Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
THƯỜNG NGỮ VÀ PHÁP NGỮ
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Trong khi không hãm hại người khác ở trên đời, ngươi sẽ trở thành người được yêu mến, được thân cận.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Hãy trấn áp kẻ xứng đáng với sự trấn áp, hãy nâng đỡ kẻ xứng đáng với sự nâng đỡ.’ Thưa ngài Nāgasena, trấn áp nghĩa là chặt tay, chặt chân, trừng phạt, giam cầm, hành hạ, giết chết, làm tổn thương sự tiếp nối (mạng sống). Lời nói này đối với đức Thế Tôn là không được đúng đắn. Và đức Thế Tôn không thể nào nói lời nói này.
Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Trong khi không hãm hại người khác ở trên đời, ngươi sẽ trở thành người được yêu mến, được thân cận,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Hãy trấn áp kẻ xứng đáng với sự trấn áp, hãy nâng đỡ kẻ xứng đáng với sự nâng đỡ’ là sai trái. Nếu đức Như Lai đã nói rằng: ‘Hãy trấn áp kẻ xứng đáng với sự trấn áp, hãy nâng đỡ kẻ xứng đáng với sự nâng đỡ,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Trong khi không hãm hại người khác ở trên đời, ngươi sẽ trở thành người được yêu mến, được thân cận’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Trong khi không hãm hại người khác ở trên đời, ngươi sẽ trở thành người được yêu mến, được thân cận.’ Và Ngài đã nói rằng: ‘Hãy trấn áp kẻ xứng đáng với sự trấn áp, hãy nâng đỡ kẻ xứng đáng với sự nâng đỡ.’
Tâu đại vương, điều nói là: ‘Trong khi không hãm hại người khác ở trên đời, ngươi sẽ trở thành người được yêu mến, được thân cận,’ đối với tất cả các đức Như Lai thì điều này được chấp thuận, điều này là sự chỉ dạy, điều này là sự giảng giải Giáo Pháp. Tâu đại vương, bởi vì Giáo Pháp có sự không hãm hại là tướng trạng. Điều này là lời nói về bản thể.
Tâu đại vương, còn về việc đức Như Lai đã nói rằng: ‘Hãy trấn áp kẻ xứng đáng với sự trấn áp, hãy nâng đỡ kẻ xứng đáng với sự nâng đỡ,’ điều ấy là ngôn từ. Tâu đại vương, tâm bị kích động là cần được trấn áp, tâm trì trệ là cần được nâng đỡ. Tâm bất thiện là cần được trấn áp, tâm thiện là cần được nâng đỡ. Tác ý không đúng đường lối là cần được trấn áp, tác ý đúng đường lối là cần được nâng đỡ. Sự thực hành sai trái là cần được trấn áp, sự thực hành đúng đắn là cần được nâng đỡ. Người không thánh thiện là cần được trấn áp, người thánh thiện là cần được nâng đỡ. Kẻ trộm cướp là cần được trấn áp, kẻ không là trộm cướp là cần được nâng đỡ.”
“Thưa ngài Nāgasena, hãy là vậy. Giờ đây ngài mới đề cập đến vấn đề của trẫm, trẫm quan tâm đến ý nghĩa của điều trẫm hỏi. Thưa ngài Nāgasena, như vậy trong khi trấn áp kẻ trộm cướp thì nên trấn áp như thế nào?”
“Tâu đại vương, trong khi trấn áp kẻ trộm cướp thì nên trấn áp như vầy: Kẻ đáng quở trách thì nên quở trách, kẻ đáng trừng phạt thì nên trừng phạt, kẻ đáng lưu đày thì nên lưu đày, kẻ đáng giam cầm thì nên giam cầm, kẻ đáng tử hình thì nên tử hình.”
“Thưa ngài Nāgasena, như vậy việc tử hình những kẻ trộm cướp có được các đức Như Lai chấp thuận không?”
“Tâu đại vương, không.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì tại sao việc kẻ trộm cướp cần được chỉ dạy lại được các đức Như Lai chấp thuận?”
“Tâu đại vương, kẻ nào bị tử hình, không phải do sự chấp thuận của các đức Như Lai mà kẻ ấy bị tử hình. Kẻ ấy bị tử hình bởi việc đã làm của chính bản thân. Thêm nữa, kẻ ấy được chỉ dạy theo sự chỉ dạy về Giáo Pháp. Tâu đại vương, phải chăng bậc trí có thể bắt giữ người không gây án không phạm tội đang đi trên đường rồi giết chết không?”
“Thưa ngài, không thể.”
“Tâu đại vương, vì lý do gì?”
“Thưa ngài, vì là người không gây án.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế kẻ trộm cướp sẽ bị giết chết không phải do sự chấp thuận của các đức Như Lai. Kẻ ấy sẽ bị giết chết bởi việc đã làm của chính bản thân. Như thế, phải chăng trong trường hợp này người chỉ dạy phạm vào lỗi lầm nào đó?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, như thế thì sự chỉ dạy của các đức Như Lai là sự chỉ dạy đúng đắn.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Phải chăng trên phương diện diễn đạt của ngôn ngữ chúng ta cũng nên áp dụng tinh thần "trung đạo" ? (nghĩa là tránh sự cực đoan) - ĐĐ Pháp Tín
2. Phải chăng nhờ chuẩn mực của Tam Tạng kinh điển chúng ta tránh được những ngộ nhận đáng tiếc trong sự nghiên cứu Phật Pháp? - ĐĐ Pháp Tín
3. Phải chăng dù có bản dịch của Tam Tạng nhưng chúng ta vẫn cần bản gốc Phạn ngữ để ý nghĩa không bị sai lạc? (Thí dụ câu: thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn được một số người giải thích là: trong khắp cùng trời đất chỉ có chân ngã mới là quan trọng nhất) - TT Tuệ Siêu
4. Nhiều người lập luận: nên hiểu kinh điển sao cho "thoáng" để tránh cái nhìn cục bộ. Quan niệm "thoáng" đó có nguy hiểm làm hiểu sai chánh kinh không? - TT Tuệ Siêu
2. Phải chăng nhờ chuẩn mực của Tam Tạng kinh điển chúng ta tránh được những ngộ nhận đáng tiếc trong sự nghiên cứu Phật Pháp? - ĐĐ Pháp Tín
3. Phải chăng dù có bản dịch của Tam Tạng nhưng chúng ta vẫn cần bản gốc Phạn ngữ để ý nghĩa không bị sai lạc? (Thí dụ câu: thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn được một số người giải thích là: trong khắp cùng trời đất chỉ có chân ngã mới là quan trọng nhất) - TT Tuệ Siêu
4. Nhiều người lập luận: nên hiểu kinh điển sao cho "thoáng" để tránh cái nhìn cục bộ. Quan niệm "thoáng" đó có nguy hiểm làm hiểu sai chánh kinh không? - TT Tuệ Siêu
No comments:
Post a Comment