Wednesday, October 9, 2013

Bài học, Thứ Năm 10-10-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

NGƯỜI TỐI THƯỢNG HAY PHÁP TỐI THƯỢNG


1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Vāseṭṭha, chính Giáo Pháp là tối thượng ở đời này ngay trong thời hiện tại và thời vị lai.’ Và thêm nữa, ‘người cư sĩ tại gia là bậc Nhập Lưu, có các đọa xứ đã được đóng lại, đã đạt chánh kiến, đã hiểu Giáo Pháp, vẫn đảnh lễ, vẫn đứng dậy đối với vị tỳ khưu hoặc sa-di phàm nhân.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Này Vāseṭṭha, chính Giáo Pháp là tối thượng ở đời này ngay trong thời hiện tại và thời vị lai,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Người cư sĩ tại gia là bậc Nhập Lưu, có các đọa xứ đã được đóng lại, đã đạt chánh kiến, đã hiểu Giáo Pháp, vẫn đảnh lễ, vẫn đứng dậy đối với vị tỳ khưu hoặc sa-di phàm nhân’ là sai trái. Nếu người cư sĩ tại gia là bậc Nhập Lưu, có các đọa xứ đã được đóng lại, đã đạt chánh kiến, đã hiểu Giáo Pháp, vẫn đảnh lễ, vẫn đứng dậy đối với vị tỳ khưu hoặc sa-di phàm nhân, như thế thì lời nói rằng: ‘Này Vāseṭṭha, chính Giáo Pháp là tối thượng ở đời này ngay trong thời hiện tại và thời vị lai’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Vāseṭṭha, chính Giáo Pháp là tối thượng ở đời này ngay trong thời hiện tại và thời vị lai,’ và ‘người cư sĩ tại gia là bậc Nhập Lưu, có các đọa xứ đã được đóng lại, đã đạt chánh kiến, đã hiểu Giáo Pháp, vẫn đảnh lễ, vẫn đứng dậy đối với vị tỳ khưu hoặc sa-di phàm nhân.’ Hơn nữa, ở trường hợp này là có lý do. Lý do ấy là gì?
Tâu đại vương, đây là hai mươi pháp tạo thành Sa-môn và hai đặc điểm của vị Sa-môn, do những điều ấy vị Sa-môn là xứng đáng với sự đảnh lễ, đứng dậy, kính nể, cúng dường.
Hai mươi pháp tạo thành Sa-môn và hai đặc điểm của vị Sa-môn là những pháp nào? Sự đặt để ở địa vị tối thượng, sự kềm chế tột đỉnh, sự thực hành, sự an trú (tứ vô lượng tâm), sự thu thúc (giác quan), sự phòng hộ (trong giới bổn), sự kham nhẫn, hiền hòa, thực hành sự đơn độc, thích thú sự đơn độc, ẩn cư thiền tịnh, tàm quý, tinh tấn, không xao lãng, thọ trì việc học tập, việc đọc tụng (Chánh Tạng), học hỏi (Chú Giải), thỏa thích Giới-Định-Tuệ, không mong cầu, có sự tròn đủ các điều học, việc mặc y ca-sa, và hình thức cạo tóc. Tâu đại vương, đây là hai mươi pháp tạo thành Sa-môn và hai đặc điểm của vị Sa-môn.
Vị tỳ khưu thọ trì và hành theo các đức tính này. Do tính chất không thiếu sót, do tính chất đã được tròn đủ, do trạng thái đã đạt đến đầy đủ, vị ấy tiến vào địa vị của bậc Vô Học, địa vị của bậc A-la-hán, tiến vào vị thế tối thượng khác nữa. (Nghĩ rằng): ‘Là vị đã đi đến gần phẩm vị A-la-hán,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân.
(Nghĩ rằng): ‘Vị ấy chính là bậc có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã tiến đến bản thể Sa-môn, cơ hội ấy chưa có đối với ta,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân.
(Nghĩ rằng): ‘Vị ấy đã tiến đến hội chúng tối cao, ta chưa tiến đến vị thế ấy,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân.
(Nghĩ rằng): ‘Vị ấy đạt được tư cách để nghe đọc tụng giới bổn Pātimokkha, ta chưa đạt được tư cách để nghe điều ấy,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân.
(Nghĩ rằng): ‘Vị ấy cho những người khác xuất gia, cho tu lên bậc trên, làm tăng trưởng Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, ta chưa đạt được tư cách để làm việc này,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân.
(Nghĩ rằng): ‘Là vị có sự thực hành đầy đủ về các điều học nhiều vô số, ta không thực hành về các điều ấy,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân.
(Nghĩ rằng): ‘Vị ấy đã tiến đến biểu tượng của Sa-môn, đã tồn tại trong sự mong muốn của đức Phật, ta bị tách rời ra xa đối với biểu tượng ấy,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân.
(Nghĩ rằng): ‘Vị ấy có lông nách mọc dài, không thoa son, không trang sức, được bôi xức bằng hương thơm của giới, còn ta thì thích thú việc trang sức, tô điểm,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân.
Tâu đại vương, và thêm nữa (nghĩ rằng): ‘Hai mươi pháp tạo thành Sa-môn và hai đặc điểm ấy, tất cả các pháp này được hiện hữu ở vị tỳ khưu, chính vị ấy duy trì các pháp ấy, thậm chí còn cho những người khác học tập về việc ấy, sự truyền thừa ấy và việc huấn luyện (người khác) là không có đối với ta,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân.
3. Tâu đại vương, giống như vị hoàng tử thu thập kiến thức và học tập lề lối của dòng dõi Sát-đế-lỵ nơi vị quân sư. Vị ấy, về sau này, đã được đăng quang, vẫn đảnh lễ, vẫn đứng dậy đối với vị thầy (nghĩ rằng): ‘Người này là vị tạo điều kiện cho ta việc học tập.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế (nghĩ rằng): ‘Vị tỳ khưu là vị tạo điều kiện cho việc học tập, người duy trì truyền thống,’ người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu cần phải đảnh lễ, đứng dậy đối với vị tỳ khưu phàm nhân. Tâu đại vương, hơn nữa theo cách thức này, đại vương hãy nhận biết trạng thái vĩ đại và bao la không sánh bằng này của địa vị tỳ khưu. Tâu đại vương, nếu người nam cư sĩ là bậc Nhập Lưu chứng ngộ phẩm vị A-la-hán, đối với người ấy chỉ có hai lối đi, không có lối khác: Hoặc là vô dư Niết Bàn nội trong ngày hôm ấy, hoặc là tiến đến trạng thái tỳ khưu. Tâu đại vương, bởi vì sự xuất gia ấy là không bị dao động, vĩ đại, vươn lên cao tột đỉnh, tức là địa vị tỳ khưu.”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi liên quan đến trí tuệ đã khéo được tháo gỡ bởi ngài là người có năng lực và vô cùng sáng suốt. Không có người nào khác có khả năng để tháo gỡ câu hỏi này như vậy, ngoại trừ bậc có sự giác ngộ như là ngài.”



II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng  điều hợp.

1: Phủ nhận hoàn toàn giá trị của hình thức (như hình tướng xuất gia) có phải là một cực đoan? - TT Pháp Đăng
2. Người xuất gia chân chính nên quan niệm thế nào về hình tướng sa môn? - ĐĐ Pháp Tín
3. Phải chăng hình tướng y bát là truyền thống chung của chư Phật hay mỗi vị mỗi khác? - TTTuệ Siêu
 4. Suy niệm thế nào để một giới tử khởi tâm hoan hỷ khi được đắp y ca sa? - TTTuệ Siêu

No comments:

Post a Comment