Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Pháp Tân
Giảng Sư: TT Pháp Tân
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
TẬN NHÂN LỰC MỚI TRI THIÊN MẠNG
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi, không phải đã đi vào khe của những ngọn núi mà Tử Thần không thể áp đảo người đứng ở nơi ấy, vì khu vực ấy ở trên trái đất không được tìm thấy.’
Và thêm nữa, các chú thuật hộ trì đã được đức Thế Tôn chỉ ra như là: ‘Ratanasutta, Khandhaparitta, Moraparitta, Dhajagga-paritta, Āṭānāṭiyaparitta, Aṅgulimālaparitta.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu cho dầu đi đến không trung, cho dầu đi đến giữa biển khơi, cho dầu đi đến tòa lâu đài, chòi, hang, động, sườn núi, hốc kẹt, khe núi, bên trong tảng đá mà cũng không được thoát khỏi gông cùm của Thần Chết, như thế thì công việc chú thuật hộ trì là sai trái. Nếu do công việc chú thuật hộ trì mà có sự thoát khỏi gông cùm của Thần Chết, như thế thì lời nói rằng: ‘Không phải ở bầu trời, —(như trên)— không được tìm thấy’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, bị thắt lại còn hơn nút thắt, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi, không phải đã đi vào khe của những ngọn núi mà Tử Thần không thể áp đảo người đứng ở nơi ấy, vì khu vực ấy ở trên trái đất không được tìm thấy.’
Và các bài Kinh hộ trì đã được đức Thế Tôn chỉ ra. Tuy nhiên, điều ấy là dành cho người có tuổi thọ vẫn còn, đã đạt đến tuổi trưởng thành, sự ngăn cản của nghiệp đã được trừ khử, tâu đại vương nhưng không có việc áp dụng hay sự nỗ lực để duy trì đối với người có tuổi thọ đã cạn kiệt. Tâu đại vương, giống như đối với cây đã chết, khô héo, ráo nhựa, hết tươi tắn, sức sống đã bị ngưng lại, sự tạo tác của tuổi thọ đã qua, trong khi rưới nước dầu là một ngàn chậu cũng không thể trở nên tươi tắn hoặc có trạng thái đâm chồi mọc lá xanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có việc áp dụng hay sự nỗ lực để duy trì đối với người có tuổi thọ đã cạn kiệt bằng thuốc men và việc làm chú thuật hộ trì. Tâu đại vương, những thuốc men chữa bệnh ở trên trái đất thì cũng không làm được phận sự gì đối với người có tuổi thọ đã cạn kiệt. Tâu đại vương, chú thuật hộ trì bảo vệ, gìn giữ người có tuổi thọ vẫn còn, đã đạt đến tuổi trưởng thành, sự ngăn cản của nghiệp đã được trừ khử. Vì sự lợi ích ấy mà các chú thuật hộ trì đã được đức Thế Tôn chỉ ra.
Tâu đại vương, giống như người nông dân có thể ngăn cản việc dẫn nước vào khi lúa đã chín đều, cọng lúa đã khô. Trái lại, khi cây lúa còn non, tương tợ như đám mây, đã đạt đến lúc trưởng thành, thì nó phát triển nhờ vào sự cung cấp nước. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với người có tuổi thọ đã cạn kiệt, các việc áp dụng thuốc men và chú thuật hộ trì bị đình chỉ, bị chối bỏ. Trái lại, những người có tuổi thọ vẫn còn, đã đạt đến tuổi trưởng thành, vì lợi ích cho những người ấy chú thuật hộ trì và thuốc men được đề cập đến. Những người ấy lớn mạnh nhờ vào chú thuật hộ trì và thuốc men.”
3. “Thưa ngài Nāgasena, nếu người có tuổi thọ đã cạn kiệt thì chết, người có tuổi thọ vẫn còn thì sống, như thế thì chú thuật hộ trì và thuốc men là không có lợi ích.”
“Tâu đại vương, có phải ngài đã được nhìn thấy trước đây một loại bệnh nào đó được đẩy lùi bởi các loại thuốc men?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Đã được nhìn thấy hàng trăm.”
“Tâu đại vương, như thế thì lời nói rằng: ‘Việc áp dụng chú thuật hộ trì và thuốc men không có lợi ích’ là sai trái.”
“Thưa ngài Nāgasena, các sự nỗ lực của các thầy thuốc gồm có thuốc men, thức uống, cao bôi được nhìn thấy, nhờ sự nỗ lực ấy của các thầy thuốc mà căn bệnh được đẩy lùi.”
“Tâu đại vương, trong khi những người đang tụng đọc các chú thuật hộ trì thì tiếng của họ được nghe, lưỡi bị khô, tim đập mạnh, cổ họng bị khan tiếng. Nhờ vào sự vận hành ấy của các chú thuật hộ trì mà tất cả các bệnh tật được tiêu trừ, tất cả các sự rủi ro qua đi. Tâu đại vương, phải chăng đại vương đã được nhìn thấy trước đây người nào đó bị rắn cắn đang tẩy trừ nọc độc, đang làm tiêu tan nọc độc, đang rửa sạch bên trên bên dưới nhờ vào câu chú thuật?”
4. “Thưa ngài, đúng vậy. Thậm chí vào lúc này hôm nay điều ấy vẫn tồn tại ở thế gian.”
“Tâu đại vương, như thế thì lời nói rằng: ‘Việc áp dụng chú thuật hộ trì và thuốc men không có lợi ích’ là sai trái. Tâu đại vương, bởi vì người có chú thuật hộ trì đã được thực hiện thì con rắn, có ý định cắn, vẫn không cắn và ngậm lại cái miệng đã há ra. Thậm chí cây côn của các kẻ trộm dầu đã được nâng lên cũng không có tác dụng; chúng buông rơi cây côn và thể hiện sự trìu mến. Ngay cả con long tượng bị lên cơn giận dữ đang lao đến cũng dịu lại. Khối lửa lớn đã phát cháy đang tiến gần cũng bị tắt ngấm. Thậm chí chất độc dữ tợn đã được ăn vào tự biến thành thuốc giải độc hoặc là phát tán theo dạng thức ăn. Những kẻ giết người có ý định giết chết sau khi đến gần thì trở nên trạng thái của người nô lệ. Ngay cả bẫy sập đã được bước lên cũng không hoạt động. Tâu đại vương, hơn nữa đại vương đã được nghe trước đây về con chim công có chú thuật hộ trì đã được thực hiện khiến người thợ săn trong bảy trăm năm đã không thể dụ đến gần bẫy sập. Khi chú thuật hộ trì không được thực hiện thì chính vào ngày ấy người thợ săn đã dụ được nó vào bẫy sập.”
“Thưa ngài, có được nghe. Tiếng đồn ấy đã được loan truyền ở thế gian có cả chư Thiên.”
5. “Tâu đại vương, như thế thì lời nói rằng: ‘Việc áp dụng chú thuật hộ trì và thuốc men không có lợi ích’ là sai trái. Tâu đại vương, hơn nữa đại vương đã được nghe trước đây về người khổng lồ, trong khi gìn giữ người vợ, liền cho vào vỏ bọc, nuốt vào, và mang theo ở trong bụng. Khi ấy, có người thầy pháp đã đi vào miệng của người khổng lồ ấy và vui thú với người vợ. Đến khi người khổng lồ ấy biết được thì ói ra cái bọc rồi mở nó ra. Khi cái bọc được mở ra thì người thầy pháp đã thoát thân theo như ý muốn.”
“Thưa ngài, có được nghe. Tiếng đồn ấy cũng đã được loan truyền ở thế gian có cả chư Thiên.”
“Tâu đại vương, không lẽ người thầy pháp ấy được thoát khỏi sự bắt giữ nhờ vào năng lực của chú thuật hộ trì?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, như thế thì có năng lực của chú thuật hộ trì.”
6. Tâu đại vương, hơn nữa phải chăng đại vương đã được nghe trước đây về một người thầy pháp khác gian díu với hoàng hậu ở nội cung của đức vua xứ Bārāṇasī, trong khi đang bị bắt giữ thì trong phút chốc đã trở nên không còn nhìn thấy nhờ vào năng lực của chú thuật?”
“Thưa ngài, có được nghe.”
“Tâu đại vương, không lẽ người thầy pháp ấy được thoát khỏi sự bắt giữ nhờ vào năng lực của chú thuật hộ trì?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, như thế thì có năng lực của chú thuật hộ trì.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải chú thuật hộ trì bảo vệ cho tất cả?”
“Tâu đại vương, bảo vệ một số người, không bảo vệ một số người.”
“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì chú thuật hộ trì là không có lợi ích cho tất cả.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1:Theo tinh thần của Phật Pháp thì trong trường hợp nào thích hợp để tụng các bài kinh Paritta? - TT Tuệ Quyền
2: Chúng ta nói về nghiệp mệnh nhưng không ai biết rõ vậy thì câu nói "còn nước còn tát" là thái độ hợp lý chăng? - ĐĐ Pháp Tín
No comments:
Post a Comment