Tuesday, September 8, 2020

Trung Bộ Kinh - 36. Ðại Kinh Saccaka - Thứ Ba, ngày 8 tháng 9, 2020

 Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya

Giảng Sư: TT Tuệ Quyền

GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  8/9/2020 

36. Ðại Kinh Saccaka

(Mahāsaccaka Sutta) 

Giống như bài kinh trước, nội dung bài kinh nầy liên quan tới nhân vật Saccaka - một người rất giỏi biện luận của ngoại giáo Nigantha. Bài kinh nầy dài hơn so với bài trước nên gọi là đại kinh. Saccaka có một cái tên thường gọi là Aggivessana nên trong đối thoại Đức Phật gọi bằng tên đó.

 Vốn là người theo giáo phái Nigantha (ngày nay được gọi là đạo Jain), Saccaka tin vào pháp tu khổ hạnh. Theo quan điểm nầy đó là sự tu thân nhưng từ sự hành xác dẫn đến giải thoát tâm. Với cách lý luận của Saccaka thì người tu thân của có khuyết điểm về tâm và người tu tâm của có khuyết điểm về thân. Ông ấy tin rằng những đệ tử Phật chuyên về tu tâm nên có thể chỉ trích về sự thiếu tu tập thân. (giống như một số lập luận ngày nay cho rằng nếu chỉ tu thiền mà thiếu tập luận võ thuật hay yoga thì thân thể bạc nhược)

 Sau khi thất bại trong ý định vấn nạn Đức Phật với hội chúng đông đảo, Saccaka đã trở lại lần nữa nhưng chỉ một mình để hỏi Đức Phật những điều mà ông ấy tin rằng mình có cơ sở lý luận vững chắc. Điều Saccaka muốn đưa ra là luận đề là tu tập thân và tu tập tâm. Bên cạnh đó là thái độ trịch thượng, nhắm vào chỗ sơ hở của câu trả lời để chỉ trích. Đấng Thế Gian Giải đưa ra câu trả lời không nằm trong sự dự đoán của Saccaka. Ngài cũng cho Saccaka biết thái độ của người hỏi là thái độ thiếu thân thiện cầu học mà chỉ đặt nặng hơn thua. Dù vậy Đức Phật vẫn trả lời. Qua câu trả lời Đức Phật đã nêu lên ba điều:

 a. Vấn đề không phải đơn giản là có hay không tu tập thân, tu tập tâm mà là tu tập thân thế nào và tu tập tâm thế nào.

 b. Bản thân của Đức Thế Tôn đã kinh qua cả hai phương cách tu tập thân và tu tập tâm. Cả hai cách nầy đều có hai giai đoạn là khoảng thời gian trắc nghiệm không thành công và sau nầy với phương pháp trung đạo Ngài đã thành tựu đạo quả vô thượng

 c. Thế nào là đời sống với trí tuệ tỉnh thức không đơn giản như cái nhìn phàm tình.

 159. Thân tu tập và tâm tu tập

 Trước hết Đức Thế Tôn hỏi ngược lại Saccaka quan niệm thế nào về thân tu tập và tâm tu tập. Saccaka trình bày thân tu tập với những hình thức tu khổ hạnh. Nhưng câu hỏi về tâm tu tập thì là không trả lời được vì Saccaka vốn nghĩ rằng khổ hạnh tuy là sự tu thân với cách hành xác nhưng cũng được xem là nói chung của cả hai tu thân và tu tâm.

 

Như vầy tôi nghe.

 Một thời Thế Tôn ở tại Vesālī, rừng Ðại Lâm, tại giảng đường Trùng Các. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đắp y thật đầy đủ, cầm y bát, muốn vào Vesālī để khất thực. Rồi Nigaṇṭhaputta Saccaka tánh hay ngao du thiên hạ, trong khi đi khắp đó đây, đến tại Ðại Lâm, giảng đường Trùng Các. Tôn giả Ānanda thấy Nigaṇṭhaputta Saccaka từ xa đi lại, liền bạch Thế Tôn:

 -- Bạch Thế Tôn, Nigaṇṭhaputta Saccaka đang đến, tánh ưa luận chiến, biện luận thiện xảo, được số đông tôn kính. Bạch Thế Tôn, vị này ưa chỉ trích Phật, ưa chỉ trích Pháp, ưa chỉ trích Tăng. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn vì lòng từ mẫn ngồi lại một lát.

 Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Rồi Nigaṇṭhaputta Saccaka đi đến chỗ Thế Tôn ở, nói lên những lời hỏi thăm, chúc tụng, xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Nigaṇṭhaputta Saccaka nói với Thế Tôn:

 -- Tôn giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn sống chuyên lo tu tập về thân, không tu tập về tâm. Tôn giả Gotama, những vị này cảm khổ thọ về thân. Sự tình này đã xảy ra, này Tôn giả Gotama, do cảm khổ về thân, chân sẽ bị tê liệt, quả tim có thể tức bể, máu nóng có thể trào ra từ miệng, có thể bị điên cuồng loạn tâm. Tôn giả Gotama, sự tình này xảy ra đối với người mà tâm tùy thuộc thân, khi tâm chịu sự điều khiển của thân. Vì sao vậy? Vì tâm không được tu tập. Tôn giả Gotama, nhưng có một số Sa- môn, Bà-la-môn, sống chuyên lo tu tập về tâm, không tu tập về thân. Tôn giả Gotama, những vị này cảm khổ thọ về tâm. Sự tình này đã xảy ra, này Tôn giả Gotama; do cảm khổ thọ về tâm, chân sẽ bị tê liệt, quả tim có thể tức bể, máu có thể trào ra từ miệng, có thể bị điên cuồng loạn tâm. Tôn giả Gotama, sự tình này xảy ra đối với người mà thân tùy thuộc tâm, khi thân chịu sự điều khiển của tâm. Vì sao vậy? Vì thân không được tu tập. Này Tôn giả Gotama, rồi tôi suy nghĩ: "Thật sự, Thanh văn đệ tử của Tôn giả Gotama sống chuyên lo tu tập về tâm không tu tập về thân?"

 -- Này Aggivessana, Ông nghe tu tập về thân như thế nào?

 -- Như Nanda Vaccha, Kisa Sankicca, Makkhali Gosāla, những vị này, này Tôn giả Gotama, sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận mời đi ăn, không nhận đồ ăn từ nồi chảo, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo, không nhận đồ ăn từ hai người, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ ruồi bu, không ăn cá thịt, không uống rượu nấu, rượu men, cháo trấu. Những vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại bảy nhà, vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy các vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần.

 -- Này Aggivessana, họ có thể tự nuôi sống với mức độ như vậy chăng?

 -- Không phải vậy, này Tôn giả Gotama. Thỉnh thoảng, này Tôn giả Gotama, họ ăn những món ăn thù thắng loại cứng, họ ăn những món ăn thù thắng loại mền, họ nếm những vị ăn thù thắng, họ uống những đồ uống thù thắng. Họ nhờ các món ăn ấy gầy dựng thân lực, làm cho thân to lớn, làm cho thân béo mập.

 -- Này Aggivessana, như vậy những gì ban đầu họ từ bỏ, về sau họ lại thọ dụng. Như vậy có tụ, có tán (có được, có mất) cho thân này. Này Aggivessana, Ông nghe tu tập về tâm như thế nào?

 Nigaṇṭhaputta Saccaka, được Thế Tôn hỏi tu tập về tâm, không có thể trả lời được.

 160. Tu tập trong ý nghĩa chân thực

 Đức Phật đã đưa ra định nghĩa của Ngài về thân tu tập và tâm tu tập vốn hoàn toàn không nằm trong tiên liệu của Saccaka: Đối với lạc thọ mà thiếu chánh niệm để tâm nhiễm đắm là thiếu tu tập về thân. Đối với khổ thọ mà thiếu kham nhẫn chịu đựng là thiếu tu tập về tâm.

Rồi Thế Tôn nói với Niganthaputta Saccaka:

 -- Này Aggivessana, thân tu tập mà Ông vừa mới nói đầu tiên ấy không phải là thân tu tập đúng pháp trong giới luật của bậc Thánh. Này Aggivessana, Ông còn không hiểu thân tu tập, làm sao Ông có thể hiểu tâm tu tập. Và này Aggivessana, như thế nào là thân không tu tập, tâm không tu tập; như thế nào là thân tu tập, tâm tu tập? Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

 -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 Nigaṇṭhaputta Saccaka trả lời Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

 -- Này Aggivessana, thế nào là thân không tu tập và thế nào là tâm không tu tập? Ở đây, này Aggivessana, kẻ vô văn phàm phu khởi lên lạc thọ. Người này được cảm giác lạc thọ, liền tham đắm lạc thọ và rơi vào sự tham đắm lạc thọ. Nếu lạc thọ ấy bị diệt mất, do lạc thọ đoạn diệt, khởi lên khổ thọ. Người ấy, do cảm giác khổ thọ, nên sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đưa đến bất tỉnh. Này Aggivessana, lạc thọ ấy khởi lên cho người kia, chi phối tâm và an trú, do thân không tu tập. Khổ thọ ấy khởi lên chi phối tâm và an trú, do tâm không tu tập. Này Aggivessana, không luận người nào mà cả hai phương tiện đều có lạc thọ khởi lên, chi phối tâm và an trú, do thân không tu tập; khổ thọ khởi lên, chi phối tâm và an trú, do tâm không tu tập. Như vậy, này Aggivessana, người ấy là người có thân không tu tập và tâm không tu tập.

 Và này Aggivessana, thế nào là thân tu tập và tâm tu tập? Ở đây, này Aggivessana, lạc thọ khởi lên cho vị Thánh đệ tử nghe nhiều. Vị này được cảm giác lạc thọ, nhưng không tham đắm lạc thọ, không rơi vào sự tham đắm lạc thọ. Nếu lạc thọ ấy bị diệt mất, do lạc thọ đoạn diệt, khởi lên khổ thọ, vị ấy cảm giác khổ thọ nhưng không sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đưa đến bất tỉnh. Này Aggivessana, lạc thọ ấy khởi lên cho vị kia, không chi phối tâm và không an trú, do thân có tu tập; khổ thọ ấy khởi lên cho vị kia, không chi phối tâm và không an trú, do tâm có tu tập. Này Aggivessana, không luận người nào mà cả hai phương tiện đều có lạc thọ khởi lên, không chi phối tâm và không an trú, do thân có tu tập; khổ thọ khởi lên, không chi phối tâm và không an trú, do tâm có tu tập, như vậy này Aggivessana, người ấy là người có thân tu tập, có tâm tu tập.

 -- Như vậy, tôi có lòng tin tưởng với Tôn giả Gotama. Tôn giả Gotama là vị có thân tu tập và có tâm tu tập.

 -- Này Aggivessana, dầu cho lời nói của Ông có vẻ trịch thượng và khiêu khích, nhưng Ta sẽ trả lời cho Ông. Này Aggivessana, vì Ta đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lạc thọ thật sự khởi lên nơi Ta, chi phối tâm và an trú, hay khổ thọ thật sự khởi lên nơi Ta, chi phối tâm và an trú, sự tình như vậy không thể xảy ra.

 -- Phải chăng, một lạc thọ không khởi lên nơi Tôn giả Gotama một cách khiến cho lạc thọ ấy không thể chi phối tâm và an trú, phải chăng một khổ thọ khởi lên nơi Tôn giả Gotama một cách khiến cho khổ thọ ấy không thể chi phối tâm và an trú?

 -- Này Aggivessana, sao có thể không như vậy được? Ở đây, này Aggivessana, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: "Ðời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà có thể sống hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh đời sống phạm hạnh thuần tịnh. Hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình".

 161. Kinh nghiệm bản thân của Đức Phật về tâm tu tập và thân tu tập

 Đức Phật kể lại hành trình tu tập bản thân của Ngài từ lúc rời khỏi hoàng cung đến với hai đạo sĩ Alara Kalama, Uddaka Ramaputta Ngài đã thành tựu thiền chứng ngang bằng với hai vị nầy. Sau đó tiếp tục hành trình tu tập bằng pháp khổ hạnh với những cực điểm của đại yểm ly, đại bất tịnh thực, đại khổ hành nhưng rồi cuối cùng nhận ra sự vô ích của những cực đoan nầy.

 Rồi này Aggivessana, sau một thời gian, Ta trong khi còn niên thiếu, tuổi trẻ… (như kinh số 26 Toàn tập Thích Minh Châu, tập 3, trang 352 đến 358, với “này Aggivessana” thế cho “này các tỳ kheo”)… Và này Aggivessana, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ rằng: “Thật đáng cố gắng tinh tấn ở nơi đây.”

 Rồi này Aggivessana, ba ví dụ khởi lên nơi Ta, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe: Này Aggivessana, ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống và đặt trong nước. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: "Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra". Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống đặt trong nước ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến lửa nóng hiện ra được không?

 -- Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì cành cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống lại bị ngâm trong nước, nên người ấy chỉ bị mệt nhọc và bực bội.

 -- Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa-môn hay những Bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với chúng thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt, nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác, và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà- la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Này Aggivessana, đó là ví dụ thứ nhất, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.

Này Aggivessana, rồi một ví dụ thứ hai, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta. Này Aggivessana, ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: "Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra". Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa, có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?

 -- Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì khúc cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống, dầu được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, nên người ấy chỉ bị mệt nhọc và bực bội.

 -- Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa-môn hay Bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôm ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt. Nếu những Tôn giả Sa-môn, hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà- la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Này Aggivessana, đó là ví dụ thứ hai, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.

 Này Aggivessana, rồi một ví dụ thứ ba, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta. Này Aggivessana, ví như có một khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: "Ta sẽ nhen lửa, lửa nóng sẽ hiện ra". Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa, có thể nhen lửa, khiến nơi nóng hiện ra được không?

 -- Thưa được, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì khúc cây ấy khô, không nhựa, lại được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô.

 -- Cũng vậy, này Aggivessana, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn sống xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục, như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khác vọng, dục nhiệt não, về nội tâm được khéo đoạn trừ. Nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy có thể chứng được tri kiến vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị này cũng có thể chứng được tri kiến vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Này Aggivessana, đó là ví dụ thứ ba, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta hãy nghiến răng, dán chặt lên lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm!" Này Aggivessana, rồi Ta nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Khi Ta đang nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, mồ hôi thoát ra từ nơi nách của Ta. Này Aggivessana, như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục và đánh bại người ấy. Này Aggivessana, khi Ta đang nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, mồ hôi thoát ra từ nơi nách của Ta, này Aggivessana, dầu cho Ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta hãy tu Thiền nín thở". Và này Aggivessana, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi. Này Aggivessana, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi, thì một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai. Này Aggivessana, ví như tiếng kinh khủng phát ra từ ống thổi bệ đang thổi của người thợ rèn. Cũng vậy này Aggivessana, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi, thời một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai. Này Aggivessana, dầu cho Ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta hãy tu thêm Thiền nín thở". Và này Aggivessana, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi, và ngang qua tai. Này Aggivessana, khi Ta nín thở vô thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, thì có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu Ta. Này Aggivessana, ví như một người lực sĩ chém đầu một người khác với một thanh kiếm sắc, cũng vậy này Aggivessana, khi ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, thì có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu Ta. Này Aggivessana, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau : "Ta hãy tu thêm Thiền nín thở". Và này Aggivessana, rồi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, Ta cảm giác đau đầu, một cách kinh khủng. Này Aggivessana, ví như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết mạnh; cũng vậy, này Aggivessana, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi, và ngang qua tai, Ta cảm giác đau đầu một cách kinh khủng. Này Aggivessana, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta hãy tu thêm Thiền nín thở". Và này Aggivessana, rồi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Này Aggivessana, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của Ta. Này Aggivessana, ví như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén. Cũng vậy, này Aggivessana, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, một ngọn kinh khủng cắt ngang bụng của Ta. Này Aggivessana, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dẫu cho niệm được an trú, không dao động nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại, nhưng không chi phối tâm Ta.

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta hãy tu thêm Thiền nín thở". Và này Aggivessana, rồi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Này Aggivessana, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, thì có một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân Ta. Này Aggivessana, ví như hai người lực sĩ sau khi nắm cánh tay một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng. Cũng vậy, này Aggivessana, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai thì có một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân Ta. Này Aggivessana, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú, không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Lại nữa, này Aggivessana, chư Thiên thấy vậy nói như sau: "Sa-môn Gotama đã chết rồi". Một số chư Thiên nói như sau: "Sa-môn Gotama chưa chết, nhưng Sa-môn Gotama sắp sửa chết". Một số chư Thiên nói như sau: "Sa-môn Gotama chưa chết. Sa-môn Gotama, cũng không phải sắp chết. Sa-môn Gotama là bậc A-la-hán, đời sống của một A-la-hán là như vậy".

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta hãy hoàn toàn tuyệt thực". Rồi này Aggivessana, chư Thiên đến Ta và nói như sau: "Này Thiện hữu, Hiền giả chớ có hoàn toàn tuyệt thực. Này Thiện hữu, nếu Hiền giả có hoàn toàn tuyệt thực, chúng tôi sẽ đổ các món ăn chư Thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Hiền giả, và nhờ vậy Hiền giả vẫn sống". Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ như sau: "Nếu Ta hoàn toàn tuyệt thực và chư Thiên này đổ các món ăn chư Thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Ta và nhờ vậy Ta vẫn sống, thời như vậy Ta tự dối Ta". Này Aggivessana, Ta bác bỏ chư Thiên ấy và nói: "Như vậy là đủ".

Này Aggivessana, rồi Ta tự suy nghĩ như sau: "Ta hãy giảm thiểu tối đa ăn uống, ăn ít từng giọt một, như xúp đậu xanh, xúp đậu đen hay xúp đậu hột hay xúp đậu nhỏ". Và này Aggivessana, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như xúp đậu xanh, xúp đậu đen hay xúp đậu hột hay xúp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những gọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo; vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà; vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát; vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu; vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn. Này Aggivessana, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ da bụng", thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Aggivessana, da bụng của Ta đến bám chặt xương sống. Này Aggivessana, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện" thì Ta ngã quúp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Aggivessana, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Aggivessana, trong khi Ta xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.

 Lại nữa, này Aggivessana, có người thấy vậy nói như sau: "Sa-môn Gotama có da đen". Một số người nói như sau: "Sa-môn Gotama, da không đen, Sa-môn Gotama có da màu xám". Một số người nói như sau: "Sa-môn Gotama da không đen, da không xám." Một số người nói như sau: "Sa-môn Gotama da không đen, da không xám, Sa-môn Gotama có da màu vàng sẫm". Cho đến mức độ như vậy, này Aggivessana, da của Ta vốn thanh tịnh, trong sáng bị hư hoại vì Ta ăn quá ít.

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Thuở xưa có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Về tương lai, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng không thể có gì hơn nữa. Trong hiện tại, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Nhưng Ta, với sự khổ hạnh khốc liệt như thế này, vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?"

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích- ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ". Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Ðạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?" Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Ðây là đạo lộ đưa đến giác ngộ".

 Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta có sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện?" Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta không sợ lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện".'

 Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ: "Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này. Ta hãy ăn thô thực ăn cơm chua". Rồi này Aggivessana, Ta ăn thô thực, ăn cơm chua. Này Aggivessana, lúc bấy giờ, năm Tỷ-kheo đang hầu hạ Ta suy nghĩ: "Khi nào Sa-môn Gotama chứng pháp, vị ấy sẽ nói cho chúng ta biết". Này Aggivessana, khi thấy Ta ăn thô thực, ăn cơm chua, các vị ấy chán ghét Ta, bỏ đi và nói: "Sa-môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc".

 Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này". Như vậy Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Aggivessana, đó là minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này Aggivessana, đó là minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: "Ðây là Khổ", biết như thật: "Ðây là Nguyên nhân của khổ", biết như thật: "Ðây là sự Diệt khổ", biết như thật: "Ðây là Con đường đưa đến diệt khổ", biết như thật: "Ðây là những lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát" Ta đã biết: "Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Này Aggivessana, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Như vậy này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

 Này Aggivessana, Ta biết rằng khi Ta thuyết pháp cho đại chúng gồm hàng trăm người, mỗi người nghĩ như thế này về Ta: "Ðặc biệt cho ta, Sa-môn Gotama thuyết pháp". Này Aggivessana, chớ có hiểu như vậy. Khi Như Lai thuyết pháp cho đại chúng, thì đó chỉ vì mục đích giảng dạy. Và Ta, này Aggivessana, sau khi chấm dứt một buổi thuyết giảng như vậy, Ta an trú nội tâm, làm cho tịnh chỉ, làm cho nhất tâm, làm cho định tĩnh trên định tướng thứ nhất ấy, và như vậy Ta sống an trú, trường cửu, vĩnh viễn.

 

Đức Phật đã nêu lên một điểm là khi Ngài thuyết pháp cho đại chúng nhiều người đặc biệt hoan hỷ quy hướng nhưng đó không phải là điều khiến ngài vui mừng. Đấng Như Lai thuyết pháp chỉ với mục đích đơn thuần là khai thị chúng sanh rồi sau đó Ngài thể nhập vào vô tướng tâm định. (Chỉ có phàm phu mới vui thích với hơn thua của đàm luận, thuyết giáo).

 Trong bản dịch tiếng Việt có câu cuối “ Ta an trú nội tâm, làm cho tịnh chỉ, làm cho nhất tâm, làm cho định tĩnh trên định tướng thứ nhất ấy, và như vậy Ta sống an trú, trường cửu, vĩnh viễn. ”. Nguyên văn Phạn ngữ tasmiṃyeva purimasmiṃ samādhinimitte ajjhattameva cittaṃ saṇṭhapemi sannisādemi ekodiṃ karomi samādahāmi, yena sudaṃ niccakappaṃ viharāmī’”ti. Cụm từ niccakappaṃ viharāmī’ nên được dịch là “an trú liên tục không gián đoạn” hơn là “và như vậy Ta sống an trú, trường cửu, vĩnh viễn”.

 162. Phàm phu không khuấy động được tâm tư bậc thánh

 Saccaka nghĩ rằng có thể tìm ra khuyết điểm nơi Đức Phật khi hỏi rằng Ngài có nghỉ trưa và cho phép các đệ tử nghỉ trưa chăng. Khi Đức Phật trả lời vào những tháng thời tiết khắc nghiệt Ngài có cho phép nghỉ ngơi để nhẹ nhàng. Saccaka nắm ngay điểm nầy với lập luận “như vậy một số Sa-môn, Bà-la-môn gọi là an trú nơi si ám”. Đức Phật trả lời rằng nên hiểu thế nào si ám và không si ám. Rồi Ngài dạy về sự vô minh đối với thực trạng của đời sống và những hiểm nguy của lậu hoặc.

 -- Như vậy, Tôn giả Gotama thật đáng tin cậy, vì Ngài là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có cho phép ngủ ban ngày không?

 -- Này Aggivessana, Ta có cho phép, vào cuối tháng hạ, sau khi khất thực về, sau khi xếp áo Saṅgāṭi (đại y) thành bốn, chánh niệm tỉnh giác, Ta nằm xuống ngủ, nằm phía tay mặt. 

 -- Này Tôn giả Gotama, như vậy một số Sa-môn, Bà-la-môn gọi là an trú nơi si ám.

 -- Này Aggivessana, như vậy không phải là si ám hay không si ám. Này Aggivessana, như thế nào là si ám và như thế nào là không si ám? Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

 -- Thưa vâng, Tôn giả.

 Nigaṇṭhaputta Saccaka trả lời Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

 -- Ðối với ai, các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, những lậu hoặc liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai, vị ấy Ta gọi là còn si ám. Này Aggivessana, đối với ai các lậu hoặc đã được đoạn trừ, những lậu hoặc, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai, vị ấy Ta gọi là không si ám. Này Aggivessana, sự đoạn trừ lậu hoặc là không si ám. Này Aggivessana, đối với Như Lai, các lậu hoặc đã được đoạn trừ, những lậu hoặc liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai, chúng bị cắt tận gốc, được làm như cây ta-la bị chặt đầu, khiến cho không thể tái sanh, không thể sanh lại trong tương lai. Này Aggivessana, ví như cây ta-la bị chặt đứt đầu, không lớn lên; cũng vậy, này Aggivessana, đối với Như Lai, các lậu hoặc đã được đoạn trừ, những lậu hoặc liên hệ đến phiền não, sanh khởi hậu hữu, đáng sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai, chúng bị cắt tận gốc, được làm như cây ta-la bị chặt đầu, khiến cho không thể tái sanh, không thể sanh lại trong tương lai.

 Khi được nghe nói vậy, Nigaṇṭhaputta Saccaka bạch Thế Tôn:

 -- Thật kỳ diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Dầu cho Tôn giả Gotama bị chống đối một cách mỉa mai, dầu cho bị công kích với những lời lẽ buộc tội trong cuộc đối thoại, màu da Tôn giả vẫn sáng suốt, sắc mặt Tôn giả vẫn hoan hỷ, như một A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này Tôn giả Gotama, tôi xác nhận tôi cùng với Purana Kassapa biện luận, vị này khi bị tôi dùng lời nói chất vấn, liền tránh né với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, và tỏ lộ sự phẫn nộ, sân hận, tức tối. Còn Tôn giả Gotama, dầu bị chống đối một cách mỉa mai, dầu bị công kích với những lời lẽ buộc tội trong cuộc đối thoại, màu da Tôn giả vẫn sáng suốt, sắc mặt Tôn giả vẫn hoan hỷ như một A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này Tôn giả Gotama, tôi xác nhận tôi cùng với Makkhali Gosāla... Ajita Kesakambala... Pakudha Kaccāyana... Sanjaya Belatthiputta... cùng với Nigantha Nataputta biện luận, vị này khi bị tôi dùng lời nói chất vấn liền tránh né với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề và tỏ lộ sự phẫn nộ, sân hận và tức tối. Còn Tôn giả Gotama, dầu bị chống đối một cách mỉa mai, dầu bị công kích với những lời lẽ buộc tội, trong cuộc đối thoại, màu da Tôn giả vẫn sáng suốt, sắc mặt Tôn giả vẫn hoan hỷ như một A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Và này Tôn giả Gotama, chúng tôi nay phải đi, chúng tôi có nhiều công việc, có nhiều việc phải làm.

 -- Này Aggivessana, Ông hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.

 Rồi Nigaṇṭhaputta  Saccaka hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn giảng, từ chỗ ngồi đứng dậy và từ biệt. 

Saccaka trình bày rằng ông ấy từng đàm luận với hầu hết những giáo chủ danh tiếng. Khi bị chất vấn với những câu hỏi hóc búa, trịch thượng, vấn nạn thì tất cả đều có thái độ bực tức, phẫn nộ nhưng riêng với Đức Phật thì vẫn an nhiên với nét mặt tự tại. Theo sớ giải thì mặc dù lúc đó Saccaka chỉ là một người tín phục Đức Phật nhưng sau nầy sanh lại ở Tích Lan xuất gia trở thành một vị A la hán có tên Kāla Buddharakkhita

  

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu

Phân đoạn & chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng

-ooOoo-

 

Kinh Số 36 [tóm tắt]

Đại Kinh Saccaka

(Mahāsaccaka Sutta)

(M.i, 237)

 

Saccaka đến yết kiến đức Phật, đề cập đến tu tập về thân, tu tập về tâm, và nói ngoại đạo tu khổ hạnh, tu tập về thân và tâm, nhưng chỉ tu tập trong một thời gian rồi ăn uống các đồ ăn ngon trở lại. Đức Phật nói tu tập về thân như vậy không phải là tu tập trong Pháp và Luật của bậc Thánh. Rồi đức Phật giải thích thế nào là không tu tập về thân và tâm, thế nào là tu tập về thân và tâm. Rồi đức Phật kể lại kinh nghiệp tu hành của mình, tu tập về thân như thế nào, tu tập về tâm như thế nào, từ khi tu hành khổ hạnh cho đến chứng được vô thượng giác ngộ.

 

Cuối cùng Saccaka hỏi đức Phật có cho phép ngủ ban ngày không, và ngủ như vậy có phải là si ám không? Đức Phật trả lời có cho phép ngủ ban ngày nhưng như vậy không gọi là si ám. Khi nào còn lậu hoặc thời còn có si ám. Lậu hoặc đã đoạn trừ thời không còn si ám nữa.

 

Theo ngoại đạo, có kẻ tu tập về thân không tu tập về tâm, cảm thọ khổ thọ về thân, chân bị tê liệt, quả tim có thể tức bể, máu nóng có thể trào ra từ miệng, có thể bị điên cuồng loạn tâm. Người này tâm tùy thuộc thân, tâm bị thân điều khiển, vì tâm không được tu tập. Có người chuyên tu tập về tâm, không tu tập về thân, cảm thọ khổ thọ về tâm, chân bị tê liệt, quả tim tức bể, máu nóng có thể trào ra, có thể bị điên cuồng loạn tâm. Người này tùy thuộc tâm, thân bị tâm điều khiển, vì thân không tu tập. Các ngoại đạo tu các khổ hạnh, tu tập về thân, nhưng chỉ một thời gian, sau thời gian ấy lại ăn uống sung túc như trước.

 

Đức Phật giải thích về thân không tu tập, về tâm không tu tập rất sai khác. Kẻ vô văn phàm phu, khởi lên lạc thọ, liền tham đắm lạc thọ. Nếu lạc thọ bị diệt, khởi lên khổ thọ. Do cảm giác khổ thọ nên sầu muộn than khóc, đi đến bất tỉnh. Lạc thọ ấy khởi lên cho người ấy, xâm chiếm tâm và an trú, do thân không tu tập. Khổ thọ ấy khởi lên, xâm chiếm tâm và an trú, do tâm không tu tập. Còn bậc đa văn Thánh đệ tử cảm giác lạc thọ, không tham đắm lạc thọ. Khi lạc thọ diệt mất, khởi lên khổ thọ, cảm giác khổ thọ nhưng không có sầu muộn than khóc, rơi vào bất tỉnh. Lạc thọ khởi lên, không xâm chiếm tâm và an trú, vì thân có tu tập. Khổ thọ khởi lên, không xâm chiếm tâm và an trú, vì tâm có tu tập. Người nào hai phương diện có đầy đủ, được gọi là người có thân tu tập, có tâm tu tập.

 

Rồi đức Phật nói lên kinh nghiệm của Ngài về thân tu tập, tâm tu tập, từ khi Ngài xuất gia tuổi trẻ cho đến khi học đạo với Āḷārara Kālāma và Uddaka Rāmaputta, rồi Ngài đến Magadha, Uruvelā, bên bờ sông Ni-liên-thiền và bắt đầu tu tập. Ba ví dụ khởi lên cho đức Phật:

 

– Một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, đặt trong nước, không thể bén lửa đốt cháy được.

 

– Một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được đặt trên đất khô, cũng không thể bén lửa, đốt cháy được.

 

– Một khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, nếu đem cọ xát, có thể bén lửa, đốt cháy được.

 

Cũng vậy, những Sa-môn, Bà-la-môn sống không xả ly dục vọng về thân, dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, chưa được đoạn trừ, thời nếu có vị nào có cảm thọ những cảm giác đau nhói kịch liệt, chúng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng chánh đẳng giác. Và nếu không cảm thọ những cảm giác nhói đau kịch liệt, cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng chánh đẳng giác. Với những vị không xả ly các dục vọng về thân, các dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, nội tâm chưa khéo đoạn trừ, chưa được làm nhẹ bớt, nên các vị này dù cảm thọ hay không cảm thọ những cảm giác khổ đau kịch liệt, cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng chánh đẳng giác. Chỉ ai xả ly các dục vọng về thân, đoạn trừ các dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, nếu hạng người này thình lình cảm thọ những cảm giác nhói đau khốc liệt, các vị ấy có thể chứng được tri kiến, vô thượng chánh đẳng giác. Nếu không có cảm giác những khổ thọ khốc liệt, cũng có thể chứng được tri kiến, vô thượng chánh đẳng giác.

 

Sau khi nghĩ như vậy, Thế Tôn nghiến răng, dán chặt lưỡi trên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, đánh bại tâm, mồ hôi toát ra từ nách. Dù cho Ngài chú tâm tinh cần, tận lực, niệm không dao động, nhưng thân bị dao động, không có khinh an vì bị chi phối bởi sự tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, khổ thọ ấy khởi lên, được tồn tại, nhưng không xâm chiếm tâm.

 

Rồi Thế Tôn tu chỉ tức thiền, tức là nín thở bằng miệng, bằng lỗ mũi, bằng lỗ tai. Làm như vậy, có tiếng động kinh khủng vang qua lỗ tai, có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu, hay cảm bị đau đầu một cách kinh khủng, hay một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng hay một sức nóng kinh khủng khởi lên. Dù cho Thế Tôn có tinh tấn tận lực, niệm không dao động, nhưng thân vẫn bị kích động không có khinh an, vì bị chi phối bởi sự tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy khổ thọ ấy khởi lên, an trú nhưng không xâm chiếm tâm.

 

Rồi đức Phật tuyệt thực nhưng không thực hành được vì chư Thiên sẽ đổ các món ăn ngang qua lỗ chân lông, nên đức Phật giảm thiểu sự ăn uống, ăn quá ít đến nỗi ốm o gầy mòn, da trở thành màu vàng sẫm.

 

Đến đây đức Phật mới biết con đường tu khổ hạnh không đưa đến giác ngộ. Ngài nhớ lại lúc còn trẻ, một trải nghiệm khi ngồi dưới gốc cây Diêm-phù-đề, Ngài chứng sơ thiền, khởi lên lạc thọ. Ngài suy nghĩ: Không đáng để sợ lạc thọ ấy, vì đây là một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện. Rồi Ngài dùng đồ ăn trở lại, tu và chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, các trạng thái hỷ lạc, lạc thọ khởi lên, có tồn tại nhưng không xâm chiếm tâm.

 

Rồi đức Phật chuyển qua tu tuệ, chứng được túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh, thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, chứng được quả A-la-hán. Rồi đức Phật thuyết pháp cho Đại chúng hàng trăm người, mỗi người nghĩ rằng: “Như Lai thuyết pháp cho ta”. Thật sự Như Lai thuyết pháp chỉ có mục đích giảng dạy.

 

Cuối cùng Saccaka tán thán đức Phật, dù cho bị chống đối, bị mỉa mai, màu da Như Lai vẫn sáng suốt, sắc mặt Như Lai vẫn hoan hỷ, như một vị A-la-hán chánh đẳng giác. Còn các ngoại đạo sư khác, trong khi bị chất vấn liền tránh né vấn đề, tỏ lộ phẫn nộ bất mãn.

 

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

-ooOoo-

Kinh Số 36 [dàn ý]

Đại Kinh Saccaka

(Mahāsaccaka Sutta)

(M.i, 237)

 

A. Duyên khởi:

 

Thế Tôn trú tại Đại Lâm trùng các giảng đường và Saccaka cùng đến tại chỗ ấy. Tôn giả nanda yêu cầu Thế Tôn có cuộc đàm luận với Saccaka vì vị này hay chỉ trích Phật, Pháp, Tăng. Thế Tôn nhận lời và cuộc đàm luận bắt đầu.

 

B. Chánh kinh:

 

I. Saccaka trình bày về thân tu tập và tâm tu tập của ngoại đạo và giải thích về thân tu tập.

 

II. Thế Tôn giải thích về thân không tu tập, tâm không tu tập, thân tu tập và tâm tu tập trong pháp luật của bậc Thánh.

 

III. Kinh nghiệm về thân tu tập và tâm tu tập của Sa-môn Gotama:

 

1. Xuất gia.

 

2. Cầu đạo học đạo.

 

3. Ba ví dụ.

 

4. Tu khổ hạnh.

 

a. Nghiến răng chế ngự tâm.

 

b. Chỉ tức thiền I, II, III, IV, V.

 

c. Tuyệt thực, giảm thiểu ăn uống.

 

d. Ý thức được khổ hạnh không phải con đường giải thoát.

 

5. Ăn uống lại, tu bốn thiền.

 

6. Chứng được 3 minh, thành đạo.

 

IV. Thế Tôn giải thích thách thức của Saccaka: ngủ ban ngày không phải là còn si ám đối với vị đã đoạn trừ lậu hoặc.

 

V. Saccaka tán thán Thế Tôn, trong khi biện luận, không có nổi nóng như các ngoại đạo sư.

 

C. Kết luận:

 

Saccaka hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn giảng.

 

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

-ooOoo-

 

Kinh Số 36 [toát yếu]

Đại Kinh Saccaka

(Mahāsaccaka Sutta)

(M.I, 237)

 

I. TOÁT YẾU

 

Mahāsaccaka Sutta - The greater discourse to Saccaka.

 

The Buddha meets again with Saccaka and in the course of a discussion on development of body and development of mind he relates a detailed narrative on his own spiritual quest.

 

Bản kinh dài giảng cho Saccaka.

 

Phật lại gặp Saccaka và trong một cuộc thảo luận về thân tu tập và tâm tu tập, Ngài thuật lại chi tiết về cuộc tầm đạo của chính mình.

 

 

 

II. TÓM TẮT

 

Ni-kiền Tử Saccaka cho rằng những người tu tập về thân bị đau đớn về thân, và tâm cũng trở nên điên loạn, vì tâm không được tu tập. Ngược lại có người tu tập về tâm mà không tu tập thân, cũng cảm thọ thống khổ, tâm cuồng vì thân không được tu tập. Và ông ta nghĩ chắc chắn đệ tử

 

Phật thuộc hạng thứ hai, nghĩa là chỉ tu tâm, không tu thân.

 

Phật hỏi ông nghĩ thế nào là tu thân, ông đáp đó là các kiểu ép xác của lõa thể ngoại đạo, tiết chế ăn uống trong thời gian tu tập. Phật hỏi sau đó thì sao, Ni-kiền Tử đáp sau đó họ lại ăn đủ thứ béo bổ để lấy lại sức.Phậtdạynhư vậy là họ trở lại với những gì họ từ bỏ, thì có tu cũng như không. Phật lại hỏi tu tâm là thế nào, Saccaka không đáp được.

 

Do đó Phật giảng cho nghe thế nào là tu thân và tu tâm trong giới luật bậc thánh:

 

Khi lạc thọ khởi lên vị thánh đệ tử không tham đắm, theo đuổi lạc ấy. Khi lạc thọ chấm dứt, khổ thọ khởi lên, vị thánh đệ tử không sầu muộn than khóc.

 

Vị ấy không bị lạc thọ chi phối, vì có tu tập về thân.

 

Vị ấy không bị khổ thọ chi phối, vì có tu tập về tâm.

 

Khi ấy Saccaka hỏi Phật: có bao giờ lạc thọ khởi lên xâm chiếm tâm Ngài, có bao giờ khổ thọ khởi lên xâm chiếm tâm Ngài không.

 

 

Để trả lời, Phật kể lại, sau khi thoát ly gia đình, Ngài nhận thấy nếu không xả ly các dục về thân mà tu khổ hạnh, thì cũng vô ích như cọ xát một khúc cây còn ướt để lấy lửa. Do đó Ngài từ bỏ các dục, khởi sự tu khổ hạnh. Ngài cảm thọ những khổ thọ khốc liệt, nhưng khổ thọ ấy không chi phối được tâm Ngài. Tuy vậy, vì khổ hạnh đã không giúp Ngài chứng được pháp thượng nhân, nên Ngài nhớ lại một kinh nghiệm thiền lạc mà Ngài đã nếm trải lúc còn thơ ấu. Ngài khởi sự nghĩ không phải tất cả lạc thọ đều đáng sợ, mà còn có thứ lạc thọ vô hại này, đó là lạc thọ ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú các thiền... Nhưng không thể nào chứng được các lạc thọ ấy với một thân thể gầy yếu. Và từ đấy Ngài ăn uống trở lại để tham thiền, và đã đắc đạo. Như vậy lạc thọ của các thiền chứng đã khởi lên nơi Ngài nhưng Ngài không bị lạc thọ ấy chi phối.

 

Saccaka hỏi: Ngài có cho phép ngủ ngày không ? Phật dạy có, mỗi khi khất thực về, cảm thấy mệt mỏi, Ngài cũng đặt lưng xuống ngủ trong chánh niệm tỉnh giác.

 

Saccaka bảo: Như vậy là Ngài còn trú trong si ám. Phật dạy, si ám là chưa đoạn trừ lậu hoặc, còn những phiền não đưa đến sinh, già, chết trong tương lai.

 

Saccaka khen Phật dù bị chất vấn công kích mặt vẫn không biến sắc như các đạo sư khác. Rồi ông cáo từ.

 

III. CHÚ GIẢI

 

Theo Luận giải, lần này Saccaka đến gặp Phật với ý định bài bác giáo lý của Ngài, vì lần trước [kinh số 35] đã bị thất bại. Nhưng lần này ông đi một mình, để rủi có bị luận bại cũng không ai biết. Ông định bài báng Phật với câu hỏi về chuyện ngủ ngày, nhưng để dành câu hỏi ấy cho đến đoạn cuối cuộc đàm luận.

 

Thân tu tập theo Saccaka, là thực hành ép xác khổ hạnh. Vì không thấy các tỳ kheo của Phật tu khổ hạnh, ông nghĩ họ không tu thân.

 

Nhưng theo Luận, tu thân trong Phật giáo là thiền quán, còn tu tâm là thiền tịnh chỉ. Khi thánh đệ tử cảm thọ lạc, vị ấy không bị xâm chiếm bởi lạc thọ ấy, vì nhờ tuệ quán, vị ấy biết cảm thọ là vô thường, khổ, không thực chất. Khi cảm thọ khổ, tâm vị ấy cũng không bị khổ thọ xâm chiếm, vì nhờ tu tập định, vị ấy có thể thoát khỏi khổ thọ bằng cách nhập vào một định chứng.

 

Theo Luận giải, Phật gặp Saccaka đến hai lần và chịu khó đàm luận với ông ta mặc dù ông không quy thuận, vì Ngài biết trước ông ta sẽ tái sinh tại Tích lan, nơi đây ông sẽ thành vị A-la-hán với tên Hắc Phật Hộ [Kàla Buddharakkhita].

 

IV. PHÁP SỐ

 

Ba lậu, ba minh, bốn thiền, bốn sự thật.

 

 

 

V. KỆ TỤNG

 

1. Ni-kiền Tử cho rằng ép xác là tu thân

 

Sacca nêu vấn đề
Tu thân và tu tâm

Cho rằng đệ tử Phật

Không tu tập về thân

Vì không có khổ hạnh.

Phật giải thích rõ ràng
Về tu thân, tu tâm
Trong giới luật bậc Thánh.

 

2. Tu thân và tu tâm theo Phật giáo

Khi lạc thọ khởi lên
Không đam mê cuồng nhiệt

Như vậy thánh đệ tử
Gọi là có tu thân
Khi lạc dứt, khổ sinh
Tâm không bị điên đảo
Vị thánh đệ tử ấy
Được gọi có tu tâm.

 

3. Khổ, lạc khởi lên nhưng không chi phối tâm Phật

 

Phật cho biết xưa kia
Ngài từng tu khổ hạnh

Những khổ thọ chết người

Không khiến Ngài nao núng

Nhưng thể xác gầy mòn
Mà không đạt tri kiến
Xứng đáng bậc thượng nhân

 

Ngài từ bỏ khổ hạnh.

Ngài nhớ thuở ấu thời

Đã nếm qua thiền lạc

Một cảm thọ vô hại
Có thể đây con đường

Dẫn Ngài đến giác ngộ

Can gì phải từ bỏ ?

Bởi vậy Ngài ăn uống

Để lấy sức tu thiền.

Ngài chứng thiền thứ nhất

Hỷ lạc ly dục sinh
Tâm không bị chi phối

Ngài chứng thiền thứ hai

Tâm không hề thay đổi

Cho đến thiền thứ tư
Được xả niệm thanh tịnh

Tâm Ngài vẫn như như.

Hướng đến túc mạng minh

Nhớ nhiều đời quá khứ

Như vậy lạc thọ sinh

Ngài hướng Sinh tử trí
Thấy sống chết chúng sinh

Lạc thọ cũng khởi lên
Tâm Ngài không chướng ngại

Hướng đến trí Lậu tận
Hoàn toàn hết lỗi lầm.

 

4. Ni-kiền Tử bác chuyện ngủ ngày

 

Khi ấy Ni-kiền Tử
Hỏi trong giáo lý

Ngài Có cho phép ngủ ngày ?

Nếu có, còn si ám.

- Trong giáo pháp Như Lai

Ai lậu hoặc chưa trừ

Còn già chết tương lai

Mới gọi là si ám.

Lành thay Go-ta-ma

Dầu bị tôi công kích

Sắc mặt vẫn hoan hỷ

Vẫn không đổi màu da.

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu

Tóm tắt & chú giải: Thích Nữ Trí Hải

-ooOoo-

 

36. Mahāsaccakasuttaṃ [Mūla]

 

364. Evaṃ   me sutaṃ : ekaṃ samayaṃ Bhagavā vesāliyaṃ viharati mahāvane kūṭāgārasālāyaṃ. Tena kho pana samayena Bhagavā pubbaṇhasamayaṃ sunivattho hoti pattacīvaramādāya vesāliṃ piṇḍāya pavisitukāmo [pubbaṇhasamayaṃ nivāsetvā pattacīvaramādāya... pavisitukāmo hoti (sī.)]. Atha kho saccako nigaṇṭhaputto jaṅghāvihāraṃ anucaṅkamamāno anuvicaramāno yena mahāvanaṃ kūṭāgārasālā tenupasaṅkami. Addasā kho āyasmā ānando saccakaṃ nigaṇṭhaputtaṃ dūratova āgacchantaṃ. Disvāna bhagavantaṃ etadavoca : ''ayaṃ, bhante, saccako  nigaṇṭhaputto āgacchati bhassappavādako paṇḍitavādo sādhusammato bahujanassa. Eso kho, bhante, avaṇṇakāmo buddhassa, avaṇṇakāmo dhammassa, avaṇṇakāmo saṅghassa. Sādhu, bhante, Bhagavā muhuttaṃ nisīdatu anukampaṃ upādāyāti. Nisīdi Bhagavā paññatte āsane. Atha kho saccako nigaṇṭhaputto yena Bhagavā tenupasaṅkami upasaṅkamitvā bhagavatā saddhiṃ sammodi, sammodanīyaṃ kathaṃ sāraṇīyaṃ vītisāretvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinno kho saccako nigaṇṭhaputto bhagavantaṃ etadavoca :

 

365. ''Santi, bho gotama, eke samaṇabrāhmaṇā kāyabhāvanānuyogamanuyuttā viharanti, no cittabhāvanaṃ. Phusanti hi te, bho gotama, sārīrikaṃ dukkhaṃ vedanaṃ. Bhūtapubbaṃ, bho gotama, sārīrikāya dukkhāya vedanāya phuṭṭhassa sato ūrukkhambhopi nāma bhavissati, hadayampi nāma  phalissati, uṇhampi lohitaṃ mukhato uggamissati, ummādampi pāpuṇissati [pāpuṇissanti (syā. kaṃ.)] cittakkhepaṃ. Tassa kho etaṃ, bho gotama, kāyanvayaṃ cittaṃ hoti, kāyassa vasena vattati. Taṃ kissa hetu? abhāvitattā  cittassa. Santi pana, bho gotama, eke samaṇabrāhmaṇā cittabhāvanānuyogamanuyuttā viharanti, no kāyabhāvanaṃ. Phusanti hi te, bho gotama, cetasikaṃ dukkhaṃ vedanaṃ. Bhūtapubbaṃ, bho gotama, cetasikāya dukkhāya vedanāya phuṭṭhassa sato ūrukkhambhopi nāma bhavissati, hadayampi nāma phalissati, uṇhampi lohitaṃ mukhato uggamissati, ummādampi pāpuṇissati cittakkhepaṃ. Tassa kho eso, bho gotama, cittanvayo kāyo hoti, cittassa vasena vattati. Taṃ kissa hetu? abhāvitattā kāyassa . Tassa mayhaṃ, bho gotama, evaṃ hoti : 'addhā bhoto gotamassa sāvakā cittabhāvanānuyogamanuyuttā viharanti, no kāyabhāvananti.

366. ''Kinti pana te, aggivessana, kāyabhāvanā sutāti? ''seyyathidaṃ : nando vaccho, kiso saṃkicco, makkhali gosālo : etehi, bho gotama, acelakā muttācārā hatthāpalekhanā naehibhaddantikā natiṭṭhabhaddantikā [naehibhadantikā, natiṭṭhabhadantikā (sī. syā. kaṃ. pī. ka.)] na abhihaṭaṃ na uddissakataṃ na nimantanaṃ sādiyanti, te na kumbhimukhā  paṭiggaṇhanti na kaḷopimukhā paṭiggaṇhanti na eḷakamantaraṃ na daṇḍamantaraṃ na musalamantaraṃ na dvinnaṃ bhuñjamānānaṃ na gabbhiniyā na pāyamānāya na purisantaragatāya na saṅkittīsu na yattha sā upaṭṭhito hoti na yattha makkhikā saṇḍasaṇḍacārinī , na macchaṃ na maṃsaṃ na suraṃ na merayaṃ na thusodakaṃ pivanti. Te ekāgārikā vā honti ekālopikā, dvāgārikā vā honti dvālopikā - pe - sattāgārikā vā honti sattālopikā. Ekissāpi dattiyā yāpenti, dvīhipi dattīhi yāpenti - pe - sattahipi dattīhi yāpenti. Ekāhikampi āhāraṃ āhārenti, dvīhikampi āhāraṃ āhārenti - pe - sattāhikampi āhāraṃ āhārenti. Iti evarūpaṃ addhamāsikampi pariyāyabhattabhojanānuyogamanuyuttā viharantīti. ''Kiṃ pana te, aggivessana, tāvatakeneva yāpentīti? ''no hidaṃ, bho gotama. Appekadā, bho gotama, uḷārāni uḷārāni khādanīyāni khādanti, uḷārāni uḷārāni bhojanāni bhuñjanti, uḷārāni uḷārāni sāyanīyāni sāyanti, uḷārāni uḷārāni pānāni pivanti. Te imaṃ kāyaṃ balaṃ gāhenti nāma, brūhenti nāma, medenti nāmāti. ''Yaṃ kho te, aggivessana, purimaṃ pahāya pacchā upacinanti, evaṃ imassa kāyassa ācayāpacayo hoti. Kinti pana te, aggivessana, cittabhāvanā sutāti? cittabhāvanāya kho  saccako nigaṇṭhaputto bhagavatā puṭṭho samāno na sampāyāsi.

 

367. Atha kho Bhagavā saccakaṃ nigaṇṭhaputtaṃ etadavoca : ''yāpi kho te esā, aggivessana, purimā kāyabhāvanā bhāsitā sāpi ariyassa vinaye no dhammikā kāyabhāvanā. Kāyabhāvanampi [kāyabhāvanaṃ hi (sī. pī. ka.)] kho tvaṃ, aggivessana, na aññāsi, kuto pana tvaṃ cittabhāvanaṃ  jānissasi ? api ca, aggivessana, yathā abhāvitakāyo ca hoti abhāvitacitto ca, bhāvitakāyo ca hoti bhāvitacitto ca. Taṃ suṇāhi, sādhukaṃ manasi karohi, bhāsissāmīti. ''Evaṃ, bhoti kho saccako nigaṇṭhaputto bhagavato paccassosi. Bhagavā etadavoca :

368. ''Kathañca , aggivessana, abhāvitakāyo ca hoti abhāvitacitto ca? idha, aggivessana, assutavato puthujjanassa uppajjati sukhā vedanā. So sukhāya vedanāya phuṭṭho samāno sukhasārāgī ca hoti sukhasārāgitañca āpajjati. Tassa sā sukhā vedanā nirujjhati. Sukhāya vedanāya nirodhā uppajjati dukkhā vedanā. So dukkhāya vedanāya phuṭṭho samāno socati kilamati paridevati urattāḷiṃ kandati sammohaṃ āpajjati. Tassa kho esā, aggivessana, uppannāpi sukhā vedanā cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati abhāvitattā kāyassa, uppannāpi dukkhā vedanā cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati abhāvitattā cittassa. Yassa kassaci, aggivessana, evaṃ ubhatopakkhaṃ uppannāpi sukhā vedanā cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati abhāvitattā kāyassa, uppannāpi dukkhā vedanā cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati abhāvitattā cittassa, evaṃ kho, aggivessana, abhāvitakāyo ca hoti abhāvitacitto ca.

369. ''Kathañca, aggivessana, bhāvitakāyo ca hoti bhāvitacitto ca? idha, aggivessana, sutavato ariyasāvakassa uppajjati sukhā vedanā. So sukhāya vedanāya phuṭṭho samāno na sukhasārāgī  ca hoti, na sukhasārāgitañca āpajjati. Tassa sā sukhā vedanā nirujjhati. Sukhāya vedanāya nirodhā uppajjati dukkhā vedanā. So dukkhāya vedanāya phuṭṭho samāno na socati na kilamati na paridevati na urattāḷiṃ kandati na sammohaṃ āpajjati. Tassa kho esā, aggivessana, uppannāpi sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati bhāvitattā kāyassa, uppannāpi dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati bhāvitattā cittassa. Yassa kassaci, aggivessana, evaṃ ubhatopakkhaṃ uppannāpi sukhā vedanā cittaṃ  na pariyādāya tiṭṭhati bhāvitattā kāyassa, uppannāpi dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati bhāvitattā cittassa. Evaṃ kho, aggivessana, bhāvitakāyo ca hoti bhāvitacitto cāti.

 

370. ''Evaṃ pasanno ahaṃ bhoto gotamassa! bhavañhi gotamo bhāvitakāyo ca hoti bhāvitacitto cāti . ''Addhā kho te ayaṃ, aggivessana, āsajja upanīya vācā bhāsitā, api ca te ahaṃ byākarissāmi . Yato kho ahaṃ, aggivessana, kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajito, taṃ vata me uppannā vā sukhā vedanā cittaṃ pariyādāya ṭhassati, uppannā vā dukkhā vedanā cittaṃ pariyādāya ṭhassatīti netaṃ ṭhānaṃ [netaṃ khoṭhānaṃ (sī. pī.)] vijjatīti. ''Na hi nūna [na hanūna (sī. syā. kaṃ. pī.)] bhoto gotamassa uppajjati tathārūpā sukhā vedanā yathārūpā uppannā sukhā vedanā cittaṃ pariyādāya tiṭṭheyya na hi nūna bhoto gotamassa uppajjati  tathārūpā dukkhā vedanā yathārūpā uppannā dukkhā vedanā cittaṃ pariyādāya tiṭṭheyyāti.

 

371. ''Kiñhi no siyā, aggivessana? idha me, aggivessana, pubbeva sambodhā anabhisambuddhassa bodhisattasseva sato etadahosi : 'sambādho gharāvāso rajāpatho, abbhokāso pabbajjā. Nayidaṃ sukaraṃ agāraṃ ajjhāvasatā ekantaparipuṇṇaṃ ekantaparisuddhaṃ saṅkhalikhitaṃ brahmacariyaṃ carituṃ. Yaṃnūnāhaṃ kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajeyyanti. So kho ahaṃ, aggivessana, aparena samayena daharova samāno, susukāḷakeso bhadrena yobbanena samannāgato paṭhamena vayasā, akāmakānaṃ mātāpitūnaṃ assumukhānaṃ rudantānaṃ, kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajiṃ. So evaṃ pabbajito samāno kiṃkusalagavesī anuttaraṃ santivarapadaṃ pariyesamāno yena āḷāro kālāmo tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā āḷāraṃ kālāmaṃ etadavocaṃ : 'icchāmahaṃ, āvuso kālāma, imasmiṃ dhammavinaye brahmacariyaṃ caritunti. Evaṃ vutte, aggivessana, āḷāro kālāmo maṃ etadavoca : 'viharatāyasmā, tādiso ayaṃ dhammo yattha viññū puriso nacirasseva sakaṃ ācariyakaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyyāti. So kho ahaṃ, aggivessana, nacirasseva khippameva taṃ dhammaṃ pariyāpuṇiṃ. So kho ahaṃ, aggivessana, tāvatakeneva oṭṭhapahatamattena lapitalāpanamattena ñāṇavādañca  vadāmi theravādañca, 'jānāmi passāmīti ca paṭijānāmi, ahañceva aññe ca. Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'na kho āḷāro kālāmo imaṃ dhammaṃ kevalaṃ saddhāmattakena sayaṃ abhiññā  sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedeti, addhā āḷāro kālāmo imaṃ dhammaṃ jānaṃ passaṃ viharatīti. ''Atha khvāhaṃ, aggivessana, yena āḷāro kālāmo tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā āḷāraṃ  kālāmaṃ etadavocaṃ : 'kittāvatā no, āvuso kālāma, imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesīti? evaṃ vutte, aggivessana, āḷāro kālāmo ākiñcaññāyatanaṃ pavedesi. Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'na kho āḷārasseva kālāmassa atthi saddhā, mayhaṃpatthi saddhā na kho āḷārasseva kālāmassa atthi vīriyaṃ, mayhaṃpatthi vīriyaṃ na kho āḷārasseva kālāmassa atthi sati, mayhaṃpatthi sati na kho āḷārasseva kālāmassa atthi samādhi, mayhaṃpatthi samādhi na kho āḷārasseva kālāmassa atthi paññā, mayhaṃpatthi paññā yaṃnūnāhaṃ yaṃ dhammaṃ āḷāro kālāmo sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedeti tassa dhammassa sacchikiriyāya padaheyyanti. So kho ahaṃ, aggivessana, nacirasseva khippameva taṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihāsiṃ.

 

''Atha khvāhaṃ, aggivessana, yena āḷāro kālāmo tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā āḷāraṃ kālāmaṃ etadavocaṃ : 'ettāvatā no, āvuso kālāma , imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesīti? 'ettāvatā kho ahaṃ, āvuso, imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedemīti. 'Ahampi kho, āvuso, ettāvatā imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti. 'Lābhā no, āvuso, suladdhaṃ no, āvuso, ye mayaṃ āyasmantaṃ tādisaṃ sabrahmacāriṃ passāma. Iti yāhaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedemi taṃ tvaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi yaṃ tvaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi tamahaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedemi. Iti yāhaṃ dhammaṃ jānāmi taṃ tvaṃ dhammaṃ jānāsi yaṃ tvaṃ dhammaṃ jānāsi tamahaṃ dhammaṃ jānāmi. Iti yādiso ahaṃ tādiso tuvaṃ, yādiso tuvaṃ tādiso ahaṃ. Ehi dāni, āvuso, ubhova santā imaṃ gaṇaṃ pariharāmāti. Iti  kho, aggivessana, āḷāro kālāmo ācariyo me samāno (attano) [( ) natthi (sī. pī.)] antevāsiṃ maṃ samānaṃ attanā samasamaṃ ṭhapesi, uḷārāya ca maṃ pūjāya pūjesi. Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'nāyaṃ dhammo nibbidāya na virāgāya na nirodhāya na upasamāya na abhiññāya na sambodhāya na nibbānāya saṃvattati, yāvadeva ākiñcaññāyatanūpapattiyāti. So kho ahaṃ, aggivessana, taṃ dhammaṃ analaṅkaritvā tasmā dhammā nibbijja apakkamiṃ.

 

372. ''So kho ahaṃ, aggivessana, kiṃkusalagavesī anuttaraṃ santivarapadaṃ  pariyesamāno  yena udako rāmaputto tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā udakaṃ rāmaputtaṃ etadavocaṃ : 'icchāmahaṃ, āvuso [passa mAnguttara Nikāye 1.278 pāsarāsisutte] imasmiṃ dhammavinaye brahmacariyaṃ caritunti. Evaṃ vutte, aggivessana, udako rāmaputto maṃ etadavoca : 'viharatāyasmā, tādiso ayaṃ dhammo yattha viññū puriso nacirasseva sakaṃ ācariyakaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyyāti. So kho ahaṃ, aggivessana, nacirasseva khippameva taṃ dhammaṃ pariyāpuṇiṃ. So kho ahaṃ, aggivessana, tāvatakeneva oṭṭhapahatamattena lapitalāpanamattena ñāṇavādañca vadāmi theravādañca, 'jānāmi passāmīti ca paṭijānāmi, ahañceva aññe ca. Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'na kho rāmo imaṃ dhammaṃ kevalaṃ saddhāmattakena sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesi. Addhā rāmo imaṃ dhammaṃ jānaṃ passaṃ vihāsīti. Atha khvāhaṃ, aggivessana, yena udako rāmaputto tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā udakaṃ rāmaputtaṃ etadavocaṃ : 'kittāvatā no, āvuso rāmo, imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesīti? evaṃ vutte, aggivessana, udako rāmaputto nevasaññānāsaññāyatanaṃ pavedesi. Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'na kho rāmasseva ahosi saddhā, mayhaṃpatthi saddhā na kho rāmasseva ahosi vīriyaṃ, mayhaṃpatthi vīriyaṃ na kho rāmasseva ahosi sati, mayhaṃpatthi sati na kho rāmasseva ahosi samādhi, mayhaṃpatthi  samādhi na kho rāmasseva ahosi paññā, mayhaṃpatthi paññā yaṃnūnāhaṃ yaṃ dhammaṃ rāmo sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesi tassa dhammassa sacchikiriyāya  padaheyyanti. So kho ahaṃ, aggivessana, nacirasseva khippameva taṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihāsiṃ. ''Atha khvāhaṃ, aggivessana, yena udako rāmaputto tenupasaṅkamiṃ upasaṅkamitvā udakaṃ rāmaputtaṃ etadavocaṃ : 'ettāvatā no, āvuso, rāmo imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesīti? 'ettāvatā kho, āvuso, rāmo imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesīti. 'Ahampi kho, āvuso, ettāvatā imaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti. 'Lābhā no, āvuso, suladdhaṃ no, āvuso, ye mayaṃ āyasmantaṃ tādisaṃ sabrahmacāriṃ passāma. Iti yaṃ dhammaṃ rāmo sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesi, taṃ tvaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi yaṃ tvaṃ dhammaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi, taṃ dhammaṃ rāmo sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesi. Iti yaṃ dhammaṃ rāmo abhiññāsi taṃ tvaṃ dhammaṃ jānāsi yaṃ tvaṃ dhammaṃ jānāsi taṃ dhammaṃ rāmo abhiññāsi. Iti  yādiso rāmo ahosi tādiso tuvaṃ yādiso tuvaṃ tādiso rāmo ahosi. Ehi dāni, āvuso, tuvaṃ imaṃ gaṇaṃ pariharāti. Iti kho, aggivessana, udako  rāmaputto sabrahmacārī me samāno ācariyaṭṭhāne ca maṃ ṭhapesi, uḷārāya ca maṃ pūjāya pūjesi. Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'nāyaṃ dhammo nibbidāya na virāgāya na nirodhāya na upasamāya na abhiññāya na sambodhāya na nibbānāya saṃvattati, yāvadeva nevasaññānāsaññāyatanūpapattiyāti. So kho ahaṃ, aggivessana, taṃ dhammaṃ analaṅkaritvā tasmā dhammā nibbijja apakkamiṃ.

 

373. ''So kho ahaṃ, aggivessana, kiṃkusalagavesī anuttaraṃ santivarapadaṃ pariyesamāno magadhesu anupubbena cārikaṃ caramāno yena uruvelā senānigamo tadavasariṃ. Tatthaddasaṃ ramaṇīyaṃ bhūmibhāgaṃ, pāsādikañca vanasaṇḍaṃ, nadiñca sandantiṃ setakaṃ supatitthaṃ ramaṇīyaṃ, samantā ca gocaragāmaṃ. Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'ramaṇīyo vata, bho, bhūmibhāgo, pāsādiko ca vanasaṇḍo, nadī ca sandati setakā supatitthā ramaṇīyā, samantā ca gocaragāmo. Alaṃ vatidaṃ kulaputtassa padhānatthikassa  padhānāyāti. So kho ahaṃ, aggivessana, tattheva nisīdiṃ 'alamidaṃ padhānāyāti.

 

374. ''Apissumaṃ, aggivessana, tisso upamā paṭibhaṃsu anacchariyā pubbe assutapubbā. Seyyathāpi, aggivessana, allaṃ kaṭṭhaṃ sasnehaṃ udake nikkhittaṃ. Atha puriso āgaccheyya uttarāraṇiṃ ādāya : 'aggiṃ abhinibbattessāmi, tejo pātukarissāmīti. Taṃ kiṃ maññasi, aggivessana, api nu so puriso amuṃ allaṃ kaṭṭhaṃ sasnehaṃ, udake nikkhittaṃ , uttarāraṇiṃ ādāya abhimanthento aggiṃ abhinibbatteyya, tejo pātukareyyāti? ''no hidaṃ, bho gotama. ''Taṃ kissa hetu? ''aduñhi, bho gotama, allaṃ kaṭṭhaṃ sasnehaṃ, tañca pana udake  nikkhittaṃ. Yāvadeva ca pana so puriso kilamathassa vighātassa bhāgī assāti. ''Evameva kho, aggivessana, ye hi keci samaṇā vā brāhmaṇā vā kāyena ceva cittena ca kāmehi avūpakaṭṭhā viharanti, yo ca nesaṃ kāmesu kāmacchando kāmasneho kāmamucchā kāmapipāsā kāmapariḷāho, so ca ajjhattaṃ na suppahīno hoti, na suppaṭippassaddho, opakkamikā cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, abhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. No cepi te bhonto  samaṇabrāhmaṇā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, abhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. Ayaṃ kho maṃ, aggivessana, paṭhamā upamā paṭibhāsi anacchariyā pubbe assutapubbā.

375. ''Aparāpi kho maṃ, aggivessana, dutiyā upamā paṭibhāsi anacchariyā pubbe assutapubbā. Seyyathāpi, aggivessana, allaṃ kaṭṭhaṃ sasnehaṃ, ārakā udakā thale nikkhittaṃ. Atha puriso āgaccheyya uttarāraṇiṃ ādāya : 'aggiṃ abhinibbattessāmi, tejo pātukarissāmīti. Taṃ kiṃ maññasi, aggivessana, api nu so puriso amuṃ allaṃ kaṭṭhaṃ sasnehaṃ, ārakā udakā thale nikkhittaṃ, uttarāraṇiṃ ādāya  abhimanthento aggiṃ abhinibbatteyya tejo pātukareyyāti? ''no hidaṃ, bho gotama. ''Taṃ kissa hetu? ''aduñhi, bho gotama, allaṃ kaṭṭhaṃ sasnehaṃ, kiñcāpi ārakā udakā thale nikkhittaṃ. Yāvadeva ca pana so puriso kilamathassa vighātassa  bhāgī assāti. Evameva kho, aggivessana, ye hi keci samaṇā vā brāhmaṇā vā kāyena ceva cittena ca kāmehi vūpakaṭṭhā viharanti, yo ca nesaṃ kāmesu kāmacchando kāmasneho kāmamucchā kāmapipāsā kāmapariḷāho so ca ajjhattaṃ na suppahīno hoti, na suppaṭippassaddho, opakkamikā cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, abhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. No cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, abhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. Ayaṃ kho maṃ, aggivessana, dutiyā upamā paṭibhāsi anacchariyā pubbe assutapubbā.

 

376. ''Aparāpi kho maṃ, aggivessana, tatiyā upamā paṭibhāsi anacchariyā  pubbe assutapubbā. Seyyathāpi, aggivessana, sukkhaṃ kaṭṭhaṃ koḷāpaṃ, ārakā udakā thale nikkhittaṃ. Atha puriso āgaccheyya uttarāraṇiṃ ādāya : 'aggiṃ abhinibbattessāmi, tejo pātukarissāmīti. Taṃ kiṃ maññasi, aggivessana, api nu so puriso amuṃ sukkhaṃ kaṭṭhaṃ koḷāpaṃ, ārakā udakā thale nikkhittaṃ, uttarāraṇiṃ ādāya  abhimanthento aggiṃ abhinibbatteyya, tejo pātukareyyāti? ''evaṃ, bho gotama. ''Taṃ kissa hetu? ''aduñhi, bho gotama, sukkhaṃ kaṭṭhaṃ koḷāpaṃ, tañca pana ārakā udakā thale nikkhittanti . ''Evameva kho, aggivessana, ye hi keci samaṇā vā brāhmaṇā vā kāyena ceva cittena ca kāmehi vūpakaṭṭhā viharanti, yo ca nesaṃ kāmesu kāmacchando kāmasneho kāmamucchā kāmapipāsā kāmapariḷāho, so ca ajjhattaṃ suppahīno hoti suppaṭippassaddho, opakkamikā cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, bhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. No cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, bhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. Ayaṃ kho maṃ, aggivessana, tatiyā upamā paṭibhāsi anacchariyā pubbe assutapubbā. Imā kho maṃ, aggivessana, tisso upamā paṭibhaṃsu anacchariyā pubbe assutapubbā.

 

377. ''Tassa  mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'yaṃnūnāhaṃ dantebhi dantamādhāya [passa mAnguttara Nikāye 1.221 vitakkasaṇṭhānasutte], jivhāya tāluṃ āhacca, cetasā cittaṃ abhiniggaṇheyyaṃ abhinippīḷeyyaṃ abhisantāpeyyanti. So kho ahaṃ, aggivessana, dantebhi dantamādhāya, jivhāya tāluṃ āhacca, cetasā cittaṃ abhiniggaṇhāmi abhinippīḷemi abhisantāpemi. Tassa mayhaṃ, aggivessana, dantebhi dantamādhāya jivhāya tāluṃ āhacca cetasā cittaṃ abhiniggaṇhato abhinippīḷayato  abhisantāpayato kacchehi sedā muccanti. Seyyathāpi, aggivessana, balavā puriso dubbalataraṃ purisaṃ sīse vā gahetvā khandhe vā gahetvā abhiniggaṇheyya abhinippīḷeyya abhisantāpeyya, evameva kho me, aggivessana, dantebhi dantamādhāya, jivhāya tāluṃ āhacca, cetasā cittaṃ abhiniggaṇhato abhinippīḷayato abhisantāpayato kacchehi sedā muccanti. Āraddhaṃ kho pana me, aggivessana, vīriyaṃ hoti asallīnaṃ, upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā, sāraddho ca pana me kāyo  hoti appaṭippassaddho teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati.

 

378. ''Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'yaṃnūnāhaṃ appāṇakaṃyeva jhānaṃ jhāyeyyanti. So kho ahaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca assāsapassāse uparundhiṃ. Tassa mayhaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca assāsapassāsesu uparuddhesu kaṇṇasotehi vātānaṃ nikkhamantānaṃ adhimatto saddo hoti. Seyyathāpi nāma kammāragaggariyā dhamamānāya adhimatto saddo hoti, evameva kho me, aggivessana, mukhato ca nāsato ca assāsapassāsesu  uparuddhesu kaṇṇasotehi vātānaṃ nikkhamantānaṃ adhimatto saddo hoti. Āraddhaṃ kho pana me, aggivessana, vīriyaṃ hoti asallīnaṃ upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā. Sāraddho ca pana me  kāyo hoti appaṭippassaddho teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati. ''Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'yaṃnūnāhaṃ appāṇakaṃyeva jhānaṃ jhāyeyyanti. So kho ahaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato  ca assāsapassāse uparundhiṃ. Tassa mayhaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā vātā muddhani ūhananti [ūhanti (sī.), ohananti (syā. kaṃ.), uhananti (ka.)]. Seyyathāpi, aggivessana, balavā puriso tiṇhena sikharena muddhani abhimattheyya [muddhānaṃ abhimantheyya (sī. pī.), muddhānaṃ abhimattheyya (syā. kaṃ.)], evameva kho me, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā vātā muddhani ūhananti. Āraddhaṃ kho pana me, aggivessana, vīriyaṃ hoti asallīnaṃ upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā. Sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati. ''Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'yaṃnūnāhaṃ appāṇakaṃyeva jhānaṃ jhāyeyyanti. So kho ahaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāse uparundhiṃ. Tassa mayhaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu  uparuddhesu adhimattā sīse sīsavedanā honti. Seyyathāpi, aggivessana, balavā puriso daḷhena  varattakkhaṇḍena [varattakabandhanena (sī.)] sīse sīsaveṭhaṃ dadeyya, evameva kho me, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā sīse sīsavedanā honti. Āraddhaṃ kho pana me, aggivessana, vīriyaṃ hoti asallīnaṃ upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā. Sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati. ''Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'yaṃnūnāhaṃ appāṇakaṃyeva jhānaṃ jhāyeyyanti. So kho ahaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāse uparundhiṃ. Tassa mayhaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā  vātā kucchiṃ parikantanti. Seyyathāpi, aggivessana, dakkho goghātako vā goghātakantevāsī vā tiṇhena  govikantanena kucchiṃ parikanteyya, evameva kho me, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā vātā kucchiṃ parikantanti. Āraddhaṃ kho pana me, aggivessana, vīriyaṃ hoti asallīnaṃ upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā. Sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho teneva dukkhappadhānena  padhānābhitunnassa sato. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati. ''Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'yaṃnūnāhaṃ appāṇakaṃyeva jhānaṃ jhāyeyyanti. So kho ahaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāse uparundhiṃ. Tassa mayhaṃ, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimatto kāyasmiṃ ḍāho hoti. Seyyathāpi, aggivessana, dve balavanto purisā dubbalataraṃ purisaṃ nānābāhāsu gahetvā aṅgārakāsuyā santāpeyyuṃ samparitāpeyyuṃ, evameva kho me, aggivessana, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimatto kāyasmiṃ ḍāho hoti. Āraddhaṃ kho pana me, aggivessana, vīriyaṃ hoti asallīnaṃ upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā. Sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati. Apissu maṃ, aggivessana, devatā  disvā evamāhaṃsu : 'kālaṅkato samaṇo gotamoti. Ekaccā devatā evamāhaṃsu : 'na kālaṅkato samaṇo gotamo, api ca kālaṅkarotīti. Ekaccā devatā evamāhaṃsu : 'na kālaṅkato samaṇo gotamo, napi kālaṅkaroti, arahaṃ samaṇo gotamo, vihārotveva so [vihārotveveso (sī.)] arahato evarūpo hotīti [vihārotveveso arahatoti (?)].

 

379. ''Tassa  mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'yaṃnūnāhaṃ sabbaso āhārupacchedāya paṭipajjeyyanti. Atha kho maṃ, aggivessana, devatā upasaṅkamitvā  etadavocuṃ : 'mā kho tvaṃ, mārisa, sabbaso āhārupacchedāya paṭipajji. Sace kho tvaṃ, mārisa, sabbaso āhārupacchedāya paṭipajjissasi, tassa te mayaṃ dibbaṃ ojaṃ lomakūpehi ajjhohāressāma [ajjhoharissāma (syā. kaṃ. pī. ka.)], tāya tvaṃ yāpessasīti. Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'ahañceva kho pana sabbaso ajajjitaṃ [ajaddhukaṃ (sī. pī.), jaddhukaṃ (syā. kaṃ.)] paṭijāneyyaṃ, imā ca me devatā dibbaṃ ojaṃ lomakūpehi ajjhohāreyyuṃ [ajjhohareyyuṃ (syā. kaṃ. pī. ka.)], tāya  cāhaṃ yāpeyyaṃ, taṃ mamassa musāti. So kho ahaṃ, aggivessana, tā devatā paccācikkhāmi, 'halanti vadāmi.

 

380. ''Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'yaṃnūnāhaṃ thokaṃ thokaṃ āhāraṃ āhāreyyaṃ, pasataṃ pasataṃ, yadi vā muggayūsaṃ, yadi vā kulatthayūsaṃ, yadi vā kaḷāyayūsaṃ, yadi vā hareṇukayūsanti. So kho ahaṃ, aggivessana, thokaṃ thokaṃ āhāraṃ āhāresiṃ, pasataṃ pasataṃ, yadi vā muggayūsaṃ, yadi vā kulatthayūsaṃ, yadi vā kaḷāyayūsaṃ, yadi vā hareṇukayūsaṃ. Tassa mayhaṃ, aggivessana, thokaṃ thokaṃ āhāraṃ āhārayato, pasataṃ pasataṃ, yadi vā muggayūsaṃ, yadi vā kulatthayūsaṃ, yadi vā kaḷāyayūsaṃ, yadi vā hareṇukayūsaṃ, adhimattakasimānaṃ patto kāyo hoti. Seyyathāpi nāma āsītikapabbāni vā kāḷapabbāni vā, evamevassu  me aṅgapaccaṅgāni bhavanti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma oṭṭhapadaṃ, evamevassu me ānisadaṃ hoti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma vaṭṭanāvaḷī, evamevassu me piṭṭhikaṇṭako uṇṇatāvanato hoti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma jarasālāya gopāṇasiyo oluggaviluggā bhavanti, evamevassu me phāsuḷiyo oluggaviluggā bhavanti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma gambhīre udapāne udakatārakā gambhīragatā okkhāyikā dissanti, evamevassu me akkhikūpesu akkhitārakā gambhīragatā okkhāyikā dissanti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma tittakālābu  āmakacchinno vātātapena saṃphuṭito hoti sammilāto, evamevassu me sīsacchavi saṃphuṭitā hoti sammilātā  tāyevappāhāratāya. ''So kho ahaṃ, aggivessana, udaracchaviṃ parimasissāmīti piṭṭhikaṇṭakaṃyeva pariggaṇhāmi, piṭṭhikaṇṭakaṃ parimasissāmīti udaracchaviṃyeva pariggaṇhāmi, yāvassu me, aggivessana, udaracchavi piṭṭhikaṇṭakaṃ allīnā hoti tāyevappāhāratāya. So kho ahaṃ, aggivessana, vaccaṃ vā muttaṃ vā karissāmīti tattheva avakujjo papatāmi tāyevappāhāratāya. So kho ahaṃ, aggivessana, imameva kāyaṃ assāsento pāṇinā gattāni anumajjāmi. Tassa mayhaṃ, aggivessana, pāṇinā gattāni anumajjato pūtimūlāni lomāni kāyasmā papatanti tāyevappāhāratāya. Apissu maṃ, aggivessana, manussā  disvā evamāhaṃsu : 'kāḷo samaṇo gotamoti. Ekacce manussā evamāhaṃsu : 'na kāḷo samaṇo gotamo, sāmo samaṇo gotamoti. Ekacce manussā evamāhaṃsu : 'na kāḷo samaṇo gotamo , napi sāmo, maṅguracchavi samaṇo gotamoti. Yāvassu me, aggivessana, tāva parisuddho chavivaṇṇo pariyodāto upahato hoti tāyevappāhāratāya.

 

381. ''Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'ye kho keci atītamaddhānaṃ samaṇā vā brāhmaṇā vā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayiṃsu, etāvaparamaṃ, nayito bhiyyo. Yepi hi keci anāgatamaddhānaṃ samaṇā vā brāhmaṇā vā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayissanti, etāvaparamaṃ, nayito bhiyyo. Yepi hi keci etarahi samaṇā vā brāhmaṇā vā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, etāvaparamaṃ, nayito bhiyyo. Na kho panāhaṃ imāya kaṭukāya dukkarakārikāya adhigacchāmi uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṃ. Siyā nu kho añño maggo bodhāyāti? tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'abhijānāmi kho panāhaṃ pitu sakkassa kammante sītāya jambucchāyāya nisinno vivicceva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharitā. Siyā nu kho eso maggo bodhāyāti? tassa mayhaṃ, aggivessana, satānusāri  viññāṇaṃ ahosi : 'eseva maggo bodhāyāti. Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'kiṃ nu kho ahaṃ  tassa sukhassa bhāyāmi, yaṃ taṃ sukhaṃ aññatreva kāmehi aññatra  akusalehi dhammehīti? tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'na kho ahaṃ tassa sukhassa bhāyāmi, yaṃ taṃ sukhaṃ aññatreva kāmehi aññatra akusalehi dhammehīti.

 

382. ''Tassa mayhaṃ, aggivessana, etadahosi : 'na kho taṃ sukaraṃ sukhaṃ adhigantuṃ evaṃ adhimattakasimānaṃ pattakāyena, yaṃnūnāhaṃ oḷārikaṃ āhāraṃ āhāreyyaṃ odanakummāsanti. So kho ahaṃ, aggivessana, oḷārikaṃ āhāraṃ āhāresiṃ odanakummāsaṃ. Tena kho pana maṃ, aggivessana, samayena pañca [pañcavaggiyā (aññasuttesu)] bhikkhū paccupaṭṭhitā honti : 'yaṃ kho samaṇo gotamo dhammaṃ adhigamissati, taṃ no ārocessatīti. Yato kho ahaṃ, aggivessana, oḷārikaṃ āhāraṃ āhāresiṃ odanakummāsaṃ, atha me te pañca bhikkhū nibbijja pakkamiṃsu : 'bāhulliko [bāhuliko (sī. pī.) saṃghabhedasikkhāpadaṭīkāya sameti] samaṇo gotamo, padhānavibbhanto, āvatto bāhullāyāti.

 

383. ''So  kho ahaṃ, aggivessana, oḷārikaṃ āhāraṃ āhāretvā, balaṃ gahetvā, vivicceva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja vihāsiṃ. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati. Vitakkavicārānaṃ vūpasamā ajjhattaṃ sampasādanaṃ cetaso ekodibhāvaṃ avitakkaṃ avicāraṃ samādhijaṃ pītisukhaṃ dutiyaṃ jhānaṃ upasampajja vihāsiṃ. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati. Pītiyā ca virāgā upekkhako ca vihāsiṃ, sato ca sampajāno. Sukhañca kāyena paṭisaṃvedesiṃ yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti : 'upekkhako satimā sukhavihārīti tatiyaṃ jhānaṃ  upasampajja vihāsiṃ. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati. Sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā, pubbeva somanassadomanassānaṃ atthaṅgamā, adukkhamasukhaṃ upekkhāsatipārisuddhiṃ catutthaṃ jhānaṃ upasampajja vihāsiṃ. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati.

 

384. ''So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte pubbenivāsānussatiñāṇāya  cittaṃ abhininnāmesiṃ. So anekavihitaṃ pubbenivāsaṃ anussarāmi , seyyathidaṃ : ekampi jātiṃ - pe - iti sākāraṃ sauddesaṃ anekavihitaṃ pubbenivāsaṃ anussarāmi. Ayaṃ kho me, aggivessana, rattiyā paṭhame yāme paṭhamā vijjā adhigatā avijjā vihatā, vijjā uppannā tamo vihato, āloko uppanno yathā taṃ appamattassa ātāpino pahitattassa viharato. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati.

 

385. ''So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte sattānaṃ cutūpapātañāṇāya cittaṃ abhininnāmesiṃ. So dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena satte passāmi cavamāne upapajjamāne hīne paṇīte suvaṇṇe dubbaṇṇe sugate duggate yathākammūpage satte pajānāmi - pe - ayaṃ kho me, aggivessana, rattiyā majjhime yāme dutiyā vijjā adhigatā avijjā vihatā, vijjā uppannā tamo  vihato, āloko uppanno yathā taṃ appamattassa ātāpino pahitattassa viharato . Evarūpāpi kho me, aggivessana , uppannā sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati.

 

386. ''So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte āsavānaṃ khayañāṇāya cittaṃ abhininnāmesiṃ. So 'idaṃ dukkhanti yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ, 'ayaṃ dukkhasamudayoti yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ, 'ayaṃ dukkhanirodhoti yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ, 'ayaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadāti yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ. 'Ime āsavāti yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ, 'ayaṃ āsavasamudayoti yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ, 'ayaṃ āsavanirodhoti yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ, 'ayaṃ āsavanirodhagāminī paṭipadāti yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ. Tassa me evaṃ jānato evaṃ passato kāmāsavāpi cittaṃ vimuccittha, bhavāsavāpi cittaṃ vimuccittha, avijjāsavāpi cittaṃ vimuccittha. Vimuttasmiṃ vimuttamiti ñāṇaṃ ahosi. 'Khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyāti abbhaññāsiṃ. Ayaṃ kho me, aggivessana, rattiyā pacchime yāme tatiyā vijjā adhigatā avijjā vihatā, vijjā uppannā tamo vihato, āloko uppanno yathā  taṃ appamattassa ātāpino pahitattassa viharato. Evarūpāpi kho me, aggivessana, uppannā sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati.

 

387. ''Abhijānāmi kho panāhaṃ, aggivessana, anekasatāya parisāya dhammaṃ desetā. Apissu maṃ ekameko evaṃ maññati : 'mamevārabbha samaṇo gotamo dhammaṃ desetīti. 'Na kho panetaṃ, aggivessana, evaṃ daṭṭhabbaṃ yāvadeva viññāpanatthāya tathāgato paresaṃ dhammaṃ  deseti. So kho ahaṃ, aggivessana, tassāyeva kathāya pariyosāne, tasmiṃyeva purimasmiṃ samādhinimitte ajjhattameva cittaṃ saṇṭhapemi sannisādemi ekodiṃ karomi samādahāmi, yena sudaṃ niccakappaṃ viharāmīti. ''oKappaniyametaṃ bhoto gotamassa yathā taṃ arahato sammāsambuddhassa. Abhijānāti kho pana bhavaṃ gotamo divā supitāti? ''abhijānāmahaṃ, aggivessana, gimhānaṃ pacchime māse pacchābhattaṃ piṇḍapātapaṭikkanto catugguṇaṃ saṅghāṭiṃ paññapetvā dakkhiṇena passena sato sampajāno niddaṃ okkamitāti. ''Etaṃ kho, bho gotama, eke samaṇabrāhmaṇā sammohavihārasmiṃ  vadantīti ? ''na kho, aggivessana, ettāvatā sammūḷho vā hoti asammūḷho vā. Api ca, aggivessana, yathā sammūḷho ca hoti asammūḷho ca, taṃ suṇāhi, sādhukaṃ manasi karohi, bhāsissāmīti. ''Evaṃ, bhoti kho saccako nigaṇṭhaputto bhagavato paccassosi. Bhagavā etadavoca :

 

388. ''Yassa kassaci, aggivessana, ye āsavā saṃkilesikā ponobbhavikā sadarā dukkhavipākā āyatiṃ jātijarāmaraṇiyā appahīnā, tamahaṃ 'sammūḷhoti vadāmi. Āsavānañhi, aggivessana, appahānā sammūḷho hoti. Yassa kassaci, aggivessana, ye āsavā saṃkilesikā ponobbhavikā sadarā dukkhavipākā āyatiṃ jātijarāmaraṇiyā pahīnā, tamahaṃ 'asammūḷhoti vadāmi. Āsavānañhi, aggivessana, pahānā asammūḷho hoti. ''Tathāgatassa  kho, aggivessana, ye āsavā saṃkilesikā ponobbhavikā sadarā dukkhavipākā āyatiṃ jātijarāmaraṇiyā pahīnā ucchinnamūlā tālāvatthukatā anabhāvaṃkatā āyatiṃ anuppādadhammā . Seyyathāpi, aggivessana, tālo matthakacchinno abhabbo puna virūḷhiyā, evameva kho, aggivessana, tathāgatassa ye āsavā saṃkilesikā ponobbhavikā sadarā dukkhavipākā āyatiṃ jātijarāmaraṇiyā pahīnā ucchinnamūlā tālāvatthukatā anabhāvaṃkatā āyatiṃ anuppādadhammāti.

389. Evaṃ vutte, saccako nigaṇṭhaputto bhagavantaṃ etadavoca : ''acchariyaṃ, bho gotama, abbhutaṃ, bho gotama! yāvañcidaṃ bhoto gotamassa evaṃ āsajja āsajja vuccamānassa, upanītehi vacanappathehi samudācariyamānassa, chavivaṇṇo ceva pariyodāyati, mukhavaṇṇo ca vippasīdati, yathā taṃ arahato sammāsambuddhassa. Abhijānāmahaṃ, bho gotama, pūraṇaṃ kassapaṃ vādena vādaṃ samārabhitā. Sopi mayā vādena vādaṃ samāraddho aññenaññaṃ paṭicari, bahiddhā kathaṃ apanāmesi, kopañca dosañca appaccayañca pātvākāsi. Bhoto pana [bhoto kho pana (sī.)] gotamassa evaṃ āsajja āsajja vuccamānassa, upanītehi vacanappathehi samudācariyamānassa, chavivaṇṇo ceva pariyodāyati, mukhavaṇṇo ca vippasīdati, yathā taṃ arahato sammāsambuddhassa. Abhijānāmahaṃ, bho gotama, makkhaliṃ gosālaṃ - pe - ajitaṃ kesakambalaṃ... pakudhaṃ kaccāyanaṃ... sañjayaṃ belaṭṭhaputtaṃ... nigaṇṭhaṃ nāṭaputtaṃ vādena vādaṃ samārabhitā . Sopi mayā  vādena vādaṃ samāraddho aññenaññaṃ  paṭicari, bahiddhā kathaṃ apanāmesi, kopañca dosañca appaccayañca pātvākāsi. Bhoto pana gotamassa evaṃ āsajja āsajja vuccamānassa, upanītehi vacanappathehi samudācariyamānassa, chavivaṇṇo ceva pariyodāyati, mukhavaṇṇo ca vippasīdati, yathā taṃ arahato sammāsambuddhassa. Handa ca dāni mayaṃ, bho gotama, gacchāma. Bahukiccā mayaṃ, bahukaraṇīyāti. ''Yassadāni tvaṃ, aggivessana, kālaṃ maññasīti. Atha kho saccako nigaṇṭhaputto bhagavato bhāsitaṃ abhinanditvā anumoditvā uṭṭhāyāsanā pakkāmīti.

Mahāsaccakasuttaṃ niṭṭhitaṃ chaṭṭhaṃ.

 

36. Mahāsaccakasutavaṇṇanā [Atthakathā]

 

364. Evaṃ me sutanti mahāsaccakasuttaṃ. Tattha ekaṃ samayanti ca tena kho pana samayenāti ca pubbaṇhasamayanti ca tīhi padehi ekova samayo vutto. Bhikkhūnañhi vattapaṭipattiṃ katvā mukhaṃ dhovitvā pattacīvaramādāya cetiyaṃ vanditvā kataraṃ gāmaṃ pavisissāmāti vitakkamāḷake ṭhitakālo nāma hoti. Bhagavā evarūpe samaye rattadupaṭṭaṃ nivāsetvā kāyabandhanaṃ bandhitvā paṃsukūlacīvaraṃ ekaṃsaṃ pārupitvā gandhakuṭito nikkhamma bhikkhusaṅghaparivuto gandhakuṭipamukhe aṭṭhāsi. Taṃ sandhāya, – ‘‘ekaṃ samayanti ca tena kho pana samayenāti ca pubbaṇhasamaya’’nti ca vuttaṃ. Pavisitukāmoti piṇḍāya pavisissāmīti evaṃ katasanniṭṭhāno. Tenupasaṅkamīti kasmā upasaṅkamīti? Vādāropanajjhāsayena. Evaṃ kirassa ahosi – ‘‘pubbepāhaṃ apaṇḍitatāya sakalaṃ vesāliparisaṃ gahetvā samaṇassa gotamassa santikaṃ gantvā parisamajjhe maṅku jāto. Idāni tathā akatvā ekakova gantvā vādaṃ āropessāmi. Yadi samaṇaṃ gotamaṃ parājetuṃ sakkhissāmi, attano laddhiṃ dīpetvā jayaṃ karissāmi. Yadi samaṇassa gotamassa jayo bhavissati, andhakāre naccaṃ viya na koci jānissatī’’ti niddāpañhaṃ nāma gahetvā iminā vādajjhāsayena upasaṅkami.

 

Anukampaṃ upādāyāti saccakassa nigaṇṭhaputtassa anukampaṃ paṭicca. Therassa kirassa evaṃ ahosi – ‘‘bhagavati muhuttaṃ nisinne buddhadassanaṃ dhammassavanañca labhissati. Tadassa dīgharattaṃ hitāya sukhāya saṃvattissatī’’ti. Tasmā bhagavantaṃ yācitvā paṃsukūlacīvaraṃ catugguṇaṃ paññapetvā nisīdatu bhagavāti āha. ‘‘Kāraṇaṃ ānando vadatī’’ti sallakkhetvā nisīdi bhagavā paññatte āsane. Bhagavantaṃ etadavocāti yaṃ pana pañhaṃ ovaṭṭikasāraṃ katvā ādāya āgato taṃ ṭhapetvā passena tāva pariharanto etaṃ santi, bho gotamātiādivacanaṃ avoca.

 

365. Phusanti hi te, bho gotamāti te samaṇabrāhmaṇā sarīre uppannaṃ sārīrikaṃ dukkhaṃ vedanaṃ phusanti labhanti, anubhavantīti attho. Ūrukkhambhoti khambhakataūrubhāvo, ūruthaddhatāti attho. Vimhayatthavasena panettha bhavissatīti anāgatavacanaṃ kataṃ. Kāyanvayaṃ hotīti kāyānugataṃ hoti kāyassa vasavatti. Kāyabhāvanāti pana vipassanā vuccati, tāya cittavikkhepaṃ pāpuṇanto nāma natthi, iti nigaṇṭho asantaṃ abhūtaṃ yaṃ natthi, tadevāha. Cittabhāvanātipi samatho vuccati, samādhiyuttassa ca puggalassa ūrukkhambhādayo nāma natthi, iti nigaṇṭho idaṃ abhūtameva āha. Aṭṭhakathāyaṃ pana vuttaṃ – ‘‘yatheva ‘bhūtapubbanti vatvā ūrukkhambhopi nāma bhavissatī’tiādīni vadato anāgatarūpaṃ na sameti, tathā atthopi na sameti, asantaṃ abhūtaṃ yaṃ natthi, taṃ kathetī’’ti.

 

No kāyabhāvananti pañcātapatappanādiṃ attakilamathānuyogaṃ sandhāyāha. Ayañhi tesaṃ kāyabhāvanā nāma. Kiṃ pana so disvā evamāha? So kira divādivassa vihāraṃ āgacchati, tasmiṃ kho pana samaye bhikkhū pattacīvaraṃ paṭisāmetvā attano attano rattiṭṭhānadivāṭṭhānesu paṭisallānaṃ upagacchanti. So te paṭisallīne disvā cittabhāvanāmattaṃ ete anuyuñjanti, kāyabhāvanā panetesaṃ natthīti maññamāno evamāha.

366. Atha naṃ bhagavā anuyuñjanto kinti pana te, aggivessana, kāyabhāvanā sutāti āha. So taṃ vitthārento seyyathidaṃ, nando vacchotiādimāha. Tattha nandoti tassa nāmaṃ. Vacchoti gottaṃ. Kisoti nāmaṃ. Saṃkiccoti gottaṃ. Makkhaligosālo heṭṭhā āgatova. Eteti ete tayo janā, te kira kiliṭṭhatapānaṃ matthakapattā ahesuṃ. Uḷārāni uḷārānīti paṇītāni paṇītāni. Gāhenti nāmāti balaṃ gaṇhāpenti nāma. Brūhentīti vaḍḍhenti. Medentīti jātamedaṃ karonti. Purimaṃ pahāyāti purimaṃ dukkarakāraṃ pahāya. Pacchā upacinantīti pacchā uḷārakhādanīyādīhi santappenti, vaḍḍhenti. Ācayāpacayo hotīti vaḍḍhi ca avaḍḍhi ca hoti, iti imassa kāyassa kālena vaḍḍhi, kālena parihānīti vaḍḍhiparihānimattameva paññāyati, kāyabhāvanā pana na paññāyatīti dīpetvā cittabhāvanaṃ pucchanto, ‘‘kinti pana te, aggivessana, cittabhāvanā sutā’’ti āha. Na sampāyāsīti sampādetvā kathetuṃ nāsakkhi, yathā taṃ bālaputhujjano.

 

367. Kuto pana tvanti yo tvaṃ evaṃ oḷārikaṃ dubbalaṃ kāyabhāvanaṃ na jānāsi? So tvaṃ kuto saṇhaṃ sukhumaṃ cittabhāvanaṃ jānissasīti. Imasmiṃ pana ṭhāne codanālayatthero, ‘‘abuddhavacanaṃ nāmetaṃ pada’’nti bījaniṃ ṭhapetvā pakkamituṃ ārabhi. Atha naṃ mahāsīvatthero āha – ‘‘dissati, bhikkhave, imassa cātumahābhūtikassa kāyassa ācayopi apacayopi ādānampi nikkhepanampī’’ti (saṃ. ni. 2.62). Taṃ sutvā sallakkhesi – ‘‘oḷārikaṃ kāyaṃ pariggaṇhantassa uppannavipassanā oḷārikāti vattuṃ vaṭṭatī’’ti.

 

368. Sukhasārāgīti sukhasārāgena samannāgato. Sukhāya vedanāya nirodhā uppajjati dukkhā vedanāti na anantarāva uppajjati, sukhadukkhānañhi anantarapaccayatā paṭṭhāne (paṭṭhā. 1.2.45-46) paṭisiddhā. Yasmā pana sukhe aniruddhe dukkhaṃ nuppajjati, tasmā idha evaṃ vuttaṃ. Pariyādāya tiṭṭhatīti khepetvā gaṇhitvā tiṭṭhati. Ubhatopakkhanti sukhaṃ ekaṃ pakkhaṃ dukkhaṃ ekaṃ pakkhanti evaṃ ubhatopakkhaṃ hutvā.

 

369. Uppannāpi sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati, bhāvitattā kāyassa. Uppannāpi dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati, bhāvitattā cittassāti ettha kāyabhāvanā vipassanā, cittabhāvanā samādhi. Vipassanā ca sukhassa paccanīkā, dukkhassa āsannā. Samādhi dukkhassa paccanīko, sukhassa āsanno. Kathaṃ? Vipassanaṃ paṭṭhapetvā nisinnassa hi addhāne gacchante gacchante tattha tattha aggiuṭṭhānaṃ viya hoti, kacchehi sedā muccanti, matthakato usumavaṭṭiuṭṭhānaṃ viya hotīti cittaṃ haññati vihaññati vipphandati. Evaṃ tāva vipassanā sukhassa paccanīkā, dukkhassa āsannā. Uppanne pana kāyike vā cetasike vā dukkhe taṃ dukkhaṃ vikkhambhetvā samāpattiṃ samāpannassa samāpattikkhaṇe dukkhaṃ dūrāpagataṃ hoti, anappakaṃ sukhaṃ okkamati. Evaṃ samādhi dukkhassa paccanīko, sukhassa āsanno. Yathā vipassanā sukhassa paccanīkā, dukkhassa āsannā, na tathā samādhi. Yathā samādhi dukkhassa paccanīko, sukhassa āsanno, na ca tathā vipassanāti. Tena vuttaṃ – ‘‘uppannāpi sukhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati, bhāvitattā kāyassa. Uppannāpi dukkhā vedanā cittaṃ na pariyādāya tiṭṭhati, bhāvitattā cittassā’’ti.

 

370. Āsajja upanīyāti guṇe ghaṭṭetvā ceva upanetvā ca. Taṃ vata meti taṃ vata mama cittaṃ.

 

371. Kiñhi no siyā, aggivessanāti, aggivessana, kiṃ na bhavissati, bhavissateva, mā evaṃ saññī hohi, uppajjiyeva me sukhāpi dukkhāpi vedanā, uppannāya panassā ahaṃ cittaṃ pariyādāya ṭhātuṃ na demi. Idānissa tamatthaṃ pakāsetuṃ upari pasādāvahaṃ dhammadesanaṃ desetukāmo mūlato paṭṭhāya mahābhinikkhamanaṃ ārabhi. Tattha idha me, aggivessana, pubbeva sambodhā…pe… tattheva nisīdiṃ, alamidaṃ padhānāyāti idaṃ sabbaṃ heṭṭhā pāsarāsisutte vuttanayeneva veditabbaṃ. Ayaṃ pana viseso, tattha bodhipallaṅke nisajjā, idha dukkarakārikā.

 

374. Allakaṭṭhanti allaṃ udumbarakaṭṭhaṃ. Sasnehanti sakhīraṃ. Kāmehīti vatthukāmehi. Avūpakaṭṭhāti anapagatā. Kāmacchandotiādīsu kilesakāmova chandakaraṇavasena chando. Sinehakaraṇavasena sneho. Mucchākaraṇavasena mucchā. Pipāsākaraṇavasena pipāsā. Anudahanavasena pariḷāhoti veditabbo. Opakkamikāti upakkamanibbattā. Ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāyāti sabbaṃ lokuttaramaggavevacanameva.

 

Idaṃ panettha opammasaṃsandanaṃ – allaṃ sakhīraṃ udumbarakaṭṭhaṃ viya hi kilesakāmena vatthukāmato anissaṭapuggalā. Udake pakkhittabhāvo viya kilesakāmena tintatā; manthanenāpi aggino anabhinibbattanaṃ viya kilesakāmena vatthukāmato anissaṭānaṃ opakkamikāhi vedanāhi lokuttaramaggassa anadhigamo. Amanthanenāpi aggino anabhinibbattanaṃ viya tesaṃ puggalānaṃ vināpi opakkamikāhi vedanāhi lokuttaramaggassa anadhigamo. Dutiyaupamāpi imināva nayena veditabbā. Ayaṃ pana viseso, purimā saputtabhariyapabbajjāya upamā; pacchimā brāhmaṇadhammikapabbajjāya.

 

376. Tatiyaupamāya koḷāpanti chinnasinehaṃ nirāpaṃ. Thale nikkhittanti pabbatathale vā bhūmithale vā nikkhittaṃ. Etthāpi idaṃ opammasaṃsandanaṃ – sukkhakoḷāpakaṭṭhaṃ viya hi kilesakāmena vatthukāmato nissaṭapuggalā, ārakā udakā thale nikkhittabhāvo viya kilesakāmena atintatā. Manthanenāpi aggino abhinibbattanaṃ viya kilesakāmena vatthukāmato nissaṭānaṃ abbhokāsikanesajjikādivasena opakkamikāhipi vedanāhi lokuttaramaggassa adhigamo. Aññassa rukkhassa sukkhasākhāya saddhiṃ ghaṃsanamatteneva aggino abhinibbattanaṃ viya vināpi opakkamikāhi vedanāhi sukhāyeva paṭipadāya lokuttaramaggassa adhigamoti. Ayaṃ upamā bhagavatā attano atthāya āhaṭā.

 

377. Idāni attano dukkarakārikaṃ dassento, tassa mayhantiādimāha. Kiṃ pana bhagavā dukkaraṃ akatvā buddho bhavituṃ na samatthoti? Katvāpi akatvāpi samatthova. Atha kasmā akāsīti? Sadevakassa lokassa attano parakkamaṃ dassessāmi. So ca maṃ vīriyanimmathanaguṇo hāsessatīti. Pāsāde nisinnoyeva hi paveṇiāgataṃ rajjaṃ labhitvāpi khattiyo na tathāpamudito hoti, yathā balakāyaṃ gahetvā saṅgāme dve tayo sampahāre datvā amittamathanaṃ katvā pattarajjo. Evaṃ pattarajjassa hi rajjasiriṃ anubhavantassa parisaṃ oloketvā attano parakkamaṃ anussaritvā, ‘‘asukaṭṭhāne asukakammaṃ katvā asukañca asukañca amittaṃ evaṃ vijjhitvā evaṃ paharitvā imaṃ rajjasiriṃ pattosmī’’ti cintayato balavasomanassaṃ uppajjati. Evamevaṃ bhagavāpi sadevakassa lokassa parakkamaṃ dassessāmi, so hi maṃ parakkamo ativiya hāsessati, somanassaṃ uppādessatīti dukkaramakāsi.

 

Apica pacchimaṃ janataṃ anukampamānopi akāsiyeva, pacchimā hi janatā sammāsambuddho kappasatasahassādhikāni cattāri asaṅkhyeyyāni pāramiyo pūretvāpi padhānaṃ padahitvāva sabbaññutaññāṇaṃ patto, kimaṅgaṃ pana mayanti padhānavīriyaṃ kattabbaṃ maññissati; evaṃ sante khippameva jātijarāmaraṇassa antaṃ karissatīti pacchimaṃ janataṃ anukampamāno akāsiyeva.

 

Dantebhidantamādhāyāti heṭṭhādante uparidantaṃ ṭhapetvā. Cetasā cittanti kusalacittena akusalacittaṃ. Abhiniggaṇheyyanti niggaṇheyyaṃ. Abhinippīḷeyyanti nippīḷeyyaṃ. Abhisantāpeyyanti tāpetvā vīriyanimmathanaṃ kareyyaṃ. Sāraddhoti sadaratho. Padhānābhitunnassāti padhānena abhitunnassa, viddhassa satoti attho.

 

378. Appāṇakanti nirassāsakaṃ. Kammāragaggariyāti kammārassa gaggaranāḷiyā. Sīsavedanā hontīti kutoci nikkhamituṃ alabhamānehi vātehi samuṭṭhāpitā balavatiyo sīsavedanā honti. Sīsaveṭhaṃ dadeyyāti sīsaveṭhanaṃ dadeyya. Devatāti bodhisattassa caṅkamanakoṭiyaṃ paṇṇasālapariveṇasāmantā ca adhivatthā devatā.

 

Tadā kira bodhisattassa adhimatte kāyadāhe uppanne mucchā udapādi. So caṅkameva nisinno hutvā papati. Taṃ disvā devatā evamāhaṃsu – ‘‘vihārotveva so arahato’’ti, ‘‘arahanto nāma evarūpā honti matakasadisā’’ti laddhiyā vadanti. Tattha yā devatā ‘‘kālaṅkato’’ti āhaṃsu, tā gantvā suddhodanamahārājassa ārocesuṃ – ‘‘tumhākaṃ putto kālaṅkato’’ti. Mama putto buddho hutvā kālaṅkato, no ahutvāti? Buddho bhavituṃ nāsakkhi, padhānabhūmiyaṃyeva patitvā kālaṅkatoti. Nāhaṃ saddahāmi, mama puttassa bodhiṃ apatvā kālaṅkiriyā nāma natthīti.

 

Aparabhāge sammāsambuddhassa dhammacakkaṃ pavattetvā anupubbena rājagahaṃ gantvā kapilavatthuṃ anuppattassa suddhodanamahārājā pattaṃ gahetvā pāsādaṃ āropetvā yāgukhajjakaṃ datvā antarābhattasamaye etamatthaṃ ārocesi – tumhākaṃ bhagavā padhānakaraṇakāle devatā āgantvā, ‘‘putto te, mahārāja, kālaṅkato’’ti āhaṃsūti. Kiṃ saddahasi mahārājāti? Na bhagavā saddahinti. Idāni, mahārāja, supinappaṭiggahaṇato paṭṭhāya acchariyāni passanto kiṃ saddahissasi? Ahampi buddho jāto, tvampi buddhapitā jāto, pubbe pana mayhaṃ aparipakke ñāṇe bodhicariyaṃ carantassa dhammapālakumārakālepi sippaṃ uggahetuṃ gatassa, ‘‘tumhākaṃ putto dhammapālakumāro kālaṅkato, idamassa aṭṭhī’’ti eḷakaṭṭhiṃ āharitvā dassesuṃ, tadāpi tumhe, ‘‘mama puttassa antarāmaraṇaṃ nāma natthi, nāhaṃ saddahāmī’’ti avocuttha, mahārājāti imissā aṭṭhuppattiyā bhagavā mahādhammapālajātakaṃ kathesi.

 

379. Mā kho tvaṃ mārisāti sampiyāyamānā āhaṃsu. Devatānaṃ kirāyaṃ piyamanāpavohāro, yadidaṃ mārisāti. Ajajjitanti abhojanaṃ. Halanti vadāmīti alanti vadāmi, alaṃ iminā evaṃ mā karittha, yāpessāmahanti evaṃ paṭisedhemīti attho.

 

380-1. Maṅguracchavīti maṅguramacchacchavi. Etāva paramanti tāsampi vedanānametaṃyeva paramaṃ, uttamaṃ pamāṇaṃ. Pitu sakkassa kammante…pe… paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharitāti rañño kira vappamaṅgaladivaso nāma hoti, tadā anekappakāraṃ khādanīyaṃ bhojanīyaṃ paṭiyādenti. Nagaravīthiyo sodhāpetvā puṇṇaghaṭe ṭhapāpetvā dhajapaṭākādayo ussāpetvā sakalanagaraṃ devavimānaṃ viya alaṅkaronti. Sabbe dāsakammakarādayo ahatavatthanivatthā gandhamālādipaṭimaṇḍitā rājakule sannipatanti. Rañño kammante naṅgalasatasahassaṃ yojīyati. Tasmiṃ pana divase ekena ūnaṃ aṭṭhasataṃ yojenti. Sabbanaṅgalāni saddhiṃ balibaddarasmiyottehi jāṇussoṇissa ratho viya rajataparikkhittāni honti. Rañño ālambananaṅgalaṃ rattasuvaṇṇaparikkhittaṃ hoti. Balibaddānaṃ siṅgānipi rasmipatodāpi suvaṇṇaparikkhittā honti. Rājā mahāparivārena nikkhamanto puttaṃ gahetvā agamāsi.

 

Kammantaṭṭhāne eko jamburukkho bahalapattapalāso sandacchāyo ahosi. Tassa heṭṭhā kumārassa sayanaṃ paññapetvā upari suvaṇṇatārakakhacitaṃ vitānaṃ bandhāpetvā sāṇipākārena parikkhipāpetvā ārakkhaṃ ṭhapetvā rājā sabbālaṅkāraṃ alaṅkaritvā amaccagaṇaparivuto naṅgalakaraṇaṭṭhānaṃ agamāsi. Tattha rājā suvaṇṇanaṅgalaṃ gaṇhāti. Amaccā ekenūnaaṭṭhasatarajatanaṅgalāni gahetvā ito cito ca kasanti. Rājā pana orato pāraṃ gacchati, pārato vā oraṃ gacchati. Etasmiṃ ṭhāne mahāsampatti hoti, bodhisattaṃ parivāretvā nisinnā dhātiyo rañño sampattiṃ passissāmāti antosāṇito bahi nikkhantā. Bodhisatto ito cito ca olokento kañci adisvā vegena uṭṭhāya pallaṅkaṃ ābhujitvā ānāpāne pariggahetvā paṭhamajjhānaṃ nibbattesi. Dhātiyo khajjabhojjantare vicaramānā thokaṃ cirāyiṃsu, sesarukkhānaṃ chāyā nivattā, tassa pana rukkhassa parimaṇḍalā hutvā aṭṭhāsi. Dhātiyo ayyaputto ekakoti vegena sāṇiṃ ukkhipitvā anto pavisamānā bodhisattaṃ sayane pallaṅkena nisinnaṃ tañca pāṭihāriyaṃ disvā gantvā rañño ārocayiṃsu – ‘‘kumāro deva, evaṃ nisinno aññesaṃ rukkhānaṃ chāyā nivattā, jamburukkhassa parimaṇḍalā ṭhitā’’ti. Rājā vegenāgantvā pāṭihāriyaṃ disvā, ‘‘idaṃ te, tāta, dutiyaṃ vandana’’nti puttaṃ vandi. Idametaṃ sandhāya vuttaṃ – ‘‘pitu sakkassa kammante…pe… paṭhamajjhānaṃ upasampajja viharitā’’ti. Siyā nu kho eso maggo bodhāyāti bhaveyya nu kho etaṃ ānāpānassatipaṭhamajjhānaṃ bujjhanatthāya maggoti. Satānusāriviññāṇanti nayidaṃ bodhāya maggo bhavissati, ānāpānassatipaṭhamajjhānaṃ pana bhavissatīti evaṃ ekaṃ dve vāre uppannasatiyā anantaraṃ uppannaviññāṇaṃ satānusāriviññāṇaṃ nāma. Yaṃ taṃ sukhanti yaṃ taṃ ānāpānassatipaṭhamajjhānasukhaṃ.

 

382. Paccupaṭṭhitā hontīti paṇṇasālapariveṇasammajjanādivattakaraṇena upaṭṭhitā honti. Bāhullikoti paccayabāhulliko. Āvatto bāhullāyāti rasagiddho hutvā paṇītapiṇḍapātādīnaṃ atthāya āvatto. Nibbijja pakkamiṃsūti ukkaṇṭhitvā dhammaniyāmeneva pakkantā bodhisattassa sambodhiṃ pattakāle kāyavivekassa okāsadānatthaṃ dhammatāya gatā. Gacchantā ca aññaṭṭhānaṃ agantvā bārāṇasimeva agamaṃsu. Bodhisatto tesu gatesu addhamāsaṃ kāyavivekaṃ labhitvā bodhimaṇḍe aparājitapallaṅke nisīditvā sabbaññutaññāṇaṃ paṭivijjhi.

 

383. Vivicceva kāmehītiādi bhayabherave vuttanayeneva veditabbaṃ.

 

387. Abhijānāmi kho panāhanti ayaṃ pāṭiyekko anusandhi. Nigaṇṭho kira cintesi – ‘‘ahaṃ samaṇaṃ gotamaṃ ekaṃ pañhaṃ pucchiṃ. Samaṇo gotamo ‘aparāpi maṃ, aggivessana, aparāpi maṃ, aggivessanā’ti pariyosānaṃ adassento kathetiyeva. Kupito nu kho’’ti? Atha bhagavā, aggivessana, tathāgate anekasatāya parisāya dhammaṃ desente kupito samaṇo gotamoti ekopi vattā natthi, paresaṃ bodhanatthāya paṭivijjhanatthāya eva tathāgato dhammaṃ desetīti dassento imaṃ dhammadesanaṃ ārabhi. Tattha ārabbhāti sandhāya. Yāvadevāti payojanavidhi paricchedaniyamanaṃ. Idaṃ vuttaṃ hoti – paresaṃ viññāpanameva tathāgatassa dhammadesanāya payojanaṃ, tasmā na ekasseva deseti, yattakā viññātāro atthi, sabbesaṃ desetīti. Tasmiṃyeva purimasminti iminā kiṃ dassetīti? Saccako kira cintesi – ‘‘samaṇo gotamo abhirūpo pāsādiko suphusitaṃ dantāvaraṇaṃ, jivhā mudukā, madhuraṃ vākkaraṇaṃ, parisaṃ rañjento maññe vicarati, anto panassa cittekaggatā natthī’’ti. Atha bhagavā, aggivessana, na tathāgato parisaṃ rañjento vicarati, cakkavāḷapariyantāyapi parisāya tathāgato dhammaṃ deseti, asallīno anupalitto ettakaṃ ekavihārī, suññataphalasamāpattiṃ anuyuttoti dassetuṃ evamāha.

 

Ajjhattamevāti gocarajjhattameva. Sannisādemīti sannisīdāpemi, tathāgato hi yasmiṃ khaṇe parisā sādhukāraṃ deti, tasmiṃ khaṇe pubbābhogena paricchinditvā phalasamāpattiṃ samāpajjati, sādhukārasaddassa nigghose avicchinneyeva samāpattito vuṭṭhāya ṭhitaṭṭhānato paṭṭhāya dhammaṃ deseti, buddhānañhi bhavaṅgaparivāso lahuko hotīti assāsavāre passāsavāre samāpattiṃ samāpajjanti. Yena sudaṃ niccakappanti yena suññena phalasamādhinā niccakālaṃ viharāmi, tasmiṃ samādhinimitte cittaṃ saṇṭhapemi samādahāmīti dasseti.

 

Okappaniyametanti saddahaniyametaṃ. Evaṃ bhagavato ekaggacittataṃ sampaṭicchitvā idāni attano ovaṭṭikasāraṃ katvā ānītapañhaṃ pucchanto abhijānāti kho pana bhavaṃ gotamo divā supitāti āha. Yathā hi sunakho nāma asambhinnakhīrapakkapāyasaṃ sappinā yojetvā udarapūraṃ bhojitopi gūthaṃ disvā akhāditvā gantuṃ na sakkā, akhādamāno ghāyitvāpi gacchati, aghāyitvāva gatassa kirassa sīsaṃ rujjati; evamevaṃ imassapi satthā asambhinnakhīrapakkapāyasasadisaṃ abhinikkhamanato paṭṭhāya yāva āsavakkhayā pasādanīyaṃ dhammadesanaṃ deseti. Etassa pana evarūpaṃ dhammadesanaṃ sutvā satthari pasādamattampi na uppannaṃ, tasmā ovaṭṭikasāraṃ katvā ānītapañhaṃ apucchitvā gantuṃ asakkonto evamāha. Tattha yasmā thinamiddhaṃ sabbakhīṇāsavānaṃ arahattamaggeneva pahīyati, kāyadaratho pana upādinnakepi hoti anupādinnakepi. Tathā hi kamaluppalādīni ekasmiṃ kāle vikasanti, ekasmiṃ makulāni honti, sāyaṃ kesañci rukkhānampi pattāni patilīyanti, pāto vipphārikāni honti. Evaṃ upādinnakassa kāyassa darathoyeva darathavasena bhavaṅgasotañca idha niddāti adhippetaṃ, taṃ khīṇāsavānampi hoti. Taṃ sandhāya, ‘‘abhijānāmaha’’ntiādimāha. Sammohavihārasmiṃ vadantīti sammohavihāroti vadanti.

 

389. Āsajja āsajjāti ghaṭṭetvā ghaṭṭetvā. Upanītehīti upanetvā kathitehi. Vacanappathehīti vacanehi. Abhinanditvā anumoditvāti alanti cittena sampaṭicchanto abhinanditvā vācāyapi pasaṃsanto anumoditvā. Bhagavatā imassa nigaṇṭhassa dve suttāni kathitāni. Purimasuttaṃ eko bhāṇavāro, idaṃ diyaḍḍho, iti aḍḍhatiye bhāṇavāre sutvāpi ayaṃ nigaṇṭho neva abhisamayaṃ patto, na pabbajito, na saraṇesu patiṭṭhito. Kasmā etassa bhagavā dhammaṃ desesīti? Anāgate vāsanatthāya. Passati hi bhagavā, ‘‘imassa idāni upanissayo natthi, mayhaṃ pana parinibbānato samadhikānaṃ dvinnaṃ vassasatānaṃ accayena tambapaṇṇidīpe sāsanaṃ patiṭṭhahissati. Tatrāyaṃ kulaghare nibbattitvā sampatte kāle pabbajitvā tīṇi piṭakāni uggahetvā vipassanaṃ vaḍḍhetvā saha paṭisambhidāhi arahattaṃ patvā kāḷabuddharakkhito nāma mahākhīṇāsavo bhavissatī’’ti. Idaṃ disvā anāgate vāsanatthāya dhammaṃ desesi.

 

Sopi tattheva tambapaṇṇidīpamhi sāsane patiṭṭhite devalokato cavitvā dakkhiṇagirivihārassa bhikkhācāragāme ekasmiṃ amaccakule nibbatto pabbajjāsamatthayobbane pabbajitvā tepiṭakaṃ buddhavacanaṃ uggahetvā gaṇaṃ pariharanto mahābhikkhusaṅghaparivuto upajjhāyaṃ passituṃ agamāsi. Athassa upajjhāyo saddhivihārikaṃ codessāmīti tepiṭakaṃ buddhavacanaṃ uggahetvā āgatena tena saddhiṃ mukhaṃ datvā kathāmattampi na akāsi. So paccūsasamaye vuṭṭhāya therassa santikaṃ gantvā, – ‘‘tumhe, bhante, mayi ganthakammaṃ katvā tumhākaṃ santikaṃ āgate mukhaṃ datvā kathāmattampi na karittha, ko mayhaṃ doso’’ti pucchi. Thero āha – ‘‘tvaṃ, āvuso, buddharakkhita ettakeneva ‘pabbajjākiccaṃ me matthakaṃ patta’nti saññaṃ karosī’’ti. Kiṃ karomi, bhanteti? Gaṇaṃ vinodetvā tvaṃ papañcaṃ chinditvā cetiyapabbatavihāraṃ gantvā samaṇadhammaṃ karohīti. So upajjhāyassa ovāde ṭhatvā saha paṭisambhidāhi arahattaṃ patvā puññavā rājapūjito hutvā mahābhikkhusaṅghaparivāro cetiyapabbatavihāre vasi.

 

Tasmiñhi kāle tissamahārājā uposathakammaṃ karonto cetiyapabbate rājaleṇe vasati. So therassa upaṭṭhākabhikkhuno saññaṃ adāsi – ‘‘yadā mayhaṃ ayyo pañhaṃ vissajjeti, dhammaṃ vā katheti, tadā me saññaṃ dadeyyāthā’’ti. Theropi ekasmiṃ dhammassavanadivase bhikkhusaṅghaparivāro kaṇṭakacetiyaṅgaṇaṃ āruyha cetiyaṃ vanditvā kāḷatimbarurukkhamūle aṭṭhāsi. Atha naṃ eko piṇḍapātikatthero kāḷakārāmasuttante pañhaṃ pucchi. Thero nanu, āvuso, ajja dhammassavanadivasoti āha. Āma, bhante, dhammassavanadivasoti. Tena hi pīṭhakaṃ ānetha, idheva nisinnā dhammassavanaṃ karissāmāti. Athassa rukkhamūle āsanaṃ paññapetvā adaṃsu. Thero pubbagāthā vatvā kāḷakārāmasuttaṃ ārabhi. Sopissa upaṭṭhākadaharo rañño saññaṃ dāpesi. Rājā pubbagāthāsu aniṭṭhitāsuyeva pāpuṇi. Patvā ca aññātakaveseneva parisante ṭhatvā tiyāmarattiṃ ṭhitakova dhammaṃ sutvā therassa, idamavoca bhagavāti vacanakāle sādhukāraṃ adāsi. Thero ñatvā, kadā āgatosi, mahārājāti pucchi. Pubbagāthā osāraṇakāleyeva, bhanteti. Dukkaraṃ te mahārāja, katanti. Nayidaṃ, bhante, dukkaraṃ, yadi pana me ayyassa dhammakathaṃ āraddhakālato paṭṭhāya ekapadepi aññavihitabhāvo ahosi, tambapaṇṇidīpassa patodayaṭṭhinitudanamattepi ṭhāne sāmibhāvo nāma me mā hotūti sapathamakāsi.

 

Tasmiṃ pana sutte buddhaguṇā paridīpitā, tasmā rājā pucchi – ‘‘ettakāva, bhante, buddhaguṇā, udāhu aññepi atthī’’ti. Mayā kathitato, mahārāja, akathitameva bahu appamāṇanti. Upamaṃ, bhante, karothāti. Yathā, mahārāja, karīsasahassamatte sālikkhette ekasālisīsato avasesasālīyeva bahū, evaṃ mayā kathitaguṇā appā, avasesā bahūti. Aparampi, bhante, upamaṃ karothāti. Yathā, mahārāja, mahāgaṅgāya oghapuṇṇāya sūcipāsaṃ sammukhaṃ kareyya, sūcipāsena gataudakaṃ appaṃ, sesaṃ bahu, evameva mayā kathitaguṇā appā, avasesā bahūti. Aparampi, bhante, upamaṃ karothāti. Idha, mahārāja, cātakasakuṇā nāma ākāse kīḷantā vicaranti. Khuddakā sā sakuṇajāti, kiṃ nu kho tassa sakuṇassa ākāse pakkhapasāraṇaṭṭhānaṃ bahu, avaseso ākāso appoti? Kiṃ, bhante, vadatha, appo tassa pakkhapasāraṇokāso, avasesova bahūti. Evameva, mahārāja, appakā mayā buddhaguṇā kathitā, avasesā bahū anantā appameyyāti. Sukathitaṃ, bhante, anantā buddhaguṇā ananteneva ākāsena upamitā. Pasannā mayaṃ ayyassa, anucchavikaṃ pana kātuṃ na sakkoma. Ayaṃ me duggatapaṇṇākāro imasmiṃ tambapaṇṇidīpe imaṃ tiyojanasatikaṃ rajjaṃ ayyassa demāti. Tumhehi, mahārāja, attano pasannākāro kato, mayaṃ pana amhākaṃ dinnaṃ rajjaṃ tumhākaṃyeva dema, dhammena samena rajjaṃ kārehi mahārājāti.

 

Papañcasūdaniyā majjhimanikāyaṭṭhakathāya

 

Mahāsaccakasuttavaṇṇanā niṭṭhitā.

 



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành





 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment