Monday, February 3, 2020

Bài học. Thứ Hai, ngày 3 tháng 2, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng và TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  3/2/2020 
(Brahmanimantanika sutta)

560. Tại sao gọi Kinh Phạm Thiên Mời Thỉnh?
Tên bài kinh được đặt theo theo một chi tiết trong câu chuyện khi Phạm thiên Baka mời thỉnh Đức Phật bước vào cảnh giới vĩnh hằng của mình:
Hãy đến, Tôn giả, thiện lai Tôn giả, đã lâu, nay Tôn giả mới có dịp đến đây. Này Tôn giả, cái này là toàn diện, cái này là thường hằng, cái này là thường tại, cái này là toàn diện, cái này không bị biến hoại, cái này không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi, ngoài cái này không có một giải thoát nào khác hơn.
         
561. Đại ý Kinh Phạm Thiên Mời Thỉnh là gì?

562. Phạm thiên Baka và ma vương là chúng sanh thế nào?
Phạm thiên là chúng sanh hoá sanh do năng lực thiền định với thân sắc tế nhị nên thọ mạng rất dài. Ma vương là chúng sanh đại uy hoá sanh do phúc nghiệp thù thắng thường có tham vọng chi phối muôn loài bằng năng lực của mình.
Cảm thắng Phạm thiên Baka được ghi nhận là một trong tám thể hiện uy lực của Đức Thế Tôn Gotama.
Bà la môn giáo xem Phạm thiên là thượng đế vì bắt nguồn từ sự ngộ nhận của những đạo sĩ chứng thiền nhớ được kiếp trước như được ghi trong Kinh Phạm Võng (Brahmajàlasutta), Trường Bộ.

563. Phạm thiên Baka chấp thủ tà kiến gì?

Do thọ mạng dài lâu và cuộc sống tế nhị Phạm thiên nghĩ mỉnh là đang sống ở cõi vĩnh hằng:

"Cái này là thường, cái này là thường hằng, cái này là thường tại, cái này là toàn diện, cái này không bị biến hoại, cái này không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi, ngoài cái này, không có một giải thoát nào khác hơn"
Ma vương cũng nhân đó tôn xưng Phạm thiên Baka với lời lẽ đầy sai lạc:
Phạm thiên này là Ðại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh.

564. Đức Phật đã nói gì về tà kiến của Phạm thiên Baka?
Trước hết Phật dạy rõ:
"-- Thật sự nầy Phạm thiên Baka, ông bị chìm đắm trong vô minh, thật sự Phạm thiên Baka bị chìm đắm trong vô minh, khi cái vô thường lại nói là thường, cái không thường hằng lại nói là thường hằng, cái không thường tại lại nói là thường tại, cái không toàn diện lại nói là toàn diện, cái bị biến hoại lại nói là không biến hoại, và tại chỗ có sanh, có già, có chết, có diệt, có khởi, lại nói không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi; có một giải thoát khác hơn lại nói là không có một giải thoát nào khác hơn."
Đức Phật cũng nói thêm là Ngài biết tất cả những gì thuộc về cảnh giới của vị ấy:
"-- Này Phạm thiên, Ta biết việc này. Nếu Ta y trước địa đại... thủy đại... hỏa đại... phong đại... chúng sanh... chư Thiên... Sanh chủ... Nếu Ta y trước Phạm thiên, Ta sẽ gần Ông, trú tại lãnh địa của Ông, làm theo ý Ông muốn, bị đứng ra ngoài lề. Lại nữa, này Phạm thiên, Ta biết sanh thú (gati) của Ông và Ta biết sự quang vinh của Ông. Phạm thiên Baka có thần lực như vậy; Phạm thiên Baka có quyền lực như vậy; Phạm thiên Baka có uy lực như vậy.
"-- Này Tỷ-kheo, như Ông biết sanh thú, Ông biết sự quang vinh của ta: "Phạm thiên Baka có thần lực như vậy; Phạm thiên Baka có quyền lực như vậy; Phạm thiên Baka có uy lực như vậy".
"- Như nhật nguyệt lưu chuyển,
Sáng chói khắp mười phương,
Như vậy mười Thiên giới,
Dưới uy lực của Ông.
Ông biết chỗ cao thấp,
Có dục và không dục,
Hữu này và hữu kia,
Chỗ đến, đi hữu tình.
Như vậy, này Phạm thiên, Ta biết chỗ sanh thú và sự quang vinh của Ông: "Phạm thiên Baka có thần lực như vậy; Phạm thiên Baka có quyền lực như vậy; Phạm thiên Baka có uy lực như vậy".

Rồi Đức Phật khẳng định có những cảnh giới cao hơn cảnh giới của Phạm thiên Baka mà Phật biết trong khi phạm thiên Baka không biết:
Này Phạm thiên, có ba loại chư Thiên mà Ông không biết, không thấy, nhưng Ta biết, Ta thấy. Này Phạm thiên, có loại chư Thiên tên là Abhassara (Quang âm thiên), từ chư Thiên này, Ông mạng chung, và sanh ở nơi đây. Nhưng vì Ông an trú ở đấy quá lâu, nên Ông không nhớ được. Do đó, Ông không biết, không thấy, còn Ta biết, Ta thấy. Như vậy, này Phạm Thiên, Ta còn không chịu ngang hàng Ông về thượng trí huống nữa là thấp hơn. Do vậy, Ta thù thắng hơn Ông.
Này Phạm thiên, lại có một loại chư Thiên tên là Subhakinna (Biến tịnh thiên)... lại có một loại chư Thiên tên là Vehapphala (Quảng quả thiên) mà Ông không biết, không thấy, nhưng Ta biết, Ta thấy. Như vậy, này Phạm thiên, Ta còn không chịu ngang hàng Ông về thượng trí, huống nữa là thấp hơn. Do vậy. Ta thù thắng hơn Ông.

Đức Phật giải thích rõ lý do Ngài thù thắng hơn Phạm thiên vì không có ngã chấp đối với mọi hiện tượng vật chất (như trong kinh Căn Bản Pháp Môn):
Này Phạm thiên, Ta biết địa đại từ địa đại, cho đến giới vức địa đại, Ta không lãnh thọ địa tánh; do biết địa đại, Ta không nghĩ: "Ta là địa đại. Ta ở trong địa đại, Ta từ địa đại, địa đại là của Ta, và Ta không tôn trọng địa đại". Như vậy, này Phạm thiên, về thượng trí Ta hơn ông thì sao gọi là thấp hơn. Do vậy, Ta thù thắng hơn Ông.
Này Phạm thiên, Ta biết thủy đại... Này Phạm thiên, Ta biết hỏa đại... Này Phạm thiên, Ta biết phong đại... Này Phạm thiên, Ta biết chúng sanh... Này Phạm thiên, Ta biết chư Thiên... Này Phạm thiên, Ta biết Sanh chủ... Này Phạm thiên, Ta biết Phạm thiên... Này Phạm thiên, Ta biết Abhassara (Quang âm thiên)... Này Phạm thiên, Ta biết Subhakinna (Biến tịnh thiên)... Này Phạm thiên, Ta biết Vahapphala (Quảng quả thiên)... Này Phạm thiên, Ta biết Abhibhu (Thắng giải)... Này Phạm thiên, Ta biết tất cả (Sabba) từ tất cả, cho đến giới vức tất cả, Ta không lãnh thọ nhứt thiết tánh, Ta không nghĩ: "Ta là tất cả, Ta ở trong tất cả, Ta từ tất cả, tất cả là của Ta, và Ta không tôn trọng tất cả". Như vậy, này Phạm thiên, Ta còn không chịu ngang hàng Ông về thượng trí, huống nữa là thấp hơn. Do vậy, Ta thù thắng hơn Ông.

Phạm thiên phản bác sự từ bỏ chấp hữu vì nếu không có gì thì còn gì để có. Một cách cụ thể là nếu biến hoá thiên hình vạn trạng thì sự chấp hữu phải vạn trạng thiên hình:
"-- Này Tôn giả, đối với tất cả, nếu Tôn giả không lãnh thọ nhất thiết tánh, thì đối với Tôn giả, trở thành trống không, trống rỗng, Thức là phi sở kiến, không biên tế, chói sáng tất cả, nếu không thể lãnh thọ địa đại ngang qua địa tánh, không thể lãnh thọ thủy đại ngang qua thủy tánh, không thể lãnh thọ hỏa đại ngang qua hỏa tánh, không thể lãnh thọ phong đại ngang qua phong tánh, không thể lãnh thọ chúng sanh ngang qua chúng sanh tánh, không thể lãnh thọ chư Thiên ngang qua chư Thiên tánh, không thể lãnh thọ Sanh chủ ngang qua Sanh chủ tánh, không thể lãnh thọ Phạm thiên ngang qua Phạm thiên tánh, không thể lãnh thọ Quang âm thiên ngang qua Quang âm thiên tánh, không thể lãnh thọ Biến tịnh thiên ngang qua Biến tịnh thiên tánh, không thể lãnh thọ Quảng quả thiên ngang qua Quảng quả thiên tánh, không thể lãnh thọ Abhibhu (Thắng giả) ngang qua Abhibhu tánh, không thể lãnh thọ nhứt thiết ngang qua nhứt thiết tánh. Này Tôn giả, nay ta sẽ biến mất trước mặt Tôn giả.

Đức Phật trả lời bằng đề nghị Phạm thiên tự biến mất, một điều một chúng sanh chấp hữu không làm được (...). Rồi Đức Thiên Nhân Sư hiển hoá thần lực siêu nhiên bằng cách thể nhập vào không tướng khiến quần tiên không tìm được dấu tích như vẫn nghe được pháp âm vi diệu.

566. Đức Phật nói gì với Ma Vương?
Ma vương chỉ có thể dẫn đạo sai lạc người không biêt Ma vương là ai, chúng sanh của bóng tối vô minh. Đức Phật trái lại biết rất rõ:

"-- Này Ác ma, Ta biết Ngươi! Ngươi chớ có nghĩ rằng: "Vị ấy không biết ta". Này Ác ma, Ngươi là Ác ma! Ngươi là Ác ma! Này Ác ma, Ngươi nói như vậy không phải vì lòng thương tưởng đối với Ta. Này Ác ma, Ngươi nói như vậy vì không có lòng thương tưởng đối với Ta. Này Ác ma, Ngươi nghĩ như sau: "Những ai được Sa-môn Gotama thuyết pháp, những người ấy sẽ thoát ra ngoài tầm tay ảnh hưởng của ta". Này Ác ma, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy không phải Chánh Ðẳng Giác, nhưng tự xưng là: "Chúng ta là Chánh Ðẳng Giác". Này Ác ma, Ta là Chánh Ðẳng Giác và Ta tự xưng Ta là Chánh Ðẳng Giác. Này Ác ma, Như Lai có thuyết pháp cho đệ tử, Như Lai cũng vẫn là Như Lai. Này Ác ma, Như Lai không thuyết pháp cho các đệ tử, Như Lai cũng vẫn là Như Lai. Này Ác ma, Như Lai có hướng dẫn cho các đệ tử, Như Lai cũng vẫn là Như Lai. Này Ác ma, Như Lai không hướng dẫn cho các đệ tử, Như Lai cũng vẫn là Như Lai. Vì sao vậy? Này Ác ma, đối với Như Lai, các lậu hoặc tương ưng với phiền não, đưa đến tái sanh, gây nên phiền lụy, đem đến quả khổ dị thục; đưa đến sanh, già, chết trong tương lai; các lậu hoặc ấy đã được diệt trừ, được cắt đứt tận gốc, được làm như thân cây Tala, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Này Ác ma, ví như cây tala, dầu thân cây này bị chặt dứt, khiến không thể lớn lên được; cũng vậy, này Ác ma, đối với Như Lai, các lậu hoặc tương ứng với phiền não, đưa đến tái sanh, gây nên phiền lụy, đem đến quả khổ dị thục, đưa đến sanh, già, chết trong tương lai; các lậu hoặc ấy đã được diệt trừ, được cắt đứt tận gốc, được làm như thân cây tala, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai".


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành




 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment