Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 18/1/2019
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BA CHI phần 3.17
xxiv) Ba thời: Quá khứ thời, vị lai thời, hiện tại thời. (tayo addhā — atīto addhā, anāgato addhā, paccuppanno addhā.).
Thời – addhā - ở đây chỉ cho thời gian trong ý nghĩa phân định (addhā cũng còn nghĩa khác là đường, hướng)
Thời quá khứ - atīto addhā - chỉ cho thời gian đã qua dù là kiếp trước, năm trưóc, hay khoảnh khắc trước.
Thời vị lai - anāgato addhā – là thời khắc chưa đến không chỉ riêng điều đang đến (đương lai) hay bất định (vị có thể nhiều yếu tố sẽ xảy ra làm thay đổi cục diện)
Thời hiện tại - paccuppanno addhā – là thời điểm khó định nghĩa nhất trong Phật học. Như một mũi viết chì trên gạch thẳng, thời hiện tại có thể xác lập bằng một khoảnh khắc cực vi của sát na (khana). Thí dụ năm giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác biết năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc là cái biết trực tiếp không sát na ngắn ngủi. Nói cách khác khi tiếng chim hót đập vào tai thì trong đó có nhĩ thức biết cảnh thinh. Khoảnh khắc ngắn ngủi sau đó suy tưởng thì tiếng chim kêu không còn là cảnh thinh mà là cảnh pháp.
Giống như trong văn phạm của ngôn ngữ có những phân định tế nhị về quá khứ hoàn thành, quá khứ tiếp diễn ...v..v... Phật học nêu rõ sự biết khác biệt giữa các thức (như nhãn thức, nhĩ thức..) với với tưởng (saññā). Trong pháp hành, một hành giả tu tập thiền quán chánh niệm hiện tại cần phân biệt rõ với hồi quán quá khứ.
Giữa hai truyền thống Nam Truyền và Bắc Truyền cũng có những dị biệt đáng kể thí dụ Phật giáo Đại Thừa gọi Đức Phật A Di Đà là Phật quá khứ, Đức Phật Thích Ca là Phật hiện tại, Đức Phật Di Lặc là Phật đương lai nhưng vẫn khẳng định Đức A Di Dà vẫn hiện thế và mãi mãi như thế (Vô lượng thọ). (Quan niệm như vậy chỉ là sự ra đời trước sau chứ không phân được quá, hiện, vị lai). Theo Phật giáo Nguyên Thủy thì một vị Phật hiện tại được tính thời gian trụ thế và thời gian giáo pháp lưu truyền. Khi một vị Phật viên tịch và khi giáo pháp không còn tồn tại thì là vị Phật quá khứ.
Một ý nghĩa khác của Pháp chơn đế (paramattha) là quá khứ thế nào, hiện tại như vậy, hiện tại thế nào tương lai như vậy gọi là chơn đế.
Pháp của Đức Phật cũng gọi là Pháp Vượt Thời Gian (akàliko)
Nếp sống đúng theo thiền quán chánh niệm là “Sống với hiện tại”
Hạnh phúc do tâm an định trên đề mục thiền với các chi thiền không bị pháp triền cái chi phối gọi là “Hiện tại lạc trú”
Giáo lý duyên khởi chuyên chở những phân định về nhân quá khứ - quả hiện tại, nhân hiện tại - quả tương lai với những điểm nhấn hết sức tế nhị.
Có những thứ bị chi phối bởi thời gian, có những thứ ngoài thời gian.
Có thể nói ý niệm về thời gian là phạm trù rất rộng lớn và tế nhị trong Phật học bởi vì những gì thuộc quá khứ ở thời điểm nào đó đã là tương lai, là hiện tại, bây giờ trôi về dĩ vãng. Tuy khác như giống nhau. Bản chất của quá khứ là không thể thay đổi, tương lai vô định, chỉ có hiện tại mới thật là cảnh giới của chánh niệm tuệ quán. Tuy giống nhưng rất khác.
Chánh văn sớ giải:
tayo addhāti tayo kālā. atīto addhātiādīsu dvepariyāyā suttantapariyāyo ca abhidhammapariyāyo ca. suttantapariyāyena paṭisandhito pubbe atīto addhā nāma. cutito pacchā anāgato addhā nāma. saha cutipaṭisandhīhi tadantaraṃ paccuppanno addhā nāma. abhidhammapariyāyena tīsu khaṇesu bhaṅgato uddhaṃ atīto addhā nāma. uppādato pubbe anāgato addhā nāma. khaṇattaye paccuppanno addhā nāma. atītādibhedo ca nāma ayaṃ dhammānaṃ hoti, na kālassa. atītādibhede pana dhamme upādāya idha paramatthato avijjamānopi kālo teneva vohārena vuttoti veditabbo..
CHÁNH KINH
10. Này các Hiền giả, có ba pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là ba pháp?
……………………………..
xxiv) Ba thời (tayo addhā):
*Quá khứ thời (atīto addhā)
*vị lai thời (anāgato addhā)
*hiện tại thời. (paccuppanno addhā).
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Tính theo luân hồi thì quá khứ hiện tại vị lai tính như thế nào- ĐĐ Pháp Tính
Thảo luận 3. Tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Gotama đã viên tịch vẫn gọi là Đức Phật hiện tại tai? . Xin cho vài thí dụ về những nhấn mạnh đặc trưng về thời gian theo kinh tạng. luật tạng, A Tỳ đàm tạng - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Những câu hỏi “ Ta từ đâu tới “ hoặc “ rồi ta sẽ về đâu “ có quan trọng để tìm câu trả lời chăng? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment