Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 22/2/2019
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BA CHI phần 3.49
lvii) Ba minh: Túc mạng trí minh, Hữu tình sanh tử minh, Lậu tận trí minh.(tisso vijjā — pubbenivāsānussatiñāṇaṁ vijjā, sattānaṁ cutūpapāteñāṇaṁ vijjā, āsavānaṁ khayeñāṇaṁ vijjā).
Thuật ngữ minh – vijja – nghĩa là bừng sáng, sáng tỏ, thấu suốt. Trong tam minh thì chữ minh chỉ cho thánh trí kết hợp cả hai tâm giải thoát và tuệ giải thoát (Tuệ giác đi với định lực tam muội)
Túc mạng minh - pubbenivāsānussatiñāṇaṁ vijjā - khả năng siêu việt nhớ biết nhiều đời quá khứ của bản thân từ danh tánh, tộc tánh, đời sống, hạnh nghiệp …
Hữu tình sanh tử minh - sattānaṁ cutūpapāteñāṇaṁ vijjā – là thắng trí có thể thấy biết tiến trình sanh tử của các chúng sanh, và từ đó, biết được căn cơ trình độ dị biệt của các chủng loại.
Lậu tận minh - āsavānaṁ khayeñāṇaṁ vijjā – là khả năng chứng đạt và an trú tâm giải thoát và tuệ giải thoát một cách hoàn toàn tự tại.
Đoạn kinh sau đây trích từ Kinh Dạy Vacchagotta về Tam Minh (Tevijjavacchagotta sutta) - Trung Bộ Kinh giúp chúng ta thấy rõ hơn ý nghĩa tam minh của Đức Phật. Nên lưu ý là các bậc thánh vô lậu đệ tử Phật cũng chứng tam minh nhưng không ưu việt như Đức Phật.
Này Vaccha, khi nào Ta muốn, Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp. Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy Ta sẽ nhớ đến những đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Này Vaccha, nếu Ta muốn, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, Ta thấy sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Ta nghĩ rằng: "Thật sự những vị chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này". Như vậy, Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
Này Vaccha, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, Ta ngay trong hiện tại, tự mình với thượng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
CHÁNH KINH
10. Này các Hiền giả, có ba pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là ba pháp?
……………………………..
lvii) Ba minh: Túc mạng trí minh, Hữu tình sanh tử minh, Lậu tận trí minh.(tisso vijjā — pubbenivāsānussatiñāṇaṁ vijjā, sattānaṁ cutūpapāteñāṇaṁ vijjā, āsavānaṁ khayeñāṇaṁ vijjā).
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Đức Phật sau khi thành đạo vẫn thỉnh thoảng sử dụng lậu tận minh như trong câu “Này Vaccha, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, Ta ngay trong hiện tại, tự mình với thượng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát” nên được hiểu thế nào trong sự an trú? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Tại sao đoạn tận phiền não (lậu tận) mà gọi là thần thông (trong lục thông) hay thắng trí (trong tam minh)? - TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Thuật ngữ minh - vijja - trong tam minh liên hệ tới điều nào sau đây?
A. Tâm giải thoát /
B. Tuệ giải thoát /
C. Đoạn tận hoàn toàn các kiết sử /
D. Cả ba câu trên
TT Giác Đẳng cho đáp án trắc nghiệm 1
No comments:
Post a Comment