Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 24/2/2020
743. Tại sao gọi là Kinh
Giáo Huấn Ràhula Ở Ambalatthikā?
Ngự viên Ambalatthikā là khu vườn của vua Bimbisara nằm
giữ Nalanda và Ràjagaha. Đức Thế Tôn và chư tăng thường ghé ngang đây nghỉ chân
khi du hành. Trong ngự viên nầy có một pháp xá tương đối tiện nghi. Kinh Bramajàla
(Phạm Võng) được Đức Thế Tôn thuyết tại đây. Bản dịch Việt mang tựa đề Giáo giới La Hầu La ở rừng Am bà la.
Dùng chữ “rừng Am ba la” tương đối không chính xác để nói về một ngự viên.
744. Đại ý Kinh Giáo Huấn Ràhula Ở Ambalatthikā là gì?
Rahula là đứa con duy nhất của vua Siddhattha Gotama và
hoàng hậu Yasodhara. Ngày Ruhula chào đời cũng chính là ngày vua Siddhattha rời
hoàng cung xuất gia tầm đạo. Bảy năm sau đó, sau khi viên thành quả vị Chánh Giác
và với sự hình thành đầy đủ của ba ngôi báu, Đức Thế Tôn trở về thăm cố hương.
Hoàng tử Rahula bấy giờ lên bảy tuổi. Theo lời dạy của Mẹ là hoàng hậu Yasodhara
đến xin gặp cha để xin được thừa kế đế nghiệp. Đức Phật thay vì trao cho tài sản
thế gian cho Rahula, Ngài dạy tôn giả Sàriputta truyền giới cho Rahula xuất gia
thành một sa di. Rồi Đức Thế Tôn và chư tăng trở lại Magadha. Bài kinh nầy là lời
dạy của Đức Phật trực tiếp cho Ràhula, lúc đó mới bảy tuổi, với những thí dụ rất
dễ hiểu về đời sống tu hành (Trong bản tiếng Việt Đức Phật gọi Ràhula là “ông”
không thích hợp với cách gọi một sa di nhỏ). Bài học vỡ lòng cho vị sa di nhỏ
tuổi nầy là sự chân thật và khả năng tự quán sát lời nói, hành động và ý nghĩ của
mình.
Đức Thế Tôn sau khi rửa chân đã dùng hình ảnh một ít nước
trong chậu để minh hoạ cho ý nghĩa Ngài muốn nói cho vị sa di còn trẻ thơ:
Lúc bấy giờ, Tôn giả Rahula (La-hầu-la) ở tại Ambalatthika
(rừng Ambala). Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến
Ambalatthika, chỗ Tôn giả Rahula ở. Tôn giả Rahula thấy Thế Tôn từ xa đi đến,
sau khi thấy, liền sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân. Thế Tôn ngồi xuống trên
chỗ đã soạn sẵn, và sau khi ngồi, Ngài rửa chân. Tôn giả Rahula đảnh lễ Thế Tôn
và ngồi xuống một bên.
Rồi Thế Tôn, sau khi để một ít nước còn lại trong chậu nước,
bảo Tôn giả Rahula:
-- Này Rahula, Ông có thấy một ít nước còn lại này trong chậu
nước không?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Cũng ít vậy, này Rahula, là Sa-môn hạnh của những người
nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn, sau khi đổ đi chút ít nước còn lại ấy rồi bảo
Rahula:
-- Này Rahula, Ông có thấy chút ít nước còn lại ấy bị đổ đi
không?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Cũng đổ đi vậy, này Rahula, là Sa-môn hạnh của những người
nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo Tôn giả Rahula.
-- Này Rahula, Ông có thấy chậu nước bị lật úp ấy không?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Cũng lật úp vậy, này Rahula, là Sa-môn hạnh của những người
nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại chậu nước ấy và bảo Tôn giả
Rahula:
-- Này Rahula, Ông có thấy chậu nước này trống không không?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Cũng trống không vậy, này Rahula, là Sa-môn hạnh của những
người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.
Lại một thí dụ khác được Đức Phật dùng để minh hoạ về ý
nghĩa “không nên nói dối, dầu nói để mà chơi":
Này Rahula, ví như một con voi của vua, có ngà dài như một
cán cày, to lớn, khéo luyện, thường có mặt ở chiến trường. Khi lâm trận, con
voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần
thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, nhưng bảo vệ cái vòi. Ở đây,
người nài nghĩ rằng: "Con voi của vua này có ngà dài như một cán cày, to lớn,
khéo luyện, thường hay có mặt ở chiến trường. Khi lâm trận con voi này thường
dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân
sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, nhưng bảo vệ cái vòi. Con voi của
vua (như vậy) không quăng bỏ mạng sống (của mình)". Này Rahula, nhưng khi
con voi của vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường hay có
mặt ở chiến trường, khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai
chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng
ngà, dùng đuôi, dùng vòi. Ở đây, người nài nghĩ rằng: "Con voi của vua
này, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường hay có mặt ở chiến
trường... (như trên)... dùng đuôi, dùng vòi. Con voi của vua (như vậy) đã quăng
bỏ mạng sống (của mình), và nay con voi của vua không có việc gì mà không
làm". Cũng vậy, này Rahula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý,
thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rahula,
"Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi", này Rahula, Ông phải học
tập như vậy.
746. Đức Phật đã tiếp theo với lời dạy thế nào về sự tự
quán sát bản thân?
Một khía cạnh khác rất quan trọng của đời sống tu hành là
khả năng tự xét chính mình. Một lần nữa, Đức Phật lại dùng minh hoạ bằng hình ảnh
quen thuộc để dạy sa di Ràhula:
Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?
-- Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh.
-- Cũng vậy, này Rahula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy
hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản
tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp.
Này Rahula, khi Ông muốn làm một thân nghiệp gì, hãy phản tỉnh
thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có
thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện,
đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Này Rahula, nếu trong khi phản
tỉnh, Ông biết: "Thân nghiệp này, ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta có
thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời
thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Một
thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nhất định chớ có làm. Này Rahula, nếu sau
khi phản tỉnh, ông biết: "Thân nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp này của
ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể
đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả
báo an lạc". Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nên làm.
Này Rahula, khi Ông đang làm một thân nghiệp, Ông cần phải
phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp
này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân
nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ; đem đến quả báo đau khổ. Này Rahula,
nếu trong khi phản tỉnh, Ông biết: "Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp
này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân
nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ". Này
Rahula, ông hãy từ bỏ một thân nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này Rahula, trong khi
phản tỉnh ông biết như sau: "Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp này
của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai;
thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc".
Thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông cần phải tiếp tục làm.
Sau khi Ông làm xong một thân nghiệp, này Rahula, Ông cần phải
phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp
này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân
nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Nếu
trong khi phản tỉnh, này Rahula, Ông biết như sau: "Thân nghiệp này ta đã
làm. Thân nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời
thân nghiệp này là bất thiện đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Một
thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải
trình bày trước các vị Ðạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi
đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai. Nếu trong khi
phản tỉnh, này Rahula, Ông biết như sau: "Thân nghiệp này ta đã làm. Thân
nghiệp này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả
hai; thời thân nghiệp này thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc".
Do vậy, này Rahula, Ông phải an trú trong niềm hoan hỷ tự mình tiếp tục tu học
ngày đêm trong các thiện pháp.
Này Rahula, khi Ông muốn làm một khẩu nghiệp gì …
Này Rahula, khi Ông đang làm một khẩu nghiệp …
Sau khi Ông làm xong một khẩu nghiệp …
Này Rahula, như Ông muốn làm một ý nghiệp gì…
Này Rahula, khi Ông đang làm một ý nghiệp….
Sau khi Ông làm xong một ý nghiệp, này Rahula, Ông cần phải
phản tỉnh ý nghiệp ấy như sau: "Ý nghiệp này ta đã làm. Ý nghiệp này của
ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là
bất thiện, đưa đến đau khổ, đem lại quả báo đau khổ, đem đến quả báo đau khổ".
Nếu trong khi phản tỉnh, này Rahula, Ông biết như sau: "Ý nghiệp này ta đã
làm. Ý nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; ý nghiệp
này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ". Một ý nghiệp
như vậy, này Rahula, Ông cần phải lo âu, cần phải tàm quý, cần phải nhàm chán.
Sau khi lo âu, tàm quý, nhàm chán, cần phải phòng hộ trong tương lai. Còn nếu
trong khi phản tỉnh, này Rahula, Ông biết: "Ý nghiệp này ta đã làm. Ý nghiệp
này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, ý
nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc". Do vậy, này
Rahula, Ông phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm
trong các thiện pháp.
747. Đức Thế
Tôn đã dạy thế nào về căn bản của nếp sống tu hành?
Ngài đã dạy cho sa di Ràhula rằng tất cả những người tu hành
chân chính trong quá khứ, hiện tại hay tương lai đều lấy sự thanh tịnh hoá ba
nghiệp làm căn bản cho sa môn hạnh:
Này Rahula, trong thời quá khứ, những Sa-môn hay Bà-la-môn
nào đã tịnh hóa thân nghiệp, đã tịnh hóa khẩu nghiệp, đã tịnh hóa ý nghiệp, tất
cả những vị ấy, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần đã tịnh hóa thân nghiệp, sau
khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, đã tịnh hóa khẩu nghiệp, sau khi phản tỉnh như
vậy nhiều lần, đã tịnh hóa ý nghiệp. Này Rahula, trong thời vị lai, những
Sa-môn hay Bà-la-môn nào sẽ tịnh hóa thân nghiệp, sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp, sẽ tịnh
hóa ý nghiệp, tất cả những vị ấy; sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, sẽ tịnh
hóa thân nghiệp, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp,
sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, sẽ tịnh hóa ý nghiệp. Này Rahula, trong thời
hiện tại, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào tịnh hóa thân nghiệp, tịnh hóa khẩu
nghiệp, tịnh hóa ý nghiệp, tất cả những vị ấy, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều
lần, tịnh hóa khẩu nghiệp; sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, tịnh hóa ý nghiệp.
Do vậy, này Rahula: "Sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa thân
nghiệp; sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp, sau khi phản
tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa ý nghiệp". Như vậy, này Rahula, Ông cần phải
tu học.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment