Saturday, April 13, 2019

Bài học. Thứ Bảy ngày 13 tháng 4, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 13/4/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP NĂM CHI phần 5.1

I) Năm uẩn: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn (pañcakkhandhā. rūpakkhandho vedanākkhandho saññākkhandho saṅkhārakkhandho viññāṇakkhandho).

Đoạn kinh sau đây trích từ quyển “Đức Phật Dạy Những Gì” của Ngài Walpola Rahula, bản Việt dịch của Ni sư Thích Nữ Trí Hải, giải về ngũ uẩn bằng ngôn ngữ hôm nay:
NGŨ UẨN
Uẩn thứ nhất là sắc uẩn (rùpakkhandha). Trong từ ngữ "sắc uẩn" này, bao gồm bốn đại cổ truyền (cattàri mahàbhùtàni) là đất, nước, lửa, gió (địa, thủy, hỏa, phong) và vật chất do bốn đại tạo (sở tạo sắc upàdàya-rùpa)[10]. Trong những sở tạo sắc ấy gồm có năm căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và những đối tượng ngoại giới tương đuơng với năm căn ấy (5 cảnh): hình sắc, âm thanh, mùi, vị, những vật có thể chạm xúc (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và ý nghĩ hay tư tưởng thuộc đối tượng của tâm (pháp xứ - dharmàyatana)[11]. Như thế tất cả thế giới vật thể, thuộc nội tâm cũng như ngoại giới, đều bao gồm trong sắc uẩn.
Uẩn thứ hai là cảm giác hay thọ (vedanàkkhandha). Uẩn này bao gồm tất cả những cảm giác vui khổ hoặc không vui không khổ, được cảm nhận do sự tiếp xúc của những cảm quan tâm vật lý (căn) với thế giới bên ngoài (cảnh). Những cảm giác này có 6 loại: những cảm giác phát sinh khi mắt xúc tiếp với những hình sắc, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân thể với những vật cứng mềm, và ý (mà trong triết học Phật giáo được xem là quan năng thứ sáu) với những đối tượng của ý thức hay tư tưởng, ý nghĩ[12]. Tất cả mọi cảm giác vật lý và tâm linh của ta đều bao hàm trong uẩn này.
Ở đây ta cũng nên giải thích sơ lược về ý nghĩa bao hàm trong từ ngữ "ý" (manas) của triết học Phật giáo. Cần hiểu rõ "ý" không phải là "tâm" đối lập với vật. Ta nên luôn luôn nhớ Phật giáo không công nhận có một tinh thần đối lập với vật chất như phần đông các hệ thống triết học và tôn giáo khác chỉ là một giác quan hay cơ quan (căn, indriya) như mắt hay tai. Nó có thể được điều khiển, phát triển như bất cứ giác quan nào khác, và đức Phật thường nhắc nhở khá nhiều về giá trị của sự chế ngự và điều phục sáu căn này: sự khác biệt giữa mắt và tâm kể như những giác quan, là ở chỗ "mắt" nhận biết thế giới màu sắc và dáng hình có thể thấy, trong khi "tâm" nhận biết thế giới ý tưởng và đối tượng tâm thức. Chúng ta nhận biết được những phạm vi khác nhau nhờ những quang năng khác nhau. Ta không thể nghe màu sắc, mà thấy chúng. Ta cũng không thể thấy âm thanh mà nghe chúng. Như thế với năm sắc căn của ta - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân - ta chỉ nhận biết được thế giới hình sắc, âm thanh, mùi, vị và những vật tiếp xúc, nhưng những thứ này chỉ là một phần của thế giới, không phải là tất cả. Còn những ý niệm và tư tưởng thì sao? Chúng cũng là một phần của thế giới vũ trụ. Nhưng chúng không thể được nhận biết bằng khả năng của mắt tai, mũi, lưỡi, hay thân, mà chúng có thể được quan niệm nhờ một quan năng khác, tức là ý. Những ý niệm, tư tưởng tuy vậy không phải biệt lập với thế giới mà năm sắc căn nhận biết. Quả vậy, chúng tùy thuộc vào, và bị giới hạn bởi những kinh nghiệm vật lý. Bởi thế mà một người mù từ sơ sinh không thể có ý niệm về màu sắc, trừ phi do loại suy từ âm thanh hay vài sự vật khác do những căn khác của người ấy cảm nhận. Những ý niệm và tư tưởng lập thành một phần của thế giới, như vậy đã được phát sinh và giới hạn bởi những kinh nghiệm vật lý và được quan niệm bởi tâm ý. Do đó mà ý (manas) cũng được xem như một giác quan (căn) (indriya) như mắt hay tai.
Uẩn thứ ba là tưởng (sannàkkhandha) hay nhận thức, tri giác. Cũng như thọ, tưởng gồm sáu loại, tương đương với sáu căn bên trong và sáu cảnh bên ngoài, và cũng phát sinh do tiếp xúc giữa sáu căn với ngoại giới. Chính tưởng này nhận biết sự vật là vật lý hay tâm linh[13].
Uẩn thứ tư là những tạo tác của tâm thức[14] hay "hành uẩn" (samkhàrakkhandha). Nhóm này bao gồm tất cả các hoạt động của ý chí, xấu hay tốt. Những gì thường được xem là karma (nghiệp) cũng thuộc vào hành uẩn. Ở đây nên nhắc lại định nghĩa của Phật về nghiệp: "Hỏi các Tỳ kheo, chính tư tâm sở hay ý muốn (cetanà) ta gọi là nghiệp. Khi đã muốn, người ta liền thực hành bằng thân, miệng, ý[15] muốn là sự tạo tác bằng tâm ý, hoạt động tâm linh. Công việc của nó là dẫn tâm làm những hoạt động xấu, tốt hoặc không xấu không tốt[16]. Cũng như thọ tưởng, hành gồm sáu loại liên hệ đến sáu giác quan và các đối tượng tương ứng thuộc vật lý, tâm lý[17]. Cảm giác và tri giác (thọ, tưởng) không phải là những hoạt động cố ý nên không phát sinh nghiệp quả. Chỉ những hoạt động do ý chí thúc đẩy như tác ý (manasikàra), dục (chanda), thắng giải (adhimokkha), tín (saddhà), định (samàdhi), tuệ (pannà), tinh tấn (viriya), tham (ràga), sân (patigha), vô minh (avijjà), kiêu mạn (màna), thân kiến (sakkàyaditthi) v.v.. mới có thể phát sinh nghiệp quả. Có tất cả 52 tâm sở (hoạt động tâm ý) như thế, tạo nên hành uẩn.
Uẩn thứ năm là "thức" (vinnànakhandha)[18]. Thức là một phản ứng có căn bản là một trong sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), và đối tượng là một trong sáu hiện tượng ngoại giới tương ứng (hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc giác và sự vật thuộc tâm giới). Chẳng hạn, nhãn thức (cakkhavinnàna) có con mắt làm căn bản cho nó và một hình sắc thấy được làm đối tượng.thức (manovinnàna) có ý (manas) làm căn bản và một sự vật thuộc tâm giới, nghĩa là một ý niệm hay tư tưởng (pháp), làm đối tượng. Như thế thức liên quan với những quan năng khác và cũng như thọ, tưởng, hành, thức gồm sáu loại tương quan với sáu căn và sáu cảnh[19].
Cần hiểu rõ thức không nhận ra một đối tượng. Ðây chỉ là một thứ rõ biết - rõ biết sự hiện diện của đối tượng. Khi mắt xúc tiếp với một màu sắc, màu xanh chẳng hạn, nhãn thức liền phát sinh nhưng chỉ là sự ý thức về hiện diện một màu sắc, chứ không nhận ra đấy là màu xanh. Ở giai đoạn này chưa có nhận thức. Chính tri giác (tưởng uẩn thứ ba) nhận ra màu xanh. Danh từ "nhãn thức" là một từ ngữ triết học ám chỉ cùng một ý như chữ thấy thông thường. Thấy không có nghĩa nhận biết. Các loại thức khác (nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức) cũng thế.

ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Đọc đoạn kinh sau đây trong Tương Ưng Bộ Đức Phật dạy quán sát năm uẩn liên quan tới lục căn: Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỷ-kheo, đấy được gọi là sắc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng?   Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỷ-kheo, có sáu tưởng thân này: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Có sáu thức thân này, này các Tỷ -kheo, (tức là) nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Cách quán chiêu năm uẩn nầy khác biệt gì với cách hiểu bình thường?

Thảo luận 2. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận và trắc nghiệm


 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Câu nào sau đây theo Phật học được xem là chính xác khi nói về năm uẩn? 
A. Năm uần là năm nhóm tạo thành chúng sanh trong đời nầy (có những sanh loại năm uẩn, có sanh loại một uẩn, có sanh loại bốn uẩn)
 B. Sắc uẩn là nhóm vật thể hay vật chất do bốn đại tạo thành /
 C. Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn thuộc về tâm thức hay danh pháp / 
D. Cả ba câu trên đều đúng


TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 1 : D.

Trắc nghiệm 3. Câu nào sau đây được xem là đúng khi nói về thọ uẩn?
 A. Cảm giác /
 B. Phản ứng thương ghét / 
C. Cảm thọ / 
D. Khả năng phân biệt đẹp xấu, thiện ác, hay dở

TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 3:A

No comments:

Post a Comment