Thursday, December 13, 2018

Bài học. Thứ Năm ngày 13 tháng 12, 2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; ĐĐ Huy Niệm

GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 13/12/2018 
31. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt
(Singàlovàda sutta)

 
BIẾT CHỌN BẠN MÀ CHƠI
 
Trong Kinh Lời Dạy Cho Thi Ca La Đức Phật dạy rất chi tiết về bạn hữu. Bốn hạng người phải xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người chỉ biết nhận; người chỉ biết nói giỏi chứ không làm giỏi; người khéo nịnh hót; người tiêu pha xa xỉ tiền bạc của bạn.
Người gọi chỉ biết nhận cụ thể có bốn trường hợp: Chỉ biết nhận mà không biết cho, cho ít xin nhiều, nếu có làm gì cho bạn thì chỉ do sợ chứ không do tình bằng hữu, cái gì có lợi cho mình mới làm. 
Người chỉ biết nói giỏi cụ thể có bốn trường hợp: Nhắc hoài “việc tốt đã qua mà mình làm cho bạn”; hứa hảo sẽ làm ở tương lai; mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có hữu sự viện cớ  bất lực không giúp bạn.
Người chỉ biết nịnh hót cụ thể có bốn trường hợp: : A dua các việc ác; không tán thành các việc thiện; trước mặt tán thán; sau lưng chỉ trích. 
Người tiêu pha xa xỉ cụ thể có bốn trường hợp: Là bạn khi mình đam mê các loại rượu; là bạn khi mình la cà đường phố phi thời; là bạn khi mình lân la những chốn ăn chơi; là bạn khi mình đam mê cờ bạc. 

Rồi Đấng Thiên Nhân Sư cũng dạy về thế nào là hảo bằng hữu.
Bạn đúng nghĩa bạn tốt có bốn hạng: bạn bảo bọc ; bạn chung thủy ; bạn lợi lạc; bạn thương tưởng.
Bạn bảo bọc cụ thể có bốn trường hợp: Bảo vệ bạn bè lúc nguy biến, bảo vệ tài sản của bạn lúc nguy biến, là chỗ nương tựa cho bạn khi gặp chuyện sợ hãi, lúc hữu sự giúp nhiều gấp bội phần nhu cầu. 
Bạn chung thủy cụ thể có bốn trường hợp: Nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh vì bạn. 
Bạn lợi lạc cụ thể có bốn trường hợp: Ngăn chận bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; nói những pháp bạn chưa nghe; chỉ bảo con đường sanh thiên giới. 
Bạn thương tưởng cụ thể có bốn trường hợp: Xót xa  khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. 
  
CHÁNH KINH

[Biết chọn bạn mà chơi]
14. Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Có bạn gọi bạn rượu,
Có bạn, bạn bằng mồm,
Bạn lúc thật hữu sự,
Mới xứng danh bạn bè.
Ngủ ngày, thông vợ người,
Ưa đấu tranh, làm hại,
Thân ác hữu, xan tham,
Sáu sự não hại người.
Ác hữu, ác bạn lữ,
Ác hạnh, hành ác xứ,
Ðời này cả đời sau,
Hai đời, người bị hại.
Cờ bạc và đàn bà,
Rượu chè, múa và hát
Ngủ ngày, đi phi thời
Thân ác hữu, xan tham,
Sáu sự não hại người.
Chơi xúc xắc, uống rượu
Theo đuổi đàn bà người,
Lẽ sống của người khác,
Thân cận kẻ hạ tiện,
Không thân cận bậc trí,
Người ấy tự héo mòn,
Như trăng trong mùa khuyết.
Rượu chè không tiền của,
Khao khát, tìm tửu điếm,
Bị chìm trong nợ nần,
Như chìm trong bồn nước,
Mau chóng tự hại mình,
Như kẻ mất gia đình.
Ai quen thói ngủ ngày,
Thức trọn suốt đêm trường,
Luôn luôn say sướt mướt,
Không thể sống gia đình.
Ở đây ai hay than:
Ôi quá lạnh, quá nóng,
Quá chiều, quá trễ giờ,
Sẽ bỏ bê công việc.
Lợi ích, điều tốt lành,
Bị trôi dạt một bên.
Ai xem lạnh và nóng,
Nhẹ nhàng hơn cỏ lau,
Làm mọi công chuyện mình,
Hạnh phúc không từ bỏ.
15. Này Gia chủ từ, có bốn hạng người phải xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người khéo nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
16. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người vật gì cũng lấy, cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, làm vì mưu lợi cho mình. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
17. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Tỏ lộ thân tình việc đã qua; tỏ lộ thân tình việc chưa đến; mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
18. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Ðồng ý các việc ác; không đồng ý các việc thiện; trước mặt tán thán; sau lưng chỉ trích. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
19. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Là bạn khi mình đam mê các loại rượu; là bạn khi mình du hành đường phố phi thời; là bạn khi mình la cà đình đám hý viện; là bạn khi mình đam mê cờ bạc. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
20. Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Người bạn gì cũng lấy,
Người bạn chỉ nói giỏi,
Người nói lời nịnh hót,
Người tiêu pha xa xỉ.
Cả bốn, không phải bạn,
Biết vậy, người trí tránh,
Như đường đầy sợ hãi.
21. Này Gia chủ tử, bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật: Người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật; người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là bạn chân thật; người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân thật; người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật.
22. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật: Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi, khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là người bạn chân thật.
23. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật: Nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật.
24. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chận bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật.
25. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
26. Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Bạn sẵn sàng giúp đỡ,
Bạn chung thủy khổ vui,
Bạn khuyến khích lợi ích,
Bạn có lòng thương tưởng.
Biết rõ bốn bạn này,
Người trí phục vụ họ,
Như mẹ đối con ruột.
Người trí giữ giới luật,
Sáng như lửa đồi cao.
Người tích trữ tài sản,
Như cử chỉ con ong.
Tài sản được chồng chất,
Như ụ mối đùn cao,
Người cư xử như vậy,
Chất chứa các tài sản,
Vừa đủ để lợi ích
Cho chính gia đình mình.
Tài sản cần chia bốn
Ðể kết hợp bạn bè:
Một phần mình an hưởng,
Hai phần dành công việc,
Phần tư, phần để dành,
Phòng khó khăn hoạn nạn.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Từ bạn hữu (mitta) trong kinh điển có bao gồm thầy tổ, học trò, đàn tín, người cộng sự... hơn là chỉ là “bạn bè” trong tiếng Việt? - TT Tuệ Siêu


Thảo luận 2. Tại sao có nhiều trường hợp chúng ta biết người đó là bạn xấu mà vẫn thích giao du? Phải chăng giao du thiếu suy nghĩ là một thói quen tệ hại của con người? - TT Pháp Tân

Thảo luận 3. Người đời thường có thái độ hoặc là dễ làm bạn hoặc khó giao kết. Hai thái độ đó phải chăng đều không nằm trong lời dạy của Đức Phật? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 4. Tự mình trở thành “thiện hữu” có phải là một thiện pháp nên hành trì? - TT Pháp Đăng

  Thảo luận 5. Xin cho biết cảm nhận khi đọc những điều Phật dạy về “chọn bạn mà chơi” - ĐĐ Nguyên Thông


Thảo luận 6. Bài kinh nầy dạy cho người cư sĩ vậy phần dạy về "chọn bạn mà chơi" có áp dụng trong bối cảnh xuất gia chăng? - TT Tuệ Siêu



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment