Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 16/2/2020
55. Kinh Jīvaka
(Jīvaka sutta)
606. Tại sao gọi Kinh Jīvaka?
Tên bài kinh được đặt theo nhân vật Jìvaka, thái y của
vua Bimbisara người nêu lên câu hỏi và pháp thoại của Đức Phật là câu trả lời.
607. Đại ý Kinh Jīvaka gì?
608. Jīvaka là nhân vật thế nào?
Jīvaka là đứa con
bị bỏ rơi của một kỹ nữ được vương tử Abhaya cứu sống và nuôi dưỡng. Lớn lên được
theo học về y dược tại Takkasila và trở thành một danh y lỗi lạc. Vua Bimbisara
phong vị nầy làm thái y. Jìvaka một là gương mặt cư sĩ nỗi bật trong số những đệ
tử cư sĩ của Phật với nhiều gắn bó với Đức Thế Tôn và Tăng chúng được ghi lại
trong Kinh Tạng của như Luật Tạng. Chính Jìvaka là người hướng dẫn vua Ajàsattu
(A Xà Thế) diện kiến Đức Thế Tôn để rồi vị vua trẻ nầy hướng thiện trở thành một
Phật tử. Dinh thự của thái y Jìvaka với vườn xoài đẹp đẽ được cúng dường lên Đức
Phật và chư tăng vẫn còn di tích lưu lại tới hôm nay.
609. Jīvaka đã hỏi
câu gì?
Trong văn hoá và
tín ngưỡng Bà la môn thì sự ăn chay trở thành “giáo điều không thể khác được”
thì Đức Phật và chư tăng sống thọ nhận thực phẩm vốn có, sẳn có của quần chúng.
Điều nầy dẫn đến những dị nghị mà thái y Jìvaka nêu lên:
-- Bạch Thế Tôn, con
nghe nói như sau: "Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn
Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho
mình". Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: "Vì Sa-môn Gotama, họ giết
hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết
vì mình và được làm cho mình", bạch Thế Tôn, những người ấy có nói chính lời
Thế Tôn, họ không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật, họ trả lời đúng pháp,
thuận pháp, và những ai như pháp, thuyết đúng pháp, thuận pháp không có thể quở
trách ?
700. Đức Thế Tôn
trả lời thế nào?
Đức Phật đã trả lời
rằng những lời nói như vậy là sự xuyên tạc:
-- Này Jivaka, những ai nói như sau: "Vì Sa-môn Gotama,
họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt
được giết vì mình được làm cho mình", những người ấy không nói chính lời của
Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật.
Rồi Đức Thế Tôn đã giảng rộng vấn đề với những điểm sau
· Trường
hợp nào thịt được thọ dụng và không được thọ dụng
· nếp
sống sa môn và thực phẩm thọ dụng
· Tâm
người thọ dụng là yếu tố khác cần nói đến
· Nhân
quả của một người sát sanh để làm thực phẩm rồi cúng dường Đức Phật và chư Tăng
701. Trường hợp nào thịt được thọ dụng và không được
thọ dụng?
Tam tịnh nhục hay ba yếu tố để thịt cá có thể thọ dụng được
ghi trong giới luật của tất cả tông phái Phật giáo:
Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ
dụng: thấy, nghe và nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp
này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được
thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta
nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng.
702. Đức Phật dạy gì về nếp sống sa môn và thực phẩm
thọ dụng?
Người ta thường nhấn mạnh đến món ăn nhưng cách ăn cũng
là một yếu tố quan trọng:
Ở đây, này Jivaka, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị
trấn nào, vị ấy biến mãn một phương với tâm có lòng từ, và an trú; cũng vậy
phương thứ hai, phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới,
trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy biến mãn
với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân và an trú. Một
người cư sĩ hay con một người cư sĩ đến Tỷ-kheo ấy và mời ngày mai thọ trai và
này Jivaka, Tỷ-kheo ấy nhận lời. Sau khi đêm ấy đã qua, Tỷ-kheo ấy vào buổi
sáng đắp y, cầm y bát, đi đến chỗ người cư sĩ kia hay con người cư sĩ kia. Sau
khi đến, vị ấy ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Và vị cư sĩ, hay con vị cư sĩ ấy thỉnh
vị ấy dùng các món ăn khất thực thượng vị. Vị Tỷ-kheo ấy không nghĩ: "Thật
tốt lành thay, người cư sĩ này, hay con người cư sĩ này thỉnh ta dùng các món
ăn khất thực thượng vị. Mong rằng người cư sĩ này, hay con người cư sĩ này
trong tương lai sẽ thỉnh ta dùng các món khất thực thượng vị như vậy". Tỷ-kheo
ấy không nghĩ như vậy. Vị ấy thọ dụng các món ăn khất thực ấy, với tâm không
tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự
xuất ly. Này Jivaka, Ông nghĩ thế nào? Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy có nghĩ
đến tự hại, hay nghĩ đến hại người, hay nghĩ đến hại cả hai?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này Jivaka, Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy có phải dùng
các món ăn không có lỗi lầm?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, con nghe như sau:
"Cao thượng thay, an trú lòng từ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn diện kiến thân chứng
cho con điểm này. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn an trú lòng từ.
-- Này Jivaka, cái gọi là tham, là sân, là si, do đó sân hận
khởi lên, tham ấy, sân ấy, si ấy được Như Lại đoạn trừ, chặt cho đến tận gốc,
làm cho như thân cây tala, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong
tương lai. Này Jivaka, nếu như vậy là ý nghĩa Ông muốn nói, thời Ta đồng ý với
Ông.
-- Bạch Thế Tôn, như vậy thật là ý nghĩa con muốn nói.
-- Ở đây, này Jivaka, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng nào hay
một thị trấn nào. Vị ấy biến mãn một phương với tâm có lòng bi... với tâm có
lòng hỷ... với tâm có lòng xả và an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy
phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề
ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy, biến mãn với tâm có
lòng xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân và an trú. Một cư sĩ hay con
một người cư sĩ đến Tỷ-kheo ấy và mời ngày mai thọ trai. Và này Jivaka, Tỷ-kheo
ấy nhận lời. Sau khi đêm ấy đã qua, vị ấy vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến
chỗ người cư sĩ kia, hay con của người cư sĩ kia. Sau khi đến, vị ấy ngồi trên
chỗ đã soạn sẵn. Và vị cư sĩ, hay con vị cư sĩ ấy thỉnh vị ấy dùng các món ăn
khất thực thượng vị. Tỷ-kheo ấy không nghĩ: "Thật tốt lành thay, người cư
sĩ này, hay con người cư sĩ này thỉnh ta dùng các món ăn khất thực thượng vị.
Mong rằng vị cư sĩ này, hay con vị cư sĩ này trong tương lai sẽ thỉnh ta dùng
các món ăn khất thực thượng vị như vậy". Tỷ-kheo ấy không nghĩ như vậy. Vị
ấy thọ dụng các món ăn khất thực ấy với tâm không tham trước, không tham đắm,
không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự xuất ly. Này Jivaka, Ông
nghĩ thế nào? Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy có nghĩ đến hại mình, hay nghĩ đến
hại người, hay nghĩ đến hại cả hai?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Này Jivaka, vị Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy, có phải
dùng các món ăn không có lỗi lầm?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, con nghe như sau:
"Cao thượng thay, an trú lòng xả! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn diện kiến thân chứng
cho con điểm này. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn an trú lòng xả.
703. Tâm người thọ dụng là yếu tố khác cần nói đến
Riêng trường hợp của Đức Phật thì phải nói đến sự thanh tịnh
nội tại của Như Lai:
-- Này Jivaka, cái gọi là tham, là sân, là si, do đó sân hận
khởi lên, tham ấy, sân ấy, si ấy được Như Lại đoạn trừ, chặt cho đến tận gốc,
làm cho như thân cây tala, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong
tương lai. Này Jivaka, nếu như vậy là ý nghĩa Ông muốn nói, thời ta đồng ý với
Ông.
-- Bạch Thế Tôn, như vậy thật là ý nghĩa con muốn nói.
704. Một người sát sanh để làm thực phẩm rồi cúng dường
Đức Phật và chư Tăng thì nhân quả thế nào?
Một bài học quan trọng đối với tất cả những người có tâm
cúng dường là thực phẩm cần phát sanh hợp đạo. Một người sát sanh rồi cúng dường
chất chứa nhiều phi công đức:
-- Này Jivaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà
giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân. Khi
người ấy nói như sau: "Hãy đi và dắt con thú này đến", đó là nguyên
nhân thứ nhứt, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Con thú ấy, khi bị dắt
đi, vì bị kéo lôi nơi cổ, nên cảm thọ khổ ưu, đó là nguyên nhân thứ hai, người ấy
chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy nói: "Hãy đi và giết con thú
này", đó là nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi
con thú ấy bị giết, cảm thọ khổ ưu, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy chất chứa
nhiều phi công đức. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử Như Lai một cách
phi pháp, đó là nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Này
Jivaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy
sẽ chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân này.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Từ vựng tam tịnh nhục mang ý nghĩa nào sau đây:
A. Ba thứ thịt có thể ăn mà không tạo nghiệp /
B. Ba điều kiện để ăn thịt cá mà không cộng nghiệp /
C. Ba lý do không nên ăn thịt cá /
D. Ba cách để làm thịt sạch
TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 1: B.
Trắc nghiệm 2. Thế nào gọi là một hành động sát sanh đúng nghĩa theo Phật giáo?
A. Hành động sát sanh được hiểu gồm năm yếu tố: đối tượng là con vật có thức tánh, biết con vật có thức tánh, có chủ tâm sát hại, ra sức để giết, con vật đã chết vì sự sát hại đó
/ B. Ăn thịt chúng sanh là tạo nghiệp sát /
C. Không ăn chay có nghĩa là sát sanh /
D. Cả ba câu trên đều sai.
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 2: A
Trắc nghiệm 3. Câu nào sau đây đúng theo thực tế?
A. Không phải quốc gia nào theo Phật giáo Bắc Truyền cũng ăn chay /
B. Không phải quốc gia Phật giáo Nam truyền nào cũng không ăn chay /
C. Theo Phật pháp đúng nghĩa thì không ăn chay không có nghĩa là chấp nhận sát sanh /
D. Cả ba câu trên đều đúng.ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm :D.
No comments:
Post a Comment