Wednesday, April 25, 2018

Bài học. Thứ Tư ngày 25-4-2018

Kinh Tăng Chi B - Anguttara Nikaya

Giảng Sư: TT Pháp Đăng

Chương X - Mười Pháp

  III. Phẩm Lớn.

(III) (23) Với Thân

1. - Này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải đoạn tận với thân, không phải với lời. Này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải đoạn tận với lời, không phải với thân. Này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải đoạn tận không phải với thân, không phải với lời mà sau khi thấy cần phải đoạn tận với trí tuệ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận với thân, không phải với lời?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có phạm điều bất thiện về thân, về một vấn đề gì. Sau khi suy xét về vấn đề ấy, các đồng Phạm hạnh có trí đã nói với vị ấy: "Tôn giả có phạm điều bất thiện về thân, về một vấn đề này. Thật tốt lành thay, nếu Tôn giả từ bỏ thân làm ác và tu tập thân làm thiện". Vị ấy được các đồng Phạm hạnh có trí sau khi suy xét nói như vậy, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm thiện.

Này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải đoạn tận với thân, không phải với lời.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận với lời, không phải với thân?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phạm điều bất thiện với lời, về một vấn đề gì. Sau khi suy xét về vấn đề ấy, các đồng Phạm hạnh có trí đã nói vị ấy: "Tôn giả có phạm điều bất thiện về lời, về một vấn đề này. Thật tốt lành thay, nếu Tôn giả từ bỏ lời nói ác, tu tập lời nói thiện". Vị ấy được các đồng Phạm hạnh có trí sau khi suy xét nói như vậy, đoạn tận lời nói ác. Tu tập lời nói thiện.

Này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải đoạn tận với lời, không phải về thân.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải đoạn tận, không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận?

4. Tham, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tập không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận. Sân ... Si ... Phẫn nộ ... Hiềm hận... Gièm pha ... Não hại ... Xan tham ... Ác tật đố ... Ác dục, này các Tỷ-kheo cần phải đoạn tận, không phải với thân, không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác tật đố?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người gia chủ, hay con người gia chủ, dồi dào phong phú về tài sản, về lúa gạo, về bạc hay vàng. Ở đây, một người nô tỳ hay người phục vụ khởi lên ý nghĩ như sau: "Ôi, sự dồi dào phong phú về tài sản, về lúa gạo, về bạc hay vàng thật sự không thuộc về người gia chủ hay con người gia chủ này." Hay một Sa-môn, Bá-la-môn có được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ở đây, một Sa-môn, hay Bà-la-môn khác khởi lên ý nghĩ như sau: "Ôi, mong rằng vị Tôn giả này không nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh".

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ác tật đố.

Ác tật đố, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận.

6. Này các Tỷ-kheo, ác dục cần phải đoạn tận, không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác dục?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có lòng tin, lại muốn rằng: "Mong rằng họ biết ta có lòng tin"; có ác giới hạn lại muốn rằng: "Mong rằng họ biết ta là người nghe nhiều"; là người ưa thích hội chúng, lại muốn rằng: "Mong rằng họ biết ta là người sống viễn ly"; là người biếng nhác lại muốn rằng: "Mong rằng họ biết ta là người tinh tấn"; là người thất niệm lại muốn rằng: "Mong rằng họ biết ta là người niệm được an trú"; là người không có định, lại muốn rằng: "Mong rằng họ biết ta là người có định"; là người ác tuệ, lại muốn rằng: "Mong rằng họ biết ta là người có trí tuệ"; là người chưa đoạn tận các lậu hoặc lại muốn: "Mong rằng họ biết ta là người đã đoạn tận các lậu hoặc".

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ác dục.

Ác dục này, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận, không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận.

8. Này các Tỷ-kheo, nếu tham chinh phục Tỷ-kheo và phát triển, nếu sân... nếu si... nếu phẫn nộ... nếu hiềm hận... nếu gièm pha... nếu não hại... nếu xan tham... nếu ác tật đố... nếu ác dục chinh phục Tỷ-kheo và phát triển, vị ấy cần phải được hiểu như sau: "Tôn giả này không rõ biết như thế nào để tham không có mặt. Như vậy tham chinh phục vị ấy và phát triển. Tôn giả này không rõ biết như thế nào để sân không có mặt... Tôn giả này không rõ biết như thế nào để si không có mặt... phẫn nộ không có mặt... hiềm hận không có mặt... gièm pha không có mặt... não hại không có mặt... xan tham không có mặt... ác tật đố không có mặt... Tôn giả không rõ biết như thế nào, để ác dục không có mặt. Như vậy, ác dục chinh phục Tôn giả này và phát triển."

9. Nhưng, này các Tỷ-kheo, nếu tham không chinh phục và không phát triển, nếu sân... nếu si... nếu phẫn nộ... nếu hiềm hận... nếu gièm pha... nếu não hại... nếu xan tham... nếu ác tật đố... nếu ác dục không chinh phục vị Tỷ-kheo và không phát triển, vị ấy cần phải được biết như sau: "Tôn giả này rõ biết như thế nào để tham không có mặt. Như vậy, tham không chinh phục Tôn giả này và không phát triển. Tôn giả này rõ biết như thế nào để sân không có mặt... si... phẫn nộ... hiềm hận... gièm pha... não hại... xan tham... ác tật đố... ác dục không có mặt. Như vậy, ác dục không có chinh phục vị Tôn giả này và không phát triển."


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp

Thảo luận 1. Tại sao hành giả cần nhận rõ sự khác biệt của những phiền não có thể chế ngự bằng thân, bằng lời và bằng ý? - TT Pháp Tân

Thảo luận 2. Tĩnh từ “ác - pàpikà” như “ác tật đố (āpikā issā)” có ý nghĩa gì ở đây? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận  3. Những phiền não cần chế ngự bằng ý ở đây Đức Phật dạy là dùng trí tuệ để diệt trừ. Xin cho thí dụ cụ thể về vai trò của trí tuệ? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 4. Trí tuệ trong bài kinh nầy có định rõ thuộc văn huệ, tư huệ, tu huệ hay không nhất thiết cần đơn cử? - TT Pháp Tân


Thảo luận 5. Phải chăng những phiền não cần chế ngự bằng ý (trí tuệ) là những ô nhiễm tế nhị ? - TT Pháp Đăng


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment