Thursday, February 21, 2019

Bài học. Thứ Năm ngày 21 tháng 2, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: ĐĐ Huy Niệm
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 21/2/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP BA CHI phần 3.48

lvii) Ba luận sự: Luận bàn về vấn đề quá khứ: "Sự việc này xảy ra trong quá khứ"; luận bàn về vấn đề tương lai: "Sự việc này xảy ra trong tương lai"; luận bàn về vấn đề hiện tại: "Sự việc này xảy ra trong hiện tại"(tīṇi kathāvatthūni — atītaṁ vā addhānaṁ ārabbha kathaṁ katheyya — ‘evaṁ ahosi atītamaddhānan’ti; anāgataṁ vā addhānaṁ ārabbha kathaṁ katheyya — ‘evaṁ bhavissati anāgatamaddhānan’ti; etarahi vā paccuppannaṁ addhānaṁ ārabbha kathaṁ katheyya — ‘evaṁ hoti etarahi paccuppannaṁ addhānan’ti).

Luận sự  -kathāvatthūni — là những đề tài luận đàm. Ở đây chỉ cho phiếm luận vô ích vì thường là vượt tầm hiểu biết chân thực.
Luận bàn về vấn đề quá khứ: "Sự việc này xảy ra trong quá khứ" (atītaṁ vā addhānaṁ ārabbha kathaṁ katheyya) 
luận bàn về vấn đề tương lai: "Sự việc này xảy ra trong tương lai” (anāgataṁ vā addhānaṁ ārabbha kathaṁ katheyya) 
luận bàn về vấn đề hiện tại: "Sự việc này xảy ra trong hiện tại” (etarahi vā paccuppannaṁ addhānaṁ ārabbha kathaṁ katheyya) 
Đoạn kinh sau đây trích từ Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc - Trung Bộ Kinh giúp chúng ta  thấy rõ hơn  ý nghĩa của đề tài luận bàn tam thế.
Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.

Vị ấy không như lý tác ý như sau: "Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?" Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại: "Ta có mặt hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?".

Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: "Ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn. "Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; hay tà kiến này khởi lên với người ấy: "Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại". Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược. Này các Tỷ-kheo, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.

CHÁNH KINH
10. Này các Hiền giả, có ba pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là ba pháp?
……………………………..
lvii) Ba luận sự: Luận bàn về vấn đề quá khứ: "Sự việc này xảy ra trong quá khứ"; luận bàn về vấn đề tương lai: "Sự việc này xảy ra trong tương lai"; luận bàn về vấn đề hiện tại: "Sự việc này xảy ra trong hiện tại"(tīṇi kathāvatthūni — atītaṁ vā addhānaṁ ārabbha kathaṁ katheyya — ‘evaṁ ahosi atītamaddhānan’ti; anāgataṁ vā addhānaṁ ārabbha kathaṁ katheyya — ‘evaṁ bhavissati anāgatamaddhānan’ti; etarahi vā paccuppannaṁ addhānaṁ ārabbha kathaṁ katheyya — ‘evaṁ hoti etarahi paccuppannaṁ addhānan’ti).


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Người Phật tử thường nói về kiếp trước và kiếp sau. Làm thế nào mà những bàn luận đó không rơi vào phiếm luận? - TT Pháp Tân

Thảo luận 2. Đoạn kinh nầy được trích từ kinh Kalama “Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn:
 i) "Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sinh vào cõi thiện lành"; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được. 
  ii) "Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, tại đây và ngay bây giờ, ta vẫn sống tự tại, an lạc, với tâm không oán thù, không ác hại"; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được. iii) "Nếu có quả xấu trổ ra cho người làm nghiệp ác, nhưng ta không tác ý làm điều ác hại cho bất cứ ai; do vậy, làm sao quả xấu đó có thể tác động đến ta?”; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.
  iv) "Nếu quả xấu không trổ ra cho người làm nghiệp ác, cũng không tác động gì đến ta, vì tâm ta thanh tịnh và thân ta không làm điều ác”; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.” 
Với Phật ngôn trên thì người con Phật nên có thái độ gì khi nghĩ về kiếp sau?

TT Tuệ Quyền thảo luận 2

Thảo luận 3. Kinh Nhân Quả Ba Đời của Phật giáo Bắc Truyền có câu: Muốn biết nhân đời trước / Xem hưởng quả đời này / Muốn biết quả tương lai/ Xét nhân gieo hiện tại. Câu nầy rất phổ biến đối với Phật tử Việt Nam. Kinh Tạng Pàli có chấp nhận ý nghĩa câu nói đó chăng? Nếu không thì có vấn đề gì? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 4. Tại sao luận sự về quá khứ, vị lai, hiện tại là giáo thuyết nền tảng của hầu hết các tôn giáo? - ĐĐ Huy Niệm

Thảo luận 5. Chúng ta có thể sống hiền thiện, sống an lạc mà không phải bận tâm về tiền kiếp và hậu kiếp? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment