Wednesday, January 2, 2019

Bài học. Thứ Tư ngày 2 tháng 1, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 2/1/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP BA CHI phần 3.1

Nếu những đề tài pháp hai chi thường mang tính lưỡng biên đối đãi thì pháp ba chi thường mang tính toàn diện dù đó là lãnh vực nội tại như dục ái, hữu ái, phi hữu ái hay vũ trụ quan như dục giới, sắc giới, vô sắc giới . Chính vì thế phần Pháp Ba Chi chứa đựng nhiều đề tài rất quan trọng trong Phật học về pháp giới. Để có khái niệm tổng quát cần đọc trọn chánh kinh của phần nầy mặc dù bài giảng chi tập chú vào đề tài đầu tiên là  ba bất thiện căn: Tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn. tīṇi akusalamūlāni — lobho akusalamūlaṁ, doso akusalamūlaṁ, moho akusalamūlaṁ.
Căn = mùla nghĩa là cội rễ. Bất thiện căn là cội rễ của phiền não và tất cả ác pháp.
Tham – lobha là sự dính mắc bám víu đối với cảnh.
Sân- dosa là sự khó chịu muốn hủy diệt cảnh.
Si – moha là trạng thái mê mơ giao động
Những thuộc tánh của tâm có nhiều nhưng khi đơn cử ba pháp là “đầu não” của tâm bất thiện thì điều nầy mang ý nghĩa lớn trong Phật pháp.

Vì trong bản dịch tiếng Việt có rất nhiều từ đồng âm dị nghĩa nên cần chú thích rõ ràng thuật ngữ tiếng Pàli, một điều mà tất cả người học cần quan tâm để không nhầm lẫnl


CHÁNH KINH
Ba pháp
10. Này các Hiền giả, có ba pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là ba pháp?
i) Ba bất thiện căn: Tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn.
ii) Ba thiện căn: Vô tham thiện căn, vô sân thiện căn, vô si thiện căn.
iii) Ba ác hạnh: Thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh.
iv) Ba thiện hạnh: Thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh, ý thiện hạnh.
v) Ba bất thiện tầm: Dục tầm, sân tầm, hại tầm.
vi) Ba thiện tầm: Ly dục tầm, vô sân tầm, vô hại tầm.
vii) Ba bất thiện tư duy: Dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy.
viii) Ba thiện tư duy: Ly dục tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy.
ix) Ba bất thiện tưởng: Dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng.
x) Ba thiện tưởng: Ly dục tưởng, vô sân tưởng, vô hại tưởng.
xi) Ba bất thiện giới: Dục giới, sân giới, hại giới.
xii) Ba thiện giới: Ly dục giới, vô sân giới, vô hại giới.
xiii) Ba giới khác: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
xiv) Ba giới khác: Sắc giới, vô sắc giới, diệt giới.
xv) Ba giới khác: Liệt giới, trung giới, thắng giới.
xvi) Ba ái: Dục ái, hữu ái, vô hữu ái.
xvii) Ba ái khác: Dục ái, sắc ái, vô sắc ái.
xviii) Ba ái khác: Sắc ái, vô sắc ái, diệt ái.
xix) Ba kiết sử: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ.
xx) Ba lậu: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
xxi) Ba hữu: Dục hữu, sắc hữu, vô minh hữu.
xxii) Ba cầu: Dục cầu, hữu cầu, phạm hạnh cầu.
xxiii) Ba mạn: Thắng mạn, đẳng mạn, ty liệt mạn.
xxiv) Ba thời: Quá khứ thời, vị lai thời, hiện tại thời.
xxv) Ba biên: Hữu thân biên, hữu thân tập biên, hữu thân diệt biên.
xvi) Ba thọ: Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ.
xvii) Ba khổ tánh: Khổ khổ, hành khổ, hoại khổ.
xxviii) Ba tụ: Tà định tụ, chánh định tụ, bất định tụ.
xxix) Ba nghi: Ðối với vấn đề thuộc quá khứ nghi ngờ, do dự, không quyết định, không hài lòng; đối với các vấn đề thuộc tương lai, nghi ngờ, do dự, không quyết định, không hài lòng; đối với các vấn đề hiện tại nghi ngờ, do dự, không quyết định, không hài lòng.
xxx) Ba điều Như Lai không cần gìn giữ: Này các Hiền giả, Như Lai thanh tịnh thiện hành về thân. Như Lai không có ác về thân mà Như Lai phải gìn giữ: "Chớ để người khác biết việc này về Ta". Này các Hiền giả, Như Lai thanh tịnh thiện hành về miệng. Như Lai không có ác hạnh về miệng mà Như Lai phải gìn giữ: "Chớ để người khác biết việc này về Ta". Này các Hiền giả, Như Lai thanh tịnh thiện hành về ý. Như Lai không có ác hạnh về ý mà Như Lai phải gìn giữ: "Chớ để người khác biết việc này về Ta".
xxxi) Ba chướng: Tham chướng, sân chướng, si chướng.
xxxii) Ba loại lửa: Lửa tham, lửa sân, lửa si.
xxxiii) Ba loại lửa khác: Lửa của người hiếu kính, lửa của người gia chủ, lửa của người cúng dường (cha mẹ, vợ con và các vị xuất gia).
xxxiv) Ba loại sắc tụ: Hữu kiến hữu đối sắc, vô kiến hữu đối sắc, vô kiến vô đối sắc.
xxxv) Ba hành: Phước hành, phi phước hành, bất động hành.
xxxvi) Ba loại người: Hữu học nhân, vô học nhân, phi hữu học phi vô học nhân.
xxxvii) Ba vị trưởng lão: Sanh trưởng lão, pháp trưởng lão, nhập định trưởng lão.
xxxviii) Ba phước nghiệp sự: Thí hành phước nghiệp sự, giới hành phước nghiệp sự, tu hành phước nghiệp sự.
xxxix) Ba cử tội sự: Thấy, nghe và nghi.
xl) Ba dục sanh: Này các Hiền giả, có những loại hữu tình do dục an trú. Ðối với các dục, họ chịu sự an trú, họ bị chi phối phụ thuộc, như loài Người, một số chư Thiên, một số tái sanh trong đọa xứ. Ðó là loại dục sanh thứ nhất. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình có lòng dục đối với những sự vật do họ tạo ra. Họ tạo hóa ra các sự vật và họ sống bị chi phối phụ thuộc hóa ra các sự vật và họ sống bị chi phối phụ thuộc trong những dục vọng ấy, như các loài chư Thiên Nimmàna-Rati (Hóa Lạc thiên). Ðó là loại dục sanh thứ hai. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình có lòng dục đối sự vật do các loài khác tạo ra. Họ sống bị chi phối phụ thuộc trong những dục vọng đối với sự vật do các loại khác tạo ra. Như các loài chư Thiên Para-nimmitava-savatti (Tha Hóa Tự tại thiên). Ðó là hạng dục sanh thứ ba.
xli) Ba loại lạc sanh: Này các Hiền giả, có những loài hữu tình (trong quá khứ) luôn luôn tạo ra (thiền định lạc) hay sống trong sự an lạc, như các vị Brahma - Kàyikà (Phạm Chúng thiên). Ðó là hạng lạc sanh thứ nhất. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình thấm nhuần, biến mãn, sung mãn, hưng thịnh với an lạc. Thỉnh thoảng họ thốt ra những câu cảm hứng: "Ôi an lạc thay! Ôi an lạc thay!", như chư Thiên Abhassarà (Quang Âm thiên). Ðó là hạng lạc sanh thứ hai. Này các Hiền giả, có những loại hữu tình thấm nhuần, biến mãn, sung mãn, hưng thịnh với an lạc. Họ sống mãn túc với an lạc ấy, cảm thọ an lạc, như chư Thiên Subhakinnà (Biến Tịnh thiên). Ðó là loại lạc sanh thứ ba.
xlii) Ba tuệ: Hữu học tuệ, vô học tuệ, phi hữu học phi vô học tuệ.
xliii) Lại ba tuệ khác: Tư sanh tuệ, văn sanh tuệ, tu sanh tuệ.
xliv) Ba loại binh khí: Nghe, xả ly và tuệ.
xlv) Ba căn: Vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn.
xlvi) Ba nhãn: Nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn.
xlvii) Ba học: Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.
xlviii) Ba sự tu tập: Thân tu, tâm tu, tuệ tu.
xlix) Ba vô thượng: Kiến vô thượng, hành vô thượng, giải thoát vô thượng.
l) Ba định: Hữu tầm hữu tứ định, vô tầm hữu tứ định, vô tầm vô tứ định.
li) Lại ba định khác: Không định, vô tướng định, vô nguyện định.
lii) Ba thanh tịnh: Thân thanh tịnh, ngữ thanh tịnh, ý thanh tịnh.
liii) Ba tịch mặc: Thân tịch mặc, ngữ tịch mặc, ý tịch mặc.
liv) Ba thiện xảo: Tăng ích thiện xảo, tổn ích thiện xảo, phương tiện thiện xảo.
lv) Ba kiêu: Vô bệnh kiêu, niên tráng kiêu, hoạt mạng kiêu.
lvi) Ba tăng thượng: Ngã tăng thượng, thế tăng thượng, pháp tăng thượng.
lvii) Ba luận sự: Luận bàn về vấn đề quá khứ: "Sự việc này xảy ra trong quá khứ"; luận bàn về vấn đề tương lai: "Sự việc này xảy ra trong tương lai"; luận bàn về vấn đề hiện tại: "Sự việc này xảy ra trong hiện tại".
lvii) Ba minh: Túc mạng trí minh, Hữu tình sanh tử minh, Lậu tận trí minh.
lix) Ba trú: Thiên trú, Phạm trú, Thánh trú.
lx) Ba thần thông: Thần túc thần thông, tri tha tâm thần thông, giáo giới thần thông.
Này các Hiền giả, ba pháp này được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.



ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Bất thiện căn, phiền não và ác pháp nên được phân biệt thế nào trong Phật học? - TT Pháp Tân

Thảo luận 2. Tham, trạng thái bám víu cảnh, và sân, trạng thái muốn hủy diệt cảnh mới nghe như nước với lửa đối lập nhau nhưng tại sao nhiều khi có vẻ như “xuất hiện chung” thí dụ một người sát sanh trong sự thích thú? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 3. Tại sao Phật học dạy rằng “si hay vô minh có mặt trong tất cả tâm bất thiện” nhưng có nhiều trường hợp người tham lam hay sân ác rất khôn ngoan trong hành động? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 4. : Tại sao ở phương diện nào đó thì ngã chấp là một phiền não lớn nhưng ngã mạn lại không là bất thiện căn? Thân kiến là ngã chấp nhưng có phải là ngã mạn? - TT Tuệ Siêu



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment