Friday, March 22, 2019

Bài học. Thứ Sáu ngày 22 tháng 3, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng SưĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 22/3/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP BỐN CHI phần4.22

xxvii) Bốn loại hành khác: Bất kham nhẫn hành, kham nhẫn hành, điều phục hành, tịch tịnh hành (akkhamā paṭipadā, khamā paṭipadā, damā paṭipadā, samā paṭipadā).

Bài kinh sau đây trích từ Kinh Tăng Chi Bộ giải thích ý nghĩa của đề tài trên:
(IV) (164) Kham Nhẫn 
1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn?
Ðạo hành không kham nhẫn, đạo hành kham nhẫn, đạo hành nhiếp phục, đạo hành an tịnh.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành không kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưởi mắng lại kẻ đã chưởi mắng, sân hận lại với kẻ đã sân hận, gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành không kham nhẫn.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành kham nhẫn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không nhiếc mắng lại kẻ đã nhiếc mắng, không sân hận lại kẻ đã sân hận, không gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành nhiếp phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì với nhãn căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, sống với sự chế ngự nhãn căn. Khi tai nghe tiếng ... khi mũi ngửi hương ... khi lưỡi nếm vị ... khi thân cảm xúc ... khi ý biết pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì ý căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, sống với sự chế ngự ý căn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành nhiếp phục.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là đạo hành an tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có chấp nhận dục tầm khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, làm cho an tịnh, chấm dứt, khiến đi đến không sanh hữu, không có chấp nhận sân tầm khởi lên ... không có chấp nhận hại tầm khởi lên ... không có chấp nhận các pháp ác bất thiện tầm khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, làm cho an tịnh, chấm dứt, khiến đi đến không sanh hữu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành an tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Thuật ngữ đạo hành - paṭipadā – trong đoạn kinh nầy nên được định nghĩa thế nào?

Thảo luận 2. Trong Đông y có ba cách trị liệu: 1. Bá đạo (đau đâu trị đó), 2. Vương đạo (trị bệnh thì trị ở gốc), 3. Đế đạo (ngừa bệnh là cách tốt nhất đối với bệnh tật). Ba phương cách nầy cũng được áp dụng trong nhiều lãnh vực như an dân, trị quốc..Bốn phương cách: đạo hành bất kham nhẫn, đạo hành kham nhẫn, đạo hành nhiếp phục hành, đạo hành an tịnh thì phương cách nào là đau đâu trị đó? phương cách nào là trị tận gốc? phương cách nào là ngăn ngừa? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 3. Phải chăng trong cách giải quyết áp đảo (đạo hành bất kham nhẫn) có cũng có những kết quả nhất định? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 4. Cách ứng xử đối với những vấn đề có ảnh hưởng đến sự tu tập giới, định, tuệ của cá nhân chăng? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 5. Có nên quan niệm rằng: phương cách giải quyết các vấn đề nên phù hợp với cá tính của mỗi người? - TT Pháp Đăng


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment