Monday, December 3, 2018

Bài học. Thứ Hai ngày 3 tháng 12, 2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Giác Đẳng 

GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 3/12/2018 
29. Kinh Thanh tịnh (Pàsàdika sutta) 
NHỮNG HOÀI NGHI VỀ TRI KIẾN NHƯ LAI
ĐẠI Ý
 
Sau khi bước qua ngưỡng cửa của niềm tin, tín đồ các tôn giáo thường có những khao khát vì tri thức: Quá khứ đã là gì, tương lai ra sao, hiện tại thế nào. Biết thế nào gọi là thoả mãn và không rõ thế nào dẫn đến hoài nghi. Từ những ước muốn được biết dẫn tới tranh luận và hoang tưởng. Người ta muốn biết cái gì ở thế giới mông lung bên kia hơn là hơi thở ra hay vào; muốn biết mình đã là ai và sẽ về đâu hơn là làm thế nào để sống với hiện tại; muốn biết chân ngã là gì thay vì chấp nhận sống với sự thật hiển nhiên.
Một số ngoại đạo tin rằng Đức Phật biết những gì thuộc tiền kiếp nhưng không rõ biết tương lai nên đã không trả lời câu hỏi Như Lai tồn tại hay không tồn tại sao khi chết. Đức Phật nói rõ: thân năm uẩn Ngài đang có là thân cuối cùng. Câu trả lời dừng lại ở đó. 
Cũng có những luận thuyết về quá khứ, vị lai và hiện tại về thế giới, chúng sanh .. Đức Phật minh định:nếu những gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai tùy thời thích hợp trả lời câu hỏi ấy.
Để hiểu lời Phật dạy cần hiểu rõ Ngài là ai. Đức Phật khẳng định Như Lai là bậc toàn tri:  Này Cunda, trong thế giới này với chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, những gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được phân biệt, được đạt đến, được tìm cầu, được suy đạt với ý, tất cả đều được Như Lai biết rõ. Do vậy mới gọi là Như Lai. 
Ngài đã ngộ sự thật và truyền dạy nhất quán từ đầu tới cuối chứ không lập thuyết và phát triển tư tưởng theo thời gian: Này Cunda, trong thời gian giữa đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Ðẳng Giác và đêm Như Lai nhập Vô dư y Niết-bàn giới, trong thời gian ấy, những gì Như Lai nói trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả là như vậy, chớ không gì khác. Do vậy mới gọi là Như Lai. 
Thế Tôn là bậc tri hành hợp nhất: Này Cunda, Như Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy nên được gọi là Như Lai. 
Và do vậy Như Lai là bậc tối tôn ở đời: Ðối với thế giới với chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc Toàn Thắng, không ai có thể thắng nổi, bậc Toàn kiến, bậc Tự Tại.

CHÁNH KINH
[Vấn nạn tương lai và lời giải thích]
27. Này Cunda, sự kiện này có thể xảy ra. Các du sĩ ngoại đạo có thể nói như sau: "Ðối với quá khứ, Sa-môn Gotama có tri kiến siêu việt. Nhưng đối với tương lai, Sa-môn Gotama không có tri kiến siêu việt; như sự việc xảy ra như thế nào và vì sao lại xảy ra như vậy?" Như vậy, các vị du sĩ ngoại đạo này chủ trương rằng tri kiến về vấn đề này có thể được trình bày nêu rõ bởi tri kiến một vấn đề khác, như những kẻ ngu si, không thông minh khác. Này Cunda, về vấn đề quá khứ, Như Lai có thể nhớ đến đời sống quá khứ. Ngài muốn như thế nào, Ngài có thể nhớ xa được như vậy. Về vấn đề vị lai, Như Lai có trí do tuệ sanh: "Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn đời sống nào khác nữa".

[Tri thức và tỉnh thức đối với thực tại]
28. Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là hư vọng, không thật, không lợi ích, Như Lai không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là chơn chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai cũng không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết thời trả lời câu hỏi ấy.
Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là hy vọng, không thật, không lợi ích, Như Lai không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là chơn chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai cũng không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết thời trả lời câu hỏi ấy một cách vắn tắt.
Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là hư vọng, không thật, không lợi ích, Như Lai không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại và chơn chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai cũng không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết thời trả lời câu hỏi ấy. Như vậy, này Cunda, đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai là vị nói phải thời nói chơn chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Do vậy mới gọi là Như Lai.
[Như lai đúng là bậc Như lai]
29. Này Cunda, trong thế giới này với chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, những gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được phân biệt, được đạt đến, được tìm cầu, được suy đạt với ý, tất cả đều được Như Lai biết rõ. Do vậy mới gọi là Như Lai. Này Cunda, trong thời gian giữa đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Ðẳng Giác và đêm Như Lai nhập Vô dư y Niết-bàn giới, trong thời gian ấy, những gì Như Lai nói trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả là như vậy, chớ không gì khác. Do vậy mới gọi là Như Lai. Này Cunda, Như Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy nên được gọi là Như Lai. Ðối với thế giới với chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc Toàn Thắng, không ai có thể thắng nổi, bậc Toàn kiến, bậc Tự Tại.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Đức tánh chân thật (làm sao nói vậy, nói sao làm vậy) có liên hệ gì với khả năng giác ngộ sự thật? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Sống với hiện tại như cách sống của một người tu thiền quán có rơi vào lầm lỗi "Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu" (người không lo xa ắt có buồn gần)? - TT Pháp Đăng


Thảo luận 3. Có một ý nghĩa về Như Lai là bậc nhất quán trong lời nói: “trong thời gian giữa đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Ðẳng Giác và đêm Như Lai nhập Vô dư y Niết-bàn giới, trong thời gian ấy, những gì Như Lai nói trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả là như vậy, chớ không gì khác. Do vậy mới gọi là Như Lai”. Điều đó có ý nghĩa gì với người tu Phật? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 4. Tại sao đau khổ là một sự thật vi diệu? - ĐĐ Pháp Tín


 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Câu nào sau đây không thể xem là chính xác theo Phật học? 
A. Đã là chân lý thì luôn cao cả /
 B. Không phải sự thật nào cũng lợi lạc / 
C. Sự thật cao cả theo Phật học là sự thật về khổ, sự thật về nhân sanh khổ, sự thật về diệt khổ, sự thật về con đường đưa đến diệt khổ/
 D. Có sự thật phải lãnh hội bằng tuệ giác, và do vậy, đoạn diệt phiền não

TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 1: B
TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 1. A 

Trắc nghiệm 2. Điều nào sau đây cho thấy thói quen xa rời thực tại? 
A. Thích đi coi bói để biết về tương lai / 
B. Thường thấy quá khứ đẹp hơn hiện tại với thói quen kể đi kể lại những giai đoạn “vang bóng một thời” /
 C. Thường bận tâm những việc không liên hệ đến vui khổ trong cuộc sống /
 D. Cả ba câu trên đều đúng


ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 2: D

No comments:

Post a Comment