Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 25/2/2020
62. Đại Kinh Giáo Huấn Ràhula (Mahā Rāhulāhulovāda
Sutta)
748. Tại sao gọi là Ðại kinh Giáo Huấn Rāhula?
Tên bài kinh lấy theo nội dung những huấn thị Đức Phật dạy
cho sa di Ràhula. Gọi là đại kinh vì có một bài kinh khác cũng là sự giảng dạy
của Đức Thế Tôn cho Ràhula nhưng ngắn hơn (và cũng là trường hợp khá đặc biệt
trong sự sắp xếp của Trung Bộ. Thông thường những bài kinh trùng tên nhưng do
ngắn dài khác nhau được gọi là tiểu kinh, đại kinh được sắp xếp cạnh nhau. Nhưng
Tiểu kinh Giáo Huấn Rāhula không tiếp theo đại kinh mà được đánh số 147)
749. Đại ý Ðại kinh Giáo Huấn Rāhula là gì?
Theo Sớ giải thì những lời Phật dạy trong bài kinh nầy được
nói cho Ràhula năm vị nầy lên 18 tuổi. Trong một lần đi vào thành Savatthi khất
thực buổi sáng cùng Đức Phật, sa di Ràhula bấy giờ vừa mới lớn, khởi lên ý nghĩ
tự hào về ngoại hình của mình vì là con của Đức Thế Tôn. Đọc được dòng tư tưởng
đó Đức Phật đã đứng lại để khuyên dạy. Chiều hôm đó Ràhula đến gặp Đức Phật để
nghe thêm sự hướng dẫn và Đức Phật đã dạy về cách minh sát tứ đại để xua tan những
ngã chấp về thân.
Một buổi sáng sa di Ràhula vào thành khất thực cùng Đức
Phật khởi lên ý niệm chấp thủ về vẻ đẹp của thân tướng:
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi
để khất thực. Tôn giả Rahula vào buổi sáng cũng đắp y, cầm y bát, đi sau lưng
Thế Tôn. Rồi Thế Tôn, sau khi đưa mắt ngó xung quanh, bảo Tôn giả Rahula:
-- Này Rahula, bất cứ sắc pháp nào, quá khứ, vị lai, hiện tại,
nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc pháp phải được
quán sát như thật với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của ta, cái này
không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta".
-- Bạch Thế Tôn, có phải chỉ sắc mà thôi? Bạch Thiện Thệ, có
phải chỉ sắc mà thôi?
-- Cả sắc, này Rahula; cả thọ, này Rahula; cả tưởng, này
Rahula; cả hành, này Rahula; và cả thức, này Rahula.
Được Đức Thế Tôn khai thị sa di Ràhula không tiếp tục đi
khất thực mà trở về tìm một gốc cây để toạ thiền:
Rồi Tôn giả Rahula tự nghĩ: "Ai có thể hôm nay được Thế
Tôn trực tiếp giảng dạy với bài giáo giới, còn có thể đi vào làng để khất thực?"
Rồi Tôn giả từ chỗ ấy đi trở lui về, ngồi xuống một gốc cây, kiết già, lưng thẳng,
an trú niệm trước mặt.
Thầy tế độ của sa di Ràhula, không biết là vị sa di nầy
đã được Đức Phật giảng dạy cách tu tập, nên khuyên hãy niệm hợp thở:
Tôn giả Sariputta thấy Tôn giả Rahula đang ngồi dưới một gốc
cây, kiết già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt. Sau khi thấy vậy, Ngài nói với
Tôn giả Rahula:
-- Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập nhập tức xuất tức niệm
(niệm hơi thở vô, hơi thở ra). Này Rahula, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra,
làm cho sung mãn, được quả lớn, được lợi ích lớn.
751. Trước
hai sự hướng dẫn tu tập khác biệt, Ràhula đã làm gì?
Chiều hôm đó Ràhula tìm đến Đức Phật để hỏi thêm về chánh
niệm hơi thở theo lời khuyên của Ngài Sàriputta:
Rồi Tôn giả Rahula, vào buổi chiều, sau khi từ Thiền tịnh đứng
dậy, đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Rahula bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập như
thế nào? Làm cho sung mãn, (pháp môn này) như thế nào là để được quả lớn, được
lợi ích lớn?
Nhưng Đức Phật không giảng dạy ngay lập tức về pháp niệm
hơi thở mà giảng về sự suy quán đối với năm đại chủng thuộc vật chất - pháp đối
trị sự ái chấp về thân của một thanh niên vừa mới lớn:
-- Này Rahula, cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng,
thô phù, bị chấp thủ, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận,
tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân và bất cứ
vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ;
như vậy, này Rahula, được gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và
những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Ðịa giới ấy phải được quán
sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải là của ta, cái
này không phải là ta, cái này không phải tự là ngã của ta". Sau khi như thật
quán sát địa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với địa giới,
tâm từ bỏ địa giới.
Và này Rahula, thế nào là thủy giới? Có nội thủy giới, có
ngoại thủy giới. Và này Rahula, thế nào là nội thủy giới? Cái gì thuộc nội
thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ, như mật, đàm,
niêm dịch, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước ở khớp xương,
nước tiểu, và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước,
thuộc chất lỏng, bị chấp thủ; như vậy, này Rahula, được gọi là thủy giới. Những
gì thuộc nội thủy giới và những gì thuộc ngoại thủy giới đều thuộc về thủy giới.
Thủy giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái
này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của
ta". Sau khi như thật quán sát thủy giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy
sanh yểm ly đối với thủy giới, tâm từ bỏ thủy giới.
Và này Rahula, thế nào là hỏa giới? Có nội hỏa giới, có ngoại
hỏa giới. Và này Rahula, thế nào là nội hỏa giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc
về cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ; như cái gì khiến cho hâm
nóng, khiến cho hủy hoại, khiến cho thiêu cháy, cái gì khiến cho những vật được
ăn, uống, nhai, nếm, có thể khéo tiêu hóa, hay tất cả những vật gì khác, thuộc
nội thân, thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ; này Rahula,
như vậy được gọi là nội hỏa giới. Những gì thuộc nội hỏa giới, và những gì thuộc
ngoại hỏa giới đều thuộc về hỏa giới. Hỏa giới ấy phải được quán sát như thật với
chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là
ta, cái này không phải tự ngã của ta". Sau khi như thật quán sát hỏa giới
với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với hỏa giới, tâm từ bỏ hỏa giới.
Và này Rahula, thế nào là phong giới? Có nội phong giới, có
ngoại phong giới. Và này Rahula, thế nào là nội phong giới? Cái gì thuộc về nội
thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ, như gió thổi lên,
gió thổi xuống, gió trong ruột, gió trong bụng dưới, gió thổi ngang các đốt,
các khớp, hơi thở vô, hơi thở ra, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc
cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ; này Rahula, như vậy được gọi
là nội phong giới. Những gì thuộc nội phong giới và những gì thuộc ngoại phong
giới đều thuộc về phong giới. Phong giới ấy phải được quán sát như thật với
chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là
ta, cái này không phải tự ngã của ta". Sau khi như thật quán sát phong giới
với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với phong giới, tâm từ bỏ
phong giới.
Và này Rahula, thế nào là hư không giới? Có nội hư không giới,
có ngoại hư không giới. Và này Rahula, thế nào là nội hư không giới? Cái gì thuộc
về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ,
như lỗ tai, lỗ mũi, cửa miệng, do cái gì người ta nuốt, những gì được nhai, được
uống, được ăn và được nếm, và tại chỗ mà những gì được nhai, được uống, được ăn
và được uống được giữ lại, và ngang qua chỗ mà những gì được nhai, được uống,
được ăn và được tống xuất xuống phần dưới để ra ngoài, và bất cứ vật gì khác
thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ;
này Rahula, như vậy được gọi là nội hư không giới. Những gì thuộc nội hư không
giới và những gì thuộc ngoại hư không giới đều thuộc về hư không giới. Hư không
giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: "Cái này
không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của
ta," Sau khi như thật quán sát hư không giới với chánh trí tuệ như vậy, vị
ấy sanh yểm ly đối với hư không giới, tâm từ bỏ hư không giới.
(Theo A Tỳ Đàm thì đất, nước, lửa gió thuộc sắc đại chủng
trong lúc hư không thuộc sắc y sinh)
752. Vật chất chỉ được quán niệm theo tánh giả hợp?
Ngoài các quán sát năm đại chủng thuộc vật chất (đất, nước,
lửa, gió, hư không) theo bản chất tự nhiên thì Đức Phật còn giảng dạy cách nhìn
theo bản chất “như nhiên” của vật chất như một cách an định tâm ý:
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như đất. Này Rahula, do tu
tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm
giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh,
quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ
và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán;
cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất,
các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn
tại.
[hạnh tu như nước]
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như nước. Này Rahula, do tu
tập sự tu tập như nước, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm
giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như trong nước người ta rửa đồ tịnh,
rửa đồ không tịnh, rửa sạch phân uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa
sạch mủ, rửa sạch máu; tuy vậy nước không lo âu, không dao động, không nhàm
chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tụ tập như nước, các xúc khả ái,
không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
[hạnh tu như lửa]
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như lửa. Này Rahula, do tu
tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm
giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ
không tịnh, đốt phân uế, đốt nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy
lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu
tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm
giữ tâm, không có tồn tại.
[hạnh tu như gió]
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như gió. Này Rahula, do tu
tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm
giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, như gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ
không tịnh, thổi phân uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu,
tuy vậy gió không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula,
hãy tu tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không
có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
[hạnh tu như hư không]
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rahula,
do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên,
không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như hư không không bị
trú tại một chỗ nào; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không.
Này Rahula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái không, khả ái được
khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Những hạnh tu như đất, nước, lửa, gió, hư không chỉ là sự suy diễn như bài học luân lý hay có thể áp dụng như đề mục phát triển định, niệm? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Những hạnh tu như đất, nước, lửa, gió, hư không phái chăng là phản ứng thụ động trước nghịch cảnh? - TT Pháp Tân
Thảo luận 4. này Rahula, hãy tu tập sự tụ tập như đất, nước, lửa, gió, hư không … các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có ngự trị tâm, không có tồn đọng (bhāvanaṁ bhāvayato uppannā manāpāmanāpā phassā cittaṁ na pariyādāya ṭhassanti). Cụm từ không ngự trị, không tồn đọng được hiểu thế nào? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 5. Hành giả tu tập khi tâm tiếp xúc với cảnh không để những ấn tượng thích hay không thích ngự tri và tồn đong trong tâm thì có khác biệt gì với người sống thường vô tâm? - ĐĐ Nguyên Thông
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment