Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Pháp Tân
4:Hiển hoá thần thông là cách dễ nhất để tạo niềm tin cho chúng sanh, tại sao Đức Phật không thường dùng cách đó? - TT Pháp Tân
Giảng Sư: TT Pháp Tân
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
HIỂN LỘ ẨN TƯỚNG
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Như Lai nói đến:
‘Lành thay sự phòng hộ thân! Lành thay sự phòng hộ lời nói! Lành thay sự phòng hộ ý! Lành thay sự phòng hộ tất cả.’
Và thêm nữa, đức Như Lai sau khi ngồi xuống ở giữa tứ chúng đã phô bày tướng mã âm tàng[3] cho Bà-la-môn Sela nhìn thấy ở phía trước chư Thiên và nhân loại. Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được đức Thế Tôn nói là: ‘Lành thay sự phòng hộ thân!’ như thế thì lời nói rằng: ‘Ngài đã phô bày tướng mã âm tàng cho Bà-la-môn Sela nhìn thấy’ là sai trái. Nếu Ngài đã phô bày tướng mã âm tàng cho Bà-la-môn Sela nhìn thấy, như thế thì lời nói rằng: ‘Lành thay sự phòng hộ thân!’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Như Lai nói đến: ‘Lành thay sự phòng hộ thân!’ và tướng mã âm tàng đã được phô bày cho Bà-la-môn Sela nhìn thấy. Tâu đại vương, đối với người nào có sự hoài nghi sanh khởi về đức Như Lai, vì mục đích giúp cho người ấy giác ngộ mà đức Thế Tôn đã phô bày phần thân thể ấy bằng thần thông. Chỉ có người ấy nhìn thấy thần thông ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, vả lại ai sẽ tin rằng chỉ có một người ở hội chúng nhìn thấy vật được che giấu sau lớp vải ấy, và số còn lại đang ở ngay tại chỗ ấy lại không nhìn thấy? Trong trường hợp này, xin ngài hãy xác định cho trẫm lý do ấy, xin hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ.”
“Tâu đại vương, có phải đại vương đã được nhìn thấy trước đây một người đàn ông nào đó bị bệnh, được vây quanh bởi bà con và bạn bè?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, phải chăng nhóm người nhìn thấy cái cảm thọ ấy, là cái cảm thọ mà người đàn ông ấy cảm nhận?”
“Thưa ngài, không được. Chỉ có người đàn ông ấy cảm nhận bởi chính bản thân.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế chỉ đối với người nào có sự hoài nghi sanh khởi về đức Như Lai, vì mục đích giúp cho chính người ấy giác ngộ mà đức Thế Tôn đã phô bày phần thân thể ấy bằng thần thông, chỉ có người ấy nhìn thấy thần thông ấy. Tâu đại vương, hoặc là giống như việc vong linh có thể nhập vào một người nam nào đó, tâu đại vương, phải chăng nhóm người ấy nhìn thấy vong linh ấy đang tiến đến gần?”
“Thưa ngài, không được. Chỉ có người bệnh ấy nhìn thấy sự tiến đến gần của vong linh ấy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế chỉ đối với người nào có sự hoài nghi sanh khởi về đức Như Lai, chỉ có người ấy nhìn thấy thần thông ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, việc khó làm đã được thực hiện bởi đức Thế Tôn trong lúc Ngài phô bày vật không thể nhìn thấy ấy cho một người thôi.”
“Tâu đại vương, đức Thế Tôn không phô bày vật được che giấu, trái lại đã cho nhìn thấy cái hình bóng bằng thần thông.”
“Thưa ngài, dầu chỉ là cái hình bóng được nhìn thấy nhưng đúng là vật che giấu đã được nhìn thấy, sau khi nhìn thấy vật ấy thì đã đạt được mục đích.”
“Tâu đại vương, đức Như Lai làm việc khó làm để giác ngộ những chúng sanh có khả năng giác ngộ. Tâu đại vương, nếu đức Như Lai buông lơi công việc thì những chúng sanh có khả năng giác ngộ không thể giác ngộ. Tâu đại vương, và bởi vì đức Như Lai biết được phương thức để giác ngộ những chúng sanh có khả năng giác ngộ, vì thế bằng phương thức nào khiến cho những chúng sanh có khả năng giác ngộ được giác ngộ thì đức Như Lai giác ngộ những chúng sanh có khả năng giác ngộ theo phương thức ấy.
3. Tâu đại vương, giống như người thầy thuốc phẫu thuật, bằng phương thuốc nào khiến người bịnh được lành bệnh thì đi đến người bệnh với phương thuốc ấy, làm cho nôn mửa người cần phải nôn mửa, làm xổ người cần phải xổ, bôi dầu người cần phải bôi dầu, tẩm hương người cần phải tẩm hương, tâu đại vương tương tợ y như thế đức Như Lai bằng phương thức nào khiến cho những chúng sanh có khả năng giác ngộ được giác ngộ thì giác ngộ những chúng sanh có khả năng giác ngộ theo phương thức ấy.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nữ có bào thai ngược phô bày vật che giấu không đáng được nhìn thấy cho người thầy thuốc, tâu đại vương, tương tợ y như thế để giác ngộ những người có khả năng giác ngộ đức Như Lai đã phô bày bằng thần thông cái hình bóng của vật che giấu không đáng được nhìn thấy. Tâu đại vương, vật gọi là không đáng được nhìn thấy thì không có cơ hội dành cho cá nhân. Tâu đại vương, nếu người nào đó sau khi nhìn thấy trái tim của đức Thế Tôn mà được giác ngộ thì đức Thế Tôn theo phương thức cũng cho người ấy nhìn thấy trái tim. Tâu đại vương, đức Như Lai là người biết được phương thức, và thiện xảo về việc thuyết giảng. Tâu đại vương, không lẽ sau khi biết được khuynh hướng của trưởng lão Nanda, đức Như Lai đã đưa vị ấy đến Thiên cung và cho nhìn thấy các cô con gái ở cõi trời (nghĩ rằng): ‘Người con trai gia đình danh giá này sẽ được giác ngộ nhờ vào việc này,’ và nhờ đó người con trai gia đình danh giá ấy đã được giác ngộ. Tâu đại vương, như thế trong khi khi dễ, trong khi chê trách, trong khi nhờm gớm hình tướng mỹ miều bằng nhiều phương thức, đức Như Lai đã cho vị ấy nhìn thấy những cô tiên nữ có các bàn chân bồ câu vì nguyên nhân giúp cho vị ấy giác ngộ. Đức Như Lai là người biết được phương thức, và thiện xảo về việc thuyết giảng như thế ấy.
4. Tâu đại vương, còn có việc khác nữa, vào lúc trưởng lão Cullapanthaka bị người anh đuổi ra (khỏi tu viện), nên có tâm trí buồn bã, đức Như Lai đã đi đến và trao cho miếng vải mềm (nghĩ rằng): ‘Người con trai gia đình danh giá này sẽ được giác ngộ nhờ vào việc này.’ Bởi lý do ấy, vị ấy đã đạt được bản thể năng lực về Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Đức Như Lai là người biết được phương thức, và thiện xảo về việc thuyết giảng như thế ấy.
Tâu đại vương, còn có việc khác nữa, đức Như Lai đã không trả lời câu hỏi được vị Bà-la-môn Mogharāja hỏi đến lần thứ ba (nghĩ rằng): ‘Như vậy thì sự ngã mạn của người con trai gia đình danh giá này sẽ được lắng xuống, do sự lắng xuống của ngã mạn sẽ có sự chứng ngộ.’ Và nhờ thế, ngã mạn của người con trai gia đình danh giá ấy đã được lắng xuống, do sự lắng xuống của ngã mạn mà vị Bà-la-môn ấy đã đạt được bản thể năng lực về sáu Thắng Trí. Đức Như Lai là người biết được phương thức, và thiện xảo về việc thuyết giảng như thế ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được tháo gỡ bằng nhiều cách thức với nhiều lý lẽ, bụi rậm đã được làm không còn bụi rậm, bóng tối đã được làm thành ánh sáng, nút thắt đã được mở ra, lời tuyên thuyết của ngoại đạo đã bị đổ vỡ, (Pháp) nhãn đã được sanh khởi cho những người con trai của đấng Chiến Thắng, các ngoại đạo không còn chói sáng, ngài đã tiến đến vị thế cao quý và ưu tú trong số các vị có đồ chúng.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1: Quan điểm "phương tiện" trong Phật giáo Bắc Truyền và Nam Truyền khác biệt thế nào? - TT Tuệ Quyền
2 : Đức Phật ban hành luật cấm chư tỳ kheo làm thầy xem tướng có phải vì đó là điều mê tín? - ĐĐ Pháp Tín
3:Phải chăng có những trường hợp lãnh hội Phật Pháp không bằng Phật Pháp? - TT Tuệ Siêu
5:Chúng ta có thể niệm cảm nhận đại bi tâm của Đức Phật qua công hạnh độ sinh của Ngài chăng? - TT Tuệ Quyền
No comments:
Post a Comment