Thursday, April 11, 2019

Bài học. Thứ Sáu ngày 12 tháng 4, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 12/4/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP BỐN CHI phần4.43

l) Lại bốn loại người khác: Bất động Sa môn, Xích liên hoa Sa môn, Bạch liên hoa Sa môn, Diệu thiện Sa môn (aparepi cattāro puggalā — samaṇamacalo, samaṇapadumo, samaṇapuṇḍarīko, samaṇesu samaṇasukhumālo).

Những bài kinh sau đây trích từ Tăng Chi Bộ. phẩm Bốn Pháp, cho thấy đề tài có thể được lãnh hội qua nhiều trường hợp khác nhau:

(VII) (87) Các Hạng Sa Môn (1)

1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa-môn tinh luyện trong các Sa-môn.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn bất động?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là hạng hữu học, đang đi trên con đường, sống cố gắng hướng đến vô thượng an ổn khỏi các ách nạn. Ví như, này các Tỷ-kheo, vị trưởng nam vua Sát-đế-lỵ, xứng đáng để được làm lễ quán đảnh, nhưng chưa làm lễ quán đảnh, và đạt đến địa vị bất động. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học, đang đi trên con đường, sống cố gắng hướng đến vô thượng an ổn khỏi các ách nạn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động.
3. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng chưa với thân cảm giác được tâm giải thoát và an trú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.
4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, và với thân cảm giác được tâm giải thoát và an trú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng.
5. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện trong các hàng Sa-môn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái, với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái, với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái, giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Ở đây, một số cảm thọ khởi lên phát sanh từ mật hay phát sanh từ đàm, hay phát sanh từ gió, hay phát sanh từ sự gặp gỡ các nước trong thân thể; hay phát sinh từ sự thay đổi thời tiết, hay phát sanh từ sự gặp gỡ các nghịch vận, hay phát sanh từ các công kích thình lình bên ngoài vào, hay do quả dị thục của nghiệp; những số cảm thọ ấy không khởi lên nhiều, vị ấy ít bị bệnh tật. Ðối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức; do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn tinh luyện trong các hàng Sa-môn.
6. Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, Ta nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Ta sống với các Tỷ-kheo nào, các vị ấy đối với Ta, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái; với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái; với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái; giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Phàm có những cảm thọ nào khởi lên, phát sanh từ mật, hay phát sinh từ đàm, hay phát sanh từ gió, hay phát sanh từ sự gặp gỡ các nước trong thân thể, hay phát sanh từ sự thay đổi thời tiết, hay phát sanh từ sự gặp gỡ các nghịch vận, hay phát sanh từ sự công kích thình lình bên ngoài vào, hay do quả dị thục các nghiệp; những cảm thọ ấy không khởi lên nhiều nơi Ta. Ta ít bị bệnh tật. Ðối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, Ta có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tai, với thắng trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, nếu có nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.
Này các Tỷ-kheo, đây là bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời.

(VIII) (88) Các Hạng Sa Môn (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa-môn tinh luyện.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn bất động?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc hướng đến giác ngộ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen trắng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi đoạn diệt ba kiết sử, làm cho nhẹ bớt tham, sân, si, là bậc Nhất lai, chỉ có một lần trở lui đời này rồi chấm dứt khổ đau. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen hồng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị Bất lai, từ đấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui từ thế giới ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, do đoạn tận các lậu hoặc, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.
Này các Tỷ-kheo, bốn hạng Sa-môn này có mặt, xuất hiện ở đời.

(IX) (89) Các Hạng Sa Môn

1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn?
Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn bất động?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen trắng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có chánh tri kiến..., chánh định, chánh trí, chánh giải thoát, nhưng không có an trú với thân cảm giác tám giải thoát. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen hồng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có chánh tri kiến... chánh giải thoát, an trú với thân cảm giác tám giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng.
5. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít không được yêu cầu... Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta, là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.
Này các Tỷ-kheo, đây là bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời.
(X) (90) Các Hạng Sa Môn
1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn bất động?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị hữu học, ý chưa đạt được mục đích, đang sống hướng đến vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen trắng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc chấm dứt; đây là thọ... đây là tưởng... đây là các hành... đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức chấm dứt". Nhưng vị ấy chưa an trú với thân cảm giác tám giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn sen hồng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống, tùy quán sanh diệt trong năm thủ uẩn: "Ðây là sắc... đây là thức chấm dứt". Và vị ấy an trú với thân cảm giác tám giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu... Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, người ấy này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta, là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.



ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Tâm bất động có giá trị đối với người tu Phật? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 2. Tâm thanh tịnh có giá trị đối với người tu Phật? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 4. Một bậc giải thoát viên mãn cả hai phước hữu lậu và phước vô lậu do huân tu pháp gì? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận



 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Sự bất động tâm của bậc tu đà huờn chỉ cho điều nào sau đây? 
A. Niềm tin Tam Bảo không bao giờ suy suyễn / 
B. Không bao giờ rơi vào cảnh khổ / 
C. Chắc chắn cuối cùng sẽ giải thoát “Ví như, này các Tỷ-kheo, vị trưởng nam vua Sát-đế-lỵ, xứng đáng để được làm lễ quán đảnh, nhưng chưa làm lễ quán đảnh, và đạt đến địa vị bất động” / 
D. Cả ba điều trên

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 1: C

Trắc nghiệm 2. Người nào sau đây được xem là hạnh phúc theo Phật Pháp?
 A. Người không bao giờ bi chê /
 B. Người luôn luôn được khen /
 C. Người không bị giao động trước sự khen chê/

 D. Người sống ngoài thị phi

Trắc nghiệm 3. Câu nào sau đây cho chúng ta “cảm nhận” phần nào giá trị của thanh tịnh?
 A. Tắm rửa khiến thân thể sạch sẽ / 
B. Rời thành thị tới một nơi không khí trong lành / 
C. Có được những ngày sống trong thiền viện an tĩnh không phiền toái với công việc hằng ngày 
/ D. Cả ba điều trên


TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 3: D



No comments:

Post a Comment