Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
38. Ðại Kinh Ðoạn Tận Ái
(Mahātaṇhāsaṅkhaya Sutta) (Tiếp Theo)
Tên bài kinh được đặt dựa trên nội dung dựa trên lời dạy của Đức Phật về đoạn tận ái chấp. Gọi là đại kinh vì bài kinh nầy dài hơn so với bài kinh trước ngắn hơn.
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo tên là Sati, con của người đánh cá, khởi lên ác tà kiến như sau: "Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác".
-- Hiền giả Sāti, chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như vậy. Hiền giả Sāti, Thế Tôn đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi; không có duyên thì thức không hiện khởi.
"-- Hiền giả Sāti chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như vậy. Hiền giả Sāti, Thế Tôn đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi, không có duyên thì thức không hiện khởi.
"Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá dầu cho được chúng con cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận, vẫn nói lên ác tà kiến ấy, cứng đầu, chấp chặt, nắm chặt tà kiến ấy:
(Duyên sanh Thức)
Với sự kết hợp nầy thì rõ ràng căn thay đổi (như người già mắt mờ, tai điếc) hay cảnh thay đổi (nhưng hết thấy cảnh nầy sang cảnh khác) thì tâm thức phải thay đổi. Bảo rằng dù căn, cảnh thay đổi nhưng tâm thức thường hằng là không hiểu về xúc hay sự tập hợp của ba yếu tố căn, cảnh và thức.
(Các câu hỏi về sanh vật)
-- Bạch Thế Tôn, có vậy.
-- Bạch Thế Tôn, có vậy.
(Thức ăn và Duyên khởi)
-- Này các Tỷ-kheo, có bốn món ăn giúp cho an trú các loài hữu tình đã sanh hay phò trợ các loài hữu tình sẽ sanh. Thế nào là bốn? Ðoàn thực hoặc thô hoặc tế, thứ hai là xúc thực, thứ ba là tư niệm thực, và thứ tư là thức thực.
Và này các Tỷ-kheo bốn món ăn này, lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Bốn món ăn này lấy ái làm nhân duyên, lấy ái làm tập khởi, lấy ái làm sanh chủng, lấy ái làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, ái này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Ái lấy thọ làm nhân duyên, lấy thọ làm tập khởi, lấy thọ làm sanh chủng, lấy thọ làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, thọ này lấy gì làm nguyên nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Thọ lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm tập khởi, lấy xúc làm sanh chủng, lấy xúc làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, xúc này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Xúc lấy sáu nhập làm nhân duyên, lấy sáu nhập làm tập khởi, lấy sáu nhập làm sanh chủng, lấy sáu nhập làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, sáu nhập này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Sáu nhập lấy danh sắc làm nhân duyên, lấy danh sắc làm tập khởi, lấy danh sắc làm sanh chủng, lấy danh sắc làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, danh sắc này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Danh sắc lấy thức làm nhân duyên, lấy thức là tập khởi, lấy thức làm sanh chủng, lấy thức làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, thức này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Thức lấy hành làm nhân duyên, lấy hành làm tập khởi, lấy hành làm sanh chủng, lấy hành làm nguyên nhân. Này các Tỷ- kheo, các hành này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Các hành lấy vô minh làm sanh chủng, lấy vô minh làm nguyên nhân.
Như vậy Phật pháp dạy rằng tất cả hiện tượng vật chất hay tâm thức đều tồn tại do chất liệu nuôi dưỡng hay tứ thực. Chất liệu nuôi dưỡng vô thường thì tâm thức không thể hằng cữu.
169. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ định lý về y tương sinh
Đó là nguyên lý của hữu vi pháp: cái nầy có thì cái kia có, cái nầy không có thì cái kia không có. Như vậy sẽ không có sự hiện hữu đơn thuần mà luôn có lực tác động.
Có hai cách lý giải về giáo lý duyên khởi:
Cách giải thích thứ nhất, phổ thông thường tìm thấy ở Kinh Tạng, là thập nhị duyên khởi giảng theo “tam sinh” hay ba kiếp: quá khứ, hiện tại, và tương lai. Đây là cách trình bày theo hình thức quy mô (marcro)
Cách giải thích thứ hai, tìm thấy trong A Tỳ Đàm, là thập nhị duyên khởi xẩy ra trong kiếp hiện hiện tại. Đây là hình thức trình bày theo vĩ mô (micro)
(Tương tự như cách giảng về tứ đại có khi tách rời đất, nước, lửa, gió có khi giảng bốn đại là sắc bất ly)
(Duyên theo chiều thuận)
Như vậy, này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được hiện hữu. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
(Duyên theo chiều nghịch)
Trước đã nói: Sanh duyên già, chết (Do duyên sanh nên già, chết hiện khởi). Này các Tỷ-kheo, sanh duyên già, chết có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, sanh duyên già, chết. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Sanh duyên già, chết.
-- Trước đã nói: hữu duyên sanh. Này các Tỷ-kheo, hữu duyên sanh có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, hữu duyên sanh. Như vậy, đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Hữu duyên sanh.
-- Trước đã nói: Thủ duyên hữu. Này các Tỷ-kheo, thủ duyên hữu có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, thủ duyên hữu. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Thủ duyên hữu.
-- Trước đã nói: Ái duyên thủ. Này các Tỷ-kheo, ái duyên thủ có phải không? Hay ở đây, (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, ái duyên thủ. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Ái duyên thủ.
-- Trước đã nói: Thọ duyên ái. Này các Tỷ-kheo, thọ duyên ái có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, thọ duyên ái. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Thọ duyên ái.
- Trước đã nói: Xúc duyên thọ. Này các Tỷ-kheo, xúc duyên thọ có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, xúc duyên thọ. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Xúc duyên thọ.
-- Trước đã nói: Sáu nhập duyên xúc. Này các Tỷ-kheo, sáu nhập duyên xúc có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, sáu nhập duyên xúc. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Sáu nhập duyên xúc.
-- Trước đã nói: Danh sắc duyên sáu nhập. Này các Tỷ-kheo, danh sắc duyên sáu nhập có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, danh sắc duyên sáu nhập. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Danh sắc duyên sáu nhập.
-- Trước đã nói: Thức duyên danh sắc. Này các Tỷ-kheo, thức duyên danh sắc có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, thức duyên danh sắc. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Thức duyên danh sắc.
-- Trước đã nói: Hành duyên thức: Này các Tỷ-kheo, hành duyên thức có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, hành duyên thức. Như vậy, đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Hành duyên thức.
-- Trước đã nói: Vô minh duyên hành. Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, vô minh duyên hành. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Vô minh duyên hành.
(Tóm lược về Duyên)
-- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Các Ông nói như vậy và Ta cũng nói như vậy: "Cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh", như vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não cùng sanh khởi. Như vậy, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
(Diệt theo chiều thuận)
Do vô minh đoạn diệt, xả ly một cách hoàn toàn nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
(Diệt theo chiều nghịch)
Trước đã nói: Do sanh diệt nên già, chết diệt. Này các Tỷ-kheo, do sanh diệt nên già, chết diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do sanh diệt nên già, chết diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do sanh diệt nên già, chết diệt.
-- Trước đã nói: Do hữu diệt nên sanh diệt. Này các Tỷ-kheo, do hữu diệt nên sanh diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do hữu diệt nên sanh diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do hữu diệt nên sanh diệt.
-- Trước đã nói: Do thủ diệt nên hữu diệt. Này các Tỷ-kheo, do thủ diệt nên hữu diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do thủ diệt nên hữu diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do thủ diệt nên hữu diệt.
-- Trước đã nói: Do ái diệt nên thủ diệt. Này các Tỷ-kheo, do ái diệt nên thủ diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do ái diệt nên thủ diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do ái diệt nên thủ diệt.
-- Trước đã nói: Do thọ diệt nên ái diệt. Này các Tỷ-kheo, do thọ diệt nên ái diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do thọ diệt nên ái diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do thọ diệt nên ái diệt.
-- Trước đã nói: Do xúc diệt nên thọ diệt. Này các Tỷ-kheo, do xúc diệt nên thọ diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do xúc diệt nên thọ diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do xúc diệt nên thọ diệt.
-- Trước đã nói: Do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Này các Tỷ-kheo, do sáu nhập diệt nên xúc diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do sáu nhập diệt nên xúc diệt.
-- Trước đã nói: Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Này các Tỷ-kheo, do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt.
-- Trước đã nói: Do thức diệt nên danh sắc diệt. Này các Tỷ-kheo, do thức diệt nên danh sắc diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do thức diệt nên danh sắc diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do thức diệt nên danh sắc diệt.
-- Trước đã nói: Do hành diệt nên thức diệt. Này các Tỷ-kheo, do hành diệt nên thức diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do hành diệt nên thức diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do hành diệt nên thức diệt.
-- Trước đã nói: Do vô minh diệt nên hành diệt. Này các Tỷ-kheo, do vô minh diệt nên hành diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, do vô minh diệt nên hành diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do vô minh diệt nên hành diệt.
(Tóm lược về Diệt)
- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Các Ông nói như vậy và Ta cũng nói như vậy: "Cái này không có nên cái kia không có, cái này diệt nên cái kia diệt", như vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu nhập diệt, sáu nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
- Vô minh duyên hành có nghĩa là do không biết nên hành động tạo tác. Thí dụ: như một người tất bật làm nhiều công việc để kiếm tiền bởi vì không biết cách làm ra tiền nhẹ nhàng hơn. Người đó nghĩ mình làm nhiều việc vì mình biết nhiều thứ kỳ thật là làm nhiều việc do không biết cái nên làm.
- Hành duyên thức là từ hành vi thiện ác tạo nên chủng thức tái sanh tương ứng. Thí dụ như trồng cây thì ra trái trong trái có hạt giống để tạo ra cây.
Nên lưu ý vài điểm về giáo lý duyên khởi:
- Trình bày thì có đầu có đuôi nhưng thực tế là một xoay vần không mối ban đầu. Trong bài kinh nầy tứ thực, ái và vô minh đều được đề cập khiến người nghe có thể nghĩ là một trong ba thứ đó là điểm tiên khởi nhưng kỳ thật không nên hiểu như vậy.
- Nên chỉ nhìn vào hai khía cạnh bị tạo và trợ tạo không nằm trong khung thời gian: có thể từ kiếp nầy sanh kiếp khác như hành duyên thức, hữu duyên sanh; có thể từ đầu đến cuối kiếp sống như sanh duyên lão tử; có thể không nằm trong ý niệm thời gian như danh sắc duyên lục nhập.
- Chữ “diệt-nirodha” như trong câu “vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt…” nên được hiểu là “cái nầy không có thì cái kia không có” chứ không phải diệt là cái đang có bị đoạn tận.
Bản kinh tụng sau đây có thể dùng là một tóm tắt cho giáo lý duyên khởi:
Bởi không tường diệu đế
Hữu tình tạo nghiệp duyên
Chính vô minh nguồn cội
Là nhân tạo nên hành
Từ hành vi thiện ác
Gieo chủng thức tái sanh
Như vậy chính do hành
Kiết sanh thức tập khởi
Thức chủng tử đầu đời
Tạo hiện hữu thân tâm
Bởi do ý nghĩa nầy
Gọi thức duyên danh sắc
Vật chất và tâm thức
Biến hiện sáu giác quan
Như vậy do danh sắc
Lục nhập được hiện thành
Sáu giác quan năng động
Tiếp xúc sáu cảnh trần
Như vậy do lục nhập
Hiện tượng xúc khởi sanh
Sáu căn gặp sáu cảnh
Khổ lạc xả phát sanh
Như vậy do duyên xúc
Cảm thọ được tạo thành
Khổ lạc ưu hỷ xả
Nhân sanh mọi chấp trước
Phật dạy chính cảm thọ
Duyên tạo nên ái dục
Tham muốn nên dính mắc
Dục lạc cột mê tâm
Nên gọi nhân ái dục
Là duyên sanh chấp thủ
Khi tâm trần hệ lụy
Biến hiện muôn sở hành
Như vậy do duyên thủ
Tác động hữu khởi sanh
Có tạo tác có quả
Có chủng tử luân hồi
Như vậy do duyên hữu
Sanh quả được hiện thành
Có thân hẳn phải già
Có sanh ắt có diệt
Chính do ý nghĩa nầy
Gọi sanh duyên lão tử
Cũng chính do duyên sanh
Sầu bi khổ ưu não
Toàn bộ khổ uẩn nầy
Ðược hiện thành tập khởi
Không vô minh không hành
Không hành thời không thức
Không thức không danh sắc
Không danh sắc không lục nhập
Không lục nhập không xúc
Không xúc không cảm thọ
Không cảm thọ không ái
Không ái dục không thủ
Không chấp thủ không hữu
Không hữu thời không sanh
Không sanh không lão tử
Sầu bi khổ ưu não
Toàn bộ khổ uẩn nầy
Không hình thành tập khởi
170. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ những vấn đề trong nhận thức về bản ngã
Quan niệm về một bản ngã hằng hữu thường dựa trên những lập thuyết về kiếp quá khứ (như mỗi chúng sanh là một tự thể tách rời từ đại ngã) và kiếp tương lai (như chúng sanh sẽ trở về lại với tự tánh ban đầu hay chân diện mục). Theo Phật pháp thì một chúng sanh có thể được năm uẩn bằng sự quán sát ngay trong kiếp hiện tại. Hiểu được những hiện tượng sanh diệt của danh sắc trong kiếp hiện hiện tại thì không cần suy diễn kiếp trước hay đời sau. Đây cũng là ý nghĩa của giáo pháp với đặc tính: Được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân lãnh hội:
(Tri kiến về ngã)
Này các Tỷ-kheo, các Ông nên biết như vậy, thấy như vậy, có còn chạy theo thời quá khứ, và suy nghĩ: "Ta có mặt trong thời quá khứ hay không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta có mặt như thế nào trong thời quá khứ"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, có còn chạy theo thời vị lai, và suy nghĩ: "Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có nghi ngờ gì về mình trong thời hiện tại: "Ta có mặt hay ta không có mặt. Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt, hình vóc như thế nào? Hữu tình này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có nói như sau: "Bậc Ðạo Sư được chúng ta tôn trọng. Chúng ta nói vì chúng ta tôn trọng bậc Ðạo Sư"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có nói như sau: "Một Sa-môn nói với chúng tôi như vậy, các Sa-môn khác cũng nói như vậy, và còn chúng tôi không có nói như vậy"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có tìm một vị Ðạo Sư khác không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có trở lui lại các giới cấm, tế tự đàn tràng của các tục tử Sa-môn, Bà-la-môn (và nghĩ rằng) chúng là căn bản không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này các Tỷ-kheo, có phải các Ông chỉ nói những gì các Ông tự biết, tự thấy, tự ý thức được?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay, này các Tỷ-kheo,! Này các Tỷ-kheo, các Ông đã được ta giới thiệu Chánh Pháp, Pháp này thiết thực, hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân giác hiểu. Này các Tỷ-kheo, Pháp này thiết thực, hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân giác hiểu. Tất cả những gì đã nói là do duyên này mà nói.
171. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ bản chất hằng chuyển trong một kiếp sống
Đây là một kiếp người với đầy đủ những hiện tượng luôn dịch chuyển, bất toàn và vô ngã vì cấu thành do nhiều nhân nhiều duyên:
(Vòng luân hồi: từ sanh đến trưởng thành)
Này các Tỷ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỷ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình.
Rồi này các Tỷ-kheo, người mẹ trong chín hay mười tháng mang bào thai ấy, với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Rồi này các Tỷ-kheo, sau chín hay mười tháng, người mẹ sinh đẻ với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Khi đã sinh, người mẹ nuôi (hài nhi ấy) với máu của mình. Này các Tỷ-kheo, trong luật của bậc Thánh, sữa của bà mẹ được xem là máu.
Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ ấy, sau khi lớn lên, sau khi các căn đã thuần thục, chơi với những trò chơi dành cho các đứa trẻ, như với cái cày nhỏ, chơi khăng, chơi nhảy lộn nhào, chơi chong chóng, chơi với đồ đong bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ.
Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ sau khi lớn lên, sau khi các căn do mắt nhận thức, được thuần thục, thọ hưởng đầy đủ năm món dục lạc; các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân cảm xúc; các xúc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục.
172. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ sự tương tác giữa hai thế giới chủ quan và khách quan
Cuộc sống luôn là thể hiện của cả hai phía khách quan và chủ quan. Phần khách quan là sự hiện khởi của các cảnh. Phần chủ quan là dục hỷ, buồn phiền đối với thuận nghịch. Người cho rằng sống là phải xuôi theo định mệnh là phủ nhận khả năng can thiệp của ý chí. Ngược lại người quá tự tin là với ý chí mạnh mẽ có thể khiến tất tả theo ý muốn của mình là không biết về mãnh lực của nghiệp quá khứ và yếu tố khách quan mà mình không làm chủ được:
(Tiếp tục luân hồi)
Khi thấy sắc bằng mắt, người đó tham ái đối với sắc đẹp, người đó ghét bỏ đối với sắc xấu, người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Người đó không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước thọ ấy. Vì tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy, nên dục sanh hỷ, có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, nên dục hỷ sanh, có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Khi người đó nghe tiếng với tai... khi người đó ngửi hương với mũi... khi người đó nếm vị với lưỡi... khi người đó cảm xúc với thân... khi người đó nhận thức pháp với ý, người đó tham ái đối với pháp tốt, ghét bỏ đối với pháp xấu. Người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Người đó không như thật tuệ tri đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không còn dư tàn. Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy. Vì người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy nên dục hỷ sanh. Có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
173. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ con đường tháo gỡ ngã chấp
Những lập thuyết về bản ngã trường cữu thoạt nghe như là một tín lý tôn giáo nhưng đó chính là một luận điểm chống lại sự tu tập thay đổi bản thân. Người tu phải tin rằng dòng tâm thức có thể thay đổi do đó sự tu tập có giá trị:
(Ðoạn tận luân hồi: Sự tu tập)
Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp; vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không lỗi lầm.
Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiểu tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác.
(Ðoạn tận luân hồi: Giải thoát rốt ráo)
Khi vị ấy thấy sắc bằng mắt, vị ấy không tham ái đối với sắc đẹp, không ghét bỏ đối với sắc xấu, vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy từ bỏ (thuận nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
Khi vị ấy nghe tiếng bằng tai... khi vị ngửi hương bằng mũi... Khi vị ấy nếm vị bằng lưỡi... Khi vị ấy cảm xúc bằng thân... Khi vị ấy nhận thức pháp bằng ý, vị ấy không tham ái đối với pháp tốt, không ghét bỏ đối với pháp xấu. Vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy, vị ấy đoạn trừ (thuận nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
(Kết luận)
Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu
Phân đoạn & chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
No comments:
Post a Comment