43. Ðại Kinh Phương Quảng
(Mahāvedalla Sutta) (tiếp theo)
Chữ Vedalla trong Phạn ngữ có nghĩa đen là cái gì thuộc kinh điển, nghĩa bóng là cái gì được giảng rộng nhờ phân tích. Trong cổ văn chữ Hán phương là vuông vức, quảng là rộng lớn cộng lại chỉ cho cái gì được giải thích rộng rãi.
Trong kinh điển Pāli thì chữ phương quảng dùng cho một trong 9 loại kinh điển mang hình thức vấn đáp. Trong trường hợp nầy chỉ cho sự giảng giải rộng nghĩa qua hình thức câu hỏi và câu trả lời.
(Trong lịch sử Phật giáo từ thế kỷ 1 Tây lịch chữ Phương Quảng cũng được dùng để chỉ cho Phật giáo Đại Thừa)
Bài kinh nầy gọi là đại kinh vì tiếp theo có bài kinh khác cùng tên nhưng ngắn hơn.
Tôn giả Mahā Koṭṭhita là một trong những đại đệ tử Phật được Đức Thế Tôn xác chứng là đệ nhất về tuệ phân tích (patisambhidappattānaṃ). Ngài xuất thân từ một gia đình bà la môn giàu có danh giá tại Sāvatthī. Trước khi xuất gia theo Phật ngài được biết là người bác lãm kinh điển Veda.
Tôn giả Sāriputta là một trong hai vị thượng thủ thinh văn. Là bậc đệ nhất về trí tuệ trong các thánh đệ tử Phật. Chi tiết về Ngài đã được đề cập nhiều lần trong các bài kinh trước đây.
192. Khi bậc thượng trí đàm luận về cái biết của trí
Mở đầu pháp đàm Ngài Mahā Koṭṭhita nêu lên câu hỏi về tuệ tri (pajānāti) :
Đây là sự hiểu biết gồm đủ cả bốn khía cạnh: Vấn đề đích thực (khổ đế), nguyên nhân của vấn đề (tập đế), giải pháp đích thực (diệt đế) và phương thức đạt đến giải pháp (đạo đế)
Theo Sớ giải thì tuệ tri ở trình độ trọn vẹn nhất là tuệ trong tâm đạo của của bốn đạo, bốn quả.
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī, tại Jetavana, tịnh xá ông Anathapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahā Koṭṭhita (Ðại Câu-hy-la), vào buổi chiều, khi thiền định xong, đứng dậy, đi đến chỗ Tôn giả Sāriputta ở, sau khi đến nói lên với Tôn giả Sāriputta những lời chào đón, hỏi thăm xã giao rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahā Koṭṭhita nói với Tôn giả Sāriputta:
(Tuệ giác)
-- Này Hiền giả, liệt tuệ, liệt tuệ (Duppanna) được gọi là như vậy. Này Hiền giả, như thế nào được gọi là liệt tuệ?
-- Này Hiền giả, vì không tuệ tri, không tuệ tri (Nappajanati), này Hiền giả nên được gọi là liệt tuệ. Không tuệ tri gì? Không tuệ tri: đây là Khổ, không tuệ tri: đây là Khổ tập, không tuệ tri: đây là Khổ diệt, không tuệ tri: đây là con đường đưa đến Khổ diệt. Vì không tuệ tri, không tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là liệt tuệ.
--Lành thay, Hiền giả!
Tôn giả Mahā Koṭṭhita hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sāriputta nói, rồi hỏi Tôn giả Sariputta một câu hỏi nữa:
-- Này Hiền giả, trí tuệ, trí tuệ được gọi là như vậy. Này Hiền giả, như thế nào là được gọi là trí tuệ?
-- Vì có tuệ tri, có tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là trí tuệ. Có tuệ tri gì? Có tuệ tri: đây là Khổ, có tuệ tri: đây là Khổ tập, có tuệ tri: đây là Khổ diệt, có tuệ tri: đây là Con đường đưa đến Khổ diệt. Vì có tuệ tri, có tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là trí tuệ.
193. Cái biết của thức tri (không phải tri thức)
Toàn bộ sự phân tích về tâm và trí trong bài kinh nầy được vấn đáp trong phạm vi tâm thái của một hành giả trên hành trình tu tập. Đối với một vị có kiến thức về A tỳ đàm và pháp hành chỉ, quán thì những phân tích ở đây đặc biệt lợi ích.
Cái biết của thức hay thức tri là nhận biết của cảnh khổ, cảnh lạc, cảnh bất khổ bất lạc. Cái biết của thức (thức tri) có thể có thể đi chung hoặc tách rời cái biết của trí (tuệ tri). Tôn giả Sàriputta đưa ra dẫn chứng một điểm cụ thể: Tuệ tri có thể được huân tu nhưng thức tri thì chỉ có thể nhận hiểu:
(Thức) -- Thức, thức, này Hiền giả, được gọi là như vậy, Này Hiền giả, như thế nào được gọi là thức?
-- Này Hiền giả, vì thức tri, thức tri, này Hiền giả nên được gọi là có thức. Thức tri gì? Thức tri lạc, thức tri khổ, thức tri bất khổ bất lạc. Vì thức tri, thức tri, này Hiền giả, nên được gọi là có thức.
-- Nầy Hiền giả, trí tuệ như vậy, thức như vậy, những pháp này được kết hợp hay không được kết hợp? Có thể chăng, nêu lên sự sai khác giữa những pháp này, sau khi phân tích chúng nhiều lần?
-- Này Hiền giả, trí tuệ như vậy, thức như vậy, những pháp này được kết hợp, không phải không kết hợp. Không có thể nêu lên sự sai khác giữa những pháp này, sau khi phân tích chúng nhiều lần. Này Hiền giả, điều gì tuệ tri được là thức tri được, điều gì thức tri được là tuệ tri được. Do vậy, những pháp này được kết hợp, không phải không kết hợp, và không có thể nêu lên sự sai khác giữa những pháp này, sau khi phân tích chúng nhiều lần.
-- Này Hiền giả, trí tuệ như vậy, thức như vậy, thế nào là sự sai khác giữa những pháp được kết hợp, không phải không kết hợp này?
-- Này Hiền giả, Trí tuệ như vậy, thức như vậy, giữa những pháp được kết hợp, không phải không được kết hợp này, trí tuệ cần phải được tu tập (Bhavetabba), còn thức cần phải được liễu tri (Parinneyyam) như vậy là sự sai khác giữa những pháp này.
194. Cái biết của thọ và cái biết của tưởng
Cái biết của thọ là cái biết của cảm giác (vedeti). Có ba thứ cảm thọ là khổ thọ, lạc thọ, bất lạc bất khổ thọ. Cảm thọ trong Phật Pháp đơn thuần là cảm biến đối với cảnh chứ không phải là phản ứng thích, không thích hay thản nhiên. Sớ giải đặc biệt nhấn mạnh chỉ có cảm thọ chứ không có người cảm thọ:
(Thọ) -- Cảm thọ, cảm thọ, này Hiền giả, được gọi là như vậy. Này Hiền giả, như thế nào được gọi là cảm thọ?
-- Này Hiền giả, cảm thọ, cảm thọ (Vedeti), nên được gọi là cảm thọ. Và cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ bất khổ bất lạc thọ. Này Hiền giả, cảm thọ, cảm thọ, nên được gọi là cảm thọ.
(Tưởng)
-- Này Hiền giả, tưởng, tưởng (Sanna) được gọi là như vậy. Này Hiền giả, như thế nào được gọi là tưởng?
-- Tưởng tri, tưởng tri (Sanjanati), này Hiền giả, nên được gọi là tưởng, Và tưởng tri gì? Tưởng tri màu xanh, tưởng tri màu vàng, tưởng tri màu đỏ, tưởng tri màu trắng. Tưởng tri, tưởng tri, này Hiền giả, nên được gọi là tưởng.
-- Này Hiền giả, thọ như vậy, tưởng như vậy, những pháp này được kết hợp hay không được kết hợp? Có thể chăng, nêu lên sự sai khác giữa những pháp này, sau khi phân tích chúng nhiều lần?
-- Này Hiền giả, cảm thọ như vậy, tưởng như vậy, những pháp này được kết hợp, không phải không được kết hợp. Không có thể nêu lên sự sai khác giữa những pháp này, sau khi phân tích chúng nhiều lần. Này Hiền giả, điều gì cảm thọ được là tưởng tri được, điều gì tưởng tri được là cảm thọ được. Do vậy, những pháp này được kết hợp, không phải không được kết hợp, và không có thể nêu lên sự sai khác giữa những pháp này, sau khi phân tích chúng nhiều lần.
Cũng như cái biết của trí và cái biết của thức, đoạn nầy so sánh cái biết của thọ và cái biết của tưởng có thể đi chung và có thể tách rời. Trong tâm thiền có cái biết của cảm biến đối với cảnh (thọ) mà cũng có cái biết của ấn tượng sắc màu (tưởng tri).
Sự phân tích ở đây rất quan trọng để hiểu về sự chứng đạt cao tột của tâm giải thoát và tuệ giải thoát được đề cập sau nầy về “diệt thọ tưởng định”
195. Cảnh giới vượt ngoài với năm trần cảnh
Đó là trình độ vượt khỏi dục giới và sắc giới đưa đến chứng ngộ thiền vô sắc:
(Thắng tri) -- Này Hiền giả, ý thức thanh tịnh, không liên hệ đến năm căn có thể đưa đến gì?
-- Này Hiền giả, ý thức thanh tịnh, không liên hệ đến năm căn, có thể đưa đến Hư không vô biên xứ; hư không là vô biên, có thể đưa đến Thức vô biên xứ; thức là vô biên, có thể đưa đến Vô sở hữu xứ, không có sự vật gì.
-- Này Hiền giả, pháp gì đưa đến nhờ gì có thể tuệ tri được?
-- Này Hiền giả, nhờ tuệ nhãn, pháp được đưa đến có thể tuệ tri.
-- Này Hiền giả, trí tuệ có ý nghĩa gì?
-- Này Hiền giả, trí tuệ có ý nghĩa là thắng tri (Abhinnattha), có nghĩa là liễu tri (Parinnattha), có nghĩa là đoạn tận (Pahanattha).
196. Chánh tri kiến do nghe diệu pháp và như lý tác ý
Ngài Sāriputta trả lời rằng có hai yếu tố tạo nên chánh tri kiến:
a. Được khai thi do bởi Đức Phật hay các đệ tử Phật (thinh văn).
b. Thành tựu nhờ như lý tác ý.
(Chánh kiến)
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên khiến chánh tri kiến sanh khởi?
-- Này Hiền giả, có hai duyên khiến chánh tri kiến sanh khởi: Tiếng của người khác và như lý tác ý. Này Hiền giả, do hai duyên này, chánh tri kiến sanh khởi.
-- Này Hiền giả, chánh tri kiến phải được hỗ trợ bởi bao nhiêu chi phần để có tâm giải thoát quả, tâm giải thoát quả công đức, và tuệ giải thoát quả, tuệ giải thoát quả công đức?
-- Này Hiền giả, chánh tri kiến phải được hỗ trợ bởi năm chi phần để có tâm giải thoát quả, tâm giải thoát quả công đức, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát quả công đức. Ở đây, này Hiền giả, chánh tri kiến có giới hỗ trợ, có văn (Suta) hỗ trợ, có thảo luận hỗ trợ, có chỉ (Samatha) hỗ trợ, có quán (Vipassana) hỗ trợ. Này Hiền giả, chánh tri kiến được hỗ trợ bởi năm chi phần này để có tâm giải thoát quả, tâm giải thoát quả công đức, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát quả công đức.
197. Sự hiện hữu của chúng sanh
Đó là sự là pha trộn của nghiệp hữu (tạo tác) và sanh hữu (sự hiện hữu do nghiệp quá khứ) trong vòng sinh hoá:
(Hữu)
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu hữu (Bhava)?
-- Này Hiền giả có ba hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.
-- Này Hiền giả, như thế nào sự tái sanh trong tương lai được xảy ra?
-- Này Hiền giả, bị vô minh ngăn che, bị tham ái trói buộc, các loài hữu tình thích thú chỗ này chỗ kia, như vậy, sự tái sinh trong tương lai được xảy ra.
-- Này Hiền giả, như thế nào sự tái sanh trong tương lai không xảy ra?
-- Này Hiền giả, vô minh được xả ly, minh khởi, tham ái được đoạn diệt, như vậy sự tái sanh trong tương lai không xảy ra.
198. Sự chuyển hoá sanh hữu
Tôn giả Mahā Koṭṭhita hỏi một câu mới nghe dường như lạc đề nhưng kỳ thật đây là điểm cho thấy sanh hữu không phải không chuyển hoá được. Câu hỏi sau lấy một điểm chúng sanh trong cõi dục giới đi vào cảnh giới của thiền sắc giới như thế nào:
(Thiền-na thứ nhất)
-- Này Hiền giả, thế nào là Thiền thứ nhất?
-- Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Như vậy, này Hiền giả, gọi là Thiền thứ nhất.
-- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có bao nhiêu chi phần?
-- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi phần. Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo thành tựu Thiền thứ nhất, có tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi phần như vậy.
-- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất từ bỏ bao nhiêu chi phần và thành tựu bao nhiêu chi phần?
- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất từ bỏ năm chi phần và thành tựu năm chi phần. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo thành tựu Thiền thứ nhất từ bỏ tham dục, từ bỏ sân, từ bỏ hôn trầm thụy miên, từ bỏ trạo hối, từ bỏ nghi, thành tựu tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Này Hiền giả, như vậy Thiền thứ nhất từ bỏ năm chi phần, và thành tựu năm chi phần.
199. nhận thức ngoại giới đối với thiền giả
Năm giác quan nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân biết năm cảnh thường được phàm nhân xem là toàn bộ sự sống. Kỳ thật thì mỗi giác quan có vai trò biệt lập và một khi tu tập hạn chế sự hoạt động của các giác quan không nên xem là sự sống chấm dứt:
(Năm căn)
-- Này Hiền giả, năm căn này, có cảnh giới khác nhau, có hành giới khác nhau, không có lẫn lộn cảnh giới, hành giới với nhau. Tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Này Hiền giả, giữa năm căn này, có cảnh giới sai khác, có hành giới sai khác, không có thọ lãnh cảnh giới, hành giới lẫn nhau, cái gì làm sở y cho chúng, cái gì lãnh thọ cảnh giới, hành giới của chúng?
-- Này Hiền giả, năm căn này, có cảnh giới sai khác, có hành giới sai khác, không có lãnh thọ cảnh giới, hành giới lẫn nhau, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Này Hiền giả, giữa năm căn này, có cảnh giới sai khác, có hành giới sai khác, không có lẫn lộn cảnh giới, hành giới với nhau, ý làm sở y cho chúng, và ý lãnh thọ cảnh giới và hành giới của chúng.
-- Này Hiền giả, năm căn này là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Này Hiền giả, năm căn này, do duyên gì mà chúng an trú?
-- Này Hiền giả, năm căn này là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Này Hiền giả, năm căn này, do duyên tuổi thọ (Ayu) mà chúng an trú.
-- Này Hiền giả, tuổi thọ do duyên gì mà an trú?
-- Tuổi thọ do duyên hơi nóng mà
-- Này Hiền giả, hơi nóng do duyên gì mà an trú?
-- Hơi nóng do duyên tuổi thọ mà an trú.
-- Này Hiền giả, nay chúng tôi được biết từ lời nói của Tôn giả Sariputta là tuổi thọ do duyên hơi nóng mà an trú. Nay chúng tôi lại được biết từ lời nói của Tôn giả Sāriputta là hơi nóng do duyên tuổi thọ mà an trú. Này Hiền giả, như thế nào, cần phải hiểu ý nghĩa lời nói này?
-- Này Hiền giả, tôi sẽ cho một ví dụ. Nhờ ví dụ, ở đây, một số người có trí sẽ hiểu ý nghĩa lời nói. Này Hiền giả, ví như khi một cây đèn dầu được thắp sáng, duyên tim đèn, ánh sáng được hiện ra, do duyên ánh sáng, tim đèn được thấy. Cũng vậy này Hiền giả, tuổi thọ do duyên hơi nóng mà an trú, và hơi nóng do duyên tuổi thọ mà an trú.
200. Khác biệt giữa diệt thọ tưởng định và sự chết
Sự sống thường được quan niệm là xác thân có tri giác. Thật ra hai điều nầy khác nhau đơn cử thí dụ là một vị nhập diệt thọ tưởng định sự sống vẫn còn. Sự hoạt động của sự sống, ở đây theo Phật học, gồm có thân hành (hơi thở), khẩu hành (tầm, tứ), ý hành (thọ, tưởng) là những định nghĩa ở cấp độ tinh xác nhất đối với hành giả tu tập tam muội định. Cho dù cả ba thân hành, khẩu hành, ý hành không còn nữa (do năng lực thiền định) thì sự sống vẫn còn:
(Pháp thọ hành)
-- Này Hiền giả, những pháp thọ hành (Ayusankhara) này là những pháp được cảm thọ (Vedaniya) này, hay những pháp thọ hành này khác với những pháp được cảm thọ này?
-- Này Hiền giả, những pháp thọ hành này không phải là những pháp được cảm thọ này. Này Hiền giả, nếu những pháp thọ hành này là những pháp được cảm thọ này thì không thể nêu rõ sự xuất khởi của vị Tỷ-kheo đã thành tựu Diệt thọ tưởng định. Này Hiền giả, vì rằng những pháp thọ hành khác, những pháp được cảm thọ khác nên có thể nêu rõ sự xuất khởi của vị Tỷ-kheo đã thành tựu Diệt thọ tưởng định.
-- Này Hiền giả, đối với thân này, khi nào có bao nhiêu pháp được từ bỏ, thì thân này được nằm xuống, quăng đi, vất bỏ, như một khúc gỗ vô tri?
-- Này Hiền giả, đối với thân này, khi nào ba pháp được từ bỏ: Tuổi thọ, hơi nóng và thức, thì thân này nằm xuống, được quăng đi, vất bỏ như một khúc gỗ vô tri.
-- Này Hiền giả, có sự sai khác gì giữa vật chết, mạng chung này với vị Tỷ-kheo thành tựu Diệt thọ tưởng định?
-- Này Hiền giả, vật chết, mạng chung này, thân hành của nó chấm dứt, dừng lại, khẩu hành chấm dứt, dừng lại, tâm hành chấm dứt, dừng lại, tuổi thọ diệt tận, hơi nóng tiêu diệt, các căn bị bại hoại. Còn vị Tỷ-kheo thành tựu Diệt thọ tưởng định, thì thân hành của vị này được chấm dứt, được dừng lại, khẩu hành được chấm dứt, được dừng lại, tâm hành được chấm dứt, được dừng lại, nhưng tuổi thọ không diệt tận, hơi nóng không tiêu diệt, các căn được sáng suốt. Này Hiền giả, như vậy là sự sai khác giữa vật chết, mạng chung này với vị Tỷ-kheo thành tựu Diệt thọ tưởng định.
201. Những cảnh giới giải thoát
Sự giải thoát có nghĩa là vượt khỏi những hạn cuộc. Bốn giải thoát ở đây là những đề tài lớn cả hai phương diện pháp học và pháp hành: vô lượng, không, vô tướng, vô sở hữu. Ngay cả đối với các trạng thái tâm giải thoát đều có đặc tính “xuất nhập tự tại”:
(Tâm giải thoát)
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để chứng nhập tâm giải thoát bất khổ bất lạc?
-- Này Hiền giả, có bốn duyên để chứng nhập tâm giải thoát bất khổ bất lạc. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ- kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Hiền giả, do bốn duyên này mà chứng nhập tâm giải thoát bất khổ bất lạc.
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để chứng nhập vô tướng tâm giải thoát?
-- Này Hiền giả, có hai duyên để chứng nhập vô tướng tâm giải thoát: không có tác ý nhất thiết tướng và tác ý vô tướng giới. Này Hiền giả, do hai duyên này mà chứng nhập vô tướng tâm giải thoát.
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để an trú vô tướng tâm giải thoát?
-- Này Hiền giả, có ba duyên để an trú vô tướng tâm giải thoát: không tác ý nhất thiết tướng, tác ý vô tướng giới, và một sự sửa soạn trước. Này Hiền giả, do ba duyên này mà an trú vô tướng tâm giải thoát.
-- Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để xuất khởi vô tướng tâm giải thoát?
-- Này Hiền giả, có hai duyên để xuất khởi vô tướng tâm giải thoát: tác ý nhất thiết tướng và không tác ý vô tướng giới. Này Hiền giả, do hai duyên này mà xuất khởi vô tướng tâm giải thoát.
-- Này Hiền giả, vô lượng tâm giải thoát này, vô sở hữu tâm giải thoát này, không tâm giải thoát này và vô tướng tâm giải thoát này, những pháp này nghĩa sai biệt và danh sai biệt, hay nghĩa đồng nhất và danh sai biệt.
-- Này Hiền giả, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, không tâm giải thoát và vô tướng tâm giải thoát này, có một pháp môn, này Hiền giả, do pháp môn này, các pháp ấy nghĩa sai biệt và danh sai biệt. Và này Hiền giả, lại có một pháp môn, do pháp môn này, các pháp ấy có nghĩa đồng nhất và danh sai biệt. Này Hiền giả, thế nào là có pháp môn, do pháp môn này các pháp ấy có nghĩa sai khác và có danh sai khác?
[vô lượng tâm giải thoát]
Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Như vậy, này Hiền giả, gọi là vô lượng tâm giải thoát.
[vô sở hữu tâm giải thoát]
Và này Hiền giả, thế nào là vô sở hữu tâm giải thoát? Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì" chứng và trú Vô sở hữu xứ. Như vậy, này Hiền giả, gọi là Vô sở hữu tâm giải thoát.
[không tâm giải thoát]
Và này Hiền giả, thế nào là không tâm giải thoát? Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến chỗ nhà trống và suy nghĩ như sau: "Ðây trống không, không có tự ngã hay không có ngã sở". Như vậy, này Hiền giả, gọi là không tâm giải thoát.
[vô tướng tâm giải thoát]
Và này Hiền giả, thế nào là vô tướng tâm giải thoát? Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo không tác ý với nhất thiết tướng, đạt và an trú vô tướng tâm định. Như vậy, này Hiền giả, gọi là vô tướng tâm giải thoát. Như vậy là có pháp môn và do pháp môn này những pháp ấy nghĩa sai biệt và danh sai biệt.
202. Cái đối lập với tâm giải thoát
Phiền não hay tham, sân, si đích thực là những pháp khiến tâm bị đóng khung, do vậy, không thể tự tại giải thoát:
Và này Hiền giả, thế nào là có pháp môn và do pháp môn này các pháp ấy có nghĩa đồng nhất nhưng danh sai biệt. Tham, này Hiền giả, là nguyên nhân của hạn lượng; sân là nguyên nhân của hạn lượng; si là nguyên nhân của hạn lượng. Ðối với vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc và tham, sân, si này đã được chặt tận gốc như thân cây tala được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai. Này Hiền giả, khi nào các tâm giải thoát là vô lượng, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát không có tham, không có sân, không có si. Tham, này Hiền giả, là một vật gì (chướng ngại), sân là một vật gì (chướng ngại), si là một vật gì (chướng ngại). Ðối với vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, thì tham, sân, si này đã được chặt tận gốc, như thân cây tala được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai. Này Hiền giả, khi nào các tâm giải thoát là vô sở hữu, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát ấy không có tham, không có sân, không có si.
Tham, này Hiền giả, là nhân tạo ra tướng, sân là nhân tạo ra tướng, si là nhân tạo ra tướng. Ðối với vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, thì tham, sân, si này được chặt tận gốc, như thân cây tala được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai. Này Hiền giả, khi nào các tâm giải thoát là vô tướng, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát này không có tham, không có sân, không có si. Như vậy, này Hiền giả, là pháp môn này, những pháp ấy là đồng nghĩa nhưng danh sai biệt.
Tôn giả Sāriputta thuyết giảng như vậy. Tôn giả Mahā Koṭṭhita hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sāriputta dạy.
Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu
Phân đoạn & chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Tại sao nhận thức “thế nào là sự hiện hữu của sự sống” như thân hành, khẩu hành, ý hành, thọ hành lại mang ý nghĩa đặc biệt với trí tuệ của thiền giả? - TT Pháp Tân
Thảo luận 2. Xin giải thích rõ sự liên hệ mật thiết giữa thọ mạng và chất ấm của thân thể con người? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 3. Sự khởi đầu kiếp sống của con người kết hợp ba yếu tố: tinh trùng và noãn châu, người phụ nữ trong thời kỳ có thể thụ thai, hương ấm; sự mệnh chung được hiểu là sự chấm dứt của ba thứ: tuổi thọ, hơi nóng, thức. Thức chấm dứt nên được hiểu là thức gì? có phải là thức khởi đầu cuộc sống? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 4. Trạng thái: xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh có đủ để gọi là giải thoát? tại sao trang thái nầy được gọi là tâm giải thoát? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 5. Sự giải thoát được đề cập qua bốn trạng thái: vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, không tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát như vậy tại sao thường được nói sự tu tập tuy có khác nhưng sự giải thoát không sai biệt? - TT Giác Đẳng
Thảo luận 6.
III Trắc Nghiệm