Tuesday, December 18, 2018

Bài học. Thứ Ba ngày 18 tháng 12, 2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 18/12/2018 
31. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt
(Singàlovàda sutta)

 
TƯƠNG QUAN GIỮA NGƯỜI CHỦ VÀ NGƯỜI LÀM CÔNG
 
Hướng dưới là quan hệ thường trong lãnh vực kinh tế giữa người trên và thuộc cấp. Có thể là người chủ và người làm công, hay chủ nhân và nô lệ, người thuê mướn và người làm thuê, công ty và nhân viên. Thế kỷ thứ 18 xã hội loài người đã chứng kiến sự bùng vỡ trong luật lệ lao động làm thế nào mà giới thợ thuyền được bảo vệ quyền lợi tốt hơn với sự ra đời của các nghiệp đoàn. Thế nhưng mãi cho tới ngày nay thì sự tương quan giữa các công ty và công nhân luôn là sự giằng co bất tận. Đức Phật, một lần nữa, nhắc về tinh thần “biết nghĩ cho nhau” để hai bên cùng hưởng những lợi ích.

Trong vai trò người chủ thì Đức Phật dạy nên làm năm điều: (1) Cắt đặt công việc tùy theo khả năng sức khoẻ - yathābalaṁ kammantasaṁvidhānena ; (2) lo cho người làm ăn uống đầy đủ và trả lương xứng đáng - bhattavetanānuppadānena; (3) chăm sóc về mặt y tế khi người làm bệnh hoạn - gilānupaṭṭhānena; (4) chia sẻ món ngon vật lạ - acchariyānaṁ rasānaṁ saṁvibhāgena ; (5) cho nghỉ phép để bồi dưỡng - samaye vossaggena. 

Đáp lại người làm nên thể hiện năm điều: (1) Thức dậy trước chủ - pubbuṭṭhāyino ca honti; (2) đi ngủ sau chủ - pacchā nipātino; (3) chỉ lấy những gì được cho - dinnādāyino; (4) thiện xảo trong công việc - sukatakammakarā; (5) gìn giữ và tạo tiếng tốt  cho chủ - kittivaṇṇaharā.
Sự tương quan kinh tế giữa cho người hết sức đa dạng. Dù bất cứ hình thái nào thì một khi con người thấy có quyền lợi, được đối xử tử tế và được khích lệ thì quan hệ sẽ tích cực và bền vững.Từ vựng ayyirakena nên hiểu là “người chủ tốt” hơn là “thánh chủ nhân” như trong bản dịch)

CHÁNH KINH
32. Này Gia chủ tử, có năm cách một vị Thánh chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: Giao việc đúng theo sức lực của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia xẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách như kia, có lòng thương tưởng đối với vị chủ nhân theo năm cách như sau: Dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ.
Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được vị Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách, có lòng thương tưởng đối với Thánh chủ nhân theo năm cách. Như vậy phương Dưới được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Làm tốt vai trò của người làm công có đánh mất thái độ bình đẳng trong xã hội chăng? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Những điều mang tánh cách tâm lý xã hội (như người chủ nên chia sẻ món ngon vật lạ với người làm hay người chồng nên tuỳ khả năng mua sắm tư trang cho vợ..) có được xem là “pháp” trong Phật học? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 3. Đức Phật có chú trọng hay không chú trọng lãnh vực kinh tế tài chánh trong lời dạy của Ngài? - ĐĐ Pháp Tín


 Thảo luận 4. Có đúng chăng một người làm công tốt thì sẽ làm chủ tốt hay ngược lại? ( như trong quân đội có khái niệm muốn chỉ huy tốt trước hết phải biết tuân lệnh) - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 5. Làm thế nào để hoán chuyển từ vị thế tranh thủ đối đầu chuyển sang tương quan hợp tác hỗ tương? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 6. Tại sao có những người có lòng tốt nhưng không thể hiện được bằng hành động? - ĐĐ Pháp Tín


Thảo luận 7. Có thể chăng từ bổn phận biến thành thiện hạnh? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 8. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment