Monday, October 21, 2013

Bài học, Thứ Ba 22-10-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Tuệ Quyền

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

KHẢ TÍNH CỦA MÂU VÀ THUẨN

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử có thần thông của Ta tức là Mahāmoggallāna.’ Và thêm nữa, nghe nói vị ấy bị đánh bằng những cây côn, có đầu bị vỡ, xương thịt gân bị nghiền nát thành bột, và toàn thân bị chặt đứt, rồi viên tịch Niết Bàn. Thưa ngài Nāgasena, nếu vị trưởng lão Mahāmoggallāna đã đạt đến tột đỉnh của thần thông, như thế thì lời nói rằng: ‘Bị đánh bằng những cây côn rồi viên tịch Niết Bàn’ là sai trái. Nếu bị đánh bằng những cây côn rồi viên tịch Niết Bàn, như thế thì lời nói rằng: ‘Đã đạt đến tột đỉnh của thần thông’ cũng là sai trái. Có phải vị ấy không có khả năng về thần thông để tránh né việc chết chóc của mình, để trở thành đối tượng nương nhờ của thế gian luôn cả chư Thiên? Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử có thần thông của Ta tức là Mahāmoggallāna.’ Và đại đức Mahāmoggallāna đã bị đánh bằng cây côn rồi viên tịch Niết Bàn. Tuy nhiên, điều ấy là do đã bị chế ngự bởi nghiệp.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế không phải lãnh vực của thần thông đối với người có thần thông và quả thành tựu của nghiệp là hai điều không thể nghĩ bàn hay sao? Và có thể tránh né việc không thể nghĩ bàn (này) bằng việc không thể nghĩ bàn (khác)? Thưa ngài, giống như những ai mong muốn trái cây thì chọi thẳng trái táo rừng bằng trái táo rừng, chọi thẳng trái xoài bằng trái xoài, thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế sau khi đối chọi việc không thể nghĩ bàn (này) bằng việc không thể nghĩ bàn (khác) thì có thể tránh né được.”
“Tâu đại vương, tuy nhiên trong hai điều không thể nghĩ bàn thì một điều là trội hơn, có năng lực lớn hơn. Tâu đại vương, giống như các vị vua ở trên trái đất là tương đương về dòng dõi. Tuy nhiên trong số các vị tương đương về dòng dõi ấy, có một vị thống trị tất cả và thể hiện quyền hành. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong số các điều không thể nghĩ bàn ấy, thì chính quả thành tựu của nghiệp là trội hơn, có năng lực lớn hơn. Chính quả thành tựu của nghiệp thống trị tất cả và thể hiện quyền hành. Đối với người đã bị chế ngự bởi nghiệp, các hành động còn lại không đạt được cơ hội.
Tâu đại vương, hơn nữa trong trường hợp một người nam vi phạm một sự việc nào đó, thì người mẹ, hoặc người cha, hoặc anh chị em, hoặc bạn bè thân hữu của người ấy không bảo vệ được anh ta, khi ấy chính đức vua thống trị ở nơi ấy và thể hiện quyền hành. Trong trường hợp ấy cái gì là nguyên nhân? Do tình trạng vi phạm tội. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong số các điều không thể nghĩ bàn ấy, thì chính quả thành tựu của nghiệp là trội hơn, có năng lực lớn hơn. Chính quả thành tựu của nghiệp thống trị tất cả và thể hiện quyền hành. Đối với người đã bị chế ngự bởi nghiệp, các hành động còn lại không đạt được cơ hội.
Tâu đại vương, hoặc là giống như đám lửa rừng khi đã phát khởi ở trái đất thì cho dầu một ngàn lu nước cũng không thể nào dập tắt. Khi ấy, chính ngọn lửa thống trị ở nơi ấy và thể hiện quyền hành. Trong trường hợp ấy cái gì là nguyên nhân? Là do sức mạnh của ngọn lửa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong số các điều không thể nghĩ bàn ấy, thì chính quả thành tựu của nghiệp là trội hơn, có năng lực lớn hơn. Chính quả thành tựu của nghiệp thống trị tất cả và thể hiện quyền hành. Đối với người đã bị chế ngự bởi nghiệp, các hành động còn lại không đạt được cơ hội. Tâu đại vương, do đó đại đức Mahāmoggallāna là đã bị chế ngự bởi nghiệp, trong khi đang bị đánh bằng những cây côn đã không có được sự gom tụ lại của thần thông.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”


II. Thảo Luận: TT Tuệ Quyền  điều hợp.

1. Nếu chúng ta đã tạo nghiệp bất thiện và phải nhận quả xấu thì có cách nào theo tinh thần Phật Pháp chúng ta làm gì để giảm thiểu nghiệp bất thiện đó ? - TT Pháp Đăng
2. Có phải trong lý nghiệp báo thì nhân nào quả đó, có phải mình tạo việc ác gì thì sẽ nhận quả như vậy, có phải không? - TTPháp Đăng
3. Có phải do mình có tu nên vượt qua tai nạn, và do tu nên mình được nhiều may mắn do có phước? - TT Pháp Tân

No comments:

Post a Comment