Wednesday, December 12, 2018

Bài học. Thứ Tư ngày 12 tháng 12, 2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Pháp Đăng

GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 12/12/2018 
31. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt
(Singàlovàda sutta)

 
NẾP SỐNG LÀNH MẠNH
 
Nếp sống hiền thiện có thể tóm tắt trong Phật ngôn “đối với vị Thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân để phung phí tài sản.” 
Vị này, nhờ từ bỏ mười bốn ác pháp,” trở thành vị có khả năng che chở sáu phương; vị này thực hành để chiến thắng hai đời: đời này và đời sau; sau khi thân hoại mạng chung sanh ở thiện thú thiên giới.”
Bốn nghiệp phiền não (kammakilesa) là: nghiệp phiền não sát sanh, nghiệp phiền não trộm cắp, nghiệp phiền não tà dâm, nghiệp phiền não nói láo. 
Bốn nguyên do bất thiện tạo nghiệp:  do ưa thích mà tạo nghiệp, do ghét bỏ mà tạo nghiệp, do mê si mà tạo nghiệp, do sợ hãi mà tạo nghiệp. 
Sáu nguyên nhân phung phí tài sản: nghiện ngập rượu chè; la cà đường phố phi thời; lân la những chốn ăn chơi;  đam mê cờ bạc; giao du bạn xấu; quen sống biếng nhác. Đức Phật cũng nêu rõ chi tiết về hậu quả của sáu nguyên nhân dẫn tới hao tài tốn của nầy. 
Một học giả danh tiếng đương đại của Phật giáo, tỳ kheo Bodhi, khi chú thích bài kinh nầy đã thốt lên câu nói: với một đấng quân vương từ bỏ ngai vàng trở thành một sa môn cao cả nếu không phải là một vị Phật toàn giác thì khó có thể có những lời dạy tường tận chân xác về nếu sống quen thuộc hằng ngày  của những người bình thường. 
CHÁNH KINH

[Nếp sống lành mạnh]
Singàlaka, gia chủ tử vâng lời Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:
3. - Này Gia chủ tử, đối với vị Thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân để phung phí tài sản. Vị này, nhờ từ bỏ mười bốn ác pháp, trở thành vị che chở sáu phương; vị này đã thực hành để chiến thắng hai đời, vị này đã chiến thắng đời này và đời sau. Sau khi thân hoại mạng chung, vị này sanh ở thiện thú, Thiên giới.
Thế nào là bốn nghiệp phiền não đã được diệt trừ? Này Gia chủ tử, đó là nghiệp phiền não sát sanh, nghiệp phiền não trộm cắp, nghiệp phiền não tà dâm, nghiệp phiền não nói láo. Bốn nghiệp phiền não này đã được trừ diệt.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
4. Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Sát sanh và trộm cắp,
Nói láo, lấy vợ người,
Kẻ trí không tán thán,
Những hạnh nghiệp như vậy.
5. Thế nào là không làm ác nghiệp theo bốn lý do? Ác nghiệp làm do tham dục, ác nghiệp làm do sân hận, ác nghiệp làm do ngu si, ác nghiệp làm do sợ hãi. Này Gia chủ tử, vì vị Thánh đệ tử không tham dục, không sân hận, không ngu si, không sợ hãi, nên không làm ác nghiệp theo bốn lý do.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
6. Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Ai phản lại Chánh pháp,
Vì tham, sân, bố, si,
Thanh danh bị sứt mẻ
Như mặt trăng đêm khuyết.
Ai không phản Chánh pháp,
Vì tham, sân, bố, si,
Thanh danh được tròn đủ,
Như mặt trăng đêm đầy.
7. Thế nào là không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản? Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám hí viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Ðam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du ác hữu là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản.
8. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, và thứ sáu là trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sau nguy hiểm như vậy.
9. Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm: Tự mình không được che chở hộ trì, vợ con không được che chở hộ trì, tài sản không được che chở hộ trì, bị tình nghi là tác giả các ác sự, nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não. Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm như vậy.
10. Này Gia chủ tử, la cà những chốn ăn chơi có sáu nguy hiểm: Luôn luôn tìm xem chỗ nào có múa, chỗ nào có ca, chỗ nào có nhạc, chỗ nào có tán tụng, chỗ nào có nhạc tay, chỗ nào có trống. Này Gia chủ tử, la cà những chốn ăn chơi  có sáu nguy hiểm như vậy.
11. Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm: Nếu thắng thì sanh oán thù, nếu thua thì tâm sanh sầu muộn, tài sản hiện tại bị tổn thất, tại hội trường (pháp đình) lời nói không hiệu lực, bằng hữu đồng liêu khinh miệt, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm vì người đam mê cờ bạc không xứng để có vợ. Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như vậy.
12. Này Gia chủ tử, thân cận các ác hữu có sáu nguy hiểm: Những kẻ cờ bạc, loạn hành, nghiện rượu, những kẻ trá ngụy, lường gạt, bạo động là những người bạn, là những thân hữu của người ấy. Này Gia chủ tử, thân cận ác hữu có sáu nguy hiểm như vậy.
13. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: "quá lạnh", không làm việc; "quá nóng", không làm việc; "quá trễ" không làm việc; "quá sớm", không làm việc; "tôi đói quá", không làm việc; "tôi quá no", không làm việc. Trong khi những công việc phải làm lại không làm. Tài sản chưa có không xây dựng lên, tài sản có rồi bị tiêu thất. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm như vậy. Thế Tôn thuyết giảng như vậy.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Tại sao bốn nguyên nhân của hành động: vì thương, vì ghét, vì si mê và vì hèn nhát được đặc biệt nêu lên đối với sinh hoạt của người cư sĩ ? - TT Pháp Tân

Thảo luận 2. Khi Đức Phật dạy : Sáu nguyên nhân phung phí tài sản: nghiện ngập rượu chè; la cà đường phố phi thời; lân la những chốn ăn chơi; đam mê cờ bạc; giao du bạn xấu; quen sống biếng nhác thì những điều nầy còn ứng hợp với nếp sống xã hội hôm nay chăng? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 3. Những lời dạy của Đức Phật trong bài kinh nầy khác với “điều răn của các tôn giáo” thế nào? (thí dụ đoạn: Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, và thứ sáu là trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sau nguy hiểm như vậy). - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 4. Đức Phật dạy: Quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: "quá lạnh", không làm việc; "quá nóng", không làm việc; "quá trễ" không làm việc; "quá sớm", không làm việc; "tôi đói quá", không làm việc; "tôi quá no", không làm việc. Trong khi những công việc phải làm lại không làm. Tài sản chưa có không xây dựng lên, tài sản có rồi bị tiêu thất. Như vậy những điều: "quá lạnh", không làm việc; "quá nóng", không làm việc; "quá trễ" không làm việc; "quá sớm", không làm việc; "tôi đói quá", không làm việc; "tôi quá no" là nguyên nhân hay hệ quả của lười biếng? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 5. Những lời dạy của Đức Phật về đời sống lành mạnh của cư sĩ bao gồm: bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân để phung phí tài sản phải chăng bao gồm cả hai “hiện tượng và bản chất”? - TT  Pháp Tân

Thảo luận 6. Phật ngôn: Người từ bỏ mười bốn ác pháp,” trở thành vị có khả năng che chở sáu phương; cách sống chiến thắng hai đời: đời này và đời sau; sau khi thân hoại mạng chung sanh ở thiện thú thiên giới.” nên được hiểu thế nào? Phải chăng chỉ có người từ bỏ mười bốn bất thiện pháp mới cưu mang được “sáu phương”? - TT Tuệ Quyền

 Thảo luận 7. Những lời Phật dạy ở đây đã đủ thực tiễn, cụ thể cho nếp sống lành mạnh của người cư sĩ? - ĐĐ Nguyên Thông



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment