Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 2/2/2020
48. Kinh Kosambiya (Kosambiya sutta)
553. Tại sao gọi Kinh
Kosambiya ?
Tên bài kinh được đặt theo địa danh Kosambi, nơi Đức Thế
Tôn thuyết pháp thoại nầy.
554. Đại ý Kinh Kosambiya là gì?
Qua pháp thoại của
Đức Phật những điều sau được đặc biệt chú trọng:
a.
Chánh pháp cần được thực hành hơn là
tranh luận hơn thua
b.
Vấn đề trước nhất phải nhìn từ góc cạnh cá
nhân.
c.
Tâm từ mẫn thể hiện qua lời nói, hành động
và ý nghĩ.
d.
Trong sự chung sống của Tăng chúng cần có
sự phân chia đồng đều những vật cúng dường và chư tăng đồng thọ trì chung những
học giới.
e.
Quan trọng hơn hết vẫn là cái nhìn chân xác
ở mỗi cá nhân hay chánh tri kiến.
555. Kosambi là
địa danh được biết thế nào trong kinh?”
Kosambi là kinh đô
của xứ Vamsas. Đây là một thành phố lớn nằm giữa trục lộ giao thương của hai xứ
Kosala và Magadha. Thời Đức Thế Tôn trụ thế có bốn ngôi chùa lớn là Kukkutārāma,
Ghositārāma, Pāvārika-ambavana Badarikārāma. Kosambi ghi lại nhiều sử kiện đầy
kịch tính như chuyện Magandiyà, chuyện phân hoá của chư tỳ kheo được ghi trong
Luật tạng, chuyện hoàng hậu Sāmavatī của vua Udena, chuyện tôn giả Yasa
Kākandakaputta triệu tập chư thánh tăng cho lần Trùng Tuyên Tam Tạng thứ hai.
Một cách thú vị là
khi sông Ganga (sông Hằng) chảy ngang Kosambi thì đổi thành tên Yamunì.
556. Sáu pháp hoà kính gồm những gì?
Sáu pháp hoà
kính gọi đúng theo nguyên văn là cha dhammā sārāṇı̄yā được Sớ giải giảng
là những gì cần ghi nhớ, không để lãng quên theo thời gian (saritabbayuttta’
addhā ne atikkante pi na pamusitabbā) nên bản dịch tiếng Việt ghi là “sáu
pháp cần phải ghi nhớ”. Từ vựng saṁran̄janı̄ya có nghĩa chính xác là
pháp tạo niềm hoan hỷ (tương tự như ý niệm trong câu hoà khí sanh tài).
-- Này các Tỷ-kheo,
có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa
đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu?
[Từ hoà trong hành động]
Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo an trú từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau
lưng.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau
lưng.
[Từ hoà trong ý nghĩ]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo an trú từ ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau
lưng.
[Tài vật pháp sanh được
phân bố đồng đều, hợp lý]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
đối với các tài vật nhận được đúng pháp, hợp pháp, cho đến những tài vật thâu
nhận chỉ trong bình bát, Tỷ-kheo không phải là người không san sẻ, các tài vật
nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng phạm hạnh có
giới đức.
[Đồng thọ trì chuẩn
mực chung các học giới]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
đối với các giới luật không có vi phạm, không có tỳ vết, không có vẩn đục,
không có uế tạp, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa
đến thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu trong các giới luật ấy với các vị đồng
phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
[Đồng chia sẻ tri kiến
cao cả]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
đối với các tri kiến thuộc về bậc Thánh có khả năng hướng thượng, khiến người
thực hành chân chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo, sống thành tựu tri kiến như vậy,
cùng với các đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
Này các Tỷ-kheo, có
sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến
hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.
557. Trong sáu
pháp hoà kính Đức Phật đặt biệt nhấn mạnh điều nào?”
Trong sáu pháp nẩy
Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh pháp thứ sáu là tri kiến hay cái nhìn từ góc cạnh cá
nhân:
Này các Tỷ-kheo,
trong sáu pháp cần phải ghi nhớ này, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả,
làm giềng mối cho tất cả, chính là tri kiến này, thuộc về bậc Thánh, có khả
năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo,
ví như một căn nhà có mái nhọn như ngọn tháp, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp
tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là mái nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo,
trong sáu pháp cần phải ghi nhớ này, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả,
làm giềng mối cho tất cả, chính là tri kiến này, thuộc về bậc Thánh, có khả
năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau.
558. Tri kiến trong trường hợp nầy
là những gì?”
Những tri kiến nầy
có được do thực tu, thực chứng của mỗi cá nhân trong cộng đồng Tăng chúng:
[Tri kiến quán sát và
chế ngự năm triền cái]
Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đi đến dưới gốc cây, hay đi đến chỗ trống vắng và
suy nghĩ như sau: "Không biết ta có nội triền nào chưa đoạn trừ không? Do
nội triền này nếu tâm ta bị triền phược, thì ta không thể biết như thật, không
thể thấy như thật?" Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo bị tham dục triền phược,
cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo
bị sân triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo bị hôn trầm thụy miên triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị
này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo bị trạo hối triền phược, cho
đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo bị
nghi triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo,
nếu Tỷ-kheo có tâm bị thế sự đời này ràng buộc, cho đến như vậy, tâm (của vị
này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có tâm bị thế sự đời sau
ràng buộc, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Tỷ-kheo sống cạnh
tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi, cho
đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược.
Vị ấy biết rõ như
sau: "Ta không có nội triền chưa được đoạn trừ, do nội triền này nếu tâm
ta bị triền phược, ta không thể biết như thật, không thể thấy như thật. Ý của
ta được khéo hướng đến sự giác ngộ các sự thật". Ðó là trí thứ nhất mà vị
này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.
[Tri kiến quán sát về sự tịnh chỉ của nội tâm]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Trong khi ta thực tập, tu tập, luyện tập
nhiều lần tri kiến này; ta tự đạt được tịch chỉ, ta tự đạt được tịnh chỉ".
Vị này biết rõ như sau: "Trong khi ta thực tập, tu tập, luyện tập nhiều lần
tri kiến này; ta tự đạt được tịch chỉ, ta tự đạt được tịch chỉ". Ðó là trí
thứ hai mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không
thể cọng chứng.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Tri kiến như ta đã thành tựu có thể có một
Sa-môn hay Bà-la-môn nào ngoài giáo pháp này, thành tựu tri kiến như vậy
không?" Vị ấy hiểu rõ như sau: "Tri kiến như ta đã thành tựu không có
một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, ngoài giáo pháp này, thành tựu tri kiến như
vậy". Ðó là tri thứ ba mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế,
các phàm phu không thể cọng chứng.
[Tri kiến quán sát về
bản chất tự nhiên của một người có tu tập là phát lộ thành thật về lầm lỗi của mình]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Pháp tánh (Dhammata) mà một vị chứng được
tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu hay không?" Và này
các Tỷ-kheo, pháp tánh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là
pháp tánh, này các Tỷ-kheo, mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất cứ giới
tội nào vị này vi phạm, giới tội ấy liền được xuất tội. Vị này lập tức phát lộ,
tỏ bày, trình bày trước bậc Ðạo Sư hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau
khi phát lộ, tỏ bày, trình bày, vị ấy phòng hộ gìn giữ trong tương lai. Này các
Tỷ-kheo, ví như một đứa trẻ con, ngây thơ, nằm ngửa, lập tức rút lui tay hay
chân nếu tay hay chân của nó chạm phải than đỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây
là pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất cứ giới tội nào vị
này vi phạm, giới tội ấy liền được xuất tội. Vị này lập tức phát lộ, tỏ bày,
trình bày trước bậc Ðạo Sư hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi phát
lộ, tỏ bày, trình bày, vị ấy phòng hộ gìn giữ trong tương lai. Vị ấy biết rõ
như sau: "Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như
vậy ta có thành tựu". Như vậy là trí thứ tư mà vị này chứng được, thuộc
các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến
thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu hay không?" Và này các Tỷ-kheo,
pháp tánh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là pháp tánh,
này các Tỷ-kheo, mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất luận sự việc cần
phải làm dầu lớn nhỏ gì, giúp cho các vị đồng phạm hạnh; vị này nỗ lực thực hiện,
nhưng tha thiết hướng đến tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng
tuệ học. Này các Tỷ-kheo, ví như con bò có các con bê, khi đang nhổ lùm cỏ lên
(ăn), vẫn coi chừng con bê. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là pháp tánh mà một
vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất luận sự việc cần phải làm dầu lớn nhỏ gì,
giúp cho các vị đồng phạm hạnh; vị này nỗ lực thực hiện, nhưng tha thiết hướng
đến tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Vị này biết
rõ như sau: "Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh
như vậy ta có thành tựu". Như vậy là trí thứ năm mà vị này chứng được, thuộc
các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.
[Tri kiến quán sát nội
hàm hay khả năng nghe hiểu giáo pháp một cách sâu rộng]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến
thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu hay không?" Và này các Tỷ-kheo,
sức mạnh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là sức mạnh, này
các Tỷ-kheo, một vị chứng được tri kiến thành tựu. Trong khi Pháp và Luật do
Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, sau khi chú tâm chú ý, chuyên chú toàn tâm
trí, vị này lóng tai nghe Pháp. Vị này biết rõ như sau : "Sức mạnh mà một
vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu". Như vậy
là trí thứ sáu mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm
phu không có thể cọng chứng.
[Tri kiến quán sát về
sự trưởng thành trong giáo pháp qua nghĩa tín thọ và pháp tín thọ]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến
thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu hay không?" Và này các Tỷ-kheo,
sức mạnh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là sức mạnh, này
các Tỷ-kheo, mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Trong khi Pháp và Luật do
Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, vị này chứng được nghĩa tín thọ
(atthaveda), Pháp tín thọ (Dhammaveda), và sự hân hoan tương ứng với pháp; vị
này hiểu rõ như sau: "Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức
mạnh như vậy ta có thành tựu". Như vậy là trí thứ bảy mà vị này chứng được,
thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.
559. Có gì đặc
biệt trong câu kết luận của pháp thoại?”
Một người tu tập
có đủ bảy chi phần của tri kiến chân chánh tức là đã nhập vào giòng thánh vức:
Như vậy, này các Tỷ-kheo,
pháp tánh được khéo an trú đối với vị Thánh đệ tử thành tựu bảy chi này để chứng
được quả Dự Lưu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu bảy chi này
tức là đã thành tựu Dự Lưu quả.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1:Trong bài kinh hôm nay khi nói về những yếu tố sống hoà hợp thì điều nào sau đây được xem là QUAN TRỌNG NHẤT:
A. Sự lân mẫn /
B. Sự chia sẻ /
C. Sự hiểu biết /
D. Sự đàng hoàng
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 1 : C
Trắc nghiệm 2. Câu nào sau đây được xem là đúng theo Phật Pháp?
A. Người có lỗi và biết mình có lỗi là người đáng quý /
B. Một người có hiểu biết và có tu tập khi có lỗi luôn biết nhận lỗi và như pháp sám hối /
C. Bậc thánh tu đà huờn không bao giờ cố tình che dấu những lầm lỗi bản thân /
D. Cả ba câu trên đều đúng
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 2: D
Trắc nghiệm 3. Tri kiến nào sau đây không thuộc về bảy tri kiến của bậc thánh được đề cập trong bài kinh nầy:
A. Kiến thức phổ thông /
B. Sự hiểu biết về triền cái nội tại của bản thân /
C. Biết được cái gì là đặc thù của Phật pháp so với ngoại giáo /
D. Ý thức được trách nhiệm với bạn đồng tu
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 3 : A
Trắc nghiệm 4. Câu nào sau đây khi nói về sự hoà hợp, chấm dứt tranh cãi là điều được xem là hợp lý?
A. Để giải quyết vấn đề chung trước nhất là bắt đầu từ cá nhân /
B. Cá nhân tốt đẹp y cứ trên sự hiểu biết/
C. Sự hiểu biết chân chánh dựa trên cơ sở của chân pháp /
D. Ba câu trên đều đúng
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 4: D
Trắc nghiệm 5. Lục hoà là sáu pháp được Đức Phật đề cập bằng cụm từ nào sau đây?
A. pháp cần phải ghi nhớ/
B. pháp tạo thành tương ái/
C. pháp đến vô tranh /
D. Cả ba câu trên đều đúng
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 5:D
Trắc nghiệm 6. Câu nào sau đây là sự thật tương đối hợp lý theo suy luận:
A. Chén trong sóng thường khua chạm /
B. Tất cả tôn giáo đều có hiện tượng chia rẽ, phân hoá giữa những tín đồ /
C. Cùng lo một việc thường thương nhau, cùng thích một thứ thường ghét nhau /
D. Cả ba câu trên
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 6: D
Trắc nghiệm 6. Câu nào sau đây là sự thật tương đối hợp lý theo suy luận:
A. Chén trong sóng thường khua chạm /
B. Tất cả tôn giáo đều có hiện tượng chia rẽ, phân hoá giữa những tín đồ /
C. Cùng lo một việc thường thương nhau, cùng thích một thứ thường ghét nhau /
D. Cả ba câu trên
ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 6: D
No comments:
Post a Comment