Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Pháp Tân
17. Kinh Ðại Thiện Kiến vương
(Mahàsudassana sutta)
TỔNG QUAN I
Tên gọi Kinh Ðại Thiện Kiến (Mahàsudassana sutta) có nghĩa là bài kinh đề cập về một vị vua chuyển luân vương có tên là Đại Thiện Kiến (Sudassana). (Chứ không phải là “đại kinh Sudassana).
Các học giả gọi đây là một bài pháp dài trước khi Đức Thế Tôn viên tịch thay vì một kết tập chuỗi tháng ngày cuối đời Đức Thế Tôn như kinh Đại Bát Niết Bàn do tôn giả Ananda thực hiện.
Bài kinh là một câu trả lời của Đức Phật cho lời thỉnh cầu của Tôn giả Ananda mà nhiều thế hệ mai hậu có thể đặt ra: “Bạch thế Tôn, Thế Tôn xin đừng diệt độ tại đô thị nhỏ bé này, tại đô thị hoang vu này, tại đô thị phụ thuộc này. Bạch Thế Tôn, có những đô thị khác to lớn hơn như Campà (Chiêm-bà), Ràjagahà (Vương Xá) Sàvatthi (Xá-vệ), Sàketa (Sa-kỳ), Kosambi (Kiêu-thưởng-di), Bàrànasi (Ba-la-nại). Thế Tôn hãy diệt độ tại những chỗ ấy. Tại những chỗ ấy có đại chúng Sát đế lỵ, có đại chúng Bà la môn, có đại chúng Gia chủ tin tưởng Như Lai, các vị này sẽ cúng dường thân xá-lợi Như Lai.” Đó là cái nhìn thường thức khi lượng định về tính cách quan trọng địa dư.
Câu trả lời của Đức Phật cho thấy ba trọng điểm:
Trước hết là Đức Thế Tôn có chủ ý chọn lựa địa điểm viên tịch chứ không phải “muốn đi xa hơn nhưng sức cùng lực kiệt nên phải dừng lại ở Kusinara” như một vài học giả phương Tây nhận định sai lạc.
Thứ hai, người ta thường xác quyết về giá trị phong thủy, địa linh mang tính cố định của vùng đất nào đó nhưng Đức Phật dạy rõ tánh chất bất định: một vùng đất có thể cực thịnh một thời rồi trở nên hoang phế. Lịch sử nhân loại chứng minh điều đó rất rõ.
Thứ ba. nhân nói về những giá trị ở đời, Đức Phật dạy những điều thật cao sang rồi dẫn đến kết luận tất cả rồi sẽ trở thành bóng mờ theo thời gian. Định luật vô thường là thế. Mãi mãi là thế.
Hoà thượng Thích Minh Châu trong lời dẫn nhập bài kinh nầy cũng ghi nhận một điều là những chi tiết và văn phong chánh kinh Phạn ngữ có nhiều sự trùng hợp giữa bài kinh nầy là Kinh A Di Đà của Phật giáo Đại Thừa. Chỉ khác là ở đây Đức Phật kể lại tiền thân của Ngài và kết luận rằng tất cả pháp hữu hình hữu hoại.
Chánh Kinh
Tụng phẩm I
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ngụ tại Upavattana (Hồ-bạt-đan) ở Kusinàrà (Câu-thi-la) trong rừng Sà la của giòng họ Mallà, giữa hai cây Sàla song thọ, khi ngài sắp nhập Niết bàn.
2. Lúc ấy, tôn giả Ananda đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch thế Tôn, Thế Tôn chớ có diệt độ tại đô thị nhỏ bé này, tại đô thị hoang vu này, tại đô thị phụ thuộc này. Bạch Thế Tôn, có những đô thị khác to lớn hơn như Campà (Chiêm-bà), Ràjagahà (Vương Xá) Sàvatthi (Xá-vệ), Sàketa (Sa-kỳ), Kosambi (Kiêu-thưởng-di), Bàrànasi (Ba-la-nại). Thế Tôn hãy diệt độ tại những chỗ ấy. Tại những chỗ ấy có đại chúng Sát đế lỵ, có đại chúng Bà la môn, có đại chúng Gia chủ tin tưởng Như Lai, các vị này sẽ cúng dường thân xá-lợi Như Lai.
3. Này Ananda, chớ có nói như vậy. Này Ananda, chớ có nói đô thị này nhỏ bé, đô thị này hoang vu, đô thị này phụ thuộc. Này Ananda, thuở xưa có vị vua tên là Mahà-Sudassana (Ðại Thiện Kiến). Vị này là Chuyển Luân vương trị vì như pháp, là vị Pháp vương, thống lãnh bốn thiên hạ, chinh phục hộ trì quốc dân, đầy đủ bảy báu. Này Ananda, đô thị Kusinàrà này là kinh đô của vua Ðại Thiện Kiến, tên là Kusàvati (Câu-xá-bà-đề), phía Ðông và phía Tây rộng đến mười hai do tuần, phía Bắc và phía Nam rộng đến mười bảy do tuần. Này Ananda, kinh đô Susàvati này rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, Thiên chúng sung mãn, thực thẩm phong phú. Này Ananda, cũng như kinh đô Alakamanda của chư Thiên rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, Thiên chúng sung mãn, thực phẩm phong phú. Cũng vậy này Ananda, kinh đô Kusàvati này cũng rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, Thiên chúng sung mãn. Này Ananda, kinh đô Kusàvati này ngày đêm vang dậy mười loại tiếng, tức là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiềng tỳ bà, tiếng hát, tiếng xập xỏa, tiếng chuông và tiếng thứ mười là lời kêu gọi: "Hãy uống đi, hãy ăn đi!".
4. Này Ananda, kinh đô Kusàvati có bảy bức thành bao bọc, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh, một loại bằng san hô, một loại bằng xa cừ, một loại bằng mọi thứ báu.
5. Này Ananda, kinh đô Kusàvati có bốn loại cửa: một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Tại mỗi cửa, có dựng bảy cột trụ, bề cao khoảng ba hay bốn lần thân người. Một cột trụ bằng vàng, một cột trụ bằng bạc, một cột trụ bằng lưu ly, một cột trụ bằng thủy tinh, một cột trụ bằng san hô, một cột trụ bằng xa cừ, một cột trụ bằng mọi thứ báu.
6. Này Ananda, kinh đô Kasàvati có bảy hàng cây tàla bao học, một hàng bằng vàng, một hàng bằng bạc, một hàng bằng lưu ly, một hàng bằng xa cừ, một hàng bằng san hô, một hàng bằng xa cừ, một hàng bằng mọi thứ báu. Cây tàla bằng vàng, có thân cây bằng vàng, có lá và trái cây bằng bạc. Cây tàla bằng bạc có thân cây bằng bạc, có lá và trái cây bằng vàng. Cây tàla bằng lưu ly, có thân cây bằng lưu ly, có lá và trái cây bằng thủy tinh. Cây tàla bằng thủy tinh, có thân cây bằng thủy tinh, có lá và trái cây bằng lưu ly. Cây tàla bằng san hô, có thân cây bằng san hô, có lá và trái cây bằng xa cừ. Cây tàla bằng xa cừ, có thân cây bằng xa cừ, có lá và trái cây bằng san hô. Cây tàla bằng mọi loại báu, có thân cây bằng mọi loại báu, có là và trái cây bằng mọi loại báu. Này Ananda, khi những cây tàla này được gió rung chuyển, một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê lý khởi lên, cũng như năm loại nhạc khí, khi được một nhạc sĩ thiện xảo tấu nhạc, phát ra một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly. Cũng vậy, Ananda, khi những hàng cây tàla này được gió rung chuyển, một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên. Này Ananda, lúc bấy giờ, nếu ở tại kinh đô Kusàvati có những kẻ cờ bạc, rượu chè, họ sẽ nhảy múa theo những âm điệu của những hàng cây tàla này khi được gió thổi.
7. Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến, có đủ bảy món báu và bốn Như ý đức. Thế nào là bảy?
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến, vào ngày Bố-tát trăng rằm sau khi tắm rửa, lên cao điện để trai giới, thời Thiên luân báu hiện ra, đủ một ngàn cọng xe, với vành xe, trục xe, đủ mọi bộ phận. Thấy vậy, vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: "Ta nghe như vầy: Khi một vị vua Sát-đế-lỵ, đã làm lễ quán đảnh vào ngày Bố-tát trăng rằm, sau khi tắm rửa, lên cao điện trai giới, nếu có Thiên luân báu hiện ra, đủ một ngàn cọng xe, với vành xe và trục xe, đầy đủ mọi bộ phận, thời vị vua ấy là Chuyển Luân vương. Như vậy ta có thể là Chuyển Luân vương".
8. Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y trên một vai, tay trái cầm bình nước và với tay phải rưới nước trên xe báu và nói: Này xe báu hãy lăn khắp, này xe báu hãy chinh phục!". Và này Ananda, xe báu lăn về hướng Ðông và vua Ðại Thiện Kiến cùng với bốn loại binh chủng đi theo sau. Và này Ananda, chỗ nào xe báu dừng lại, chỗ ấy vua Ðại Thiện Kiến an trú cùng với bốn loại binh chủng.
9. Này Ananda, các địch vương ở phương Ðông đến yết kiến vua Ðại Thiện Kiến và nói: "Hãy đến đây, Ðại vương! Hoan nghênh, đón mừng Ðại vương! Tâu Ðại vương, tất cả đều thuộc của Ngài. Ðại vương hãy giáo huấn cho chúng tôi!".
Vua Ðại Thiện Kiến nói rằng: "Không được sát sanh. Không được lấy của không cho. Không được tà dâm. Không được nói láo. Không được uống rượu. Hãy ăn uống cho thích nghi".
Này Ananda, tất cả địch vương ở phương Ðông đều trở thành chư hầu vua Ðại Thiện Kiến.
10. Này Ananda, rồi xe báu lăn xuống biển lớn ở phương Ðông rồi nổi lên rồi lăn về phương Nam..., lặn xuống biển lớn ở phương Nam, rồi nổi lên và lặn về phương Tây..., lặn xuống biển lớn ở phương Tây, rồi nổi lên và lặn về phương Bắc và vua Ðại Thiện Kiến cùng với bốn loại binh chủng đi theo sau. Này Ananda, chỗ nào xe báu dừng lại chỗ ấy vua Ðại Thiện Kiến an trú cùng với bốn loại binh chủng.
Này Ananda, các địch vương ở phương Bắc đến yết kiến vua Ðại Thiện Kiến và nói: "Hãy đến đây, Ðại vương! Hoan nghênh đón mừng Ðại vương! Tâu Ðại vương tất cả thuộc của Ngài. Ðại vương hãy giáo huấn cho chúng tôi!".
Này Ananda, tất cả địch vương ở phương Bắc đều trở thành chư hầu của vua Ðại Thiện Kiến.
Này Ananda, xe báu ấy sau khi chinh phục trái đất cho đến hải biên, liền trở về kinh đô Kusàvati, và đứng trước pháp đình, trên cửa nội cung như một trang bảo cho nội cung của vua Ðại Thiện Kiến".
Này Ananda, như vậy là sự xuất hiện xe báu của vua Ðại Thiện Kiến.
12. Lại nữa này Ananda, voi báu xuất hiện cho vua Ðại Thiện Kiến, thuần trắng, bảy xứ kiên cường, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là Uposatha (Bố-tát). Thấy voi báu, vua Ðại Thiện Kiến sanh tâm hoan hỷ và nghĩ: "Lành thay được cỡi con voi này nếu nó chịu sự điều ngự". Và này Ananda, như một con hiền tượng quí phái chịu sự điều ngự lâu ngày, con voi báu ấy tự đến để chịu sự điều ngự. Này Ananda, thuở xưa, vua Ðại Thiện Kiến để thử voi báu này, sáng sớm cỡi voi đi khắp quả đất cho đến hải biên rồi về lại kinh đô Kusàvati kịp giờ ăn sáng. Này Ananda, như vậy là sự xuất hiện voi báu của vua Ðại Thiện Kiến.
13. Lại nữa này Ananda, ngựa báu xuất hiện cho vua Ðại Thiện Kiến, thuần trắng, đầu đen như quạ, bờm ngựa màu đen, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là Valahaka. Thấy ngựa báu, vua Ðại Thiện Kiến sanh tâm hoa hỷ và nghĩ: "Tốt đẹp thay được cỡi con ngựa này nếu nó chịu sự điều ngự". Và này Ananda, như một con hiền mã quý phái, chịu sự điều ngự lâu ngày, con ngựa báu ấy tự đến để chịu sự điều ngự. Này Ananda, thuở xưa, vua Ðại Thiện Kiến để thử ngựa báu này, sáng sớm cỡi ngựa, đi khắp quả đất cho đến hải biên rồi về lại kinh đô Kusàvati kịp giờ ăn sáng. Này Ananda, như vậy là sự xuất hiện ngựa báu của vua Ðại Thiện Kiến.
14. Lại nữa, này Ananda, châu báu lại xuất hiện cho vua Ðại Thiện Kiến. Châu báu ấy là lưu ly châu, sáng suốt, thuần chất, có tám mặt, khó dũa, khó mài, thanh tịnh, trong suốt, hoàn hảo mọi phương diện. Này Ananda, hào quang châu báu này chiếu sáng cùng khắp một do tuần. Này Ananda, thuở xưa, vua Ðại Thiện Kiến để thử châu báu này đã cho dàn bày bốn binh chủng, đặt bảo châu cao trên quân kỳ và có thể tiến quân trong đêm tối âm u. Này Ananda, mọi người trong làng ở xung quanh đều bắt đầu làm việc, tưởng rằng trời đã sáng rồi. Này Ananda như vậy là sự xuất hiện châu báu của vua Ðại Thiện Kiến.
15. Này Ananda, nữ báu lại xuất hiện cho vua Ðại Thiện Kiến, mỹ miều, khả ái, cử chỉ đoan trang, màu da tuyệt mỹ, không quá cao, không quá thấp, không béo, không gầy, không quá đen, không quá trắng, vượt trên dung sắc loài Người, sánh đến dung sắc chư Thiên. Này Ananda, thân xúc nữ báu này êm mịn như bông, như nhung. Này Ananda, khi trời lạnh, chân tay nữ báu này trở thành ấm áp, khi trời nóng, trở thành lạnh mát. Này Ananda, thân nữ báu tỏa mùi thơm chiên đàn, miệng tỏa mùi thơm hoa sen. Này Ananda, nữ báu này dậy trước và đi ngủ sau vua Ðại Thiện Kiến, mọi hành động làm vua thỏa thích, yên lành khả ái. Này Ananda, nữ báu này không có một tư tưởng nào bất tín đối với vua Ðại Thiện Kiến huống nữa là về thân thể. Này Ananda, như vậy là sự xuất hiện nữ báu của vua Ðại Thiện Kiến.
16. Lại nữa, này Ananda, gia chủ báu xuất hiện cho vua Ðại Thiện Kiến, chứng được thiên nhãn, do nghiệp dị thục sanh và nhờ thiên nhãn này có thể thấy châu báu chôn cất có chủ hay không có chủ. Gia chủ báu này đến vua Ðại Thiện Kiến và nói: "Tâu Ðại vương, Ðại vương chớ có lo âu, thần sẽ xử lý thích nghi tài sản Ðại vương".
Này Ananda, thuở xưa vua Ðại Thiện Kiến muốn thử gia chủ báu này, liền cỡi thuyền, chèo ra giữa sông Hằng và bảo gia chủ báu:
- Này Gia chủ, ta cần vàng.
- Tâu Ðại vương, Ðại vương hãy cho chèo thuyền gần bờ nào cũng được.
- Này Gia chủ, Ta cần vàng ngay tại đây.
Này Ananda, khi ấy gia chủ báu thọc hai tay xuống nước nhắc lên một ghè đầy cả vàng ròng rồi tâu với vua Ðại Thiện Kiến:
- Tâu Ðại vương, như vậy đã đủ chưa. Tâu Ðại vương, làm như vậy đã được chưa?
Vua Ðại Thiện Kiến trả lời:
- Này Gia chủ, như vậy là đủ. Này Gia chủ, làm như vậy là được rồi. Này Gia chủ, cúng dường như vậy là được rồi.
Này Ananda, như vậy là sự xuất hiện gia chủ báu của vua Ðại Thiện Kiến.
17. Lại nữa, này Ananda, tướng quân báu xuất hiện cho vua Ðại Thiện Kiến, có học thức, thông minh, sáng suốt, có khả năng khuyến cáo. Vua Ðại Thiện Kiến khi đáng tiến thì tiến, khi đáng lui thì lui, khi đáng dừng thì dừng lại.
Vị này đến tâu vua Ðại Thiện Kiến:
- Tâu Ðại vương, Ðại vương chớ có âu lo, Thần sẽ cố vấn Ðại vương.
Này Ananda, như vậy là sự xuất hiện tướng quân báu của vua Ðại Thiện Kiến.
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến có đầy đủ bảy báu như vậy.
18. Lại nữa, này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến, có đầy đủ bốn Như ý đức. Thế nào là bốn? Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến đẹp trai, khả ái, cử chỉ thanh lịch, sắc diện tuyện luân, thấy xa hơn mọi người. Này Ananda, đó là Như ý đức thứ nhất của vua Ðại Thiện Kiến.
19. Này Ananda, lại nữa, vua Ðại Thiện Kiến sống lâu, tuổi thọ thắng xa các người khác. Này Ananda, đó là Như ý đức thứ hai của vua Ðại Thiện Kiến.
20. Lại nữa này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến ít bệnh tật, ít tai ương, thể nhiệt không quá lạnh, không quá nóng, được quân phân để điều hòa sự tiêu hóa, thắng xa các người khác. Này Ananda, đó là Như ý đức thứ ba của vua Ðại Thiện Kiến.
21. Lại nữa, này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến được các vị Bà-la-môn và Gia chủ ái kính và yêu mến. Này Ananda, như người cha được các người con ái kính và yêu mến, cũng vậy này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến được các vị Bà-la-môn và Gia chủ ái kính và yêu mến. Này Ananda, như những người con được người cha ái kính và yêu mến, cũng vậy này Ananda, các vị Bà-la-môn và Gia chủ được vua Ðại Thiện Kiến ái kính và yêu mến. Thuở xưa, này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến đi đến hoa viên cùng với bốn loại binh chủng. Này Ananda, các vị Bà-la-môn và Gia chủ đến vua Ðại Thiện Kiến và tâu rằng: "Tâu Ðại vương, hãy cho đi chậm chậm để chúng tôi có thể chiêm ngưỡng lâu dài hơn..." Này Ananda, nhưng vua Ðại Thiện Kiến lại ra lệnh cho người đánh xe: "Này anh đánh xe, hãy đánh xe chậm chậm để ta có thể thấy các vị Bà-la-môn và Gia chủ lâu dài hơn". Này Ananda, như vậy là Như ý đức thứ tư của vua Ðại Thiện Kiến.
22. Và này Anada, vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: "Nay ta hãy cho xây những hồ sen giữa các hàng cây tàla, cứ cách khoảng một trăm cung tầm!".
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến cho xây các hồ sen giữa các hàng cây tàla, cứ cách khoảng một trăm cung tầm. Này Ananda, những hồ sen ấy được lát bằng bốn loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Này Ananda, trong bốn loại hồ sen ấy có bốn loại tầm cấp, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Tầm cấp bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Tầm cấp bằng lưu ly có cột trụ bằng lưu ly, có chắn ngang và đầu trụ bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng thủy tinh có cột trụ bằng thủy tinh, có chắn ngang và đầu trụ bằng lưu ly. Này Ananda, những hồ sen ấy được hai hàng bằng bạc. Hàng lan can bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Hàng lan can bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng.
23. Và này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: "Trong những hồ sen này ta sẽ cho đem trồng các loại sen xanh, sen hồng, sen vàng, sen trắng khắp bốn mùa để những ai muốn làm tràng hoa có thể lấy dùng". Và này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến cho đem trồng các loại sen xanh, sen hồng, sen vàng, sen trắng khắp bốn mùa để làm những tràng hoa bằng các thứ bông ấy.
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: "Trên bờ những hồ sen này, ta sẽ cho đặt những người hầu tắm cho những người qua kẻ lại". Và này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến cho đặt những người hầu tắm trên bờ những hồ sen này để tắm cho những người qua kẻ lại.
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: "Trên bờ những hồ sen này, ta sẽ cho đặt những vật bố thí, đồ ăn cho những ai đói, đồ uống cho những ai khát, áo quần cho những ai cần áo quần, xe cộ cho những ai cần xe, đồ nằm cho những ai cần nằm, đàn bà cho những ai cần đàn bà, bạc cho những ai cần bạc và vàng cho những ai cần vàng". Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến, trên bờ những hồ sen ấy, cho đặt những vật bố thí, đồ ăn cho những ai đói, đồ uống cho những ai khát, áo quần cho những ai cần áo quần, xe cộ cho những ai cần xe, đồ nằm cho những ai cần nằm, đàn bà cho những ai cần đàn bà, bạc cho những ai cần bạc, và vàng cho những ai cần vàng.
24. Này Ananda, các Gia chủ, Bà-la-môn đem theo nhiều tiền bạc đến vua Ðại Thiện Kiến và tâu vua:
- Tâu Ðại vương, chúng tôi có đem nhiều tiền của này để Ðại vương dùng. Mong đại vương hãy thâu nhận lấy.
- Này các Khanh, ta có đầy đủ nhiều tiền bạc do đánh thuế đúng pháp đem lại. Hãy giữ tiền bạc của Khanh lại, và đem theo nhiều nữa cho các Khanh!
Các vị này khi bị vua từ chối, liền đứng qua một bên và suy nghĩ: "Nếu nay chúng ta đem tiền của này về nhà chúng ta thời thật không phải. Chúng ta hãy xây dựng nhà cửa cho vua Ðại Thiện Kiến".
Các vị ấy liền đến vua Ðại Thiện Kiến và tâu:
- Ðại vương, chúng tôi định xây dựng nhà cửa cho Ðại vương.
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến im lặng nhận lời.
25. Này Ananda, Thiên chủ Sakka biết được tư tưởng của vua Ðại Thiện Kiến với tư tưởng của mình, liền gọi Thiên tử Vissakamma (Tỳ-thủ-yết-ma) và nói:
- Này Vissakamma, hãy đến đây và xây dựng một lâu đài cho vua Ðại Thiện Kiến, đặt tên là Dhamma (Pháp).
- Xin vâng, Tôn giả.
Này Ananda, Thiên tử Vissakamma vâng lời Thiên chủ Sakka, như người lực sĩ duỗi ra cánh tay đang co, hay co lại cánh tay duỗi ra, Thiên tử Vissakamma biến mất từ chư Thiên ở Tavatimsa và hiện ra trước mặt vua Ðại Thiện Kiến. Rồi này Ananda, Thiên tử Vissakamma tâu với vua Ðại Thiện Kiến:
- Ðại vương, tôi sẽ xây dựng một lâu đài tên là Dhamma cho Ðại vương!
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến im lặng nhận lời. Và này Ananda, Thiên tử Vissakamma xây dựng lâu đài tên là Dhamma cho vua Ðại Thiện Kiến.
26. Này Ananda, lâu đài Dhamma này, về hướng Ðông và hướng Tây bề dài đến một do tuần, và về hướng Bắc và hướng Nam, bề rộng đến nửa do-tuần.
Này Ananda, nền nhà của lâu đài Dhamma cao cho đến ba thân người và làm bằng ba loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.
Này Ananda, lâu đài Dhamma có đến tám vạn bốn ngàn cột trụ bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.
Này Ananda, lâu đài Dhamma có hai mươi bốn tầm cấp bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Tầm cấp bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Tầm cấp bằng lưu ly có cột trụ bằng lưu ly, có chắn ngang và đầu trụ bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng thủy tinh có cột trụ bằng thủy tinh, có chắn ngang và đầu trụ bằng lưu ly.
Này Ananda, lâu đài Dhamma có tám vạn bốn ngàn phòng ốc bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Trong phòng ốc bằng vàng có chỗ nằm bằng bạc được trải ra. Trong phòng ốc bằng bạc, có chỗ nằm bằng vàng được trải ra. Trong phòng ốc bằng lưu ly có chỗ nằm bằng ngà được trải ra. Trong phòng ốc bằng thủy tinh, có chỗ nằm bằng san hô được trải ra. Tại cửa phòng ốc bằng vàng, có dựng lên một cây tàla bằng bạc, với thân cây bằng bạc, với lá và trái cây bằng vàng. Tại cửa phòng ốc bằng bạc, có dựng lên một cây tàla bằng vàng, với thân cây bằng vàng, với lá và trái bằng bạc. Tại cửa phòng ốc bằng lưu ly, có dựng lên một cây tàla bằng thủy tinh, với lá và trái cây bằng thủy tinh, có dựng lên một cây tàla bằng lưu ly, với thân cây bằng lưu ly, với lá và trái cây bằng thủy tinh.
27. Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: "Trước cửa phòng lầu Ðại Trang Nghiêm, ta hãy cho dựng lên một rừng cây tàla toàn bằng vàng, và tại đây ta sẽ an tọa ban ngày.
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến trước cửa phòng lầu Ðại Trang Nghiêm, cho dựng lên một rừng cây tàla toàn bằng vàng và tại đây, vua ngồi an tọa ban ngày.
28. Này Ananda, lâu đầu Dhamma được hai dãy lan can bao bọc, một dãy bằng vàng, một dãy bằng bạc. Lan can bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Lan can bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng.
29. Này Ananda, lâu đài Dhamma có hai màn lưới chuông linh, một màn bằng vàng, một màn bằng bạc. Màn lưới bằng vàng có chuông linh bằng bạc, màn lưới bằng bạc có chuông linh bằng vàng. Này Ananda, khi những màn lưới chuông linh này được gió rung chuyển, thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên. Cũng như năm loại nhạc khí, khi được một nhạc sĩ thiện xảo tấu nhạc, phát ra âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly. Cũng vậy này Ananda, khi những màn lưới chuông linh này được gió rung chuyển, thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên. Này Ananda, lúc bấy giờ nếu tại kinh đô Kusàvati có những kẻ cờ bạc, rượu chè, chúng sẽ nhảy múa theo âm điệu của những màn lưới chuông linh này khi được gió thổi.
30. Này Ananda, lâu đài Dhamma khi xây xong, thật khó mà nhìn xem, hai mắt bị chói lòa (vì quá nguy nga tráng lệ). Này Ananda, như trong tháng cuối mùa mưa, khi bầu trời quang đảng, không bị mây che lấp, mặt trời mọc lên giữa hư không, khó mà nhìn xem vì hai mắt bị chói lòa. Cũng vậy, này Ananda, thật khó mà nhìn xem, hai mắt bị chói lòa khi lâu đài Dhamma xây xong.
31. Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: "Trước mặt lâu đài Dhamma, ta hãy cho xây hồ sen tên gọi là Dhamma!".
Và này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến cho xây một hồ sen tên là Dhamma trước mặt lâu đài Dhamma.
Này Ananda, hồ sen Dhamma, về hướng Ðông và hướng Tây bề dài đến một do tuần, và về hướng Bắc và hướng Nam bề rộng đến nửa do tuần.
Này Ananda, hồ sen Dhamma có bốn loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.
Này Ananda, hồ sen Dhamma có hai mươi bốn tầm cấp bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Tầm cấp bằng bạc có cột trụ và đầu trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Tầm cấp bằng lưu ly có cột trụ bằng lưu ly, có chắn ngang và đầu trụ bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng thủy tinh có cột trụ bằng thủy tinh, có chắn ngang và đầu trụ bằng lưu ly!
Này Ananda, hồ sen Dhamma có hai loại lan can bao bọc, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc. Lan can bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Lan can bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng.
32. Này Ananda, hồ sen Dhamma có bảy hàng cây tàla bao bọc, một hàng cây bằng vàng, một hàng cây bằng bạc, một hàng cây bằng lưu ly, một hàng cây bằng thủy tinh, một hàng cây bằng san hô, một hàng cây bằng xa cừ, một hàng cây bằng mọi thứ báu. Cây tàla bằng vàng có thân cây bằng vàng, có lá và trái cây bằng bạc. Cây tàla bằng bạc có thân cây bằng bạc, có lá và trái cây bằng vàng. Cây tàla bằng lưu ly có thân cây bằng lưu ly, có lá và trái câ bằng thủy tinh. Cây tàla bằng thủy tinh, có thân cây bằng thủy tinh, có lá và trái cây bằng lưu ly. Cây tàla bằng san hô có thân cây bằng san hô, có lá và trái cây bằng xa cừ. Cây tàla bằng xa cừ có thân cây bằng xa cừ, có lá và trái cây bằng san hô. Cây tà la bằng mọi thứ báu có thân cây bằng mọi thứ báu, có lá và trái cây bằng mọi thứ báu. Này Ananda, khi những hàng cây tàla này được gió rung chuyển, thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên. Cũng như năm loại nhạc khí, khi được một nhạc sĩ thiện xảo tấu nhạc, phát ra một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly. Cũng vậy này Ananda, khi những hàng cây tàla này được gió rung chuyển thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên. Này Ananda, lúc bấy giờ nếu ở kinh đô Kusàvati có những kẻ cờ bạc rượu chè, chúng sẽ nhảy múa theo âm điệu của những hàng cây này khi được gió thổi.
33. Này Ananda, khi lâu đài Dhamma và hồ sen Dhamma được xây xong, lúc bấy giờ vua Ðại Thiện Kiến cúng dường cho các vị Sa-môn được tôn kính và các vị Bà-la-môn được tôn kính mọi sự dục lạc cần thiết rồi vua lên lâu đài Dhamma.
Tụng phẩm II
1. Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: "Quả này của ta do nghiệp gì, báo này của ta là do nghiệp gì mà hiện tại ta có thần lực như vậy, có oai lực như vậy?".
Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: "Quả này là do ba loại nghiệp, báo này là do ba loại nghiệp mà hiện tại ta có thần lực như vậy. Ðó là Bố thí, Tự điều, Tự chế".
2. Này Ananda tồi vua Ðại Thiện Kiến đi đến cao đường Ðại Trang Nghiêm, đứng trước cửa và nói lớn tiếng cao hứng ngữ sau đây:
Hãy dừng lại, tư tưởng dục vọng!
Hãy dừng lại, tư tưởng sân hận!
Hãy dừng lại, tư tưởng não hại!
Ðến đây thôi, tư tưởng dục vọng!
Ðến đây thôi, tư tưởng sân hận!
Ðến đây thôi, tư tưởng não hại!
3. Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến bước vào cao đường Ðại Trang Nghiêm, ngồi trên sàng tọa bằng vàng, ly dục, ly ác pháp, chứng và an trú trong thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Rồi diệt tầm và tứ, chứng và an trú trong thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Rồi ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú vào thiền thứ ba. Rồi xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú vào thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
4. Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến ra khỏi cao đường Ðại Trang Nghiêm, bước vào cao đường bằng vàng, ngồi trên sàng tọa bằng bạc, an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận không sân... với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên không hận không sân.
5. Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến có tám vạn bốn ngàn kinh thành, và kinh thành Kusàvati (Câu-xá-bà-đề) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn lâu đài, và lâu đài Dhamma là đệ nhất. Tám vạn bốn ngàn cao đường, và cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn sàng tọa, bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa, và với những tấm da thú trắng của con sơn dương được che bởi những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ.
Tám vạn bốn ngàn con voi, với những trang sức bằng vàng, được che chở bằng lưới vàng, và tượng vương Uposatha (Bố-tát-đà) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn con ngựa, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới vàng, và mã vương Valàhaka (Vân Mã vương) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn cỗ xe, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, bằng vai vàng, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và cỗ xe tên Vejayanta (Nhạc thanh xa hay Chiến thắng kỳ) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn châu ngọc và bảo châu là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn phụ nữ và hoàng hậu Subhaddà (Thiện Hiền phi) là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn gia chủ và gia chủ báu là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn người giòng Sát-đế-lỵ và tướng quân báu là đệ nhất.
Tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay (Dukùla), với sừng đầu nhọn bịt đồng.
Tám vạn bốn ngàn vải Koti (Cu-chi) với sắc chất tinh diệu, như vải gai, vải bông, vải lụa và vải nhung.
Tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa (Thàlipàka), buổi sáng buổi chiều có cúng dường cơm.
6. Lúc bấy giờ, này Ananda, có tám vạn bốn ngàn voi sáng chiều đến phục vụ cho vua Ðại Thiện Kiến. Rồi vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: "Nay tám vạn bốn ngàn con voi này sáng chiều đến phục vụ cho ta. Nay ta hãy để cho chúng đến, cứ cách một trăm năm thời bốn vạn hai ngàn con đến".
Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến bảo Tướng quân báu:
- Này Hiền giả, nay tám vạn bốn ngàn con voi này, sáng chiều đến phục vụ ta. Nay hãy để cho chúng đến, cứ cách một trăm năm, mỗi lần cho bốn vạn hai ngàn con đến.
- Tâu Ðại vương, vâng!
Này Ananda, vị tướng quân báu vâng lời vua Ðại Thiện Kiến. Này Ananda, từ đó về sau, cứ mỗi một trăm năm, bốn vạn hai ngàn con voi lần lượt đến với vua Ðại Thiện Kiến.
7. Này Ananda, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều trăm ngàn năm, hoàng hậu Subhaddà suy nghĩ: "Cách đây đã lâu, ta được thấy vua Ðại Thiện Kiến. Vậy nay ta hãy đi để thăm vua Ðại Thiện Kiến".
Này Ananda, rồi hoàng hậu Subhaddà nói với các cung nữ:
- Các Ngươi hãy gội đầu, mặc áo vàng. Cách đây đã lâu, chúng ta được thấy vua Ðại Thiện Kiến. Vậy nay chúng ta sẽ đi yết kiến vua Ðại Thiện Kiến.
- Tâu Hoàng hậu, vâng!
- Này Ananda, các cung nữ vâng lời hoàng hậu Subhaddà (Thiện Hiền phi), gội đầu, mặc áo vàng và đi đến hoàng hậu Subhaddà.
Này Ananda, rồi hoàng hậu Subhaddà cho gọi Tướng quân báu:
- Này Khanh, hãy cho sắp đặt bốn loại binh chủng. Cách đây đã lâu chúng ta được thấy vua Ðại Thiện Kiến. Vậy nay chúng ta sẽ đi yết kiến vua Ðại Thiện Kiến.
- Tâu Hoàng hậu, vâng!
Này Ananda, tướng quân báu vâng lời hoàng hậu Subhaddà, cho sắp đặt bốn loại binh chủng và tâu Hoàng hậu:
- Tâu Hoàng hậu, bốn loại binh chủng đã sắp đặt xong. Hãy làm gì Hoàng hậu nghĩ là phải thời.
8. Này Ananda, hoàng hậu Subhaddà cùng với bốn loại binh chủng và các cung nữ đi đến lâu đài Dhamma, leo lên lâu đài ấy, đến tại cao đường Ðại Trang Nghiêm và đứng dựa vào cánh cửa của cao đường này.
Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: "Nay tiếng gì ồn ào như vậy, như cả một quần chúng đông đảo?" Vua bèn bước ra khỏi cao đường Ðại Trang Nghiêm và thấy hoàng hậu Subhaddà đang đứng dựa vào cửa. Thấy vậy, vua liền nói với hoàng hậu Subhaddà:
- Hoàng hậu hãy đứng ở đây, chớ có vào!
9. Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến liền bảo một người hầu cận:
- Ngươi hãy nhắc giường bằng vàng ra khỏi cao đường Ðại Trang Nghiêm và đặt trong khu rừng cây sàla bằng vàng.
- Tâu Ðại vương, vâng!
Này Ananda, người ấy vâng lời dạy của vua Ðại Thiện Kiến, nhắc sàng tọa bằng vàng ra khỏi cao đường Ðại Trang Nghiêm và đặt trong khu rừng cây sàla bằng vàng.
Này Ananda, rồi vua Ðại Thiện Kiến nằm xuống, trong dáng điệu con sư tử, về phía bên hữu, một chân đặt dài trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác.
10. Này Ananda, hoàng hậu Subhaddà suy nghĩ: "Các căn của vua Ðại Thiện Kiến thật là sáng suốt, màu da thật là thanh tịnh, trong sáng. Mong rằng vua Ðại Thiện Kiến chớ có mệnh chung!".
Rồi hoàng hậu tâu với vua Ðại Thiện Kiến:
- Tâu Ðại vương, tám ván bốn ngàn kinh thành này với kinh thành Kusàvati là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn lâu đài này với lâu đài Dhamma là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cao đường này với cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn sàng tọa này, bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa và với những tấm da thù thắng của con sơn dương, được che với những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ, những sàng tọa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con voi này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và tượng vương Uposatha là đệ nhất, những con voi này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con ngựa này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và mã vương Valàhaka là đệ nhất, những con ngựa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cỗ xe này, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, bằng vải vàng với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và cỗ xe tên Vejayanta là đệ nhất. Những cỗ xe này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn châu ngọc này với bảo châu là đệ nhất, đều thuộc Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn gia chủ này và gia chủ báu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với họ. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn người giòng họ Sát-đế-lỵ này và tướng quân báu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với họ. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay, với sừng đầu nhọn bịt đồng này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn vải Koti với sắc chất tinh diệu như vải gai, vải bông, vải lụa và vải nhung đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa, và buổi sáng có cúng dường cơm này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy khởi tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương hãy ái luyến đời sống!
11. Này Ananda, vua Ðại Thiện Kiến nghe hoàng hậu Subhaddà nói vậy liền trả lời:
- Ðã từ lâu Hoàng hậu nói với ta với những lời dễ chịu, hòa ái và dịu dàng. Thế mà nay, trong lần cuối cùng này, Hoàng hậu lại nói với ta bằng những lời không dễ chịu, không hòa ái, không dịu dàng!
- Tâu Ðại vương, thiếp phải nói với Ðại vương thế nào?
- Này Hoàng hậu, Hoàng hậu phải nói với ta như thế này:
"Tất cả mọi sự vật khả ái, khả lạc đều thay đổi, không có thực thể, chịu sự biến hóa. Ðại vương chớ có mệnh chung với tâm quyến luyến chúng. Ðau khổ thay, sự mệnh chung với tâm còn ái luyến. Ðáng trách thay, sự mệnh chung còn ái luyến.
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn kinh thành này với kinh thành Kusàvati là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn lâu đài này với lâu đài Dhamma là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cao đường này với cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn sàng tọa này, bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa, và với những tấm da thù thắng của con sơn dương, được che chở bởi những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ, những sàng toạ này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ tâm ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con voi này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và tượng vương Uposatha là đệ nhất, những con voi này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con ngựa này với những trang sức bằng vàng, được che chở với lưới bằng vàng và mã vương Valàhaka là đệ nhất, những con ngựa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, với những đồ trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và cỗ xe tên Vejayanta là đệ nhất. Những cỗ xe này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn châu ngọc này với bảo châu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn phụ nữ này là phụ nữ báu đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với họ. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn người thuộc giòng họ Sát-đế-lỵ này là tướng quân báu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với họ. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay, với sừng đầu nhọn bịt đồng này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn vải Koti với sắc chất tinh diệu như vải gai, vải bông, vải lụa và vải nhung này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa, và buối sáng buổi chiều có cúng dường cơm này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
12. Này Ananda, khi nghe nói vậy, hoàng hậu Subhaddà buồn khóc, rơi nước mắt và tâu với vua Ðại Thiện Kiến:
- Tâu Ðại vương, tất cả mọi sự vật khả ái, khả lạc đều thay đổi, không có thực thể, thực sự biến hóa. Ðại vương chớ có mệnh chung với tâm quyến luyến chúng. Ðau khổ thay, sự mệnh chung với tâm còn ái luyến! Ðáng trách thay, sự mệnh chung với tâm còn ái luyến! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn lâu đài này với lâu đài Dhamma là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cao đường này với cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn sàng tọa này, bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa và với những tấm da thù thắng của con sơn dương, được che với những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ, những sàng tọa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con voi này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và tượng vương Uposatha là đệ nhất. Những con voi này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn con ngựa này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vang và mã vương Valàhaka là đệ nhất. Những con ngựa này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy tử bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn cỗ xe này, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, với những đồ trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và cỗ xe tên Vejayanta là đệ nhất. Những cỗ xe này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn châu ngọc này với bảo châu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn phụ nữ này và phụ nữ báu là đệ nhất đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với họ. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn gia chủ này và gia chủ báu là đệ nhất đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với họ. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
"Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn người giòng họ Sát-đế-lỵ này với tướng quân báu là đệ nhất, đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay, với sừng đầu nhọn bịt đồng này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn vải Koti với sắc chất tinh diệu, như vải gai, vải bông, vải lụa, vải nhung này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống! Tâu Ðại vương, tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa, và buổi sáng buổi chiều có cúng dường cơm này đều thuộc của Ðại vương. Ðại vương hãy từ bỏ lòng ái dục đối với chúng. Ðại vương chớ có ái luyến đời sống!
13. Này Ananda, không bao lâu, vua Ðại Thiện Kiến mệnh chung. Này Ananda, giống như một người gia chủ hay con một người gia chủ, sau một bữa cơm thịnh soạn trở nên buồn ngủ, cũng tương tự như vậy cảm giác của vua Ðại Thiện Kiến khi mệnh chung. Này Ananda, sau khi mệnh chung, vua Ðại Thiện Kiến sanh lên thiên phú cõi Phạm thiên. Này Ananda, trải tám vạn bốn ngàn năm, vua Ðại Thiện Kiến sống sung sướng đời sống của một hoàng tử, trải tám vạn bốn ngàn năm làm một phó vương, trải tám vạn bốn ngàn năm làm một vị quốc vương, trải tám vạn bốn ngàn năm làm gia chủ, sống phạm hạnh trong lâu đài Dhamma. Ngài tu tập bốn Thần túc như vậy, sau khi thân hoại mạng chung. Ngài được sanh lên cõi Phạm thiên.
14. Này Ananda, các ngươi có thể nghĩ: "Thời ấy, vua Ðại Thiện Kiến là một vị khác". Này Ananda, chớ có quan niệm như vậy. Thời ấy chính Ta là vua Ðại Thiện Kiến.
Tám vạn bốn ngàn kinh thành với kinh thành Kusàvati là đệ nhất ấy thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn lâu đài với lâu đài Dhamma là đệ nhất ấy thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn cao đường với cao đường Ðại Trang Nghiêm là đệ nhất ấy thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn sàng tọa ấy bằng vàng, bằng bạc, bằng ngà, bằng gỗ kiên cố, được trải với những tấm nệm lông dài, với vải có thêu bông hoa, và với những tấm da thù thắng của con sơn dương, được che chở với những tán che cao và hai đầu có gối màu đỏ, những sàng tọa ấy đều thuộc của ta.
Tám vạn bốn ngàn con voi này, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và tượng vương Uposatha là đệ nhất. Những con voi ấy đều thuộc của ta.
Tám vạn bốn ngàn con ngựa với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng và mã vương Valahaka là đệ nhất. Những con ngựa này đều thuộc của ta.
Tám vạn bốn ngàn cỗ xe này, với những tấm thảm bằng da sư tử, bằng da cọp, bằng da báo, với những trang sức bằng vàng, cờ vàng, được che chở với lưới bằng vàng, và cỗ xe tên Vijayanta là đệ nhất. Những cỗ xe này đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn châu ngọc này với bảo châu là đệ nhất đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn phụ nữ này với phụ nữ báu là đệ nhất đều thuộc của ta.
Tám vạn bốn ngàn gia chủ này với gia chủ báu là đệ nhất đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn người giòng họ Sát-đế-lỵ này với tướng quân báu là đệ nhất đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn nhũ ngưu với trang sức bằng vải cây đay, với sừng đầu nhọn bịt đồng đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn vải Koti với sắc chất tinh diệu như vải gai, vải bông, vải lụa và vải nhung này đều thuộc của Ta.
Tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa, và buổi sáng buổi chiều có cúng dường cơm này đều thuộc của Ta.
15. Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn kinh thành ấy, chỉ có một kinh thành mà Ta ở vào thời ấy, đó là kinh thành Kusàvati.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn lâu đài ấy, chỉ có một lâu đài mà Ta ở thời ấy, đó là lâu đài Dhamma.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn cao đường ấy, chỉ có một cao đường mà Ta ở thời ấy, đó là cao đường Ðại Trang Nghiêm.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn sàng tọa ấy, chỉ có một sàng tọa mà Ta dùng thời ấy, đó là sàng tọa bằng vàng, hay bằng bạc, hay bằng ngà, hay bằng gỗ kiên cố.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn con voi ấy, chỉ có một con voi mà Ta cỡi thời ấy, đó là tượng vương Uposatha.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn con ngựa ấy, chỉ có một con ngựa mà Ta cỡi thời ấy, đó là con mã vương Valàhaka.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn cỗ xe ấy, chỉ có một cỗ xe mà Ta cỡi thời ấy, đó là cỗ xe Vejayanta.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn phụ nữ ấy, chỉ có một phụ nữ hầu hạ Ta thời ấy, đó là phụ nữ của giòng Sát-đế-lỵ hay giòng Velàmikàni.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn loại vải Koti ấy, chỉ có một loại vải sắc chất tế nhị mà Ta mặc thời ấy, đó là vải gai, vải bông, vải lụa hay vai nhung.
Này Ananda, trong tám vạn bốn ngàn loại cháo sữa ấy, chỉ có một loại cháo sữa mà Ta dùng thời ấy, đó là cơm và đồ ăn.
16. Này Ananda, tất cả các pháp hữu vi ấy nay đã vào quá khứ, hoại diệt và biến hóa. Này Ananda, các pháp hữu vi, vô thường là như vậy, không kiên cố là như vậy, không đáng tin tưởng là như vậy; vì rằng, này Ananda, tất cả các pháp hữu vi cần phải nhàm chán, cần phải thoát ly, cần phải giải thoát.
17. Này Ananda, nay Ta nhớ lại, như thế nào tại chỗ này thân Ta đã được chôn tất cả là sáu lần; và khi Ta sống làm một vị Chuyển Luân vương, dùng chánh pháp trị nước, một vị pháp vương, trị vì bốn thiên hạ, vị chinh phục, che chở cho quần chúng, đầy đủ bảy món báu, đó là lần thứ bảy. Này Ananda, Ta không thấy một địa phương nào, trong thế giới loài Người và chư Thiên, trong thế giới Ma vương hay thế giới Phạm thiên, trong giòng họ Sa-môn hay Bà-la-môn mà trong địa phương ấy, Như Lai sẽ bỏ thân này lần thứ tám.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sau khi thuyết xong, Thiện Thệ, bậc Ðạo Sư nói lại bài kệ như sau:
Tất cả pháp hữu vi,
Thật sự là vô thường,
Khởi lên rồi diệt mất,
Thường tánh là như vậy.
Chúng được sanh khởi lên,
Rồi chúng lại hoại diệt.
Hạnh phúc thay khi chúng
Ðược tịnh chỉ an lạc.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Có ý kiến cho rằng Đức Thế Tôn chọn một quốc độ nhỏ bé để viên tịch vì để tránh can qua trong việc tranh chấp xá lợi. Ý kiến đó có thể xem là xác đáng chăng? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Phải chăng một vị đại bồ tát huân tu ba la mật để hướng cầu giải thoát nhưng theo tự nhiên thì phước hữu lậu vẫn phát sanh một cách thù thắng. Phước đó có thể trở thành ngăn ngại chăng? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 3. Trong đời sống của người Phật tử chúng ta nên nghĩ tưởng đến phước báu để hướng cầu hay nghĩ tới vô thường để xả ly? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 1. Có ý kiến cho rằng Đức Thế Tôn chọn một quốc độ nhỏ bé để viên tịch vì để tránh can qua trong việc tranh chấp xá lợi. Ý kiến đó có thể xem là xác đáng chăng? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Phải chăng một vị đại bồ tát huân tu ba la mật để hướng cầu giải thoát nhưng theo tự nhiên thì phước hữu lậu vẫn phát sanh một cách thù thắng. Phước đó có thể trở thành ngăn ngại chăng? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 3. Trong đời sống của người Phật tử chúng ta nên nghĩ tưởng đến phước báu để hướng cầu hay nghĩ tới vô thường để xả ly? - ĐĐ Pháp Tín
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment