Sunday, April 14, 2019

Bài học. Chủ Nhật ngày 14 tháng 4, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 14/4/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP NĂM CHI phần 5.2

Ii) Năm thủ uẩn: Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn (pañcupādānakkhandhā. rūpupādānakkhandho {rūpūpādānakkhandho evamitaresupi} vedanupādānakkhandho saññupādānakkhandho saṅkhārupādānakkhandho viññāṇupādānakkhandho.).

Bài kinh sau đây trích từ Tương Ưng Bộ dạy về năm thủ uẩn, phương thức quán chiếu và sự giải thoát:
X. Trăng Rằm (S.iii,100) 
1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Ðông Viên, Lộc Mẫu giảng đường, cùng với đại chúng Tỷ-kheo.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn nhân ngày lễ Bố-tát, ngày rằm, đêm trăng tròn, giữa trời, có chúng Tỷ-kheo đoanh vây.
3) Rồi có Tỷ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con muốn hỏi Thế Tôn một vấn đề, nếu Thế Tôn cho phép, và trả lời câu hỏi của con.
-- Này Tỷ-kheo, hãy ngồi tại chỗ và hỏi theo ý Ông muốn.
4) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, ngồi tại chỗ ngồi của mình và bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có phải có năm thủ uẩn này: tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn?
-- Này Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn.
5-- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, rồi hỏi thêm Thế Tôn một câu khác:
-- Bạch Thế Tôn, năm thủ uẩn này lấy gì làm căn bản?
-- Này Tỷ-kheo, năm thủ uẩn này lấy dục làm căn bản.
6) -- Lành thay, bạch Thế Tôn...
-- Bạch Thế Tôn, chấp thủ ấy là năm thủ uẩn ấy hay chấp thủ ngoài năm thủ uẩn?
-- Này Tỷ-kheo, chấp thủ ấy không tức là năm thủ uẩn ấy và chấp thủ cũng không phải ngoài năm thủ uẩn. Nhưng chỗ nào có tham và dục, chỗ ấy có chấp thủ.
7) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi Thế Tôn một câu hỏi khác:
-- Có thể chăng, bạch Thế Tôn, trong năm thủ uẩn, có sự sai khác về dục và tham?
Thế Tôn đáp :
-- Có thể có, này Tỷ-kheo.
Ở đây, này Tỷ-kheo, có người nghĩ như sau: "Mong rằng trong tương lai, ta sẽ có sắc như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có thọ như vậy! Mong rằng trong tương lai, ta sẽ có tưởng như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có các hành như vậy! Mong rằng trong tương lai ta sẽ có thức như vậy!" Như vậy, này Tỷ-kheo, có thể có sự sai khác về dục và tham trong năm thủ uẩn.
8) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Dưới hình thức nào, bạch Thế Tôn, có định nghĩa về uẩn của các uẩn?
-- Phàm sắc gì, này Tỷ-kheo, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; đây gọi là sắc uẩn. Phàm thọ gì... Phàm tưởng gì... Phàm các hành gì... Phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; đây gọi là thức uẩn. Dưới hình thức như vậy, này Tỷ-kheo, có định nghĩa về uẩn của các uẩn.
9) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu hỏi nữa:
-- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, được gọi là sắc uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được gọi là thọ uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được gọi là tưởng uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được gọi là hành uẩn? Do nhân gì, do duyên gì, được gọi là thức uẩn?
-- Do nhân bốn đại, này Tỷ-kheo, do duyên bốn đại, được gọi là sắc uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc, được gọi là thọ uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc, được gọi là tưởng uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc, được gọi là hành uẩn. Do nhân danh sắc, do duyên danh sắc, được gọi là thức uẩn.
10) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu khác:
-- Như thế nào, bạch Thế Tôn, là có thân kiến?
-- Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay quán tự ngã như là có sắc, hay quán sắc ở trong tự ngã, hay quán tự ngã ở trong sắc... thọ... tưởng.. hành... quán thức như là tự ngã, hay quán tự ngã như là có thức,hay quán thức ở trong tự ngã, hay quán tự ngã ở trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là có thân kiến.
11) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm câu nữa:
-- Như thế nào, bạch Thế Tôn, là không có thân kiến?
-- Ở đây, này Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh, khéo thuần thục pháp các bậc Thánh, khéo tu tập pháp các bậc Thánh; thấy rõ các bậc Chân nhân, khéo thuần thục pháp các bậc Chân nhân, khéo tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có sắc, hay không quán sắc ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong sắc, không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có thức, hay không quán thức ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là không có thân kiến.
12) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy... hỏi thêm một câu nữa:
-- Bạch Thế Tôn, cái gì là vị ngọt, là sự nguy hiểm, là sự xuất ly của sắc?... của thọ... của tưởng... của các hành? Cái gì là vị ngọt, là sự nguy hiểm, là sự xuất ly của thức?
-- Này Tỷ-kheo, do duyên sắc, khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của sắc. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của sắc, đó là sự nguy hiểm của sắc. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với sắc, đó là sự xuất ly của sắc. Do duyên thọ... Do duyên tưởng... Do duyên các hành... Do duyên thức khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của thức. Sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thức, đó là sự nguy hiểm của thức. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham đối với thức, đó là sự xuất ly của thức.
13) -- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, lại hỏi Thế Tôn thêm câu nữa:
-- Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, do thấy như thế nào, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (quan điểm): ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên?

-- Này Tỷ-kheo, phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả sắc, Tỷ-kheo như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải tự ngã của tôi". Phàm thọ gì... Phàm tưởng gì... Phàm các hành gì... Phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức, Tỷ-kheo như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải tự ngã của tôi!" Này Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (quan điểm): ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên.
14) Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo khác khởi lên suy nghĩ sau đây: "Nếu Ngài nói sắc là vô ngã, thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã, thời các nghiệp do vô ngã tạo ra, thời ngã nào lãnh thọ?"
15) Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết rõ suy nghĩ của Tỷ-kheo ấy, liền nói với các Tỷ-kheo:
-- Sự kiện này xảy ra, này các Tỷ-kheo, là có kẻ ngu si, vô trí, chìm đắm trong vô minh, tâm bị khát ái chi phối, nghĩ rằng có thể vượt qua lời dạy bậc Ðạo Sư, nghĩ rằng: "Nếu Ngài dạy rằng sắc là vô ngã, thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã, thời các nghiệp do vô ngã làm, các nghiệp ấy do ngã nào lãnh thọ?" Này các Tỷ-kheo, các câu vấn nạn đã được Ta khéo dạy cho các Ông, chỗ này, chỗ kia trong các pháp ấy.
16) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
17-19) -- Thọ... tưởng... các hành...
20) Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng, nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Do vậy... thấy vậy... vị ấy biết: "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa".


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Tại sao quán sự vô thường của sắc, thọ, tưởng, hành, thức giúp xoá đi ảo tưởng “đây là ta, là của ta, là tự ngã của ta”? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 2. Phải chăng tất cả mặc cảm, hận thù, lo lắng, sầu khổ đều y cứ trên ngã chấp? - TT Tuệ Quyền


Thảo luận 3. Chúng ta có thể chấp ngã “một cách chọn lọc” chăng? (niềm vui nầy mới là tôi, diện mạo nầy mới là tôi, hành động khôn ngoan nầy mới thật là tôi…) - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận  4: Phải chăng theo Phật Pháp chúng ta nhìn vào bản thân với quan niệm “tôi là, tôi có, tôi hơn kém” khiến chúng ta khổ nhiều hơn hạnh phúc? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 5: TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận và trắc nghiệm


 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Những kỷ niệm đẹp thì mờ nhạt mà những chuyện buồn thì cứ trạng lại hoài. Hành giả có thể nhận thức đó là điều nào sau đây? 
A. Thọ uẩn là vô ngã /
 B. Tưởng uẩn là vô ngã /
 C. Hành uẩn là vô ngã /
 D. Thức uẩn là vô ngã

 TT Pháp Đăng cho đáp án trắc nghiệm 1 : B

 Trắc nghiệm 2. Muốn xua tan nỗi buồn nhưng lòng không thanh thản được. Hành giả có thể nhận thức đó là điều nào sau đây? 
A. Thọ uẩn là vô ngã / 
B. Tưởng uẩn là vô ngã / 
C. Hành uẩn là vô ngã / 
D. Thức uẩn là vô ngã


TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 2:A

Trắc nghiệm 3 . Muốn trẻ mãi không già nhưng thân thể thì cứ lão hoá. Hành giả có thể nhận thức đó là điều nào sau đây?
 A. Sắc uẩn là vô ngã / 
B. Tưởng uẩn là vô ngã / 
C. Hành uẩn là vô ngã /
 D. Thức uẩn là vô ngã

 ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 3 :A

Trắc nghiệm 4. Biết tập tu bát quan trai là tốt nhưng lại lười. Hành giả có thể nhận thức đó là điều nào sau đây? 
A. Thọ uẩn là vô ngã / 
B. Tưởng uẩn là vô ngã / 
C. Hành uẩn là vô ngã /
 D. Thức uẩn là vô ngã


TT Pháp Đăng cho đáp án trắc nghiệm 4:C

Trắc nghiệm 5. Ai cũng muốn thấy cảnh đẹp, nghe tiếng hay, ngửi mùi thơm …nhưng không phải lúc nào cũng được.
 A. Thọ uẩn là vô ngã /
 B. Tưởng uẩn là vô ngã / 
C. Hành uẩn là vô ngã /
 D. Thức uẩn là vô ngã

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 5: D

Trắc nghiệm 6. Nếu chúng ta “thấy” năm uẩn là vô ngã thì nên làm điều nào sau đây? 
A. Làm mọi cách để chủ động để năm uẩn phải theo ý mình /
 B. Thường ý thức đó là thực tại không thể khác đi được / 
C. Giảm bớt cố chấp kỳ vọng năm uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta /
 D. Câu B và C đúng


TT Pháp Đăng cho đáp án trắc nghiệm 6: D

No comments:

Post a Comment