Friday, September 11, 2020

Trung Bộ Kinh - 38. Ðại Kinh Ðoạn Tận Ái - Thứ Sáu, ngày 11 tháng 9, 2020

 Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya

Giảng Sư: Chư Tăng

GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  11/9/2020 

38. Ðại Kinh Ðoạn Tận Ái

(Mahātaṇhāsaṅkhaya Sutta) 

Tên bài kinh được đặt dựa trên nội dung dựa trên lời dạy của Đức Phật về đoạn tận ái chấp. Gọi là đại kinh vì bài kinh nầy dài hơn so với bài kinh trước ngắn hơn.

 Bản dịch tiếng Việt trước kia còn có tên là Ái Tận Đại Kinh.

 Một tỳ kheo tên là Sāti cho rằng theo những gì đã nghe được từ Đức Phật thì có một thức hằng chuyển đi từ kiếp nầy sang kiếp khác tạo nên dòng sanh tử. Sự việc được trình lên Đức Phật. Bậc Đạo Sự đã khẳng định cái nhìn thường kiến đó là sai lầm. Rồi Ngài dạy về dòng hiện hữu là sự kết nối của những hiện tượng do nhân do duyên sanh diệt nối nhau. Bài kinh là một giảng dạy khúc chiết về thường kiến, một thứ kiến chấp sai lạc, giáo lý duyên khởi và hành trình tu chứng ý cứ trên sự hiểu biết của căn, cảnh và thức.

 165. Tỳ kheo Sāti là nhận thức sai lạc

 Sāti là một tỳ kheo không học nhiều về giáo pháp mà chỉ chú tâm nghe và nhớ những câu chuyện tiền thân (Jataka). Từ những câu chuyện nầy vị tỳ kheo ấy chấp thủ quan điểm thường kiến là có một tự ngã thường hằng, dưới dạng tâm thức, đi từ kiếp nầy sang kiếp khác trong luân hồi sanh tử. Quan niệm nầy thật ra cũng rất phổ thông với nhiều Phật tử ngày nay với niềm tin về một linh hồn bất diệt.

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo tên là Sati, con của người đánh cá, khởi lên ác tà kiến như sau: "Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác".

 Một số đông Tỷ-kheo nghe như sau: "Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, khởi lên ác tà kiến như sau: 'Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác'". Rồi những Tỷ-kheo ấy đi đến chỗ Tỷ-kheo Sati, con của người đánh cá ở, khi đến xong liền nói với Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá như sau:

 -- Này Hiền giả Sāti, có đúng sự thật chăng, Hiền giả khởi lên ác tà kiến như sau: "Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác".

 -- Thật sự là vậy, chư Hiền, theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác.

 Rồi những Tỷ-kheo ấy muốn Tỷ-kheo Sati, con của người đánh cá, từ bỏ ác tà kiến ấy, liền cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận:

-- Hiền giả Sāti, chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như vậy. Hiền giả Sāti, Thế Tôn đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi; không có duyên thì thức không hiện khởi.

 Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, dù được các Tỷ-kheo ấy cật vấn, thảo luận, vẫn nói lên ác tà kiến ấy, cứng đầu chấp chặt, nắm chặt tà kiến ấy.

 -- Thật sự là vậy, chư Hiền. Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này dong ruỗi, luân chuyển, nhưng không đổi khác.

 Vì các Tỷ-kheo ấy không thể làm cho Tỷ-kheo Sāti, con người đánh cá từ bỏ ác tà kiến ấy, nên các vị ấy đến chỗ Thế Tôn ở, khi đến xong, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, những Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

 -- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, khởi lên ác tà kiến như sau: "Theo tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này dong ruỗi, luân chuyển, nhưng không đổi khác". Bạch Thế Tôn, chúng con nghe: "Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá khởi lên ác tà kiến như sau: "Theo tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này dong ruỗi, luân chuyển, nhưng không đổi khác"". Bạch Thế Tôn, rồi chúng con đi đến chỗ Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá ở, khi đến xong, liền nói với Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá:

 "-- Này Hiền giả Sāti, có đúng sự thật chăng? Hiền giả khởi lên ác tà kiến như sau: 'Theo tôi hiểu, pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác'".

 Bạch Thế Tôn, khi nghe nói vậy, Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá nói với chúng con như sau:

 "-- Thật sự là vậy, chư Hiền. Theo như tôi hiểu thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác.

 Bạch Thế Tôn, chúng con muốn khiến Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, từ bỏ ác tà kiến ấy, liền cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận:

 "-- Hiền giả Sāti chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như vậy. Hiền giả Sāti, Thế Tôn đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi, không có duyên thì thức không hiện khởi.

 "Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá dầu cho được chúng con cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận, vẫn nói lên ác tà kiến ấy, cứng đầu, chấp chặt, nắm chặt tà kiến ấy:

 "-- Thật sự là vậy, theo tôi hiểu, Thế Tôn thuyết giảng thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác".

 Bạch Thế Tôn, vì chúng con không thể làm cho Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, từ bỏ ác tà kiến ấy, nên chúng con đến hỏi Thế Tôn ý nghĩa này."

 Rồi Thế Tôn cho gọi là một Tỷ-kheo khác:

 -- Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta, gọi Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá: "Hiền giả Sāti, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả".

 -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 Tỷ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, đến chỗ Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, sau khi đến, liền nói với Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá:

 -- Hiền giả Sāti, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả.

 -- Thưa vâng, Hiền giả.

 Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá đáp lời Tỷ-kheo ấy, đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá đang ngồi xuống một bên:

 -- Này Sāti, có thật chăng, Ông khởi lên ác tà kiến như sau: "Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác"?

 -- Thật s là vậy, bạch Thế Tôn. Theo như con hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác.

 -- Này Sāti, thế nào là thức ấy.

 -- Bạch Thế Tôn, chính thức ấy nói cảm thọ, thọ lãnh chỗ này, chỗ kia, kết quả các hành động thiện ác.

 -- Này kẻ mê mờ kia, vì ai mà Ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy. Này kẻ mê mờ kia, có phải chăng, Ta đã dùng nhiều pháp môn nói là thức do duyên khởi, không có duyên, thì thức không hiện khởi? Và này kẻ mê mờ kia, không những Ông xuyên tạc Ta, vì Ông đã tự chấp thủ sai lạc, Ông còn tự phá hoại Ông và tạo nên nhiều tổn đức. Này kẻ mê mờ kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho Ông.

 Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

 -- Chư Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, có thể khởi lên tia lửa sáng gì trong Pháp, Luật này không?

 -- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể có được, không thể được, bạch Thế Tôn.

 Ðược nói vậy, Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, im lặng, hổ người, thụt vai, cúi đầu, lo âu, câm miệng. Rồi Thế Tôn sau khi biết được Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, đang im lặng, hổ ngươi, thụt vai, cúi đầu, lo âu, câm miệng, bèn nói với Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá.

 -- Này kẻ mê mờ kia, người ta sẽ biết Ông qua ác tà kiến của chính Ông. Ở đây, Ta sẽ hỏi các Tỷ-kheo.

 Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

 -- Chư Tỷ-kheo, các Ông có hiểu pháp Ta thuyết giảng giống như Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá này, không những đã xuyên tạc Ta vì đã tự chấp thủ sai lạc, mà còn tự phá hoại mình và tạo nên nhiều tổn đức?

 -- Bạch Thế Tôn, không. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi, không có duyên, thức không hiện khởi.

 -- Lành thay, chư Tỷ-kheo, lành thay, chư Tỷ-kheo, các Ông hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy! Chư Tỷ-kheo, Ta đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi. Không có duyên, thức không hiện khởi. Nhưng Tỷ-kheo Sāti, con của người đánh cá, không những xuyên tạc Ta vì đã tự chấp thủ sai lạc, còn tự phá hoại mình và tạo nên nhiều tổn đức, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho kẻ mê mờ ấy.

 166. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ về sự hiện khởi của các thức đi chung với căn và cảnh

 Quan niệm thường kiến thường dựa trên lập luận về một tâm thức hay linh hồn bất diệt. Theo Phật pháp thì thức không sanh khởi độc lập mà đi chung với căn và cảnh mà căn và cảnh thì biến dịch khôn lường:

(Duyên sanh Thức)

 Này các Tỷ-kheo, do duyên mà thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và các tiếng, thức sanh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Do duyên mũi và các hương, thức sanh, và thức ấy có tên là tỷ thức. Do duyên lưỡi và các vị, thức sanh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sanh và thức ấy có tên là thân thức. Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức. Này các Tỷ-kheo, do duyên nào lửa sanh và lửa ấy có tên tùy theo duyên ấy: duyên củi, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa củi. Duyên vỏ gỗ bào, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa vỏ bào. Duyên cỏ, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa cỏ. Duyên phân bò, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa phân bò. Duyên trấu, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa trấu. Duyên đống rác, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa đống rác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên, thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và các tiếng, thức sanh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Do duyên mũi và các hương, thức sanh, và thức ấy có tên và tỷ thức. Do duyên lưỡi và các vị, thức sanh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sanh, và thức ấy có tên là thân thức. Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức.

 Với sự kết hợp nầy thì rõ ràng căn thay đổi (như người già mắt mờ, tai điếc) hay cảnh thay đổi (nhưng hết thấy cảnh nầy sang cảnh khác) thì tâm thức phải thay đổi. Bảo rằng dù căn, cảnh thay đổi nhưng tâm thức thường hằng là không hiểu về xúc hay sự tập hợp của ba yếu tố căn, cảnh và thức.

 167. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ tất cả sự hiện hữu đều cần chất liệu nuôi dưỡng sự sanh khởi và tồn tại (tứ thực)

 Cũng như một ngọn lửa cháy nhờ nhiên liệu hay cây cỏ sống còn nhờ phân đất, tất cả sự tồn tại của pháp hữu vi đều cần chất liệu nuôi dưỡng để tồn tại mà Đức Phật gọi là tứ thực:

(Các câu hỏi về sanh vật)

 Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy sanh vật này không?

 -- Bạch Thế Tôn, có thấy.

 --Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy sự tác thành sanh vật do món ăn ấy không?

 -- Bạch Thế Tôn có thấy.

 -- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy, do sự đoạn diệt các món ăn ấy, sanh vật ấy cũng bị đoạn diệt không?

 -- Bạch Thế Tôn, có thấy.

 -- Này các Tỷ-kheo, vì do dự nên nghi hoặc sanh. Sanh vật này có thể không có mặt?

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, vì do dự nên nghi hoặc sanh. Sự tác thành của món ăn ấy có thể có hay không?

-- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, vì do dự nên nghi hoặc sanh. Do sự đoạn diệt các món ăn ấy, sanh vật ấy có thể bị đoạn diệt hay không bị đoạn diệt?

-- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, nếu thấy như thật với chánh trí tuệ, thì sự nghi ngờ này được trừ diệt. Sanh vật này có thể không có mặt.

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, nếu thấy như thật với chánh trí tuệ, thì sự nghi ngờ này được trừ diệt. Sự tác thành của món ăn ấy có thể có hay không?

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, nếu thấy như thật với chánh trí tuệ, thì sự nghi ngờ này được trừ diệt. Do sự đoạn diệt các món ăn ấy, sanh vật có thể bị đoạn diệt hay không bị đoạn diệt?

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, sanh vật này có mặt, (đối với vấn đề này), ở đây, các Ông có phải không có nghi hoặc không?

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, sự tác thành của món ăn ấy, (đối với vấn đề này), ở đây, các Ông có phải không có nghi hoặc không?

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, do sự đoạn diệt các món ăn ấy, sanh vật ấy có thể bị đoạn diệt, (đối với vấn đề này), ở đây, các Ông có phải không có nghi hoặc không?

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, sanh vật này có mặt, (đối với vấn đề này) có phải các Ông khéo thấy, nhờ như thật chánh trí tuệ không?

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 - Này các Tỷ-kheo, sự hiện hữu của sanh vật ấy là do các món ăn ấy tác thành,... này, có phải các Ông khéo thấy nhờ như thật chánh trí tuệ không?

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, do sự đoạn diệt các món ăn ấy, sanh vật ấy có thể bị đoạn diệt, (đối với vấn đề này), có phải các Ông khéo thấy nhờ như thật chánh trí tuệ không?

 -- Bạch Thế Tôn, có vậy.

 -- Này các Tỷ-kheo, đối với tri kiến này được thanh tịnh như vậy, được làm cho trong sáng như vậy, nếu các Ông chấp trước, lấy làm hãnh diện, truy cầu, xem là của mình, thì này các Tỷ-kheo, các Ông có thể hiểu ví dụ chiếc bè, nói Pháp được giảng dạy là để đưa vượt qua, không phải để nắm lấy.

 -- Bạch Thế Tôn, không.

 -- Nhưng này các Tỷ-kheo, đối với tri kiến này được thanh tịnh như vậy, được làm cho trong sáng như vậy, nếu các Ông không chấp trước, không lấy làm hãnh diện, không truy cầu, không xem là của mình, thì này các Tỷ-kheo, các Ông có thể hiểu ví dụ của mình, thì này các Tỷ-kheo, các Ông có thể hiểu ví dụ là của mình, thì này các Tỷ-kheo, các Ông có thể ví dụ chiếc bè, nói Pháp được giảng dạy là để đưa vượt qua, không phải để nắm lấy.

 -- Bạch Thế Tôn, có.

 168. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ định lý tác động và bị tác động

 Các pháp hữu vi luôn có hai vai trò bị tạo và trợ tạo. Tất cả đều có nhân duyên và tác độc sanh khởi pháp khác. Vòng luân chuyển của phiền não > nghiệp > quả > phiền não > nghiệp > quả là một xoay vần không có cái ban đầu không do duyên trợ tạo (như quan niệm con người phải do thượng đế tạo nhưng thượng đế không không có ai tạo):

 

(Thức ăn và Duyên khởi)

-- Này các Tỷ-kheo, có bốn món ăn giúp cho an trú các loài hữu tình đã sanh hay phò trợ các loài hữu tình sẽ sanh. Thế nào là bốn? Ðoàn thực hoặc thô hoặc tế, thứ hai là xúc thực, thứ ba là tư niệm thực, và thứ tư là thức thực.

 Và này các Tỷ-kheo bốn món ăn này, lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Bốn món ăn này lấy ái làm nhân duyên, lấy ái làm tập khởi, lấy ái làm sanh chủng, lấy ái làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, ái này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Ái lấy thọ làm nhân duyên, lấy thọ làm tập khởi, lấy thọ làm sanh chủng, lấy thọ làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, thọ này lấy gì làm nguyên nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Thọ lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm tập khởi, lấy xúc làm sanh chủng, lấy xúc làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, xúc này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Xúc lấy sáu nhập làm nhân duyên, lấy sáu nhập làm tập khởi, lấy sáu nhập làm sanh chủng, lấy sáu nhập làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, sáu nhập này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Sáu nhập lấy danh sắc làm nhân duyên, lấy danh sắc làm tập khởi, lấy danh sắc làm sanh chủng, lấy danh sắc làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, danh sắc này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Danh sắc lấy thức làm nhân duyên, lấy thức là tập khởi, lấy thức làm sanh chủng, lấy thức làm nguyên nhân. Này các Tỷ-kheo, thức này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Thức lấy hành làm nhân duyên, lấy hành làm tập khởi, lấy hành làm sanh chủng, lấy hành làm nguyên nhân. Này các Tỷ- kheo, các hành này lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm sanh chủng, lấy gì làm nguyên nhân? Các hành lấy vô minh làm sanh chủng, lấy vô minh làm nguyên nhân.

 

Như vậy Phật pháp dạy rằng tất cả hiện tượng vật chất hay tâm thức đều tồn tại do chất liệu nuôi dưỡng hay tứ thực. Chất liệu nuôi dưỡng vô thường thì tâm thức không thể hằng cữu.

 169. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ định lý về y tương sinh

 Đó là nguyên lý của hữu vi pháp: cái nầy có thì cái kia có, cái nầy không có thì cái kia không có. Như vậy sẽ không có sự hiện hữu đơn thuần mà luôn có lực tác động.

 Có hai cách lý giải về giáo lý duyên khởi:

 Cách giải thích thứ nhất, phổ thông thường tìm thấy ở Kinh Tạng, là thập nhị duyên khởi giảng theo “tam sinh” hay ba kiếp: quá khứ, hiện tại, và tương lai. Đây là cách trình bày theo hình thức quy mô (marcro)

 Cách giải thích thứ hai, tìm thấy trong A Tỳ Đàm, là thập nhị duyên khởi xẩy ra trong kiếp hiện hiện tại. Đây là hình thức trình bày theo vĩ mô (micro)

 (Tương tự như cách giảng về tứ đại có khi tách rời đất, nước, lửa, gió có khi giảng bốn đại là sắc bất ly)

 

(Duyên theo chiều thuận)

 Như vậy, này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được hiện hữu. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 (Duyên theo chiều nghịch)

Trước đã nói: Sanh duyên già, chết (Do duyên sanh nên già, chết hiện khởi). Này các Tỷ-kheo, sanh duyên già, chết có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, sanh duyên già, chết. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Sanh duyên già, chết.

 -- Trước đã nói: hữu duyên sanh. Này các Tỷ-kheo, hữu duyên sanh có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, hữu duyên sanh. Như vậy, đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Hữu duyên sanh.

 -- Trước đã nói: Thủ duyên hữu. Này các Tỷ-kheo, thủ duyên hữu có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, thủ duyên hữu. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Thủ duyên hữu.

 -- Trước đã nói: Ái duyên thủ. Này các Tỷ-kheo, ái duyên thủ có phải không? Hay ở đây, (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, ái duyên thủ. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Ái duyên thủ.

 -- Trước đã nói: Thọ duyên ái. Này các Tỷ-kheo, thọ duyên ái có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, thọ duyên ái. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Thọ duyên ái.

 - Trước đã nói: Xúc duyên thọ. Này các Tỷ-kheo, xúc duyên thọ có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, xúc duyên thọ. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Xúc duyên thọ.

-- Trước đã nói: Sáu nhập duyên xúc. Này các Tỷ-kheo, sáu nhập duyên xúc có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, sáu nhập duyên xúc. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Sáu nhập duyên xúc.

 -- Trước đã nói: Danh sắc duyên sáu nhập. Này các Tỷ-kheo, danh sắc duyên sáu nhập có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, danh sắc duyên sáu nhập. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Danh sắc duyên sáu nhập.

 -- Trước đã nói: Thức duyên danh sắc. Này các Tỷ-kheo, thức duyên danh sắc có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, thức duyên danh sắc. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Thức duyên danh sắc.

 -- Trước đã nói: Hành duyên thức: Này các Tỷ-kheo, hành duyên thức có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, hành duyên thức. Như vậy, đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Hành duyên thức.

 -- Trước đã nói: Vô minh duyên hành. Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, vô minh duyên hành. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Vô minh duyên hành.

 (Tóm lược về Duyên)

 -- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Các Ông nói như vậy và Ta cũng nói như vậy: "Cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh", như vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não cùng sanh khởi. Như vậy, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 (Diệt theo chiều thuận)

 Do vô minh đoạn diệt, xả ly một cách hoàn toàn nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

(Diệt theo chiều nghịch)

 Trước đã nói: Do sanh diệt nên già, chết diệt. Này các Tỷ-kheo, do sanh diệt nên già, chết diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do sanh diệt nên già, chết diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do sanh diệt nên già, chết diệt.

 -- Trước đã nói: Do hữu diệt nên sanh diệt. Này các Tỷ-kheo, do hữu diệt nên sanh diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do hữu diệt nên sanh diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do hữu diệt nên sanh diệt.

 -- Trước đã nói: Do thủ diệt nên hữu diệt. Này các Tỷ-kheo, do thủ diệt nên hữu diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do thủ diệt nên hữu diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do thủ diệt nên hữu diệt.

 -- Trước đã nói: Do ái diệt nên thủ diệt. Này các Tỷ-kheo, do ái diệt nên thủ diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do ái diệt nên thủ diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do ái diệt nên thủ diệt.

 -- Trước đã nói: Do thọ diệt nên ái diệt. Này các Tỷ-kheo, do thọ diệt nên ái diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, do thọ diệt nên ái diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do thọ diệt nên ái diệt.

 -- Trước đã nói: Do xúc diệt nên thọ diệt. Này các Tỷ-kheo, do xúc diệt nên thọ diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do xúc diệt nên thọ diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do xúc diệt nên thọ diệt.

 -- Trước đã nói: Do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Này các Tỷ-kheo, do sáu nhập diệt nên xúc diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do sáu nhập diệt nên xúc diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do sáu nhập diệt nên xúc diệt.

 -- Trước đã nói: Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Này các Tỷ-kheo, do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt.

 -- Trước đã nói: Do thức diệt nên danh sắc diệt. Này các Tỷ-kheo, do thức diệt nên danh sắc diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do thức diệt nên danh sắc diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do thức diệt nên danh sắc diệt.

 -- Trước đã nói: Do hành diệt nên thức diệt. Này các Tỷ-kheo, do hành diệt nên thức diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do hành diệt nên thức diệt. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Do hành diệt nên thức diệt.

 -- Trước đã nói: Do vô minh diệt nên hành diệt. Này các Tỷ-kheo, do vô minh diệt nên hành diệt có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?

 -- Bạch Thế Tôn, do vô minh diệt nên hành diệt. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Do vô minh diệt nên hành diệt.

 (Tóm lược về Diệt)

 - Lành thay, này các Tỷ-kheo! Các Ông nói như vậy và Ta cũng nói như vậy: "Cái này không có nên cái kia không có, cái này diệt nên cái kia diệt", như vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu nhập diệt, sáu nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. 

- Vô minh duyên hành có nghĩa là do không biết nên hành động tạo tác. Thí dụ: như một người tất bật làm nhiều công việc để kiếm tiền bởi vì không biết cách làm ra tiền nhẹ nhàng hơn. Người đó nghĩ mình làm nhiều việc vì mình biết nhiều thứ kỳ thật là làm nhiều việc do không biết cái nên làm.

- Hành duyên thức là từ hành vi thiện ác tạo nên chủng thức tái sanh tương ứng. Thí dụ như trồng cây thì ra trái trong trái có hạt giống để tạo ra cây. 

 - Thức duyên danh sắc là thức tái sanh tạo nên sanh loại. Thức tái sanh có năng lực quyết định phần lớn bản sắc của đời sống mới giống như một hạt cải tuy rất nhỏ nhưng chứa đựng đầy đủ hình tướng, mùi vị của cây cải sau nầy.

 - Danh sắc duyên lục nhập là sanh loại tạo nên đặc tính của các căn hay giác quan. Cũng là mắt, tai, mũi, lưỡi… nhưng mỗi loài một khác. Con mắt của loài vật không giống loài người.

 - Lục nhập duyên xúc là có các căn thì có tiếp xúc với các cảnh. Như một quốc gia với nội các chính phủ có nhiều bộ được thành lập. Nếu có các bộ thì tự nhiên phải có những công việc liên đới xẩy ra.

 - Xúc duyên thọ là do tiếp xúc với cảnh nên sanh ra cảm giác. Chính ở đây là mấu chốt chiêu cảm quả nghiệp tốt, xấu qua khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ.

 - Thọ duyên ái là từ cảm giác khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ sanh ưa thích thí dụ như một người không biết uống trà thì đối với tất cả trà đều dửng dưng nhưng khi đã có phân biệt tinh tế vị trà thì sanh có sự trân quý đối với những thứ trà ngon.

 - Ái duyên thủ là có ưa thích thì có bám víu. Như một người không biết phân giá trị cây, hoa trong vườn thì không nghĩ đến còn mất nhưng một khi có ưa thích hay hiểu được giá trị một loại hoa hay cây ăn trái trong vườn thì bận tâm chăm sóc nhiều.

 - Thủ duyên hữu có nghĩa là do sự bám víu nên thể hiện qua hành động tạo tác. Như một người ưa chuộng cái gì đó nên cố gắng đi làm tạo ra tiền để có được cái mình muốn có.

 - Hữu duyên sanh có nghĩa là từ nghiệp tạo tác tạo sanh quả ở tương lai. Như một người do lý do nầy lý do khác dời đổi chỗ ở thì dọn đến nơi khác là sự bắt đầu một giai đoạn mới.

 - Sanh duyên lão tử có nghĩa là trong sự sanh đã có yếu tố quyết định thọ mạng. Dù chủng loại nào thì cũng có hiện tự lão hoá và chấm dứt bằng cái chết. Đó là bản chất tự nhiên.

 

Nên lưu ý vài điểm về giáo lý duyên khởi:

 -  Trình bày thì có đầu có đuôi nhưng thực tế là một xoay vần không mối ban đầu. Trong bài kinh nầy tứ thực, ái và vô minh đều được đề cập khiến người nghe có thể nghĩ là một trong ba thứ đó là điểm tiên khởi nhưng kỳ thật không nên hiểu như vậy.

 -  Nên chỉ nhìn vào hai khía cạnh bị tạo và trợ tạo không nằm trong khung thời gian: có thể từ kiếp nầy sanh kiếp khác như hành duyên thức, hữu duyên sanh; có thể từ đầu đến cuối kiếp sống như sanh duyên lão tử; có thể không nằm trong ý niệm thời gian như danh sắc duyên lục nhập.

 - Chữ “diệt-nirodha” như trong câu “vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt…” nên được hiểu là “cái nầy không có thì cái kia không có” chứ không phải diệt là cái đang có bị đoạn tận.

 Bản kinh tụng sau đây có thể dùng là một tóm tắt cho giáo lý duyên khởi:

 Bởi không tường diệu đế

Hữu tình tạo nghiệp duyên

Chính vô minh nguồn cội

Là nhân tạo nên hành

 Từ hành vi thiện ác

Gieo chủng thức tái sanh

Như vậy chính do hành

Kiết sanh thức tập khởi

 Thức chủng tử đầu đời

Tạo hiện hữu thân tâm

Bởi do ý nghĩa nầy

Gọi thức duyên danh sắc

 Vật chất và tâm thức

Biến hiện sáu giác quan

Như vậy do danh sắc

Lục nhập được hiện thành

 Sáu giác quan năng động

Tiếp xúc sáu cảnh trần

Như vậy do lục nhập

Hiện tượng xúc khởi sanh

 Sáu căn gặp sáu cảnh

Khổ lạc xả phát sanh

Như vậy do duyên xúc

Cảm thọ được tạo thành

 Khổ lạc ưu hỷ xả

Nhân sanh mọi chấp trước

Phật dạy chính cảm thọ

Duyên tạo nên ái dục

 Tham muốn nên dính mắc

Dục lạc cột mê tâm

Nên gọi nhân ái dục

Là duyên sanh chấp thủ

 Khi tâm trần hệ lụy

Biến hiện muôn sở hành

Như vậy do duyên thủ

Tác động hữu khởi sanh

 Có tạo tác có quả

Có chủng tử luân hồi

Như vậy do duyên hữu

Sanh quả được hiện thành

 Có thân hẳn phải già

Có sanh ắt có diệt

Chính do ý nghĩa nầy

Gọi sanh duyên lão tử

 Cũng chính do duyên sanh

Sầu bi khổ ưu não

Toàn bộ khổ uẩn nầy

Ðược hiện thành tập khởi

 Không vô minh không hành

Không hành thời không thức

Không thức không danh sắc

Không danh sắc không lục nhập

Không lục nhập không xúc

Không xúc không cảm thọ

Không cảm thọ không ái

Không ái dục không thủ

Không chấp thủ không hữu

Không hữu thời không sanh

Không sanh không lão tử

Sầu bi khổ ưu não

Toàn bộ khổ uẩn nầy

Không hình thành tập khởi

 170. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ những vấn đề trong nhận thức về bản ngã

 Quan niệm về một bản ngã hằng hữu thường dựa trên những lập thuyết về kiếp quá khứ (như mỗi chúng sanh là một tự thể tách rời từ đại ngã) và kiếp tương lai (như chúng sanh sẽ trở về lại với tự tánh ban đầu hay chân diện mục). Theo Phật pháp thì một chúng sanh có thể được năm uẩn bằng sự quán sát ngay trong kiếp hiện tại. Hiểu được những hiện tượng sanh diệt của danh sắc trong kiếp hiện hiện tại thì không cần suy diễn kiếp trước hay đời sau. Đây cũng là ý nghĩa của giáo pháp với đặc tính: Được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân lãnh hội:

 

(Tri kiến về ngã)

 Này các Tỷ-kheo, các Ông nên biết như vậy, thấy như vậy, có còn chạy theo thời quá khứ, và suy nghĩ: "Ta có mặt trong thời quá khứ hay không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta có mặt như thế nào trong thời quá khứ"?

 -- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 -- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, có còn chạy theo thời vị lai, và suy nghĩ: "Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai"?

 -- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 -- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có nghi ngờ gì về mình trong thời hiện tại: "Ta có mặt hay ta không có mặt. Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt, hình vóc như thế nào? Hữu tình này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 -- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có nói như sau: "Bậc Ðạo Sư được chúng ta tôn trọng. Chúng ta nói vì chúng ta tôn trọng bậc Ðạo Sư"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 -- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có nói như sau: "Một Sa-môn nói với chúng tôi như vậy, các Sa-môn khác cũng nói như vậy, và còn chúng tôi không có nói như vậy"?

 -- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 -- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có tìm một vị Ðạo Sư khác không?

 -- Thưa không, bạch Thế Tôn.

 -- Này các Tỷ-kheo, các Ông biết như vậy, thấy như vậy, các Ông có trở lui lại các giới cấm, tế tự đàn tràng của các tục tử Sa-môn, Bà-la-môn (và nghĩ rằng) chúng là căn bản không?

 -- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Này các Tỷ-kheo, có phải các Ông chỉ nói những gì các Ông tự biết, tự thấy, tự ý thức được?

 -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 -- Lành thay, này các Tỷ-kheo,! Này các Tỷ-kheo, các Ông đã được ta giới thiệu Chánh Pháp, Pháp này thiết thực, hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân giác hiểu. Này các Tỷ-kheo, Pháp này thiết thực, hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân giác hiểu. Tất cả những gì đã nói là do duyên này mà nói.

 171. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ bản chất hằng chuyển trong một kiếp sống

Đây là một kiếp người với đầy đủ những hiện tượng luôn dịch chuyển, bất toàn và vô ngã vì cấu thành do nhiều nhân nhiều duyên:

 

(Vòng luân hồi: từ sanh đến trưởng thành)

 Này các Tỷ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỷ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình.

Rồi này các Tỷ-kheo, người mẹ trong chín hay mười tháng mang bào thai ấy, với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Rồi này các Tỷ-kheo, sau chín hay mười tháng, người mẹ sinh đẻ với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Khi đã sinh, người mẹ nuôi (hài nhi ấy) với máu của mình. Này các Tỷ-kheo, trong luật của bậc Thánh, sữa của bà mẹ được xem là máu.

 Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ ấy, sau khi lớn lên, sau khi các căn đã thuần thục, chơi với những trò chơi dành cho các đứa trẻ, như với cái cày nhỏ, chơi khăng, chơi nhảy lộn nhào, chơi chong chóng, chơi với đồ đong bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ.

 Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ sau khi lớn lên, sau khi các căn do mắt nhận thức, được thuần thục, thọ hưởng đầy đủ năm món dục lạc; các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân cảm xúc; các xúc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục.

 172. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ sự tương tác giữa hai thế giới chủ quan và khách quan

 Cuộc sống luôn là thể hiện của cả hai phía khách quan và chủ quan. Phần khách quan là sự hiện khởi của các cảnh. Phần chủ quan là dục hỷ, buồn phiền đối với thuận nghịch. Người cho rằng sống là phải xuôi theo định mệnh là phủ nhận khả năng can thiệp của ý chí. Ngược lại người quá tự tin là với ý chí mạnh mẽ có thể khiến tất tả theo ý muốn của mình là không biết về mãnh lực của nghiệp quá khứ và yếu tố khách quan mà mình không làm chủ được:

 

(Tiếp tục luân hồi)

 Khi thấy sắc bằng mắt, người đó tham ái đối với sắc đẹp, người đó ghét bỏ đối với sắc xấu, người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Người đó không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước thọ ấy. Vì tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy, nên dục sanh hỷ, có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, nên dục hỷ sanh, có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 Khi người đó nghe tiếng với tai... khi người đó ngửi hương với mũi... khi người đó nếm vị với lưỡi... khi người đó cảm xúc với thân... khi người đó nhận thức pháp với ý, người đó tham ái đối với pháp tốt, ghét bỏ đối với pháp xấu. Người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Người đó không như thật tuệ tri đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không còn dư tàn. Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy. Vì người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy nên dục hỷ sanh. Có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 173. Chấp thủ thường kiến là không hiểu rõ con đường tháo gỡ ngã chấp

 Những lập thuyết về bản ngã trường cữu thoạt nghe như là một tín lý tôn giáo nhưng đó chính là một luận điểm chống lại sự tu tập thay đổi bản thân. Người tu phải tin rằng dòng tâm thức có thể thay đổi do đó sự tu tập có giá trị:

(Ðoạn tận luân hồi: Sự tu tập)

 Ở đời, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên thuyết điều Như Lai đã chứng ngộ. Như Lai thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa. Như Lai truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh. 

 Người gia trưởng hay con vị gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nào nghe Pháp ấy. Sau khi nghe Pháp, người ấy sanh lòng kính ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng, vị ấy suy nghĩ: "Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Sau một thời gian, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

 Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống thành tựu học pháp chánh hạnh, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, sống thanh tịnh, không có trộm cắp, từ bỏ tà hạnh, sống theo phạm hạnh, sống hạnh viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ.

 Từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt, không phản lại đối với đời, từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, không đến nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp, từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh Pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.

 Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hột giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời, từ bỏ đi xem múa, hát, nhạc, trình diễn, từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thơm và các thời trang, từ bỏ dùng giường cao và giường lớn, từ bỏ nhận vàng bạc, từ bỏ nhận các hạt sống, từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà, con gái, từ bỏ nhận nô tỳ, gái và trai, từ bỏ nhận cừu và dê, từ bỏ nhận gia cầm và heo, từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái, từ bỏ nhận ruộng nương và đất đai, từ bỏ nhận người môi giới hoặc tự mình làm môi giới, từ bỏ buôn bán, từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc, đo lường, từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo, từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

 Vị ấy biết đủ với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Ví như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh; cũng vậy, Tỷ-kheo biết đủ với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Vị ấy nhờ thành tựu Thánh giới uẩn này nên hưởng được lạc thọ, nội tâm không lỗi lầm.

Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp; vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không lỗi lầm.

Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiểu tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác.

 Vị ấy với sự thành tựu Thành giới uẩn này, với sự thành tựu Thánh hộ trì căn này, và với Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng, tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa, tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

 Sau khi từ bỏ năm triền cái làm ô nhiễm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Lại nữa, này các Tỷ- kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm giác sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú Thiền thứ ba. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

 173. Đoạn tận ái và trạng thái giải thoát theo lời Phật dạy

 Đoạn tận ái là chặt đứt mắt xích cấu thành vòng luân hồi. Ái giống như gót chân A xin (achilles heel) là nhược điểm của ma vương mà hành giả có thể tấn công được:

(Ðoạn tận luân hồi: Giải thoát rốt ráo)

 

Khi vị ấy thấy sắc bằng mắt, vị ấy không tham ái đối với sắc đẹp, không ghét bỏ đối với sắc xấu, vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy từ bỏ (thuận nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Khi vị ấy nghe tiếng bằng tai... khi vị ngửi hương bằng mũi... Khi vị ấy nếm vị bằng lưỡi... Khi vị ấy cảm xúc bằng thân... Khi vị ấy nhận thức pháp bằng ý, vị ấy không tham ái đối với pháp tốt, không ghét bỏ đối với pháp xấu. Vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy, vị ấy đoạn trừ (thuận nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 (Kết luận)

 Này các Tỷ-kheo, các Ông hãy thọ trì ái tận giải thoát này, được Ta nói một cách tóm tắt, nhưng (phải nhớ là) Tỷ-kheo Sati, con của người đánh cá, đã bị mắc trong cái lưới lớn của ái, trong sự rối loạn của ái.

 Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu

Phân đoạn & chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng

-ooOoo-

 

Kinh số 38 [tóm tắt]

Đại Kinh Đoạn Tận Ái

(Mahātaṇhāsaṅkhaya Sutta)

(M.i, 256)

 

A. Duyên khởi:

 

Tỷ-kheo Sati khởi lên tà kiến, xem thức là dong ruổi luân chuyển nhưng không đổi khác. Các Tỷ-kheo khuyên Sati nên bỏ tà kiến này, nhưng không được, bèn thưa lên Đức Phật. Đức Phật cho gọi Sati đến và Sati xác nhận có nói như thế.

B Chánh kinh:

 

I. Thế Tôn xác nhận đúng nghĩa của thức là do duyên sanh, tuỳ duyên mà có tên sai khác. Rồi Ngài đề cập đến sự có mặt, sự tập khởi, sự đoạn diệt của thức và một số vấn đề liên quan đến vấn đề này.

 

II. Sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn, theo tiến trình duyên sanh.

 

III. Sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này theo tiến trình duyên diệt.

 

IV. Ích lợi của sự hiểu biết về sự hiện hữu, tập khởi và đoạn diệt của một sinh vật.

 

V. Sự tập khởi toàn bộ khổ uẩn của một con người và sự đoạn diệt toàn bộ khổ uẩn của một con người nhờ Như Lai thuyết pháp.

 

1. Sự ra đời của một con người, từ khi sanh cho đến sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn của con người ấy.

 

2. Như Lai ra đời, thuyết pháp. Vị thiện nam tử nghe pháp, khởi lòng tin, xuất gia, tu tập theo giới, định, tuệ, cuối cùng được giải thoát.

 

C. Kết luận:

 

Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

 

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

-ooOoo-

 

Kinh số 38 [dàn ý]

Đại Kinh Đoạn Tận Ái

(Mahātaṇhāsaṅkhaya Sutta)

(M.i, 256)

 

Tỷ-kheo Sāti khởi lên ác tà kiến: “Thức này dong ruỗi luân chuyển nhưng không đổi khác. Chính thức ấy mới cảm thọ, thọ lãnh kết quả thiện ác!” Đức Phật khiển trách Sāti, nói rằng: Đức Phật đã nói thức do duyên khởi, không có duyên thời thức không có khởi.

 

Rồi đức Phật giải thích, do duyên thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy; sự có mặt của sanh vật, sự sanh diệt của sanh vật ấy. Những nghi ngờ gì có thể khởi lên đối với sanh vật; với trí tuệ, trừ diệt các nghi ngờ ấy; với trí tuệ, khéo thấy sự sanh diệt các sanh vật; không chấp trước các tri kiến, hiểu được ví dụ chiếc bè. Rồi đức Phật phân tích sự tập khởi và sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn; những lợi ích do sự hiểu biết này đưa đến, không còn nghi ngờ, không còn tà kiến, tự thấy, tự ý thức và thấy được pháp. Tiếp theo, đức Phật nói đến sự hình thành của bào thai, sự ra đời của một chúng sanh, con người ấy lớn lên, đắm say các dục, không biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tùy hỷ các cảm thọ, chấp thủ, khởi lên khổ uẩn. Cuối cùng, đức Phật nói đến sự xuất hiện của đức Phật: Ngài thuyết pháp, một thiện nam tử nghe pháp xuất gia, sống và tu tập giới định tuệ, được giải thoát, giác ngộ, đoạn tận ái, không còn sanh tử luân hồi.

 

Đức Phật dạy thức do duyên sanh và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Đức Phật đề cập đến sinh vật (bhūta), sự tác thành sinh vật do các món ăn; sự đoạn diệt các sinh vật do sự đoạn diệt các món ăn; các nghi ngờ có thể sanh đối với sinh vật; sự đoạn trừ các nghi ngờ này nhờ thấy như thật với trí tuệ; nhờ đoạn trừ các nghi ngờ, nên không còn có các nghi ngờ đối với sanh vật; nhờ như thật thấy với chánh trí tuệ, nên được khéo thấy đối với vấn đề sanh vật; với tri kiến thanh tịnh này, nếu chấp trước, hãnh diện, truy cầu thời không thể hiểu được. Chánh pháp như chiếc bè. Nếu không chấp trước, hãnh diện, truy cầu thời có thể hiểu được ví dụ chánh pháp như chiếc bè: nói Pháp dùng để vượt qua, không phải để nắm giữ.

 

Rồi đức Phật đề cập đến bốn món ăn, bốn món ăn này lấy ái làm nhân duyên; ái lấy thọ, thọ lấy xúc, xúc lấy sáu nhập, sáu nhập lấy danh sắc, danh sắc lấy thức, thức lấy hành, hành lấy vô minh làm nhân duyên. Như vậy duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, cho đến duyên sanh có già chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn.

 

Rồi đức Phật thuyết về duyên khởi: do duyên sanh nên có già chết, duyên hữu nên có sanh, duyên thủ nên có hữu, duyên ái nên có thủ, duyên thọ nên có ái, duyên xúc nên có thọ, duyên sáu nhập nên có xúc, duyên danh sắc nên có sáu nhập, duyên thức nên có danh sắc, duyên hành nên có thức, duyên vô minh nên có hành. Như vậy cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh, như duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, cho đến duyên sanh có già chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn. Do vô minh diệt nên hành diệt, do hành diệt nên thức diệt, cho đến do sanh diệt nên già chết, sầu bi, khổ, ưu, não đều diệt, như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Rồi đức Phật thuyết về duyên diệt: do sanh diệt nên già chết diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do sáu nhập diệt nên xúc diệt, do danh sắc diệt nên sáu nhập diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do hành diệt nên thức diệt, do vô minh diệt nên hành diệt. Như vậy do cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt nên cái kia diệt; do vô minh diệt nên hành diệt; do hành diệt nên thức diệt... cho đến sanh diệt nên già chết, sầu bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Khi đã hiểu sự tập khởi và sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn, thời vị Tỷ-kheo sẽ không còn chạy theo sự có mặt của mình trong quá khứ, tương lai, hiện tại; không xem bậc Đạo sư là quá nặng nề; không nương tựa lời nói của người khác; không tìm một Đạo sư khác; không trở lui các giới cấm, tế tự đàn tràng của tục tử Sa-môn; chỉ nói những gì tự biết, tự thấy, tự ý thức được, và có vậy mới hiểu được Pháp do Thế Tôn giảng dạy, thiết thực hiện tại, chỉ người có trí mới chứng hiểu. Tất cả những gì đức Phật nói chính do duyên này mà nói.

 

Tiếp đến đức Phật đề cập đến sự hình thành của bào thai: Có ba sự hòa hợp thời một bào thai mới hình thành, khi nào bào thai hình thành, phải chín tháng cưu mang, khi sinh người mẹ nuôi với máu của mình, tức là với sữa. Rồi đứa trẻ lớn lên, chơi với trò chơi cho đến khi trưởng thành, các căn thuần thục, hưởng thọ các dục. Khi thấy sắc, nó tham ái với sắc đẹp, nó ghét giận với sắc xấu, nó sống không an trú niệm trên thân, với một tâm nhỏ mọn, không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát, như vậy nó rơi vào thuận và nghịch, tùy hỷ, hoan nghênh tham trước các cảm thọ, nên hoan hỷ sanh. Có hoan hỷ nên có chấp thủ, do duyên thủ nên có hữu, do duyên hữu nên có sanh, do duyên sanh nên có già chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn.

 

Rồi Như Lai xuất hiện thuyết pháp, trình bày nếp sống Phạm hạnh thuần tịnh. Người gia trưởng hay con người gia trưởng nghe pháp xuất gia, sống Phạm hạnh, sống theo giới định tuệ.

 

Sống theo giới tức là bỏ mười điều ác, làm mười hạnh lành, sống giữ theo tiểu giới, trung giới, chế ngự các căn, chánh niệm tỉnh giác. Rồi vị ấy tu thiền, để niệm trước mặt, ngồi kiết già, đoạn trừ năm triền cái, chứng và trú bốn thiền. Khi mắt thấy sắc, vị ấy không tham ái đối với hảo sắc, không ghét bỏ đối với ố sắc, sống niệm an trú trên thân với tâm vô lượng. Vị ấy như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát, từ bỏ thuận nghịch, phàm có thọ gì, không có hân hoan, không có hoan hỷ, nên hỷ đối với các thọ được đoạn diệt... Do hỷ diệt nên thủ diệt; do thủ diệt nên hữu diệt... cho đến sầu bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Sau cùng đức Phật khuyên các Tỷ-kheo thọ trì Ái tận Giải thoát này.

 

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

-ooOoo-

 

Kinh số 38 [toát yếu]

Đại Kinh Đoạn Tận Ái

(Mahātaṇhāsaṅkhaya Sutta)

(M.i, 256)

 

I. TOÁT YẾU

 

Mahātanhāsankhāya Sutta - The greater discourse on the destruction of craving.

 

A bhikkhu named Sati promulgates the pernicious view that the same consciousness transmigrates from life to life. The Buddha reprimands him with a lengthy discourse on dependent origination, showing how all phenomena of existence arise and cease through conditions.

 

Bản kinh dài về Đoạn ái dục.

 

Một tỳ kheo tên Sati tuyên bố tà kiến cho rằng cũng một tâm thức ấy lưu chuyển đời này sang đời khác. Phật quở trách ông với một bài thuyết giảng dài về lý duyên sinh, chỉ rõ tất cả pháp hiện hữu [hiện tượng] đều sinh và diệt do những điều kiện.

 

 

 

II. TÓM TẮT

 

Tỳ kheo tên Sati khởi lên ác tà kiến cho rằng Thức này cứ luân chuyển qua các cõi luân hồi nhưng không có đổi khác. Phật cho gọi ông để hỏi có thực ông nghĩ vậy không. Khi Sati xác nhận ông hiểu đúng như vậy, Phật dạy đấy là xuyên tạc lời Ngài dạy, và là một kiểu chấp ngã.

 

Phật thường dạy tất cả pháp do duyên sinh. Thức cũng thế, nếu không có các duyên hay điều kiện, thì thức không hiện khởi. Thức được đặt tên do những điều kiện phát sinh ra nó, như do duyên mắt và sắc, có tên là nhãn thức; do duyên tai và tiếng, có tên là nhĩ thức; do duyên mũi và mùi, có tên là tỷ thức; do duyên lưỡi và vị, có tên là thiệt thức; do duyên thân và xúc, có tên là thân thức; do duyên ý và pháp, có tên là ý thức. Như lửa đốt bằng củi thì gọi là lửa củi, lửa đốt bằng rơm gọi là lửa rơm, đốt bằng trấu gọi là lửa trấu.

 

Tất cả các sinh vật tác thành nhờ thức ăn, nếu thức ăn đoạn diệt, sinh vật cũng đoạn diệt. Có bốn loại thức ăn, nương vào đấy các hữu tình an trú, đó là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, và thức thực. Bốn loại thức ăn này có nguyên nhân là ái, ái có ra từ thọ, nguyên nhân thọ là xúc, nguyên nhân xúc là sáu nhập, nhân của sáu nhập là danh- sắc, nhân của danh-sắc là thức, nhân của thức là hành, nhân của hành là vô minh. Do mê mờ bốn chân lý nên có sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không; cái này sinh nên kia sinh; cái này diệt, nên kia diệt. Tỳ kheo biết như vậy sẽ không truy tầm quá khứ hay theo đuổi vị lai để đi tìm tự ngã. Họ cũng không thờ một bậc thầy nào khác ngoài Phật, bậc đạo sư đã công bố Duyên khởi. Họ cũng không còn có những giới cấm thủ như ngoại đạo với mục đích tái sinh vào các cõi. Vị ấy thành tựu Giới, từ bỏ năm triền cái, chứng và trú bốn thiền, sống với tâm vô lượng. Khi cảm thọ khởi lên, vị ấy đoạn trừ tâm thuận nghịch, nghĩa là không còn ưa cái này ghét cái nọ. Nhờ không tham nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên già chết sầu bi khổ não diệt. Đây là sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này, gọi là "Ái tận giải thoát."

 

III. CHÚ GIẢI

 

Theo Luận, tỳ kheo Sàti vì lý giải sai lạc sự kiện tái sinh, đã đi đến kết luận rằng có một cái thức trường cửu di chuyển từ đời này sang đời khác mới có thể giải thích được hiện tượng tái sinh. Phần đầu kinh này lặp lại đề tài "nắm giữ Pháp một cách sai lạc" như phần đầu của kinh Bắt rắn số 22, chỉ khác là kinh Bắt rắn đề cập kiến chấp về dục [dục thủ], còn kinh này đề cập kiến chấp về thức [kiến thủ].

 

"Chính thức ấy nói, cảm thọ kết quả các hành vi thiện ác chỗ này chỗ kia..." Đây là một trong sáu loại kiến chấp về tự ngã nói ở kinh số 2, Tất cả lậu hoặc.

Mục đích của ví dụ này là để chứng tỏ không có thức lưu chuyển qua các giác quan [căn môn]. Hệt như lửa đốt bằng củi cháy nhờ củi, và tắt khi hết củi chứ không lưu chuyển đến tro để thành lửa tro. Thức cũng vậy, khởi lên do duyên nhãn căn và hình sắc thành nhãn thức sẽ chấp dứt khi các điều kiện này chấm dứt, chứ không chuyển qua lỗ tai, vv. thành nhĩ thức vv. Phật dạy: "Trong sự sinh khởi của thức, còn không có chuyện lưu chuyển từ căn môn này qua căn môn khác, thì làm sao có chuyện lưu chuyển từ đời này sang đời khác."

 

Có cảm thọ nào khởi lên, vị ấy không hoan nghênh thọ ấy; ... do dục hỷ diệt nên thủ diệt: [Kệ: Khi cảm thọ khởi lên, đoạn trừ tâm thuận nghịch]. Lời này cho thấy sợi xích duyên sinh bị bẽ gãy tại chỗ nối thọ với ái. Thọ hay cảm giác đương nhiên phải khởi lên, vì đã có ra cái thân thể do nghiệp quá khứ. Nhưng nếu hiện tại, ta không thích thú trong các cảm thọ, thì ái sẽ không có cơ hội khởi lên kèm theo những phản ứng thuận nghịch để cung cấp thêm nhiên liệu cho vòng tái sinh. Chu kỳ tái sinh như vậy sẽ chấm dứt.

 

IV. PHÁP SỐ

 

Bốn niệm xứ, bốn thiền, bốn thức ăn, năm triền cái, Sáu căn, sáu trần, sáu thức, mười hai nhân duyên.

 

V. KỆ TỤNG

 

Tỳ kheo tên Sati
Khởi lên ác tà kiến
"Thức này cứ luân chuyển

Nhưng không có khác gì."

Đây là lời xuyên tạc
Vì Phật vẫn thường dạy

Nếu không có các duyên

Thì thức không hiện khởi.

Thức do duyên mà sinh

Duyên nào mang tên ấy

Do duyên mắt và sắc

Có tên là nhãn thức

Do duyên tai và tiếng

Có tên là nhĩ thức
Do duyên mũi và mùi

Có tên là tỷ thức

Do duyên lưỡi và vị

Có tên là thiệt thức

Do duyên thân và xúc

Có tên là thân thức

Do duyên ý và pháp

Có tên là ý thức.

Như lửa đốt bằng củi

Thì gọi là lửa củi

 

Lửa được đốt bằng rơm

Được gọi là lửa rơm

Duyên trấu mà lửa sinh

Thì gọi là lửa trấu.

Tất cả các sinh vật
Tác thành nhờ thức ăn

Nếu thức ăn đoạn diệt

Sinh vật cũng đoạn diệt.

Có bốn loại thức ăn

Khiến hữu tình an trú

Là đoàn thực, xúc thực

Tư niệm thực, thức thực.

Bốn loại thức ăn này
Có nguyên nhân là ái

Ái có ra từ thọ
Nguyên nhân thọ là xúc

Nguyên nhân xúc, sáu nhập

Nhân sáu nhập, danh-sắc

Nhân danh-sắc là thức

Nhân của thức là hành

Nhân của hành, vô minh

Do mê mờ bốn đế
Đấy là sự tập khởi
Toàn bộ khổ uẩn này.

Cái này có, kia có
Cái này không, kia không

Cái này sinh, kia sinh
Cái này diệt, kia diệt.

Tỳ kheo biết như vậy

Không truy tầm quá khứ

Hay theo đuổi vị lai
Để đi tìm tự ngã.

Không thờ thầy nào khác

Không còn giới cấm thủ.

Vị ấy thành tựu Giới
Từ bỏ năm triền cái.

Chứng và trú bốn thiền

Sống với tâm vô lượng
Khi cảm thọ khởi lên
Đoạn trừ tâm thuận nghịch

Không tham nên Thủ diệt

Thủ diệt nên Hữu diệt

Hữu diệt nên Sinh diệt

Sinh diệt, Già chết diệt

Sầu bi khổ... cũng diệt

Đây là sự chấm dứt

Toàn bộ khổ uẩn này

Gọi "Ái tận giải thoát."

 

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu

Tóm tắt & chú giải: Thích Nữ Trí Hải

-ooOoo-

 

38. Mahātaṇhāsaṅkhayasuttaṃ [Mūla]

 

396. Evaṃ    me sutaṃ : ekaṃ samayaṃ Bhagavā sāvatthiyaṃ viharati jetavane anāthapiṇḍikassa ārāme. Tena kho pana samayena sātissa nāma bhikkhuno kevaṭṭaputtassa evarūpaṃ pāpakaṃ diṭṭhigataṃ uppannaṃ hoti : ''tathāhaṃ bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati anaññanti. Assosuṃ kho sambahulā bhikkhū : ''sātissa kira nāma bhikkhuno kevaṭṭaputtassa evarūpaṃ pāpakaṃ diṭṭhigataṃ uppannaṃ : 'tathāhaṃ bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati, anaññanti. Atha kho te bhikkhū yena sāti bhikkhu kevaṭṭaputto tenupasaṅkamiṃsu upasaṅkamitvā sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ etadavocuṃ : ''saccaṃ kira te, āvuso sāti, evarūpaṃ pāpakaṃ diṭṭhigataṃ uppannaṃ : 'tathāhaṃ bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati, anaññanti? ''evaṃ byā kho ahaṃ, āvuso, bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati, anaññanti. Atha kho te bhikkhū sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ etasmā pāpakā diṭṭhigatā vivecetukāmā samanuyuñjanti samanugāhanti samanubhāsanti : ''mā evaṃ, āvuso sāti, avaca, mā bhagavantaṃ abbhācikkhi, na hi sādhu bhagavato abbhakkhānaṃ, na hi Bhagavā evaṃ vadeyya. Anekapariyāyenāvuso  sāti, paṭiccasamuppannaṃ viññāṇaṃ vuttaṃ  bhagavatā, aññatra paccayā natthi viññāṇassa sambhavoti. Evampi kho sāti bhikkhu kevaṭṭaputto tehi bhikkhūhi samanuyuñjiyamāno samanugāhiyamāno samanubhāsiyamāno tadeva pāpakaṃ diṭṭhigataṃ thāmasā parāmāsā abhinivissa voharati : ''evaṃ byā kho ahaṃ, āvuso, bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati anaññanti.

 

397. Yato kho te bhikkhū nāsakkhiṃsu sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ etasmā pāpakā diṭṭhigatā vivecetuṃ, atha kho te bhikkhū yena Bhagavā tenupasaṅkamiṃsu upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdiṃsu. Ekamantaṃ nisinnā kho te bhikkhū bhagavantaṃ etadavocuṃ : ''sātissa nāma, bhante, bhikkhuno kevaṭṭaputtassa evarūpaṃ pāpakaṃ diṭṭhigataṃ uppannaṃ  : 'tathāhaṃ bhagavatā  dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati, anaññanti. Assumha kho mayaṃ, bhante, sātissa kira nāma bhikkhuno kevaṭṭaputtassa evarūpaṃ pāpakaṃ diṭṭhigataṃ uppannaṃ : 'tathāhaṃ bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati, anaññanti. Atha kho mayaṃ, bhante, yena sāti bhikkhu kevaṭṭaputto tenupasaṅkamimha upasaṅkamitvā sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ etadavocumha : 'saccaṃ kira te, āvuso sāti, evarūpaṃ pāpakaṃ diṭṭhigataṃ uppannaṃ : ''tathāhaṃ bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati, anaññanti? evaṃ vutte, bhante, sāti bhikkhu kevaṭṭaputto amhe etadavoca : 'evaṃ byā kho ahaṃ, āvuso, bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi  yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati, anaññanti. Atha kho mayaṃ, bhante, sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ etasmā pāpakā diṭṭhigatā vivecetukāmā samanuyuñjimha samanugāhimha samanubhāsimha : 'mā evaṃ, āvuso sāti, avaca, mā bhagavantaṃ abbhācikkhi, na hi sādhu bhagavato abbhakkhānaṃ, na hi Bhagavā evaṃ vadeyya. Anekapariyāyenāvuso sāti, paṭiccasamuppannaṃ viññāṇaṃ vuttaṃ bhagavatā, aññatra paccayā natthi viññāṇassa sambhavoti. Evampi kho, bhante, sāti bhikkhu kevaṭṭaputto amhehi samanuyuñjiyamāno samanugāhiyamāno samanubhāsiyamāno tadeva pāpakaṃ diṭṭhigataṃ thāmasā parāmasā abhinivissa voharati : 'evaṃ byā kho ahaṃ, āvuso, bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati, anaññanti. Yato kho mayaṃ, bhante, nāsakkhimha sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ etasmā pāpakā diṭṭhigatā vivecetuṃ, atha mayaṃ etamatthaṃ bhagavato ārocemāti.

 

398. Atha kho Bhagavā aññataraṃ bhikkhuṃ āmantesi : ''ehi tvaṃ  bhikkhu, mama vacanena sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ āmantehi : 'satthā taṃ, āvuso sāti, āmantetīti. ''Evaṃ, bhanteti kho so bhikkhu bhagavato paṭissutvā yena sāti bhikkhu kevaṭṭaputto tenupasaṅkami upasaṅkamitvā sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ etadavoca : ''satthā taṃ, āvuso sāti, āmantetīti. ''Evamāvusoti kho sāti bhikkhu kevaṭṭaputto  tassa bhikkhuno paṭissutvā yena Bhagavā tenupasaṅkami upasaṅkamitvā bhagavantaṃ  abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinnaṃ kho sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ Bhagavā etadavoca : ''saccaṃ kira, te, sāti, evarūpaṃ pāpakaṃ diṭṭhigataṃ uppannaṃ : 'tathāhaṃ bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati, anaññanti? ''evaṃ byā kho ahaṃ, bhante, bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā tadevidaṃ viññāṇaṃ  sandhāvati saṃsarati, anaññanti. ''Katamaṃ taṃ, sāti, viññāṇanti? ''yvāyaṃ, bhante, vado vedeyyo tatra tatra kalyāṇapāpakānaṃ kammānaṃ vipākaṃ paṭisaṃvedetīti. ''Kassa nu kho nāma tvaṃ, moghapurisa, mayā evaṃ dhammaṃ desitaṃ ājānāsi? nanu mayā, moghapurisa, anekapariyāyena paṭiccasamuppannaṃ viññāṇaṃ vuttaṃ, aññatra paccayā natthi viññāṇassa sambhavoti? atha ca pana tvaṃ, moghapurisa, attanā duggahitena amhe ceva abbhācikkhasi, attānañca khaṇasi, bahuñca apuññaṃ pasavasi. Tañhi te, moghapurisa, bhavissati dīgharattaṃ ahitāya dukkhāyāti.

 

399. Atha kho Bhagavā bhikkhū āmantesi : ''taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, api nāyaṃ sāti bhikkhu kevaṭṭaputto usmīkatopi imasmiṃ dhammavinayeti? ''kiñhi siyā bhante? no hetaṃ, bhanteti. Evaṃ vutte, sāti bhikkhu kevaṭṭaputto tuṇhībhūto maṅkubhūto pattakkhandho adhomukho pajjhāyanto appaṭibhāno nisīdi. Atha kho Bhagavā sātiṃ  bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ tuṇhībhūtaṃ maṅkubhūtaṃ pattakkhandhaṃ adhomukhaṃ pajjhāyantaṃ appaṭibhānaṃ viditvā sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ etadavoca : ''paññāyissasi kho tvaṃ, moghapurisa, etena sakena pāpakena diṭṭhigatena. Idhāhaṃ bhikkhū paṭipucchissāmīti. Atha kho Bhagavā bhikkhū āmantesi : ''tumhepi me, bhikkhave, evaṃ dhammaṃ desitaṃ ājānātha yathāyaṃ sāti bhikkhu kevaṭṭaputto  attanā duggahitena amhe ceva abbhācikkhati, attānañca khaṇati, bahuñca apuññaṃ pasavatīti? ''no hetaṃ, bhante! anekapariyāyena hi no, bhante, paṭiccasamuppannaṃ viññāṇaṃ vuttaṃ bhagavatā, aññatra paccayā natthi viññāṇassa sambhavoti. ''Sādhu sādhu, bhikkhave! sādhu kho me tumhe, bhikkhave, evaṃ dhammaṃ desitaṃ ājānātha. Anekapariyāyena hi vo, bhikkhave, paṭiccasamuppannaṃ viññāṇaṃ vuttaṃ mayā, aññatra paccayā natthi viññāṇassa sambhavoti. Atha ca panāyaṃ sāti bhikkhu kevaṭṭaputto attanā duggahitena amhe ceva abbhācikkhati, attānañca khaṇati, bahuñca apuññaṃ pasavati  pasavati. Tañhi tassa moghapurisassa bhavissati dīgharattaṃ ahitāya dukkhāya.

 

400. ''Yaṃ yadeva, bhikkhave, paccayaṃ paṭicca uppajjati viññāṇaṃ, tena teneva viññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati [saṅkhaṃ gacchati (sī. pī.)]. Cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati viññāṇaṃ, cakkhuviññāṇaṃtveva  saṅkhyaṃ gacchati sotañca paṭicca sadde ca uppajjati viññāṇaṃ, sotaviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati ghānañca paṭicca gandhe ca uppajjati viññāṇaṃ, ghānaviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ  gacchati jivhañca paṭicca rase ca uppajjati viññāṇaṃ, jivhāviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati kāyañca paṭicca phoṭṭhabbe ca uppajjati viññāṇaṃ, kāyaviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati manañca paṭicca dhamme ca uppajjati viññāṇaṃ, manoviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati. ''Seyyathāpi, bhikkhave, yaṃ yadeva paccayaṃ paṭicca aggi jalati tena teneva saṅkhyaṃ gacchati. Kaṭṭhañca paṭicca aggi jalati, kaṭṭhaggitveva saṅkhyaṃ gacchati sakalikañca paṭicca aggi jalati, sakalikaggitveva saṅkhyaṃ gacchati tiṇañca paṭicca aggi jalati, tiṇaggitveva saṅkhyaṃ gacchati gomayañca paṭicca aggi jalati, gomayaggitveva saṅkhyaṃ gacchati thusañca paṭicca aggi jalati, thusaggitveva saṅkhyaṃ gacchati saṅkārañca paṭicca aggi jalati, saṅkāraggitveva saṅkhyaṃ gacchati. Evameva kho, bhikkhave, yaṃ yadeva paccayaṃ paṭicca uppajjati viññāṇaṃ, tena teneva saṅkhyaṃ gacchati. Cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati viññāṇaṃ, cakkhuviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati sotañca paṭicca sadde ca uppajjati viññāṇaṃ, sotaviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati, ghānañca paṭicca gandhe ca uppajjati viññāṇaṃ , ghāṇaviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati, jivhañca paṭicca rase ca uppajjati viññāṇaṃ, jivhāviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati. Kāyañca paṭicca phoṭṭhabbe ca uppajjati viññāṇaṃ, kāyaviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati. Manañca paṭicca dhamme ca uppajjati viññāṇaṃ, manoviññāṇaṃtveva saṅkhyaṃ gacchati.

 

401. ''Bhūtamidanti , bhikkhave, passathāti? ''evaṃ, bhante. ''Tadāhārasambhavanti, bhikkhave, passathāti? ''evaṃ, bhante. ''Tadāhāranirodhā  yaṃ bhūtaṃ, taṃ nirodhadhammanti, bhikkhave, passathāti? ''evaṃ, bhante. ''Bhūtamidaṃ nossūti, bhikkhave, kaṅkhato uppajjati vicikicchāti? ''evaṃ, bhante. ''Tadāhārasambhavaṃ nossūti, bhikkhave , kaṅkhato uppajjati vicikicchāti? ''evaṃ, bhante. ''Tadāhāranirodhā yaṃ bhūtaṃ, taṃ nirodhadhammaṃ nossūti, bhikkhave, kaṅkhato uppajjati vicikicchāti? ''evaṃ, bhante. ''Bhūtamidanti, bhikkhave, yathābhūtaṃ sammappaññāya passato yā vicikicchā sā pahīyatīti? ''evaṃ, bhante. ''Tadāhārasambhavanti, bhikkhave, yathābhūtaṃ sammappaññāya passatāe yā vicikicchā sā pahīyatīti? ''evaṃ, bhante. ''Tadāhāranirodhā yaṃ bhūtaṃ, taṃ nirodhadhammanti, bhikkhave, yathābhūtaṃ sammappaññāya passatāe yā vicikicchā sā pahīyatīti? ''evaṃ , bhante. ''Bhūtamidanti, bhikkhave, itipi vo ettha nibbicikicchāti? ''evaṃ, bhante. ''Tadāhārasambhavanti, bhikkhave, itipi vo ettha nibbicikicchāti? ''evaṃ, bhante.

 

''Tadāhāranirodhā yaṃ bhūtaṃ taṃ nirodhadhammanti, bhikkhave, itipi vo ettha nibbicikicchāti? ''evaṃ, bhante. ''Bhūtamidanti, bhikkhave, yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhanti? ''evaṃ, bhante. ''Tadāhārasambhavanti, bhikkhave, yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhanti? ''evaṃ, bhante. ''Tadāhāranirodhā yaṃ bhūtaṃ taṃ nirodhadhammanti, bhikkhave, yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhanti? ''evaṃ, bhante. ''Imaṃ  ce tumhe, bhikkhave, diṭṭhiṃ evaṃ parisuddhaṃ evaṃ pariyodātaṃ allīyetha kelāyetha dhanāyetha  mamāyetha, api nu me tumhe, bhikkhave, kullūpamaṃ dhammaṃ desitaṃ ājāneyyātha nittharaṇatthāya no gahaṇatthāyāti? ''no hetaṃ, bhante. ''Imaṃ ce tumhe, bhikkhave, diṭṭhiṃ evaṃ parisuddhaṃ evaṃ pariyodātaṃ  na allīyetha na kelāyetha na dhanāyetha na mamāyetha, api nu me tumhe, bhikkhave, kullūpamaṃ dhammaṃ desitaṃ ājāneyyātha nittharaṇatthāya no gahaṇatthāyāti? ''evaṃ, bhante.

 

402. ''Cattārome, bhikkhave, āhārā bhūtānaṃ vā sattānaṃ ṭhitiyā, sambhavesīnaṃ vā anuggahāya. Katame cattāro? kabaḷīkāro āhāro oḷāriko vā sukhumo vā, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ. ''Ime ca, bhikkhave, cattāro āhārā kiṃnidānā kiṃsamudayā kiṃjātikā kiṃpabhavā? ''ime cattāro āhārā taṇhānidānā taṇhāsamudayā taṇhājātikā taṇhāpabhavā. ''Taṇhā cāyaṃ, bhikkhave, kiṃnidānā kiṃsamudayā kiṃjātikā kiṃpabhavā? ''taṇhā vedanānidānā vedanāsamudayā vedanājātikā vedanāpabhavā. ''Vedanā cāyaṃ, bhikkhave, kiṃnidānā kiṃsamudayā kiṃjātikā kiṃpabhavā? ''vedanā phassanidānā phassasamudayā phassajātikā phassapabhavā . ''Phasso cāyaṃ, bhikkhave, kiṃnidāno kiṃsamudayo kiṃjātiko kiṃpabhavo? ''phasso  saḷāyatananidāno saḷāyatanasamudayo saḷāyatanajātiko saḷāyatanapabhavo. ''Saḷāyatanaṃ cidaṃ, bhikkhave, kiṃnidānaṃ kiṃsamudayaṃ  kiṃjātikaṃ kiṃpabhavaṃ? ''saḷāyatanaṃ nāmarūpanidānaṃ nāmarūpasamudayaṃ nāmarūpajātikaṃ nāmarūpapabhavaṃ. ''Nāmarūpaṃ cidaṃ, bhikkhave, kiṃnidānaṃ kiṃsamudayaṃ kiṃjātikaṃ kiṃpabhavaṃ? ''nāmarūpaṃ viññāṇanidānaṃ viññāṇasamudayaṃ viññāṇajātikaṃ viññāṇapabhavaṃ. ''Viññāṇaṃ cidaṃ, bhikkhave, kiṃnidānaṃ kiṃsamudayaṃ kiṃjātikaṃ kiṃpabhavaṃ? ''viññāṇaṃ saṅkhāranidānaṃ saṅkhārasamudayaṃ saṅkhārajātikaṃ saṅkhārapabhavaṃ. ''Saṅkhārā cime, bhikkhave, kiṃnidānā kiṃsamudayā kiṃjātikā kiṃpabhavā? ''saṅkhārā avijjānidānā avijjāsamudayā avijjājātikā avijjāpabhavā.

 

''Iti kho, bhikkhave, avijjāpaccayā saṅkhārā, saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ, viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ, nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ, saḷāyatanapaccayā phasso, phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā, taṇhāpaccayā upādānaṃ, upādānapaccayā bhavo, bhavapaccayā jāti, jātipaccayā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā sambhavanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti.

 

403. ''Jātipaccayā jarāmaraṇanti iti kho panetaṃ vuttaṃ jātipaccayā nu kho, bhikkhave, jarāmaraṇaṃ, no vā, kathaṃ vā ettha [kathaṃ vā vo ettha (?)] hotīti? ''jātipaccayā, bhante, jarāmaraṇaṃ evaṃ no ettha hoti [evaṃ no ettha hotīti (ka.)] : jātipaccayā jarāmaraṇanti. ''Bhavapaccayā jātīti iti kho panetaṃ vuttaṃ bhavapaccayā nu kho, bhikkhave, jāti, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''bhavapaccayā, bhante , jāti evaṃ no ettha hoti : bhavapaccayā jātīti . ''Upādānapaccayā  bhavoti iti kho panetaṃ vuttaṃ upādānapaccayā nu kho, bhikkhave, bhavo, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''upādānapaccayā, bhante, bhavo evaṃ no ettha hoti : upādānapaccayā bhavoti. ''Taṇhāpaccayā upādānanti iti kho panetaṃ vuttaṃ, taṇhāpaccayā nu kho, bhikkhave, upādānaṃ, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''taṇhāpaccayā, bhante, upādānaṃ evaṃ no ettha hoti : taṇhāpaccayā upādānanti. ''Vedanāpaccayā  taṇhāti iti kho panetaṃ vuttaṃ vedanāpaccayā nu kho, bhikkhave, taṇhā, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''vedanāpaccayā, bhante, taṇhā evaṃ no ettha hoti : vedanāpaccayā taṇhāti. ''Phassapaccayā vedanāti iti kho panetaṃ vuttaṃ phassapaccayā nu kho, bhikkhave, vedanā, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''phassapaccayā, bhante, vedanā evaṃ no ettha hoti : phassapaccayā vedanāti. ''Saḷāyatanapaccayā phassoti iti kho panetaṃ vuttaṃ saḷāyatanapaccayā nu kho, bhikkhave, phasso, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''saḷāyatanapaccayā, bhante, phasso evaṃ no ettha hoti : saḷāyatanapaccayā phassoti. ''Nāmarūpapaccayā saḷāyatananti iti kho panetaṃ vuttaṃ nāmarūpapaccayā nu kho, bhikkhave, saḷāyatanaṃ, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''nāmarūpapaccayā, bhante, saḷāyatanaṃ evaṃ no ettha hoti : nāmarūpapaccayā saḷāyatananti. ''Viññāṇapaccayā nāmarūpanti  iti kho panetaṃ vuttaṃ viññāṇapaccayā nu kho, bhikkhave, nāmarūpaṃ, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''viññāṇapaccayā, bhante, nāmarūpaṃ evaṃ no ettha hoti : viññāṇapaccayā nāmarūpanti. ''Saṅkhārapaccayā viññāṇanti iti kho panetaṃ vuttaṃ saṅkhārapaccayā nu kho, bhikkhave, viññāṇaṃ, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''saṅkhārapaccayā, bhante, viññāṇaṃ evaṃ no ettha hoti : saṅkhārapaccayā viññāṇanti. ''Avijjāpaccayā saṅkhārāti iti kho panetaṃ vuttaṃ avijjāpaccayā nu kho, bhikkhave, saṅkhārā, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''avijjāpaccayā, bhante, saṅkhārā evaṃ no ettha hoti : avijjāpaccayā saṅkhārāti.

 

404. ''Sādhu, bhikkhave. Iti kho, bhikkhave, tumhepi evaṃ vadetha, ahampi evaṃ vadāmi : imasmiṃ sati idaṃ hoti, imassuppādā  idaṃ uppajjati, yadidaṃ : avijjāpaccayā saṅkhārā, saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ, viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ, nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ, saḷāyatanapaccayā phasso, phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā, taṇhāpaccayā upādānaṃ, upādānapaccayā  bhavo, bhavapaccayā jāti, jātipaccayā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā sambhavanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti. ''Avijjāyatveva  asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho, saṅkhāranirodhā viññāṇanirodho, viññāṇanirodhā nāmarūpanirodho, nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodho , saḷāyatananirodhā phassanirodho, phassanirodhā vedanānirodho, vedanānirodhā taṇhānirodho, taṇhānirodhā upādānanirodho, upādānanirodhā bhavanirodho, bhavanirodhā jātinirodho, jātinirodhā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā nirujjhanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hoti.

 

405. ''Jātinirodhā jarāmaraṇanirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ jātinirodhā nu kho, bhikkhave, jarāmaraṇanirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''jātinirodhā, bhante, jarāmaraṇanirodho evaṃ no ettha hoti : jātinirodhā jarāmaraṇanirodhoti. ''Bhavanirodhā jātinirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ bhavanirodhā nu kho, bhikkhave, jātinirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''bhavanirodhā, bhante, jātinirodho evaṃ no ettha hoti : bhavanirodhā jātinirodhoti. ''Upādānanirodhā bhavanirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ upādānanirodhā nu kho, bhikkhave, bhavanirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''upādānanirodhā, bhante, bhavanirodho evaṃ no ettha hoti : upādānanirodhā bhavanirodhoti. ''Taṇhānirodhā upādānanirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ taṇhānirodhā nu kho, bhikkhave, upādānanirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''taṇhānirodhā, bhante, upādānanirodho evaṃ no ettha hoti : taṇhānirodhā upādānanirodhoti. ''Vedanānirodhā  taṇhānirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ vedanānirodhā nu kho, bhikkhave, taṇhānirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''vedanānirodhā, bhante, taṇhānirodho evaṃ no ettha hoti : vedanānirodhā taṇhānirodhoti. ''Phassanirodhā vedanānirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ phassanirodhā  nu kho, bhikkhave, vedanānirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''phassanirodhā, bhante, vedanānirodho evaṃ no ettha hoti : phassanirodhā vedanānirodhoti. ''Saḷāyatananirodhā phassanirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ saḷāyatananirodhā nu kho, bhikkhave, phassanirodho, no vā , kathaṃ vā ettha hotīti? saḷāyatananirodhā, bhante, phassanirodho evaṃ no ettha hoti : saḷāyatananirodhā  phassanirodhoti. ''Nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ nāmarūpanirodhā nu kho, bhikkhave, saḷāyatananirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''nāmarūpanirodhā, bhante, saḷāyatananirodho evaṃ no ettha hoti : nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodhoti. ''Viññāṇanirodhā nāmarūpanirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ viññāṇanirodhā nu kho, bhikkhave, nāmarūpanirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''viññāṇanirodhā, bhante, nāmarūpanirodho evaṃ no ettha hoti : viññāṇanirodhā nāmarūpanirodhoti. ''Saṅkhāranirodhā viññāṇanirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ saṅkhāranirodhā nu kho, bhikkhave, viññāṇanirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''saṅkhāranirodhā, bhante , viññāṇanirodho evaṃ no ettha hoti : saṅkhāranirodhā viññāṇanirodhoti. ''Avijjānirodhā saṅkhāranirodhoti iti kho panetaṃ vuttaṃ avijjānirodhā nu kho, bhikkhave, saṅkhāranirodho, no vā, kathaṃ vā ettha hotīti? ''avijjānirodhā, bhante, saṅkhāranirodho evaṃ no ettha hoti : avijjānirodhā saṅkhāranirodhoti.

 

406. ''Sādhu, bhikkhave. Iti kho, bhikkhave, tumhepi evaṃ vadetha, ahampi evaṃ vadāmi : imasmiṃ asati idaṃ na hoti, imassa nirodhā idaṃ nirujjhati, yadidaṃ : avijjānirodhā saṅkhāranirodho, saṅkhāranirodhā viññāṇanirodho, viññāṇanirodhā nāmarūpanirodho, nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodho, saḷāyatananirodhā phassanirodho, phassanirodhā vedanānirodho, vedanānirodhā taṇhānirodho, taṇhānirodhā upādānanirodho, upādānanirodhā bhavanirodho, bhavanirodhā jātinirodho, jātinirodhā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā nirujjhanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hoti.

 

407. ''Api nu tumhe, bhikkhave, evaṃ jānantā evaṃ passantā pubbantaṃ   vā paṭidhāveyyātha : 'ahesumha nu kho mayaṃ atītamaddhānaṃ, nanu kho ahesumha atītamaddhānaṃ, kiṃ nu kho ahesumha atītamaddhānaṃ, kathaṃ nu kho ahesumha atītamaddhānaṃ, kiṃ hutvā kiṃ ahesumha nu kho mayaṃ atītamaddhānanti? ''no hetaṃ, bhante. ''Api  nu tumhe, bhikkhave, evaṃ jānantā evaṃ passantā aparantaṃ  vā paṭidhāveyyātha : bhavissāma nu kho mayaṃ anāgatamaddhānaṃ, nanu kho bhavissāma anāgatamaddhānaṃ, kiṃ nu kho bhavissāma anāgatamaddhānaṃ, kathaṃ nu kho bhavissāma anāgatamaddhānaṃ, kiṃ hutvā kiṃ bhavissāma nu kho mayaṃ anāgatamaddhānanti? ''no hetaṃ, bhante. ''Api nu tumhe, bhikkhave, evaṃ jānantā evaṃ passantā etarahi vā paccuppannamaddhānaṃ ajjhattaṃ kathaṃkathī assatha : ahaṃ nu khosmi, no nu khosmi, kiṃ nu khosmi, kathaṃ nu khosmi, ayaṃ nu kho satto kuto āgato, so kuhiṃgāmī bhavissatīti? ''no hetaṃ, bhante. ''Api nu tumhe, bhikkhave, evaṃ jānantā evaṃ passantā evaṃ vadeyyātha : satthā no garu, satthugāravena ca mayaṃ evaṃ vademāti? ''no hetaṃ, bhante. ''Api nu tumhe, bhikkhave, evaṃ jānantā evaṃ passantā evaṃ vadeyyātha : samaṇo evamāha, samaṇā ca nāma mayaṃ evaṃ vademāti? ''no hetaṃ, bhante. ''Api nu tumhe, bhikkhave, evaṃ jānantā evaṃ passantā aññaṃ satthāraṃ  uddiseyyāthāti? ''no hetaṃ, bhante. ''Api nu tumhe, bhikkhave, evaṃ jānantā evaṃ passantā yāni tāni puthusamaṇabrāhmaṇānaṃ vata kotūhalamaṅgalāni tāni sārato paccāgaccheyyāthāti? ''no  hetaṃ, bhante. ''Nanu, bhikkhave, yadeva tumhākaṃ sāmaṃ ñātaṃ sāmaṃ diṭṭhaṃ sāmaṃ viditaṃ, tadeva tumhe vadethāti. ''Evaṃ, bhante. ''Sādhu, bhikkhave, upanītā kho me tumhe, bhikkhave, iminā sandiṭṭhikena dhammena akālikena ehipassikena opaneyyikena paccattaṃ veditabbena viññūhi. Sandiṭṭhiko ayaṃ, bhikkhave, dhammo akāliko ehipassiko opaneyyiko paccattaṃ veditabbo viññūhi : iti yantaṃ vuttaṃ, idametaṃ paṭicca vuttanti.

 

408. ''Tiṇṇaṃ kho pana, bhikkhave, sannipātā gabbhassāvakkanti hoti. Idha mātāpitaro ca sannipatitā honti, mātā ca na utunī hoti, gandhabbo ca na paccupaṭṭhito hoti, neva tāva gabbhassāvakkanti  hoti. Idha mātāpitaro ca sannipatitā honti, mātā ca utunī hoti, gandhabbo ca na paccupaṭṭhito hoti, neva tāva gabbhassāvakkanti hoti. Yato ca kho, bhikkhave, mātāpitaro ca sannipatitā honti, mātā ca utunī hoti, gandhabbo ca paccupaṭṭhito hoti : evaṃ tiṇṇaṃ sannipātā gabbhassāvakkanti hoti. Tamenaṃ, bhikkhave, mātā nava vā dasa vā māse gabbhaṃ kucchinā pariharati mahatā saṃsayena garubhāraṃ [garumbhāraṃ (sī. pī.)]. Tamenaṃ, bhikkhave, mātā  navannaṃ vā  dasannaṃ vā māsānaṃ accayena vijāyati mahatā saṃsayena garubhāraṃ. Tamenaṃ jātaṃ samānaṃ sakena lohitena poseti. Lohitañhetaṃ, bhikkhave, ariyassa vinaye yadidaṃ mātuthaññaṃ. Sa kho so, bhikkhave, kumāro vuddhimanvāya indriyānaṃ paripākamanvāya yāni tāni kumārakānaṃ kīḷāpanakāni tehi kīḷati, seyyathidaṃ : vaṅkakaṃ ghaṭikaṃ mokkhacikaṃ ciṅgulakaṃ pattāḷhakaṃ rathakaṃ dhanukaṃ. Sa kho so, bhikkhave, kumāro vuddhimanvāya indriyānaṃ paripākamanvāya pañcahi kāmaguṇehi samappito samaṅgībhūto paricāreti : cakkhuviññeyyehi rūpehi iṭṭhehi kantehi manāpehi piyarūpehi kāmūpasaṃhitehi rajanīyehi, sotaviññeyyehi saddehi... ghānaviññeyyehi gandhehi... jivhāviññeyyehi rasehi... kāyaviññeyyehi phoṭṭhabbehi iṭṭhehi kantehi manāpehi piyarūpehi kāmūpasaṃhitehi rajanīyehi.

 

409. ''So  cakkhunā rūpaṃ disvā piyarūpe rūpe sārajjati, appiyarūpe rūpe byāpajjati, anupaṭṭhitakāyasati ca viharati parittacetaso. Tañca cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ yathābhūtaṃ nappajānāti : yatthassa te pāpakā akusalā dhammā aparisesā nirujjhanti. So evaṃ anurodhavirodhaṃ samāpanno yaṃ kiñci vedanaṃ vedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, so taṃ vedanaṃ abhinandati abhivadati ajjhosāya tiṭṭhati. Tassa taṃ vedanaṃ abhinandato abhivadato ajjhosāya tiṭṭhato uppajjati nandī . Yā vedanāsu nandī tadupādānaṃ, tassupādānapaccayā bhavo, bhavapaccayā jāti, jātipaccayā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā sambhavanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti. Sotena saddaṃ sutvā - pe - ghānena gandhaṃ ghāyitvā - pe - jivhāya rasaṃ sāyitvā - pe - kāyena phoṭṭhabbaṃ phusitvā - pe - manasā dhammaṃ viññāya piyarūpe dhamme  sārajjati, appiyarūpe dhamme byāpajjati, anupaṭṭhitakāyasati ca viharati parittacetaso. Tañca cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ yathābhūtaṃ nappajānāti : yatthassa te pāpakā akusalā dhammā aparisesā nirujjhanti. So evaṃ anurodhavirodhaṃ samāpanno yaṃ kiñci vedanaṃ vedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, so taṃ vedanaṃ abhinandati abhivadati ajjhosāya tiṭṭhati. Tassa taṃ vedanaṃ abhinandato abhivadato ajjhosāya tiṭṭhato uppajjati nandī. Yā vedanāsu nandī tadupādānaṃ, tassupādānapaccayā  bhavo, bhavapaccayā jāti, jātipaccayā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā sambhavanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti.

 

410. ''Idha, bhikkhave, tathāgato loke uppajjati arahaṃ sammāsambuddho vijjācaraṇasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathi satthā devamanussānaṃ buddho Bhagavā. So imaṃ lokaṃ sadevakaṃ samārakaṃ sabrahmakaṃ sassamaṇabrāhmaṇiṃ pajaṃ sadevamanussaṃ sayaṃ abhiññā  sacchikatvā pavedeti. So dhammaṃ deseti ādikalyāṇaṃ majjhekalyāṇaṃ pariyosānakalyāṇaṃ sātthaṃ sabyañjanaṃ kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti. Taṃ dhammaṃ suṇāti gahapati vā gahapatiputto vā aññatarasmiṃ vā kule paccājāto. So taṃ dhammaṃ sutvā tathāgate saddhaṃ paṭilabhati. So tena saddhāpaṭilābhena samannāgato iti paṭisañcikkhati : 'sambādho gharāvāso rajāpatho, abbhokāso pabbajjā. Nayidaṃ sukaraṃ agāraṃ ajjhāvasatā ekantaparipuṇṇaṃ ekantaparisuddhaṃ saṅkhalikhitaṃ brahmacariyaṃ carituṃ. Yaṃnūnāhaṃ kesamassuṃ  ohāretvā, kāsāyāni vatthāni acchādetvā, agārasmā anagāriyaṃ pabbajeyyanti. So aparena samayena appaṃ vā bhogakkhandhaṃ pahāya, mahantaṃ vā bhogakkhandhaṃ pahāya, appaṃ vā ñātiparivaṭṭaṃ pahāya, mahantaṃ vā ñātiparivaṭṭaṃ pahāya, kesamassuṃ ohāretvā, kāsāyāni vatthāni acchādetvā, agārasmā anagāriyaṃ pabbajati.

 

411. ''So evaṃ pabbajito samāno bhikkhūnaṃ sikkhāsājīvasamāpanno pāṇātipātaṃ pahāya pāṇātipātā paṭivirato hoti, nihitadaṇḍo nihitasattho lajjī dayāpanno sabbapāṇabhūtahitānukampī viharati. ''Adinnādānaṃ pahāya adinnādānā paṭivirato  hoti, dinnādāyī dinnapāṭikaṅkhī athenena sucibhūtena attanā viharati. ''Abrahmacariyaṃ pahāya brahmacārī hoti, ārācārī virato methunā gāmadhammā. ''Musāvādaṃ  pahāya musāvādā paṭivirato hoti, saccavādī saccasandho  theto paccayiko avisaṃvādako lokassa. ''Pisuṇaṃ vācaṃ pahāya pisuṇāya vācāya paṭivirato hoti : ito sutvā na amutra akkhātā imesaṃ bhedāya, amutra vā sutvā na imesaṃ akkhātā amūsaṃ bhedāya. Iti bhinnānaṃ vā sandhātā, sahitānaṃ vā anuppadātā samaggārāmo samaggarato samagganandī, samaggakaraṇiṃ vācaṃ bhāsitā hoti. ''Pharusaṃ vācaṃ pahāya pharusāya vācāya paṭivirato hoti : yā sā vācā nelā kaṇṇasukhā pemanīyā hadayaṅgamā porī bahujanakantā bahujanamanāpā tathārūpiṃ vācaṃ bhāsitā hoti. ''Samphappalāpaṃ pahāya samphappalāpā paṭivirato hoti, kālavādī bhūtavādī atthavādī dhammavādī vinayavādī, nidhānavatiṃ vācaṃ bhāsitā kālena, sāpadesaṃ pariyantavatiṃ atthasaṃhitaṃ. ''So  bījagāmabhūtagāmasamārambhā paṭivirato hoti, ekabhattiko hoti rattūparato, virato vikālabhojanā. Naccagītavāditavisūkadassanā paṭivirato hoti, mālāgandhavilepanadhāraṇamaṇḍanavibhūsanaṭṭhānā paṭivirato hoti, uccāsayanamahāsayanā paṭivirato hoti, jātarūparajatapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti, āmakadhaññapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti, āmakamaṃsapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti, itthikumārikapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti, dāsidāsapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti, ajeḷakapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti, kukkuṭasūkarapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti, hatthigavāssavaḷavapaṭiggahaṇā paṭivirato  hoti, khettavatthupaṭiggahaṇā paṭivirato hoti, dūteyyapahiṇagamanānuyogā paṭivirato hoti, kayavikkayā paṭivirato hoti, tulākūṭakaṃsakūṭamānakūṭā paṭivirato hoti, ukkoṭanavañcana-nikati-sāciyogā paṭivirato hoti, chedana-vadhabandhanaviparāmosa-ālopa-sahasākārā paṭivirato hoti [passa mAnguttara Nikāye 1.293 cūḷahatthipadopame]. ''So santuṭṭho hoti kāyaparihārikena cīvarena kucchiparihārikena piṇḍapātena. So yena yeneva pakkamati samādāyeva pakkamati . Seyyathāpi nāma pakkhī sakuṇo yena yeneva ḍeti sapattabhārova ḍeti, evameva bhikkhu santuṭṭho hoti kāyaparihārikena cīvarena, kucchiparihārikena piṇḍapātena. So yena yeneva pakkamati samādāyeva pakkamati. So iminā ariyena  sīlakkhandhena samannāgato ajjhattaṃ anavajjasukhaṃ paṭisaṃvedeti.

 

''So cakkhunā rūpaṃ disvā na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī. Yatvādhikaraṇamenaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ tassa saṃvarāya paṭipajjati, rakkhati cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvaraṃ āpajjati. Sotena saddaṃ sutvā - pe - ghānena gandhaṃ ghāyitvā - pe - jivhāya rasaṃ sāyitvā - pe - kāyena phoṭṭhabbaṃ phusitvā - pe - manasā dhammaṃ viññāya na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī. Yatvādhikaraṇamenaṃ manindriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ tassa saṃvarāya paṭipajjati, rakkhati manindriyaṃ manindriye saṃvaraṃ āpajjati. So iminā ariyena indriyasaṃvarena samannāgato ajjhattaṃ abyāsekasukhaṃ  paṭisaṃvedeti. ''So abhikkante paṭikkante sampajānakārī hoti, ālokite vilokite sampajānakārī hoti , samiñjite pasārite sampajānakārī hoti, saṅghāṭipattacīvaradhāraṇe sampajānakārī hoti, asite pīte khāyite sāyite sampajānakārī hoti, uccārapassāvakamme sampajānakārī hoti, gate ṭhite nisinne sutte jāgarite bhāsite tuṇhībhāve sampajānakārī hoti.

 

412. ''So iminā ca ariyena sīlakkhandhena samannāgato, (imāya ca ariyāya santuṭṭhiyā samannāgato) [passa mAnguttara Nikāye 1.296 cūḷahatthipadopame], iminā ca ariyena indriyasaṃvarena samannāgato, iminā ca ariyena satisampajaññena samannāgato, vivittaṃ senāsanaṃ bhajati : araññaṃ rukkhamūlaṃ pabbataṃ kandaraṃ giriguhaṃ susānaṃ vanapatthaṃ abbhokāsaṃ palālapuñjaṃ. So pacchābhattaṃ piṇḍapātapaṭikkanto nisīdati pallaṅkaṃ ābhujitvā, ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā. So abhijjhaṃ loke pahāya vigatābhijjhena cetasā viharati, abhijjhāya cittaṃ parisodheti byāpādapadosaṃ pahāya  abyāpannacitto viharati, sabbapāṇabhūtahitānukampī, byāpādapadosā cittaṃ parisodheti thīnamiddhaṃ pahāya vigatathīnamiddho viharati ālokasaññī, sato sampajāno, thīnamiddhā cittaṃ parisodheti uddhaccakukkuccaṃ pahāya anuddhato viharati ajjhattaṃ vūpasantacitto, uddhaccakukkuccā cittaṃ parisodheti vicikicchaṃ pahāya tiṇṇavicikiccho viharati akathaṃkathī kusalesu dhammesu, vicikicchāya cittaṃ parisodheti.

 

413. ''So   ime pañca nīvaraṇe pahāya cetaso upakkilese paññāya dubbalīkaraṇe, vivicceva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu vitakkavicārānaṃ vūpasamā ajjhattaṃ sampasādanaṃ cetaso ekodibhāvaṃ avitakkaṃ avicāraṃ samādhijaṃ pītisukhaṃ dutiyaṃ jhānaṃ - pe - tatiyaṃ jhānaṃ - pe - catutthaṃ jhānaṃ upasampajja viharati.

 

414. ''So cakkhunā rūpaṃ disvā piyarūpe rūpe na sārajjati, appiyarūpe rūpe na byāpajjati, upaṭṭhitakāyasati ca viharati appamāṇacetaso. Tañca cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ yathābhūtaṃ pajānāti : yatthassa te pāpakā akusalā dhammā aparisesā nirujjhanti. So evaṃ anurodhavirodhavippahīno  yaṃ kiñci vedanaṃ vedeti, sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, so taṃ vedanaṃ nābhinandati nābhivadati nājjhosāya tiṭṭhati. Tassa taṃ vedanaṃ anabhinandato anabhivadato anajjhosāya tiṭṭhato yā vedanāsu nandī sā nirujjhati. Tassa nandīnirodhā upādānanirodho, upādānanirodhā bhavanirodho, bhavanirodhā jātinirodho, jātinirodhā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā nirujjhanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hoti. Sotena saddaṃ sutvā - pe - ghānena gandhaṃ ghāyitvā - pe - jivhāya rasaṃ sāyitvā - pe - kāyena phoṭṭhabbaṃ phusitvā - pe - manasā dhammaṃ viññāya piyarūpe  dhamme na sārajjati, appiyarūpe dhamme na byāpajjati, upaṭṭhitakāyasati ca viharati appamāṇacetaso, tañca cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ yathābhūtaṃ pajānāti : yatthassa te pāpakā akusalā dhammā aparisesā nirujjhanti. So evaṃ anurodhavirodhavippahīno yaṃ kiñci vedanaṃ vedeti, sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, so taṃ vedanaṃ nābhinandati nābhivadati  nājjhosāya tiṭṭhati. Tassa taṃ vedanaṃ anabhinandato anabhivadato anajjhosāya tiṭṭhato yā vedanāsu nandī sā nirujjhati. Tassa nandīnirodhā upādānanirodho, upādānanirodhā bhavanirodho, bhavanirodhā jātinirodho, jātinirodhā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā nirujjhanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hoti. Imaṃ kho me tumhe, bhikkhave, saṃkhittena taṇhāsaṅkhayavimuttiṃ dhāretha, sātiṃ pana bhikkhuṃ  kevaṭṭaputtaṃ mahātaṇhājālataṇhāsaṅghāṭappaṭimukkanti. Idamavoca Bhagavā. Attamanā te bhikkhū bhagavato bhāsitaṃ abhinandunti.

Mahātaṇhāsaṅkhayasuttaṃ niṭṭhitaṃ aṭṭhamaṃ.

 

38. Mahātaṇhāsaṅkhayasuttavaṇṇanā

[Atthakathā]

 

396. Evaṃ me sutanti mahātaṇhāsaṅkhayasuttaṃ. Tattha diṭṭhigatanti alagaddūpamasutte laddhimattaṃ diṭṭhigatanti vuttaṃ, idha sassatadiṭṭhi. So ca bhikkhu bahussuto, ayaṃ appassuto, jātakabhāṇako bhagavantaṃ jātakaṃ kathetvā, ‘‘ahaṃ, bhikkhave, tena samayena vessantaro ahosiṃ, mahosadho, vidhurapaṇḍito, senakapaṇḍito, mahājanako rājā ahosi’’nti samodhānentaṃ suṇāti. Athassa etadahosi – ‘‘ime rūpavedanāsaññāsaṅkhārā tattha tattheva nirujjhanti, viññāṇaṃ pana idhalokato paralokaṃ, paralokato imaṃ lokaṃ sandhāvati saṃsaratī’’ti sassatadassanaṃ uppannaṃ. Tenāha – ‘‘tadevidaṃ viññāṇaṃ sandhāvati saṃsarati anañña’’nti.

 

Sammāsambuddhena pana, ‘‘viññāṇaṃ paccayasambhavaṃ, sati paccaye uppajjati, vinā paccayaṃ natthi viññāṇassa sambhavo’’ti vuttaṃ. Tasmā ayaṃ bhikkhu buddhena akathitaṃ katheti, jinacakke pahāraṃ deti, vesārajjañāṇaṃ paṭibāhati, sotukāmaṃ janaṃ visaṃvādeti, ariyapathe tiriyaṃ nipatitvā mahājanassa ahitāya dukkhāya paṭipanno. Yathā nāma rañño rajje mahācoro uppajjamāno mahājanassa ahitāya dukkhāya uppajjati, evaṃ jinasāsane coro hutvā mahājanassa ahitāya dukkhāya uppannoti veditabbo. Sambahulā bhikkhūti janapadavāsino piṇḍapātikabhikkhū. Tenupasaṅkamiṃsūti ayaṃ parisaṃ labhitvā sāsanampi antaradhāpeyya, yāva pakkhaṃ na labhati, tāvadeva naṃ diṭṭhigatā vivecemāti sutasutaṭṭhānatoyeva aṭṭhatvā anisīditvā upasaṅkamiṃsu.

 

398. Katamaṃ taṃ sāti viññāṇanti sāti yaṃ tvaṃ viññāṇaṃ sandhāya vadesi, katamaṃ taṃ viññāṇanti? Yvāyaṃ, bhante, vado vedeyyo tatra tatra kalyāṇapāpakānaṃ kammānaṃ vipākaṃ paṭisaṃvedetīti, bhante, yo ayaṃ vadati vedayati, yo cāyaṃ tahiṃ tahiṃ kusalākusalakammānaṃ vipākaṃ paccanubhoti. Idaṃ, bhante, viññāṇaṃ, yamahaṃ sandhāya vademīti. Kassa nu kho nāmāti kassa khattiyassa vā brāhmaṇassa vā vessasuddagahaṭṭhapabbajitadevamanussānaṃ vā aññatarassa.

 

399. Atha kho bhagavā bhikkhū āmantesīti kasmā āmantesi? Sātissa kira evaṃ ahosi – ‘‘satthā maṃ ‘moghapuriso’ti vadati, na ca moghapurisoti vuttamatteneva maggaphalānaṃ upanissayo na hoti. Upasenampi hi vaṅgantaputtaṃ, ‘atilahuṃ kho tvaṃ moghapurisa bāhullāya āvatto’ti (mahāva. 75) bhagavā moghapurisavādena ovadi. Thero aparabhāge ghaṭento vāyamanto cha abhiññā sacchākāsi. Ahampi tathārūpaṃ vīriyaṃ paggaṇhitvā maggaphalāni nibbattessāmī’’ti. Athassa bhagavā chinnapaccayo ayaṃ sāsane aviruḷhadhammoti dassento bhikkhū āmantesi. Usmīkatotiādi heṭṭhā vuttādhippāyameva. Atha kho bhagavāti ayampi pāṭiyekko anusandhi. Sātissa kira etadahosi – ‘‘bhagavā mayhaṃ maggaphalānaṃ upanissayo natthīti vadati, kiṃ sakkā upanissaye asati kātuṃ? Na hi tathāgatā saupanissayasseva dhammaṃ desenti, yassa kassaci desentiyeva. Ahaṃ buddhassa santikā sugatovādaṃ labhitvā saggasampattūpagaṃ kusalaṃ karissāmī’’ti. Athassa bhagavā, ‘‘nāhaṃ, moghapurisa, tuyhaṃ ovādaṃ vā anusāsaniṃ vā demī’’ti sugatovādaṃ paṭippassambhento imaṃ desanaṃ ārabhi. Tassattho heṭṭhā vuttanayeneva veditabbo. Idāni parisāya laddhiṃ sodhento, ‘‘idhāhaṃ bhikkhū paṭipucchissāmī’’tiādimāha. Taṃ sabbampi heṭṭhā vuttanayeneva veditabbaṃ.

 

400. Idāni viññāṇassa sappaccayabhāvaṃ dassetuṃ yaṃ yadeva, bhikkhavetiādimāha. Tattha manañca paṭicca dhamme cāti sahāvajjanena bhavaṅgamanañca tebhūmakadhamme ca paṭicca. Kaṭṭhañca paṭiccātiādi opammanidassanatthaṃ vuttaṃ. Tena kiṃ dīpeti? Dvārasaṅkantiyā abhāvaṃ. Yathā hi kaṭṭhaṃ paṭicca jalamāno aggi upādānapaccaye satiyeva jalati, tasmiṃ asati paccayavekallena tattheva vūpasammati, na sakalikādīni saṅkamitvā sakalikaggītiādisaṅkhyaṃ gacchati, evameva cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppannaṃ viññāṇaṃ tasmiṃ dvāre cakkhurūpaālokamanasikārasaṅkhāte paccayamhi satiyeva uppajjati, tasmiṃ asati paccayavekallena tattheva nirujjhati, na sotādīni saṅkamitvā sotaviññāṇantiādisaṅkhyaṃ gacchati. Esa nayo sabbavāresu. Iti bhagavā nāhaṃ viññāṇappavatte dvārasaṅkantimattampi vadāmi, ayaṃ pana sāti moghapuriso bhavasaṅkantiṃ vadatīti sātiṃ niggahesi.

 

401. Evaṃ viññāṇassa sappaccayabhāvaṃ dassetvā idāni pana pañcannampi khandhānaṃ sappaccayabhāvaṃ dassento, bhūtamidantiādimāha. Tattha bhūtamidanti idaṃ khandhapañcakaṃ jātaṃ bhūtaṃ nibbattaṃ, tumhepi taṃ bhūtamidanti, bhikkhave, passathāti. Tadāhārasambhavanti taṃ panetaṃ khandhapañcakaṃ āhārasambhavaṃ paccayasambhavaṃ, sati paccaye uppajjati evaṃ passathāti pucchati. Tadāhāranirodhāti tassa paccayassa nirodhā. Bhūtamidaṃ nossūti bhūtaṃ nu kho idaṃ, na nu kho bhūtanti. Tadāhārasambhavaṃ nossūti taṃ bhūtaṃ khandhapañcakaṃ paccayasambhavaṃ nu kho, na nu khoti. Tadāhāranirodhāti tassa paccayassa nirodhā. Nirodhadhammaṃ nossūti taṃ dhammaṃ nirodhadhammaṃ nu kho, na nu khoti. Sammappaññāya passatoti idaṃ khandhapañcakaṃ jātaṃ bhūtaṃ nibbattanti yāthāvasarasalakkhaṇato vipassanāpaññāya sammā passantassa. Paññāya sudiṭṭhanti vuttanayeneva vipassanāpaññāya suṭṭhu diṭṭhaṃ. Evaṃ ye ye taṃ pucchaṃ sallakkhesuṃ, tesaṃ tesaṃ paṭiññaṃ gaṇhanto pañcannaṃ khandhānaṃ sappaccayabhāvaṃ dasseti.

 

Idāni yāya paññāya tehi taṃ sappaccayaṃ sanirodhaṃ khandhapañcakaṃ sudiṭṭhaṃ, tattha nittaṇhabhāvaṃ pucchanto imaṃ ce tumhetiādimāha. Tattha diṭṭhinti vipassanāsammādiṭṭhiṃ. Sabhāvadassanena parisuddhaṃ. Paccayadassanena pariyodātaṃ. Allīyethāti taṇhādiṭṭhīhi allīyitvā vihareyyātha. Kelāyethāti taṇhādiṭṭhīhi kīḷamānā vihareyyātha. Dhanāyethāti dhanaṃ viya icchantā gedhaṃ āpajjeyyātha. Mamāyethāti taṇhādiṭṭhīhi mamattaṃ uppādeyyātha. Nittharaṇatthāya no gahaṇatthāyāti yo so mayā caturoghanittharaṇatthāya kullūpamo dhammo desito, no nikantivasena gahaṇatthāya. Api nu taṃ tumhe ājāneyyāthāti. Vipariyāyena sukkapakkho veditabbo.

 

402. Idāni tesaṃ khandhānaṃ paccayaṃ dassento, cattārome, bhikkhave, āhārātiādimāha, tampi vuttatthameva. Yathā pana eko imaṃ jānāsīti vutto, ‘‘na kevalaṃ imaṃ, mātarampissa jānāmi, mātu mātarampī’’ti evaṃ paveṇivasena jānanto suṭṭhu jānāti nāma. Evamevaṃ bhagavā na kevalaṃ khandhamattameva jānāti, khandhānaṃ paccayampi tesampi paccayānaṃ paccayanti evaṃ sabbapaccayaparamparaṃ jānāti. So taṃ, buddhabalaṃ dīpento idāni paccayaparamparaṃ dassetuṃ, ime ca, bhikkhave, cattāro āhārātiādimāha. Taṃ vuttatthameva. Iti kho, bhikkhave, avijjāpaccayā saṅkhārā…pe… dukkhakkhandhassa samudayo hotīti ettha pana paṭiccasamuppādakathā vitthāretabbā bhaveyya, sā visuddhimagge vitthāritāva.

 

404. Imasmiṃ sati idaṃ hotīti imasmiṃ avijjādike paccaye sati idaṃ saṅkhārādikaṃ phalaṃ hoti. Imassuppādā idaṃ uppajjatīti imassa avijjādikassa paccayassa uppādā idaṃ saṅkhārādikaṃ phalaṃ uppajjati, tenevāha – ‘‘yadidaṃ avijjāpaccayā saṅkhārā…pe… samudayo hotī’’ti. Evaṃ vaṭṭaṃ dassetvā idāni vivaṭṭaṃ dassento, avijjāya tveva asesavirāganirodhātiādimāha. Tattha avijjāya tvevāti avijjāya eva tu. Asesavirāganirodhāti virāgasaṅkhātena maggena asesanirodhā anuppādanirodhā. Saṅkhāranirodhoti saṅkhārānaṃ anuppādanirodho hoti, evaṃ niruddhānaṃ pana saṅkhārānaṃ nirodhā viññāṇanirodho hoti, viññāṇādīnañca nirodhā nāmarūpādīni niruddhāniyeva hontīti dassetuṃ saṅkhāranirodhā viññāṇanirodhotiādiṃ vatvā evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hotīti vuttaṃ. Tattha kevalassāti sakalassa, suddhassa vā, sattavirahitassāti attho. Dukkhakkhandhassāti dukkharāsissa. Nirodho hotīti anuppādo hoti.

 

406. Imasmiṃ asatītiādi vuttapaṭipakkhanayena veditabbaṃ.

 

407. Evaṃ vaṭṭavivaṭṭaṃ kathetvā idāni imaṃ dvādasaṅgapaccayavaṭṭaṃ saha vipassanāya maggena jānantassa yā paṭidhāvanā pahīyati, tassā abhāvaṃ pucchanto api nu tumhe, bhikkhavetiādimāha. Tattha evaṃ jānantāti evaṃ sahavipassanāya maggena jānantā. Evaṃ passantāti tasseva vevacanaṃ. Pubbantanti purimakoṭṭhāsaṃ, atītakhandhadhātuāyatanānīti attho. Paṭidhāveyyāthāti taṇhādiṭṭhivasena paṭidhāveyyātha. Sesaṃ sabbāsavasutte vitthāritameva.

 

Idāni nesaṃ tattha niccalabhāvaṃ pucchanto, api nu tumhe, bhikkhave, evaṃ jānantā evaṃ passantā evaṃ vadeyyātha, satthā no garūtiādimāha. Tattha garūti bhāriko akāmā anuvattitabbo. Samaṇoti buddhasamaṇo. Aññaṃ satthāraṃ uddiseyyāthāti ayaṃ satthā amhākaṃ kiccaṃ sādhetuṃ na sakkotīti api nu evaṃsaññino hutvā aññaṃ bāhirakaṃ satthāraṃ uddiseyyātha. Puthusamaṇabrāhmaṇānanti evaṃsaññino hutvā puthūnaṃ titthiyasamaṇānaṃ ceva brāhmaṇānañca. Vatakotūhalamaṅgalānīti vatasamādānāni ca diṭṭhikutūhalāni ca diṭṭhasutamutamaṅgalāni ca. Tāni sārato paccāgaccheyyāthāti etāni sāranti evaṃsaññino hutvā paṭiāgaccheyyātha. Evaṃ nissaṭṭhāni ca puna gaṇheyyāthāti attho. Sāmaṃ ñātanti sayaṃ ñāṇena ñātaṃ. Sāmaṃ diṭṭhanti sayaṃ paññācakkhunā diṭṭhaṃ. Sāmaṃ viditanti sayaṃ vibhāvitaṃ pākaṭaṃ kataṃ. Upanītā kho me tumheti mayā, bhikkhave, tumhe iminā sandiṭṭhikādisabhāvena dhammena nibbānaṃ upanītā, pāpitāti attho. Sandiṭṭhikotiādīnamattho visuddhimagge vitthārito. Idametaṃ paṭicca vuttanti etaṃ vacanamidaṃ tumhehi sāmaṃ ñātādibhāvaṃ paṭicca vuttaṃ.

 

408. Tiṇṇaṃ kho pana, bhikkhaveti kasmā ārabhi? Nanu heṭṭhā vaṭṭavivaṭṭavasena desanā matthakaṃ pāpitāti? Āma pāpitā. Ayaṃ pana pāṭiekko anusandhi, ‘‘ayañhi lokasannivāso paṭisandhisammūḷho, tassa sammohaṭṭhānaṃ viddhaṃsetvā pākaṭaṃ karissāmī’’ti imaṃ desanaṃ ārabhi. Apica vaṭṭamūlaṃ avijjā, vivaṭṭamūlaṃ buddhuppādo, iti vaṭṭamūlaṃ avijjaṃ vivaṭṭamūlañca buddhuppādaṃ dassetvāpi, ‘‘puna ekavāraṃ vaṭṭavivaṭṭavasena desanaṃ matthakaṃ pāpessāmī’’ti imaṃ desanaṃ ārabhi. Tattha sannipātāti samodhānena piṇḍabhāvena. Gabbhassāti gabbhe nibbattanakasattassa. Avakkanti hotīti nibbatti hoti. Katthaci hi gabbhoti mātukucchi vutto. Yathāha –

‘‘Yamekarattiṃ paṭhamaṃ, gabbhe vasati māṇavo;

Abbhuṭṭhitova so yāti, sa gacchaṃ na nivattatī’’ti. (jā. 1.15.363);

Katthaci gabbhe nibbattanasatto. Yathāha – ‘‘yathā kho, panānanda, aññā itthikā nava vā dasa vā māse gabbhaṃ kucchinā pariharitvā vijāyantī’’ti (ma. ni. 3.205). Idha satto adhippeto, taṃ sandhāya vuttaṃ ‘‘gabbhassa avakkanti hotī’’ti.

 

Idhāti imasmiṃ sattaloke. Mātā ca utunī hotīti idaṃ utusamayaṃ sandhāya vuttaṃ. Mātugāmassa kira yasmiṃ okāse dārako nibbattati, tattha mahatī lohitapīḷakā saṇṭhahitvā bhijjitvā paggharati, vatthu suddhaṃ hoti, suddhe vatthumhi mātāpitūsu ekavāraṃ sannipatitesu yāva satta divasāni khettameva hoti. Tasmiṃ samaye hatthaggāhaveṇiggāhādinā aṅgaparāmasanenapi dārako nibbattatiyeva. Gandhabboti tatrūpagasatto. Paccupaṭṭhito hotīti na mātāpitūnaṃ sannipātaṃ olokayamāno samīpe ṭhito paccupaṭṭhito nāma hoti. Kammayantayantito pana eko satto tasmiṃ okāse nibbattanako hotīti ayamettha adhippāyo. Saṃsayenāti ‘‘arogo nu kho bhavissāmi ahaṃ vā, putto vā me’’ti evaṃ mahantena jīvitasaṃsayena. Lohitañhetaṃ, bhikkhaveti tadā kira mātulohitaṃ taṃ ṭhānaṃ sampattaṃ puttasinehena paṇḍaraṃ hoti. Tasmā evamāha. Vaṅkakanti gāmadārakānaṃ kīḷanakaṃ khuddakanaṅgalaṃ. Ghaṭikā vuccati dīghadaṇḍena rassadaṇḍakaṃ paharaṇakīḷā. Mokkhacikanti samparivattakakīḷā, ākāse vā daṇḍakaṃ gahetvā bhūmiyaṃ vā sīsaṃ ṭhapetvā heṭṭhupariyabhāvena parivattanakīḷananti vuttaṃ hoti. Ciṅgulakaṃ vuccati tālapaṇṇādīhi kataṃ vātappahārena paribbhamanacakkaṃ. Pattāḷhakaṃ vuccati paṇṇanāḷikā, tāya vālikādīni minantā kīḷanti. Rathakanti khuddakarathaṃ. Dhanukampi khuddakadhanumeva.

 

409. Sārajjatīti rāgaṃ uppādeti. Byāpajjatīti byāpādaṃ uppādeti. Anupaṭṭhitakāyasatīti kāye sati kāyasati, taṃ anupaṭṭhapetvāti attho. Parittacetasoti akusalacitto. Yatthassa te pāpakāti yassaṃ phalasamāpattiyaṃ ete nirujjhanti, taṃ na jānāti nādhigacchatīti attho. Anurodhavirodhanti rāgañceva dosañca. Abhinandatīti taṇhāvasena abhinandati, taṇhāvaseneva aho sukhantiādīni vadanto abhivadati. Ajjhosāya tiṭṭhatīti taṇhāajjhosānagahaṇena gilitvā pariniṭṭhapetvā gaṇhāti. Sukhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā abhinandatu, dukkhaṃ kathaṃ abhinandatīti? ‘‘Ahaṃ dukkhito mama dukkha’’nti gaṇhanto abhinandati nāma. Uppajjati nandīti taṇhā uppajjati. Tadupādānanti sāva taṇhā gahaṇaṭṭhena upādānaṃ nāma. Tassa upādānapaccayā bhavo…pe… samudayo hotīti, idañhi bhagavatā puna ekavāraṃ dvisandhi tisaṅkhepaṃ paccayākāravaṭṭaṃ dassitaṃ.

 

410-4. Idāni vivaṭṭaṃ dassetuṃ idha, bhikkhave, tathāgato loke uppajjatītiādimāha. Tattha appamāṇacetasoti appamāṇaṃ lokuttaraṃ ceto assāti appamāṇacetaso, maggacittasamaṅgīti attho. Imaṃ kho me tumhe, bhikkhave, saṃkhittena taṇhāsaṅkhayavimuttiṃ dhārethāti, bhikkhave, imaṃ saṃkhittena desitaṃ mayhaṃ, taṇhāsaṅkhayavimuttidesanaṃ tumhe niccakālaṃ dhāreyyātha mā pamajjeyyātha. Desanā hi ettha vimuttipaṭilābhahetuto vimuttīti vuttā. Mahātaṇhājālataṇhāsaṅghāṭapaṭimukkanti taṇhāva saṃsibbitaṭṭhena mahātaṇhājālaṃ, saṅghaṭitaṭṭhena saṅghāṭanti vuccati; iti imasmiṃ mahātaṇhājāle taṇhāsaṅghāṭe ca imaṃ sātiṃ bhikkhuṃ kevaṭṭaputtaṃ paṭimukkaṃ dhāretha. Anupaviṭṭho antogadhoti naṃ dhārethāti attho. Sesaṃ sabbattha uttānatthamevāti.

Papañcasūdaniyā majjhimanikāyaṭṭhakathāya

 

Mahātaṇhāsaṅkhayasuttavaṇṇanā niṭṭhitā.



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành


Thảo luận 1. Đa số quan niệm rằng thường kiến không tai hại như đoạn kiến (thí dụ câu quen thuộc: ninh chấp hữu như tu di mạc chấp vô như giới tử) thế nhưng trong bài kinh nầy cho thấy thường kiến dẫn đến nhiều bất hạnh. Xin giải thích tại sao. - TT Pháp Tân 

      Thảo luận 2. Phải chăng qua lời dạy của Đức Phật về tứ thực cho thấy các pháp hữu vi không tồn tại độc lập mà bị chi phối bởi những điều kiện? - TT Tuệ Siêu 





 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment