Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
KHÔNG THỂ THẤY CÁI NHỎ BỎ CÁI LỚN
1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Trong khi đức Thế Tôn đang đi, đại địa cầu không có suy tư này nâng cao lên những chỗ bị lõm xuống và hạ thấp xuống những chỗ bị nhô lên.’ Và thêm nữa, ngài còn nói rằng: ‘Bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá.’ Về miểng đá đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn, tại sao miểng đá ấy đã không né tránh bàn chân (của đức Thế Tôn). Thưa ngài Nāgasena, nếu trong khi đức Thế Tôn đang đi, đại địa cầu không có suy tư này nâng cao lên những chỗ bị lõm xuống và hạ thấp xuống những chỗ bị nhô lên, như thế thì lời nói rằng: ‘Bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá’ là sai trái. Nếu bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá, như thế thì lời nói rằng: ‘Trong khi đức Thế Tôn đang đi, đại địa cầu không có suy tư này nâng cao lên những chỗ bị lõm xuống và hạ thấp xuống những chỗ bị nhô lên’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, việc ấy là thật. Trong khi đức Thế Tôn đang đi, đại địa cầu không có suy tư này nâng cao lên những chỗ bị lõm xuống và hạ thấp xuống những chỗ bị nhô lên. Và bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá. Tuy nhiên, miểng đá ấy đã không rơi theo bản thể tự nhiên của nó, mà đã rơi do mưu mô của Devadatta. Tâu đại vương, Devadatta đã buộc oan trái với đức Thế Tôn nhiều trăm ngàn kiếp sống. Do sự oan trái ấy, kẻ ấy đã buông ra tảng đá lớn có kích thước bằng ngôi nhà mái nhọn (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ làm cho rơi ở phía trên của đức Thế Tôn.’ Khi ấy, có hai khối đá đã trồi lên từ trái đất và đã hứng chịu tảng đá ấy. Rồi do sự va chạm của chúng, có mảnh đá đã bị vỡ ra khỏi tảng đá, trong khi lăn lóc rơi xuống đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn.”
“Thưa ngài Nāgasena, hai khối đá đã hứng chịu tảng đá ấy như thế nào thì mảnh đá (bị vỡ ra) cũng nên được hứng chịu y như thế ấy.”
“Tâu đại vương, mặc dầu đã được hứng chịu nhưng ở đây một mảnh nào đó vuột qua, văng đi, rồi mất dạng. Tâu đại vương, giống như nước được giữ lại bởi bàn tay, thì vuột qua các khe hở của ngón tay, trôi đi, rồi mất dạng; (giống như) sữa tươi, sữa đông, bơ lỏng, mật ong, dầu ăn, sốt cá, sốt thịt được giữ lại bởi bàn tay, thì vuột qua các khe hở của ngón tay, trôi đi, rồi mất dạng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế do sự va chạm của hai khối đá được tiến đến gần nhằm mục đích hứng chịu, có mảnh đá đã bị vỡ ra khỏi tảng đá, trong khi lăn lóc rơi xuống đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn.
Tâu đại vương, hoặc là giống như cát trơn, mịn, li ti, tương tợ hạt bụi được giữ lại bởi nắm tay, thì vuột qua các khe hở của ngón tay, trôi đi, rồi mất dạng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế do sự va chạm của hai khối đá được tiến đến gần nhằm mục đích hứng chịu, có mảnh đá đã bị vỡ ra khỏi tảng đá, trong khi lăn lóc rơi xuống đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn.
Tâu đại vương, hoặc là giống như vắt cơm được giữ lại bởi cái miệng, ở đây có thể một phần nào đó từ miệng của người ấy bị trào ra, vuột qua, trôi đi, rồi mất dạng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế do sự va chạm của hai khối đá được tiến đến gần nhằm mục đích hứng chịu, có mảnh đá đã bị vỡ ra khỏi tảng đá, trong khi lăn lóc rơi xuống đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn.”
3. “Thưa ngài Nāgasena, hãy là vậy. Hãy cho là tảng đá được hứng chịu bởi hai khối đá. Thế thì mảnh đá cũng nên thể hiện sự cung kính (đối với đức Phật) giống y như đại địa cầu vậy.”
“Tâu đại vương, có mười hai hạng này không thể hiện sự cung kính. Mười hai hạng nào? Hạng luyến ái do tác động của sự luyến ái không thể hiện sự cung kính, hạng xấu xa do tác động của sân, hạng mê mờ do tác động của si, hạng cao ngạo do tác động của ngã mạn, hạng thiếu tánh tốt do không có ưu điểm, hạng quá bướng bỉnh do thiếu sự răn đe, hạng hạ liệt do bản tánh hạ liệt, hạng làm theo lời sai bảo do thiếu bản lãnh, hạng ác xấu do tánh bỏn xẻn, hạng bị chịu khổ do tánh tự làm cho khổ, hạng tham lam do bị ngự trị bởi tham, hạng bị bận rộn do chuyên chú vào của cải không thể hiện sự cung kính. Tâu đại vương, đây là mười hai hạng không thể hiện sự cung kính. Và hơn nữa, mảnh đá ấy sau khi bị vỡ ra do sự va chạm của tảng đá, trong khi lăn lóc rơi xuống không theo hướng quy định đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn.
Tâu đại vương, hoặc là giống như hạt bụi trơn, mịn, li ti, bị gom lại bởi sức mạnh của cơn gió thì lăn lóc tung tóe không theo hướng quy định. Tâu đại vương, tương tợ y như thế mảnh đá ấy sau khi bị vỡ ra do sự va chạm của tảng đá, trong khi lăn lóc rơi xuống không theo hướng quy định đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn. Tâu đại vương, nếu mảnh đá ấy không bị tách rời khỏi tảng đá, thì sau khi trồi lên hai khối đá ấy cũng có thể tóm lấy mảnh vỡ của tảng đá ấy. Tâu đại vương, hơn nữa sau khi bị vỡ ra do lực va chạm của tảng đá, mảnh đá ấy không trụ ở mặt đất, không trú ở không trung, trong khi lăn lóc rơi xuống không theo hướng quy định đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn.
Tâu đại vương, hoặc là giống như chiếc lá úa bị cuốn lên bởi cơn gió lốc thì lăn lóc rơi xuống không theo hướng quy định. Tâu đại vương, tương tợ y như thế mảnh đá ấy sau khi bị vỡ ra do lực va chạm của tảng đá, trong khi lăn lóc rơi xuống không theo hướng quy định đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn. Tâu đại vương, hơn nữa do tiến trình gánh lấy khổ đau của Devadatta vô ơn, bỏn xẻn mà mảnh đá ấy đã rơi ở bàn chân của đức Thế Tôn.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về việc bị thương bởi miếng đá ở bàn chân là thứ tám.
II. Thảo Luận: ĐĐ Pháp Tín điều hợp.
1. Tại sao một người suốt đời làm lành và không tạo một ác nghiệp nào nhưng lại bị một tai nạn bị mất đi cánh tay hoặc mất đi một phần nào của cơ thể. Thì câu nói "làm lành được an vui" có đúng không? - TT Tuệ Quyền
2. Khi mình đi ngang qua một hội chúng biết người ta đang nói xấu mình, mình né tránh không muốn nghe nhưng vẫn bị nghe lời nói xấu, thì trong Vi Diệu Pháp nói là có tầm có tứ, còn trường hợp tâm nhãn thức thọ xả chỉ có 7 sở hữu biến hành. Vậy tại sao không muốn nhưng vẫn nghe được, thì điều này có gì khác biệt không? - TT Pháp Đăng
3.Tại sao có lúc Đức Phật thuyết các pháp là vô thường là khổ là vô ngã, và có lúc Đức Phật lại thuyết về bố thí trì giới v.v....? - TT Pháp Tân
4. Trong thời gian gần đây chúng ta học những câu hỏi và câu trả lời của Vua Milanda và Ngài Nāgasena. Thì những bài học này có giúp ích gì cho đời sống tu tập hay đời sống bình thường của chúng ta không? -TT Tuệ Quyền
2. Khi mình đi ngang qua một hội chúng biết người ta đang nói xấu mình, mình né tránh không muốn nghe nhưng vẫn bị nghe lời nói xấu, thì trong Vi Diệu Pháp nói là có tầm có tứ, còn trường hợp tâm nhãn thức thọ xả chỉ có 7 sở hữu biến hành. Vậy tại sao không muốn nhưng vẫn nghe được, thì điều này có gì khác biệt không? - TT Pháp Đăng
3.Tại sao có lúc Đức Phật thuyết các pháp là vô thường là khổ là vô ngã, và có lúc Đức Phật lại thuyết về bố thí trì giới v.v....? - TT Pháp Tân
4. Trong thời gian gần đây chúng ta học những câu hỏi và câu trả lời của Vua Milanda và Ngài Nāgasena. Thì những bài học này có giúp ích gì cho đời sống tu tập hay đời sống bình thường của chúng ta không? -TT Tuệ Quyền
No comments:
Post a Comment