Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; ĐĐ Pháp Tín
21. Kinh Ðế-thích sở vấn (Sakka-panha sutta)
Tụng Phẩm II - Câu hỏi 3.
TỔNG QUAN
Những câu chuyện thần tiên trong học thuật của nhân loại hầu hết là thần thoại. Thường là ghi lại những tình tiết hư cấu ly kỳ. Tam tạng kinh điển cũng ghi lại nhiều giai thoại luận đàm giữa Đức Phật và chúng thiên nhân nhưng không phải chỉ là chuyện tích đơn giản mà để lại những lời dạy cao quý, thực tiễn ngay cả cho cuộc sống hôm nay. Đó là điều làm nhiều học giả Phương Tây kinh ngạc. Kinh Mangala sutta (Kinh Điềm Lành) là một thí dụ. Bài hôm nay cũng vậy.
Kinh Đế Thích Sở Vấn ghi lại những câu hỏi đạo vị của vị thiên chủ cõi Đao Lợi (Tam thập tam thiên – Tavatimsa) và những câu trả lời của Đức Phật. Khởi đầu là hiện tượng chiến tranh giữa chúng sanh rồi dẫn đến những chiều sâu của đời sống nội tại.
Phần duyên khởi ghi lại một thuở Đấng Thiên Nhân Sư trú ở Indasālaguhā, một nơi cảnh trí hữu tình ngày nay gọi là Giriyek, toạ lạc 9 cây số về phía đông của Rājgīr hay Rājagaha (Vương Xá) ngày nay. Trong cung cách của một thiên chủ, hơn thế nữa là người kính ngưỡng Phật, Thiên vương Sakka không tùy tiện đến mà gởi một Càn Thát Bà tên Pancasikha đến xin phép trước.
Vị càn thát bà nầy vận dụng sở trường âm nhạc của mình đến đàn hát thiên nhạc cúng dường Đức Phật. Có lẽ đây là bản nhạc duy nhất của chư thiên mà lời nhạc được ghi lại trong văn hoá nhân loại. Thú vị hơn nữa là được tìm thấy trong kho tàng kinh điển của Phật giáo Nguyên Thủy vốn được biết là rất bảo thủ (...). Nội dung bản nhạc vừa diễm tình vừ xưng tán Tam Bảo. Phản ứng của Đức Phật vừa khen vừa như quở;”Này Pancasikha, huyền âm của Ngươi khéo hòa điệu với giọng ca của Ngươi, và giọng ca của Ngươi khéo hòa điệu với huyền âm của Ngươi. Này Pancasikha, do vậy huyền âm của Ngươi không thêm mầu sắc cho giọng ca, hay giọng ca của Ngươi không thêm màu sắc cho huyền âm của Ngươi. Này Pancasikha, Ngươi học tại chỗ nào những bài kệ liên hệ đến Phật, Pháp, đến A La Hán, đến ái dục như vậy?” Sau đó Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu xin được diện kiến của Thiên chủ Sakka.
Những trao đổi sơ khởi cho thấy hình ảnh một thiên chủ kính ngưỡng tuyệt đối ở Đức Phật. Nhiều chi tiết của phần nầy đặc biệt lợi ích để hiểu về cách suy nghĩ của thiên chúng.
Chánh Kinh
Tụng phẩm II
3. Này Thiên chủ, Ta nói hỷ có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Này Thiên chủ, Ta nói ưu cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Này Thiên chủ, Ta nói xả cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa.
Này Thiên chủ, Ta nói hỷ có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy? Ở đây, loại hỷ nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời hỷ ấy cần phải tránh xa. Ở đây loại hỷ nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời hỷ ấy nên thân cận. Ở đây, có hỷ câu hữu với tầm, câu hữu với tứ; có hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.
Này Thiên chủ, Ta nói hỷ có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.
Này Thiên chủ, Ta nói ưu cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì, tuyên bố như vậy? Ở đây, loại ưu nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với ưu này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời ưu ấy cần phải tránh xa. Ở đây, loại ưu nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với ưu này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời ưu ấy nên thân cận. Ở đây, có ưu câu hữu với tầm, câu hữu với tứ, có ưu không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại ưu không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.
Này Thiên chủ, Ta nói ưu là hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy, là do nhân duyên như vậy.
Này Thiên chủ, Ta nói xả cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì, tuyên bố như vậy? Ở đây, loại xả nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với xả này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời xả ấy cần phải tránh xa. Ở đây, loại xả nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với xả này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời xả ấy nên thân cận. Ở đây, có xả câu hữu với tầm, câu hữu với tứ, có xả không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại xả không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.
Này Thiên chủ, Ta nói rằng xả có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.
Này Thiên chủ, vị Tỷ Kheo phải chứng đạt như vậy, phải thành tựu con đường như vậy, mới thích hợp và hướng dẫn đến sự diệt trừ các vọng tưởng hý luận.
Ðó là hình thức câu trả lời Thế Tôn cho câu hỏi Thiên chủ Sakka. Sung sướng, Thiên chủ Sakka hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói:
- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của con được diệt tận, do dự của con được tiêu tan.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment