Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: ĐĐ Huy Niệm
Chương X - Mười Pháp
II. Phẩm Hộ Trì.
(IV) (14) Tâm Hoang Vu
1. - Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào năm tâm hoang vu chưa đoạn tận, năm tâm triền phược chưa được cắt đứt, với vị ấy, đêm đến hay ngày đến, chờ đợi là tổn giảm trong các thiện pháp, không phải là tăng trưởng.
Như thế nào là năm tâm hoang vu chưa được đoạn tận?
2. Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo nào nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ nhất chưa được đoạn tận.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ hai chưa được đoạn tận.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Tăng, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ ba chưa được đoạn tận.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ các Học pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ tư chưa được đoạn tận.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào phẫn nộ đối với các vị đồng Phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối, cứng rắn, thời tâm của vị này không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ năm chưa được đoạn tận.
Như vậy là năm tâm hoang vu chưa được đoạn tận.
Thế nào là năm tâm triền phược chưa cắt đứt?
4. Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo, đối với những dục, không phải không tham ái, không phải không luyến ái, không phải không khát ái, không phải không nhiệt não, thời tâm của vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ nhất chưa được cắt đứt.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với tự thân, không phải không tham ái, không phải không luyến ái, không phải không khát ái, không phải không nhiệt não, thời tâm của vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ hai chưa được cắt đứt.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với các sắc pháp, không phải không tham ái, không phải không luyến ái, không phải không khát ái, không phải không nhiệt não, thời tâm của vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ ba chưa được cắt đứt.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào ăn cho đến thỏa thuê, cho đến bụng chứa đầy, sống thiên về khoái lạc sàng tọa, khoái lạc ngủ nghỉ, khoái lạc thụy miên, thời tâm của vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ tư chưa được cắt đứt.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống Phạm hạnh với mong cầu được sanh Thiên giới, có ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác", thời tâm của vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ năm chưa được cắt đứt. Như vậy là năm tâm triền phược chưa được cắt đứt.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, năm tâm hoang vu chưa đoạn tận, năm tâm triền phược này chưa cắt đứt, với vị ấy, đêm đến hay ngày đến, chờ đợi là sự tổn giảm trong các thiện pháp, không phải là tăng trưởng.
6. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào tâm hoang vu đã đoạn tân, năm tâm triền phược đã cắt đứt, với vị ấy, đêm đến hay ngày đến, chờ đợi là sự lớn mạnh trong các thiện pháp, không phải là tổn giảm. Thế nào là năm tâm hoang vu đã được đoạn tận?
7. Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nào không nghi ngờ bậc Ðạo Sư, không do dự, quyết đoán, tịnh tín, thời tâm vị ấy hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai hướng về nhiệt tâm, chuyên chú kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang thứ nhất đã được đoạn tận.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không nghi ngờ Pháp, ... là tâm hoang thứ hai đã được đoạn tận.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không nghi ngờ Tăng, ... là tâm hoang thứ ba đã được đoạn tận.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không nghi ngờ Học Pháp, ... là tâm hoang vu thứ tư đã được đoạn tận.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không phẫn nộ đối với các vị đồng Phạm hạnh, hoan hỷ, tâm tư không chống đối, không cứng rắn, thời tâm vị ấy hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ năm đã được đoạn tận. Như vậy là năm tâm hoang vu đã được đoạn tận.
Thế nào là năm tâm triền phược đã được cắt đứt?
9. Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đối với những dục, không có tham ái, không có luyến ái, không có khát ái, không có nhiệt não, thời tâm vị ấy hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ nhất đã được cắt đứt.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với tự thân, không có tham ái, ... như vậy là tâm triền phược thứ hai đã được cắt đứt.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với các sắc pháp, không có tham ái, ... như vậy là tâm triền phược thứ ba đã được cắt đứt.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không ăn cho đến thỏa thuê, cho đến bụng chứa đầy, không thiên nặng về khoái lạc sàng tọa, khoái lạc ngủ nghỉ, khoái lạc thụy miên, không có tham ái, ... như vậy là tâm triền phược thứ tư đã được cắt đứt.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống Phạm hạnh, không mong cầu được sanh Thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác", thời tâm vị ấy hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ năm đã được cắt đứt.
Như vậy là năm tâm triền phược đã được cắt đứt.
Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, năm tâm hoang vu đã được đoạn tận, năm tâm triền phược này đã được cắt đứt, với vị ấy, đêm hay ngày đến, chờ đợi là sự lớn mạnh trong thiện pháp, không phải tổn giảm. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong độ tăng trưởng về dung sắc, được tăng trưởng về hình tròn, được tăng trưởng về ánh sáng, được tăng trưởng về bề cao, bề rộng của quỷ đạo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, năm tâm hoang vu đã được cắt đứt, với vị ấy, đêm đến hay ngày đến, chờ đợi là sự lớn mạnh trong các thiện pháp, không phải là tổn giảm.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp
Thảo luận 2. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
A. Dậm chân không tiến bộ trong sự tu tập /
B. Có những “biến chứng” trong sự hành trì như quá tinh tấn trở nên giao động /
C. Thiếu điểm tựa tinh thần như các bậc trưởng lão, pháp lữ có kinh nghiệm /
D. Cả ba điều trên đều đúng
TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 1: D.
Trắc nghiệm 2. Tâm nghi hoặc khác với nghi vấn thế nào đối với hành giả tu tập?
A. Sự nghi hoặc là thái độ ngờ vực mà không tích cực tìm hiểu /
B. Sự nghi vấn là thắc mắc với ý muốn tìm câu giải đáp /
C. Nghi hoặc có thể trở thành thói quen giống như một người theo “chủ nghĩa hoài nghi” còn người có nghi vấn thì chỉ mong làm sáng tỏ những điểm tồn nghi /
D. Cả ba câu trên
TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 2: D
Trắc nghiệm 3. Một người thấy người ác thành công trong cuộc sống sanh tâm nghi hoặc không biết giáo ý nhân quả có đúng chăng. Tâm nghi hoặc đó thuộc điều nào sau đây?
A. Hoài nghi Phật /
B. Hoài nghi Pháp /
C. Hoài nghi Tăng /
D. Hoài nghi học giới
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 3: B
Trắc nghiệm 4. Một người nghe những chuyện phức tạp trong Tăng chúng khởi ý nghĩ có lẽ chuyện đắc đạo chứng quả là điều được phóng đại qua kinh điển thực tế thì không ai đạt được những quả chứng như vậy. Tâm nghi hoặc đó thuộc điều nào sau đây?
A. Hoài nghi Phật /
B. Hoài nghi Pháp /
C. Hoài nghi Tăng /
D. Hoài nghi học giới
TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 4: C
Trắc nghiệm 5. Một người đọc kinh thấy Đức Phật gặp những người thoá mạ trên đường khất thực chỉ im lặng nhẫn nại suy nghĩ không biết Đức Phật có phải là Đấng Thiên Nhân Sư hay không vì không hiển hoá được thần lực khiến những người ác xấu tâm phục? Tâm nghi hoặc đó thuộc điều nào sau đây?
A. Hoài nghi Phật /
B. Hoài nghi Pháp /
C. Hoài nghi Tăng /
D. Hoài nghi học giới
ĐĐ Huy Niệm cho đáp án trắc nghiệm 5: A
No comments:
Post a Comment