Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín
2. Đức Phật dạy tất cả chúng sanh đều run sợ trước tử thần vậy người tự tử có là ngoại lệ chăng? - TT Pháp Đăng
Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
SỢ HÃI HAY KHÔNG SỢ HÃI SỰ CHẾT
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết.’ Và thêm nữa Ngài đã nói rằng: ‘Vị A-la-hán đã vượt qua mọi sự sợ hãi.’ Thưa ngài Nāgasena, phải chăng vị A-la-hán không run sợ đối với mọi sự sợ hãi về hình phạt? Hay là các chúng sanh địa ngục bị đốt cháy, bị đun sôi, bị đốt nóng, bị đun nóng ở địa ngục, trong khi đang chết từ đại địa ngục có màng lưới lửa cháy rực ấy, mới sợ hãi sự chết? Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết,’ như thế thì lời nói rằng ‘Vị A-la-hán đã vượt qua mọi sự sợ hãi’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Vị A-la-hán đã vượt qua mọi sự sợ hãi,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
“Tâu đại vương, lời nói này đã được nói bởi đức Thế Tôn: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ là không liên quan đến các vị A-la-hán. Các vị A-la-hán là ngoại lệ trong sự việc này. Nhân gây sợ hãi đã được các vị A-la-hán trừ diệt. Tâu đại vương, những chúng sanh nào có phiền não, có tà kiến về bản ngã quá lố, có tính khí thăng trầm theo lạc và khổ, thì điều đã được nói bởi đức Thế Tôn: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ là liên quan đến những người ấy. Tâu đại vương, đối với vị A-la-hán tất cả cảnh giới tái sanh đã bị chặt đứt, nguồn sản xuất đã bị tiêu hoại, sự nối liền với việc tái sanh đã bị hủy diệt, khung sườn đã bị phá vỡ, tất cả các điều kiện của hữu đã bị tiêu hủy, tất cả các hành đã bị trừ tuyệt, thiện và bất thiện đã bị thủ tiêu, vô minh đã bị tiêu tan, thức không còn chủng tử đã được tạo lập, tất cả phiền não đã được đốt cháy, các pháp thế gian đã được vượt lên; vì thế vị A-la-hán không run sợ đối với tất cả các nỗi sợ hãi. Tâu đại vương, ở đây bốn vị quan đại thần của đức vua là trung thành, đã đạt danh tiếng, được tin cậy, được phong tước vị có quyền hành lớn lao. Rồi vào lúc có sự việc cần làm nào đó sanh khởi, đức vua ra lệnh đến tất cả dân chúng ở trong lãnh địa của mình rằng: ‘Hết thảy tất cả hãy nộp thuế cho trẫm. Các khanh, bốn quan đại thần, hãy hoàn thành sự việc cần làm ấy.’ Tâu đại vương, phải chăng sự run sợ do nỗi sợ hãi về thuế có thể sanh khởi cho bốn vị quan đại thần ấy?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vì lý do gì?”
“Thưa ngài, bốn người ấy đã được đức vua phong tước vị tối cao. Không có thuế má đối với họ. Họ vượt qua khỏi các loại thuế má. Điều đã được đức vua ra lệnh: ‘Hết thảy tất cả hãy nộp thuế cho trẫm’ là liên quan đến những người còn lại.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế lời nói này đã được nói bởi đức Thế Tôn là không liên quan đến các vị A-la-hán. Các vị A-la-hán là ngoại lệ trong sự việc này. Nhân gây sợ hãi đã được các vị A-la-hán trừ diệt. Tâu đại vương, những chúng sanh nào có phiền não, có tà kiến về bản ngã quá lố, có tính khí thăng trầm theo lạc và khổ, thì điều đã được nói bởi đức Thế Tôn: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ là liên quan đến những người ấy. Do đó, vị A-la-hán không run sợ đối với tất cả các nỗi sợ hãi.”
“Thưa ngài Nāgasena, lời nói ấy không bao gồm phần còn lại, lời nói ‘tất cả’ ấy là trừ ra phần còn lại. Về việc ấy, xin ngài hãy nói cho trẫm thêm về lý do để xác định lời nói ấy.”
“Tâu đại vương, ở đây người trưởng làng ở ngôi làng có thể ra lệnh cho viên mõ làng rằng: ‘Này ông mõ làng, hết thảy tất cả dân làng ở trong làng hãy mau chóng tụ tập lại trước mặt tôi.’ Người ấy, sau khi chấp nhận: ‘Tốt lằm, thưa trưởng làng,’ đã đứng ở giữa làng thông báo ba lần rằng: ‘Hết thảy tất cả dân làng ở trong làng hãy mau mau tụ tập lại trước mặt trưởng làng.’ Sau đó, do lời nói của viên mõ làng, các dân làng đã cấp tốc tụ tập lại rồi báo cho ông trưởng làng rằng: ‘Thưa trưởng làng, tất cả dân làng đã tụ tập lại. Ngài có việc gì cần làm, xin hãy tiến hành điều ấy.’
Tâu đại vương, người trưởng làng ấy, trong khi bảo những người chủ chốt tụ tập lại, thì ra lệnh cho tất cả dân làng như thế, và những người (dân làng) ấy dầu được ra lệnh nhưng không phải tất cả đều tụ tập lại, chỉ có những người chủ chốt tụ tập lại. Và người trưởng làng chấp nhận như thế: ‘Chỉ bấy nhiêu là dân làng của tôi.’ Những người khác đã không đến là nhiều hơn: đàn bà, đàn ông, tớ gái, tôi nam, người làm thuê, nhân công, khách lữ hành, người bệnh, bò, trâu, dê, cừu, chó; tất cả những ai không đến đều không tính. Điều đã được ra lệnh: ‘Tất cả hãy tụ tập lại’ chỉ liên quan đến những người chủ chốt. Tâu đại vương, tương tợ y như thế lời nói này đã được nói bởi đức Thế Tôn là không liên quan đến các vị A-la-hán. Các vị A-la-hán là ngoại lệ trong sự việc này. Nhân gây sợ hãi đã được các vị A-la-hán trừ diệt. Tâu đại vương, những chúng sanh nào có phiền não, có tà kiến về bản ngã quá lố, có tính khí thăng trầm theo lạc và khổ, thì điều đã được nói bởi đức Thế Tôn: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ là liên quan đến những người ấy. Do đó, vị A-la-hán không run sợ đối với tất cả các nỗi sợ hãi.
Tâu đại vương, có lời nói thiếu sót với ý nghĩa thiếu sót, có lời nói thiếu sót với ý nghĩa không thiếu sót, có lời nói không thiếu sót với ý nghĩa thiếu sót, có lời nói không thiếu sót với ý nghĩa không thiếu sót. Ý nghĩa nên được tiếp thu theo từng trường hợp một.
Tâu đại vương, ý nghĩa nên được tiếp thu theo năm cách: theo đoạn văn trích dẫn, theo nghĩa chính yếu, theo truyền thống của vị thầy, theo ý định, theo tính chất vượt trên lý do. Chính ở đây, ‘đoạn văn trích dẫn’ là đoạn Kinh thích hợp, ‘nghĩa chính yếu’ là phù hợp với Kinh, ‘truyền thống của vị thầy’ là học thuyết của vị thầy, ‘ý định’ là quan niệm của bản thân, ‘tính chất vượt trên lý do’ là lý do đã được tổng hợp từ bốn cách này. Tâu đại vương, ý nghĩa nên được tiếp thu theo năm lý do này. Câu hỏi ấy nên được giải quyết một cách khéo léo đúng y như thế.”
2. “Thưa ngài Nāgasena, hãy là như vậy, trẫm chấp nhận điều ấy. Xem như các vị A-la-hán là ngoại lệ trong sự việc này, và các chúng sanh còn lại run sợ. Trái lại, các chúng sanh địa ngục ở nơi địa ngục, trong khi cảm nhận các thọ khổ, sắc bén, nhức nhối, với tất cả các phần thân thể và tứ chi bị thiêu đốt, bị đốt cháy, với miệng khóc lóc, rên rỉ thảm thương, than vãn, van xin, bị nhận lãnh các nỗi khổ đau sắc bén không thể chịu đựng, không có sự bảo vệ, không nơi nương nhờ, ở tình trạng không có chốn nương nhờ, không ít sầu bệnh, có cảnh giới tái sanh tận sau cùng, chốn đến kế tiếp toàn là sầu muộn, có sự đốt cháy và chói sáng nóng bức, mãnh liệt, dữ tợn, và thô tháo, có các âm thanh ồn ào của tiếng gào thét gây ra sự khiếp đảm và sợ hãi, bị bao vây bởi màng lưới lửa sáu màu kết lại với nhau, với cường độ của ngọn lửa tỏa nóng đến một trăm do-tuần ở xung quanh, trong khi nói đến đại địa ngục cùng cực, nóng bức, có phải họ sợ hãi sự chết?”
“Tâu đại vương, đúng vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, chẳng lẽ địa ngục là phải chịu cảm thọ toàn là khổ đau? Hơn nữa, tại sao các chúng sanh địa ngục phải chịu cảm thọ toàn là khổ đau lại sợ hãi sự chết trong khi lìa khỏi địa ngục? Ở địa ngục có cái gì mà họ thích thú?”
“Tâu đại vương, không phải các chúng sanh địa ngục ấy thích thú nơi địa ngục, chúng quả có mong muốn được giải thoát khỏi địa ngục. Tâu đại vương, điều ấy là oai lực của sự chết, vì điều ấy mà sự run sợ sanh khởi ở các chúng sanh ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, trẫm không tin điều ấy là việc sự run sợ sự chết sanh khởi ở những người có mong muốn được giải thoát. Thưa ngài Nāgasena, việc những người ấy đạt được điều đã mong mỏi; sự kiện ấy nực cười. Xin ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ.”
3. “Tâu đại vương, cái ‘sự chết’ này là cơ sở đem lại sự run sợ cho những người chưa nhìn thấy Sự Thật; hạng người này run sợ và bị kích động về việc này. Tâu đại vương, và người nào sợ hãi rắn mãng xà, người ấy trong khi sợ hãi sự chết thì sợ hãi rắn mãng xà. Và người nào sợ hãi voi, —(như trên)— sợ hãi sư tử, hổ, báo, gấu, chó sói, trâu rừng, bò mộng, lửa, nước, chông, gai. Và người nào sợ hãi gươm đao, người ấy trong khi sợ hãi sự chết thì sợ hãi gươm đao. Tâu đại vương, việc chúng sanh còn phiền não run sợ, sợ hãi sự chết, điều ấy là quyền lực của thực chất và bản thể của sự chết. Tâu đại vương, mặc dầu có mong muốn được giải thoát chúng sanh địa ngục cũng run sợ sự chết.
Tâu đại vương, ở đây có bệnh mỡ đóng cục sanh khởi ở thân thể của người đàn ông. Người ấy bị khổ sở vì căn bệnh ấy, có ước muốn được thoát khỏi hẳn cơn nguy kịch, nên cho mời người thầy thuốc phẫu thuật. Người thầy thuốc phẫu thuật, sau khi chấp nhận người ấy, sẽ đem lại dụng cụ để lấy đi căn bệnh ấy của người ấy, sẽ mài bén con dao mổ, sẽ đặt thanh dẹp cho việc đốt nóng ở ngọn lửa, sẽ cho nghiền nát chất kiềm và muối ở đá nghiền, tâu đại vương, phải chăng sự run sợ có thể sanh khởi ở người bệnh ấy do việc mổ xẻ bằng con dao bén, do việc đốt nóng bằng hai thanh dẹp, do việc đắp vào chất kiềm và muối?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
4. “Tâu đại vương, như thế người bệnh ấy, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi căn bệnh, cũng có sự run sợ do nỗi sợ hãi về cảm thọ sanh khởi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế các chúng sanh địa ngục, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi địa ngục, cũng có sự run sợ do nỗi sợ hãi về sự chết sanh khởi. Tâu đại vương, ở đây có người là kẻ phạm tội đối với chủ nhân bị bắt, bị tống vào phòng giam với sự trói lại bằng sợi xích, có ước muốn được tự do. Chủ nhân ấy, có ý muốn trả tự do, bảo đưa người ấy đến, tâu đại vương, phải chăng sự run sợ do việc nhìn thấy chủ nhân sẽ sanh khởi ở người ấy, là kẻ phạm tội đối với chủ nhân, trong khi biết rằng: ‘Ta đã làm quấy’?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, như thế người ấy, là kẻ phạm tội đối với chủ nhân, mặc dầu có ước muốn được tự do, cũng có sự run sợ do nỗi sợ hãi chủ nhân sanh khởi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với các người ở địa ngục, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi địa ngục, sự run sợ do nỗi sợ hãi về sự chết cũng sẽ sanh khởi ở nơi họ.”
“Thưa ngài, xin hãy nói thêm về lý do khác nữa, nhờ vào lý do ấy trẫm có thể xác định niềm tin.”
5. “Tâu đại vương, ở đây có người nam bị cắn bởi rắn độc có nọc độc ở nanh. Do tác động của nọc độc ấy, người ấy ngã xuống, té lên, lăn qua, lăn lại. Khi ấy, có một người nam khác với câu bùa chú có năng lực đem lại con rắn độc có nọc độc ở nanh ấy, rồi cho hút ngược trở lại nọc độc ở nanh ấy, tâu đại vương đối với người nam bị nhiễm nọc độc ấy, khi con rắn có nộc độc ở nanh ấy đang tiến đến gần với nguyên nhân tốt lành, phải chăng nỗi run sợ có thể sanh khởi ở người ấy?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, ở hình thức tương tợ như thế, trong khi con rắn đang tiến đến gần, mặc dầu với nguyên nhân tốt lành, nỗi run sợ cũng sanh khởi ở người ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với các chúng sanh ở địa ngục, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi địa ngục, sự run sợ do nỗi sợ hãi về sự chết cũng sanh khởi nơi họ. Tâu đại vương, đối với tất cả chúng sanh sự chết là điều không được mong muốn. Do đó, các chúng sanh ở địa ngục, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi địa ngục, cũng sợ hãi về sự chết.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Trạng thái tâm lúc lâm chung quyết định cảnh giới tái sanh. Theo Phật ngôn thì đa số chúng sanh sợ hãi khi đối diện với sự chết. Chúng ta nên làm gì để tâm không bị bấn loạn trong giờ phút cuối? - TT Pháp Tân
3. Có thể chăng một người vừa sống với tâm ái chấp, thù hận lại có thể huân tập được bản lãnh không sợ chết? - TT Tuệ Siêu
No comments:
Post a Comment