Tuesday, February 4, 2020

Bài học. Thứ Ba, ngày 4 tháng 2, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  4/2/2020 
50. Kinh Nghiêm Huấn Ác Ma (Màratajjanìya sutta)

567. Tại sao gọi Kinh Nghiêm Huấn Ác Ma ?
Tên bài kinh được đặt theo theo nội dung mà qua đó Tôn giả Mahàmoggallàna khiển trách ác ma đã quấy nhiễu Ngài. Trong bản dịch tựa đề của kinh là Kinh Hàng Ma. Thật ra chữ tajjanìya có nghĩa là quở trách chứ không phải là hàng phục nên đổi lại thành Kinh Nghiêm Huấn Ác Ma.
         
568. Đại ý Kinh Nghiêm Huấn Ác Ma là gì?

569. Tôn giả Mahàmoggalàna là nhân vật thế nào? Ác ma trong kinh nầy là chúng sanh thế nào?
Tôn giả Mahàmoggallàna thường được  biết qua âm Hán Việt là Mục Kiền Liên là một trong hai thượng thủ thinh văn của Đức Phật. Ngài được biết là đệ nhất về thần thông và là một trong hai vị giáo thọ lớn nhất của Tăng chúng.
Có ba điểm được biết về bậc đại thánh nầy:
a.    Do nhiều kiếp chú trọng về tu dưỡng thần thông nên Ngài tạo nhiều ác nghiệp và bị quả khổ trái ngược với hạnh thiên về trí tuệ của tôn giả Sàriputta (hai vị là bạn đồng song chí thân)
b.    Tôn giả Mục Kiền Liên từng có tiền kiếp tạo ác nghiệp với cha mẹ ruột của mình nên quả nghiệp đeo đẳng nhiều đời.
c.     Ngài là vị từng thăm viếng nhiều cảnh giới như địa ngục hay cõi trời hoặc mục kích các loài ngạ quỹ và  sau đó thuật lại qua nhiều bài kinh trong Tam Tạng Pali.
Có lẽ vì hai điểm sau nên kinh điển Phật giáo Bắc Truyền tạo thành một hình ảnh “Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát” với mô tả về hành trình vào địa ngục cứu mẹ như một cách “làm đẹp” hình ảnh của một thượng thủ thinh văn.
Ác ma trong kinh nầy là một dạ xoa nhiều thần lực có liên hệ quyến thuộc đời trước với tôn giả:
-- Ác ma, ở đây, ta cũng thấy Ngươi. Ngươi chớ có nghĩ rằng: "Vị ấy không thấy ta". Này Ác ma, nay Ngươi đang đứng dựa nơi cửa miệng. Này Ác ma, thuở xưa, ta là Ác ma tên là Dusi, và chị ta tên là Kali. Ngươi là con trai chị ta. Như vậy Ngươi là cháu ta.

570. Ác ma quấy phá Tôn giả Mục Kiền Liên thế nào?

Ác ma chui vào thân của Tôn giả:
Lúc bấy giờ, Tôn giả Maha Moggallana đang đi kinh hành ngoài trời. Khi ấy Ác ma đi vào bụng Tôn giả Maha Moggallana, ở trong bao tử. Rồi Tôn giả Maha Moggallana nghĩ như sau: "Nay sao bụng của Ta lại nặng nặng như có gì chồng chất quá đầy?" Rồi Tôn giả Maha Moggallana từ chỗ kinh hành bước xuống, đi vào tự viện, và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
Sau khi ngồi, Tôn giả Maha Moggallana tự chánh niệm. Tôn giả Maha Moggallana thấy Ác ma, sau khi đi vào trong bụng, đang ở trong bao tử. Thấy vậy, Tôn giả liền nói với Ác ma:
-- Hãy đi ra, Ác ma! Hãy đi ra, Ác ma! Chớ có phiền nhiễu Như Lai và đệ tử Như Lai. Chớ có khiến cho Ngươi bị bất hạnh, đau khổ lâu dài!
Rồi Ác ma suy nghĩ: "Vị Sa-môn này không biết ta, không thấy ta, lại nói như sau: "Hãy đi ra, Ác ma! Hãy đi ra Ác ma! Chớ có phiền nhiễu Như Lai, và đệ tử Như Lai. Chớ có khiến cho Ngươi bị bất hạnh, đau khổ lâu dài". Chính vị Bổn sư cũng chưa biết ta mau như vậy, làm sao vị đệ tử này có thể biết ta được?"
Rồi Tôn giả Maha Moggallana lại nói với Ác ma như sau:
-- Này Ác ma, ta biết Ngươi. Ðừng có nghĩ rằng: "Vị ấy không biết ta". Ngươi là Ác ma. Này Ác ma, Ngươi nghĩ như sau: "Vị Sa-môn này không biết ta, không thấy ta, lại nói như sau: "Hãy đi ra, Ác ma! hãy đi ra Ác ma! Chớ có phiền nhiễu Như Lai và đệ tử Như Lai. Chớ có khiến cho Ngươi bị bất hạnh, đau khổ lâu dài!" Chính vị Bổn sư cũng không biết ta mau như vậy, làm sao vị đệ tử này có thể biết ta được?"

571. Tôn giả Mahàmoggallàna nghiêm huấn ác ma thế nào?
Tôn giả huấn thị ác ma bằng việc kể lại nhân quả đời trước của chính mình:
Này Ác ma, lúc bấy giờ, Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán,  Chánh Ðẳng Giác có hai vị đệ tử tên là Vidhura, và Sanjiva, hai bậc tối thượng, hai bậc Hiền giả. Này Ác ma, đối với các vị đệ tử của Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không một ai ở đây có thể bằng Tôn giả Vidhura về thuyết pháp. Này Ác ma, vì lý do này, Tôn giả Vidhura được gọi là Vidhura (Vô song). Còn Tôn giả Sanjiva là vị đi rừng, đi gốc cây, đi các chỗ không người và chứng Diệt thọ tưởng định không khó khăn gì.
Này Ác ma, thuở xưa, Tôn giả Sanjiva đang ngồi nhập Diệt thọ tưởng định dưới một gốc cây. Này Ác ma, các người chăn bò, chăn thú, làm ruộng, các lữ hành thấy Tôn giả Sanjiva đang ngồi nhập Diệt thọ tưởng định dưới một gốc cây, thấy vậy liền nói với nhau như sau: "Thật vị diệu thay, này các Tôn giả! Thật hy hữu thay, này các Tôn giả! Vị Sa-môn này chết mà vẫn ngồi. Chúng ta hãy hỏa táng ngài!" Rồi này Ác ma, các người chăn bò, chăn thú, làm ruộng, các lữ hành liền thâu lượm cỏ, củi và phân bò chồng lên thân Tôn giả Sanjiva, đốt lửa và bỏ đi.
Này Ác ma, Tôn giả Sanjiva, sau khi đêm ấy đã tàn, liền xuất định, phủi áo, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát vào làng khất thực. Này Ác ma, các người chăn bò, chăn thú, làm ruộng, các lữ hành thấy Tôn giả Sanjiva đang đi khất thực, thấy vậy liền nghĩ: "Thật vị diệu thay, này các Tôn giả! Thật hy hữu thay, này các Tôn giả! Vị Sa-môn này chết mà vẫn ngồi, nay được sống lại". Này Ác ma, vì lý do này, Tôn giả Sanjiva được xưng danh là Sanjiva, Sanjiva.
Này Ác ma, rồi Ác ma Dusi nghĩ như sau: "Ta không biết chỗ đến và chỗ đi của các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện pháp này. Vậy nay ta hãy nhập vào hàng Bà-la-môn gia chủ và nói như sau: "Hãy đến phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Do bị phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại bởi các Người, các vị ấy có thể đổi tâm và như vậy, Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ. "


572. Khi ma muốn chi phối đệ tử Phật bằng chướng nghịch được kể thế nào?
Bằng cách xui khiến các gia chủ phỉ báng, quấy nhiễu chư tỳ kheo:
Ác ma Dusi nghĩ như sau: "Ta không biết chỗ đến và chỗ đi của các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện pháp này. Vậy nay ta hãy nhập vào hàng Bà-la-môn gia chủ và nói như sau: "Hãy đến phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Do bị phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại bởi các Người, các vị ấy có thể đổi tâm và như vậy, Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ. "
Rồi này Ác ma, Ác ma Dusi nhập vào hàng Bà-la-môn gia chủ và phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh như sau: "Những kẻ trọc đầu, Sa-môn giả hiệu, tiện nô, hắc nô, sanh tự gót chân này. Họ nói: "Chúng tôi tu thiền, chúng tôi tu thiền" và với hai vai thụt xuống, với mặt cúi xuống, mê mê dại dại, tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền. Ví như con cú đậu trên cành cây, khi đang rình chuột; tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền; cũng vậy, những kẻ trọc đầu, Sa-môn giả hiệu, tiện nô, hắc nô, sanh tự gót chân này. Chúng nói: "Chúng tôi tu thiền, chúng tôi tu thiền", và với hai vai thụt xuống, với mặt cúi xuống, mê mê dại dại, tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền". Này Ác ma lúc bấy giờ, phần lớn những người ấy sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi các Tỷ-kheo:
"-- Này các Tỷ-kheo, những Bà-la-môn gia chủ bị Ác ma Dusi nhập vào và nói: "Hãy đến phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Do bị phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại bởi các Người, các vị ấy có thể đổi tâm, và như vậy Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ".
Này các Tỷ-kheo, hãy đến biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, rồi an trú, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ..., biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân".
Rồi các Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác khuyến khích như vậy, khuyến giáo như vậy dùng tâm từ, bi, hỷ, xả để hoá giải nghịch duyên.

573. Khi ma muốn chi phối đệ tử Phật bằng cám dỗ được kể thế nào?
Ác ma (tiền thân của tôn giả) dùng miếng mồi danh lợi:
Rồi Mara Dusi suy nghĩ như sau: "Làm như vậy, ta không thể biết chỗ đến hay chỗ đi của các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Vậy ta hãy nhập vào các Bà-la-môn gia chủ và nói như sau: "Hãy đến tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh này. Do được tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, các vị ấy có thể đổi tâm và như vậy, Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ".
Ác ma Dusi nhập vào các Bà-la-môn gia chủ và nói: "Hãy đến tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Những vị này được các Ngươi tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường có thể đổi tâm, và như vậy Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ", Rồi này Ác ma, những Bà-la-môn gia chủ, bị Ác ma Dusi xâm nhập, tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Này Ác ma, sau một thời gian những vị này mạng chung và phần lớn sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới và đời này.
Thế Tôn Kakusamdha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi các Tỷ-kheo:
"-- Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn gia chủ bị Ác ma Dusi xâm nhập và nói như sau: "Các Ngươi hãy đến tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Những vị này được các Ngươi tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường có thể đổi tâm và như vậy Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ". Này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy sống quán bất tịnh trên thân, quán tưởng nhàm chán đối với các món ăn, quán tưởng bất khả lạc đối với tất cả thế gian, quán tánh vô thường đối với tất cả hành".
Những Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn Kakusandha khuyến khích như vậy, khuyến giáo như vậy, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến các chỗ trống vắng, sống quán (tánh) bất tịnh trên thân, (quán) tưởng nhàm chán đối với các món ăn, (quán) tưởng bất khả lạc đối với tất cả thế gian, quán tánh vô thường đối với tất cả hành.



574. Khi ma muốn chi phối đệ tử Phật bằng bạo hành được kể thế nào?
Ác ma (tiền thân của tôn giả) đả thương đệ tử Phật:

Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, buổi sáng đắp y, mang y bát, với Tôn giả Vidhura là thị giả, đi vào làng để khất thực.
Ác ma Dusi nhập vào một đứa trẻ, cầm một hòn đá, đánh trên đầu Tôn giả Vidhura khiến bể đầu. Rồi này Ác ma, Tôn giả Vidhura với đầu bị bể và với máu chảy, vẫn đi sau lưng Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Rồi này Ác ma, Thế Tôn Kakusandha bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nhìn xung quanh với cái nhìn con voi chúa và suy nghĩ như sau: "Thật vậy, Ác ma Dusi không biết sự vừa phải". Này Ác ma, khi Thế Tôn nhìn xung quanh, thì Ác ma Dusi liền từ chỗ ấy từ trần và sinh vào cõi địa ngục.
Địa ngục ấy được ba tên gọi: Sáu xúc xứ địa ngục, Thiết qua địa ngục, Biệt thọ khổ địa ngục. Rồi các người giữ địa ngục đến ta và nói như sau: "Này Tôn giả, khi cọc sắt sẽ gặp cọc sắt trong tim của Ngươi, Ngươi mới hiểu như sau: "Ta sẽ bị trụng nước sôi một ngàn năm ở địa ngục.''
Và ta, này Ác ma, ta bị trụng nước sôi, trải nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm trong địa ngục. Trải qua một vạn năm trong đại địa ngục ấy, ta bị nấu sôi và cảm thọ cảm giác gọi là Vutthanima. Do vậy, này Ác ma, thân của ta là như vậy, thân như con người, và đầu ta là như vậy, đầu như con cá.

575. Sau khi tôn giả nghiêm huấn ác ma bằng câu chuyện tiền thân thì kết quả thế nào?

Ác ma đã biến mất.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Một người tạo ác nghiệp do bị tác động thì quả có nặng không ? - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 2. Có chính xác chăng để nói theo Phật học quán vô thường có công năng giãm thiểu tham , quán khổ nảo có công năng giãm thiểu sân, quán vô ngã có công năng giãm thiểu si ? - TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 3. Chúng ta hiểu gì về quan hệ quyến thuộc của một số các loại hóa sanh ? - TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 4. Qua bài kinh này thì  chúng ta có nên sợ ma không? - TT Tuệ Siêu 


Thảo luận 5. Trong bài kinh này ác ma muốn chi phối chư Tỳ kheo đã dùng sự hủy báng và lợi đắc cung kính . Phải chăng kinh nghiệm thực tế cho thấy phiền khổ thường ít khả năng khiến chúng ta chao đảo hơn danh lợi ? - TT Tuệ Quyền 




 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment