NGHIỆP LỰC KHÔNG THỂ CHỈ ĐO LƯỜNG BẰNG VẬT LÝ
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Lửa địa ngục nóng dữ dội hơn lửa bình thường. Một hòn đá nhỏ bé được ném vào trong lửa bình thường, trong khi bị đốt cháy trọn ngày vẫn không bị tiêu hoại, còn tảng đá thậm chí lớn bằng ngôi nhà mái nhọn được ném vào trong lửa địa ngục liền bị tiêu hoại trong giây lát.’ Trẫm không tin lời nói này. Hơn nữa, ngài còn nói như vầy: ‘Chúng sanh nào sanh ra ở nơi ấy, trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại,’ trẫm cũng không tin lời nói này.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Các loài như cá đao cái, cá sấu cái, rùa cái, công mái, bồ câu mái, phải chăng chúng ăn các hòn đá và các hạt cát cứng rắn?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng ăn.”
“Vậy có phải các thứ này khi đã đi vào bên trong bao tử ở bụng của chúng thì bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng bị tiêu hoại.”
“Vậy còn bào thai ở trong bụng của các loài thú cái ấy cũng bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, trẫm nghĩ do tác động của nghiệp khiến chúng không bị tiêu hoại.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tác động của nghiệp khiến chúng sanh ở địa ngục, trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại; họ sanh ra ngay tại nơi ấy, lớn lên ngay tại nơi ấy, chết đi ngay tại nơi ấy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Cho đến khi nào nghiệp ác ấy còn chưa được diệt tận thì chúng sanh địa ngục ấy vẫn không chết.’”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Các loài như sư tử cái, cọp cái, beo cái, chó cái, phải chăng chúng cũng ăn các khúc xương và các miếng thịt cứng rắn?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng ăn.”
“Vậy có phải các thứ này khi đã đi vào bên trong bao tử ở bụng của chúng thì bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng bị tiêu hoại.”
“Vậy còn bào thai ở trong bụng của các loài thú cái ấy cũng bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, trẫm nghĩ do tác động của nghiệp khiến chúng không bị tiêu hoại.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tác động của nghiệp khiến chúng sanh ở địa ngục trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Các phụ nữ như các cô mảnh mai xứ Yona, các cô mảnh mai dòng Sát-đế-lỵ, các cô mảnh mai dòng Bà-la-môn, các cô gia chủ mảnh mai, phải chăng họ cũng ăn các vật nhai và các miếng thịt cứng rắn?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Họ ăn.”
“Vậy có phải các thứ này khi đã đi vào bên trong bao tử ở bụng của họ thì bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng bị tiêu hoại.”
“Vậy còn bào thai ở trong bụng của những phụ nữ ấy cũng bị tiêu hoại?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, trẫm nghĩ do tác động của nghiệp khiến chúng không bị tiêu hoại.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tác động của nghiệp khiến chúng sanh ở địa ngục trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại; họ sanh ra ngay tại nơi ấy, lớn lên ngay tại nơi ấy, chết đi ngay tại nơi ấy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Cho đến khi nào nghiệp ác ấy còn chưa được diệt tận thì chúng sanh địa ngục ấy vẫn không chết.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1.Phải chăng tất cả những yếu tố duy trì đời sống đều liên hệ với nghiệp ? - TT Pháp Đăng
2. Khi nói "nghiệp quá khứ chi phối đời sống hiện tại" thì điều nầy khác biệt gì với thuyết tiền định hay định mệnh? - ĐĐ Pháp Tín
3. TT Giác Đẳng nói về trì nghiệp
4. Chúng sanh ở mỗi cảnh giới thì quen thuộc với cảnh giới đó. Nếu một người ở cõi người làm phước nhiều rồi được sanh về cõi trời, thì như vậy người đó có hạnh phúc không? - TT Pháp Đăng
5. Có người quan niệm rầng tự tử để không phải trả nghiệp, nhưng có người lại nói rằng phải sống trả hết nghiệp. Thì hai quan niệm này sai hay đúng? - ĐĐ Pháp Tín