Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 17/2/2020
56. Kinh Ưu-ba-ly
(Upàli sutta)
705. Tại sao gọi Kinh Ưu-ba-ly
?
Tên bài kinh được đặt theo nhân vật Ưu-ba-ly (Upàli), một
đệ tử cư sĩ của đạo Jain được biết là có khẩu tài, có nhiều tiền của và có danh
vọng. Vị nầy đến vấn nạn Đức Phật với câu hỏi về tam nghiệp.
706. Đại ý Kinh Ưu-ba-ly gì?
a.
Khởi đầu Dìghatapassi một đệ tử xuất gia
của ngoại giáo Nigantha đến gặp Đức Phật có một trao đổi ngắn. Trong cuộc trao đổi
nầy nói lên sự dị biệt giữa giáo lý Nigantha và Phật Pháp về hành động, lời nói,
và ý nghĩ.
b.
Upàli một đệ tử cư sĩ của ngoại giáo
Nigantha sau khi được nghe cuộc đàm luận giữa Dìghatapassi và Đức Phật nẩy sinh
ý định tự mình đến tranh luận với Đức Phật. Mặc dù có sự ngăn cản của Dìghatapassi
nhưng Upàli có được sự đồng ý của giáo chủ Nigantha Nataputta.
c.
Trong cuộc đàm luận giữa Đức Phật và Upàli,
Đấng Vô Thượng Điều Ngự đã dùng bốn thí dụ thuộc kiến văn của Upàli để chứng
minh giáo lý của Ngài và những ví dụ nầy hoàn toàn có sức thuyết phục.
d.
Upàli nghe những lời Phật dạy phát tâm
quy ngưỡng Tam Bảo. Đức Phật đã dạy Upàli về thái độ nên cẩn trọng khi đặt để
niềm tin và lòng quảng đại đối với tất cả đạo giáo.
e.
Upàli sau khi trở thành một thánh đệ tử
Phật đã nói lên sự quy ngưỡng tuyệt đối của mình đối với Bậc Đạo Sư với cách trả
lời khẳng định trước mặt giáo chủ Nigantha.
707. Dìghatapassi
đã nói thế nào những sự dị biệt giữa giáo lý Nigantha và Phật Pháp về hành động,
lời nói, và ý nghĩ?
Cách dùng từ vựng và giáo lý của đạo Jain có nhiều khác
biệt so với Phật Pháp.
a.
Đạo Jain có nói về hành động, lời nói và
ý nghĩ tạo quả nhưng không gọi đó là nghiệp mà gọi là cây roi hay cây gậy
(Daṇḍa) có nghĩa là công cụ tạo tác (theo Sớ giải). Đức Phật dạy hành động của
thân, lời nói của khẩu, tư duy của ý có chủ trương (cetana) là nghiệp (kamma).
b.
Đạo Jain dạy rằng hành động của thân là tối
trọng để tạo thành ác nghiệp giống như trong luật pháp thường thức những gì nằm
trong ý nghĩ chưa phạm luật cho đến khi nói thành lời, dù vậy, vẫn nhẹ hơn động
tay động chân. Đức Phật dạy trong tam nghiệp thì ý nghiệp là tối trọng.
708. Đức Phật đã nói gì với gia chủ Upàli để cho thấy
sự tối trọng của ý nghiệp so với thân nghiệp?
Đức Phật dùng bốn thí dụ mà tất cả đều nằm trong kiến văn
của đạo Jain để hỏi Upàli:
Ví dụ thứ nhất liên hệ đến giới luật của Đạo Jain cấm uống
nước lạnh (vì trong nước lạnh có sinh vật) . Đức Phật hỏi nếu một người vì giữ
giới này mà phải chết, thì tái sinh ở đâu. Upàli đáp ở cõi trời Ý Trước (theo
giáo lý của đạo Jain) , vì chấp vào ý mà chết. Đức Phật chỉ cho thấy Upàli đã
mâu thuẫn vì cho ý nghiệp là quan trọng.
Phật lấy ví dụ thứ hai là nếu người tu theo Đạo Jain hoàn
toàn tự chế không dùng nước lạnh, hoàn toàn chú tâm vào sự chế ngự nước lạnh,
hoàn toàn loại trừ nước lạnh, hoàn toàn thấm nhuần giới kiêng nước lạnh, nhưng
lúc đi qua đi lại lỡ dẫm phải côn trùng, có phạm tội không. Upàli nói không phạm,
vì không cố ý. Phật cho thấy ông đã tự mâu thuẫn lần thứ hai.
Ví dụ thứ ba: Một người với đại thần thông lực, với tâm
sân hận trong giây lát có thể giết toàn dân thành Nalanda không? Upàli nói một
tâm sân hận có thể giết không những một thành mà nhiều thành Nalanda.
Ví dụ thứ tư, Phật hỏi ông có nghe những khu rừng của các
vị ẩn sĩ trước kia tươi đẹp sau trở thành hoang vắng vì tâm sân hận của các ẩn
sĩ ấy không (…)
Với bốn ví dụ Upàli hoàn toàn bị thuyết phục và cho biết
ngay từ thí dụ đầu đã tin là Đức Phật đúng.
709. Upàli đã có thái độ thế nào sau khi tự nhận là Đức
Phật nói đúng?
Ông phát tâm quy y Tam Bảo nhưng Đức Phật khuyên ông hãy
suy nghĩ chín chắn vì “Chín chắn suy tư là tốt đẹp”
Nghe lời khuyên của Đức Phật ông nói lên lời quy y Tam Bảo
lần thứ hai.
Đức Phật cũng khuyên rằng Upàli vốn là người cúng dường
nhiều cho những Nigantha sau nầy hãy tiếp tục bố thí cho những ai đến với ông.
Với lời dạy nầy của Đức Thế Tôn, Upàli nói lên lời quy y Tam Bảo lần thứ ba.
Chánh kinh cũng ghi lại giáo huấn sau đó của Đức Từ Phụ:
Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho gia chủ Upali, tức là
thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm,
sự hạ liệt, sự nhiễm ô các dục lạc, những lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết
gia chủ Upali tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được
phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương
đề cao: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Cũng như một tấm vải thuần bạch, các chấm đen được
gột rửa rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, chính tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn xa trần
ly cấu khởi lên với gia chủ Upali: "Phàm pháp gì được khởi lên, tất cả
pháp ấy đều bị tiêu diệt".
710. Upàli đã làm gì sau khi khi trở thành thánh đệ tử
Phật?
Ông về nhà căn dặn gia nhân sau nầy những người theo Đạo
Jain đến nhà thì mang thức ăn ra cúng dường nhưng không mời vào. Ngược lại những
đệ tử Phật đến thì rước vào nhà cúng dường đủ lễ.
Giáo chủ Nigantha nghe người kể lại không tin những gì được
nghe đích thân tới gặp Upàli để hỏi rõ. Upàli đã xác định mình là đệ tử Phật với
những lời ca ngợi. Giáo chủ Nigantha nói rằng Upàli bị huyễn thuật của Sa môn
Gotama mê hoặc. Upàli trả lời:
"Thật tốt lành thay huyễn thuật cảm hóa ấy [10]. Mong
sao tất cả bà con dòng họ, mọi giai cấp, toàn thế giới, kể cả chư thiên nhân loại,
đều được huyễn thuật này lôi cuốn."
Sau đó đã nói lên những câu kệ xưng tán Đức Phật mà khi
nghe Nigantha Nataputta không dằn được sự phẫn uất.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Nếu ý nghiệp là tối trọng thì tại sao trong Luật Tạng có nhiều điều luật mà khi khởi lên ý nghiệp thì chưa phạm tội cho tới khi thể hiện bằng lời nói hay hành động? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 3. Phải chăng mặc dù co ba nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp nhưng trong thân nghiệp và khẩu nghiệp luôn có ý nghiệp? - TT Pháp Tân
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment