Tuesday, March 12, 2019

Bài học. Thứ Ba ngày 12 tháng 3, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 12/3/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP BỐN CHI phần4.12

xii) Bốn trí khác: Khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí ( aparānipi cattāri ñāṇāni — dukkhe ñāṇaṃ, dukkhasamudaye ñāṇaṃ, dukkhanirodhe ñāṇaṃ, dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya ñāṇaṃ).

Trí - ñāṇāni – là sự hiểu biết chính xác với sự thật. Trong đoạn kinh nầy trí được hiểu là tuệ giác giác ngộ giải thoát.
Khổ trí - dukkhe ñāṇaṃ - là sự hiểu biết về bản chất rỗng không, đau khổ và cần kíp thời giải quyết của cuộc sống như y sĩ hiểu rõ bệnh trạng cần chữa trị gấp.
Tập trí - dukkhasamudaye ñāṇaṃ - là sự hiểu biết về nhân sanh khổ tức nhận ra bản chất của khát ái không bao giờ thoả mãn là động lực của dòng sanh tử.
Diệt trí - dukkhanirodhe ñāṇaṃ - là sự hiểu biết xác thực về sự thoát khổ hay niết bàn.
Đạo trí - dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya ñāṇaṃ - là sự hiểu biết về con đường đưa đến thoát khổ hay niết bàn tức là thánh đạo tám chi phần.
Đoạn kinh sau đây dạy rõ về bốn trí đề cập trên được trích từ Kinh Chuyển Pháp Luân, Tương Ưng Bộ :
Nầy các Tỳ kheo, đây là diệu đế về sự khổ: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ ưu não là khổ, ghét phải gần là khổ, thương phải xa là khổ, muốn không được là khổ. Tóm lại năm thủ uẩn là khổ.

Nầy các Tỳ kheo, đây là diệu đế về nhân sanh khổ: khát ái dẫn đến tái sanh, cùng với hỷ và tham, tầm cầu dục lạc đó đây. Chính là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
Nầy các Tỳ kheo, đây là diệu đế về diệt khổ: yểm ly đọan diệt các dục, chấm dứt hệ luỵ, không còn dư y, hoàn toàn giải thoát mọi thằng thúc.
Nầy các Tỳ kheo, đây là diệu đế về con đường dẫn đến diệt khổ: chính là thánh đạo tám chi phần tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
"Ðây là sự thật về khổ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Khổ đế cần được lãnh hội" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Khổ đế đã được lãnh hội" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Ðây là sự thật về nhân sanh khổ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Tập đế cần được đoạn diệt" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Tập đế đã được đoạn diệt" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Ðây là sự thật về diệt khổ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Diệt đế cần được chứng ngộ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Diệt đế đã được chứng ngộ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Ðây là sự thật về con đường diệt khổ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Ðạo đế cần được tu tập" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
"Ðạo đế đã được tu tập" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.
Nầy các Tỳ kheo, cho đến khi nào bốn diệu đế nầy chưa được Như Lai hoàn toàn giác ngộ với ba luân, mười hai chuyển thì Như Lai không tự nhận cùng thiên giới, ma vương giới, phạm thiên giới, hội chúng sa môn, bà la môn, chư thiên và nhân loại rằng ta đã chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.



ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận  1. : Phải chăng nếu có được trí hiểu rõ khổ thì cũng có trí hiểu rõ niết bàn? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Chánh kiến trong tâm đạo (magga) là khổ trí hay diệt khổ trí hay cả hai? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Tại sao trong tứ diệu đế vô minh không được đề cập như khổ tập mà là ái ?  - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 4. Khổ diệt đạo trí đóng vai trò nào trong sự tu tập? Loại trí nầy có khác với đạo phi đạo tri kiến tịnh? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận  5. Hiểu biết sự khổ có phải là sự bi quan tiêu cực ? - TT Tuệ Quyền


 Thảo luận 6. Nhìn đau khổ bằng trí tuệ khác biệt gì với nhìn đau khổ mà không có trí tuệ ? - TT Pháp Tân



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment