Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 28/4/2019
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP NĂM CHI 5.16
Xviii) Năm bất hoàn: Trung gian Bát Niết bàn, Sanh Bát Niết bàn, Vô hành Bát Niết bàn, Hữu hành Bát Niết bàn, Thượng lưu thú A-ca-ni-sá (pañca anāgāmino — antarāparinibbāyī, upahaccaparinibbāyī, asaṅkhāraparinibbāyī, sasaṅkhāraparinibbāyī, uddhaṁsotoakaniṭṭhagāmī).
Cụm từ pañca anāgāmino dịch chính xác là năm bậc bất lai (a na hàm) (bản dịch: “năm bất hoàn” rất tối nghĩa). Một vị đoạn tận năm hạ phần kiết sử có thể có phần còn lại của dòng luân hồi theo năm cách:
*Trung chuyển thị tịch tức là viên tịch niết bàn trước khi đạt được phân nửa kiếp sống kế tục được ví dụ như miếng lửa nhỏ văng ra của thợ rèn nguội lạnh TRƯỚC KHI CHẠM ĐẤT.
*Mãn thọ thị tịch là viên tịch niết bàn khi đã sống quá nửa hoặc mãn kiếp tái tục ví dụ như miếng lửa nhỏ văng ra của thợ rèn nguội lạnh KHI ĐÃ CHẠM ĐẤT. Từ upahacca được hiểu là chạm đất (bản dịch trong Tăng Chi là “Tổn Hại Niết Bàn” rất tối nghĩa và khiến người đọc hiểu sai)
*Hữu hành thị tịch là cần có nỗ lực để viên mãn hành trình giác ngộ viên tịch niết bàn.
*Vô hành thị tịch là hoàn tất hành trình giải thoát do lực đẩy tự nhiên không cần ra sức.
*Tuần tự nhi tiến thị tịch là tái sanh thứ lớp đủ năm cõi tịnh cư cuối cùng viên tích niết bàn ở cõi cao nhất là sắc cứu cánh thiên.
Đoạn kinh sau đây trích từ Tăng Chi Bộ, chương bảy pháp với Phật ngôn thí dụ về năm bậc bất lai:
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành như vậy suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta. Cái gì có, cái gì được thành, ta đều từ bỏ". Vị ấy có được xả. Vị ấy không tham đắm sanh hữu, không tham đắm tích tụ của hữu; với chánh trí tuệ, vị ấy thấy có con đường vô thượng tịch tịnh. Vị ấy chưa chứng ngộ trọn vẹn hoàn toàn con đường ấy. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn mạn tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn hữu tham tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn vô minh tùy miên. Do diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra và trở thành nguội lạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta. Cái gì có, cái gì được thành, ta đều từ bỏ". Vị ấy có được xả, vị ấy không tham đắm hữu, không tham đắm hậu hữu; với chánh trí tuệ, vị ấy thấy có con đường vô thượng tịch tịnh. Và vị ấy chưa chứng ngộ trọn vẹn hoàn toàn con đường ấy. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn mạn tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn hữu tham tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn vô minh tùy miên. Do diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn.
4. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy đoạn diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra, có thể bay lên, sau khi chưa chạm vào đất, có thể trở thành nguội lạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, sau khi diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Trung gian Niết-bàn.
5. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra , có thể bay lên, sau khi chưa chạm vào đất, có thể trở thành nguội lạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn.
6. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Vô hành Niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra, có thể bay lên, có thể rơi xuống trên một đống cỏ nhỏ, hay trên một đống củi nhỏ; miếng vụn ấy ở đấy sanh ra ngọn lửa, sanh ra khói. Sau khi sanh ra ngọn lửa, sau khi sanh ra khói, nó đốt cháy tiêu hết đống cỏ nhỏ ấy, hay đống củi nhỏ ấy, rồi trở thành nguội lạnh vì không có nhiên liệu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Vô hành Niết-bàn.
7. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo khi thực hành như vậy, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra, có thể bay lên, có thể rơi xuống trên một đống cỏ , hay trên một đống củi rộng lớn; miếng vụn ấy ở đấy sanh ra ngọn lửa, sanh ra khói. Sau khi sanh ra ngọn lửa, sau khi sanh ra khói, nó đốt cháy tiêu hết đồng cỏ , hay đống củi rộng lớn ấy, rồi trở thành nguội lạnh vì không có nhiên liệu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành như vậy, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này sẽ không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn.
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành như vậy suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta. Cái gì có, cái gì được thành, ta đều từ bỏ.". Vị ấy có được xả, vị ấy không tham đắm sanh hữu, không tham đắm tích tụ của hữu; với chánh trí tuệ, vị ấy thấy có con đường vô thượng tịch tịnh và vị ấy chưa chứng ngộ trọn vẹn hoàn toàn con đường ấy. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn mạn tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn hữu tham tùy miên. Vị ấy chưa đoạn tận trọn vẹn hoàn toàn vô minh tùy miên. Do diệt tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy chứng được Thượng lưu Bát-niết-bàn, đi đến Sắc cứu cánh. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái bát bằng sắt được đốt cháy cả ngày và được đập đánh, một miếng vụn có thể văng ra, có thể bay lên, có thể rơi xuống trên một đống cỏ, hay trên một đống củi to lớn; miếng vụn ấy ở đấy sanh ra ngọn lửa, sanh ra khói. Sau khi sanh ra ngọn lửa, sau khi sanh ra khói, nó đốt cháy tiêu hết đồng cỏ, hay đống củi to lớn ấy, thiêu cháy lùm cây, thiêu cháy rừng rậm. Sau khi thiêu cháy thảo nguyên, sau khi thiêu cháy rừng rậm, nó cháy lan đến đám ruộng xanh hay đến đám đất cao, hay đến hòn đá, hay đến dòng nước, hay đến đám đất khả ái, hay đến một phần đất nào rồi trở thành nguội lạnh vì không có nhiên liệu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi thực hành như vậy, suy nghĩ như sau: "Nếu cái này không có, cái này có thể không phải của ta. Nếu cái này sẽ không có, cái này sẽ không phải của ta...". Vị ấy, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Thượng lưu Bát-niết-bàn, đi đến Sắc cứu cánh.
Dẫn giải sau đây trích từ quyển Kho Tàng Pháp Học của Tỳ khưu Giác Giới:
[336] Năm hạng A-na-hàm (Anāgāmipuggala), cũng gọi là thánh Bất lai:
1. Trung bang níp-bàn (Antarāparinibbāyī), là hạng Bất lai sau khi sanh vào một trong năm cõi tịnh cư, đắc A-la-hán và viên tịch trong khoảng từ nửa đời trở lại dù tuổi thọ chưa hết.
2. Sanh bang níp-bàn (Upahaccaparinibbāyī) là hạng Bất lai sanh lên cõi tịnh cư, đến quá nửa đời, sắp mãn tuổi thọ mới đắc A-la-hán và viên tịch.
3. Vô hành bang níp-bàn (Asaṅkhāraparinibbāyī) là hạng Bất lai không cần ráng sức nỗ lực cũng đắc A-la-hán dễ dàng.
4. Hữu hành bang níp-bàn (Sasaṅkhāraparinibbāyī), là hạng Bất lai phải cần ráng sức nỗ lực mới đắc A-la-hán và viên tịch.
5. Thượng lưu sắc cứu cánh (Uddhaṃsotāka-niṭṭhagāmī), là hạng Bất lai sanh tuần tự qua năm cõi tịnh cư, đến cõi sắc cứu cánh tột cùng mới đắc A-la-hán và viên tịch.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Một vị A Na hàm chứng thiền phi tưởng phi phi tưởng có khả năng nhập diệt thọ tưởng định , phải chăng cho thấy năm thượng phần kiết sử của bậc Tam quả rất vi tế ? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Một bậc đoạn tận dục ái nên sanh vào cõi sắc giới hay vô sắc, có khác với trường hợp một người sanh vào cõi Phạm thiên , vì chứng thiền nhưng chưa đọan tận dục ái ? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 4. Các bậc Thánh Hữu học có thể lựa chọn cảnh giới tái sanh chăng ? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 5. Những Bậc Thánh A Na Hàm cư sĩ trong Kinh điển cho chúng ta cãm nhận gì ? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 6: TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment