Monday, July 15, 2013

Bài học, Thứ Hai 15-7-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu


Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
III. PHẨM SỞ HỮU TỨ

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

NHỮNG ĐỊNH LUẬT TỰ NHIÊN

7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy?” 

“Tâu đại vương, đúng vậy. Nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy.” 

“Thưa ngài Nāgasena, có phải nhãn thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau, hay là ý thức sanh lên trước nhãn thức sanh lên sau?” 

“Tâu đại vương, nhãn thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau.” 

“Thưa ngài Nāgasena, có phải nhãn thức ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy,’ hay là ý thức ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy’?” 

“Tâu đại vương, không đúng. Chúng không có sự chuyện trò với nhau.” 

“Thưa ngài Nāgasena, nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy nghĩa là thế nào?” 

“Tâu đại vương, là tính chất xuôi chiều, tính chất cửa lớn, tính chất tập quán, và tính chất thực hành.” 

“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất xuôi chiều khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này, trong khi trời đang mưa, nước di chuyển theo lối nào?” 

“Thưa ngài, lối nào là lối đi xuống thì đi theo lối đó.” 

“Rồi vào lúc sau đó trời vẫn mưa thì nước ấy di chuyển theo lối nào?” 

“Thưa ngài, nước lúc trước đã di chuyển theo lối nào thì nó cũng di chuyển theo lối đó.” 

“Tâu đại vương, phải chăng nước lúc trước ra lệnh cho nước lúc sau rằng: ‘Tôi di chuyển theo lối nào thì anh cũng di chuyển theo lối ấy,’ hay là nước lúc sau ra lệnh cho nước lúc trước rằng: ‘Anh sẽ di chuyển theo lối nào thì tôi cũng sẽ di chuyển theo lối ấy’?” 

“Tâu đại vương, không đúng. Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng di chuyển theo tính chất xuôi chiều.” 

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất xuôi chiều khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất xuôi chiều.”

“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất cửa lớn khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này, thành ở biên địa của đức vua có tường vững chắc và cổng chào, và một cửa lớn, do đó một người đàn ông có ý định đi ra thì có thể đi ra theo lối nào?” 

“Thưa ngài, có thể đi ra theo lối cửa lớn.” 

“Rồi một người đàn ông khác ý định đi ra thì có thể đi ra theo lối nào?” 

“Thưa ngài, người đàn ông trước đã đi ra theo lối nào thì người ấy cũng đi ra theo lối đó.” 

“Tâu đại vương, phải chăng người đàn ông trước ra lệnh cho người đàn ông sau rằng: ‘Tôi đi theo lối nào thì anh cũng đi theo lối ấy,’ hay là người đàn ông sau ra lệnh cho người đàn ông trước rằng: ‘Anh sẽ đi theo lối nào thì tôi cũng sẽ đi theo lối ấy’?” 

“Thưa ngài, không đúng. Họ không có sự chuyện trò với nhau. Họ đi theo tính chất cửa lớn.” 

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất cửa lớn khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Và nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất cửa lớn.” 

“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất tập quán khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này, một xe tải hàng đi đầu, vậy xe tải hàng thứ nhì có thể đi theo lối nào?” 

“Thưa ngài, xe tải hàng trước đã đi lối nào thì nó cũng đi theo lối đó.” 

“Tâu đại vương, phải chăng xe tải hàng trước ra lệnh cho xe tải hàng sau rằng: ‘Tôi đi theo lối nào thì anh cũng đi theo lối ấy,’ hay là xe tải hàng sau ra lệnh cho xe tải hàng trước rằng: ‘Anh sẽ đi theo lối nào thì tôi cũng sẽ đi theo lối ấy’?” 

“Thưa ngài, không đúng. Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng đi theo tính chất tập quán.” 

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất tập quán khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Và nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất tập quán.” 

“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất thực hành khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.” 

“Tâu đại vương, giống như sự vụng về của người thợ mới trong các lãnh vực của nghề nghiệp về đo, đếm, tính, viết, rồi thời gian sau đó, với tính chất thực hành của sự làm việc cẩn thận khiến không còn vụng về. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất thực hành khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Và nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Và chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất thực hành.” 

“Thưa ngài Nāgasena, có phải nhĩ thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy?” —(như trên)— tỷ thức sanh lên ở nơi nào —(như trên)— thiệt thức sanh lên ở nơi nào —(như trên)— thân thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy?” 

“Tâu đại vương, đúng vậy. Thân thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy.” 

“Thưa ngài Nāgasena, có phải thân thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau? Hay là ý thức sanh lên trước thân thức sanh lên sau?” 

“Tâu đại vương, thân thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau.” 

“Thưa ngài Nāgasena, có phải —(như trên)— Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất thực hành.” 

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”


II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng biên soạn TT Pháp Tân điều hợp.
1. Bốn tính cách đề cập trong bài học học: tính cách xuôi chiều, tính cách cửa lớn, tính cách tập quán, tính cách thực hành được hiểu theo duyên hệ thế nào? - TT Tuệ Quyền
2. Ngũ song thức là tâm quả. Có trường hợp nào một tâm quả vừa là quả  thiện vừa là quả bất thiện thí dụ ăn ới vừa cay lại vừa ngon? - TT Pháp Đăng
3. Nếu một người không học A Tỳ Đàm thì điều gì có thể rút ra được từ bài học hôm nay? - TT Tuệ Quyền
4. Ngũ song thức (5 cặp nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) trong diễn trình tâm thức thuộc về tâm quả và ý thức trong phần đổng lực là pháp thuộc về nhân. Điều nầy phải chăng mang tính cố định như ý niệm liên đới của tam luân (nghiệp, quả và phiền não)? - TT Pháp Đăng







No comments:

Post a Comment