Thursday, May 21, 2020

Bài học. Thứ Năm, ngày 21 tháng 5, 2020

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: ĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY  21/5/2020 

129. Kinh Hiền Ngu (Bālapaṇḍita Sutta)


Kinh Hiền Ngu là pháp thoại của Đức Phật giảng về người hiền trí (paṇḍita) và kẻ ngu ác (bāla). Chữ hiền ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng là “hiền nhân”; chữ ngu ở đây không nên hiểu đần độn mà là người muốn hạnh phúc nhưng lại gây khổ cho mình cho người. Pháp thoại nầy của Đức Phật đưa ra những chi tiết về sở hành của chúng sanh trong hiện tại và cảnh giới tái sanh ỏ tương lai.


1117. Hành tướng người ngu

Chính lời nói, hành động và ý nghĩ cho thấy một người là thiện hay ác:

Như vầy tôi nghe:


Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà viên), tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

(Người Ngu)

-- Này các Tỷ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các ác hạnh. Này các Tỷ-kheo, nếu người ngu không tư duy ác tư duy, không nói lời ác ngữ, không hành ác hạnh, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: "Người này là người ngu, không phải là Chân nhân"? Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, do vậy, người trí biết người ấy: "Người này là người ngu, không phải là Chân nhân".

1118. Quả báo nhãn tiền của người ngu

Người ác sống trong phiền muộn ngay trong kiếp hiện tại:

Người ngu ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại khổ ưu. Này các Tỷ-kheo, nếu người ngu ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại ngã (ba, ngã tư) đường, tại đấy (nếu) có người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy. Nếu người ngu, này các Tỷ-kheo, sát sanh, lấy của không cho, theo tà hạnh trong dâm dục, nói láo, say rượu men, rượu nấu, thường ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu ấy suy nghĩ như sau: "Các người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi ta và ta có những pháp ấy". Này các Tỷ-kheo, đây là loại khổ ưu thứ nhất, người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người ngu thấy các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi; họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò) họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt) bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu nghĩ như sau: "Do nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng những hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân… họ lấy gươm chặt đầu. Những pháp ấy có thật nơi ta và ta có những pháp ấy. Nếu các vua chúa biết về ta, các vua chúa ấy sau khi bắt ta liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn... họ lấy gươm chặt đầu. "Này các Tỷ-kheo, đây là loại khổ ưu thứ hai, người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi người ngu leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc bấy giờ, những ác nghiệp người ấy làm từ trước, như thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp, treo đè lên người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người ngu ngồi trên ghế, hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi ấy các nghiệp quá khứ của người ấy, tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu suy nghĩ như sau: "Thật sự ta không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi. Do không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, do làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi nên phải đi đến ác thú; ác thú ấy sau khi chết ta phải đi". Người ấy sầu muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự khổ ưu thứ ba, ngay trong hiện tại, người ngu (phải) cảm thọ.

1119. Cảnh giới thọ sanh của người ngu

Cảnh giới tái sanh khổ đau của người ngu ác thật là đầy bất hạnh:

Này các Tỷ-kheo, kẻ ngu kia sau khi làm thân ác hành, sau khi làm khẩu ác hành, sau khi làm ý ác hành, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

(Ðịa ngục)

Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách đúng đắn về người ấy, phải nói rằng người ấy hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý. Cũng như muốn nói một cách đúng đắn về Ðịa ngục, phải nói rằng Ðịa ngục, hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý. Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, cho đến một ví dụ cũng không dễ gì, vì rất nhiều là sự đau khổ của Ðịa ngục.

Khi được nói vậy, một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho con một ví dụ được không? Thế Tôn đáp:

-- Có thể được, này Tỷ-kheo. Ví như, này Tỷ-kheo, có người bắt được một tên trộm cắp, dẫn đến trước mặt vua và thưa: "Tâu Ðại vương, đây là một tên trộm cướp phạm tội cho Ngài! Hãy hình phạt nó như Ðại vương muốn". Và vị vua ấy nói như sau về tên trộm cướp ấy: "Này các Ông hãy đi và vào buổi sáng hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi sáng, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo. Rồi đến trưa, vua nói như sau: "Này các Ông, người ấy ra sao?"
-- "Tâu Ðại vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua lại nói như sau về tên trộm cướp ấy: "Này các Ông, hãy đi và vào buổi trưa, hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi trưa, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo. Rồi đến chiều, vua nói như sau: "Này các Ông, người ấy ra sao?" -- "Tâu Ðại vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua lại nói như sau về người kia: "Này các Ông, vào buổi chiều, họ đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi chiều, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo.

Này các Tỷ-kheo, Ông nghĩ thế nào? Người ấy bị đâm ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy, có cảm thọ khổ ưu không?

-- Bạch Thế Tôn, chỉ bị ngọn giáo đâm một lần, người kia do nhân duyên ấy cũng cảm thấy khổ ưu, còn nói gì đến ba trăm ngọn giáo!
Rồi Thế Tôn lượm lên một hòn đá nhỏ, lớn bằng bàn tay và nói với các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Cái gì lớn hơn, hòn đá này, to bằng bàn tay do ta lượm lên, hay núi Tuyết Sơn (Himavā), vua các loại núi?

-- Thật là quá nhỏ, bạch Thế Tôn, hòn đá này lớn bằng bàn tay do Thế Tôn lượm lên. So sánh với Tuyết Sơn vua các loại núi, nó không đáng kể gì, nó không bằng một phần ngàn vạn lần (của núi Tuyết) nó không thể so sánh được!

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy bị đâm bởi ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy cảm thọ khổ ưu. Khổ ưu ấy so sánh với khổ ưu ở Ðịa ngục không đáng kể gì, không bằng một phần ngàn vạn lần, không thể so sánh được. Này các Tỷ-kheo, các người giữ địa ngục bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc (pañcavidhābandhanaṃ). Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.

Này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục bắt người ấy nằm xuống và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.

Này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ.

Này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy chạy tới chạy lui trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ.

Rồi này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục đẩy người ấy lên kéo người ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ.

Rồi này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, ở đây bị nấu với vạc nước sôi sùng sục; khi thì nổi lên trên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.

Rồi này các Tỷ-kheo, những người giữ Ðịa ngục quăng người ấy vào Ðại địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ðại địa ngục ấy, có bốn góc, bốn cửa, chia thành phần bằng nhau; xung quanh có tường sắt; mái sắt lợp lên trên. Nền Ðịa ngục bằng sắt nung đỏ, cháy đỏ rực; đứng thẳng, luôn có mặt, rộng một trăm do tuần.

Này các Tỷ-kheo, với rất nhiều pháp môn, Ta nói về Ðịa ngục, nhưng thật khó nói cho được đầy đủ, này các Tỷ-kheo, vì đau khổ ở Ðịa ngục quá nhiều.

(Cõi thú)

Này các Tỷ-kheo, có những loại sanh vật thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ. Chúng ăn những cỏ ướt và khô, với răng nhai nghiền, cỏ ấy. Này các Tỷ-kheo, những sanh vật ấy thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ là gì? Các loại ngựa, trâu, bò, lừa, dê, nai hay các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ. Này các Tỷ-kheo, người ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp, ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy, những loại hữu tình ăn cỏ.

Này các Tỷ-kheo, có các sanh vật thuộc loại bàng sanh, có hơi thở và ăn phân. Chúng ngửi được mùi phân từ đường xa, liền chạy tới, nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ ăn ở đây". Ví như các Bà- la-môn chạy đến, ngửi được mùi lễ tế sanh, nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ ăn ở đây". Cũng vậy này các Tỷ-kheo, có các loại sanh vật, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, và ăn phân. Chúng ngửi được mùi phân từ đường xa, liền chạy tới, nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ ăn ở đây". Và này các Tỷ-kheo, các sanh vật ấy, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở và ăn phân là gì? Các loại gà, heo, chó, chó rừng (giả can), hay tất cả các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn phân. Này các Tỷ-kheo, người ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung sanh ra cọng trú với các loại hữu tình ấy, những loại hữu tình ăn phân.

Này các Tỷ-kheo, có các loại sanh vật thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bóng tối, già trong bóng tối và chết trong bóng tối. Này các Tỷ-kheo, những sanh vật ấy, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bóng tối, già trong bóng tối và chết trong bóng tối là gì? Các loại côn trùng, con sùng, con dòi, con sâu đôm đốm và các loại sanh vật khác thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sống trong bóng tối. Này các Tỷ-kheo, người ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy tức là các loại hữu tình sinh ra trong bóng tối, già trong bóng tối, chết trong bóng tối.

Này các Tỷ-kheo, có những sanh vật, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sinh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước. Và này các Tỷ-kheo, các sanh vật ấy thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước là gì? Các loại cá, rùa, cá sấu, hay các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước. Này các Tỷ-kheo, người ngu ấy, do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy, tức là các loài hữu tình sanh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước.

Này các Tỷ-kheo, có các sanh vật thuộc loài bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất tịnh. Và này các Tỷ-kheo, các sanh vật ấy, các loại thuộc bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất tịnh là gì? Này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình nào sanh ra trong cá thúi hay già trong cá thúi, hay chết trong cá thúi, hay trong tử thi thúi, hay trong đồ ăn thúi, hay trong vũng nước, hay sinh ra trong đầm nước (nhớp)... già... hay chết trong đầm nước (nhớp). Này các Tỷ-kheo, người ngu ấy, do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy, tức là các loài hữu tình sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất tịnh.

Này các Tỷ-kheo, với rất nhiều pháp môn, Ta nói về các loại bàng sanh, nhưng thật khó nói cho được đầy đủ, này các Tỷ-kheo, vì đau khổ ở loài bàng sanh quá nhiều.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một khúc cây có một cái lỗ trên biển, một ngọn gió từ phương Ðông thổi nó trôi qua phía tây; một ngọn gió từ phương Tây thổi nó trôi qua phía đông; một ngọn gió từ phương Bắc thổi nó trôi qua phía nam; một ngọn gió từ phương Nam thổi nó trôi qua phía bắc. Rồi có một con rùa mù, cứ một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Con rùa mù ấy có thể đút cổ nó vào trong lỗ cây này được không?

-- Nếu có được chăng nữa, bạch Thế Tôn, thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài.

-- Còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ-kheo, ta tuyên bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa xứ. Vì sao vậy? Vì ở đấy, này các Tỷ-kheo, không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ-kheo, ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu.
Và này các Tỷ-kheo, nếu người ngu ấy sau một thời gian rất lâu dài, có được làm người trở lại, thời người ấy sẽ sanh trong gia đình thấp hèn, trong gia đình hạ cấp, trong gia đình kẻ đi săn, trong gia đình kẻ đan tre, trong gia đình người làm xe, hay trong gia đình người đổ phân, trong những gia đình nghèo khốn, không đủ để uống hay để ăn, cho đến miếng vải che lưng cũng khó tìm được. Lại nữa, người ấy thô xấu, khó nhìn, lùn thấp, hay bệnh, mù hay có tật, què hay bị bại, người ấy không có thể được các đồ ăn, đồ uống, vải xa, vòng hoa, hương liệu, giường nằm, chỗ trú xứ và ánh sáng. Người ấy hành thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành; vì hành thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành; sau khi thân hoại mạng chung, sinh ra trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Ðịa ngục.


1120. Sự bất hạnh từ khởi điểm đến cuối hành trình của kẻ ngu

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đánh bạc, trong canh đổ bạc đầu tiên, mất con, mất vợ, mất tất cả tài sản, lại cuối cùng phải tù tội. Nhưng này các Tỷ-kheo, còn nhỏ bé canh đổ bạc ấy, do canh đổ bạc đầu tiên này, người ấy mất con, mất vợ, mất tất cả tài sản, lại cuối cùng phải tù tội. Và canh bạc này to lớn hơn, với canh bạc ấy người ngu, do thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Ðịa ngục. Này các Tỷ-kheo, đây là địa xứ hoàn toàn viên mãn của kẻ ngu.

1121. Hành tướng của người hiền trí

Biểu lộ của người hiền trí là ba nghiệp hiền hiền thiện:

Này các Tỷ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người trí. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người trí tư duy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ, và hành các thiện hành. Này các Tỷ-kheo, nếu người trí không tư duy thiện tư duy, không nói lời thiện ngữ, không hành các thiện hành, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: "Vị này là người trí, là bậc Chân nhân"? Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người trí tư duy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ, hành thiện hành, do vậy người trí biết người ấy: "Vị này là người có trí, là bậc Chân nhân".

1122. Hiện báo nghiệp của người hiền thiện

Người sống vối tam nghiệp hiền thiện tự tại giữa cuộc đời:

Người trí ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại lạc hỷ. Này các Tỷ-kheo, nếu người trí ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại ngã (ba, ngã tư) đường, tại đấy (nếu) có người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy; nếu người trí, này các Tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong dâm dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ say rượu men rượu nấu, thời ở đây này các Tỷ-kheo, người trí ấy suy nghĩ như sau: "Các người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi ta và ta có những pháp ấy". Này các Tỷ-kheo, đây là loại lạc hỷ thứ nhất, người trí cảm thọ ngay trong hiện tại.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, người trí thấy các vua chúa, sau khi bắt tên trộm cướp phạm tội, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn... họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây, này các Tỷ-kheo người trí suy nghĩ như sau: "Do nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng những hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy... họ lấy gươm chặt đầu, những pháp ấy thật không có nơi ta, và ta không có những pháp ấy". Này các Tỷ-kheo, đây là loại lạc hỷ thứ hai, người trí cảm thọ ngay trong hiện tại.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi người trí leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc bấy giờ những thiện nghiệp người ấy làm từ trước, như thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người trí ngồi trên ghế hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi các nghiệp quá khứ của người ấy tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người trí suy nghĩ như sau: "Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau khi chết, ta được đi". Vị ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự lạc hỷ thứ ba, ngay trong hiện tại người trí được cảm thọ.

1123. Con đường cao rộng của hiền nhân

Khó nói hết những lợi lạc của người sống theo thiện pháp:

Này các Tỷ-kheo, kẻ trí kia sau khi làm thân thiện hành, sau khi làm khẩu thiện hành, sau khi làm ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra trong thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ- kheo, nếu có ai nói một cách đúng đắn về vị ấy phải nói rằng vị ấy hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn thích ý. Cũng như muốn nói một cách đúng đắn về Thiên giới phải nói rằng Thiên giới hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn thích ý. Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, cho đến một ví dụ cũng không dễ gì, vì rất nhiều là sự (an) lạc của Thiên giới,


Khi được nói vậy, một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể làm cho con một ví dụ được không?

-- Có thể được, này Tỷ-kheo. Ví như, này các Tỷ-kheo, vị vua Chuyển luân có đầy đủ bảy món báu và bốn như ý đức, do nhân duyên ấy cảm thọ lạc hỷ. Thế nào là bảy?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vua Sát đế lỵ, đã làm lễ quán đảnh, vào ngày Bố-tát trăng rằm sau khi gội đầu, lên cao điện để trai giới, thời Thiên luân báu hiện ra, đủ một ngàn cọng xa, với vành xe, trục xe, đầy đủ mọi bộ phận. Thấy vậy, vua Sát đế lỵ đã làm lễ quán đảnh suy nghĩ: "Ta nghe như vầy: Khi một vị vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh vào ngày Bố-tát trăng rằm, sau khi gội đầu, lên cao điện để trai giới, nếu có Thiên luân báu hiện ra, đủ một ngàn cọng xe, với vành xe và trục xe, đầy đủ mọi bộ phận, thời vị vua ấy là Chuyển luân vương. Như vậy ta có thể là Chuyển luân vương".

Này các Tỷ-kheo, rồi vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y trên một vai, tay trái cầm bình nước và với tay phải rưới nước trên xe báu và nói: "Này xe báu hãy lăn khắp. Này xe báu hãy chinh phục!" Và này các Tỷ-kheo, xe báu lăn về hướng Ðông và vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cùng với bốn loại binh chủng đi theo sau. Và này các Tỷ-kheo, chỗ nào xe báu dừng lại, chỗ ấy vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, an trú cùng với bốn loại binh chủng.

Này các Tỷ-kheo, các địch vương ở phương Ðông đến yết kiến vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, và nói: "Hãy đến đây, Ðại vương!" Hoan nghênh, đón mừng Ðại vương! Tâu Ðại vương, tất cả đều thuộc của Ngài. Ðại vương hãy giáo huấn cho chúng tôi!"

Vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, nói rằng: "Không được sát sanh. Không được lấy của không cho. Không được tà dâm. Không được nói láo. Không được uống rượu. Hãy ăn uống cho thích nghi".

Này các Tỷ-kheo, tất cả địch vương ở phương Ðông đều trở thành chư hầu vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Này các Tỷ-kheo, rồi xe báu ấy lặn xuống biển lớn ở phương Ðông rồi nổi lên và lặn về phương Nam... lặn xuống biển lớn ở phương Nam, rồi nổi lên và lặn về phương Tây... lặn xuống biển lớn ở phương Tây.. , rồi nổi lên và lặn về phương Bắc và vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cùng với bốn loại binh chủng đi theo sau. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào xe báu dừng lại, chỗ ấy vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh an trú cùng với bốn loại binh chủng.

Này các Tỷ-kheo, các địch vương ở phương Bắc đến yết kiến vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh và nói: "Hãy đến đây, Ðại vương! Hoan nghênh, đón mừng Ðại vương! Tâu Ðại vương; tất cả đều thuộc của Ngài, tất cả đều thuộc của Ngài. Ðại vương hãy giáo huấn cho chúng tôi!"

Này các Tỷ-kheo, tất cả địch vương ở phương Bắc đều trở thành chư hầu vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Này các Tỷ-kheo, xe báu ấy sau khi chinh phục trái đất cho đến hải biên, liền trở về kinh đô Ku-savati, và đứng trước pháp đình, trên cửa nội cung như một trang bảo cho nội cung của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện của xe báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, voi báu xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, thuần trắng, bảy xứ kiên cường, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là Uposatha (Bố-tát). Thấy (voi báu), vua Sát-đế- lỵ đã làm lễ quán đảnh, sanh tâm hoan hỷ và nghĩ: "Lành thay được cỡi con voi này, nếu nó chịu sự điều ngự" Và này các Tỷ-kheo, như một con hiền tượng quý phái chịu sự điều ngự lâu ngày, con voi báu ấy tự đến để chịu điều ngự. Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, để thử voi báu này, sáng sớm cỡi voi đi khắp quả đất cho đến hải biên rồi về lại kinh đô Kusavati kịp giờ ăn sáng. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện voi báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ngựa báu xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, thuần trắng, đầu đen như quạ, bờm ngựa màu đen, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là Valahaka. Thấy (ngựa báu), vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, sanh tâm hoan hỷ và nghĩ: "Tốt đẹp thay được cỡi con ngựa này nếu nó chịu sự điều ngự". Và này các Tỷ-kheo, như một con hiền mã quý phái, chịu sự điều ngự lâu ngày, con ngựa báu ấy tự đến để chịu sự điều ngự. Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh để thử con ngựa báu này, sáng sớm liền cỡi ngựa, đi khắp quả đất cho đến hải biên, rồi về lại kinh đô Kusavati kịp giờ ăn sáng. Này các Tỷ-kheo, như vậy là xuất hiện ngựa báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, châu báu lại xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh. Châu báu ấy là lưu ly châu, sáng suốt, thuần chất, có tám mặt, khó dũa, khó mài, thanh tịnh, trong suốt, hoàn hảo mọi phương diện. Này các Tỷ-kheo, hào quang châu báu này chiếu sáng cùng khắp một do tuần. Này các Tỷ- kheo, thuở xưa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh để thử châu báu này đã cho dàn bày bốn binh chủng, đặt bảo châu cao trên quân kỳ và có thể tiến quân trong đêm tối âm u. Này các Tỷ-kheo, mọi người trong làng ở xung quanh đều bắt đầu làm việc, tưởng rằng trời đã sáng rồi. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện châu báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Này các Tỷ-kheo, nữ báu lại xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, mỹ miều, khả ái, cử chỉ đoan trang, màu da tuyệt mỹ, không quá cao, không quá thấp, không béo, không gầy, không quá đen, không quá trắng, vượt trên dung sắc loài Người, ánh sáng bằng dung sắc chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, thân xác nữ báu này là (êm mịn) như bông, như nhung. Này các Tỷ-kheo, khi trời lạnh, chân tay nữ báu này trở thanh ấm áp; khi trời nóng, trở thành lạnh mát. Này các Tỷ-kheo, thân nữ báu tỏa mùi thơm chiên đàn, miệng tỏa mùi thơm hoa sen. Này các Tỷ-kheo, nữ báu này dậy trước và đi ngủ sau vua Sát- đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, mọi hành động làm vua thỏa thích, yên lành khả ái. Này các Tỷ-kheo, nữ báu này không có môt tư tưởng nào bất tín đối với vua Sát đế lỵ đã làm lễ quán đảnh, huống nữa là về thân thể. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện nữ báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, cư sĩ báu xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, chứng được thiên nhãn, do nghiệp dị thục sanh và nhờ thiên nhãn này có thể thấy châu báu chôn cất có chủ hay không có chủ. Cư sĩ báu này đến vua Sát-đế-lỵ đã làm quán đảnh và nói:

-- "Tâu Ðại vương, Ðại vương chớ có lo âu, thần sẽ xử lý thích nghi tài sản Ðại vương".

Này các Tỷ-kheo, thuở xưa vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, muốn thử cư sĩ báu này, liền cỡi thuyền, chèo ra giữa sông Hằng và bảo cư sĩ báu:

"- Này cư sĩ, ta cần vàng."- Tâu Ðại vương, hãy cho chèo thuyền gần bờ nào cũng được. "- Này cư sĩ, ta cần vàng ngay tại đây.

Này các Tỷ-kheo, khi ấy cư sĩ báu thọc hai tay xuống nước nhắc lên một ghè đầy cả vàng ròng rồi tâu với vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh:

"- Tâu Ðại vương, như vậy đã đủ chưa? Tâu Ðại vương, làm như vậy đã được chưa?" Vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh trả lời:

"- Này Cư sĩ, như vậy là đủ. Này Cư sĩ, làm như vậy là được rồi. Này Cư sĩ, cúng dường như vậy là được rồi".

Này các Tỷ-kheo, như vâĩy là sự xuất hiện cư sĩ báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Lai nữa, này các Tỷ-kheo, tướng quân báu xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, có học thức, thông minh, sáng suốt, có khả năng khuyến cáo vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, khi đáng tiến thì tiến, khi đáng lùi thì lùi, khi đáng dừng thì dừng:

Vị này đến tâu vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh:"- Tâu Ðại vương, Ðại vương chớ có lo âu, thần sẽ cố vấn Ðại vương".Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện tướng quân báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.Này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh có đầy đủ bảy báu như vậy.Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh có đầy đủ bốn như ý đức. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh đẹp trai, khả ái, cử chỉ thanh lịch, sắc diện tuyệt luân, thấy xa hơn mọi người. Này các Tỷ-kheo, đó là như ý đức thứ nhất của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Này các Tỷ-kheo, lại nữa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sống lâu, tuổi thọ thắng xa các người khác. Này các Tỷ-kheo, đó là như ý đức thứ hai của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh ít bệnh tật, ít tai ương thể nhiệt không quá lạnh, không quá nóng, được quân phân để điều hòa sự tiêu hóa, thắng xa các người khác. Nụày các Tỷ- kheo, đó là như ý đức thứ ba của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ, đã làm lễ quán đảnh được các Bà-la-môn và Gia chủ ái kính và yêu mến. Này các Tỷ-kheo, như người cha được các người con ái kính và yêu mến; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh được các Bà-la-môn và Gia chủ ái kính và yêu mến. Này các Tỷ-kheo, các vị Bà-la-môn và Gia chủ được vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh ái kính và yêu mến. Này các Tỷ-kheo, như những người con được người cha ái kính và yêu mến; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn và Gia chủ được vua Sát-đế-lỵ, đã làm lễ quán đảnh ái kính và yêu mến. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh đi đến hoa viên cùng với bốn loại binh chủng. Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn và Gia chủ đến vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh và tâu rằng:

"- Tâu Ðại vương, hãy cho đi chậm chậm để chúng tôi có thể chiêm ngưỡng lâu dài hơn.

". Này các Tỷ-kheo nhưng vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh lại ra lệnh cho người đánh xe:

"- Này anh Ðánh xe, hãy đánh xe chậm chậm đủ để ta có thể thấy các vị Bà-la-môn và Gia chủ lâu dài hơn".

Này các Tỷ-kheo, như vậy là như ý đức thứ tư của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.

Và này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh suy nghĩ: "Nay ta hãy cho xây những hồ sen giữa các hàng cây tala, cứ cách khoảng một trăm cung tầm!"

Này các Tỷ-kheo, vua Chuyển luân có đầy đủ bốn như ý đức này.

Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Vua Chuyển luân, đầy đủ bảy món báu và bốn như ý đức; do nhân duyên ấy, có cảm thọ lạc hỷ không?

-- Bạch Thế Tôn, vua Chuyển luân chỉ đầy đủ một món báu, do nhân duyên ấy, có cảm thọ lạc hỷ; còn nói gì đầy đủ bảy món báu và bốn như ý đức.

Rồi Thế Tôn lượm lên một hòn đá nhỏ, lớn bằng bàn tay và nói với các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Cái gì lớn hơn? Hòn đá này, to bằng bàn tay do Ta lượm lên hay núi Tuyết Sơn, vua các loại núi?

-- Thật là quá nhỏ, bạch Thế Tôn là hòn đá này, lớn bằng bàn tay, do Thế Tôn lượm lên, so sánh với Tuyết Sơn vua các loại núi, nó không đáng kể gì, nó không bằng một phần ngàn vạn lần (của núi Tuyết), nó không thể so sánh được.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vua Chuyển luân với bảy món báu và bốn như ý đức, do nhân duyên ấy cảm thọ lạc hỷ, lạc hỷ ấy so sánh với Thiên lạc không đáng kể gì, không bằng một phần ngàn vạn lần, không thể so sánh được. Này các Tỷ-kheo, người có trí ấy, nếu sau một thời gian rất lâu dài, được sinh làm người, người ấy sẽ sinh ra trong một gia đình cao quí Sát-đế-lỵ đại gia, hay Bà-la-môn đại gia, hay Cư sĩ đại gia giàu có, tài sản nhiều, tài nguyên nhiều, vàng và bạc phong phú, tài vật phong phú, lúa thóc phong phú. Hơn nữa, vị ấy đẹp trai, khả ái, dễ thương, đầy đủ dung sắc tối thượng. Vị ấy nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, giường, trú xứ và ánh sáng. Vị ấy sống với thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành. Sống với thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới.

1124. Bậc thiện trí có thành tựu lớn trong hiện tại và tương lai

Người sống đời hiền thiện an lạc trong hiện tại và tương lai:


Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đánh bạc, chính trong canh bạc thứ nhất (đổ xúc sắc) được tiền bạc rất nhiều. Thật là quá nhỏ, này các Tỷ-kheo, là canh bạc ấy, nhờ canh bạc đầu tiên này người đánh bạc ấy được tiền bạc rất nhiều. Lớn hơn canh bạc ấy là canh bạc nhờ đó người trí sau khi hành thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, đây là địa vức hoàn toàn viên mãn của bậc có trí.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu
Phân đoạn & chú thích: Tỳ Kheo Giác Đẳng


-ooOoo-

Kinh số 129 [tóm tắt]
Kinh Hiền Ngu
(Bālapaṇḍita Sutta)
(M.iii, 163)

Đức Phật định nghĩa người ngu, nói về quả báo của người ngu trong hiện tại và tương lai; định nghĩa người trí và nói về quả báo của người trí trong hiện tại và tương lai.

Người ngu có ba đặc tướng mà do vậy người trí biết được đó là kẻ ngu: Tư duy ác, nói ác và làm ác. Trong hiện tại, nó có ba quả báo khổ:

1. Khổ khi hành vi ác của nó được nhiều người biết đến đúng như thật;

2. Khổ khi thấy những hình phạt của nhà nước áp dụng cho kẻ phạm tội, nó lo lắng thân phận mình cũng bị hình phạt như thế, nếu hành vi ác của mình được phát giác;

3. Khổ khi bị ám ảnh bởi ác hạnh của mình đè nặng lương tâm. Sau khi thân hoại mạng chung, kẻ ngu với những ác hạnh của nó về thân, ngữ, ý phải bị sanh vào cõi dữ, đọa xứ, địa ngục.

Những thống khổ ở địa ngục gấp muôn vạn lần nỗi khổ của kẻ bị ba trăm ngọn giáo đâm vào cơ thể, vậy mà nạn nhân vẫn phải sống để thọ khổ cho đến khi ác nghiệp tiêu trừ.

Do những hưởng thụ và ác nghiệp hiện tại, kẻ ngu phải chịu sanh vào bàng sanh. Có nhiều loài bàng sanh, loài ăn cỏ, loài ăn phân, loài sinh ra sống và chết trong bóng tối, loài sinh ra sống và chết trong nước, loài sinh ra sống và chết ở những chỗ bất tịnh như tử thi, đống rác, hố nước bẩn, đồ ăn bị thối.

Khi đã rơi vào những đọa xứ nói trên, thật vô cùng khó khăn để được sanh làm người trở lại. Đức Phật lấy ví dụ có một con rùa mù ở dưới biển, 100 năm mới trồi đầu lên một lần, trên biển có một khúc cây có một lỗ hổng trôi dạt theo gió bốn phương thổi đến. Việc con rùa đút cổ vào trong lỗ hổng của khúc cây trôi giạt giữa biển thì thật là vô cùng khó. Vậy mà chưa khó bằng được làm người trở lại sau khi đã rơi vào đọa xứ, vì ở đó chỉ có tình trạng ăn thịt lẫn nhau và mạnh hiếp yếu, không có pháp hành, phước hành, thiện hành. Nếu kẻ ngu ấy sau một thời gian rất lâu dài, được làm người trở lại thì nó sẽ sanh vào gia đình thấp hèn hạ tiện, dung mạo xấu xí, thiếu thốn các đồ ăn, mặc, ở và làm các ác nghiệp về thân, ngữ, ý. Do những ác hạnh này, sau khi chết nó lại rơi vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Vợ con lại bị tù tội, nỗi mất mát lớn lao của nó cũng không sánh được với sự mất mát to lớn của kẻ ngu do ác nghiệp đưa đến đọa xứ.

Người trí có ba đặc trưng, do vậy, một người trí biết được đấy là người trí: Tư duy
thiện, nói lời thiện và làm việc thiện. Trong hiện tại, kẻ ấy cảm thọ ba loại hỷ:

1. Được thiên hạ nói tốt về những việc có thật nơi người trí ấy;

2. Không sợ bị hình phạt của vua áp dụng cho kẻ ác;

3. Tâm được an ổn vì không buồn sầu, sợ hãi, không bị ác nghiệp quá khứ đè nặng trên mình vì đã không làm những ác nghiệp ấy. Chết được sanh Thiên giới.

Rất nhiều sự an lạc của các cõi trời. Ví dụ Vua chuyển luân có bảy thứ báu là xa luân, voi, ngựa, ngọc nữ, châu báu, cư sĩ báu và tướng quân báu; lại có bốn Như ý đức là dung sắc đẹp đẽ, thọ mạng lâu dài, sức khỏe hoàn toàn, được mọi người yêu mến và yêu mến mọi người. Do duyên bảy báu và bốn đức ấy, Vua chuyển luân cảm thọ nhiều hỷ lạc. Vậy mà đem so sánh với hỷ lạc Thiên giới, thì chỉ như hòn đá nhỏ sánh với Tuyết sơn.

Người trí ấy sau một thời gian dài được sanh vào gia đình cao quý, dung mạo đẹp đẽ, có nhiều đồ dùng và trang sức, sống với thân, ngữ, ý thiện hành. Khi chết được sanh Thiên giới. Lợi ích thiện nghiệp của người trí còn to lớn hơn nhiều cái lợi của người ăn canh bạc đầu tiên, được rất nhiều tiền bạc.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy, các vị Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn.

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

-ooOoo-

Kinh số 129 [dàn ý]
Kinh Hiền Ngu
(Bālapaṇḍita Sutta)
(M.iii, 163)

A. Duyên khởi:

Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và thuyết giảng.

B. Chánh kinh:

I. Những đặc tướng, những nỗi khổ, những cảnh giới đọa xứ của người ngu:

1.Ba đặc điểm, đặc tướng của người ngu.

2.Ba loại khổ ưu của người ngu hay cảm thọ.

3.Kẻ ngu sau mạng chung phải sanh vào ác thú, đọa xứ, địa ngục.

4. Nỗi khổ trong địa ngục, bàng sanh, đọa xứ:

a. Ví dụ với nỗi đau khổ trong địa ngục:

i. Ví dụ những nỗi khổ đau.

ii. Năm loại bàng sanh và sự đau khổ trong loại bàng sanh.

b. Đã sanh vào đọa xứ rất khó làm người trở lại vì ở đấy không có pháp hành.
Nếu được làm người phải sanh trong gia đình hạ cấp, nghèo đói, xấu xí, và hành ác hạnh.

5. Kẻ ngu hành ác hạnh như đánh canh bạc, khi thân hoại mạng chung phải sanh vào đọa xứ, địa ngục.



II. Những đặc tướng, những hỷ lạc, những cảnh giới thiện thú của người trí:

1. Ba đặc điểm, đặc tướng của người trí.

2. Ba loại lạc hỷ của người trí.

3. Bậc trí, sau khi mạng chung được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

4. Thiên giới hoàn toàn khả ái, tốt đẹp, thích thú:

a. Ví dụ sự tốt đẹp của thiên giới:

i. Vua Chuyển luân với bảy món báu, 4 như ý đức.

ii.     Bảy món báu.

iii.    Bốn như ý đức.

b.  Lạc hỷ của vua Chuyển luân, với 7 món báu và 4 như ý đức.

c. Được sanh làm người, sinh trong các gia đình phú quý.

C. Kết luận:

Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

-ooOoo-

Kinh số 129 [toát yếu]
Kinh Hiền Ngu
(Bālapaṇḍita Sutta)
(M.iii, 163)

I. Toát yếu

Fools and Wise Men.

The sufferings of hell and animal life onto which a fool is reborn through his evil deeds, and the pleasures of heaven that a wise man reaps through his good deeds.

Kẻ ngu và người trí.

Những thống khổ của cõi địa ngục và súc sinh mà do ác nghiệp, kẻ ngu tái sinh vào, và những thiên lạc mà người trí gặt hái do thiện hành.
II. Tóm tắt

Phật dạy chúng tỷ kheo về kẻ ngu và người trí.
A. Người ngu:

Có ba đặc điểm là nghĩ ác, nói ác và làm ác; cảm thọ ba loại khổ trong hiện tại khi nghe ai nói động đến việc ác mình có làm, khi thấy kẻ có tội như mình bị trừng phạt bằng các cực hình [1], và khi nằm ngồi thường bị ám ảnh bởi tội lỗi đã làm, như xế chiều bóng núi đổ trên mặt đất. Khi chết người ngu tái sinh vào cõi dữ như địa ngục chịu khổ hơn cả người mỗi ngày bị đâm ba trăm mũi giáo [2], hoặc vào các loài bàng sinh ăn bẩn, sinh ra và chết nơi u tối ẩm thấp tùy theo nghiệp ácđã làm. Trả hết nghiệp được làm người thì bị sinh vào gia đình hèn hạ, lại làm ác và phải đọa như trước. Ðược làm người là một cơ may hiếm có như rùa mù chui cổ vào một tấm ván có lỗ trôi lênh đênh trên biển. Như người thua canh bạc đầu tiên phải bán cả gia sản vợ con là một sự mất mát lớn, nhưng còn vô vàn lớn hơn thế nữa là sự mất mát của kẻ ngu làm ác bị đọa. Ðây là chu kỳ trọn vẹn của kẻ ngu [3].

B. Người trí:

Ðặc điểm của người trí là nghĩ lành, nói lành và làm lành; hiện tại cảm thọ va sự vui là lúc nghe bàn tán sự từ bỏ các ác hành và tự xét mình không làm ác [4]; lúc thấy kẻ ác bị trừng phạt do ác hành và tự xét mình không có như vậy; và lúc nghỉ ngơi tự xét đã không làm điều quấy nên được an ổn. Khi chết tái sinh vào cõi trời hưởng thiên lạc thù thắng hơn vua chuyển luân [5] với bảy báu (xe, voi, ngựa, cư sĩ, nữ báu, tướng quân và châu báu) và bốn đức (đẹp, sống lâu, khỏe mạnh, được dân chúng yêu mến). Sau một thời gian dài hưởng thiên lạc, nếu lại sinh làm người thì vào nhà quyền quý cao sang. Như kẻ đánh bạc thắng canh bạc đầu tiên được rất nhiều tài sản, lợi lạc của người trí làm ba thiện hành còn vạn lần lớn hơn. Ðây là chu kỳ trọn vẹn của người trí [6].

III. CHÚ GIẢI

1. Như kinh số 13.

2. Ẩn dụ sau đây được giải thích trong kinh Tương ưng 12 để hiển thị sự ăn bằng thức (thức thực).

3. MA: Nghĩa là, kẻ ngu do làm ba ác hành mà tái sinh vào địa ngục. Do quả báo của nghiệp địa ngục còn sót lại, nên khi được trở lại làm người thì sinh vào gia đình hèn hạ, rồi lại làm ba ác hành và lại đọa địa ngục.

4. Mặc dù trong nguyên bản Pali không có chữ na ở đầu, ở đây cần thêm na mới có nghĩa muốn nói, như trong các mệnh đề tương đương ở đoạn sau.

5. Xem kinh 91. Huyền thoại về Chuyển luân vương được bàn rộng rãi trong kinh Trường bộ 17 và 26.

6. MA: Nghĩa là, người trí nhờ làm ba thiện hành mà được sinh lên trời. Khi trở lại nhân gian, họ sinh vào nhà lành, có tài sản và sắc đẹp. Họ lại làm ba thiện hành và lại sinh lên trời. Cần để ý rằng sự hoàn thiện của người trí ở đây hoàn toàn thuộc thế gian, không nói gì đến những giai đoạn thù thắng hơn trên con đường đưa đến giải thoát.

IV. Pháp số

(không có)

V. Kệ tụng

‘Phật dạy chúng tỷ kheo
Về kẻ ngu, người trí
Ba đặc điểm kẻ ngu
Là nghĩ, nói, làm ác.
Hiện tại có ba khổ:
Khi nghe chuyện liên hệ
Những việc ác mình làm
Khi thấy kẻ như mình
Bị phạt bằng cực hình
Khi tâm tư bị ám
Bởi tội lỗi đã làm
Như xế chiều bóng núi.
Chết tái sinh cõi dữ
Ðọa địa ngục, bàng sinh
Theo nghiệp trước kia tạo.
Ðã đọa vào cõi ấy
Thì khó lại làm người
Rùa mù gặp lỗ ván
Trôi nổi giữa biển khơi
Ðến khi được làm người
Tái sinh nhà hèn hạ
Lại làm ác, lại đọa.
Tình trạng thảm thê hơn
Kẻ thua canh bạc lớn
Ðấy bức tranh toàn vẹn
Hoàn cảnh của kẻ ngu.
‘Người trí có đặc điểm
Nghĩ nói làm điều lành
Hiện tại có ba vui:
Khi nghe chuyện liên hệ
Các ác mình đã bỏ;
Thấy kẻ bị trừng phạt
Do ác hành đã làm
Tự xét mình không vậy;
Và do không làm quấy
Tâm tư luôn an vui
Chết sinh vào cõi trời
Hưởng thiên lạc thù thắng
Hơn cả chuyển luân vương
Với bảy báu bốn đức
Sau một thời gian dài
Hưởng thụ các thiên lạc
Nếu trở lại làm người
Sinh vào nhà quyền quý
Lợi lạc của kẻ trí
Thật vô vàn lớn hơn
Ðánh thắng canh bạc lớn.
Ðấy bức tranh toàn vẹn
Hoàn cảnh của kẻ hiền.

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu
Tóm tắt & chú giải: Thích Nữ Trí Hải

-ooOoo-



129. Bālapaṇḍitasuttaṃ [Mūla]

246. Evaṃ    me sutaṃ : ekaṃ samayaṃ Bhagavā sāvatthiyaṃ viharati jetavane anāthapiṇḍikassa ārāme. Tatra kho Bhagavā bhikkhū āmantesi : ''bhikkhavoti. ''Bhadanteti te bhikkhū bhagavato paccassosuṃ. Bhagavā etadavoca : ''tīṇimāni, bhikkhave, bālassa bālalakkhaṇāni bālanimittāni bālāpadānāni. Katamāni tīṇi? idha, bhikkhave, bālo duccintitacintī ca hoti dubbhāsitabhāsī ca dukkaṭakammakārī ca. No cetaṃ [no cedaṃ (Saṃyutta Nikāye 3.27-28)], bhikkhave, bālo  duccintitacintī ca abhavissa dubbhāsitabhāsī ca dukkaṭakammakārī ca kena naṃ [na tena naṃ (ka.), na naṃ (?)] paṇḍitā jāneyyuṃ : 'bālo ayaṃ bhavaṃ asappurisoti? yasmā ca kho, bhikkhave, bālo duccintitacintī ca hoti dubbhāsitabhāsī ca dukkaṭakammakārī ca tasmā naṃ paṇḍitā jānanti : 'bālo ayaṃ bhavaṃ asappurisoti. Sa kho so, bhikkhave, bālo tividhaṃ diṭṭheva dhamme dukkhaṃ domanassaṃ paṭisaṃvedeti. Sace, bhikkhave, bālo sabhāyaṃ vā nisinno hoti, rathikāya [rathiyāya (bahūsu)] vā nisinno hoti, siṅghāṭake vā nisinno hoti tatra ce jano tajjaṃ tassāruppaṃ kathaṃ manteti. Sace, bhikkhave, bālo pāṇātipātī hoti, adinnādāyī hoti, kāmesumicchācārī hoti, musāvādī hoti, surāmerayamajjapamādaṭṭhāyī hoti, tatra, bhikkhave, bālassa evaṃ hoti  : 'yaṃ kho jano tajjaṃ tassāruppaṃ kathaṃ manteti, saṃvijjanteva te [saṃvijjante te ca (sī. syā. kaṃ. pī.)] dhammā mayi, ahañca tesu dhammesu sandissāmīti. Idaṃ, bhikkhave, bālo paṭhamaṃ diṭṭheva dhamme dukkhaṃ domanassaṃ paṭisaṃvedeti.

247. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bālo passati rājāno coraṃ āgucāriṃ gahetvā vividhā kammakāraṇā kārente : kasāhipi tāḷente  vettehipi tāḷente addhadaṇḍakehipi tāḷente hatthampi chindante pādampi chindante hatthapādampi chindante kaṇṇampi chindante nāsampi chindante kaṇṇanāsampi chindante bilaṅgathālikampi karonte saṅkhamuṇḍikampi karonte rāhumukhampi karonte jotimālikampi karonte hatthapajjotikampi karonte erakavattikampi karonte cīrakavāsikampi karonte eṇeyyakampi karonte baḷisamaṃsikampi karonte kahāpaṇikampi karonte  khārāpatacchikampi [khārāpaṭicchakampi (ka.)] karonte palighaparivattikampi karonte palālapīṭhakampi [palālapiṭṭhakampi (pī.)] karonte tattenapi telena osiñcante sunakhehipi khādāpente jīvantampi sūle uttāsente asināpi sīsaṃ chindante. Tatra, bhikkhave, bālassa evaṃ hoti : 'yathārūpānaṃ kho pāpakānaṃ kammānaṃ hetu rājāno coraṃ āgucāriṃ gahetvā vividhā kammakāraṇā kārenti : kasāhipi tāḷenti - pe - asināpi sīsaṃ chindanti saṃvijjanteva te dhammā mayi, ahañca tesu dhammesu sandissāmi. Maṃ cepi rājāno [sace mampi (ka.)] jāneyyuṃ, mampi rājāno gahetvā  vividhā  kammakāraṇā kāreyyuṃ : kasāhipi tāḷeyyuṃ - pe - jīvantampi sūle uttāseyyuṃ, asināpi sīsaṃ chindeyyunti. Idampi, bhikkhave, bālo dutiyaṃ diṭṭheva dhamme dukkhaṃ domanassaṃ paṭisaṃvedeti.

248. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bālaṃ pīṭhasamārūḷhaṃ vā mañcasamārūḷhaṃ vā chamāyaṃ [chamāya (sī. pī.)] vā semānaṃ, yānissa pubbe pāpakāni kammāni katāni kāyena duccaritāni vācāya duccaritāni manasā duccaritāni tānissa tamhi samaye olambanti ajjholambanti abhippalambanti. Seyyathāpi, bhikkhave, mahataṃ pabbatakūṭānaṃ chāyā sāyanhasamayaṃ pathaviyā olambanti ajjholambanti abhippalambanti evameva kho, bhikkhave, bālaṃ pīṭhasamārūḷhaṃ vā mañcasamārūḷhaṃ vā chamāyaṃ vā semānaṃ, yānissa pubbe pāpakāni  kammāni katāni kāyena duccaritāni vācāya duccaritāni manasā duccaritāni tānissa tamhi samaye olambanti ajjholambanti abhippalambanti. Tatra, bhikkhave, bālassa evaṃ hoti : 'akataṃ vata me kalyāṇaṃ, akataṃ kusalaṃ, akataṃ bhīruttāṇaṃ kataṃ pāpaṃ, kataṃ luddaṃ, kataṃ kibbisaṃ. Yāvatā, bho, akatakalyāṇānaṃ akatakusalānaṃ akatabhīruttāṇānaṃ katapāpānaṃ kataluddānaṃ katakibbisānaṃ gati taṃ gatiṃ pecca gacchāmīti. So socati kilamati paridevati urattāḷiṃ kandati sammohaṃ āpajjati. Idampi, bhikkhave, bālo tatiyaṃ diṭṭheva dhamme dukkhaṃ domanassaṃ paṭisaṃvedeti. ''Sa  kho so, bhikkhave, bālo kāyena duccaritaṃ caritvā vācāya duccaritaṃ caritvā manasā duccaritaṃ caritvā kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ upapajjati. Yaṃ kho taṃ, bhikkhave, sammā vadamāno vadeyya : 'ekantaṃ aniṭṭhaṃ ekantaṃ akantaṃ ekantaṃ amanāpanti, nirayameva taṃ sammā vadamāno vadeyya : 'ekantaṃ aniṭṭhaṃ ekantaṃ  akantaṃ ekantaṃ amanāpanti. Yāvañcidaṃ, bhikkhave, upamāpi [upamāhipi (sī.)] na sukarā yāva dukkhā nirayāti.

249. Evaṃ vutte, aññataro bhikkhu bhagavantaṃ etadavoca : ''sakkā pana, bhante, upamaṃ kātunti? ''sakkā bhikkhūti Bhagavā avoca. Seyyathāpi, bhikkhu, coraṃ āgucāriṃ gahetvā rañño dasseyyuṃ : 'ayaṃ kho, deva, coro āgucārī, imassa yaṃ icchasi taṃ daṇḍaṃ paṇehīti. Tamenaṃ rājā evaṃ vadeyya : 'gacchatha, bho, imaṃ purisaṃ pubbaṇhasamayaṃ sattisatena hanathāti . Tamenaṃ pubbaṇhasamayaṃ sattisatena haneyyuṃ. Atha rājā majjhanhikasamayaṃ [majjhantikasamayaṃ (sī. syā. kaṃ. ka.), majjhantikaṃ samayaṃ (pī.)] evaṃ vadeyya : 'ambho, kathaṃ so purisoti? '''tatheva, deva, jīvatīti. Tamenaṃ rājā evaṃ vadeyya : 'gacchatha, bho, taṃ purisaṃ majjhanhikasamayaṃ sattisatena hanathāti. Tamenaṃ majjhanhikasamayaṃ sattisatena haneyyuṃ. Atha rājā sāyanhasamayaṃ evaṃ vadeyya : 'ambho, kathaṃ so purisoti? 'tatheva, deva, jīvatīti. Tamenaṃ rājā evaṃ vadeyya : 'gacchatha, bho, taṃ purisaṃ sāyanhasamayaṃ sattisatena hanathāti. Tamenaṃ sāyanhasamayaṃ  sattisatena haneyyuṃ. Taṃ kiṃ maññatha , bhikkhave, api nu so puriso tīhi sattisatehi haññamāno tatonidānaṃ dukkhaṃ domanassaṃ paṭisaṃvediyethāti? ''ekissāpi, bhante, sattiyā haññamāno so puriso tatonidānaṃ dukkhaṃ domanassaṃ paṭisaṃvediyetha, ko pana vādo tīhi sattisatehīti?

250. Atha kho Bhagavā parittaṃ pāṇimattaṃ pāsāṇaṃ gahetvā bhikkhū āmantesi : ''taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, katamo nu kho mahantataro : yo cāyaṃ mayā paritto pāṇimatto pāsāṇo gahito, yo ca himavā pabbatarājāti? ''appamattako ayaṃ, bhante, bhagavatā paritto pāṇimatto pāsāṇo gahito, himavantaṃ pabbatarājānaṃ upanidhāya saṅkhampi na upeti, kalabhāgampi na upeti, upanidhampi [upanidhimpi (sī. pī.)] na upeti. ''Evameva kho, bhikkhave, yaṃ so puriso tīhi sattisatehi haññamāno tatonidānaṃ dukkhaṃ domanassaṃ paṭisaṃvedeti taṃ nirayakassa dukkhassa upanidhāya saṅkhampi na upeti, kalabhāgampi na upeti, upanidhampi na upeti. ''Tamenaṃ, bhikkhave, nirayapālā pañcavidhabandhanaṃ nāma kammakāraṇaṃ karonti : tattaṃ ayokhilaṃ [ayokhīlaṃ (sī. syā. kaṃ. pī.)] hatthe gamenti, tattaṃ ayokhilaṃ dutiye hatthe gamenti, tattaṃ ayokhilaṃ pāde gamenti, tattaṃ ayokhilaṃ dutiye pāde gamenti, tattaṃ ayokhilaṃ majjhe urasmiṃ gamenti. So tattha  dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedeti, na ca tāva kālaṃ karoti yāva na taṃ pāpakammaṃ byantīhoti [byantihoti (pī. ka.)]. Tamenaṃ, bhikkhave, nirayapālā  saṃvesetvā kuṭhārīhi [kudhārīhi (ka.)] tacchanti. So tattha dukkhā tibbā - pe - byantīhoti. Tamenaṃ, bhikkhave, nirayapālā uddhaṃpādaṃ adhosiraṃ gahetvā vāsīhi tacchanti. So  tattha dukkhā tibbā - pe - byantīhoti. Tamenaṃ, bhikkhave, nirayapālā rathe yojetvā ādittāya pathaviyā sampajjalitāya sajotibhūtāya [sañjotibhūtāya (syā. kaṃ. pī.)] sārentipi paccāsārentipi . So tattha dukkhā tibbā - pe - byantīhoti. Tamenaṃ, bhikkhave, nirayapālā mahantaṃ aṅgārapabbataṃ ādittaṃ sampajjalitaṃ sajotibhūtaṃ āropentipi oropentipi. So tattha dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedeti, na ca tāva kālaṃ karoti yāva na taṃ pāpakammaṃ byantīhoti. Tamenaṃ, bhikkhave, nirayapālā uddhaṃpādaṃ adhosiraṃ gahetvā tattāya lohakumbhiyā pakkhipanti ādittāya sampajjalitāya sajotibhūtāya. So tattha pheṇuddehakaṃ paccati. So tattha pheṇuddehakaṃ paccamāno sakimpi uddhaṃ gacchati, sakimpi adho gacchati, sakimpi tiriyaṃ gacchati. So tattha dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedeti, na ca tāva kālaṅkaroti yāva na taṃ pāpakammaṃ byantīhoti. Tamenaṃ, bhikkhave, nirayapālā [nirayapālā punappunaṃ (ka.)] mahāniraye pakkhipanti. So kho pana, bhikkhave, mahānirayo :
''Catukkaṇṇo catudvāro, vibhatto bhāgaso mito.
Ayopākārapariyanto, ayasā paṭikujjito..
''Tassa ayomayā bhūmi, jalitā tejasā yutā.
Samantā yojanasataṃ, pharitvā tiṭṭhati  sabbadā.. ''Anekapariyāyenapi kho ahaṃ, bhikkhave, nirayakathaṃ katheyyaṃ yāvañcidaṃ, bhikkhave, na sukarā akkhānena pāpuṇituṃ yāva dukkhā nirayā.

251. ''Santi, bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā tiṇabhakkhā. Te allānipi tiṇāni sukkhānipi tiṇāni dantullehakaṃ khādanti. Katame ca, bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā tiṇabhakkhā? hatthī assā goṇā gadrabhā ajā migā, ye vā panaññepi keci tiracchānagatā  pāṇā tiṇabhakkhā. Sa kho so, bhikkhave, bālo idha pubbe rasādo idha pāpāni kammāni karitvā kāyassa bhedā paraṃ maraṇā tesaṃ sattānaṃ sahabyataṃ upapajjati ye te sattā tiṇabhakkhā. ''Santi, bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā gūthabhakkhā. Te dūratova gūthagandhaṃ ghāyitvā dhāvanti : 'ettha bhuñjissāma, ettha bhuñjissāmāti. Seyyathāpi  nāma brāhmaṇā āhutigandhena dhāvanti : 'ettha bhuñjissāma, ettha bhuñjissāmāti evameva kho, bhikkhave, santi tiracchānagatā pāṇā gūthabhakkhā, te dūratova gūthagandhaṃ  ghāyitvā dhāvanti : 'ettha bhuñjissāma, ettha bhuñjissāmāti. Katame ca, bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā gūthabhakkhā? kukkuṭā sūkarā soṇā siṅgālā, ye vā panaññepi keci tiracchānagatā pāṇā gūthabhakkhā. Sa kho so, bhikkhave, bālo idha pubbe rasādo idha pāpāni kammāni karitvā kāyassa bhedā paraṃ maraṇā tesaṃ sattānaṃ sahabyataṃ  upapajjati ye te sattā gūthabhakkhā. ''Santi, bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā andhakāre jāyanti andhakāre jīyanti [jiyyanti (ka.)] andhakāre mīyanti [miyyanti (ka.)]. Katame ca, bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā andhakāre jāyanti andhakāre jīyanti andhakāre mīyanti? kīṭā puḷavā [paṭaṅgā (syā. kaṃ. ka.)] gaṇḍuppādā, ye vā panaññepi keci tiracchānagatā pāṇā andhakāre jāyanti andhakāre jīyanti andhakāre mīyanti. Sa kho so, bhikkhave, bālo idha pubbe rasādo, idha pāpāni kammāni karitvā kāyassa bhedā paraṃ maraṇā tesaṃ sattānaṃ sahabyataṃ upapajjati ye te sattā andhakāre jāyanti andhakāre jīyanti andhakāre mīyanti. ''Santi, bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā udakasmiṃ jāyanti udakasmiṃ jīyanti udakasmiṃ mīyanti. Katame ca, bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā udakasmiṃ jāyanti udakasmiṃ jīyanti udakasmiṃ mīyanti? macchā kacchapā susumārā, ye vā panaññepi keci tiracchānagatā pāṇā udakasmiṃ jāyanti udakasmiṃ jīyanti udakasmiṃ mīyanti. Sa kho so, bhikkhave, bālo idha pubbe rasādo idha pāpāni kammāni karitvā kāyassa bhedā paraṃ maraṇā tesaṃ sattānaṃ sahabyataṃ upapajjati ye te sattā udakasmiṃ jāyanti udakasmiṃ jīyanti udakasmiṃ mīyanti. ''Santi , bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā asucismiṃ jāyanti asucismiṃ  jīyanti asucismiṃ mīyanti. Katame ca, bhikkhave, tiracchānagatā pāṇā asucismiṃ jāyanti asucismiṃ jīyanti asucismiṃ mīyanti? ye te, bhikkhave, sattā pūtimacche vā jāyanti pūtimacche vā jīyanti pūtimacche vā mīyanti pūtikuṇape vā - pe - pūtikummāse vā... candanikāya vā... oligalle  vā jāyanti, (ye vā panaññepi keci tiracchānagatā pāṇā asucismiṃ jāyanti asucismiṃ jīyanti asucismiṃ mīyanti.) [( ) Natthi sī. syā. kaṃ. pī. potthakesu] sa kho so, bhikkhave, bālo  idha pubbe rasādo idha pāpāni kammāni karitvā kāyassa bhedā paraṃ maraṇā tesaṃ sattānaṃ sahabyataṃ upapajjati ye te sattā asucismiṃ jāyanti asucismiṃ jīyanti asucismiṃ mīyanti. ''Anekapariyāyenapi kho ahaṃ, bhikkhave, tiracchānayonikathaṃ katheyyaṃ yāvañcidaṃ, bhikkhave, na sukaraṃ akkhānena pāpuṇituṃ yāva dukkhā tiracchānayoni.

252. ''Seyyathāpi, bhikkhave, puriso ekacchiggalaṃ yugaṃ mahāsamudde pakkhipeyya. Tamenaṃ puratthimo vāto pacchimena saṃhareyya, pacchimo vāto puratthimena saṃhareyya, uttaro vāto dakkhiṇena saṃhareyya, dakkhiṇo vāto uttarena saṃhareyya. Tatrāssa kāṇo kacchapo, so vassasatassa vassasatassa [vassasatassa vassasahassassa vassasatasahassassa (sī.), vassasatassa (syā. kaṃ. pī.)] accayena sakiṃ ummujjeyya. Taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, api nu so kāṇo kacchapo amusmiṃ ekacchiggale yuge gīvaṃ paveseyyāti? (''no hetaṃ, bhante.) [( ) Natthi sī. pī. potthakesu] ''yadi pana [yadi nūna (sī. syā. kaṃ. pī.)], bhante, kadāci karahaci  dīghassa addhuno accayenāti. ''Khippataraṃ kho so, bhikkhave, kāṇo kacchapo amusmiṃ ekacchiggale yuge gīvaṃ paveseyya, ato dullabhatarāhaṃ, bhikkhave, manussattaṃ vadāmi sakiṃ vinipātagatena bālena. Taṃ kissa hetu? na hettha, bhikkhave, atthi dhammacariyā samacariyā kusalakiriyā puññakiriyā. Aññamaññakhādikā ettha, bhikkhave, vattati dubbalakhādikā. ''Sa kho so, bhikkhave, bālo sace kadāci karahaci dīghassa addhuno accayena manussattaṃ āgacchati, yāni tāni nīcakulāni : caṇḍālakulaṃ vā nesādakulaṃ vā venakulaṃ [veṇakulaṃ (sī. pī.)] vā rathakārakulaṃ vā pukkusakulaṃ vā. Tathārūpe kule paccājāyati dalidde appannapānabhojane kasiravuttike, yattha kasirena ghāsacchādo labbhati. So ca hoti dubbaṇṇo duddasiko  okoṭimako  bavhābādho [bahvābādho (ka.)] kāṇo vā kuṇī vā khujjo vā pakkhahato vā na lābhī annassa pānassa vatthassa  yānassa mālāgandhavilepanassa seyyāvasathapadīpeyyassa. So kāyena duccaritaṃ carati vācāya duccaritaṃ carati manasā duccaritaṃ carati. So kāyena duccaritaṃ caritvā vācāya duccaritaṃ caritvā manasā duccaritaṃ caritvā kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ upapajjati. ''Seyyathāpi, bhikkhave, akkhadhutto paṭhameneva kaliggahena puttampi jīyetha, dārampi jīyetha, sabbaṃ sāpateyyampi jīyetha, uttaripi adhibandhaṃ  [anubandhaṃ (sī. pī.), addhubandhaṃ (syā. kaṃ.)] nigaccheyya. Appamattako so, bhikkhave, kaliggaho yaṃ so akkhadhutto paṭhameneva kaliggahena puttampi jīyetha, dārampi jīyetha, sabbaṃ sāpateyyampi jīyetha, uttaripi adhibandhaṃ nigaccheyya. Atha kho ayameva tato mahantataro kaliggaho yaṃ so bālo kāyena duccaritaṃ caritvā vācāya duccaritaṃ caritvā manasā duccaritaṃ caritvā kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ upapajjati. Ayaṃ, bhikkhave, kevalā paripūrā [kevalaparipūrā (sī. pī.) mAnguttara Nikāye 1.244 pāḷiyā saṃsandetabbā] bālabhūmīti.

253. ''Tīṇimāni, bhikkhave, paṇḍitassa paṇḍitalakkhaṇāni paṇḍitanimittāni paṇḍitāpadānāni. Katamāni tīṇi? idha, bhikkhave, paṇḍito sucintitacintī ca hoti subhāsitabhāsī ca sukatakammakārī ca. No cetaṃ, bhikkhave, paṇḍito sucintitacintī ca abhavissa subhāsitabhāsī ca sukatakammakārī ca, kena naṃ [na tena naṃ (ka.), na naṃ (?)] paṇḍitā jāneyyuṃ : 'paṇḍito ayaṃ bhavaṃ sappurisoti? yasmā ca kho, bhikkhave, paṇḍito sucintitacintī ca hoti subhāsitabhāsī ca sukatakammakārī ca tasmā naṃ paṇḍitā jānanti : 'paṇḍito ayaṃ bhavaṃ sappurisoti. Sa kho so, bhikkhave, paṇḍito tividhaṃ diṭṭheva dhamme sukhaṃ somanassaṃ paṭisaṃvedeti. Sace, bhikkhave, paṇḍito sabhāyaṃ vā nisinno hoti, rathikāya vā nisinno hoti, siṅghāṭake vā nisinno hoti tatra ce jano tajjaṃ tassāruppaṃ kathaṃ manteti . Sace, bhikkhave, paṇḍito pāṇātipātā  paṭivirato hoti, adinnādānā paṭivirato hoti, kāmesumicchācārā  paṭivirato hoti, musāvādā paṭivirato hoti, surāmerayamajjappamādaṭṭhānā paṭivirato hoti tatra, bhikkhave, paṇḍitassa evaṃ hoti : 'yaṃ kho jano tajjaṃ tassāruppaṃ kathaṃ manteti saṃvijjanteva te dhammā mayi, ahañca tesu dhammesu sandissāmīti. Idaṃ, bhikkhave, paṇḍito paṭhamaṃ diṭṭheva dhamme sukhaṃ somanassaṃ paṭisaṃvedeti.

254. ''Puna  caparaṃ, bhikkhave, paṇḍito passati rājāno coraṃ āgucāriṃ gahetvā vividhā kammakāraṇā kārente : kasāhipi tāḷente vettehipi tāḷente addhadaṇḍakehipi tāḷente hatthampi chindante pādampi chindante hatthapādampi chindante kaṇṇampi chindante nāsampi chindante kaṇṇanāsampi chindante bilaṅgathālikampi karonte saṅkhamuṇḍikampi karonte rāhumukhampi karonte jotimālikampi karonte hatthapajjotikampi karonte erakavattikampi karonte cīrakavāsikampi karonte eṇeyyakampi karonte balisamaṃsikampi karonte kahāpaṇikampi karonte khārāpatacchikampi karonte palighaparivattikampi karonte palālapīṭhakampi karonte tattenapi telena osiñcante sunakhehipi khādāpente jīvantampi sūle uttāsente asināpi sīsaṃ chindante. Tatra, bhikkhave, paṇḍitassa evaṃ hoti : 'yathārūpānaṃ kho pāpakānaṃ kammānaṃ hetu rājāno coraṃ āgucāriṃ gahetvā vividhā kammakāraṇā kārenti kasāhipi tāḷenti, vettehipi tāḷenti, addhadaṇḍakehipi tāḷenti, hatthampi chindanti , pādampi chindanti, hatthapādampi chindanti, kaṇṇampi chindanti, nāsampi chindanti, kaṇṇanāsampi chindanti, bilaṅgathālikampi karonti, saṅkhamuṇḍikampi karonti, rāhumukhampi karonti, jotimālikampi karonti, hatthapajjotikampi karonti, erakavattikampi karonti, cīrakavāsikampi karonti, eṇeyyakampi karonti, balisamaṃsikampi karonti, kahāpaṇikampi karonti, khārāpatacchikampi karonti, palighaparivattikampi karonti, palālapīṭhakampi karonti, tattenapi telena osiñcanti, sunakhehipi khādāpenti, jīvantampi sūle uttāsenti, asināpi sīsaṃ chindanti, na te dhammā mayi saṃvijjanti, ahañca na tesu dhammesu sandissāmīti. Idampi, bhikkhave, paṇḍito dutiyaṃ diṭṭheva dhamme sukhaṃ somanassaṃ paṭisaṃvedeti.

255. ''Puna  caparaṃ, bhikkhave, paṇḍitaṃ pīṭhasamārūḷhaṃ vā mañcasamārūḷhaṃ vā chamāyaṃ vā semānaṃ, yānissa pubbe kalyāṇāni kammāni katāni kāyena sucaritāni vācāya sucaritāni manasā sucaritāni tānissa tamhi samaye olambanti - pe - seyyathāpi, bhikkhave, mahataṃ pabbatakūṭānaṃ chāyā sāyanhasamayaṃ pathaviyā olambanti ajjholambanti abhippalambanti evameva kho, bhikkhave, paṇḍitaṃ pīṭhasamārūḷhaṃ vā mañcasamārūḷhaṃ vā chamāyaṃ vā semānaṃ yānissa pubbe kalyāṇāni kammāni katāni kāyena sucaritāni vācāya sucaritāni manasā sucaritāni tānissa tamhi samaye olambanti ajjholambanti abhippalambanti. Tatra, bhikkhave, paṇḍitassa evaṃ hoti  : 'akataṃ vata me pāpaṃ, akataṃ luddaṃ, akataṃ kibbisaṃ kataṃ kalyāṇaṃ, kataṃ kusalaṃ, kataṃ bhīruttāṇaṃ. Yāvatā, bho, akatapāpānaṃ akataluddānaṃ akatakibbisānaṃ katakalyāṇānaṃ katakusalānaṃ katabhīruttāṇānaṃ  gati taṃ gatiṃ pecca gacchāmīti. So na socati, na kilamati, na paridevati, na urattāḷiṃ kandati, na sammohaṃ āpajjati. Idampi, bhikkhave, paṇḍito tatiyaṃ diṭṭheva dhamme sukhaṃ somanassaṃ paṭisaṃvedeti. ''Sa kho so, bhikkhave, paṇḍito kāyena sucaritaṃ caritvā vācāya sucaritaṃ caritvā manasā sucaritaṃ caritvā kāyassa bhedā  paraṃ maraṇā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ upapajjati. Yaṃ kho taṃ, bhikkhave, sammā vadamāno vadeyya : 'ekantaṃ iṭṭhaṃ ekantaṃ kantaṃ ekantaṃ manāpanti, saggameva taṃ sammā vadamāno vadeyya : 'ekantaṃ iṭṭhaṃ ekantaṃ kantaṃ ekantaṃ manāpanti. Yāvañcidaṃ, bhikkhave, upamāpi na sukarā yāva sukhā saggāti.

256. Evaṃ vutte, aññataro bhikkhu bhagavantaṃ etadavoca : ''sakkā pana, bhante, upamaṃ kātunti? ''sakkā bhikkhūti Bhagavā avoca. ''Seyyathāpi, bhikkhave, rājā cakkavattī sattahi ratanehi samannāgato catūhi ca iddhīhi tatonidānaṃ sukhaṃ somanassaṃ paṭisaṃvedeti. Katamehi sattahi? idha, bhikkhave, rañño khattiyassa muddhāvasittassa tadahuposathe pannarase sīsaṃnhātassa uposathikassa uparipāsādavaragatassa dibbaṃ  cakkaratanaṃ pātubhavati sahassāraṃ sanemikaṃ sanābhikaṃ sabbākāraparipūraṃ. Taṃ disvāna rañño khattiyassa muddhāvasittassa evaṃ hoti [etadahosi (syā. kaṃ. ka.)] : 'sutaṃ kho pana metaṃ  yassa rañño khattiyassa muddhāvasittassa tadahuposathe pannarase sīsaṃnhātassa uposathikassa uparipāsādavaragatassa dibbaṃ cakkaratanaṃ pātubhavati sahassāraṃ sanemikaṃ sanābhikaṃ sabbākāraparipūraṃ, so hoti rājā cakkavattīti. Assaṃ nu kho ahaṃ rājā cakkavattīti? ''atha kho, bhikkhave, rājā khattiyo muddhāvasitto vāmena hatthena bhiṅkāraṃ gahetvā dakkhiṇena hatthena cakkaratanaṃ abbhukkirati : 'pavattatu bhavaṃ cakkaratanaṃ, abhivijinātu bhavaṃ cakkaratananti. Atha kho taṃ, bhikkhave, cakkaratanaṃ puratthimaṃ disaṃ pavattati. Anvadeva rājā cakkavattī saddhiṃ caturaṅginiyā senāya. Yasmiṃ kho pana, bhikkhave, padese cakkaratanaṃ patiṭṭhāti tattha rājā cakkavattī vāsaṃ upeti saddhiṃ caturaṅginiyā senāya. Ye kho pana, bhikkhave , puratthimāya disāya paṭirājāno te rājānaṃ cakkavattiṃ upasaṅkamitvā evamāhaṃsu : 'ehi kho, mahārāja! svāgataṃ te, mahārāja [svāgataṃ mahārāja (sī. syā. kaṃ. pī.)]! sakaṃ te, mahārāja! anusāsa, mahārājāti . Rājā cakkavattī evamāha : 'pāṇo na hantabbo, adinnaṃ nādātabbaṃ, kāmesumicchā na caritabbā, musā na bhāsitabbā, majjaṃ na pātabbaṃ, yathābhuttañca bhuñjathāti. Ye kho pana, bhikkhave, puratthimāya disāya paṭirājāno te rañño cakkavattissa anuyantā [anuyuttā (sī. syā. kaṃ. pī.)] bhavanti [ahesuṃ (syā. kaṃ. ka.)].

257. ''Atha kho taṃ, bhikkhave, cakkaratanaṃ puratthimaṃ  samuddaṃ ajjhogāhetvā [ajjhogahetvā (sī. syā. kaṃ. pī.)] paccuttaritvā dakkhiṇaṃ disaṃ pavattati - pe - dakkhiṇaṃ samuddaṃ ajjhogāhetvā paccuttaritvā pacchimaṃ disaṃ pavattati... pacchimaṃ samuddaṃ ajjhogāhetvā paccuttaritvā uttaraṃ disaṃ pavattati anvadeva rājā cakkavattī saddhiṃ caturaṅginiyā senāya. Yasmiṃ kho pana, bhikkhave, padese cakkaratanaṃ patiṭṭhāti tattha rājā cakkavattī vāsaṃ upeti saddhiṃ caturaṅginiyā senāya. ''Ye kho pana, bhikkhave, uttarāya disāya paṭirājāno te rājānaṃ cakkavattiṃ upasaṅkamitvā evamāhaṃsu : 'ehi kho, mahārāja! svāgataṃ te, mahārāja! sakaṃ te, mahārāja! anusāsa, mahārājāti. Rājā cakkavattī evamāha : 'pāṇo na hantabbo, adinnaṃ nādātabbaṃ, kāmesumicchā na  caritabbā, musā na bhāsitabbā, majjaṃ na pātabbaṃ yathābhuttañca bhuñjathāti. Ye kho pana, bhikkhave, uttarāya disāya paṭirājāno te rañño cakkavattissa anuyantā bhavanti. ''Atha kho taṃ, bhikkhave, cakkaratanaṃ samuddapariyantaṃ pathaviṃ abhivijinitvā tameva rājadhāniṃ paccāgantvā rañño cakkavattissa antepuradvāre akkhāhataṃ maññe tiṭṭhati rañño cakkavattissa antepuradvāraṃ upasobhayamānaṃ. Rañño, bhikkhave, cakkavattissa evarūpaṃ cakkaratanaṃ pātubhavati.

258. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, rañño cakkavattissa hatthiratanaṃ pātubhavati : sabbaseto sattappatiṭṭho iddhimā vehāsaṅgamo uposatho  nāma nāgarājā. Taṃ disvāna rañño cakkavattissa cittaṃ pasīdati : 'bhaddakaṃ vata, bho, hatthiyānaṃ, sace damathaṃ upeyyāti. Atha kho taṃ, bhikkhave, hatthiratanaṃ  seyyathāpi nāma bhaddo hatthājānīyo dīgharattaṃ suparidanto evameva damathaṃ upeti. Bhūtapubbaṃ, bhikkhave, rājā cakkavattī tameva hatthiratanaṃ vīmaṃsamāno pubbaṇhasamayaṃ  abhiruhitvā samuddapariyantaṃ pathaviṃ anusaṃyāyitvā tameva rājadhāniṃ paccāgantvā pātarāsamakāsi. Rañño, bhikkhave, cakkavattissa evarūpaṃ hatthiratanaṃ pātubhavati. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, rañño cakkavattissa assaratanaṃ pātubhavati : sabbaseto kāḷasīso muñjakeso iddhimā vehāsaṅgamo valāhako nāma assarājā. Taṃ disvāna rañño cakkavattissa cittaṃ pasīdati : 'bhaddakaṃ vata, bho, assayānaṃ, sace damathaṃ upeyyāti. Atha kho taṃ, bhikkhave, assaratanaṃ seyyathāpi nāma bhaddo assājānīyo dīgharattaṃ suparidanto evameva damathaṃ upeti. Bhūtapubbaṃ, bhikkhave, rājā cakkavattī tameva assaratanaṃ vīmaṃsamāno pubbaṇhasamayaṃ abhiruhitvā samuddapariyantaṃ pathaviṃ anusaṃyāyitvā tameva rājadhāniṃ paccāgantvā pātarāsamakāsi. Rañño, bhikkhave, cakkavattissa evarūpaṃ assaratanaṃ pātubhavati. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, rañño cakkavattissa maṇiratanaṃ pātubhavati. So hoti maṇi veḷuriyo subho jātimā aṭṭhaṃso suparikammakato . Tassa kho pana, bhikkhave, maṇiratanassa ābhā samantā yojanaṃ phuṭā hoti. Bhūtapubbaṃ, bhikkhave, rājā cakkavattī tameva maṇiratanaṃ vīmaṃsamāno caturaṅginiṃ  senaṃ sannayhitvā maṇiṃ dhajaggaṃ āropetvā rattandhakāratimisāya pāyāsi. Ye kho pana, bhikkhave, samantā gāmā ahesuṃ te tenobhāsena kammante payojesuṃ 'divāti maññamānā. Rañño, bhikkhave, cakkavattissa evarūpaṃ maṇiratanaṃ pātubhavati. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, rañño cakkavattissa itthiratanaṃ pātubhavati. Sā abhirūpā dassanīyā pāsādikā paramāya vaṇṇapokkharatāya samannāgatā nātidīghā nātirassā nātikisā  nātithūlā nātikāḷikā [nātikāḷī (sī. pī.)] nāccodātā, atikkantā mānusaṃ vaṇṇaṃ, appattā dibbaṃ vaṇṇaṃ. Tassa kho pana, bhikkhave, itthiratanassa evarūpo kāyasamphasso hoti seyyathāpi nāma tūlapicuno vā kappāsapicuno vā. Tassa kho pana, bhikkhave, itthiratanassa sīte uṇhāni gattāni honti, uṇhe sītāni gattāni honti. Tassa kho pana, bhikkhave, itthiratanassa kāyato candanagandho vāyati, mukhato uppalagandho vāyati. Taṃ kho pana, bhikkhave, itthiratanaṃ rañño cakkavattissa pubbuṭṭhāyinī hoti pacchānipātinī kiṃkārapaṭissāvinī manāpacārinī piyavādinī. Taṃ kho pana, bhikkhave, itthiratanaṃ rājānaṃ cakkavattiṃ  manasāpi no aticarati, kuto pana kāyena? rañño, bhikkhave, cakkavattissa evarūpaṃ itthiratanaṃ  pātubhavati. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, rañño cakkavattissa gahapatiratanaṃ pātubhavati. Tassa kammavipākajaṃ dibbacakkhu pātubhavati, yena nidhiṃ passati sassāmikampi assāmikampi. So rājānaṃ cakkavattiṃ upasaṅkamitvā evamāha : 'appossukko tvaṃ, deva, hohi. Ahaṃ te dhanena dhanakaraṇīyaṃ [dhanena karaṇīyaṃ (ka.)] karissāmīti. Bhūtapubbaṃ, bhikkhave, rājā cakkavattī tameva gahapatiratanaṃ vīmaṃsamāno nāvaṃ abhiruhitvā majjhe gaṅgāya nadiyā sotaṃ ogāhitvā [ogahetvā (sī. pī.)] gahapatiratanaṃ etadavoca : 'attho me, gahapati, hiraññasuvaṇṇenāti. 'Tena hi, mahārāja, ekaṃ tīraṃ nāvā upetūti. 'Idheva me, gahapati, attho hiraññasuvaṇṇenāti. Atha kho taṃ, bhikkhave, gahapatiratanaṃ ubhohi hatthehi udake omasitvā pūraṃ hiraññasuvaṇṇassa kumbhiṃ uddharitvā rājānaṃ cakkavattiṃ etadavoca : 'alamettāvatā, mahārāja! katamettāvatā, mahārāja! pūjitamettāvatā, mahārājāti. Rājā cakkavattī evamāha : 'alamettāvatā, gahapati! katamettāvatā, gahapati! pūjitamettāvatā, gahapatīti . Rañño, bhikkhave, cakkavattissa evarūpaṃ gahapatiratanaṃ pātubhavati. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, rañño cakkavattissa pariṇāyakaratanaṃ  pātubhavati : paṇḍito byatto medhāvī paṭibalo rājānaṃ cakkavattiṃ upayāpetabbaṃ upayāpetuṃ [upaṭṭhapetabbaṃ upaṭṭhapetuṃ (sī. syā. kaṃ. pī.)] apayāpetabbaṃ apayāpetuṃ ṭhapetabbaṃ ṭhapetuṃ. So rājānaṃ cakkavattiṃ upasaṅkamitvā evamāha : 'appossukko tvaṃ , deva, hohi. Ahamanusāsissāmīti. Rañño, bhikkhave, cakkavattissa evarūpaṃ pariṇāyakaratanaṃ pātubhavati. Rājā, bhikkhave, cakkavattī imehi sattahi ratanehi samannāgato hoti.

259. ''Katamāhi catūhi iddhīhi? idha, bhikkhave, rājā cakkavattī abhirūpo hoti dassanīyo pāsādiko paramāya vaṇṇapokkharatāya samannāgato ativiya aññehi manussehi. Rājā, bhikkhave, cakkavattī imāya paṭhamāya iddhiyā samannāgato hoti. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, rājā cakkavattī dīghāyuko hoti ciraṭṭhitiko ativiya aññehi  manussehi. Rājā, bhikkhave, cakkavattī imāya dutiyāya iddhiyā samannāgato hoti. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, rājā cakkavattī appābādho hoti appātaṅko samavepākiniyā gahaṇiyā samannāgato nātisītāya nāccuṇhāya ativiya aññehi manussehi. Rājā, bhikkhave, cakkavattī imāya tatiyāya iddhiyā samannāgato hoti. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, rājā cakkavattī brāhmaṇagahapatikānaṃ piyo hoti manāpo. Seyyathāpi, bhikkhave, pitā puttānaṃ piyo hoti manāpo, evameva kho, bhikkhave, rājā cakkavattī brāhmaṇagahapatikānaṃ piyo hoti manāpo. Raññopi, bhikkhave, cakkavattissa brāhmaṇagahapatikā piyā honti manāpā. Seyyathāpi, bhikkhave, pitu puttā piyā honti manāpā, evameva kho, bhikkhave, raññopi cakkavattissa brāhmaṇagahapatikā  piyā honti manāpā. ''Bhūtapubbaṃ , bhikkhave, rājā cakkavattī caturaṅginiyā senāya uyyānabhūmiṃ niyyāsi. Atha kho, bhikkhave, brāhmaṇagahapatikā rājānaṃ cakkavattiṃ upasaṅkamitvā evamāhaṃsu : 'ataramāno, deva, yāhi yathā taṃ mayaṃ cirataraṃ passeyyāmāti. Rājāpi, bhikkhave, cakkavattī sārathiṃ āmantesi : 'ataramāno , sārathi, pesehi yathā maṃ brāhmaṇagahapatikā cirataraṃ passeyyunti. Rājā, bhikkhave, cakkavattī imāya catutthāya iddhiyā samannāgato hoti. Rājā, bhikkhave, cakkavattī imāhi catūhi iddhīhi samannāgato hoti. ''Taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, api nu kho rājā cakkavattī imehi sattahi ratanehi samannāgato imāhi catūhi ca iddhīhi tatonidānaṃ sukhaṃ somanassaṃ paṭisaṃvediyethāti? ''ekamekenapi, bhante, ratanena [tena ratanena (sī.)] samannāgato rājā cakkavattī tatonidānaṃ sukhaṃ somanassaṃ paṭisaṃvediyetha, ko pana vādo sattahi ratanehi catūhi ca iddhīhīti?

260. Atha kho Bhagavā parittaṃ pāṇimattaṃ pāsāṇaṃ gahetvā bhikkhū āmantesi : ''taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, katamo nu kho mahantataro : yo cāyaṃ mayā paritto pāṇimatto pāsāṇo  gahito yo ca himavā pabbatarājāti? ''appamattako ayaṃ, bhante, bhagavatā paritto pāṇimatto pāsāṇo gahito himavantaṃ pabbatarājānaṃ upanidhāya saṅkhampi na upeti kalabhāgampi na upeti upanidhampi na upetīti. ''Evameva kho, bhikkhave, yaṃ rājā cakkavattī sattahi ratanehi samannāgato  catūhi ca iddhīhi tatonidānaṃ sukhaṃ somanassaṃ paṭisaṃvedeti taṃ dibbassa sukhassa upanidhāya saṅkhampi na upeti kalabhāgampi na upeti upanidhampi na upeti. ''Sa kho so, bhikkhave, paṇḍito sace kadāci karahaci dīghassa addhuno accayena manussattaṃ āgacchati, yāni tāni uccākulāni : khattiyamahāsālakulaṃ vā brāhmaṇamahāsālakulaṃ vā gahapatimahāsālakulaṃ vā tathārūpe kule paccājāyati aḍḍhe mahaddhane mahābhoge pahūtajātarūparajate pahūtavittūpakaraṇe pahūtadhanadhaññe. So ca hoti abhirūpo dassanīyo pāsādiko paramāya  vaṇṇapokkharatāya samannāgato, lābhī annassa pānassa vatthassa yānassa mālāgandhavilepanassa seyyāvasathapadīpeyyassa. So kāyena sucaritaṃ carati, vācāya sucaritaṃ carati, manasā sucaritaṃ carati. So kāyena  sucaritaṃ caritvā, vācāya sucaritaṃ caritvā, manasā sucaritaṃ caritvā, kāyassa bhedā paraṃ maraṇā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ upapajjati. Seyyathāpi, bhikkhave, akkhadhutto paṭhameneva kaṭaggahena mahantaṃ bhogakkhandhaṃ adhigaccheyya appamattako so, bhikkhave, kaṭaggaho yaṃ so akkhadhutto paṭhameneva kaṭaggahena mahantaṃ bhogakkhandhaṃ adhigaccheyya. Atha kho ayameva tato mahantataro kaṭaggaho yaṃ so paṇḍito kāyena sucaritaṃ caritvā, vācāya sucaritaṃ caritvā, manasā sucaritaṃ caritvā kāyassa bhedā paraṃ maraṇā sugatiṃ saggaṃ  lokaṃ upapajjati. Ayaṃ, bhikkhave, kevalā paripūrā paṇḍitabhūmīti. Idamavoca Bhagavā. Attamanā te bhikkhū bhagavato bhāsitaṃ abhinandunti.

Bālapaṇḍitasuttaṃ niṭṭhitaṃ navamaṃ.

-ooOoo-

129. Bālapaṇḍitasuttavaṇṇanā [Atthakathā]

246. Evaṃ me sutanti bālapaṇḍitasuttaṃ. Tattha bālalakkhaṇānīti bālo ayanti etehi lakkhiyati ñāyatīti bālalakkhaṇāni. Tāneva tassa sañjānanakāraṇānīti bālanimittāni. Bālassa apadānānīti bālāpadānāni. Duccintitacintīti cintayanto abhijjhābyāpādamicchādassanavasena duccintitameva cinteti. Dubbhāsitabhāsīti bhāsamānopi musāvādādibhedaṃ dubbhāsitameva bhāsati. Dukkaṭakammakārīti karontopi pāṇātipātādivasena dukkaṭakammameva karoti. Tatra ceti yattha nisinno, tassaṃ parisati. Tajjaṃ tassāruppanti tajjātikaṃ tadanucchavikaṃ, pañcannaṃ verānaṃ diṭṭhadhammakasamparāyikaādīnavappaṭisaṃyuttanti adhippāyo. Tatrāti tāya kathāya kacchamānāya. Bālantiādīni sāmiatthe upayogavacanaṃ.

248. Olambantīti upaṭṭhahanti. Sesapadadvayaṃ tasseva vevacanaṃ, olambanādiākārena hi tāni upaṭṭhahanti, tasmā evaṃ vuttaṃ. Pathaviyā olambantīti pathavitale pattharanti. Sesapadadvayaṃ tasseva vevacanaṃ. Pattharaṇākāroyeva hesa. Tatra, bhikkhave, bālassāti tasmiṃ upaṭṭhānākāre āpāthagate bālassa evaṃ hoti.

249. Etadavocāti anusandhikusalo bhikkhu ‘‘nirayassa upamā kātuṃ na sakkā’’ti na bhagavā vadati, ‘‘na sukarā’’ti pana vadati, na sukaraṃ pana sakkā hoti kātuṃ, handāhaṃ dasabalaṃ upamaṃ kārāpemīti cintetvā etaṃ ‘‘sakkā, bhante’’ti vacanaṃ avoca. Haneyyunti vinivijjhitvā gamanavasena yathā ekasmiṃ ṭhāne dve pahārā nipatanti, evaṃ haneyyuṃ. Tenassa dve vaṇamukhasatāni honti. Ito uttaripi eseva nayo.

250. Pāṇimattanti antomuṭṭhiyaṃ ṭhapanamattaṃ. Saṅkhampi na upetīti gaṇanamattampi na gacchati. Kalabhāgampīti satimaṃ kalaṃ sahassimaṃ kalaṃ satasahassimaṃ vā kalaṃ upagacchatītipi vattabbataṃ na upeti. Upanidhampīti upanikkhepanamattampi na upeti, olokentassa olokitamattampi natthi. Tattaṃ ayokhilanti tigāvutaṃ attabhāvaṃ sampajjalitāya lohapathaviyā uttānakaṃ nipajjāpetvā tassa dakkhiṇahatthe tālappamāṇaṃ ayasūlaṃ pavesenti, tathā vāmahatthādīsu. Yathā ca uttānakaṃ nipajjāpetvā, evaṃ urenapi dakkhiṇapassenapi vāmapassenapi nipajjāpetvā taṃ kammakāraṇaṃ karontiyeva. Saṃvesetvāti sampajjalitāya lohapathaviyā tigāvutaṃ attabhāvaṃ nipajjāpetvā. Kuṭhārīhīti mahatīhi gehassa ekapakkhachadanamattāhi kuṭhārīhi tacchanti. Lohitaṃ nadī hutvā sandati, lohapathavito jālā uṭṭhahitvā tacchitaṭṭhānaṃ gaṇhanti. Mahādukkhaṃ uppajjati, tacchantā pana suttāhataṃ karitvā dārū viya aṭṭhaṃsampi chaḷaṃsampi karonti. Vāsīhīti mahāsuppapamāṇāhi vāsīhi. Tāhi tacchantā tacato yāva aṭṭhīni saṇikaṃ tacchanti, tacchitaṃ tacchitaṃ paṭipākatikaṃ hoti. Rathe yojetvāti saddhiṃ yugayottapañcaracakkakubbarapācanehi sabbato sampajjalite rathe yojetvā. Mahantanti mahākūṭāgārappamāṇaṃ. Āropentīti sampajjalitehi ayamuggarehi pothentā āropenti. Sakimpi uddhanti supakkuthitāya ukkhaliyā pakkhittataṇḍulā viya uddhaṃ adho tiriyañca gacchati.

Bhāgaso mitoti bhāge ṭhapetvā ṭhapetvā vibhatto. Pariyantoti parikkhitto. Ayasāti upari ayapaṭṭena chādito.

Samantā yojanasataṃ pharitvā tiṭṭhatīti evaṃ pharitvā tiṭṭhati, yathā samantā yojanasate ṭhāne ṭhatvā olokentassa akkhīni yamakagoḷakā viya nikkhamanti.

Na sukarā akkhānena pāpuṇitunti nirayo nāma evampi dukkho evampi dukkhoti vassasataṃ vassasahassaṃ kathentenāpi matthakaṃ pāpetvā kathetuṃ na sukarāti attho.
251. Dantullehakanti dantehi ullehitvā, luñcitvāti vuttaṃ hoti. Rasādoti rasagedhena paribhuttaraso.

252. Aññamaññakhādikāti aññamaññakhādanaṃ.

Dubbaṇṇoti durūpo. Duddasikoti dārakānaṃ bhayāpanatthaṃ katayakkho viya duddaso. Okoṭimakoti lakuṇḍako paviṭṭhagīvo mahodaro. Kāṇoti ekakkhikāṇo vā ubhayakkhikāṇo vā. Kuṇīti ekahatthakuṇī vā ubhayahatthakuṇī vā. Pakkhahatoti pīṭhasappī. So kāyenāti idamassa dukkhānupabandhadassanatthaṃ āraddhaṃ.
Kaliggahenāti parājayena. Adhibandhaṃ nigaccheyyāti yasmā bahuṃ jito sabbasāpateyyampissa nappahoti, tasmā attanāpi bandhaṃ nigaccheyya. Kevalā paripūrā bālabhūmīti bālo tīṇi duccaritāni pūretvā niraye nibbattati, tattha pakkāvasesena manussattaṃ āgato pañcasu nīcakulesu nibbattitvā puna tīṇi duccaritāni pūretvā niraye nibbattatīti ayaṃ sakalā paripuṇṇā bālabhūmi.

253. Paṇḍitalakkhaṇānītiādi vuttānusāreneva veditabbaṃ. Sucintitacintītiādīni cettha manosucaritādīnaṃ vasena yojetabbāni.

Cakkaratanavaṇṇanā

256. Sīsaṃ nhātassāti sīsena saddhiṃ gandhodakena nhātassa. Uposathikassāti samādinnauposathaṅgassa. Uparipāsādavaragatassāti pāsādavarassa upari gatassa subhojanaṃ bhuñjitvā pāsādavarassa upari mahātale sirīgabbhaṃ pavisitvā sīlāni āvajjantassa. Tadā kira rājā pātova satasahassaṃ vissajjetvā mahādānaṃ datvā punapi soḷasahi gandhodakaghaṭehi sīsaṃ nhāyitvā katapātarāso suddhaṃ uttarāsaṅgaṃ ekaṃsaṃ katvā uparipāsādassa sirīsayane pallaṅkaṃ ābhujitvā nisinno attano dānamayapuññasamudayaṃ āvajjetvā nisīdati, ayaṃ sabbacakkavattīnaṃ dhammatā.

Tesaṃ taṃ āvajjantānaṃyeva vuttappakārapuññakammapaccayaṃ utusamuṭṭhānaṃ nīlamaṇisaṅghāṭasadisaṃ pācīnasamuddajalatalaṃ chindamānaṃ viya ākāsaṃ alaṅkurumānaṃ viya dibbaṃ cakkaratanaṃ pātubhavati. Tayidaṃ dibbānubhāvayuttattā dibbanti vuttaṃ. Sahassaṃ assa arānanti sahassāraṃ. Saha nemiyā saha nābhiyā cāti sanemikaṃ sanābhikaṃ. Sabbehi ākārehi paripūranti sabbākāraparipūraṃ.

Tattha cakkañca taṃ ratijananaṭṭhena ratanañcāti cakkaratanaṃ. Yāya pana taṃ nābhiyā ‘‘sanābhika’’nti vuttaṃ, sā indanīlamaṇimayā hoti. Majjhe panassā rajatamayā panāḷi, yāya suddhasiniddhadantapantiyā hasamānaṃ viya virocati. Majjhe chiddena viya candamaṇḍalena ubhosupi bāhirantesu rajatapaṭṭena kataparikkhepo hoti. Tesu panassā nābhipanāḷi parikkhepapaṭṭesu yuttaṭṭhāne paricchedalekhā suvibhattāva hutvā paññāyanti. Ayaṃ tāvassa nābhiyā sabbākāraparipūratā.

Yehi pana taṃ arehi ‘‘sahassāra’’nti vuttaṃ, te sattaratanamayā sūriyarasmiyo viya pabhāsampannā honti. Tesampi ghaṭamaṇikaparicchedalekhādīni suvibhattāneva paññāyanti. Ayamassa arānaṃ sabbākāraparipūratā.

Yāya pana taṃ nemiyā saha ‘‘sanemika’’nti vuttaṃ, sā bālasūriyarasmikalāpasiriṃ avahasamānā viya surattasuddhasiniddhapavāḷamayā hoti. Sandhīsu panassā sañjhārāgasassirikarattajambonadapaṭṭā vaṭṭaparicchedalekhā ca suvibhattā paññāyanti. Ayamassa nemiyā sabbākāraparipūratā.

Nemimaṇḍalapiṭṭhiyaṃ panassa dasannaṃ dasannaṃ arānamantare dhamanavaṃso viya antosusiro chiddamaṇḍalacitto vātagāhī pavāḷadaṇḍo hoti, yassa vātena paharitassa sukusalasamannāhatassa pañcaṅgikatūriyassa viya saddo vaggu ca rajanīyo ca kamanīyo ca hoti. Tassa kho pana pavāḷadaṇḍassa upari setacchattaṃ, ubhosu passesu samosaritakusumadāmapantiyoti evaṃ samosaritakusumadāmapantisatadvayaparivārena setacchattasatadhārinā pavāḷadaṇḍasatena samupasobhitanemiparikkhepassa dvinnampi nābhipanāḷīnaṃ anto dve sīhamukhāni honti, yehi tālakkhandhappamāṇā puṇṇacandakiraṇakalāpasassirikā taruṇaravisamānarattakambalageṇḍukapariyantā ākāsagaṅgāgatisobhaṃ abhibhavamānā viya dve muttakalāpā olambanti, yehi cakkaratanena saddhiṃ ākāse samparivattamānehi tīṇi cakkāni ekato parivattantāni viya khāyanti. Ayamassa sabbaso sabbākāraparipūratā.

Taṃ panetaṃ evaṃ sabbākāraparipūraṃ pakatiyā sāyamāsabhattaṃ bhuñjitvā attano attano gharadvāre paññattāsanesu nisīditvā pavattakathāsallāpesu manussesu vīthicatukkādīsu kīḷamāne dārakajane nātiuccena nātinīcena vanasaṇḍamatthakāsannena ākāsappadesena upasobhayamānaṃ viya rukkhasākhaggāni, dvādasayojanato paṭṭhāya suyyamānena madhurassarena sattānaṃ sotāni odhāpayamānaṃ yojanato paṭṭhāya nānappabhāsamudayasamujjalena vaṇṇena nayanāni samākaḍḍhantaṃ rañño cakkavattissa puññānubhāvaṃ ugghosayantaṃ viya rājadhāniabhimukhaṃ āgacchati.

Atha tassa cakkaratanassa saddassavaneneva ‘‘kuto nu kho, kassa nu kho ayaṃ saddo’’ti āvajjitahadayānaṃ puratthimadisaṃ olokayamānānaṃ tesaṃ manussānaṃ aññataro aññataraṃ evamāha – ‘‘passa bho acchariyaṃ, ayaṃ puṇṇacando pubbe eko uggacchati, ajja pana attadutiyo uggato, etañhi rājahaṃsamithunaṃ viya puṇṇacandamithunaṃ pubbāpariyena gaganatalaṃ abhilaṅghatī’’ti. Tamañño āha – ‘‘kiṃ kathesi samma kahaṃ nāma tayā dve puṇṇacandā ekato uggacchantā diṭṭhapubbā, nanu esa tapanīyaraṃsidhāro piñcharakiraṇo divākaro uggato’’ti. Tamañño sitaṃ katvā evamāha – ‘‘kiṃ ummattosi, nanu kho idānimeva divākaro atthaṅgato, so kathaṃ imaṃ puṇṇacandaṃ anubandhamāno uggacchissati, addhā panetaṃ anekaratanappabhāsamujjalaṃ ekassa puññavato vimānaṃ bhavissatī’’ti. Te sabbepi apasādayantā aññe evamāhaṃsu – ‘‘kiṃ bahuṃ vippalapatha, nevesa puṇṇacando, na sūriyo na devavimānaṃ. Na hetesaṃ evarūpā sirisampatti atthi, cakkaratanena panetena bhavitabba’’nti.
Evaṃ pavattasallāpasseva tassa janassa candamaṇḍalaṃ ohāya taṃ cakkaratanaṃ abhimukhaṃ hoti. Tato tehi ‘‘kassa nu kho idaṃ nibbatta’’nti vutte bhavanti vattāro – ‘‘na kassaci aññassa, nanu amhākaṃ rājā pūritacakkavattivatto, tassetaṃ nibbatta’’nti. Atha so ca mahājano, yo ca añño passati, sabbo cakkaratanameva anugacchati. Tampi cakkaratanaṃ raññoyeva atthāya attano āgatabhāvaṃ ñāpetukāmaṃ viya sattakkhattuṃ pākāramatthakeneva nagaraṃ anusaṃyāyitvā rañño antepuraṃ padakkhiṇaṃ katvā antepurassa uttarasīhapañjaraāsanne ṭhāne yathā gandhapupphādīhi sukhena sakkā hoti pūjetuṃ, evaṃ akkhāhataṃ viya tiṭṭhati.

Evaṃ ṭhitassa panassa vātapānacchiddādīhi pavisitvā nānāvirāgaratanappabhāsamujjalaṃ anto pāsādaṃ alaṅkurumānaṃ pabhāsamūhaṃ disvā dassanatthāya sañjātābhilāso rājā hoti. Parijanopissa piyavacanapābhatena āgantvā tamatthaṃ nivedeti. Atha rājā balavapītipāmojjaphuṭasarīro pallaṅkaṃ mocetvā uṭṭhāyāsanā sīhapañjarasamīpaṃ gantvā taṃ cakkaratanaṃ disvā ‘‘sutaṃ kho pana meta’’ntiādikaṃ cintanaṃ cintesi. Tena vuttaṃ – ‘‘disvāna rañño khattiyassa…pe… assaṃ nu kho ahaṃ rājā cakkavattī’’ti. Tattha so hoti rājā cakkavattīti kittāvatā cakkavattī hoti? Ekaṅguladvaṅgulamattampi cakkaratane ākāsaṃ abbhuggantvā pavatte.

Idāni tassa pavattāpanatthaṃ yaṃ kātabbaṃ taṃ dassento atha kho, bhikkhavetiādimāha. Tattha uṭṭhāyāsanāti nisinnāsanato uṭṭhahitvā cakkaratanasamīpaṃ āgantvā. Bhiṅkāraṃ gahetvāti hatthisoṇḍasadisapanāḷiṃ suvaṇṇabhiṅkāraṃ ukkhipitvā vāmahatthena udakaṃ gahetvā. Pavattatu bhavaṃ cakkaratanaṃ, abhivijinātu bhavaṃ cakkaratananti. Anvadeva rājā cakkavattī saddhiṃ caturaṅginiyā senāyāti sabbacakkavattīnañhi udakena abhisiñcitvā ‘‘abhivijānātu bhavaṃ cakkaratana’’nti vacanasamanantarameva vehāsaṃ abbhuggantvā cakkaratanaṃ pavattati, yassa pavattisamakālameva so rājā cakkavattī nāma hoti.

Pavatte pana cakkaratane taṃ anubandhamānova rājā cakkavattī yānavaraṃ āruyha vehāsaṃ abbhuggacchati, athassa chattacāmarādihattho parijano ceva antepurajano ca. Tato nānappakārakañcukakavacādisannāhavibhūsitena vividhāharaṇappabhāsamujjalitena samussitaddhajapaṭākapaṭimaṇḍitena attano attano balakāyena saddhiṃ uparājasenāpati pabhūtayopi vehāsaṃ abbhuggantvā rājānameva parivārenti. Rājayuttā pana janasaṅgahatthaṃ nagaravīthīsu bheriyo carāpenti ‘‘tātā amhākaṃ rañño cakkaratanaṃ nibbattaṃ, attano attano vibhavānurūpena maṇḍitappasādhitā sannipatathā’’ti. Mahājano pana pakatiyā cakkaratanasaddeneva sabbakiccāni pahāya gandhapupphādīni ādāya sannipatitova, sopi sabbo vehāsaṃ abbhuggantvā rājānameva parivāreti. Yassa yassa hi raññā saddhiṃ gantukāmatā uppajjati, so so ākāsagatova hoti. Evaṃ dvādasayojanāyāmavitthārā parisā hoti. Tattha ekapurisopi chinnabhinnasarīro vā kiliṭṭhavattho vā natthi. Suciparivāro hi rājā cakkavattī. Cakkavattiparisā nāma vijjādharaparisā viya ākāse gacchamānā indanīlamaṇitale vippakiṇṇaratanasadisā hoti. Tena vuttaṃ ‘‘anvadeva rājā cakkavattī saddhiṃ caturaṅginiyā senāyā’’ti.

Tampi cakkaratanaṃ rukkhaggānaṃ uparūpari nātiuccena gaganapadesena pavattati, yathā rukkhānaṃ pupphaphalapallavehi atthikā tāni sukhena gahetuṃ sakkonti, bhūmiyaṃ ṭhitā ‘‘esa rājā, esa uparājā, esa senāpatī’’ti sallakkhetuṃ sakkonti. Ṭhānādīsupi iriyāpathesu yo yena icchati, so teneva gacchati. Cittakammādisippapasutā cettha attano attano kiccaṃ karontāyeva gacchanti. Yatheva hi bhūmiyaṃ, tathā nesaṃ sabbakiccāni ākāse ijjhanti. Evaṃ cakkavattiparisaṃ gahetvā taṃ cakkaratanaṃ vāmapassena sineruṃ pahāya samuddassa uparibhāgena aṭṭhayojanasahassappamāṇaṃ pubbavidehaṃ gacchati.

Tattha yo vinibbedhena dvādasayojanāya parikkhepato chattiṃsayojanaparisāya sannivesakkhamo sulabhāhārūpakaraṇo chāyūdakasampanno sucisamatalo ramaṇīyo bhūmibhāgo, tassa uparibhāge taṃ cakkaratanaṃ ākāse akkhāhataṃ viya tiṭṭhati. Atha tena saññāṇena so mahājano otaritvā yathāruci nhānabhojanādīni sabbakiccāni karonto vāsaṃ kappeti, tena vuttaṃ ‘‘yasmiṃ kho pana, bhikkhave, padese taṃ cakkaratanaṃ patiṭṭhāti, tattha rājā cakkavattī vāsaṃ upeti saddhiṃ caturaṅginiyā senāyā’’ti.

Evaṃ vāsaṃ upagate cakkavattimhi ye tattha rājāno, te ‘‘paracakkaṃ āgata’’nti sutvāpi na balakāyaṃ sannipātetvā yuddhasajjā honti. Cakkaratanassa uppattisamanantarameva natthi so satto nāma, yo paccatthikasaññāya rājānaṃ ārabbha āvudhaṃ ukkhipituṃ visaheyya. Ayamanubhāvo cakkaratanassa.

Cakkānubhāvena hi tassa rañño,
Arī asesā damathaṃ upenti;
Arindamaṃ nāma narādhipassa,
Teneva taṃ vuccati tassa cakkaṃ.

Tasmā sabbepi te rājāno attano attano rajjasirivibhavānurūpaṃ pābhataṃ gahetvā taṃ rājānaṃ upagamma onatasirā attano moḷiyamaṇippabhābhisekenassa pādapūjaṃ karonto ‘‘ehi kho mahārājā’’tiādīhi vacanehi tassa kiṅkārappaṭissāvitaṃ āpajjanti. Tena vuttaṃ ye kho pana, bhikkhave, puratthimāya…pe… anusāsa mahārājāti.
Tattha svāgatanti suāgamanaṃ. Ekasmiñhi āgate socanti, gate nandanti. Ekasmiṃ āgate nandanti, gate socanti. Tādiso tvaṃ āgatanandano gamanasocano, tasmā tava āgamanaṃ suāgamananti vuttaṃ hoti. Evaṃ vutte pana cakkavattī nāpi ‘‘ettakaṃ nāma me anuvassaṃ baliṃ upakappethā’’ti vadati, nāpi aññassa bhogaṃ acchinditvā aññassa deti. Attano pana dhammarājabhāvassa anurūpāya paññāya pāṇātipātādīni upaparikkhitvā pemanīyena mañjunā sarena ‘‘passatha tātā, pāṇātipāto nāmesa āsevito bhāvito bahulīkato nirayasaṃvattaniko hotī’’tiādinā nayena dhammaṃ desetvā ‘‘pāṇo na hantabbo’’tiādikaṃ ovādaṃ deti. Tena vuttaṃ rājā cakkavattī evamāha pāṇo na hantabbo…pe… yathābhuttañca bhuñjathāti.

Kiṃ pana sabbepi rañño imaṃ ovādaṃ gaṇhantīti. Buddhassapi tāva sabbe na gaṇhanti, rañño kiṃ gaṇhissanti. Tasmā ye paṇḍitā vibhāvino, te gaṇhanti. Sabbe pana anuyantā bhavanti. Tasmā ‘‘ye kho pana, bhikkhave’’tiādimāha.

Atha taṃ cakkaratanaṃ evaṃ pubbavidehavāsīnaṃ ovāde dinne katapātarāse cakkavattībalena vehāsaṃ abbhuggantvā puratthimaṃ samuddaṃ ajjhogāhati. Yathā yathā ca taṃ ajjhogāhati, tathā tathā agadagandhaṃ ghāyitvā saṃkhittaphaṇo nāgarājā viya saṃkhittaūmivipphāraṃ hutvā ogacchamānaṃ mahāsamuddasalilaṃ yojanamattaṃ ogantvā antosamudde veḷuriyabhitti viya tiṭṭhati. Taṅkhaṇaññeva ca tassa rañño puññasiriṃ daṭṭhukāmāni viya mahāsamuddatale vippakiṇṇāni nānāratanāni tato tato āgantvā taṃ padesaṃ pūrayanti. Atha sā rājaparisā taṃ nānāratanaparipūraṃ mahāsamuddatalaṃ disvā yathāruci ucchaṅgādīhi ādiyati, yathāruci ādinnaratanāya pana parisāya taṃ cakkaratanaṃ paṭinivattati. Paṭinivattamāne ca tasmiṃ parisā aggato hoti, majjhe rājā, ante cakkaratanaṃ. Tampi jalanidhijalaṃ palobhiyamānamiva cakkaratanasiriyā, asahamānamiva ca tena viyogaṃ, nemimaṇḍalapariyantaṃ abhihanantaṃ nirantarameva upagacchati.

257. Evaṃ rājā cakkavattī puratthimasamuddapariyantaṃ pubbavidehaṃ abhivijinitvā dakkhiṇasamuddapariyantaṃ jambudīpaṃ vijetukāmo cakkaratanadesitena maggena dakkhiṇasamuddābhimukho gacchati. Tena vuttaṃ atha kho taṃ, bhikkhave, cakkaratanaṃ puratthimasamuddaṃ ajjhogāhetvā paccuttaritvā dakkhiṇaṃ disaṃ pavattatīti. Evaṃ pavattamānassa pana tassa pavattanavidhānaṃ senāsanniveso paṭirājagamanaṃ tesaṃ anusāsanippadānaṃ dakkhiṇasamuddaṃ ajjhogāhanaṃ samuddasalilassa ogacchanaṃ ratanādānanti sabbaṃ purimanayeneva veditabbaṃ.

Vijinitvā pana taṃ dasasahassayojanappamāṇaṃ jambudīpaṃ dakkhiṇasamuddatopi paccuttaritvā sattayojanasahassappamāṇaṃ aparagoyānaṃ vijetuṃ pubbe vuttanayeneva gantvā tampi samuddapariyantaṃ tatheva abhivijinitvā pacchimasamuddatopi paccuttaritvā aṭṭhayojanasahassappamāṇaṃ uttarakuruṃ vijetuṃ tatheva gantvā tampi samuddapariyantaṃ tatheva abhivijiya uttarasamuddatopi paccuttarati.

Ettāvatā raññā cakkavattinā cāturantāya pathaviyā ādhipaccaṃ adhigataṃ hoti. So evaṃ vijitavijayo attano rajjasirisampattidassanatthaṃ sapariso uddhaṃ gaganatalaṃ abhilaṅghitvā suvikasitapadumuppalapuṇḍarīkavanavicitte cattāro jātassare viya pañcasatapañcasataparittadīpaparivāre cattāro mahādīpe oloketvā cakkaratanadesiteneva maggena yathānukkamaṃ attano rājadhānimeva paccāgacchati. Atha taṃ cakkaratanaṃ antepuradvāraṃ sobhayamānaṃ viya hutvā tiṭṭhati.

Evaṃ patiṭṭhite pana tasmiṃ cakkaratane rājantepure ukkāhi vā dīpikāhi vā kiñci karaṇīyaṃ na hoti, cakkaratanobhāsoyeva rattiṃ andhakāraṃ vidhamati. Ye ca pana rattiṃ andhakāratthikā honti, tesaṃ andhakārameva hoti. Tena vuttaṃ dakkhiṇasamuddaṃ ajjhogāhetvā…pe… evarūpaṃ cakkaratanaṃ pātubhavatīti.

Hatthiratanavaṇṇanā

258. Evaṃ pātubhūtacakkaratanassa panassa cakkavattino amaccā pakatimaṅgalahatthiṭṭhānaṃ sucibhūmibhāgaṃ kāretvā haricandanādīhi surabhigandhehi upalimpāpetvā heṭṭhā vicittavaṇṇasurabhikusumasamākiṇṇaṃ upari suvaṇṇatārakānaṃ antarantarā samosaritamanuñña-kusumadāmappaṭimaṇḍitavitānaṃ devavimānaṃ viya abhisaṅkharitvā ‘‘evarūpassa nāma deva hatthiratanassa āgamanaṃ cintethā’’ti vadanti. So pubbe vuttanayeneva mahādānaṃ datvā sīlāni samādāya taṃ puññasampattiṃ āvajjanto nisīdati, athassa puññānubhāvacodito chaddantakulā vā uposathakulā vā taṃ sakkāravisesaṃ anubhavitukāmo taruṇaravimaṇḍalābhirattacaraṇa-gīvamukhappaṭimaṇḍitavisuddhasetasarīro sattappatiṭṭho susaṇṭhitaṅgapaccaṅgasanniveso vikasitaratta-padumacārupokkharo iddhimā yogī viya vehāsaṃ gamanasamattho manosilācuṇṇarañjitapariyanto viya rajatapabbato hatthiseṭṭho tasmiṃ padese patiṭṭhāti. So chaddantakulā āgacchanto sabbakaniṭṭho āgacchati, uposathakulā sabbajeṭṭho. Pāḷiyaṃ pana ‘‘uposatho nāgarājā’’ icceva āgacchati. Svāyaṃ pūritacakkavattivattānaṃ cakkavattīnaṃ sutte vuttanayeneva cintayantānaṃ āgacchati, na itaresaṃ. Sayameva pakatimaṅgalahatthiṭṭhānaṃ āgantvā maṅgalahatthiṃ apanetvā tattha tiṭṭhati. Tena vuttaṃ puna caparaṃ, bhikkhave…pe… nāgarājāti.
Evaṃ pātubhūtaṃ pana taṃ hatthiratanaṃ disvā hatthigopakādayo haṭṭhatuṭṭhā vegena gantvā rañño ārocenti. Rājā turitaturitaṃ āgantvā taṃ disvā pasannacitto ‘‘bhaddakaṃ vata bho hatthiyānaṃ, sace damathaṃ upeyyā’’ti cintayanto hatthaṃ pasāreti. Atha so gharadhenuvacchako viya kaṇṇe olambetvā sūratabhāvaṃ dassento rājānaṃ upasaṅkamati, rājā taṃ abhiruhitukāmo hoti. Athassa parijanā adhippāyaṃ ñatvā taṃ hatthiratanaṃ sovaṇṇaddhajaṃ sovaṇṇālaṅkāraṃ hemajālapaṭicchannaṃ katvā upanenti. Rājā taṃ anisīdāpetvāva sattaratanamayāya nisseṇiyā abhiruyha ākāsaṃ gamananinnacitto hoti. Tassa saha cittuppādeneva so hatthirājā rājahaṃso viya indanīlamaṇippabhājālanīlagaganatalaṃ abhilaṅghati, tato cakkacārikāya vuttanayeneva sakalarājaparisā. Iti sapariso rājā antopātarāseyeva sakalapathaviṃ anusaṃyāyitvā rājadhāniṃ paccāgacchati, evaṃ mahiddhikaṃ cakkavattino hatthiratanaṃ hoti. Tena vuttaṃ disvāna rañño cakkavattissa…pe… evarūpaṃ hatthiratanaṃ pātubhavatīti.

Assaratanavaṇṇanā

Evaṃ pātubhūtahatthiratanassa pana cakkavattino parisā pakatimaṅgalaassaṭṭhānaṃ sucisamatalaṃ kāretvā alaṅkaritvā ca purimanayeneva rañño tassa āgamanacintanatthaṃ ussāhaṃ janenti. So purimanayeneva katadānasakkāro samādinnasīlova pāsādatale nisinno puññasampattiṃ samanussarati, athassa puññānubhāvacodito sindhavakulato vijjullatāvinaddhasaradakālasetavalāhakarāsisassiriko rattapādo rattatuṇḍo candappabhāpuñjasadisasuddhasiniddhaghanasaṅghātasarīro kākagīvā viya indanīlamaṇi viya ca kāḷavaṇṇena sīsena samannāgatattā kāḷasīso suṭṭhu kappetvā ṭhapitehi viya muñjasadisehi saṇhavaṭṭaujugatigatehi kesehi samannāgatattā muñjakeso vehāsaṅgamo valāhako nāma assarājā āgantvā tasmiṃ ṭhāne patiṭṭhāti. Sesaṃ sabbaṃ hatthiratane vuttanayeneva veditabbaṃ. Evarūpaṃ assaratanaṃ sandhāya bhagavā puna caparantiādimāha.

Maṇiratanavaṇṇanā

Evaṃ pātubhūtaassaratanassa pana rañño cakkavattissa catuhatthāyāmaṃ sakaṭanābhisamappamāṇaṃ ubhosu antesu kaṇṇikapariyantato viniggatasuparisuddhamuttākalāpehi dvīhi kañcanapadumehi alaṅkataṃ caturāsītimaṇisahassaparivāraṃ tārāgaṇaparivutassa puṇṇacandassa siriṃ paṭippharamānaṃ viya vepullapabbatato maṇiratanaṃ āgacchati. Tassevaṃ āgatassa muttājālake ṭhapetvā veḷuparamparāya saṭṭhihatthappamāṇaṃ ākāsaṃ āropitassa rattibhāge samantā yojanappamāṇaṃ okāsaṃ ābhā pharati, yāya sabbo so okāso aruṇuggamanavelā viya sañjātāloko hoti. Tato kassakā kasikammaṃ, vāṇijā āpaṇugghāṭanaṃ, te te ca sippino taṃ taṃ kammantaṃ payojenti divāti maññamānā. Tena vuttaṃ puna caparaṃ, bhikkhave…pe… maṇiratanaṃ pātubhavatīti.

Itthiratanavaṇṇanā

Evaṃ pātubhūtamaṇiratanassa pana cakkavattissa visayasukhavisesakāraṇaṃ itthiratanaṃ pātubhavati. Maddarājakulato vā hissa aggamahesiṃ ānenti, uttarakuruto vā puññānubhāvena sayaṃ āgacchati. Avasesā panassā sampatti ‘‘puna caparaṃ, bhikkhave, rañño cakkavattissa itthiratanaṃ pātubhavati abhirūpā dassanīyā’’tiādinā nayena pāḷiyaṃyeva āgatā.

Tattha saṇṭhānapāripūriyā adhikaṃ rūpaṃ assāti abhirūpā. Dissamānā ca cakkhūni pīṇayati, tasmā aññaṃ kiccavikkhepaṃ hitvāpi daṭṭhabbāti dassanīyā. Dissamānā ca somanassavasena cittaṃ pasādetīti pāsādikā. Paramāyāti evaṃ pasādāvahattā uttamāya. Vaṇṇapokkharatāyāti vaṇṇasundaratāya. Samannāgatāti upetā. Abhirūpā vā yasmā nātidīghā nātirassā dassanīyā yasmā nātikisā nātithūlā, pāsādikā yasmā nātikāḷikā naccodātā. Paramāya vaṇṇapokkharatāya samannāgatā yasmā atikkantā mānusaṃ vaṇṇaṃ appattā dibbavaṇṇaṃ. Manussānañhi vaṇṇābhā bahi na niccharati, devānaṃ atidūraṃ niccharati, tassā pana dvādasahatthappamāṇaṃ padesaṃ sarīrābhā obhāseti.

Nātidīghādīsu cassā paṭhamayugaḷena ārohasampatti, dutiyayugaḷena pariṇāhasampatti, tatiyayugaḷena vaṇṇasampatti vuttā. Chahi vāpi etehi kāyavipattiyā abhāvo, atikkantā mānusaṃ vaṇṇanti iminā kāyasampatti vuttā.

Tūlapicuno vā kappāsapicuno vāti sappimaṇḍe pakkhipitvā ṭhapitassa satavihatassa tūlapicuno vā satavihatassa kappāsapicuno vā kāyasamphasso hoti. Sīteti rañño sītakāle. Uṇheti rañño uṇhakāle. Candanagandhoti niccakālameva supisitassa abhinavassa catujjātisamāyojitassa haricandanassa gandho kāyato vāyati. Uppalagandhoti hasitakathitakālesu mukhato nikkhanto taṅkhaṇaṃ vikasitasseva nīluppalassa atisurabhigandho vāyati.

Evaṃ rūpasamphassagandhasampattiyuttāya panassā sarīrasampattiyā anurūpaṃ ācāraṃ dassetuṃ taṃ kho panātiādi vuttaṃ. Tattha rājānaṃ disvā nisinnāsanato aggidaḍḍhā viya paṭhamameva uṭṭhātīti pubbuṭṭhāyinī. Tasmiṃ nisinne tassa rañño tālavaṇṭena bījanādikiccaṃ katvā pacchā nipatati nisīdatīti pacchānipātinī. Kiṃ karomi devāti tassa kiṃkāraṃ paṭissāvetīti kiṃkārapaṭissāvinī. Rañño manāpameva carati karotīti manāpacārinī. Yaṃ rañño piyaṃ, tadeva vadatīti piyavādinī.

Idāni svāssā ācāro bhāvasuddhiyā eva, na sāṭheyyenāti dassetuṃ taṃ kho panātiādimāha. Tattha no aticaratīti na atikkamitvā carati, aññaṃ purisaṃ cittenapi na patthetīti vuttaṃ hoti. Tattha ye tassā ādimhi ‘‘abhirūpā’’tiādayo ante ‘‘pubbuṭṭhāyinī’’tiādayo guṇā vuttā, te pakatiguṇā eva ‘‘atikkantā mānusaṃ vaṇṇa’’ntiādayo pana cakkavattino puññaṃ upanissāya cakkaratanapātubhāvato paṭṭhāya purimakammānubhāvena nibbattantīti veditabbā. Abhirūpatādikāpi vā cakkaratanapātubhāvato paṭṭhāya sabbākārapāripūrā jātā. Tenāha evarūpaṃ itthiratanaṃ pātubhavatīti.

Gahapatiratanavaṇṇanā

Evaṃ pātubhūtaitthiratanassa pana rañño cakkavattissa dhanakaraṇīyānaṃ kiccānaṃ yathāsukhappavattanatthaṃ gahapatiratanaṃ pātubhavati. So pakatiyāva mahābhogo mahābhogakule jāto rañño dhanarāsivaḍḍhako seṭṭhi gahapati hoti, cakkaratanānubhāvasahitaṃ panassa kammavipākajaṃ dibbacakkhu pātubhavati, yena antopathaviyaṃ yojanabbhantare nidhiṃ passati. So taṃ sampattiṃ disvā tuṭṭhahadayo gantvā rājānaṃ dhanena pavāretvā sabbāni dhanakaraṇīyāni sampādeti. Tena vuttaṃ puna caparaṃ, bhikkhave…pe… evarūpaṃ gahapatiratanaṃ pātubhavatīti.

Pariṇāyakaratanavaṇṇanā

Evaṃ pātubhūtagahapatiratanassa pana rañño cakkavattissa sabbakiccasaṃvidhānasamatthaṃ pariṇāyakaratanaṃ pātubhavati. So rañño jeṭṭhaputtova hoti. Pakatiyā eva paṇḍito byatto medhāvī, rañño puññānubhāvaṃ nissāya panassa attano kammānubhāvena paracittañāṇaṃ uppajjati. Yena dvādasayojanāya rājaparisāya cittācāraṃ ñatvā rañño ahite hite ca vavatthapetuṃ samattho hoti. Sopi taṃ attano ānubhāvaṃ disvā tuṭṭhahadayo rājānaṃ sabbakiccānusāsanena pavāreti. Tena vuttaṃ puna caparaṃ…pe… pariṇāyakaratanaṃ pātubhavatīti. Tattha ṭhapetabbaṃ ṭhapetunti tasmiṃ tasmiṃ ṭhānantare ṭhapetabbaṃ ṭhapetuṃ.

259. Samavepākiniyātiādi heṭṭhā vuttameva.

260. Kaṭaggahenāti jayaggāhena. Mahantaṃ bhogakkhandhanti ekappahāreneva dve vā tīṇi vā satasahassāni. Kevalā paripūrā paṇḍitabhūmīti paṇḍito tīṇi sucaritāni pūretvā sagge nibbattati, tato manussalokaṃ āgacchanto kularūpabhogasampattiyaṃ nibbattati, tattha ṭhito tīṇi ca sucaritāni pūretvā puna sagge nibbattatīti ayaṃ sakalā paripuṇṇā paṇḍitabhūmi. Sesaṃ sabbattha uttānamevāti.
Papañcasūdaniyā majjhimanikāyaṭṭhakathāya

Bālapaṇḍitasuttavaṇṇanā niṭṭhitā.

-ooOoo-


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Xin giảng rõ câu Phật ngôn: chúng sanh sanh vào cõi khổ rất khó và rất lâu mới sanh lại làm nguời "  Vì ở đấy, này các Tỷ-kheo, không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ-kheo, ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu". - TT Pháp Đăng


                
      


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment