Thursday, February 13, 2020

Bài học. Thứ Năm, ngày 13 tháng 2, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  13/2/2020 
52. Kinh Aṭṭhakanāgara Sutta (Atthakanàgara sutta)

585. Tại sao gọi Kinh Aṭṭhakanāgara ?
Tên bài kinh được đặt theo địa danh Aṭṭhakanāgara, nơi Đức Thế Tôn thuyết pháp thoại nầy. Bản dịch tiếng Việt có tựa đề là Kinh Bát Thành là một cố gắng dịch danh từ riêng của địa danh. Atthaka là tám, Nàgara là thành phố; hai từ cộng lại dịch là bát thành. Mặc dù cách dịch danh từ riêng nầy đã có từ xưa như Suddhodana là Tịnh Phạn, Ràjagaha là Vương Xá nhưng ở đây xin đề nghị giữ nguyên tên Aṭṭhakanāgara vì hai lý do: trước nhất, khi nói Kinh Bát Thành có thể dễ bị hiểu sai là kinh nói về tám thành tựu gì đó (…), thứ nữa là thường danh từ riêng không nên dịch thí dụ thành phố Rio de Janiro không nên dịch là thành phố Con Sông Tháng Giêng.
Aṭṭhakanāgara một thị trấn gần Patna hiện nay không còn biết đích xác thuộc địa phương nào.

         
586. Đại ý Kinh Aṭṭhakanāgara gì?

587. Tôn giả Ananda và gia chủ Dasama là những nhân vật thế nào?
Tôn giả Ananda là thị giả của Đức Thế Tôn. Xuất thân là một hoàng tử dòng Thích Ca lại cùng tuổi với Đức Phật nhưng vị nầy luôn thể hiện sự tận tuỵ của một học trò tràn đầy thương kính với bậc Đạo sư. Là một người có trí nhớ siêu phàm chính Tôn giả là người trực tiếp lãnh trách nhiệm trùng tuyên và kết tập phần lớn Tam Tạng giáo điển.
Gia chủ Dasama là một cự phú đến từ Aṭṭhakanāgara. Vị nầy sau khi hỏi pháp và được giảng giải từ Tôn giả Ananda đã thể hiện lòng tri ân   với phước sự to lớn bằng cách cúng dường thực phẩm và y ca sa cho tất cả tỳ kheo trong hai thành phố Vesali và Pataliputta.

588. Gia chủ Dasama đã hỏi câu gì?
Giữa biển học mênh mông của giáo pháp vì gia chủ nầy muốn biết một pháp độc nhất có hiệu năng giải thoát cho người chí tâm thực hành. Pháp độc nhất ở đây mang hai ý nghĩa: A. Chỉ cần pháp nầy không cần pháp nào khác. B. Dù cho tu cách nào cũng không thể thiếu pháp nầy:
“Bạch Tôn giả Ananda, có pháp độc nhất gì do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nếu có Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần sống hành trì pháp ấy, thời tâm chưa giải thoát của vị ấy được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, hay pháp an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt?”

589. Câu trả lời của Tôn giả Ananda là gì?
Bản thân của Tôn giả Ananda là một bậc đa văn. Ngài không thể trả lời cục bộ phiến diện mà cũng không thể không tìm ra được pháp độc nhất trong nhiều pháp môn được Đức Phật giảng dạy. Ngài khéo léo nêu lên mười một cánh cửa giải thoát : 4 thiền, 4 phạm trú, và 3 thiền chứng Vô sắc: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, được dùng làm cơ sở để thắp sáng tuệ giác đạt đến quả vị vô lậu giải thoát. Tất cả mười một sở chứng đó đều có chung một mẫu số là “nhận thức bản chất kết cấu do duyên, do tư niệm tạo thành, vì thế bị vô thường biến hoại”. Hiểu và thấy như vậy vị ấy có khả năng buông bỏ những gì đã chứng đắc không bị sở chứng cột trói. Nhận thức đó là pháp độc nhất (ekadhammo)
( Theo Sớ giải thì thiền chứng vô sắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ không được kể vì quá vi tế cho tuệ quán. Cũng nên lưu ý là bản dịch tiếng Việt  chuyển ngữ cụm từ abhisaṅkhataṁ abhisañcetayitaṁ là “ pháp hữu vi, do suy tư tác thành” nên dịch là “do duyên cấu tạo, do tư niệm tác thành”. Tư niệm ở đây chỉ cho thuộc tánh tư (cetana), là tư niệm hay nói cách khác là nghiệp chứ không phải suy tư thường dùng để dịch chữ vitakka (suy tầm) hay sankappa (tư duy):


Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy suy tư và được biết: "Sơ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ, như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố, nên Tỷ-kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy, thời tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt.
Lại nữa, này Gia chủ, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm, vị ấy suy tư và được biết: "Thiền thứ hai này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. ….
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị ấy suy tư và được biết: "Thiền thứ ba này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. ….
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy suy tư và được biết: "Thiền thứ tư này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. ….
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư và được biết: "Từ tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy do vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. …
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi... Với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư và được biết: "Xả tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự việc gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc…..
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Vị này suy tư và được biết: "Không vô biên xứ định này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. …
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ. Vị này suy tư và được biết: "Thức vô biên xứ định này là pháp hữu vi do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. ….
Lại nữa, này Gia chủ, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị này suy tư và được biết: "Vô sở hữu xứ định này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. ….

590. Sau khi nghe câu trả lời của Tôn giả Ananada gia chủ Dasama có thái độ thế nào?
Vị nầy vô cùng hoan hỷ thoả mãn với câu nói:
-- Bạch Tôn giả Ananda, như người tìm một kho tàng cất dấu, trong một lúc tìm được mười một kho tàng cất dấu. Cũng vậy, bạch Tôn giả, con đi tìm một pháp môn bất tử mà được nghe một lần mười một pháp môn bất tử. Bạch Tôn giả, như ngôi nhà người ta có đến mười một cửa, khi ngôi nhà bị cháy, thì chỉ do một cửa người ta cũng có thể thoát ra một cách an toàn. Cũng vậy, bạch Tôn giả, chỉ với một cửa bất tử trong mười một cửa bất tử này, con có thể đạt được sự an toàn cho con. Bạch Tôn giả, đệ tử các ngoại đạo này sẽ tìm cầu tiền của cúng dường cho vị thầy của mình, sao con lại không cúng dường cho Tôn giả Ananda?
Và cúng dường trọng thể đến Tăng chúng của cả hai thành phố:
Rồi gia chủ Dasama, người ở thành Atthaka cho mời họp Tỷ-kheo Tăng ở Pataliputta và Vesali, tự tay mời ăn và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, tặng cho mỗi Tỷ-kheo, mỗi vị một cặp y, tặng cho Tôn giả Ananda ba y và xây dựng một Tăng xá trị giá năm trăm đồng tiền vàng (hay có năm trăm Tăng phòng) cho Tôn giả Ananda.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Phải chăng câu "pháp do duyên mà sanh thì cũng do duyên mà diệt" là một định lý? - TT Pháp Đăng

 Thảo luận 2. Nếu nên buông xả những gì đã đã chứng đắc thì có nên nỗ lực để chứng đạt? - TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 3. Phải chăng theo Phật Pháp thì chúng ta nên nghĩ tới những gì bị vô thường chi phối để tâm xả ly hơn là tìm cái thường hằng để theo đuổi? - TT Tuệ Siêu



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment