Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 31/3/2019
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI phần4.31
xxxi) Bốn bộc lưu: Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu (cattāro oghā — kāmogho, bhavogho, diṭṭhogho, avijjogho).
xxxii) Bốn ách: Dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách (cattāro yogā — kāmayogo, bhavayogo, diṭṭhiyogo, avijjāyogo)
xxxiii) Bốn ly ách: Ly dục ách, ly hữu ách, ly kiến ách, ly vô minh ách (cattāro visaññogā — kāmayogavisaññogo, bhavayogavisaññogo, diṭṭhiyogavisaññogo, avijjāyogavisaññogo)
Bộc lưu -Ogha- từ ngữ nguyên ava + han, nghĩa là hại hay giết. Chúng sanh bị đại thủy trào lôi cuốn, trôi giạt ra ngoài biển khơi và nhận chìm xuống đáy sâu, hoặc bị thương nặng, hoặc bị chết chìm. Cũng vậy, các Oghà này cuốn phăng chúng sanh xuống vực thẳm của ác thú.
Ách -Yoga - từ ngữ nguyên "yuj" nghĩa là mắc cột vào, những gì cột dính chúng sanh vào bánh xe luân hồi sanh - tử.
Dục chỉ cho sự tham ái các dục vọng.
Hữu chỉ cho ái chấp nghiệp hữu và sanh hữu.
Kiến chỉ cho sự chấp thủ vào quan niệm tà vạy như 62 tà kiến như kể trong kinh Brahmajàla (Phạm-Võng),
Vô minh là vô minh đối với Tứ Ðế, đời quá khứ, đời vị lai, cả hai đời và đối với Lý Duyên-Khởi.
Bài kinh sau đây được trích từ Tăng Chi Bộ
(X) (10) Các Ách
—Này các Tỷ-kheo, có bốn ách này. Thế nào là bốn? Dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là dục ách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly các dục. Do như không thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly các dục, nên dục tham, dục hỷ, dục luyến, dục đam mê, dục khát, dục não, dục chấp thủ, dục ái trong các dục xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục ách.
Và thế nào là hữu ách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly các hữu. Do như không thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly các hữu, nên hữu tham, hữu hỷ, hữu luyến, hữu đam mê, hữu khát, hữu não, hữu chấp thủ, hữu ái trong các hữu xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu ách.
Và thế nào là kiến ách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các kiến. Do như không thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly các kiến, nên kiến tham, kiến hỷ, kiến luyến, kiến đam mê, kiến khát, kiến não, kiến chấp thủ, kiến ái trong các kiến xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kiến ách.
Và thế nào là vô minh ách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của sáu xúc xứ. Do như không thật quán tri sự tập khởi ... sự xuất ly của sáu xúc xứ, nên vô minh, vô trí trong sáu xúc xứ xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh ách.
Ðây là dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách.
Bị trói buộc bởi các ác bất thiện pháp, các phiền não, các pháp bị tái sanh, phiền nhiễu, các quả khổ dị thục trong tương lai, bởi sanh già, chết, do vậy được gọi là không an ổn khỏi các ách. Này các Tỷ-kheo, có bốn ách này.
Này các Tỷ-kheo, có bốn ách ly này. Thế nào là bốn? Ly dục ách, ly hữu ách, ly kiến ách, ly vô minh ách.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ly dục ách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các dục. Do như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các dục, nên dục tham, dục hỷ, dục luyến, dục đam mê, dục khát, dục não, dục chấp thủ, dục ái trong các dục không xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ly dục ách.
Và thế nào là ly hữu ách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các hữu. Do như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các hữu, nên hữu tham, hữu hỷ, hữu luyến, hữu đam mê, hữu khát, hữu não, hữu chấp thủ, hữu ái trong các hữu không xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ly hữu ách.
Và thế nào là ly kiến ách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các kiến. Do như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các kiến, nên kiến tham, kiến hỷ, kiến luyến, kiến đam mê, kiến khát, kiến não, kiến chấp thủ, kiến ái trong các kiến không xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ly kiến ách.
Và thế nào là ly vô minh ách?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của sáu xúc xứ. Do như thật quán tri sự tập khởi ... sự xuất ly của sáu xúc xứ, nên vô minh, vô trí trong sáu xúc xứ không xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ly vô minh ách.
Ðây là ly dục ách, ly hữu ách, ly kiến ách và ly vô minh ách.
Không bị trói buộc bởi các ác bất thiện pháp, các phiền não, các pháp bị tái sanh, phiền nhiễu, các quả khổ dị thục trong tương lai, bởi sanh già, chết, do vậy được gọi là an ổn khỏi các ách. Này các Tỷ-kheo, có bốn ly ách này.
Bị trói buộc cả hai
Dục ách và hữu ách
Bị trói buộc kiến ách
Với vô minh thượng thủ
Chúng sanh bị luân chuyển
Ði đến sanh và chết
Những ai liễu tri dục
Và toàn bộ hữu ách
Nhổ vất bỏ kiến ách
Và từ bỏ vô minh
Ly hệ tất cả ách
Họ vượt khỏi các ách
(Bản dịch của HT Thích Minh Châu)
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. : Vô minh nếu được hiểu là sức cuốn phăng thì nên hiểu thế nào? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Tại sao có khi hữu gắn liền với ái, có khi gắn liền với kiến nhưng trong bài học nầy lại “riêng một góc trời”? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Có những cảnh giới an lạc trong tam giới nhưng cõi trời dục giới, cõi sắc giới, cõi vô sắc giới nhưng tại sao ước muốn sanh về những cõi an lạc đó theo Phật Pháp thì lại là phiền não? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 5. Trong kinh có ghi lời Phật dạy số lượng chúng sanh rơi vào khổ cảnh nhiều như lông bò so với chúng sanh được sanh vào cõi an lạc như số sừng bò. Hiện tượng nầy phải chăng vì động lực luân hồi vốn do dục, hữu, kiến, vô minh? - TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment