Sunday, October 20, 2019

Bài học. Chủ Nhật ngày 20 tháng 10, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 20/10/2019 
8. Kinh Ðoạn Giảm (Sallekha sutta)

112. Những phiền não, bất thiện pháp cần đoạn giảm nêu trong bài kinh gồm những gì?

Đây là lược kê lớn nhất và tương đối đặc biệt gồm 44 cấu uế: 1. Tác hại; 2. Sát sinh; 3. Lấy của không cho; 4. Tà hạnh; 5. Nói dối; 6. Hai lưỡi; 7. Nói độc ác; 8. Nói phù phiếm; 9. Tham; 10. Sân; 11. Tà kiến; 12. Tà tư duy; 13. Tà ngữ; 14. Tà nghiệp; 15. Tà mạng; 16. Tà tinh tiến; 17. Tà niệm; 18. Tà định; 19. Tà trí; 20. Tà giải thoát; 21. Hôn trầm; 22. Trạo hối; 23. Nghi hoặc; 24. Phẫn nộ; 25. Oán hận; 26. Hư ngụy; 27. Não hại; 28. Tật đố; 29. Xan tham; 30. Man trá; 31. Khi cuống; 32. Ngoan cố; 33. Manh động; 34. Mạn; 35. Quá mạn; 36. Cang ngạnh; 37. Ác hữu; 38. Phóng dật; 39. Bất tín; 40. Vô tàm; 41. Vô quý; 42. Dốt nát; 43. Biếng nhác; 44. Thất niệm; 45. Liệt tuệ; 46. Nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, khó hành xả.
Phần lớn những pháp bất thiện nầy nầy trong thập ác, thập tà, năm triền cái, mười sáu tuỳ phiền não, bảy pháp hạ liệt.

113. Đoạn giảm bằng cách nào? 
Có năm cách để đoạn giảm bất thiện pháp được dạy trong pháp thoại nầy:  
a. Quyết định tánh về thiện (sallekhapariyāyo)
b. “Phát bồ đề tâm” (cittuppādapariyāyo)
c. Thực hành pháp đối lập (parikkamanapariyāyo)
d. Hướng thượng (uparibhāgapariyāyo)
e. Tự giác mới có thể giác tha (parinibbānapariyāyo)

114. Quyết định tánh về thiện (sallekhapariyāyo)?
Là sự khẳng định không chấp nhận bất thiện pháp:
(1) "Những kẻ khác có thể là những người làm hại, chúng ta ở đây không thể là những người làm hại", như vậy đoạn giảm được thực hiện.
(2) "Những kẻ khác có thể sát sanh, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ sát sanh", như vậy đoạn giảm được thực hiện.
(3) "Những kẻ khác có thể lấy của không cho, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ lấy của không cho", như vậy đoạn giảm được thực hiện.
……………..

115. Thế nào là “phát bồ đề tâm (cittuppādapariyāyo)?
Là sự phát tâm dõng mãnh theo con đường thiện:
Này Cunda, Ta nói rằng sự khởi tâm rất có lợi ích cho các thiện pháp, còn nói gì thân nghiệp, khẩu nghiệp phù hợp (với tâm ý). Do vậy, này Cunda:

(1) "Những kẻ khác có thể làm hại, chúng ta ở đây sẽ không làm hại", cần phải khởi tâm như vậy.
(2) "Những kẻ khác có thể sát sanh, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ sát sanh", cần phải khởi tâm như vậy... (như trên)...
(3-43) "Những kẻ khác... (như trên)...
(44) "Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả", cần phải phát tâm như vậy.

116. Thế nào là thực hành pháp đối lập (parikkamanapariyāyo)?

Là sự thực hành những pháp ngược lại với bất thiện pháp:
Này Cunda, giống như một con đường không bằng phẳng, có một con đường bằng phẳng khác đối trị. Này Cunda, giống như một bến nước không bằng phẳng, có một bến nước bằng phẳng khác đối trị. Cũng vậy này Cunda:

(1) Ðối với con người làm hại, có sự không làm hại đối trị.
(2) Ðối với con người sát sanh, có từ bỏ sát sanh đối trị.
(3) Ðối với con người lấy của không cho, có từ bỏ lấy của không cho đối trị.
…………………………………………..

117. Thế nào là hướng thượng(uparibhāgapariyāyo) ?
Là sống với chí hướng cao cả:
Này Cunda, ví như các bất thiện pháp, tất cả đều hướng hạ, còn các thiện pháp, tất cả đều hướng thượng. Cũng vậy, này Cunda:

(1) Con người không làm hại, hướng thượng đối với người làm hại, con người từ bỏ sát sanh, hướng thượng đối với người sát sanh.
(2) Con người từ bỏ lấy của không cho, hướng thượng đối với người lấy của không cho.
………………………………..

118. Thế nào là tự giác mới có thể giác tha (parinibbānapariyāyo)?

Là ý thức rõ ràng nếu muốn tế độ chúng sanh khác thì tự mình phải giải thoát trước:
Này Cunda, con người tự mình bị rơi vào bùn lầy có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy không thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không rơi vào bùn lầy, có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy có thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không được nhiếp phục, không được huấn luyện, không được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện và hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy không thể xảy ra. Một người được nhiếp phục, được huấn luyện, được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện, hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy có thể xảy ra. Cũng vậy, này Cunda:

(1) Ðối với người làm hại, không làm hại đưa đến hoàn toàn giải thoát; đối với con người sát sanh, từ bỏ sát sanh đưa đến hoàn toàn giải thoát.
(2) Ðối với con người lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho đưa đến hoàn toàn giải thoát.
(3-43) Ðối với con người không phạm hạnh, sống phạm hạnh...
…………………..
119. Đức Phật đã kêu gọi gì cuối pháp thoại?
Lời kêu gọi hàng đệ tử  phát tâm tu tập từ ý thức được cơ duyên hãn hữu:
Này Cunda, những gì bậc Ðạo Sư phải làm, vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng cho các Người. Này Cunda, đây là những gốc cây, đây là những nhà không tịnh. Này Cunda, hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta cho các Người.


ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Phải chăng khi tìm hiểu nhiều bài kinh trong Trung Bộ người học cần có cái nhìn tổng quát để có thể lãnh hội ý chính của bài kinh? - TT Tuệ Siêu 


 Thảo luận 2. Tại sao trong bài kinh Đức Phật thường dạy về sự cân nhắc giữa mình và người khác? (người khác sát sanh, trộm cắp … mình không sát sanh trộm cắp…) - TT Pháp Đăng

Thảo luận 3. Thế nào là tinh thần hướng thượng nhưng không “đánh bóng bản ngã” của mình? - TT Tuệ  Quyền 


Thảo luận 4. Phát “bồ đề tâm” và ý muốn thông thường khác nhau thế nào? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận

Thảo luận 6. TT Pháp Đăng chia sẻ thêm về bài học 


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment