Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 9/12/2018
30. Kinh Đại Trượng Phu Tướng (Lakkhana sutta)
Tụng II Từ Đoạn 7 Đến Đoạn 15
TỔNG QUAN
Kinh Đại Trượng Phu Tướng dịch thoát từ tựa kinh Lakkhana sutta. Tựa kinh dịch nguyên văn là Kinh Tướng có thể trùng với một bài kinh khác cùng tựa đề trong Tăng Chi Bộ nói về biểu tướng của người thiện kẻ ác. Đại Trượng Phu Tướng là dịch nghĩa. Bài kinh nói về 32 thân tướng của một bậc đại phúc đức. những ai có đầy đủ ba mươi hai tướng Ðại Trượng phu này, những vị ấy sẽ chọn hai con đường này thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia sẽ làm vị Chuyển luân Thánh vương, dùng Chánh pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu trở thành vật sở hữu của vị này, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Vị này có đến hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, chiến thắng, thân thể dõng kiện, nhiếp phục địch quân. Vị này chinh phục quả đất này cho đến hải biên và trị nước với Chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao. Nếu vị này, từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời.
Những thân tướng cao quý được trình bày qua ba phương diện:
* Phúc nghiệp. Thí dụ: trong bất cứ đời trước nào, hiện hữu nào, trú xứ nào, Như Lai đời trước làm Người, không làm điều gì hại đến các loài hữu tình, hoặc bằng tay, bằng đá, bằng gậy, hay bằng đao.
* Phúc tướng. Thí dụ: Vị ấy mệnh chung từ chỗ kia, sanh tại chỗ này được tướng Ðại Trượng phu này: cảm vị hết sức nhạy bén, khi vật gì chạm đầu ngọn lưỡi, những cảm giác được khởi lên tại cổ họng và truyền đi khắp nơi.
* Phúc quả. Thí dụ: Ngài đầy đủ với tướng này, nếu sống tại gia thì làm vị Chuyển luân Thánh vương. Làm vua được những gì? Thiểu bệnh, thiểu não, tiêu hóa tốt đẹp, nhiệt độ thăng bằng, không lạnh quá, không nóng quá. Làm vua được như vậy. Làm Phật được những gì? Thiểu bệnh, thiểu não, tiêu hóa tốt đẹp, nhiệt độ thăng bằng, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình, có thể kham nhẫn, siêng năng.
Có nhiều tướng cách tương đối lạ với cái nhìn người đời nay.
Cũng có sự khác biệt giữa kinh điển Pàli và Phật giáo Đại Thừa về 32 đại trượng phu tướng thí dụ kinh điển Bắc Truyền có nói đến chữ Vạn (swastika) trên ngực nhưng trong kinh điển Nguyên thuỷ thì không có.
Nội dung bài kinh nầy ảnh hưởng lớn đối với lãnh vực mỹ thuật tạc tượng vẽ tranh Phật. Phật giáo Nam Tông Thái Lan, Cam Bốt, Lào và Tây Tạng có nhiều điểm tương đồng về mặt mặt nầy trong lúc Phật giáo Tích Lan cũng cùng thọ trì kinh điển Pali nhưng hình tượng Phật gần với Ấn Độ. Phật giáo Miến tương đối cá biệt về đường nét.
Mặc dù Kinh Đại Trượng Phu Tướng được thọ trì bởi bốn chúng đệ tử Phật nhưng không có nghĩa vì vậy mà chuyện xem bói coi tướng được xem là phù hợp với giáo lý truyền thống. Chỉ nhìn một vài hảo tướng hay phá tướng mà nói về một người được xem là võ đoán nguy hiểm.
Trong kinh cũng có ghi nhiều vị thánh A La Hán thân tướng thô xấu vì một nghiệp bất thiện nào đó trong quá khứ. Chư Phật Độc giác cũng vậy. Riêng chư Phật toàn giác luôn luôn có đủ 32 đại trượng phu tướng.
CHÁNH KINH
Như vầy tôi nghe.
Tụng phẩm II
7. Này các Tỷ-kheo, trong bất cứ đời trước nào, hiện hữu nào, trú xứ nào, Như Lai đời trước làm Người, không làm điều gì hại đến các loài hữu tình, hoặc bằng tay, bằng đá, bằng gậy, hay bằng đao. Với tác động chất chứa, tích tụ và tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi thiện thú, Thiên giới, cõi đời này... Ngài tạ thế từ chỗ kia, sanh tại chỗ này được tướng Ðại Trượng phu này: cảm vị hết sức nhạy bén, khi vật gì chạm đầu ngọn lưỡi, những cảm giác được khởi lên tại cổ họng và truyền đi khắp nơi.
Ngài đầy đủ với tướng này, nếu sống tại gia thì làm vị Chuyển luân Thánh vương. Làm vua được những gì? Thiểu bệnh, thiểu não, tiêu hóa tốt đẹp, nhiệt độ thăng bằng, không lạnh quá, không nóng quá. Làm vua được như vậy. Làm Phật được những gì? Thiểu bệnh, thiểu não, tiêu hóa tốt đẹp, nhiệt độ thăng bằng, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình, có thể kham nhẫn, siêng năng. Làm Phật được như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
9. Ở đây, lời này được nói lên:
Ngài không hại một ai,
Với tay, gậy, đá, gươm,
Không trói, không dọa dạt,
Không sát sanh hại mạng.
Do vậy Ngài sanh thiên,
Hưởng quả báo an lạc,
Tái sanh tại nơi đây,
Cảm vị rất nhạy bén,
Cổ họng khéo an trú,
Thượng vị nhạy truyền đi.
Thiện xảo chiêm tướng gia,
Tuyên bố về Ngài rằng:
Người này sẽ được hưởng,
Nhiều hạnh phúc an lạc,
Dầu tại gia xuất gia,
Hảo tướng thật rõ ràng.
10. Này các Tỷ-kheo, Như Lai... lúc xưa làm Người, có thói quen không ngó liếc, không ngó xiên, không ngó trộm, nhưng với tâm chánh trực mở rộng, cao thượng, Ngài nhìn Ðại chúng với tâm từ bi. Với tác động, chất chứa, tích tụ, tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi thiện thú, Thiên giới, cõi đời này... Sau khi tạ thế từ chỗ kia, Ngài sanh lại tại chỗ này với hai tướng Ðại Trượng phu: cặp mắt hết sức xanh và lông mi như con bò cái.
11. Ngài đầy đủ với những tướng này, nếu sống tại gia làm vị Chuyển luân Thánh vương. Làm vua được những gì? Ðại chúng ưa nhìn Ngài. Các cư sĩ, Bà-la-môn, thị dân, thôn dân, tài chánh quan, tư pháp quan, vệ sĩ, các thủ môn quan, các đại thần, chư hầu, phú gia, vương tử đều hoan nghênh, tương kính Ngài. Làm vua được như vậy. Làm Phật được những gì? Ðại chúng ưa Ngài. Các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, chư Thiên, loài Người, A-tu-la, Long xà, Càn-thát-bà hoan nghênh và thương kính Ngài. Làm Phật được như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
12. Ở đây, lời nói này được nói lên:
Không ngó liếc, ngó xiên,
Và cũng không ngó trộm,
Nhưng với tâm chánh trực,
Rộng mở và cao thượng,
Ngài nhìn khắp Ðại chúng,
Với từ tâm của Ngài.
Ở đây Ngài tận hưởng,
Quả an lạc chư Thiên,
Ở đây lông mi Ngài,
Như mi con bò cái,
Cặp mắt hết sức xanh,
Ðẹp đẽ thật ưa nhìn.
Chiêm tướng gia lão luyện,
Tinh thông về hảo tướng,
Ngài thành bậc Thiện nhân.
Với cặp mắt tế nhị,
Ðược mọi người hoan nghênh,
Ưa thích ngắm nhìn Ngài.
Cư sĩ ưa nhìn Ngài,
Ðược mọi người kính yêu.
Tại gia hay Sa-môn,
Ngài được người kính mến,
Như người đã cứu chữa,
Khổ sầu cho Ðại chúng.
13. Này các Tỷ-kheo, Như Lai... lúc xưa làm người là vị lãnh đạo Ðại chúng về các thiện pháp, là vị tiền phong Ðại chúng về thiện hành thuộc thân, khẩu, ý, phân phát bố thí, thủ hộ giới luật, tham dự các lễ Bố-tát, hiếu kính cha mẹ, lễ kính Sa-môn, cung kính bậc trưởng thượng trong gia đình và về các thiện pháp đặc biệt khác. Với sự tác động, chất chứa, tích tụ, tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi thiện thú, Thiên giới, cõi đời này... Ngài sau khi tạ thế từ chỗ kia, sanh tại chỗ này với tướng Ðại Trượng phu là có nhục kế trên đầu.
14. Ngài đầy đủ với tướng này, nếu sống tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương. Làm vua, Ngài được những gì? Ngài được sự trung thành của Ðại chúng, các Cư sĩ, Bà-la-môn, thị dân, thôn dân, các tài chính quan, tư chánh quan, vệ sĩ, thủ môn quan, đại thần, phó vương, phú gia, các vương tử đều trung thành với Ngài. Làm vua, ngài được như vậy. Làm Phật Ngài được những gì? Ngài được sự trung thành của Ðại chúng. Các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, chư Thiên, loài Người, các hàng A-tu-la, các loài Long xà, Càn-thát-bà đều trung thành với Ngài. Làm Phật, Ngài được như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
15. Ở đây, lời nói này được nói lên:
Lãnh đạo các chánh hạnh,
Hoan hỷ trong pháp lành,
Ðược Ðại chúng trung thành,
Hưởng công đức chư Thiên.
Hưởng xong các thiện quả,
Sanh đây được nhục kế.
Chiêm tướng gia thiện xảo,
Ðồng tuyên bố về Ngài:
Ngài lãnh đạo Ðại chúng,
Ðược tiền của hiến dâng,
Quá khứ, nay cũng vậy,
Mọi người phục vụ Ngài.
Nếu là Sát-đế-ly,
Ngài trị vì quốc độ,
Ðược đa số quần chúng,
Thành tâm phục vụ Ngài.
Nếu Ngài sống xuất gia,
Thời vị Thượng nhân này,
Tinh thông và thiện xảo,
Ðối với các thiện pháp.
Ðược quần chúng trung thành,
Ðược mọi người phục vụ,
Vì đã quá hoan hỷ,
Công đức dạy của Ngài.
16. Này các Tỷ-kheo, Như Lai... lúc xưa làm Người từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói lời chân thật, y chỉ chơn thật, chắc chắn đáng tin cậy, không thất hứa một ai. Với tác động, chất chứa, tích tụ, tăng thịnh của nghiệp ấy... Ngài sau khi tạ thế từ chỗ kia, sanh tại chỗ này với hai tướng Ðại Trượng phu: mỗi lỗ chân lông là mỗi một sợi lông mọc lên và giữa hai lông mày có tướng bạch hào sanh, màu trắng, mềm mại giống như bông.
17. Ngài đầy đủ những tướng này, nếu sống tại gia sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương. Làm vua được những gì? Ðại chúng tuân theo ý muốn của Ngài. Các cư sĩ, Bà-la-môn, thị dân, thôn dân, các tài chánh quan, tư chánh quan, các vệ sĩ, thủ môn quan, đại thần, phó vương, phú gia, vương tử đều tuân theo ý muốn của Ngài. Làm vua, Ngài được như vậy. Làm Phật, Ngài được những gì? Ðại chúng đều tuân theo ý muốn của Ngài. Các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, Thiên, Nhân, A-tu-la, Long xà, Càn-thát-bà tuân theo ý muốn của Ngài. Làm Phật Ngài được như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
18. Ở đây, lời này được nói lên:
Trong những đời quá khứ,
Ngài giữ hạnh chân thật,
Không nói lời hai lưỡi,
Tránh lời nói hư vọng.
Ðối với chung tất cả,
Không bội ước một ai,
Ngài sống trong hoan hỷ,
Chơn chánh và như thật.
Ngài có tướng bạch hào,
Mọc giữa hai chân mày,
Trắng, sáng và mịn màng,
Như bông Ðâu-la-miên.
Các lông của Ngài mọc,
Không hai lông một chỗ.
Khi nhiều vị chiêm tướng,
Hội họp chung với nhau.
Những vị tinh thông này,
Ðồng tuyên bố về ngài:
Mười bạch hào hảo tướng,
Và lông mày khéo mọc,
Nên Ngài được mọi người,
Vâng theo ý muốn Ngài.
Là Cư sĩ, Ðại chúng,
Tuân theo ý muốn Ngài,
Vì hành động quá khứ,
Quá rõ ràng cao thượng.
Bỏ tất cả, xuất gia,
Ngài được cả Ðại chúng,
Tuân theo bậc Giác Ngộ,
Tối vô thượng, tịch tịnh.
19. Này các Tỷ-kheo, Như Lai trong bất cứ đời trước nào... đời trước làm Người, từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì chỗ này không đi nói chỗ kia để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Ngài sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ đã hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, nói lời đưa đến hòa hợp. Do tác động, chất chứa, tích tụ, tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi thiện thú, Thiên giới, cõi đời này... Ngài sau khi tạ thế từ chỗ kia sanh lại tại chỗ này với hai tướng Ðại Trượng phu: có bốn mươi răng, và giữa răng không có kẻ hở.
20. Ngài đầy đủ các tướng này, nếu sống tại gia sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương. Làm vua, được những gì? Chúng tùy tùng của Ngài không có chia rẽ. Các vị cư sĩ, Bà-la-môn, thị dân, thôn dân, tài chánh quan, tư chánh quan, vệ sĩ, thủ môn quan, các đại thần, phó vương, phú gia, các vương tử đều không chia rẽ. Làm vua, Ngài được như vậy... Làm Phật, được những gì? Các người tùy tùng không có chia rẽ. Các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, chư Thiên, loài Người, các vị A-tu-la, các Long xà, các Càn-thát-bà đều không chia rẽ. Làm Phật được như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
21. Ở đây, lời nói này được nói lên:
Không nói lời hai lưỡi,
Khiến chia rẽ hòa hợp,
Khiến phát sanh đấu tranh,
Khiến tăng trưởng chia rẽ.
Không nói lời vô ích,
Làm tranh luận tăng trưởng,
Lời nói sinh chia rẽ
Giữa những người hòa hợp.
Ngài chỉ nói những lời,
Tăng hòa ái lâu ngày,
Lời phát sanh liên kết,
Giữa những người chia rẽ.
Những lời có khả năng,
Trừ tranh chấp mọi người,
Ngài hoan hỷ thoải mái,
Trong đoàn kết hòa hợp.
Do nghiệp báo dị thục,
Ðược sanh cõi thiện thú,
Ngài hoan hỷ thọ hưởng,
Phước báo cõi chư Thiên.
Ở đây răng của Ngài,
Ðều đặn, không kẻ hở,
Có bốn mươi tất cả,
Mọc trong miệng khéo bày.
Nếu sanh Sát-đế-ly,
Ngài trị vì quốc độ,
Dân chúng Ngài trị vì,
Là dân chúng thuần lương.
Sống làm bậc Sa-môn,
Thanh tịnh không cấu uế,
Dân chúng tháp tùng Ngài,
Kỷ cương, không dao động.
22. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn... trong đời trước làm Người, Ngài từ bỏ nói lời độc ác, tránh nói lời độc ác, nói những lời không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người. Ngài nói những lời như vậy. Với tác động, chất chứa, tích tụ, tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi thiện thú, Thiên giới, cõi đời này... sau khi tạ thế từ chỗ kia, sanh lại tại chỗ này, Ngài được hai tướng Ðại Trượng phu: lưỡi dài và giọng nói dịu ngọt như tiếng chim Karavika (Ca-lăng-tần-già).
23. Ngài đầy đủ các tướng ấy, nếu sống tại gia làm vị Chuyển luân Thánh vương. Làm vua được những gì? Lời nói được chấp nhận. Các vị cư sĩ, Bà-la-môn, thị dân, thôn dân, tài chánh quan, tư chánh quan, võ sĩ, thủ môn quan, đại thần, phó vương, phú gia, các vương tử đều chấp nhận lời nói của Ngài. Làm vua Ngài được như vậy... Làm Phật được những gì? Lời nói Ngài được chấp nhận. Các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, chư Thiên, loài Người, A-tu-la, Long xà, Càn-thát-bà chấp nhận lời của Ngài. Làm Phật được như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
24. Ở đây, lời nói này được nói lên:
Không nói lời độc ác,
Gây tranh luận có hại,
Lời thô bạo cộc cằn,
Não hại, hiếp Ðại chúng.
Ngài nói lời ngọt ngào,
Hòa dịu cùng thân ái,
Lời nói đẹp ý lòng,
Ði sâu vào nội tâm.
Lời nói khiến tai nghe,
Cảm thấy lòng an lạc,
Ngài thọ hưởng quả báo,
Do khẩu hành tốt đẹp,
Hưởng công đức quả báo,
Tại cảnh giới chư Thiên.
Sau khi hưởng quả lành,
Do thiện hành đem lại,
Ngài tái sanh nơi đây,
Với phạm âm thù thắng,
Ðược tướng lưỡi tốt đẹp,
Vừa rộng lại vừa dài.
Lời nói Ngài phát ra,
Ðược mọi người chấp nhận.
Nếu làm vị cư sĩ,
Lời nói được thành công.
Nếu Ngài sống xuất gia,
Lời nói được chấp nhận,
Lời nói Ngài càng nhiều,
Càng nhiều người tin tưởng.
25. Này các Tỷ-kheo, trong bất kỳ đời trước nào, thiện hữu nào, trú xứ nào, Như Lai đời trước làm Người, từ bỏ lời nói ỷ ngữ, tránh xa lời nói ỷ ngữ, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi. Với tác động, chất chứa, tích tụ, tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi thiện thú, Thiên giới, cõi đời này... Ngài sau khi tạ thế từ chỗ kia, sanh lại tại chỗ này được tướng Ðại Trượng phu này là hàm như hàm con sư tử.
26. Ngài đầy đủ với tướng này, nếu sống tại gia thì làm vị Chuyển luân Thánh vương. Làm vua được những gì? Ngài không bao giờ bị ai chinh phục, kẻ thù hay kẻ địch, thuộc loại người nào. Làm vua, Ngài được như vậy. Làm Phật, được những gì? Ngài không bị ai chinh phục bởi nội địch hay ngoại địch, nội oán hay ngoại oán, bởi tham, sân hay si, bởi vị Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời. Làm Phật, Ngài được như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
27. Ở đây, lời nói này được nói lên:
Không nói lời ỷ ngữ,
Ngu độn và dao động,
Từ bỏ lời có hại,
Chỉ nói lời có lợi.
Những lời đem an lạc,
Cho tất cả Ðại chúng.
Làm vậy Ngài tạ thế,
Ðược sanh lên Thiên giới,
Và hưởng thọ quả báo,
Do thiện hạnh đem lại.
Sau khi Ngài tạ thế,
Ðược sanh lại nơi đây,
Ngài được làm tối thắng,
Loại chúa muôn loài thú.
Làm vua, thành Ðế-thích,
Chinh phục cả nhân loại,
Thống lãnh khắp nhân gian,
Có nhiều đại uy lực,
Là Ðế-thích ngự trị,
Thành trì cõi chư Thiên,
Bậc siêu thăng tối thắng,
Trên cả các chư Thiên.
Nhiếp phục Càn-thát-bà,
A-tu-la, Ðế-thích,
Dạ-xoa và chư Thiên,
Không ai nhiếp thắng Ngài.
Nếu sống có gia đình,
Ngài sẽ là như vậy,
Cùng khắp cả bốn phương,
Bốn duy và thượng hạ.
28. Này các Tỷ-kheo, trong bất cứ đời trước nào, hiện hữu nào, trú xứ nào, Như Lai đời trước làm Người, từ bỏ tà mạng, nuôi sống theo chánh mạng, tránh xa các sự gian lận bằng cân tiền bạc đo lường, hối lộ, gian trá, lừa đảo, không làm tổn thương, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá. Với tác động, chất chứa, tích tụ, tăng thịnh của nghiệp ấy... Sau khi tạ thế từ chỗ kia, sanh lại tại chỗ này, được hai tướng Ðại Trượng phu này là các răng đều đặn và sáng chói.
29. Ngài đầy đủ những tướng này, nếu sống tại gia thành vị Chuyển luân Thánh vương, dùng Chánh pháp trị nước, là vị pháp vương bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu trở thành vật sở hữu của vị ấy, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, gia chủ báu, và thứ bảy là tướng quân báu. Vị này có hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, chiến thắng, thân thể dõng kiện, nhiếp phục địch quân. Vị này chinh phục quả đất này cho đến hải biên, và trị nước với Chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao. Làm vua được những gì? Tùy tùng của Ngài được tâm thanh tịnh. Các vị tài chánh quan, tư chánh quan, vệ sĩ, thủ môn quan, các đại thần, các phó vương, phú gia, các vương tử đều có tâm thanh tịnh. Làm vua Ngài được như vậy.
30. Nếu Ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, Ngài là vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời. Làm Phật được những gì? Các tùy tùng của Ngài được tâm thanh tịnh. Các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, chư Thiên, loài Người, các A-tu-la, các Long xà, Càn-thát-bà được tâm thanh tịnh. Làm Phật, Ngài được như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
31. Ở đây, lời nói này được nói lên:
Từ bỏ sống tà mạng,
Sống thanh tịnh đúng Pháp,
Từ bỏ hạnh có hại,
Chỉ làm hạnh có lợi.
Các hạnh đem an lạc,
Cho tất cả chúng sanh,
Làm Người Ngài hưởng quả,
An lạc ở Thiên giới.
Do vậy đời sống Ngài,
Hưởng hỷ lạc, hoan lạc,
Như vị chúa tối tôn,
Ở kinh thành chư Thiên.
Từ đó xuống làm Người,
Nhờ kết quả thiện hạnh,
Hàm răng Ngài đều đặn,
Thanh tịnh và trong sáng.
Nhiều vị chiêm tướng giỏi,
Ðến tụ họp tuyên bố:
Ngài thống lãnh loài Người,
Ðược kính trọng tối thắng,
Các tùy tùng đồ chúng,
Là những vị thanh tịnh.
Răng thanh tịnh trong sáng,
Trắng bạch đều như chim.
Làm vua, có quần chúng,
Tùy tùng đều thanh tịnh,
Trị vì mọi quốc độ.
Quần chúng sẽ không bị,
Áp bức bởi sức mạnh.
Họ sống đời mong cầu,
Hạnh phúc cho mọi người.
Nếu Ngài sống xuất gia,
Từ bỏ các ác pháp,
Ái nhiễm được gột sạch,
Vô mình được vén lên,
Lo âu cùng mệt mỏi,
Thảy đều được trừ diệt,
Thấy đời này, đời sau,
Nhiều cư sĩ, xuất gia,
Hành trì theo Ngài dạy,
Tránh xa đời bất tịnh,
Lỗi lầm và độc ác.
Tùy tùng đồ chúng Ngài,
Ðều là bậc thanh tịnh,
Trừ được mọi uế chướng,
Tội quá cùng phiền não.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
TT Giác Đẳng đúc kết phần trắc nghiệm
TT Giác Đẳng đúc kết phần trắc nghiệm
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Trong Kinh Đại Trượng Phu Tướng đề cập điều nào sau đây?
A. Tướng do nghiệp sanh/
B. Tướng tự tâm sanh /
C. Tướng hảo thời tâm hảo /
D. Tướng cách là nhân cách
TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 1: A
Trắc nghiệm 2. Người nào sau đây có đặc điểm là “không tìm lỗi người để chỉ trích”?
A. Tiên phong trong thiện pháp /
B. Không “liếc xéo ngó xiên ” /
C. Không gây thương tích cho chúng sanh khác /
D. Hiếu kính mẹ cha
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 2 A:
TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 3: B
Trắc nghiệm 3. Người nào sau đây là người được xem là “tiên phong trong thiện pháp, thiện hạnh”?
A. Khi nào làm chuyện phước thiện thường rủ người khác cùng làm /
B. Làm phước bằng tâm vô trợ (không cần hối thúc) /
C. Có ý thức nhạy bén đối với những gì lợi ích, chuyện tốt, chuyện phải /
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 3: D
Trắc nghiệm 4. Điều nào sau đây có thể xem là chính xác nói theo tướng kinh?
A. Người được quần chúng mến mộ là người có đôi mắt đẹp /
B. Người được quần chúng mến mộ là người đời trước “nhìn đại chúng với tâm từ bi” /
C. Người được quần chúng mến mộ là người có địa vị cao trọng /
D. Người được quần chúng mến mộ là người có tài ăn nói.
TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 4: B
Trắc nghiệm 5. Câu nào sau đây được xem có đề cập trong Tam Tạng Pali?
A. Hiếu hạnh là một trong những phúc nghiệp tạo nên tướng đại trượng phu /
B. Hiếu kính mẹ cha là một trong những phúc nghiệp khiến sanh làm thiên chủ Đế Thích /
C. Người con hiếu thảo là người biết tri ân và báo ân, một hạng người hiếm quý trên đời /
D. Cả ba câu trên đều đúng
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 5:D
Trắc nghiệm 2. Người nào sau đây có đặc điểm là “không tìm lỗi người để chỉ trích”?
A. Tiên phong trong thiện pháp /
B. Không “liếc xéo ngó xiên ” /
C. Không gây thương tích cho chúng sanh khác /
D. Hiếu kính mẹ cha
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 2 A:
TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 3: B
Trắc nghiệm 3. Người nào sau đây là người được xem là “tiên phong trong thiện pháp, thiện hạnh”?
A. Khi nào làm chuyện phước thiện thường rủ người khác cùng làm /
B. Làm phước bằng tâm vô trợ (không cần hối thúc) /
C. Có ý thức nhạy bén đối với những gì lợi ích, chuyện tốt, chuyện phải /
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 3: D
Trắc nghiệm 4. Điều nào sau đây có thể xem là chính xác nói theo tướng kinh?
A. Người được quần chúng mến mộ là người có đôi mắt đẹp /
B. Người được quần chúng mến mộ là người đời trước “nhìn đại chúng với tâm từ bi” /
C. Người được quần chúng mến mộ là người có địa vị cao trọng /
D. Người được quần chúng mến mộ là người có tài ăn nói.
TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 4: B
Trắc nghiệm 5. Câu nào sau đây được xem có đề cập trong Tam Tạng Pali?
A. Hiếu hạnh là một trong những phúc nghiệp tạo nên tướng đại trượng phu /
B. Hiếu kính mẹ cha là một trong những phúc nghiệp khiến sanh làm thiên chủ Đế Thích /
C. Người con hiếu thảo là người biết tri ân và báo ân, một hạng người hiếm quý trên đời /
D. Cả ba câu trên đều đúng
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 5:D
No comments:
Post a Comment