Saturday, October 12, 2013

Bài học, Chủ Nhật 13-10-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

LỜI KHIỂN TRÁCH CỦA ĐẤNG ĐẠI TỪ


1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến: ‘Này các đại đức, đức Như Lai có cách hành xử về lời nói hoàn toàn trong sạch. Đức Như Lai không có lối cư xử xấu xa về lời nói khiến đức Như Lai phải gìn giữ rằng: - Chớ để người khác biết việc này của Ta.’ Và thêm nữa, trong khi quy định tội pārājika về việc phạm lỗi của trưởng lão Sudinna Kalandaputta, đức Như Lai đã xưng hô bằng từ kẻ rồ dại với những lời nói gay gắt. Và vì thế, vị trưởng lão ấy bị run sợ, có sự ăn hận, đã không thể thấu triệt Thánh Đạo. Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai có cách hành xử về lời nói hoàn toàn trong sạch, đức Như Lai không có lối cư xử xấu xa về lời nói, như thế thì lời nói rằng: ‘Trong việc phạm lỗi của trưởng lão Sudinna Kalandaputta, đức Thế Tôn đã xưng hô bằng từ kẻ rồ dại’ là sai trái. Nếu trong việc phạm lỗi của trưởng lão Sudinna Kalandaputta, đức Thế Tôn đã xưng hô bằng từ kẻ rồ dại, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Như Lai có cách hành xử về lời nói hoàn toàn trong sạch, đức Như Lai không có lối cư xử xấu xa về lời nói’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.” 

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến: ‘Này các đại đức, đức Như Lai có cách hành xử về lời nói hoàn toàn trong sạch. Đức Như Lai không có lối cư xử xấu xa về lời nói khiến đức Như Lai phải gìn giữ rằng: -Chớ để người khác biết việc này của Ta.’ Và thêm nữa, trong khi quy định tội pārājika về việc phạm lỗi của trưởng lão Sudinna Kalandaputta, đức Thế Tôn đã xưng hô bằng từ kẻ rồ dại. Tuy nhiên, điều ấy là không do tâm xấu xa, không do sự giận dữ, mà là với biểu hiện đúng đắn. Và ở đây biểu hiện đúng đắn là gì? Tâu đại vương, đối với cá nhân nào mà sự chứng ngộ bốn Sự Thật không có ở bản ngã này, thì bản thể con người của kẻ ấy là rồ dại, trong khi cái này đang được làm thì lại thành tựu với cái khác; do điều ấy mà được gọi là ‘kẻ rồ dại.’ Tâu đại vương, như thế đối với đại đức Sudinna Kalandaputta, đức Thế Tôn đã xưng hô bằng lời nói về bản thể, không phải bằng lời không đúng sự thật.” 

3. “Thưa ngài Nāgasena, người nào trong khi mắng nhiếc (kẻ khác) mà nói đến cho dầu là đúng với bản thể, đối với người ấy chúng ta nên bắt chịu hình phạt nhẹ. Người ấy rõ ràng là có lỗi, người ấy mắng nhiếc trong khi thể hiện sự bày tỏ căn cứ vào sự kiện theo tính cách riêng.” 

“Tâu đại vương, có phải đại vương đã được nghe trước đây về việc đảnh lễ, đứng dậy, tôn vinh, hoặc dâng biếu quà tặng đến người bị lỗi lầm chăng?” 

“Thưa ngài, không có. Người ấy đã bị lỗi lầm vì điều gì, do đâu, ở nơi nào, ở bất cứ đâu, là xứng với sự rầy la, xứng với sự quở trách, đối với kẻ này người ta còn chặt đầu, hành hạ, trói lại, giết chết, và thiêu đốt nữa.” 

“Tâu đại vương, như thế thì chỉ có việc nên làm là được đức Thế Tôn thực hiện, chứ không có việc không nên làm?” 

“Thưa ngài Nāgasena, ngay cả hành động cần phải làm còn được thực hiện một cách phù hợp, một cách thích đáng. Thưa ngài Nāgasena, đối với đức Như Lai, chỉ riêng với việc nghe danh thôi thì thế gian có cả chư Thiên đều kinh hãi, hổ thẹn, với việc nhìn thấy thì còn nhiều hơn, với việc phục vụ khi đi đến gần thì còn vượt trội cả điều ấy nữa.” 

4. “Tâu đại vương, phải chăng người thầy thuốc ban cho các loại thuốc thoa trong trường hợp cơ thể bị tiết dịch, có chất độc hoành hành?” 

“Thưa ngài, không đúng. Với sự mong mỏi về sức khỏe, ông ta ban cho các loại thuốc mạnh, có thể gây cồn cào.” 

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai ban cho lời chỉ bảo nhằm làm lặng yên tất cả các căn bệnh phiền não. Tâu đại vương, lời nói của đức Như Lai, dầu là gay gắt, nhưng xoa dịu chúng sanh, làm cho trở thành nhu thuận. 

Tâu đại vương, giống như nước nóng làm mềm mại bất cứ vật gì có thể làm mềm mại, làm cho trở thành nhu nhuyến. Tâu đại vương, tương tợ y như thế lời nói của đức Như Lai, dầu là gay gắt, nhưng có lợi ích, được gắn liền với lòng thương xót. 

Tâu đại vương, giống như lời nói của người cha đối với các con trai là có lợi ích, được gắn liền với lòng thương xót, tâu đại vương, tương tợ y như thế lời nói của đức Như Lai, dầu là gay gắt, nhưng có lợi ích, được gắn liền với lòng thương xót. Tâu đại vương, lời nói của đức Như Lai, dầu là gay gắt nhưng đưa đến sự dứt bỏ phiền não của các chúng sanh. 

Tâu đại vương, giống như nước tiểu trâu bò dầu có mùi thối mà được uống vào, món thuốc dầu không có mùi vị mà được ăn vào, lại diệt trừ căn bệnh cho các chúng sanh, tâu đại vương, tương tợ y như thế lời nói của đức Như Lai, dầu là gay gắt, nhưng có lợi ích, được gắn liền với lòng thương xót. 

Tâu đại vương, giống như đống gòn, dầu lớn, rơi xuống ở cơ thể của người khác vẫn không gây ra thương tích, tâu đại vương, tương tợ y như thế lời nói của đức Như Lai, dầu là gay gắt, nhưng không làm sanh lên sự khổ đau cho bất cứ ai.” 

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được giải quyết bằng nhiều lý lẽ. Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.” 


II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng  điều hợp.

 1: Xin cho vài thí dụ về ảnh hưởng tốt đẹp ngày nay nhờ vào sự lòng đại bi của chư vị trưởng lão ngày xưa? - TT Pháp Tân

 2: Vị thầy vì lòng từ bi với học trò mà "rầy oan" điều gì đó thì có tạo ác quả chăng? - TT Pháp Đăng

 3: Sự dễ dãi trong sinh hoạt chùa chiền để tăng chúng thoải mái có hệ quả lâu dài thế nào? Phương cách nào là hợp lý? - TT Tuệ Quyền 

 4:Nhiều bậc cổ đức khi nhận thấy không có "bạn đồng hành thiện trí" thì chọn cuộc sống một mình. Thái độ đó có yếm thế chăng? - ĐĐ Pháp Tín

 5 :Người ta nói "Trung ngôn  nghịch nhĩ" lời nói về sự thật có nhất thiết là "nghe chát tai" chăng? -  TT Tuệ Siêu

6. Một số người quan niệm rằng trong việc duy trì Phật Pháp thà ít mà tốt đẹp hơn đông đảo nhưng ô hợp. Cái nhìn đó có hợp lý chăng? - TT Tuệ Siêu 

No comments:

Post a Comment