Saturday, July 13, 2013

Bài học, Thứ Bảy 13-7-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng


Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
III. PHẨM SỞ HỮU TỨ

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

KHÔNG CÓ PHÁP HỮU VI KHÔNG DO DUYÊN SANH

5. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, phải chăng có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra?” 

“Tâu đại vương, không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả. Tâu đại vương, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.” 

“Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng cái nhà này, nơi mà đại vương đang ngồi, là chưa từng hiện hữu mà được sanh ra?” 

“Thưa ngài, không có cái gì ở đây là chưa từng hiện hữu mà đã được sanh ra, chính vật từng hiện hữu là đã được sanh ra. Thưa ngài, những cây gỗ này quả đã có ở trong rừng. Và đất sét này đã có ở trong đất. Và do sự ra sức đúng đắn của những người đàn bà và đàn ông mà cái nhà này đã được hình thành như vầy.” 

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.” 

“Xin ngài cho thêm ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như các hạt giống và loài thảo mộc nào đó được đặt ở đất, dần dần đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, rồi cho trái; các cây ấy không phải là chưa từng hiện hữu mà đã được sanh ra, chính các cây ấy từng hiện hữu mà đã được sanh ra. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.” 

“Xin ngài cho thêm ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như người thợ gốm lấy lên đất sét từ đất rồi làm ra nhiều loại thau chậu, các thau chậu ấy không phải là chưa từng hiện hữu mà đã được sanh ra, chính các vật ấy từng hiện hữu mà đã được sanh ra. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.” 

“Xin ngài cho thêm ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như đối với cây đàn vīṇā, nếu không có khung đàn, nếu không có da bọc, nếu không có bầu đàn, nếu không có cần đàn, nếu không có cổ đàn, nếu không có dây đàn, nếu không có phím đàn, và nếu không có sự ra sức đúng đắn của con người, thì âm thanh có thể phát ra không?” 

“Thưa ngài, không có.” 

“Tâu đại vương, bởi vì đối với cây đàn vīṇā, nếu có khung đàn, nếu có da bọc, nếu có bầu đàn, nếu có cần đàn, nếu có cổ đàn, nếu có dây đàn, nếu có phím đàn, và nếu có sự ra sức đúng đắn của con người, thì âm thanh có thể phát ra không?” 

“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể phát ra.” 

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.” 

“Xin ngài cho thêm ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như nếu không có vật tạo lửa, nếu không có trục xoay, nếu không có dây kéo, nếu không có thanh gỗ ở trên, nếu không có giẻ bùi nhùi, và nếu không có sự ra sức đúng đắn của con người, thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?” 

“Thưa ngài, không có.” 

“Tâu đại vương, bởi vì nếu có vật tạo lửa, nếu có trục xoay, nếu có dây kéo, nếu có thanh gỗ ở trên, nếu có giẻ bùi nhùi, và nếu có sự ra sức đúng đắn của con người, thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?” 

“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể sanh ra.” 

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.” 

“Xin ngài cho thêm ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như nếu không có ngọc ma-ni, nếu không có tia nắng, nếu không có phân bò thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?” 

“Thưa ngài, không có.” 

“Tâu đại vương, bởi vì nếu có ngọc ma-ni, nếu có tia nắng, nếu có phân bò thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?” 

“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể sanh ra.” 

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.” 

“Xin ngài cho thêm ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như nếu không có tấm gương, nếu không có ánh sáng, nếu không có khuôn mặt thì hình người có thể sanh ra không?” 

“Thưa ngài, không có.” 

“Tâu đại vương, bởi vì nếu có tấm gương, nếu có ánh sáng, nếu có khuôn mặt thì hình người có thể sanh ra không?” 

“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể sanh ra.” 

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.” 

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.” 


II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Các pháp hữu vi sanh khởi do duyên, do nghiệp. Phải chăng theo Phật Pháp ý nghĩa chữ "Duyên" rộng hơn chữ  "Nghiệp"  - TT Tuệ Siêu
2. Phải chăng khi nói các pháp do duyên mà sanh thì không hẳn nói về nhân duyên quá khứ?- TT Tuệ Siêu
 3. Bài học hôm nay liên hệ tới giáo lý vô ngã thế nào? - TT Pháp Đăng
 4. Phải chăng theo Phật pháp thì không có gì gọi là ngẫu nhiên? - ĐĐ Pháp Tín
5. Tại sao sự nhận thức “ các pháp nào duyên mà sanh cũng do duyên mà diệt” vô cùng quan trọng trong sự tu chứng? - ĐĐ Pháp Tín






No comments:

Post a Comment