Saturday, February 22, 2020

Bài học. Thứ Bảy, ngày 22 tháng 2, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  22/2/2020 
60. Kinh Không Thể Phủ Bác (Apaṇṇaka Sutta)
736. Tại sao gọi Không Thể Phủ Bác?
Tên kinh lấy từ điểm nhất trong nội dung mà qua đó Đức Phật muốn nói về những điều hợp lý rõ ràng để một người có thể chấp nhận đời sống hiền thiện. Bản tiếng Việt dịch là Kinh Không Gì Chuyển Hướng có thể khiến người đọc hiểu sai chữ apaṇṇaka  mà theo Sớ giải có nghĩa là không nói khác được, không mơ hồ, chắc chắn chấp nhận được (aviraddho advejjhagāmī ekaṁsagāhiko)
         
737. Đại ý Kinh Không Thể Phủ Bác?
Sala là một ngôi làng nằm trên con đường đi vào khu rừng có rất nhiều những sa môn tu sĩ lui tới hành đạo. Do nhiều tu sĩ có nhiều luận thuyết về tín ngưỡng, về hành trì khiến dân làng rơi vào hoang mang không biết tin ai, bỏ ai. Một lần Đấng Thiên Nhân Sư cùng chư tỳ kheo đi ngang làng nầy. Những bà la môn gia chủ nghe biết liền đến yết kiến. Đức Phật, do thấy được sự ngờ vực của họ đối với các giáo thuyết,  đã dạy cho họ về những điều mà một phàm nhân có thể y cứ vào đó để nhận biết đúng sai.
Những điều Đức Phật đưa ra là những giáo thuyết thịnh hạnh thời bấy giờ trong xã hội cổ Ấn. Đối với mỗi quan điểm Đức Phật đưa ra cả hai quan điểm: chấp trì và phủ nhận. Từ hai quan điểm nầy dẫn đến thái độ và hành động. Thái độ và hành động tạo nên hệ quả vui khổ.



Khởi đầu Đức Thế Tôn đã nêu lên câu hỏi: Các gia chủ có tin tưởng và hành theo sự hướng dẫn của vị thầy nào chăng? Những bà la môn trả lời là không. Rồi Đức Phật dạy: Nếu vậy thì hãy thực hành những pháp mà không người có trí nào có thể phủ nhận được và những pháp nầy mang lại an lạc lâu dài. Câu nói đó khiến các gia chủ lắng nghe.

739. Giáo thuyết theo chũ nghĩa hư vô nói gì?
Đầu tiên Đức Phật đã đề cập tới kiến chấp mà ngày nay người ta thường gọi là “chủ nghĩa hư vô”  cũng gọi là luận điểm duy vật cực đoan qua 10 điều
1.    Không có  quả của bố thí,
2.    không có quả của cúng dường
3.    không có của tế tự,
4.    không có quả báo của nghiệp thiện ác,
5.    không có thức sanh vào đời này
6.    không có thức sanh vào đời sau
7.    không có quả trong cách cư xử tốt xấu đối với mẹ,
8.    không có quả trong cách cư xử tốt xấu đối với  cha
9.    không có các loại hóa sanh,
10.                       trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thực hành, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã tự chứng ngộ với thắng trí"

Rồi Đức Phật hỏi các bà la môn gia chủ có thấy những người chủ trương ngược lại với các luận điểm trên. Họ trả lời là có thấy.

740 . Cái gì là hệ quả của chủ nghĩa hư vô?

Những người theo quan điểm duy vật sẽ không có ba nghiệp thiện vì không thấy nguy hiểm của nghiệp bất thiện:
Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không có kết quả của bố thí, không có kết quả của lễ hy sinh, không có kết quả của tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí". Ðối với những vị này, sự kiện này sẽ chờ đợi xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.

Nên biết quan điểm đó là tà kiến sẽ dẫn tới tà tư duy, tà ngữ, tự tán hùy tha. Nói cách khác là tạo nên nhiều bất thiện pháp:
Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng không có đời sau, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng không có đời sau, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là không có đời sau, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy các ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.

Cũng có người theo chủ nghĩa hư vô nhưng với “thái độ nữa vời” không làm điều ác để an tâm nhưng không làm điều thiện. Đây là thái độ chấp nhận một nữa, một quan điểm thường tìm thấy ở nhiều người trong thế giới ngầy nay:
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung, tự ngã cảm thấy an toàn. Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu muốn đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này, ngay trong hiện tại bị những người có trí quở trách: "Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương hư vô luận". Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạn xứ, địa ngục. Như vậy pháp "không gì chuyển hướng" này bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ phía thiện pháp.

Quan điểm đối ngược với chủ nghĩa hư vô khiến con người sống với thân nghiệp lành, khẩu nghiệp lành, ý nghiệp lành:
Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có kết quả của bố thí, có kết quả của lễ hy sinh, có kết quả của tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trên đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí". Ðối với những vị này, sự kiện này sẽ chờ đợi xẩy ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những vị Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.

Có chánh kiến thì có chánh tư duy, có chánh ngữ và không tự tán huỷ tha:
Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng có đời sau, thời đó là một chánh kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng có đời sau, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau, thời đó là chánh ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau, thời không tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là có đời sau, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.

Với quan điểm nầy, con người chẳng những từ bỏ điều ác mà còn làm việc lành:
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn cho đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại được những người có trí tán thán: "Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương hữu luận". Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán thán; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, "pháp không gì chuyển hướng" này được chấp trì, được thực hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía, và bỏ qua phía bất thiện pháp.

[còn tiếp]


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận  1. Phải chăng khi đã có tà kiến thì không thể chỉ dừng ở đó mà luôn tạo nên những hệ quả là ý nghĩ và cuộc sống thiếu thiện pháp? - TT Pháp Tân

Thảo luận 2. Tại sao theo A Tỳ Đàm nếu người làm thiện với tâm hợp trí mà trỗ quả thì tâm tục sinh, tâm hộ kiếp, tâm tử (tâm quả dục giới tịnh hảo) cũng hợp trí nhưng nếu làm điều bất thiện với tâm hợp tà thì tâm quả cũng chỉ là vô nhân? - Sư Nguyên Thông 

Thảo luận 3. Một người bất hiếu có tà kiến khác biệt gì với người bất hiếu không có tà kiến? - Sư Nguyên Thông 


Thảo luận 3. Một người bất hiếu có tà kiến khác biệt gì với người bất hiếu không có tà kiến? - TT Giác Đẳng 

Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận và trắc nghiệm




 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Điều nào đây được xem là dấu hiệu của người có chánh kiến theo Phật Pháp? 
A. Tin vào nhân quả / 
B. Có hiếu với cha mẹ và có lòng ủng hộ các bậc tu hành/ 
C. Tin có các loại hoá sanh/ 
D. Cả ba điều trên

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 1:D


Trắc nghiệm 2. Người nào sau đây được xem là đúng khi nói về “người có quan điểm nữa vời” theo Phật Pháp?
 A. Không tin có đời sau nhưng không làm ác vì có phần ái ngại (không chắc những gì mình tin đã đúng) /
 B. Tránh điều ác nhưng không muốn làm điều thiện / 
C. Làm vì xu hướng theo phần đông / 
D. Cả ba câu trên


No comments:

Post a Comment