Monday, April 29, 2019

Bài học. Thứ Ba ngày 30 tháng4, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 30/4/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP NĂM CHI 5.18

Xx) Năm tâm triền phược: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với các dục vọng. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với ác dục vọng, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy là tâm triền phược thứ nhất. Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo, tâm không ly tham đối với các thân … Như vậy là tâm triền phược thứ hai … Ðối với các sắc, tâm không ly tham … Ðây là tâm triền phược thứ ba. Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo không ăn quá sức bao tử có thể chịu nổi, hưởng thọ sự sung sướng về nằm ngủ, sự sung sướng về xúc chạm, sự sung sướng về thụy miên … Ðây là tâm triền phược thứ tư. Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo sống đời sống phạm hạnh với hy vọng mong được thành một loại chư Thiên: “Với nghi thức này, với giới luật này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này, tôi sẽ trở thành loại chư Thiên này hay loại chư Thiên khác”. Này các Hiền giả, khi vị Tỷ kheo sống đời sống phạm hạnh với hy vọng được thành một loại chư Thiên: “Với nghi thức này, với giới luật này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này, tôi sẽ trở thành loại chư Thiên này hay chư Thiên khác”. Tâm của vị này không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy là tâm triền phược thứ năm (pañca cetasovinibandhā. idhāvuso, bhikkhu kāmesu avītarāgo hoti avigatacchando avigatapemo avigatapipāso avigatapariḷāho avigatataṇho. yo so, āvuso, bhikkhu kāmesu avītarāgo hoti avigatacchando avigatapemo avigatapipāso avigatapariḷāho avigatataṇho, tassa cittaṁ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya. yassa cittaṁ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya. ayaṁ paṭhamo cetaso vinibandho. puna caparaṁ, āvuso, bhikkhu kāye avītarāgo hoti ... pe ... rūpe avītarāgo hoti ... pe ... puna caparaṁ, āvuso, bhikkhu yāvadatthaṁ udarāvadehakaṁ bhuñjitvā seyyasukhaṁ passasukhaṁ middhasukhaṁ anuyutto viharati ... pe ... puna caparaṁ, āvuso, bhikkhu aññataraṁ devanikāyaṁ paṇidhāya brahmacariyaṁ carati — ‘imināhaṁ sīlena vā vatena vā tapena vā brahmacariyena vā devo vā bhavissāmi devaññataro vā’ti. yo so, āvuso, bhikkhu aññataraṁ devanikāyaṁ paṇidhāya brahmacariyaṁ carati — ‘imināhaṁ sīlena vā vatena vā tapena vā brahmacariyena vā devo vā bhavissāmi devaññataro vā’ti, tassa cittaṁ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya. yassa cittaṁ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya. ayaṁ pañcamo cetaso vinibandho).

Năm năm triền phược được giảng rõ trong Trung Bộ, bài kinh 16, Kinh Tâm hoang vu:
Thế nào là năm tâm triền phược chưa được đoạn tận? Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, đối với những dục, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái. Chư Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào đối với những dục, không phải không tham ái … không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ nhất chưa được đoạn tận.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với tự thân không phải không tham ái … (như trên) … như vậy là tâm triền phược thứ hai chưa được đoạn tận.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với các sắc không phải không tham ái … (như trên) … như vậy là tâm triền phược thứ ba chưa được đoạn tận.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào ăn cho đến thỏa thê, cho đến bụng chứa đầy, sống thiên nặng về khoái lạc về sàng tọa, khoái lạc về ngủ nghỉ, khoái lạc về thụy miên. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào ăn cho đến thỏa thê cho đến bụng chứa đầy … (như trên) … như vậy là tâm triền phược thứ tư chưa được đoạn tận.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống phạm hạnh với mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: “Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác”. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống phạm hạnh … (như trên) … như vậy là tâm triền phược thứ năm chưa được đoạn tận.
Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đã đoạn tận năm tâm triền phược này, thời vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật này, sự kiện này có xảy ra.

ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Khởi tâm thích thú với dục lạc có gọi là tham đắm dục lạc ? - TT Tuệ Siêu 


Thảo luận 2. Chăm sóc sức khõe có gọi là ái chấp từ thân ? - ĐĐ Pháp Tín

 Thảo luận 3: Một vị tỳ kheo luôn nặng lòng với việc xây dựng chùa chiền nguy nga đẹp đẻ , thì có gọi là ưa chuộng ngoại sắc ? - ĐĐ Nguyên Thông 

Thảo luận 4. Nếp sống bớt ăn , ít ngủ ở các trường thiền có thật sự giúp giãm thiểu tính ham ăn, mê ngủ hay có thể phản tác dụng ? - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 5. Phật Pháp có khuyến khích hành thiền để sanh thiên giới chăng ? nếu có thì có mâu thuẩn với Phật ngôn trong bài kinh hôm nay ? - TT Tuệ Quyền 

Thảo luận 6. Câu Phật ngôn: Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đã đoạn tận năm tâm triền phược này, thời vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật này, sự kiện này có xảy ra” phải chăng cho thấy sự quan trọng của những pháp này đối với hành gỉa? - TT Tuệ Quyền 



 III Trắc Nghiệm

Sunday, April 28, 2019

Bài học. Thứ Hai ngày 29 tháng 4, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 29/4/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP NĂM CHI 5.17

Xix) Năm tâm hoang vu: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có thỏa mãn đối với vị Ðạo Sư. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có thỏa mãn đối với vị Ðạo Sư, vị Tỷ kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ nhất.
Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo nghi ngờ … đối với Pháp … đối với Tăng … đối với học Pháp …
Lại nữa vị Tỷ kheo tức giận đối với các vị đồng phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu. Này các Hiền giả, khi một vị Tỷ kheo tức giận đối với các vị đồng phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu, vị Tỷ kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy gọi là tâm hoang vu thứ năm. (pañca cetokhilā. idhāvuso, bhikkhu satthari kaṅkhati vicikicchati nādhimuccati na sampasīdati. yo so, āvuso, bhikkhu satthari kaṅkhati vicikicchati nādhimuccati na sampasīdati, tassa cittaṁ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya, yassa cittaṁ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya, ayaṁ paṭhamo cetokhilo. puna caparaṁ, āvuso, bhikkhu dhamme kaṅkhati vicikicchati ... pe ... saṅghe kaṅkhati vicikicchati... sikkhāya kaṅkhati vicikicchati... sabrahmacārīsu kupito hoti anattamano āhatacitto khilajāto. yo so, āvuso, bhikkhu sabrahmacārīsu kupito hoti anattamano āhatacitto khilajāto, tassa cittaṁ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya, yassa cittaṁ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya, ayaṁ pañcamo cetokhilo).

Năm trạng thái tâm hoang vu được giảng rõ trong Trung Bộ, bài kinh 16, Kinh Tâm hoang vu:
—Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào chưa diệt trừ năm tâm hoang vu, chưa đoạn tận năm tâm triền phược, vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật này, sự kiện này không xảy ra.
Thế nào là năm tâm hoang vu chưa được đoạn trừ? Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ nhất chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín … (như trên) … Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ hai chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Tăng, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín … (như trên) … Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ ba chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ các học pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín … (như trên) … Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì; tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ tư chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phẫn nộ đối với các đồng phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối, cứng rắn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào phẫn nộ đối với các vị đồng phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối, cứng rắn, thời tâm của vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ năm chưa được diệt trừ.
Như vậy là năm tâm hoang vu chưa được diệt trừ.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Có nhiều người quan niệm “người tu cao” chỉ cần trí tuệ chứ không cần có đức tin. Quan niệm đó có đúng với Phật pháp chăng? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Trong Kinh Tăng Chi có Phật ngôn: Như Lai không thấy gì có lợi ích lớn hơn là tâm khéo tu tập. (Ngược lại) Như lai không thấy có gì bất lợi lớn hơn tâm không khéo tu tập. Đối với người hành trình trên đường giác ngộ giải thoát thì cần áp dụng câu Phật ngôn đó thế nào? - ĐĐ Nguyên Thông 

Thảo luận 3. Thế nào là sự khác biệt giữa lòng tin đối với cá nhân một tu sĩ và niềm tin đối với đại chúng tăng già? - TT Pháp Tân



 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Tâm hoang vu trong bài học hôm nay mang ý nghĩa nào sau đây? 
A. Tâm không có niềm tịnh tín ở Tam Bảo / 
B. Tâm không khẳng định được giá trị của những gì mình đang thực hành /
 C. Tâm có nhiều phiền hà, bực bội đối với các bậc đồng tu /
 D. Cả ba điều trên


TT Pháp Đăng cho đáp án Trắc nghiệm 1: D

Trắc nghiệm 2. Người nào sau đây có thể gọi là thành tựu được niềm tịnh tín đối với Đức Phật? 
A. Hiểu rõ ân đức của Phật (là bậc ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc ...) đặc biệt là tin vào sự giác ngộ của Đức Phật/ 
B. Luôn tin rằng Đức Phật là sự nương tựa cao cả nhất chứ không phải “đụng đâu tin đó”/
 C. Tin rằng Đức Phật là bậc đạo sư /
 D. Cả ba điều trên


TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 2: D

Trắc nghiệm 3. Điều nào sau đây là biểu thị của một niềm tin không thể gọi là tịnh tín đối với Pháp bảo? 
A. Tán thán mạnh mẽ một pháp môn trong lúc bài xích những pháp tu khác /
 B. Không cẩn trọng khi trích thuật hay giảng dạy Phật Pháp /
 C. Không nhận thức được sự giác ngộ giải thoát là mục đích chân thực của giáo pháp
 / D. Cả ba câu trên đều đúng


TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 3:



Bài học. Chủ Nhật ngày 28 tháng 4, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 28/4/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP NĂM CHI 5.16

Xviii) Năm bất hoàn: Trung gian Bát Niết bàn, Sanh Bát Niết bàn, Vô hành Bát Niết bàn, Hữu hành Bát Niết bàn, Thượng lưu thú A-ca-ni-sá (pañca anāgāmino — antarāparinibbāyī, upahaccaparinibbāyī, asaṅkhāraparinibbāyī, sasaṅkhāraparinibbāyī, uddhaṁsotoakaniṭṭhagāmī).

Cụm từ pañca anāgāmino dịch chính xác là năm bậc bất lai (a na hàm) (bản dịch: “năm bất hoàn” rất tối nghĩa). Một vị đoạn tận năm hạ phần kiết sử có thể có phần còn lại của dòng  luân hồi theo năm cách:

         *Trung chuyển thị tịch tức là viên tịch niết bàn trước khi đạt được phân nửa kiếp sống kế tục được ví dụ như miếng lửa nhỏ văng ra của thợ rèn nguội lạnh TRƯỚC KHI CHẠM ĐẤT.

           *Mãn thọ thị tịch là viên tịch niết bàn khi đã sống quá nửa hoặc mãn kiếp tái tục ví dụ như  miếng lửa nhỏ văng ra của thợ rèn nguội lạnh  KHI ĐÃ CHẠM ĐẤT. Từ upahacca được hiểu là chạm đất (bản dịch trong Tăng Chi là “Tổn Hại Niết Bàn” rất tối nghĩa và khiến người đọc hiểu sai)

           *Hữu hành thị tịch là cần có nỗ lực để viên mãn hành trình giác ngộ viên tịch niết bàn.

           *Vô hành thị tịch là hoàn tất hành trình giải thoát do lực đẩy tự nhiên không cần ra sức.

          *Tuần tự nhi tiến thị tịch là tái sanh thứ lớp đủ năm cõi tịnh cư cuối cùng viên tích niết bàn ở cõi cao nhất là sắc cứu cánh thiên.

Đoạn kinh sau đây trích từ Tăng Chi Bộ, chương bảy pháp với Phật ngôn thí dụ về năm bậc bất lai: 

 3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành như vậy suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta. Cái gì có, cái gì được thành, ta đều từ bỏ". Vị ấy có được xả. Vị ấy không tham đắm sanh hữu, không tham đắm tích tụ của hữu; với chánh trí tuệ, vị ấy thấy có con đường vô thượng tịch tịnh. Vị ấy chưa chứng ngộ trọn vẹn hoàn toàn con đường ấy. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn mạn tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn hữu tham tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn vô minh tùy miên. Do diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra và trở thành nguội lạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta. Cái gì có, cái gì được thành, ta đều từ bỏ". Vị ấy có được xả, vị ấy không tham đắm hữu, không tham đắm hậu hữu; với chánh trí tuệ, vị ấy thấy có con đường vô thượng tịch tịnh. Và vị ấy chưa chứng ngộ trọn vẹn hoàn toàn con đường ấy. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn mạn tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn hữu tham tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn vô minh tùy miên. Do diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn.

4. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy đoạn diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra, có thể bay lên, sau khi chưa chạm vào đất, có thể trở thành nguội lạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, sau khi diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn.

5. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra , có thể bay lên, sau khi chưa chạm vào đất, có thể trở thành nguội lạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn.

6. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Vô hành Niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra, có thể bay lên, có thể rơi xuống trên một đống cỏ nhỏ, hay trên một đống củi nhỏ; miếng vụn ấy ở đấy sanh ra ngọn lửa, sanh ra khói. Sau khi sanh ra ngọn lửa, sau khi sanh ra khói, nó đốt cháy tiêu hết đống cỏ nhỏ ấy, hay đống củi nhỏ ấy, rồi trở thành nguội lạnh vì không có nhiên liệu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Vô hành Niết-bàn.

7. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo khi thực hành như vậy, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra, có thể bay lên, có thể rơi xuống trên một đống cỏ , hay trên một đống củi rộng lớn; miếng vụn ấy ở đấy sanh ra ngọn lửa, sanh ra khói. Sau khi sanh ra ngọn lửa, sau khi sanh ra khói, nó đốt cháy tiêu hết đồng cỏ , hay đống củi rộng lớn ấy, rồi trở thành nguội lạnh vì không có nhiên liệu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành như vậy, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này sẽ không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn.

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành như vậy suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta. Cái gì có, cái gì được thành, ta đều từ bỏ.". Vị ấy có được xả, vị ấy không tham đắm sanh hữu, không tham đắm tích tụ của hữu; với chánh trí tuệ, vị ấy thấy có con đường vô thượng tịch tịnh và vị ấy chưa chứng ngộ trọn vẹn hoàn toàn con đường ấy. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn mạn tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn hữu tham tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn vô minh tùy miên. Do diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Thượng lưu Bát-niết-bàn, đi đến Sắc cứu cánh. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra, có thể bay lên, có thể rơi xuống trên một đống cỏ, hay trên một đống củi to lớn; miếng vụn ấy ở đấy sanh ra ngọn lửa, sanh ra khói. Sau khi sanh ra ngọn lửa, sau khi sanh ra khói, nó đốt cháy tiêu hết đồng cỏ, hay đống củi to lớn ấy, thiêu cháy lùm cây, thiêu cháy rừng rậm. Sau khi thiêu cháy thảo nguyên, sau khi thiêu cháy rừng rậm, nó cháy lan đến đám ruộng xanh hay đến đám đất cao, hay đến hòn đá, hay đến dòng nước, hay đến đám đất khả ái, hay đến một phần đất nào rồi trở thành nguội lạnh vì không có nhiên liệu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành như vậy, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Thượng lưu Bát-niết-bàn, đi đến Sắc cứu cánh.

Dẫn giải sau đây trích từ quyển Kho Tàng Pháp Học của Tỳ khưu Giác Giới:
[336] Năm hạng A-na-hàm (Anāgāmipuggala), cũng gọi là thánh Bất lai:
1. Trung bang níp-bàn (Antarāparinibbāyī), là hạng Bất lai sau khi sanh vào một trong năm cõi tịnh cư, đắc A-la-hán và viên tịch trong khoảng từ nửa đời trở lại dù tuổi thọ chưa hết.
2. Sanh bang níp-bàn (Upahaccaparinibbāyī) là hạng Bất lai sanh lên cõi tịnh cư, đến quá nửa đời, sắp mãn tuổi thọ mới đắc A-la-hán và viên tịch.
3. Vô hành bang níp-bàn (Asaṅkhāraparinibbāyī) là hạng Bất lai không cần ráng sức nỗ lực cũng đắc A-la-hán dễ dàng.
4. Hữu hành bang níp-bàn (Sasaṅkhāraparinibbāyī), là hạng Bất lai phải cần ráng sức nỗ lực mới đắc A-la-hán và viên tịch.
5. Thượng lưu sắc cứu cánh (Uddhaṃsotāka-niṭṭhagāmī), là hạng Bất lai sanh tuần tự qua năm cõi tịnh cư, đến cõi sắc cứu cánh tột cùng mới đắc A-la-hán và viên tịch.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Phải chăng bậc Hữu hành bang Niết bàn chưa đủ Ba la mật ? - TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 2. Một vị A Na hàm chứng thiền phi tưởng phi phi tưởng có khả năng nhập diệt thọ tưởng định , phải chăng cho thấy năm thượng phần kiết sử của bậc Tam quả rất vi tế ? - TT Tuệ Siêu 


Thảo luận 3. Một bậc đoạn tận dục ái nên sanh vào cõi sắc giới hay vô sắc, có khác với trường hợp một người sanh vào cõi Phạm thiên , vì chứng thiền nhưng chưa đọan tận dục ái ? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 4. Các bậc Thánh Hữu học có thể lựa chọn cảnh giới tái sanh chăng ? - TT Tuệ Quyền 

Thảo luận 5. Những Bậc Thánh A Na Hàm cư sĩ trong Kinh điển cho chúng ta cãm nhận gì ? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 6: TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận 




 III Trắc Nghiệm

Saturday, April 27, 2019

Bài học. Thứ Bảy ngày 27 tháng 4, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 27/4/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP NĂM CHI 5.15

Xvii) Năm tịnh cư: Vô Phiền thiên, Vô Nhiệt thiên, Thiện Hiện thiên, Thiện Kiến thiên, Sắc Cứu Cánh thiên (pañca suddhāvāsā — avihā, atappā, sudassā, sudassī, akaniṭṭhā).

Chú thích sau đây trích từ “Vi Diệu Pháp Nhập Môn” của Pháp sư Giác Chánh:

Cõi Ngũ Tịnh Cư là cảnh giới của những vị chứng Quả A Na Hàm nhưng vì căn tánh khác nhau nên mới có phân ra năm cõi:
12) Cõi Vô Phiền là cảnh giới của những vị chứng Quả A Na Hàm có Tín quyền mạnh (không có sự phiền muộn).
13) Cõi Vô Nhiệt là cõi không có sự nóng nãy là cảnh giới của vị chứng A Na Hàm mà có Tấn quyền mạnh.
14) Cõi Thiện Kiến là cõi mà các vị Chư Thiên ở cõi nầy những chúng sanh khác trông thấy sẽ được an lành và cõi nầy là cảnh giới của vị chứng Quả A Na Hàm mà Niệm quyền mạnh.
15) Cõi Thiện Hiện là cõi của các vị Chư Thiên nhìn vạn vật trong vũ trụ hoàn toàn xinh đẹp là cảnh giới của vị chứng Quả A Na Hàm có Ðịnh quyền mạnh.
16) Cõi Sắc cứu cánh là cảnh giới cuối cùng của cõi Sắc giới là cảnh giới của vị chứng Quả A Na Hàm có Tuệ quyền mạnh.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. : Tại sao PG Đại thừa có “ Tịnh độ Tam Tông ( Đâu xuất , Ngũ Tịnh cư ,Tây phương cực lạc) nhưng Phật giáo Nguyên Thủy không có xu hướng đề cao ?

Thảo luận  2. .- Tại sao ngũ căn để lại “dấu ấn “sâu đậm đối với bậc A Na Hàm so với những Pháp trợ bồ đề khác ? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3.Người tu Phật có nên xem Ngũ Tịnh Cư là cứu cánh ? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 4. Luân hồi sanh tử trong những cõi tịnh cư nếu gọi là khổ thì có gì là khổ? - TT Pháp Tân

Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận


 III Trắc Nghiệm

Friday, April 26, 2019

Bài học. Thứ Sáu ngày 26 tháng 4, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng SưĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 26/4/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP NĂM CHI 5.14

Xvi) Năm cần chi: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế tôn, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Vị ấy thiểu bệnh, thiểu não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình hợp với sự tinh tấn. Vị ấy không lường đảo, dối gạt, nêu rõ tự mình như chơn đối với bậc Ðạo Sư, đối với các vị sáng suốt hay đối với các vị đồng phạm hạnh. Vị ấy sống siêng năng, tinh tấn, từ bỏ các ác pháp, thành tựu các thiện pháp, cương quyết, kiên trì nỗ lực, không tránh né đối với các thiện pháp. Vị ấy có trí tuệ, thành tựu trí tuệ hướng đến sự sanh diệt của các pháp, thành tựu Thánh quyết trạch, đưa đến sự đoạn diệt chơn chánh các khổ đa  (pañca padhāniyaṅgāni. idhāvuso, bhikkhu saddho hoti, saddahati tathāgatassa bodhiṁ — ‘itipi so bhagavā arahaṁ sammāsambuddho vijjācaraṇasampanno sugato, lokavidū anuttaro purisadammasārathi satthā devamanussānaṁ buddho bhagavā’ti. appābādho hoti appātaṅko, samavepākiniyā gahaṇiyā samannāgato nātisītāya nāccuṇhāya majjhimāya padhānakkhamāya. asaṭho hoti amāyāvī, yathābhūtaṁ attānaṁ āvikattā satthari vā viññūsu vā sabrahmacārīsu. āraddhavīriyo viharati akusalānaṁ dhammānaṁ pahānāya kusalānaṁ dhammānaṁ upasampadāya thāmavā daḷhaparakkamo anikkhittadhuro kusalesu dhammesu. paññavā hoti udayatthagāminiyā paññāya samannāgato ariyāya nibbedhikāya sammādukkhakkhayagāminiyā).

Đoạn kinh sau đây trích từ Trung Bộ, bài 85. Kinh Vương tử Bồ-đề dạy về đề tài nầy :
—Này Vương tử, ở đây, Ta sẽ hỏi Vương tử. Tùy theo Vương tử có thể kham nhẫn, Vương tử hãy trả lời. Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Vương tử có thiện xảo trong nghề cưỡi voi và trong kỹ thuật dùng câu móc không?
—Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con thiện xảo trong nghề cưỡi voi và kỹ thuật dùng câu móc.
—Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Ở đây có người đến và nói: “Vương tử Bodhi biết kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc. Tôi sẽ học kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc với Vương tử”. Nếu người ấy không có lòng tin, thời những gì lòng tin có thể đạt được, người ấy không thể đạt được. Nếu người ấy nhiều bệnh, thời những gì ít bệnh có thể đạt được, người ấy không thể đạt được. Nếu người ấy gian trá, xảo trá, thời những gì không gian trá, không xảo trá có thể đạt được, người ấy không đạt được. Nếu người ấy biếng nhác, thời những gì tinh tấn, cần mẫn có thể đạt được, người ấy không đạt được. Nếu người ấy có liệt tuệ, thời những gì trí tuệ có thể đạt được, người ấy không đạt được. Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Người ấy có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với Vương tử không?
—Bạch Thế Tôn, người ấy, dầu thành tựu chỉ một đức tánh, người ấy cũng không có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với con; huống chi (nếu người ấy thành tựu) cả năm đức tánh!
—Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Ở đây, có người đến và nói: “Vương tử Bodhi biết kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc. Tôi sẽ học kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc với Vương tử”. Nếu người ấy có lòng tin, thời những gì lòng tin có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy ít bệnh, thời những gì ít bệnh có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy không gian trá, không xảo trá, thời những gì không gian trá, không xảo trá có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy tinh tấn, cần mẫn, thời những gì tinh tấn, cần mẫn có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy có trí tuệ, thời những gì trí tuệ có thể đạt được, người ấy đạt được. Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Người ấy có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với Vương tử không?
—Bạch Thế Tôn, người ấy, dầu cho thành tựu chỉ một đức tánh, cũng có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với con; huống chi (nếu người ấy thành tựu) cả năm đức tánh.

—Cũng vậy, này Vương tử, có năm tinh tấn chi này. Thế nào là năm? Ở đây, này Vương tử, vị Tỷ-kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai. Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Vị ấy ít bệnh, ít não, với bộ tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn.
Vị ấy không gian trá, xảo trá, tự mình xử sự như chơn đối với bậc Ðạo sư, đối với các vị có trí hay đối với các vị đồng Phạm hạnh.
Vị ấy sống tinh cần, tinh tấn từ bỏ các bất thiện pháp, làm cho khởi lên các thiện pháp, kiên cố, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp.
Vị ấy có trí tuệ thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt (của các pháp), với sự thể nhập bậc Thánh đưa đến sự chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này Vương Tử, như vậy là năm tinh cần chi.
Này Vương tử, vị Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh đạo, sau khi đã tự chứng tri với thượng trí ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này các Thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, và vị ấy có thể chứng ngộ, chứng đạt và an trú trong bảy năm.
Này Vương tử, đừng nói chi bảy năm, một vị Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này … và an trú sáu năm … năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm. Này Vương tử, đừng nói chi một năm, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này … và an trú bảy tháng. Này Vương tử, đừng nói chi bảy tháng, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này … và an trú ngay trong sáu tháng … trong năm tháng, bốn tháng, ba tháng, hai tháng, một tháng, nửa tháng. Này Vương tử, đừng nói chi nửa tháng, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này … và an trú trong bảy đêm ngày. Này Vương tử, đừng nói chi bảy đêm ngày, Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này sáu đêm ngày … năm đêm ngày, bốn đêm ngày, ba đêm ngày, hai đêm ngày, một đêm ngày.
Này Vương tử, đừng nói chi một đêm ngày, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh đạo, nếu được giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi sáng, nếu được giảng dạy buổi sáng, thời sẽ chứng được sự thù thắng buổi chiều.

Khi được nghe nói vậy, Vương tử Bodhi bạch Thế Tôn
—Ôi, thật là Phật! Ôi, thật là Pháp! Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay! Nếu được giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi sáng, nếu được giảng dạy buổi sáng thời chứng được sự thù thắng buổi chiều.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Thuật ngữ tinh cần chi (padhāniyaṅga) khác thế nào với tinh cần( padhàna)? - TT Tue Sieu

 III Trắc Nghiệm

Wednesday, April 24, 2019

Bài học. Thứ Năm ngày 25-4-2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 25/4/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP NĂM CHI 5.13

Xv) Năm pháp nội tâm: Này các Hiền giả, năm pháp nội tâm một vị Tỷ kheo cần phải có nếu muốn chỉ trích một vị khác: “Tôi nói đúng thời, không phải phi thời. Tôi nói đúng sự thật, không sai sự thật. Tôi nói một cách từ tốn, không nói lời ác khẩu. Tôi nói lời có lợi ích, không nói lời không có lợi ích. Tôi nói lời có lòng từ, không phải lời sân hận”. Này các Hiền giả, như vậy là năm pháp nội tâm một vị Tỷ kheo cần phải có, nếu muốn chỉ trích một vị khác (codakena, āvuso, bhikkhunā paraṁ codetukāmena pañca dhamme ajjhattaṁ upaṭṭhapetvā paro codetabbo. kālena vakkhāmi no akālena, bhūtena vakkhāmi no abhūtena, saṇhena vakkhāmi no pharusena, atthasaṁhitena  vakkhāmi no anatthasaṁhitena, mettacittena vakkhāmi no dosantarenāti. codakena, āvuso, bhikkhunā paraṁ codetukāmena ime pañca dhamme ajjhattaṁ upaṭṭhapetvā paro codetabbo).
Nguyên văn Phạn ngữ: codakena, bhikkhunā paraṁ codetukāmena pañca dhamme có nghĩa là năm pháp một vị tỳ kheo cần tự vấn khi muốn nói lời xây dựng hay nói lên khuyết điểm của vị khác. (Không hiểu sao bản dịch chuyển ngữ là “năm pháp nội tậm”)

Đoạn kinh sau đây trích từ TrungBộ, bài 21, Kinh Ví Dụ Cái Cưa dạy về đề tài nầy :

Chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Ngươi có thể dùng khi nói với các người khác: đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói đúng thời hay phi thời. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói lời chơn thực hay nói lời không chơn thực. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói lời nhu nhuyến hay nói lời thô bạo. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói với từ tâm hay với sân tâm. Chư Tỷ-kheo, ở tại đây, các Ngươi cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng địa vô biên, không hận, không sân". Chư Tỷ-kheo, như vậy các Ngươi cần phải học tập.
Chư Tỷ-kheo, ví như một người đến, cầm xẻng và thúng, nói như sau: "Tôi sẽ làm cho đất lớn này không thành đất nữa", và người ấy đào chỗ này chỗ kia, rải đất chỗ này chỗ kia, nhổ nước miếng chỗ này chỗ kia, đi tiểu tiện chỗ này chỗ kia, với ý nghĩ: "Ngươi trở thành không phải đất, Ngươi trở thành không phải đất". Chư Tỷ-kheo, nghĩ thế nào? Người ấy có thể làm cho đất lớn này trở thành không phải đất chăng?
-- Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Vì đất lớn này thâm sâu và vô lượng, không dễ gì khiến cho đất lớn này trở thành không phải đất, trước khi người ấy bị mệt nhoài và bị thất bại.
-- Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ này mà các Thầy có thể nói với người khác: "Ðúng thời hay phi thời... hay với sân tâm". Các Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy có thể nói: "Ðúng thời... hay với sân tâm". Các Tỷ-kheo, ở tại đây, các Thầy cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận; chúng ta sẽ sống biến mãn người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới, với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân". Các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như vậy.
Chư Tỷ-kheo, ví như một người đến, cầm màu sơn, màu vàng, màu xanh sẫm hay màu đỏ tía; người ấy có thể nói như sau: "Ta sẽ viết các hình sắc trên hư không này. Ta sẽ làm cho các hình sắc hiển hiện". Các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào? Người ấy có thể viết các hình sắc trên hư không và làm cho các hình sắc hiển hiện được không?

-- Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, hư không là vô sắc, không thể thấy được. Ở đây, không dễ gì viết các hình sắc và làm hình sắc hiển hiện, trước khi người ấy bị mệt nhoài và bị thất bại.
-- Cũng vậy, này Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ này mà các Thầy có thể nói với người khác: "Ðúng thời hay phi thời... hay với sân tâm... (như trên)... Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân". Chư Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như vậy.
Chư Tỷ-kheo, ví như một người đến, cầm một bó cỏ khô đang cháy và nói như sau: "Ta với bó cỏ khô đang cháy này sẽ hâm nóng và đun sôi sông Hằng này. Chư Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào? Người ấy, với bỏ cỏ khô đang cháy có thể hâm nóng và đun sôi sông Hằng được không?
-- Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì sông Hằng thâm sâu và vô lượng, không dễ gì với bó cỏ khô đang cháy có thể hâm nóng và đun sôi sông Hằng được, trước khi người ấy mệt nhoài và bị thất bại.
-- Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ này mà các Thầy có thể nói với các người khác: "Ðúng thời hay phi thời... hay với sân tâm". Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy có thể nói: "Ðúng thời... hay với sân tâm... (như trên)... Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân". Chư Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như vậy.
-- Chư Tỷ-kheo, ví như một cái bị bằng da mèo, đã được thuộc chín, khéo thuộc, khéo thuộc cùng khắp, nhu nhuyến, như bông, không còn tiếng xì, tiếng xọp, và một người đến, cầm gậy hay cầm mẻ sành và nói như sau: "Ta sẽ lấy cái gậy hay với cái mẻ sành làm cho cái bị bằng da mèo này, đã được thuộc chín, khéo thuộc, khéo thuộc cùng khắp, nhu nhuyễn, như bông, không còn tiếng xì, tiếng xọp, phát ra tiếng xì, tiếng xọp". Chư Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào? Người ấy có thể, với cái gậy hay với cái mẻ sành làm cho cái bị bằng da mèo này đã được thuộc chín, khéo thuộc, khéo thuộc cùng khắp, nhu nhuyễn, như bông, không còn tiếng xì, tiếng xọp, phát ra tiếng xì, tiếng xọp được không?
-- Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, cái bị bằng da mèo này đã được thuộc chín, khéo thuộc, khéo thuộc cùng khắp, nhu nhuyễn, như bông, không còn tiếng xì, tiếng xọp, không dễ gì làm cho cái bị ấy phát ra tiếng xì, tiếng xọp được, trước khi người ấy bị mệt nhoài và bị thất bại.
-- Cũng vậy, chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Thầy có thể dùng khi nói với các người khác: "Ðúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyễn hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm". Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy có thể nói đúng thời hay phi thời. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy có thể nói lời chơn thực hay nói lời không chơn thực. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy có thể nói lời nhu nhuyễn hay nói lời thô bạo. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Thầy có thể nói với từ tâm hay với sân tâm. Chư Tỷ-kheo, ở tại đây, các Thầy cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống biến mãn người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân" Chư Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như vậy.
Chư Tỷ-kheo, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta. Ở đây, chư Tỷ-kheo các Thầy phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân". Chư Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như vậy.
Và này chư Tỷ-kheo, nếu các Thầy luôn luôn suy tư lời dạy ví dụ cái cưa này, thì này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy loại ngôn ngữ nào, dầu tế nhị hay thô bạo mà các Thầy không kham nhẫn được chăng?
-- Bạch Thế Tôn, không.
-- Chư Tỷ-kheo, do vậy, hãy luôn luôn suy tư lời dạy ví như cái cưa này, và các Thầy sẽ được hạnh phúc an lạc lâu ngày.


ÌI Thảo Luận: Chư Tăng điều hành

Thảo luận 1: Hôm nay học một vị tỳ kheo khi chỉ lỗi người khác thì phải tự nhủ năm pháp như đúng thời, dùng lời ôn hoà, nói đúng sự thật, nói lời lợi ích và nói với tâm từ. Vậy năm pháp này một người cư sĩ có thể áp dụng không? - TT Pháp Đăng


Thảo luận 2: Nói như thế nào gọi là lời nói với lòng từ? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 3: Nói như thế nào là lời nói hợp thời và lời nói không hợp thời? - TT Tuệ Quyền


 III Trắc Nghiệm