gian (dưới dạng của một linh hồn trường cữu)?
Vui khổ của tôi do tôi tạo hay do “ai đó” tạo thành?
Có phải nhận thức là bản ngã hay không phải? (như: tôi suy tư nên tôi hiện hữu)
Tất cả những suy tư, lập thuyết, quan điểm đối chiếu với ngã đều sai lầm. Đức Phật dạy nên nhìn bằng cái nhìn vượt ngoài định kiến: ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích nhiếp phục tham, sân ở đời, sống quán thọ trên các cảm thọ... trong các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích nhiệp phục tham ưu ở đời.
Chữ “pàsàdika” tên của bài kinh nầy nên dịch là “làm cho phấn khích” hay “tác động tâm lý” hơn là “thanh tịnh”.
CHÁNH KINH
[Mấu chốt của giáo pháp]
33. Này Cunda, sự kiện này có thể xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: "Này Hiền giả, vì sao Thế Tôn lại nói vậy?" Này Cunda, được nói như vậy, Ngươi phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo như sau: "Này Hiền giả, vì liên hệ đến lợi ích, liên hệ đến Pháp, liên hệ đến căn bản phạm hạnh, vì nhất định hướng đến yểm ly, vô tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết bàn. Do vậy, Thế Tôn mới nói."
[Ngã kiến và quá khứ]
34. Này Cunda, mọi biện luận về các tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ, những biện luận nào đáng nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi. Còn những biện luận nào không đáng nói cho các Ngươi, sao Ta lại sẽ nói cho các Ngươi? Này Cunda, mọi biện luận về các tà kiến liên hệ đến tương lai, những biện luận nào đáng nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi. Còn những biện nào không đáng nói cho các Ngươi, sao Ta lại sẽ nói cho các Ngươi?
Này Cunda, thế nào là những biện luận về tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ, những biện luận nào đáng nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi, và những biện luận không đáng nói cho các Ngươi? Này Cunda, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: "Bản ngã và thế giới là thường còn, như vậy là đúng sự thực, ngoài ra là sai lầm". Có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau:
"Bản ngã và thế giới là không thường còn...
"Bản ngã và thế giới là thường còn và không thường còn...
"Bản ngã và thế giới là không thường còn và không không thường còn...
"Bản ngã và thế giới là do mình tự tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là do người khác tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là do mình tạo ra và do người khác tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là không do mình tự tạo ra và cũng không phải không do mình tự tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là tự nhiên sanh, không do mình tự tạo ra, không do người khác tạo ra. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra sai lầm.
"Lạc, khổ là thường còn...
"Lạc, khổ là vô thường...
"Lạc, khổ là thường còn và vô thường...
Lạc, khổ là không thường còn và không vô thường
"Lạc, khổ là do tự mình tạo ra...
"Lạc, khổ là do người khác tạo ra...
"Lạc, khổ là do tự mình tạo ra và do người khác tạo ra...
"Lạc, khổ là do tự nhiên sanh, không do mình tự tạo ra, không do người khác tạo ra. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra đều là sai lầm".
35. Này Cunda, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào có quan điểm như sau, có tri kiến như sau: "Bản ngã và thế giới là thường còn, như vậy là đúng sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Ta đến những vị ấy và nói: "Này Hiền giả có phải Hiền giả nói rằng: "Bản ngã và thế giới là thường còn" không?" Nếu các vị ấy trả lời: "Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra đều là sai lầm", thì Ta không chấp nhận như vậy. Tại sao vậy? Có một số hữu tình có những tư tưởng sai khác. Ta cũng không xem quan điểm ấy ngang bằng quan điểm của Ta, chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây Ta cao hơn về thượng trí.
36. Này Cunda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có quan điểm như sau, có tri kiến như sau:
"Bản ngã và thế giới là thường còn...
"Bản ngã và thế giới là không thường còn...
"Bản ngã và thế giới là thường còn và không thường còn...
"Bản ngã và thế giới là không thường còn và không không thường còn...
"Bản ngã và thế giới là do mình tự tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là do người khác tạo ra...
"Bản ngã và thế giới là do tự mình tạo ra và do người khác tạo ra..."
"Bản ngã và thế giới là do tự mình tạo ra và không do người khác tạo ra.
"Bản ngã và thế giới do tự nhiên sanh, không do mình tự tạo, không do người khác tạo ra...
"Lạc, khổ là thường còn...
"Lạc, khổ là vô thường...
"Lạc, khổ là thường còn và vô thường...
"Lạc, khổ không thường còn và không vô thường...
"Lạc, khổ là tự mình tạo ra...
"Lạc, khổ là tự người khác tạo ra...
"Lạc, khổ là tự mình tạo ra và tự người khác tạo ra...
"Lạc, khổ là tự nhiên sanh, không tự mình tạo ra và không do người khác tạo ra. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra đều là sai lầm".
Ta đến những vị ấy và nói: Này Hiền giả, có phải Hiền giả nói rằng: "Lạc, khổ là tự nhiên sanh, không tự mình tạo ra và không do người khác tạo ra?" Nếu các vị ấy trả lời: "Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra đều là sai lầm", thì Ta không chấp nhận như vậy. Tại sao vậy? Có một số hữu tình có những ý tưởng sai khác. Này Cunda Ta cũng không xem quan điểm ấy ngang bằng quan điểm của Ta, chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây Ta cao hơn về thượng trí. Này Cunda, những biện luận về các tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ này, biện luận nào đáng nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi. Còn những biện luận nào không đáng nói cho các Ngươi, sao Ta lại sẽ nói cho các Ngươi?
[Ngã kiến và tương lai]
37. Này Cunda, thế nào là những biện luận về tà kiến liên hệ đến tương lai, những biện luận nào đáng nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi; và những biện luận không đáng nói cho các Ngươi?
Này Cunda, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: "Bản ngã là có sắc, không bệnh, sau khi chết. Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm".
Lại nữa này Cunda, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau:
"Bản ngã là vô sắc...
"Bản ngã là có sắc và vô sắc...
"Bản ngã là không có sắc và không vô sắc...
"Bản ngã là có tưởng...
"Bản ngã là vô tưởng...
"Bản ngã là có tưởng và vô tưởng...
"Bản ngã là không có tưởng và không vô tưởng...
"Bản ngã là đoạn diệt, biến hoại, sau khi chết không có tồn tại. Như vậy là đúng sự thật ngoài ra là sai lầm".
38. Này Cunda, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào có quan điểm như sau, có tri kiến như sau: "Bản ngã là có sắc, không bệnh sau khi chết. Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm", Ta đến những vị ấy và nói: "Này Hiền giả có phải Hiền giả có nói: "Bản ngã là có sắc, không có bệnh sau khi chết?" Nếu các vị ấy trả lời: "Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm", thì Ta không chấp nhận như vậy. Tại sao vậy? Này Cunda, vì có một số hữu tình có những tư tưởng sai khác. Này Cunda, Ta cũng không xem quan điểm ấy ngang bằng quan điểm của Ta, chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây, Ta cao hơn về thượng trí.
39. Này Cunda, có những Sa-môn, Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau:
"Bản ngã là có sắc...
"Bản ngã là vô sắc...
"Bản ngã là có sắc và vô sắc...
"Bản ngã là không có sắc và không vô sắc...
"Bản ngã là có tưởng...
"Bản ngã là vô tưởng...
"Bản ngã là có tưởng và vô tưởng...
"Bản ngã là không có tưởng và không vô tưởng...
"Bản ngã là đoạn diệt, biến hoại, sau khi chết không có tồn tại. Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm".
Ta đến những vị ấy và nói: "Này Hiền giả, có phải Hiền giả nói rằng: "Bản ngã là đoạn diệt biến hoại, sau khi chết không có tồn tại?" Này Cunda, nếu những vị ấy nói: "Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm", thì Ta không chấp nhận như vậy. Tại sao vậy? Vì có một số hữu tình có những tư tưởng sai khác. Này Cunda, Ta cũng không xem quan điểm ấy ngang bằng quan điểm của Ta chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây, Ta cao hơn về thượng trí. Này Cunda, những biện luận về những tà kiến liên hệ đến tương lai, những biện luận nào đáng nói cho các Ngươi, Ta đã nói cho các Ngươi. Còn những biện luận nào không đáng nói cho các Ngươi, sao Ta lại sẽ nói cho các Ngươi?
[Cái nhìn nằm ngoài ngã kiến]
40. Này Cunda, với mục đích đoạn trừ và vượt qua những biện luận về các tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ này và các biện luận về các tà kiến liên hệ đến tương lai này, mà bốn pháp Niệm xứ được ta tuyên thuyết, trình bày. Thế nào là bốn? Này Cunda, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích nhiếp phục tham, sân ở đời, sống quán thọ trên các cảm thọ... trong các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích nhiệp phục tham ưu ở đời. Này Cunda, với mục đích đoạn trừ và vượt qua các biện luận về các tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ này và các biện luận về các tà kiến liên hệ đến tương lai này mà bốn Niệm xứ được Ta truyền thuyết trình bày.
41. Lúc bấy giờ, Tôn giả Upavàna đang đứng sau lưng hầu quạt Thế Tôn. Tôn giả Upavàna bạch Thế Tôn:
- Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, pháp thoại này thật là thanh tịnh! Bạch Thế Tôn, pháp thoại này thật là tuyệt đối thanh tịnh! Bạch Thế Tôn, pháp thoại này tên là gì?
- Này Upavàna, pháp thoại này là Thanh tịnh (Pàsàdikà), hãy như vậy mà phụng trì.
Thế Tôn thuyết dạy như vậy. Tôn giả Upavàna hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Tại sao quan niệm về ngã sở, ngã, mạn tùy miên ( đây là của ta, là ta, là tự ngã của ta) luôn ám ảnh cái nhìn của chúng sanh? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 1. Trong đọan kinh hôm nay Đức Phật khẳng định lời dạy của Ngài là những pháp “liên hệ đến lợi ích, liên hệ đến Pháp, liên hệ đến căn bản phạm hạnh, nhất hướng yểm ly, vô tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết bàn” vậy những lời dạy về làm thiện tạo phước báu ở cảnh giới nhân thiên có nằm trong pháp của Phật dạy chăng? - TT Tuệ Quyền
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Những điều nào sau đây theo Phật pháp đều nằm trong cơ sở của ngã kiến?
A. Thượng đế (lập thuyết về quá khứ tối sơ) /
B. Chân ngã (Bản ngã là sắc hay vô sắc, hữu tưởng hay vô tưởng) /
C. Vườn địa đàng được tái lập (tương lai sẽ hạnh phúc thế nầy, thế kia) /
D. Cả ba điều trên
TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 1: D.
Trắc nghiệm 2. Câu nào sau đây cho thấy có những lúc “ngã chấp vắng mặt” khiến chúng sanh an lạc hơn phiền não?
A. Trong lúc đàm luận đặt trọng tâm điểm nào hợp lý hơn là ai hợp lý /
B. Làm công quả trong chùa chỉ nghĩ tới lợi ích chung chứ không cần ai khen /
C. Hiểu được thực tướng vô thường, khổ não, vô ngã không phải chỉ dành riêng cho một người, một xứ mà phổ quát chung đối với chúng sanh ba cõi, bốn loài. /
D. cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Đăng cho đáp án trắc nghiệm 2: D.
No comments:
Post a Comment